Home Phiếm Các Tác Giả Trời hồng hồng, Nắng trong trong

Trời hồng hồng, Nắng trong trong PDF Print E-mail
Tác Giả: Phương Toàn   
Thứ Năm, 22 Tháng 1 Năm 2009 01:23

Tác giả tự sơ lược tiểu sử: Cựu thợ lái máy bay chuồn chuồn ở Căn Cứ KQ Phù Cát - Bình Định, cựu tù chính trị, đến Mỹ từ 1980, hiện an cư lạc nghiệp tại Garden City, Kansas. Ông đã góp  một số bài đặc biệt và nhận giải thưởng Viết Về Nước Mỹ từ mấy năm trước.
Bài viết sau đây trích từ báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Sửu, 2009: một tự truyện mới viết của Phương Toàn, kể bằng giọng vui vẻ hiếm có, từ chuyện lấy vợ, làm đám cưới chui ở quê nhà tới chuyện vượt biển rồi định cư tại Mỹ.

***
Cái vòng lấy vợ cong cong
Kẻ hòng ra khỏi người mong bước vào
(Ca dao mới)
*
-Bố không lấy vợ cho tôi, tôi không ra ruộng nữa!

Đó là lời một anh Vọi ở quê tôi xửng cồ với bố, khi ông than phiền dạo này sao thấy anh biếng nhác việc ruộng nương.

Một anh khác phiền nhiễu xóm làng hơi nhiều, mẹ anh tính cột chân anh lại bằng một người con gái:

-Mày thích ai, bảo mẹ, mẹ đi hỏi cho con ạ.

Anh ta tuyên bố:

-Một trăm câu nói, không bằng tí khói xe Honda.

Chí lớn của anh là chiếc xe Honda, ở quê tôi thời kỳ đó xe Honda còn khá hiếm. Anh dự định là có xe rồi, sẽ đem xe ra đua ngoài quốc lộ, lúc đó thiếu gì cô mê, mẹ anh khỏi nhọc công nhờ người mai mối.

Hồi năm 1960, chị tôi 16 tuổi phải đi lấy chồng vì mẹ bảo phải lấy.

Hai họ dẫn con vào nhà thờ để cha Xứ hỏi lẽ đạo. Khi về, một người bạn hỏi chị tôi:

-Sao! Hắn nhìn có được không?

Chị thản nhiên trả lời:

-Ba lão, chẳng biết là lão nào!

Ba người đó là ông rể tương lai và hai người bạn đi kèm.

Vào thập niên 70, tình duyên của tôi cũng được mai mối tương tự:

Cậu Sáu Điếc đi chợ về ngang nhà ghé vào gạ gẫm mẹ tôi:

-Bác bằng lòng là em tay trong hỏi con bé ấy ngay cho thằng Tửng, con bé hơi mập và đen nhưng hay lam hay làm lắm bác ạ.

Mẹ tôi ngần ngừ:

-Vẫn biết vậy, nhưng cháu của mợ nó xấu quá!

-Ăn thua gì cái xấu, ngày xưa vợ em còn xấu tợn, cái nết đánh chết cái đẹp mà bác.

Cậu gạ già hơn nữa:

-Nếu bác chịu, em cho bác mượn "con tâu" làm đám cưới đấy.

Ấy vậy mà mẹ tôi vẫn không chịu. Giá bèo quá, cả đời người con trai chẳng lẽ chỉ ngang giá một con trâu(?)

Đến cuối thập niên 70 tôi bồ bịch cũng nhiều, nhưng khi bị vào trại cải tạo thì chỉ còn có một người con gái còn nhớ đến và đi thăm tôi. Khi được về, mẹ tôi bảo:

-Tao thấy cũng tội, thời này còn có mấy người được như vậy. Thôi cưới nó đi, kẻo lỡ làng đời con gái người ta và tội với giời.

Thế là tôi lấy vợ.

Bị "ninh tinh" tội, cho nên tôi bị quản chế không cho ra khỏi ấp, nhưng "Nó" (ám chỉ vợ tôi) thì ở tận SG, tôi phải lên trên đó để cưới, lý do rất đơn giản là cho khỏi tội với giời và khỏi lỡ làng đời con gái.

Thời đó, chỉ có công nhân viên mới mua nổi vé xe đò. Tôi kiếm được củ khoai và chế ra rất nhiều mộc giả, thế là tôi lên được SG.

Sau khi chào hỏi cụ thân sinh, tôi nháy nàng ra sau bếp, cầu hôn bằng một câu rất cù lần:

-Em, mai mình đám cưới.

Vợ tôi cảm động gật đầu, cái gật đầu tàn đời trong ngõ hẹp.

