Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị sáng 5-1-2009, tổng bí thư Nông Đức Mạnh nêu rõ một nội dung Hội nghị sẽ bàn kỹ là vấn đề nhân sự trong đảng, vấn đề thực hiện "chiến lược cán bộ" trong hơn 2 năm qua. Vấn đề nhân sự, lựa chọn cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo là vấn đề then chốt, có ý nghĩa quyết định đối với vận mệnh của đảng và sự thành bại của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước, khi đảng cộng sản vẫn duy trì chế độ toàn trị độc đảng. Những đại biểu dự hội nghi trung ương 9 hiện nay hãy lắng nghe dư luận của quần chúng, từ những trí thức hiểu biết có tâm huyết cũng như từ người dân thường có lương tri và nhậy cảm. Xưa nay, việc tuyển chọn người vào cơ quan lãnh đạo đảng thường làm theo nếp cấp trên chọn cấp dưới; vài uỷ viên bộ chính trị trong đó trưởng ban tổ chức trung ương đảng (trước kia là Lê Đức Thọ, nay là Hồ Đức Việt) đóng vai trò đề xuất, thường là đề xuất vừa đủ số, không hơn không kém, theo kiểu áp đặt. Đôi lúc họ có thăm dò ý kiến cấp dưới nhưng chỉ làm một cách hình thức, cho có vẻ dân chủ mà thôi. Họ còn theo kiểu chia ghế theo địa phương, cân bằng Nam - Bắc, hay Bắc - Trung - Nam, mỗi tỉnh có 1 hoặc 2 người, Hànội, Sài gòn có 3 - 4 người , cho đủ mặt, toàn là quan chức bí thư, phó bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ, được gọi là cơ cấu . Chính nhiều người lãnh đạo đảng than phiền rằng việc tuyển lựa cán bộ xưa nay rất tuỳ tiện, theo cảm tính, theo tình cảm cá nhân, thường vội vã, hấp tấp theo kiểu "vơ bèo vạt tép ", "soi đuốc bắt ếch ", người tài đức không chọn, thường vớ phải vô số kẻ cơ hội, khéo nịnh, ích kỷ, hám danh tham lợi cá nhân. Hãy nhìn thẳng vào Bộ chính trị 14 vị hiện nay, là cơ quan lãnh đạo toàn quyền, có quyền lực bao trùm trên mọi mặt, không ai có quyền kiểm soát, kiểm tra, thanh tra, vì bộ chính trị chọn và chỉ đạo trực tiếp chính phủ, quốc hội, ngành an ninh, toà án tối cao, viện kiểm sát tối cao, thanh tra chính phủ, tổng kiểm toán nhà nước. Bộ chính trị là cơ quan quyền lực vô hạn độ, mang tính độc tài toàn trị. Điều lệ đảng tuy có nêu Ban chấp hành trung ương là cấp lãnh đạo cao nhất giữa 2 kỳ Đại hội, nghĩa là cao hơn Bộ chính trị, cao hơn cá nhân Tổng bí thư, nhưng thật ra, trên thực tế bao giờ Bộ chính trị cũng áp đảo trung ương và Tổng bí thư luôn áp đảo cả Bộ chính trị và Ban chấp hành trung ương, thực hiện quyền độc tài cá nhân. Cái "mạnh phi pháp" tạm thời cũng như "chỗ yếu chí mạng" dai dẳng của mọi đảng cộng sản chính là ở chỗ này. Ông Nông Đức Mạnh tổng bí thư hiện tại đã nhận chức này một cách ngẫu nhiên, không có chuẩn bị, không có ai dự kiến trước, dư luận cũng không một ai dự đoán trước. Tại Đại hội IX năm 2001, khi Đỗ Mười muốn gạt Lê Khả Phiêu, theo ý định trả thù : "nó gạt tôi thì tôi gạt nó", liền có một loạt ứng cử viên : Trần Đức Lương, Nguyễn Văn An, Phan Diễn... đều không có trọng lượng. Mỗi người chỉ có một thiểu số yểm trợ, 3 người bất phân thắng bại. Thế là ông Mạnh - người nhẹ cân nhất cả về tài và đức - được cả 3 phái trên đây ưng thuận vì ông cô độc đứng một mình, không chống ai, cũng chẳng ai chống ông. Lúc đầu ông từ chối, hiểu rằng tấm bằng trung cấp lâm nghiệp và vị trí tỉnh uỷ Thái nguyên là quá thấp so với trách nhiệm. Bị ép lần thứ hai, ông "đành " nhận với lời ra vẻ khiêm tốn "sẽ xin làm một nửa nhiệm kỳ" . Khi đã tại vị rồi, ông Mạnh đâm ra "mê" quyền lực, "say" chức vị số 1 của chế độ, để "xin được phục vụ" (!) cả nhiệm kỳ khoá IX, rồi còn ở lỳ sang khoá X. Để có thể được ở lại, sang khoá X năm 2006, khi ông (sinh tháng 9-1940 ) đã 66 tuổi (nghĩa là quá tuổi về hưu theo quy định là 65 tuổi, - không châm chước cho một ai), ông tỏ ý sẽ ở thêm nửa nhiệm kỳ là 2 năm rưỡi thôi, rồi sẽ chuyển giao cho người kế nhiệm tại Đại hội giữa nhiệm kỳ đấu năm 2009 này. Hiện nay việc thay thế ông Mạnh ở cương vị tổng bí thư - số 1 của chế độ, có được thực hiện ngay ở Hội nghị Trung ương 9 này không vẫn còn là điều bí ẩn. Trong diễn văn khai mạc không nói gì đến việc này. Đảng cộng sản hay chơi trò ú tim, úp úp mở mở. Chỉ biết là ông Mạnh vẫn còn mê quyền lực lắm. Nhưng trong đảng đang có một luồng mong muốn thay thế tổng bí thư. Trong trí thức, tuổi trẻ, trong đảng viên ở cơ sở mong muốn này khá mạnh. Những trí thức và nhà báo tâm huyết từ Hanội tỏ ra vô cùng ngán ngẩm về ông Mạnh. Người ta gọi ông là "ông Mạnh tài nông đức mỏng ". Ông không hề tự mình viết được một bài diễn văn hay một bài báo ! Ông không hề nói chuyện trước một cử tọa mà không cầm tờ giấy do trợ lý viết hộ từ trước để tuyên đọc. Ông được các đảng viên kỳ cựu ở Câu lạc bộ Thăng long đặt tên là anh " Hai Khoanh ". Vì ông chủ trương "khoanh" vụ Tổng Cục 2 lại, không cho đưa Bản Báo cáo đặc biệt của Ban Kiểm tra Liên ngành - do trung ương khoá IX cử ra đầu năm 2006 để điều tra về Vụ án Siêu nghiêm trọng ấy - trình trước Trung ương và Đại hội như đã định. Đây có thể coi là một tội vi phạm Điều lệ đảng, lộng quyền ngang ngược, khinh thường Trung ương và Đại hội đảng. Rất đáng chê trách là chính Trung ương đã từ nhiệm trách nhiệm của chính mình để giải quyết một vụ án lớn liên quan đến vận mệnh quốc gia. Nó chứng tỏ đảng cộng sản đầy những chuyện mờ ám, đen tối, theo kiểu thâm cung bí sử, một tổ chức xấu xa đầy mưu thâm giữa thế giới văn minh. Từ trong nước, được biết chính ông Mạnh đã ngáng trở, "khoanh lại" việc chống tham nhũng; ông Mạnh là kẻ ngăn chặn việc giải quyết Vụ án cực lớn PMU18, một mực bênh che và lật án cho Nguyễn Việt Tiến, Bùi Tiến Dũng, vì con rể và con gái ông có liên quan sâu đến đường dây tham nhũng trong bộ giao thông vận tải củ, do nguyên bộ trưởng Đào Đình Bình - cũng được ông Mạnh bảo trợ, - thao túng. Còn có ý kiến từ nguồn đáng tin cậy là cả Vụ PCI - Pacific Consultant Institute, một vụ tham nhũng lớn ở ngành giao thông, liên quan đến bị cáo Huỳnh Ngọc Sỹ, quan chức cao cấp và cấp uỷ đảng trong ngành giao thông, cũng được ông Mạnh có ý đố can thiệp để "khoanh lại" vì cũng liên quan đến Đào Đình Bình, Nguyễn Việt Tiến, Bùi Tiến Dũng ... Trung ương 9 có dám lên tiếng công khai, ngay thẳng và minh bạch về những chuyện bê bối trên hay không, có dám động đến tổng bí thư, khi bàn về thực hiện nghị quyết chống tham nhũng. Về ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, công luận trong nước nêu lên 2 vấn đề cực lớn trong phạm vi trách nhiệm trực tiếp của ông. Một là hồi giữa năm ngoái, khi miền Nam trúng mùa lúa lớn, nông dân đang nô nức chờ xuất khẩu lúa mới sau thu hoạch cao, ông thủ tướng điện vào ra lệnh nghiêm cấm xuất khẩu lúa nhằm bảo đảm "an ninh lương thực". Lúa nhiều, không đủ kho bảo quản, bị