NHẬU: Từ Nông Thôn Đến Thành Phố |
Tác Giả: Lam Châu | |||
Thứ Bảy, 23 Tháng 5 Năm 2009 22:58 | |||
Có một hiện tượng mà ai cũng thấy đó là dân ta thích nhậu. Nhậu từ quê lên đến phố. Nhậu mọi lúc mọi nơi. Tác hại của nó đã có nhiều người nhắc đến, lãng phí của nó cũng đã có nhiều thống kê, vậy tại sao người ta vẫn cứ nhậu thả ga? Nhậu có muôn hình vạn trạng, nhưng nói đi nói lại thì cũng chỉ có hai loại là nhậu kiểu nhà nghèo và nhậu kiểu nhà giàu. Nhắc đến nghèo thì cứ nhắm hướng nông thôn và tiến. Về đấy ta thấy đa phần thanh niên đều say nàng men như điếu đổ. Chiều chiều, tối tối, sáng sáng lại tụ tập với nhau, chén tù chén tạc trông rất vui vẻ. Lâu ngày thành thói quen, không nhậu thấy nhớ bạn nhớ mồi, nhậu riết thành nghiện. Nghiện rồi thì rượu là nhất thế gian hơn cả vợ con. Bởi vì sao nên nông nổi? Mọi người đều có nhu cầu vui chơi giải trí. Nhưng ta thấy đó, ở nông thôn có gì để thỏa mãn nhu cầu này. Một vài nơi tương đối khá thì có một sân khấu ngoài trời, cỏ mọc tới tận gối vì hiếm hoạ mới có đoàn văn nghệ về diễn hai ba đêm. Đi khắp các làng xã xuôi nam ngược bắc đố kiếm được nơi nào có rạp chiếu phim, chỉ thi thoảng phòng thông tin văn hoá huyện hợp đồng được với ai đó dựng màn ảnh phục vụ cho vài ba hôm là quý lắm rồi. Câu lạc bộ thể thao, sân vận động là những thứ xa xỉ chỉ dành cho thành phố, vì thành phố mới thu lại được nhiều tiền. Sách báo cũng khó có đất sống ở nông thôn, vì nhà nước chả quan tâm mà tư nhân ai can đảm lắm thì cũng chỉ dám mở một tiệm lèo tèo vài ba thứ cho có vị. Truyền hình thì có, phát thanh cũng có, mà điện thì chập chờn lúc có lúc không, lúc mạnh lúc yếu, chưa kể những vùng còn leo lét đèn dầu, và không phải nhà ai cũng có tiền sắm tivi hay mua cassette. Muốn vui chơi không lẽ cứ lông nhông ngoài bờ đê, ruộng cỏ như đám con nít. Mỗi xị rượu gạo chỉ vài ba ngàn, bia tươi thì uống tính lít chứ không tính chai, thêm một con khô hay một gói đậu phụng, cũng chẳng mất bao nhiêu tiền mà anh em ta kéo nhau lại hàn huyên cũng vui. Không nói đến trình độ văn hoá kém dẫn đến nhận thức cũng kém ở nông thôn, vì đó là chuyện dài của vấn đề đầu tư cho giáo dục. Ta chỉ giả sử nếu có nhiều khu vui chơi giải trí lành mạnh bổ ích và ưu đãi cho nông thôn, liệu hiện tượng làm bạn với ma men có còn phổ biến? Cũng có thể nói ngược lại, ở thành phố thiếu gì nơi vui chơi sao bà con vẫn cứ kéo nhau đi nhậu. Những tiếng "dzô, dzô" rất khí thế từ các bàn nhậu vang ra tận ngoài đường cũng cho ta thấy ở thành phố nhậu khác dưới quê. Sinh viên thực tập phải mời cả phòng nhậu mới được gọi là biết điều. Ông trưởng phòng "A lê, anh em!" thế là phải khăn gói tháp tùng, nếu không sẽ bị cho là không hoà đồng, hay lỡ may ông trưởng phòng cho là ghét ông thì cũng khó sống. Các cơ quan, công ty phải lo chiêu đãi các sếp lớn từ trung ương đến để còn an tâm không bị khó dễ sau này. Vì miễn cưỡng nên không ít người vừa nghe đến chữ nhậu là sởn tóc gáy, thế mà vẫn phải lê lết tiếp khách hết trận này đến trận khác. Những bữa nhậu ở đây tính từ tiền trăm cho đến tiền triệu, tính từ tiền đồng cho tới tiền đô. Nhưng không phải bữa nhậu nào cũng phải móc tiền túi ra trả, hoá đơn ta cứ đem về kiếm cách thanh toán lại. Thế nên, cứ nhậu chẳng cần bận tâm chia trí. Đây không còn là vì nhu cầu vui chơi nữa, mà là nhu cầu làm vừa lòng các cấp trên. Nhiều người trong chúng ta phải chiều lòng những kẻ có quyền thế để mua lấy cái sự bảo đảm cho mình. Thế nên, chừng nào còn sự đòi hỏi của các quan thì chừng đó nhậu vẫn còn tràn lan ở thành phố. Và đối với từng người, nhậu hay không là quyền của cá nhân. Nhưng dường như đa số không có sự lựa chọn nào khác. Hoặc lúc đầu vì bất đắc dĩ, sau đó thành quen, quen rồi thành thích. Quán nhậu ở khắp nơi, mặc nhiên cái sự nhậu trở thành bình thường. Nhưng đối với thanh niên, chúng ta có suy nghĩ gì khi cái chuyện không mấy tốt đẹp ấy trở nên bình thường trong xã hội? Có nhiều ý kiến cho rằng nước ta còn nhiều chuyện tốt đẹp sao không nói, lại cứ đề cập những cái chưa tốt. Nếu nghĩ vậy, chúng ta lại mắc phải bệnh sính thành tích như những người làm cán bộ nhà nước. Muốn xã hội mỗi ngày một tiến bộ hơn, chúng ta phải mổ xẻ những cái chưa tốt để có một thái độ, một hành động đúng đắn nhằm khắc phục khuyết điểm. Báo cáo thành tích, mà thường là thành tích dỏm như nhà nước thường làm chỉ khiến xã hội ngày càng lụn bại. Lại có một kiểu phản luận khác cho rằng đâu phải lỗi gì ở lãnh đạo nước ta, các nước khác trên thế giới họ cũng có những vấn đề tương tự. Lối suy nghĩ đó không khác gì thấy nhà hàng xóm bẩn thỉu mà cứ để cho rác ngập nhà của mình chứ không thấy cần thiết phải quét dọn cho sạch sẽ. Mong rằng thanh niên chúng ta không tự hào hảo, không tự ái vặt vãnh để nhìn và quan tâm đến nhiều vấn nạn của đất nước.
|