Một chương sử mới |
Tác Giả: Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh | |||
Thứ Năm, 22 Tháng 1 Năm 2009 00:37 | |||
Lễ tấn phong Barack Obama làm Tổng Thống đã diễn ra thật huy hoàng, hiếm có trong lịch sử Mỹ. Thật ra phần đầu buổi lễ đã bắt đầu từ Thứ bẩy 17-1 khi Obama đi từ Chicago đến Thủ đô Washington bằng đường sắt. Sáng sớm Chủ nhật Obama xuất hiện trước khu tiền đình rộng lớn của tòa nhà Capitol (Quốc hội), nơi đây một số rất đông dân chúng đã tụ tập từ khuya để xem các buổi trình diễn ca nhạc trước đài Tưởng niệm Abraham Lincoln. Qua ngày Thứ hai, ngày kỷ niệm Mục sư Martin Luther King Jr, dân chúng tụ tập càng đông hơn. Hai danh nhân này tiêu biểu cho hai chặng đường rất có ý nghĩa trong lịch sử nước Mỹ. Tổng Thống Lincoln là người đã kết thúc nội chiến Nam-Bắc Mỹ và giải phóng người nô lệ da đen giữa Thế kỷ 19. Các sử gia Mỹ ngày nay đã đưa Lincoln lên hàng đầu trong số các Tổng Thống vĩ đại nhất. Luther King gốc người da đen, một nhân vật tranh đấu cho quyền công dân của người Mỹ da mầu, đã bị ám sát năm 1968 ở Atlanta. Ngày nay dân Mỹ chọn ngày sinh của ông (19-1-1929) làm ngày quốc lễ, ngang hàng với hai vị Tổng Thống Washington và Lincoln. Lúc còn sinh thời Luther King đã nói chỉ trong khoảng 40 năm nữa nước Mỹ sẽ có một Tổng Thống da đen. Ngày nay người ta thấy lời tiên đoán đó quá đúng. Obama chọn ngày 20-1, một ngày sau ngày Luther King, để làm lễ tựu chức tại Capitol. Barack Obama đã tuyên thệ, một tay để lên Cuốn Thánh kinh rất quý giá, di tích lịch sử năm xưa Abraham Lincoln đặt tay lên cuốn Thánh kinh này để tuyên thệ tựu chức Tổng Thống. Trong diễn từ đầu tiên của ông, trước một đám đông hơn 1 triệu người đứng kín tiền đường rộng lớn của Capitol, Tổng Thống Obama nói nước Mỹ “phải chọn hy vọng hơn sợ hãi, đoàn kết về mục tiêu thay vì tranh chấp và bất hòa” để vượt trên một cuộc khủng hoảng kinh tế tệ hại nhất kể từ cuộc Đại Khủng hoảng năm xưa. Hàng chục triệu người dân Mỹ theo dõi buổi lễ trên màn ảnh truyền hình, với từng chập vỗ tay, nhẩy lên reo hò mừng rỡ. Ở các nước trên thế giới mặc dù múi giờ khác nhau, ít nhất có hơn 200 triệu người xem truyền hình trực tiếp. Cả thế giới rộ lên một niềm hy vọng khi thấy khuôn mặt mới của một nước Mỹ đang sẵn sàng thay đổi. Obama nói: “Với thế giới Hồi giáo, chúng tôi muốn tìm một con đường mới để cùng tiến lên, lấy quyền lợi chung, tôn trọng lẫn nhau làm căn bản”. Nhưng ông cũng thẳng tay cảnh cáo: “Với những người lãnh đạo đó ở khắp nơi trên thế giới đang tìm cách reo rắc xung đột hoặc quy lỗi cho Tây phương gây ra những căn bệnh xã hội của họ, tôi bảo cho họ biết rằng: Dân của quý vị sẽ xét quý vị về những gì quý vị đã xây dựng, không phải về những gì quý vị đã phá hoại”. Về chính trị nội bộ của Mỹ, Obama kêu gọi một cuộc đình chiến về tranh chấp chính trị ở Washington, chấm dứt “những sự kèn cựa nhỏ nhen, những lời hứa hẹn giả dối, kêu ca trách móc, và những giáo điều đã cũ mèm, đó là những nguyên nhân từ lâu nay đã bóp nghẹt