hư hao, đến khi thấy lúa quá nhiều, cần xuất gấp chừng 4 triệu tấn thì ôi thôi, giá gạo trên thị trường quốc tế rơi xuống rất thấp, thóc gạo phẩm chất xấu do bảo quản kém, nông dân bị thất thiệt nặng nề. Lẽ ra ông Dũng phải vào Cần thơ, cúi đầu xin lỗi Nông dân Nam bộ, và tự hứa sẽ không có những quyết định chủ quan, duy ý chí kiểu ngẫu hứng, tệ hại đến vậy. Mấy tỷ đôla tài sản của nông dân lao động bị tiêu ma như vậy đó. Hai là ông Dũng còn là thủ tướng duy nhất trên thế giới dám tuyên chiến với giới báo chí nước ta gốm hơn 15 ngàn nhà báo viết, báo nói, báo mạng, báo ảnh, bloggers.Ông tuyên bố ráo hoảnh : "Tôi chủ trương nghiêm cấm báo chí tư nhân " Ông có biết Hiến pháp Việt nam chủ trương "tự do báo chí" , có nghĩa là người dân, mỗi tư nhân có quyền ra báo. Ông có biết mỗi bài báo là một sản phẩm tư nhân, với tên người viết ký ở dưới. Ông có hiểu rằng ở bất kỳ một nước văn minh trung bình nào, một thủ tướng tuyên bố cấm báo tư nhân thì lập tức sẽ bị phản đối quyết liệt, coi như người điên, đến từ một hành tinh xa lạ nào, chưa nói là bị quốc hội truất phế ngay vì vi phạm hiến pháp. Ông có biết báo chí tư nhân tiêu biểu cho công luận xã hội , là đệ tứ quyền lực, và các nhà báo tư nhân có công tâm và tài năng là lương tâm trong sáng nhất của đất nước và thời đại. Không có họ làm sao chống được tham nhũng, xây dựng nổi xã hội văn minh, thịnh vượng ? Chúng tôi biết ông không hiểu gì về nghề báo, ông cũng chưa viết được một bài báo nào để ký tên ông bên dưới. Cho nên ông mới cam tâm phế truất, bỏ tù hàng loạt những nhà báo : Kim Hạnh, Điếu Cày - Nguyễn Hoàng Hải, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Văn Hải, Quang Vinh, Huỳnh Tấn Phước, Lê Hoàng, Nguyễn Công Khế, Nam Đồng- Nguyễn Minh Lộc, Nguyễn Tuấn Anh, Thái Duy, Nguyễn Minh Hiền, Nguyễn Quốc Phong, Hoàng Hải Vân... Nếu ông còn có lương tâm và liêm sỷ, ông hãy xin lỗi cả làng báo Việt nam, vì bằng một quyết định chủ quan, mê muội, ông đã xúc phạm nặng nề nhà báo Việt nam từ xưa đến nay, xúc phạm làng báo quốc tế, xúc phạm người "nghiện" đọc báo ở khắp nơi, ông hãy trả lại tự do cho các nhà báo đang nằm trong tù, chỉ vì đã nghe theo ông Nguyễn Văn Linh - bậc thầy của ông - là các nhà báo phải tự cứu lấy mình, tự dành lấy tự do, không uốn cong ngòi bút, không khiếp sợ cường quyền... [ Săp đến, khi ông có dịp ăn Tết với gia đình, ông hãy hỏi chuyện con trai ông là Nguyễn Thanh Nghị hiện là phó hiệu trưởng trường Kiến trúc Sài gòn, từng du học bên Mỹ, và cô con gái Phượng (từng du học ở Thuỵ Sĩ) cùng ông con rể Việt kiều để họ kể cho ông nghe về vai trò xã hội của báo chí tư nhân trong các nước văn minh to lớn, quan trọng, quý báu đến mức nào ]. Chúng tôi được biết trong cuộc tìm kiếm một vị Tổng bí thư mới, các ông cứ luẩn quẩn theo nếp cũ, tìm trong vòng hạn hẹp của Bộ chính trị hiện tại. Người ta đồn về ông Trương Tấn Sang và ông Hồ Đức Việt. Tôi từng biết 2 ông này từ khi ở trong nước, khi ông Sang còn ở Sàigòn, ông Việt còn ở Thái nguyên. Tôi không có tình cảm ưa hay ghét gì 2 ông này. Nhưng xin nói thẳng rằng cả Sài gòn đều biết ông Sang sống buông thả, bừa bãi ra sao, với danh hiệu "công tử Bạc Liêu" tuy quê ông ở Long An, từng cưỡng hiếp nữ nhân viên, từng có con riêng, phải đưa ra Hànội lánh dư luận chê trách. Trên cương vị Trưởng ban kinh tế trung ương