Quà Kỷ Sửu dai như thịt trâu cho Tổng Thống tuổi Sửu. |
Tác Giả: Nguyễn Xuân Nghĩa | |||
Thứ Bảy, 10 Tháng 1 Năm 2009 22:12 | |||
Với cái tựa rất đẹp, kế hoạch cứu nguy kinh tế của Tổng Thống tuổi Sửu Barack Obama sẽ là biến cố lớn của năm Kỷ Sửu tại Hoa Kỳ. Kế hoạch “American Recovery and Reinvestment Plan”, tạm dịch là “Hồi phục và đầu tư mở rộng cho Hoa Kỳ”, sẽ tốn 675, 775, 850 hay cả ngàn tỷ? Chưa biết, nhiều phần sẽ rất cao. Mục tiêu ưu tiên là tạo thêm ba triệu việc làm nội hai năm tới, một sự điều chỉnh theo hướng cao hơn con số ông Obama dự báo trước đây là hai triệu rưỡi. Nếu chỉ tạo thêm hai triệu rưỡi việc mới thì chẳng hóa là thất nghiệp sẽ còn tăng trong hai năm tới sao? Cùng lễ đăng quang huy hoàng mà đầy thử thách cho nhân viên bảo vệ, kế hoạch vừa kích cầu để phục hồi vừa đầu tư để phát triển sẽ là dấu ấn quan trọng cho cách Obama mở màn. Nhưng thực tế của chính trị Hoa Kỳ lại có nhiều lợn cợn trên nẻo vinh quang của vị tổng thống tân cử. Trước hết là cái ghế Nghị Sĩ Illinois đang trôi trên con kinh nước đục của Chicago: Thống Ðốc Rod Blagojevich bị điều tra và truy tố mà vẫn bất chấp luật pháp và dư luận để chỉ định người sẽ thay thế Nghị Sĩ Barack Obama tại Thượng Viện. Một nhân vật da đen mới là éo le! Tổng thống tân cử đã tránh bị vấy bùn vì vụ đó nhưng Thượng Viện trong tay đảng Dân Chủ bị lâm vào trận đồng chí tương tàn. Mà Thượng Viện vẫn thiếu bốn ghế nghị sĩ khi Quốc Hội khóa 111 khai mạc. Tìm đâu 80 phiếu sẽ ủng hộ kế hoạch cứu nguy của Obama? Ðã vậy, việc Thống Ðốc Bill Richardson có thể rút khỏi chức vụ Tổng Trưởng Thương Mại của nội các Obama - vì đang bị điều tra về mâu thuẫn quyền lợi - lại là cơn gió lật. Ông Richardson là gốc Latino và số nhân vật Latino trong nội các mới càng tăng lại làm giảm số dân cử Latino tại Quốc hội nên họ cũng không mấy vui! Khi tranh cử, Nghị Sĩ Obama không thể ngờ là tổng thống tân cử lại kẹt vào loại sự đời vớ vẩn đến vậy. Nhưng đấy mới chỉ là vài món khai vị trong thực đơn rất đắng của người sẽ phải lãnh đạo Hoa Kỳ. Nhìn từ bên ngoài, từ năm châu thế giới, tổng thống tuổi Sửu sẽ còn vất vả hơn nhiều trong năm trâu. Chưa mở màn đã đầy màn khói súng. Ta chưa biết là khi nào xung đột sẽ bùng nổ giữa hai cường quốc nguyên tử của tiểu lục địa Nam Á là Ấn Ðộ và Cộng Hòa Hồi Quốc Pakistan. Sau vụ khủng bố Mumbai đêm 26 tháng 11, Ấn Ðộ phản ứng mạnh vì vai trò đồng lõa hoặc ít ra là thụ động của Pakistan. Khi Pakistan rút 20 ngàn quân từ vùng tiếp giáp với Afghansitan về phòng ngừa Ấn Ðộ, chiến trường Afghanistan của Mỹ bị trống. Giao tranh mà bùng nổ, chiến lược Afghanistan của Obama sẽ bị tật phong gió ngược. Ông chuẩn bị nhậm chức trong tinh thần chờ đợi một tin cực xấu từ Nam Á. Nhưng xấu hơn cả là vụ Gaza, bùng nổ đúng một tháng sau vụ Mumbai. Ðó là việc Israel không tập các căn cứ của lực lượng Hamas trong dải Gaza từ ngày 26 và sau tám ngày tấn công từ xa thì hôm mùng ba đã tung quân vào trận địa. Từ thời Harry Truman đến nay, tất cả các tổng thống Hoa Kỳ đều phải nhá cái gân gà Palestine. Chưa nhậm chức, Tổng Thống Obama đã thấy gân gà còn dai hơn thịt trâu. Ách tắc Palestine xảy ra từ khi Obama chưa ra đời. Y như việc phân định ranh giới Ấn Ðộ và Pakistan, chuyện Palestine cũng là một thành tích của liệt cường Tây Phương. Trên quê hương cũ của dân Do Thái nay là đất ngụ cư của dân Á Rập, năm 1948 Tây Phương đã cắm vào đó - như lưỡi dao - một khu vực dành cho quốc gia Israel. Lịch sử và địa dư đã nặn ra một bài toán không có giải đáp. Xứ Israel là một ốc đảo giữa một đại dương Á Rập theo Hồi Giáo, bên trong có hai khu vực tập trung người Palestine. Lớn là vùng Tây ngạn sông Jordan tiếp giáp xứ Jordan ở hướng Ðông, nhỏ là dải Gaza, sát biên giới Egypt ở phía Tây Nam. Trong một Trung Ðông Hồi giáo có một Israel theo Do Thái giáo; trong Israel có hai khu vực Á Rập. Hai khu vực không chịu sống chung để một quốc gia Palestine có thể hiện hữu và chung sống với Israel! Mà làm sao sống chung khi chia thành