Trâu chết để da, người ta chết để tiếng! |
Tác Giả: Việt Đạo Quang | |||
Thứ Tư, 21 Tháng 1 Năm 2009 16:52 | |||
Tháng trước, có dịp tôi ghé thăm người bạn đã lâu không gặp. Sau vài câu chào hỏi đùa vui, chúng tôi nói đến chuyện Tết Nguyên Đán sắp đến. Sau khi nhẩm tính, người bạn cho biết năm tới là năm Kỷ Sửu. Tiện miệng, anh nói: “The year of the Ox.” Tôi hỏi: “Việt Nam mình kêu là năm con trâu, còn người Tàu gọi là năm con Bò. Vậy, mình đúng hay họ đúng?” Anh bạn trả lời: “Dĩ nhiên là Việt Nam mình đúng. Mình có phân biệt trâu với bò, còn người Tàu thì không. Bởi vậy khi dịch sang tiếng Anh họ thấy chữ nào tiện gọn thì dùng.” Tôi hỏi: “Chỉ vậy thôi sao?” Anh bạn đáp: “Người Việt Nam mình vốn sống về nghề nông, ngày đêm cày cấy với con trâu. Khi trâu chết thì lấy da thuộc mà dùng. Bởi vậy con trâu gần gũi với mình hơn con bò. Văn học mình có câu: “Trâu ơi ta bảo trâu này. Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta…” Lại cũng có câu: “Trâu chết để da, người ta chết để tiếng.” Từ buổi đó đến nay, tôi vẫn tự hỏi, làm sao người chết có thể để tiếng lại. Ngày nay, phương tiện truyền thông tuy có giúp cho người ta tìm tòi học hỏi dễ dàng nhưng cũng bị bọn gian lạm dụng không ít. Chỉ cần vung tiền ra, làm nhiều trang web, tung tin thất thiệt và bóp méo lịch sử thì kẻ hậu học sẽ lạc trong hỏa mù. Suy đi gẫm lại, tôi nhận thấy rằng chỉ có sống sao không thẹn với lương tâm thì tiếng đó mới phải là tiếng mình để lại: Người biết chuyện nghe đến thì kính phục, kẻ thù nghe đến tuy ghét nhưng cũng nể. Nói tuy đơn giản nhưng tự cổ chí kim, bao nhiêu người đã dùng danh nghĩa lương tâm để làm nhiều chuyện mờ ám. Lý luận xa vời đến đâu, ai ai cũng công nhận rằng nếu theo lương tâm thì luôn luôn sẵn sàng đứng trước sự thật. Nói đến sự thật, tôi chợt nhớ đến một dịp mừng Tết với bạn bè được thưởng thức những bản nhạc Xuân trước năm 75. Trong cuộc trò chuyện, một người trong nhóm hỏi: “Tại sao các ca sĩ ngày nay không hát những bài này?” Có người cho rằng vì hầu hết những bài hát Xuân trước năm 75 đều có đề cập đến chiến tranh: tuy tựa bài nói về Xuân nhưng lời hát không tả được cái vui của Xuân chút nào. Sau cuộc tranh luận, chúng tôi nhận thấy rằng ngày nay người ta không hát những bản nhạc trước 75 không phải vì tất cả đều buồn mà vì họ muốn trốn tránh sự thật. Họ không muốn nhắc đến chiến tranh vô nghĩa do bọn Việt gian cs tạo nên. Hễ bài nào có nhắc đến “chiến sĩ” hay “mong đợi hòa bình” thì một là bị sửa lời, hai là không nhắc đến. Ví dụ như bài Ly Rượu Mừng bất hủ của nhạc sĩ Phạm Đình Chương cũng được xếp vào một xó vì nó có câu “chúc người binh sĩ lên đường, chiến đấu công thành…” Còn như bài Hoa Xuân do Thái Hiền thực hiện thì câu: “Hoa chẳng yêu lũ bướm lả lơi, muốn yêu anh vác cày trên đồi, hay là yêu chíến sĩ nghìn nơi”, được đổi thành: “… hay là yêu thi sĩ miền quê.” Tại sao họ không muốn