Đám cưới cũng dự tính rình rang: Tôi đem theo hai cặp gà, bốn lít rượu đế và đôi nhẫn tí hon. Thánh lễ sẽ cử hành tại nhà thờ Phú Quí, ca đoàn loại xịn sẽ hát và rất nhiều người tham dự.
Mọi dự tính của tôi bị đảo lộn hết bởi cái anh Công An Khu Vực!

Ngày xưa anh ta mê vợ tôi, nhưng đem nghề thợ nề mà chọi với tôi quả là không cân xứng, anh quay ra đi làm cách mạng.

Vợ tôi đem giấy tờ của tôi lên trình, xin tạm trú qua đêm, anh ta mừng như bắt được vàng. Đọc tờ giấy phép đi đường, anh nhịp cẳng đắc ý:

-Bỏ mẹ mày nha thằng Nguỵ Nhí, vừa ra khỏi ấp không xin phép, lại xài giấy giả với mộc củ khoai. Ông sẽ cho mày xuống bến Ba Son, ra đi mà không hẹn ngày về....Ban Công an bèn lên chuyên án, cử ngay hai người tới nhà vợ tôi, mừng đôi uyên ương nên duyên cầm sắt!
Hên quá, tôi vừa mới rời nhà đi thăm người quen, thế là hai anh Công an xí hụt. Họ nhắn lại:

-Khi nào anh về, cho chúng tôi biết để tay bắt mặt mừng, người quen cả mà.

Từ ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, vợ tôi khôn ra, vừa đưa người cửa trước, nàng phóng tuốt ra cửa sau, đứng chờ tôi ở đầu hẻm. Thấy chồng, nàng báo tin:

-Công an vừa vào nhà chúc mừng đám cưới.

Tôi ngạc nhiên:

-Công an mừng đám cưới? Tốt!

Tôi kéo vợ tôi về nhà, nàng giựt tay lại:

-Ngu vừa vừa chứ, nó đến để bắt đấy chứ chúc với mừng gì.

Tôi đang ở trên thượng giới, rơi cái bịch xuống trần gian. Ừ mà khéo nó bắt mình thật.
Bọn tôi ra tới nhà thờ Phú Quý, gặp cha Xứ, xin đổi lễ lại lúc 4g sáng thay vì 8g như đã định.
Cha nói:

-Sớm quá, không mời ca đoàn kịp.

Chúa ơi, tình trạng này mà cha còn hát hò gì nữa, phải làm sớm lúc công an còn đang ngủ, phải mời Chúa dậy mà làm chui.

Cỗ cưới của tôi, tựa như chiếc xe Lunch nên việc di chuyển sang nhà bà chị ở phường khác chẳng khó gì. Bà chị tôi ở gần đường Huỳnh Văn Bánh và Nguyễn Văn Đậu nên cỗ cưới tăng thêm hương vị ngọt ngào (có bánh và đậu mà).

Thực khách khoảng vài chục.

Khi mọi người đã an toạ, tôi từ chiếc xe ôm chững chạc bước vào nói đôi lời cảm ơn cha bác đến chung vui với hai cháu, đã không quản đường sá xa xôi, công an săn bắt. Tôi nâng ly đế với mọi người, rồi bắt tay từng người một, vừa xong tôi chụm hai bàn tay lại, vái vái:

-Xin lỗi cha bác, con xin kiếu.

Ông bác cười thông cảm, nhưng cũng nói:

-Chú rể này láo, chả coi cha bác ra gì cả.

Để mọi người ngồi ăn cưới với nhau, tôi mượn chiếc xe đạp, chở nàng vòng vòng đường phố SG, trước là để trốn công an, sau là để ngắm lại những cảnh thơ mộng ngày xưa khi hai đứa còn đang bay bướm trên chiếc xe Lam brét tuýt.

Thỉnh thoảng đang đi, tôi quay ngoắt ra phía sau coi có ai theo dõi mình không, tựa như hai đứa đang đóng phim trinh thám.

Khoai sắn bây giờ là những món ăn "cao cấp" nhưng ít ai nghiệm ra giá trị tuyệt vời của nó, khi dùng để khắc mộc giả thì trên cả tuyệt vời.

Sáng hôm sau tôi lại dùng mộc củ khoai mua vé về quê để hưởng tuần trăng mật, để lại sau lưng anh Công an khu vực và ông Thủ Trưởng trường Dược với nỗi buồn đìu hiu ở hang Pác Bó.