hai khu vực? Tại Tây Ngạn, dân Á Rập chịu sự chi phối của chính quyền Palestine, trong tay lực lượng Fatah theo hướng ôn hòa và hợp tác với Israel. Tại dải Gaza, dân Á Rập chịu sự chi phối của lực lượng Hamas cực đoan - bị Tây Phương liệt danh là khủng bố. Từ năm 2005, Israel đã triệt thoái khỏi dải Gaza theo chiến lược nhượng đất để mua hòa bình, mà không thành. Vì hòa bình của Hamas hàm nghĩa sự diệt vong của Israel. Ðầu năm Sửu, dân Á Rập Palestine lại có bầu cử và Hamas muốn, lần nữa, chứng tỏ họ mới tranh đấu cho Palestine chứ không thỏa hiệp như bọn Fatah phản bội. Vì vậy, ngay sau khi kế hoạch hưu chiến do Egypt dàn xếp mãn hạn, Hamas pháo kích lãnh thổ Israel bằng súng cối, đại bác, rồi hỏa tiễn 122 ly loại nội hóa BM21 Grad và cả hỏa tiễn Fajr-3 do Iran chế tạo, với tầm xa hơn, và ngày một xa hơn. Ðầu năm Sửu, Israel cũng sẽ có bầu cử. Sau khi rút khỏi Gaza, lần này, Chính quyền liên hiệp giữa hai đảng Kadima và Lao động không thể không phản ứng. Ðối lập là đảng Likud theo xu hướng bảo thủ thì đòi có biện pháp mạnh. Ðến khi hỏa tiễn của Hamas có thể bắn tới Tel Aviv và tới cả Jerusalem thì chuyện sinh tử của Israel là sự thống nhất trong chính trường Israel. Vừa không tập các căn cứ Hamas được ém trong khu dân cư (dải Gaza có mật độ dân số cao nhất thế giới!), Israel vừa trưng tập cả vạn lính trừ bị để đưa quân vào Gaza nhổ sạch nọc Hamas. Vừa đưa quân vào, Tel Aviv còn bắn tiếng: sẵn sàng ứng chiến tại mạn Bắc, nếu lực lượng Hezbollah vọng động từ miền Nam của xứ Lebanon. Khi đối phó với Hamas, Israel được sự yểm trợ ngầm của Egypt vì chính quyền Cairo biết sợ khủng bố Hamas sẽ làm loạn xứ Ai Cập. Nhưng, Israel cũng biết Iran không ngồi yên ở sau các lực lượng Hamas hay Hezbollah. Cánh tả Tây Phương, hay tả ngạn sông Seine hoặc dân Palestine tại Tây ngạn sông Jordan cùng dân Hồi Giáo ở nhiều nơi trên thế giới hò nhau biểu tình phản đối Israel mạnh tay. Truyền thông khắp nơi ngoan ngoãn loan tin như vậy. Nhưng giới lãnh đạo các nước, kể cả Hồi Giáo, thì hiểu vì sao Israel phải ra đòn. Có khi thầm mong Israel sẽ nhổ cỏ dại cho họ khỏi bị lây nạn khủng bố Hamas. Các giáo chủ Iran thì nghĩ khác. Tháng Sáu này họ cũng sẽ có bầu cử và rất hài lòng nếu Israel bị lún sình như từng bị khi tấn công Hezbollah tại Lebanon vào Tháng Sáu năm 2006 mà không nên cơm cháo. Ðâm ra sự tồn vong của Israel còn chi phối toàn bộ chiến lược Hoa Kỳ tại Trung Ðông. Trong chiến lược ấy, có cách ứng xử với Iran, một bài toán của tổng thống tân cử. Khi tranh cử, Obama khéo dời chủ trương phản chiến và thân Hồi Giáo về lập trường cứng rắn hơn với Iran và ủng hộ Israel. “Nếu bị ném đá vào nhà thì mình có quyền phản ứng!” Nhờ đó, ông được hậu thuẫn của hơn 60% cử tri gốc Do Thái.
Bây giờ ông sẽ tính sao? Chủ tịch luân phiên của Liên Hiệp Âu Châu nay thuộc về Cộng Hòa Tiệp với Tổng Thống Vaclav Klaus có lập trường rõ rệt thông cảm với Israel, như quan điểm của các nước Ðông Âu trong liên hiệp và của chính quyền Bush. Nhưng Liên Âu đang có mối lo của riêng Âu Châu, với suy sụp kinh tế còn lan rộng, với đòn thách thức của Liên Bang Nga tại Georgia, với vấn đề năng lượng khí đốt do Nga cung cấp... Chủ tịch Âu Châu khó phối hợp một chánh sách thống nhất về vụ Gaza nên sẽ chẳng giúp gì cho Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo của Obama. Chưa nói tới lá phiếu phá bĩnh của Nga và Trung Quốc trong Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Mà nhìn về nhà, vào trong nội các, Obama nghĩ sao về lập trường của tân Ngoại Trưởng Hillary Clinton khi mà nguyên Tổng Thống Bill Clinton đã ngậm tiền quá đậm của các nước Á Rập? Hillary sẽ nghe ông hay sẽ theo quan điểm cố hữu của Bill là nâng đỡ Palestine? Mà giờ là Palestine nào? Tại Tây ngạn sông Jordan hay trên dải Gaza? Chưa phất cờ, Obama thấy nổi lên toàn gió ngược! Phải chi ông biết lẩy Kiều! Có chiều phong vận có chiều thanh tân... Ông thèm cơn lốc thổi sau cỗ xe chuyển bánh của Bush, như “bụi hồng dứt nẻo đi về chiêm bao”.
|