chủ trương chính sách của chúng ta”. Ông nói mọi người dân Mỹ đều có vai trò của mình xây dựng lại đất nước bằng cách mang lại sinh khí mới cho các truyền thống hăng say làm việc, thành thật thẳng thắn, bao dung, trung thực và yêu nước. “Điều cần thiết cho chúng ta lúc này là phải có một thời đại mới về tinh thần trách nhiệm, mọi người dân Mỹ đều phải nhìn nhận chúng ta đều có bổn phận với chính chúng ta, với đất nước chúng ta và thế giới, bổn phận chúng ta tiếp nhận không phải với sự miễn cưỡng cằn nhằn, mà phải nắm lấy nó với một niềm hân hoan thành thật”. Tiếng hoan hô tán thưởng của những người chứng kiến tại chỗ vang lên như sấm nổ. Riêng chúng tôi nhận thấy từ bầu không khí hoan lạc đó có một cái gì toát ra, không phải từ hình ảnh đám đông hay một cá nhân, kể cả một vị Tổng Thống đầu tiên là người Mỹ da mầu. Cái toát ra đó còn ở trên cả hình hài hay động tác của con người. Đó là tinh thần dân tộc. Đúng vậy, dân Mỹ không còn là đa số da trắng và các thiểu số da mầu, dân Mỹ nói chung là dân tộc một nước. Tinh thần dân tộc đó căn cứ trước hết và trên hết vào sự cộng tác chân thành giữa hai chính đảng Dân Chủ và Cộng Hòa. Nếu không có sự đồng hành lưỡng đảng, mọi ước mơ sẽ không bao giờ thành sự thật. Luther King đã từng nói một câu bất hủ: “Tôi có một ước mơ”. Tình cờ làm sao, trên màn hình TV tôi theo dõi buổi lễ này từ đầu, vào phần cuối tôi thoáng thấy hình ảnh Al Gore, cựu ứng viên Tổng Thống năm 2000 của đảng Dân Chủ chợt đứng gần John McCain. Gore bèn quay lại bắt tay McCain, ôm lấy cười niềm nở. McCain là ứng viên Tổng Thống của đảng Cộng Hòa năm 2008 đã thất cử trước Barack Obama. Vậy hãy nhớ lại người thắng cuộc tranh cử Tổng Thống năm 2000 là George W.Bush. Sau đó TT Bush không bao giờ nhìn ông Gore chớ đừng nói gì đến bắt tay. Mãi đến năm 2005, trong một dịp vui họp các chính khách ở Vườn Hồng Bạch Ốc, Bush tình cờ nhìn thấy Gore ở xa nhưng cũng không tiến đến bắt tay. Cũng trên màn hình cuối buổi lễ tấn phong, tôi nhìn thấy Cựu TT Bill Clinton tiến lại gần McCain và bắt tay vui vẻ hỏi thăm. Còn gì nữa không nhỉ? Còn một chuyện đặc biệt. Tối thứ hai trước ngày tuyên thệ tựu chức, Barack Obama đã chính thức mời John McCain dự dạ tiệc, các nhân vật thân cận của cả hai bên từng đấu với nhau vận động tranh cử cũng có mặt. Tin báo chí cho biết hai ông đã bàn về việc hợp tác lưỡng đảng. Một tia hy vọng cho nước Mỹ hay chăng? Ký giả viết lịch sử bằng tốc ký, nhưng ở thời đại ngày nay cây viết và máy computer của ký giả đã phải nhường bước cho các ống kính nhiếp ảnh và máy quay phim camera TV rất trung thực, không chút thiên lệch, được phổ biến nhanh như chớp nhoáng khắp hoàn cầu. Đó là lịch sử rõ nét từng chi tiết nhỏ, không ai có thể chối cãi hay sửa đổi. Quá khứ chỉ là những bài học kinh nghiệm của lịch sử. Hãy sống với hiện tại vào lúc khởi đầu Thế kỷ 21, để khỏi bị đẩy lui vào bóng tối của lịch sử. Hãy thích ứng với những tiến bộ thời nay để lưu lại các bài học kinh nghiệm cho các thế hệ mai hậu.
|