Anh hùng thấm mệt Vào buổi tối ngày 4 tháng 11 năm 2008, thượng nghị sĩ John McCain đứng trước ba ngàn thân hữu của đảng Cộng hòa tại thị trấn Bilt Moore, tiểu bang Arizona, đã chính thức tuyên bố những lời cuối cùng cho một cuộc chiến kéo dài một năm. Người anh hùng 72 tuổi của nước Mỹ đã nói rằng: “Nhân dân Mỹ đã lên tiếng và nói rất rõ ràng bằng những lá phiếu. Tôi xin chúc mừng cho ông Obama”. Ông giơ hai cánh tay thương tật lên để trấn an cử tọa ồn ào, bầy tỏ sự tức giận với phe chiến thắng. Và những giọt nước mắt chân thành, thương cảm đã chảy xuống tại trang trại miền đồng khô cỏ cháy mà 28 năm trước, McCain và phu nhân Cindy đã cử hành hôn lễ. Những người ủng hộ Cộng hòa đeo huy hiệu chiến thắng 2008 đã cùng đồng ca những lời hùng tráng pha niềm cay đắng bài ca cho người anh hùng chiến bại, và niềm đau thương, tức giận cũng tràn ngập trong lòng những người Việt nhiệt thành ủng hộ McCain. Thực ra ngay từ tuần lễ cuối cùng, cả hai phe đều đã biết trước kết quả. Chuyện ngựa về ngược là điều ít khi xảy ra; chỉ không biết sự thắng bại ở mức độ nào. Với kết quả 349 cử tri đoàn bên Obama so với 163 phía McCain, có thể coi như quá rõ ràng. Dù rằng về phiếu phổ thông hơn 60 triệu của Dân chủ so với 54 triệu bên Cộng hòa, có sự cách biệt 6 triệu phiếu chưa phải là toàn thắng. Không thể quên rằng gần nữa nước Mỹ đã trao trái tim cho ông già của Arizona. Dù là cảm nhận được kết quả sau cùng, nhưng người anh hùng của Mỹ quốc trong tuần lễ sau cùng đã hết sức nỗ lực tả xung hữu đột. Ngay vào ngày cuối, trên con đường rút quân từ miền Florida về Arizona, đạo quân tranh cử của McCain đã di chuyển qua năm tiểu bang và dừng chân lại suốt chặng đường để bày tỏ quyết tâm. Một lần nữa, thượng nghị sĩ can trường của Arizona đã chứng tỏ sự kiên trì của giòng máu anh hùng McCain. Và ông đã chiến bại trong can trường, với người vợ hết sức duyên dáng và nhiệt thành, với bà Phó vui tươi như mùa xuân đến với sự nghiệp chính trị cuối đời của quê nhà. Trong nghị trường, ông McCain không điều gì phải hối tiếc. Với 54 triệu và 230 ngàn 398 phiếu bầu, một nữa trái tim của nước Mỹ đã gởi cho ông. Trong khi đó ông bà và Palin cũng nhẹ nợ với tương lai Mỹ quốc. Với con số 3000 quan khách tham dự trong vòng thân mật, những nhân vật tinh hoa của đảng Cộng Hòa sẽ ngồi lại bên nhau. Dường như tất cả đã biết trước để chờ đón những gì mà số mệnh của con đường tranh cử dành cho họ. Ai cũng biết rằng cuộc chiến đấu của đảng Cộng Hòa kéo dài suốt 8 năm và định mệnh đã an bài. Người anh hùng mỏi mệt 72 tuổi của chiến tranh Việt Nam, sau cùng không thể cưỡng lại với trào lưu đổi mới thực sự của Hoa Kỳ và toàn thế giới. Cuộc cách mạng da đen Mặc dù đã dành được phiếu đa số của toàn dân Mỹ, nhưng báo chí và toàn thế giới vẫn không ngần ngại nói thẳng đến màu đen của vị tân Tổng thống Hoa kỳ. Khi Obama lên diễn đàn chào mừng chiến thắng tại Chicago, ông cũng đã nhắc nhở đến lịch sử ghi dấu 232 năm của người nô lệ đến từ Phi châu. Phía bên Obama hợp mặt tại Grand Park ngay tại kinh đô Chicago, tiểu bang Illinois. Trên 100,000 người nhiệt thành tham dự với những giọt nước mắt của chiến thắng. Cảnh sát đi tuần dưới đất và mai phục trên nóc nhà. Máy bay trực thăng rọi đèn bay trên trời công viên. Phải bảo vệ an ninh chặt chẽ cho vị tân tổng thống da mầu đầu tiên của Hoa Kỳ. Phí tổn của buổi hợp mặt dự trù 2 triệu mỹ kim. Và không chỉ tại Hoa Kỳ, từ bên Âu Châu, Phi Châu vá Á Châu, Nam Mỹ, Bắc Mỹ đều tổ chức ăn mừng. Đây không phải là chiến thắng của Obama. Đây cũng không phải đơn thuần là sức mạnh da đen. Có tờ báo Mỹ nói đây là bản tuyên dương nhân quyền của thế kỷ 21. Không phải Obama xuất sắc mà chính là Hoa Kỳ xuất sắc đã chọn Obama. Cậu bé da đen vô danh đã lớn lên từ hè phố từ Hạ uy di đến Nam dương. Sau hơn 200 năm với những kỷ niệm nô lệ từ Phi Châu đến Mỹ bằng xiềng xích, một người da đen lên phiên làm tổng thống Hoa Kỳ, ít nhất 1 lần, để đất nước nầy thực sự là Hiệp chủng quốc. Với ý nghĩa đặc biệt đó, thì dù Obama có ăn nói đại ngôn với những quá khứ mù mờ, trang sử một cuộc cách mạng dân quyền bằng lá phiếu tại Hoa Kỳ sẵn sàng bỏ qua các tiểu tiết. Rồi đây tương lai ra sao, hạ hồi phân giải. Người Mỹ đã muốn như thế thì chúng ta sẽ phải cùng đi với nhau trên con đường hiệp chủng cho đủ 4 năm hay là 8 năm nữa. Chuyện đâu còn đó.
|