đảng, ông không có một ý kiến gì đáng nhớ về kinh tế; trên cương vị Thường trực Ban bí thư, người ta chỉ thấy ông chuyên đi những việc hiếu hỷ như trao cờ, trao bằng, trao huy hiệu đảng (!), khánh thành (!), yến tiệc(!) kèm những pha mát mẻ, và cao hơn một chút là huấn thị và tổng kết về học đạo đức Hồ Chí Minh(!). Còn về ông Hồ Đức Việt; ông sống có vẻ giản dị, nhưng lại nổi tiếng là quá ư "hiền lành" đến nhút nhát, ba phải, không tự tin; ông kín đáo, ít nói, cũng ít học hỏi và nghiên cứu. Là người trẻ trong Bộ chính trị, ông như ông cụ non, không có khí thế của tuổi trẻ. Ở cương vị Trưởng ban Tổ chức trung ương, ông không hề biết giữ nguyên tắc tổ chức của đảng, vâng dạ nhũng uỷ viên bộ chính trị lớn tuổi hơn, sợ họ một phép. Ông thừa biết việc " khoanh" các vụ tham nhũng lớn như vụ PMU18, PCI ... là sai, bỏ tù các nhà báo là quá đáng, "khoanh" vụ điều tra về Tổng cục 2 là phạm nguyên tắc, nhưng ông ngậm miệng ăn tiền. Ở Quốc hội ông cũng câm như hến, không tỏ thái độ, chỉ dơ tay theo số đông, làm ông nghị gật, vô thưởng vô phạt. Các nhà báo bạn tôi nhiều lần hỏi ông tại sao "nghị quyết về kê khai tài sản" không ai chấp hành, làm thế nào, ông chỉ hề hề, cười trừ ... Còn ông Phạm Quang Nghị bí thư thành uỷ Hànội và ông Lê Thanh Hải bí thư Sàigòn thì đều đã tự thiêu huỷ uy tín mình. Ông Nghị trong vụ để hơn 20 dân trẻ thủ đô chết do lụt cuốn, lại còn quở mắng dân là "chuyên ỷ lại chính quyền" (!), ông còn dở trò thấp hèn xuyên tạc một câu nói tâm huyết.của Ngài Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt. Ông Hải thì hết bê bối chuyện đất cát, lại bênh che bị cáo Huỳnh Ngọc Sỹ vì vừa là kẻ đồng mưu vừa là kẻ thông gia với ông. Sao mà ở nhân sự thượng đỉnh lắm bê bối nhơ nhớp đến vậy. Thế nhưng tại sao lại cứ phải tìm Tổng bí thư trong 14 người trong bộ chính trị. Trong Ban chấp hành trung ương không có ai chăng ? Và ở ngoài trung ương ? Hãy tìm hiểu người số 1 của nước Mỹ OBAMA xuất hiện ra sao. Khối chuyện hay . Tình hình nhân sự của đảng cộng sản bế tắc từ thượng đỉnh xuống dưới. Đây là cuộc khủng hoảng gốc. Trong nước người ta gọi thế hệ lãnh đạo hiện này là thế hệ "người lùn" Lùn về trí tuệ; lùn về nhân cách; lùn về khả năng đột phá, về tư duy chiến lược; càng lùn khi đứng bên những nhà lãnh đạo của khu vực và thế giới. Ông Nông Đức Mạnh kêu gọi Hội nghị 9 này ra nghị quyết về đổi mới hệ thống chính trị của đất nước, đi đôi với đổi mới về kinh tế. Chỉ là nói suông ! Hội nghị 9 sẽ lại ra Nghị quyết dài dòng khoe khoang về "những thành tích to lớn" của 2 năm rưỡi qua, lại kêu gọi toàn đảng, toàn quân và toàn dân thực hiện nghị quyết mới . Rồi mọi sự vẫn sẽ như nhà văn tâm huyết Nguyễn Khải cảm nhận : "Người cầm quyền biết là nhân dân đang rất bất bình về nhiều chuyện, nhân dân cũng biết người cầm quyền đang nói dối. Nhưng hãy mặc họ với những lời nói dối của họ; còn mình là dân chẳng nên hỏi lại nói thế là thật hay không thật. Mình cứ làm theo ý mình và mình cũng sẽ nói dối nếu như người cầm quyền hỏi ... ... Vẫn biết rằng nói dối như thế sẽ không thay đổi được gì vì không một ai tin nhưng vẫn cứ nói dối ... Nói dối lem lẻm, nói dối lỳ lợm, nói dối không biết xấu hổ..." Để nghiệm xem, Hội nghị Trung ương 9 lại tái diễn một trò nói dối lớn nữa, với một dàn nhân sự thượng đỉnh có quá nhiều bất cập và bê bối.
|