nhắc đến “chiến sĩ”? Hễ nhắc đến “chiến sĩ” tất phải nhắc đến “chiến tranh”, mà nói đến chiến tranh tất phải nói đến kẻ gây nên chiến tranh. Có người vì ngây thơ cho rằng chiến tranh đã qua rồi không nên nhắc đến. Nhưng cũng có kẻ cố tình tránh nhắc đến chiến tranh. Vì nếu nhắc đến chiến tranh, một mặt họ không tiện làm mích lòng bọn Việt gian cs, mặt khác họ không thể nghiễm nhiên bóp méo lịch sử trước bao nhiêu nhân chứng lịch sử để chạy tội cho đảng cướp. Trong số các bài hát Xuân trước 75 quả có một số bài nghe buồn rầu chán nản. Tuy nhiên, có những bài: nhạc tuy không nhộn nhịp nhưng không thể gọi là buồn được. Trên thế giới, bao nhiêu quốc gia khác cũng có những bản nhạc tương tự, như nhạc Phù Tang của Nhật Bản, vẫn được trình diễn mà đất nước họ không thấy đi xuống. Thiết nghĩ, trước khi phê bình bản nhạc, người nghe cần phân biệt giữa điệu nhạc buồn chán và điệu nhạc nghiêm trang. Cứ xét các bản nhạc trong tôn giáo thì thấy: những bài hát mừng đại lễ không nhất thiết là phải nhộn nhịp. Nếu mục đích của nhạc sĩ là để cho người nghe suy niệm về một điều gì trong thực tại thì điệu nhạc thường có phần nghiêm trang và từ tốn. Trong suốt cuộc chiến chống Việt gian cs, một số bài hát Xuân được viết với mục đích này. Cuộc chiến mà chúng ta tham gia không phải là cuộc chiến chống lại một lý tưởng mà là một sự phản kháng, chống lại một sự gian dối lừa đảo. Ngày nào sự gian dối còn, ngày đó sự phản kháng vẫn xảy ra. Vậy thì, tại sao trong chúng ta lại có người vội vã dối lương tâm chấp nhận gian dối? Khi nghe lại những bản nhạc này, tôi cảm nhận được tinh thần cao vời bất khuất của tiền nhân và dốc tâm sống theo tinh thần đó. Nhiều lúc, khi nghe lời phân giải của tôi, có người cho rằng tôi quá khích, đầu óc lúc nào cũng lo chống đối mà không biết đến hòa nhã. Thế nhưng họ quên một điều là hạng người như tôi đấu tranh không ngừng vì hai chữ “hòa bình”, vì chúng tôi ý thức được là “cư an tư nguy.” Còn bọn người mà họ muốn hòa hợp hòa giải với thì luôn dùng chữ “hòa” để đánh cướp bất ngờ. Dòng sử chưa viết ráo mực, chỉ cần chút lương tâm cũng nhận ra được. Thế nhưng, lương tâm là gì? Người xưa quả khéo chọn từ để nói lên khái niệm sâu sắc nhưng đơn giản này: chữ “lương” trong “lương tâm” nghĩa là mát mẻ chứ không phải là tốt lành. Hễ bên trong mát tức bên ngoài ấm. Người có lương tâm thì động (ấm) bên ngoài để giữ cái tịnh (mát) bên trong. Người bị cảm hàn thì bị hàn tà vít ở bên ngoài, khiến cho mồ hôi không ra được mà dương bí ở bên trong. Vì thế mà bên ngoài lạnh mà bên trong sốt. Cái “hòa nhã” tránh né sự thật của họ là một cái dịch bệnh biến lương tâm họ thành “ôn” tâm. Người đã không có lương tâm thì chỉ để lại tiếng xấu và nhục nhã cho con cháu. Nhân dịp Xuân Kỷ Sửu đến, kính chúc mọi người mọi nhà thoát khỏi dịch “ôn” tâm để tinh thần được gần gũi với Tổ Tiên mà để lại tiếng thơm muôn đời.
|