Vợ tôi làm ở trường Dược, cứ  ít ngày nàng lại buồn một chập: Cách mạng về thành họ lùa đàn heo vào chiếm vườn dược thảo, nơi trồng cây có vị thuốc để Sinh viên nghiên cứu. Vợ tôi buồn day dứt. Họ phát cho nàng tờ đơn tự nguyện xin giảm lương xuống một nửa. Nàng buồn vời vợi. Nàng buồn lang thang khi ông Thủ Trưởng đề nghị nàng gọi ông là anh xưng em, trong khi mấy cô Dược Sĩ dạy ở trường như cô Tuyết, cô Mai đều kêu ông bằng... Bố.

Ông tuy là người cách mạng nhưng được lắm, ít khi ngồi co giò lên ghế.

Về quê, hai đứa tôi sống êm đềm bên luỹ tre xanh của chung kênh ấp, bên mái tranh nghèo của bà già. Ngoại trừ mỗi tuần hai ngày vác xẻng lên xã "lấp hố bom", thời gian còn lại tôi thênh thang lắm. Gia đình tôi có một nhà máy xay lúa nho nhỏ, xã hội lành mạnh nên không có cảnh giành giựt khách ngoài đường, họ đóng tiền ở Ấp để mua phiếu, nhiệm vụ của chủ nhà máy là vác lúa từ ghe lên bờ, xay xong vác ngược xuống ghe. Bù lại, chủ được ưu tiên giới thiệu một lao động làm trong nhà máy.

Trong lúc bạn bè xưa còn đang lêu nghêu ở SG khó có thể kiếm được việc làm, tự dưng tôi được làm cho nhà nước.

Ông anh đề nghị:

-Nó cho một người làm, anh đứng tên, chú làm chui, để anh ra chợ trời kiếm cái gì mà buôn bán kẻo đói mất.

Tôi trở thành Chuyên viên Kỹ Thuật của Tập Đoàn Xay Xát. Khi có ai đem lúa tới, tôi bốc lên bờ, xếp vào chỗ qui định, đến lượt xay, tôi vác lên bồ lúa, đổ nó vào máy, giũ chiếc bao cho sạch rồi vất xuống đất. Khi họ xay xong, tôi lại vác ra ghe.

Việc tuy cực nhưng cũng có cái đền bù, chẳng hạn như lúc lén nhìn mấy cô bán gạo lậu ăn mặc theo kiểu tàn dư Mỹ Nguỵ. Tôi chỉ nhìn kín đáo, không để cho vợ biết, sợ nó buồn, tội nghiệp con bé phiêu bạt theo chồng.

Làm được ít tháng, tôi "quit job".

Theo biên chế mới, nhà máy này phải dời vào một địa điểm xa lắm, Cách mạng gọi là: phân phối đồng đều cung và cầu ở địa phương. Mỗi ngày lội bộ mười mấy cây số để vác gạo, rồi lại lội bộ về, đổi lại mỗi tháng ít ký gạo thì ở nhà hai vợ chồng chết đói sướng hơn.

Tôi xoay qua làm nghề khác: Trồng đậu xanh.

Một ký đậu bằng mấy ký gạo. Mẹ tôi cho một công ruộng làm của "hồi môn", cách nhà khoảng cây số. Tôi mượn chiếc máy đuôi tôm Kohler 4 của ông anh để tát nước, rồi hai vợ chồng quyết chí làm giàu, ngày ngày ra ruộng cuốc đất trồng đậu.

Đất của tôi ở "vùng sâu, vùng xa" lại nằm ngay chỗ nước phèn, cộng thêm thiếu phân nên cây đậu lớn lên dễ thương y hệt cộng miến Tàu. Thời gian đầu, mỗi ngày tôi đều vác đi vác về chiếc máy Kohler 4 nặng chịch.

Một hôm tôi về tay không, vợ tôi hốt hoảng:

-Chúa ơi, sao anh để máy ngoài ruộng, nó trộm mất.

Tôi thở hào hển lắc đầu. Vợ tôi nháy nháy một bên mắt, dụ khị:

-Cố đi, đem nó về mỗi ngày, mệt em đền.

Tôi lại tiếp tục vác được hơn tháng nữa. Vợ tôi đền thế nào mà càng ngày tôi thấy máy càng thêm nặng, tôi quyết định để lì nó ở ngoài ruộng.

Đến ngày thu hoạch, một công đậu của tôi thu được hơn hai rổ. Tôi ra ruộng vác máy về, thơ thới hân hoan huýt sáo:

-Trời hồng hồng, nắng trong trong, thằng... nhảy thành ông...

Bác Hiệu, người hàng xóm thấy tôi yêu đời, hỏi:

-Anh hôm nay vui quá. Đậu của anh ra sao rồi ạ?
-Dạ cũng lời chút đỉnh bác ạ.
-Anh khéo nói chơi quá, ai lại chả biết công đậu của anh thâu chẳng là bao.
-Dạ nếu tính đậu thì lỗ bác ạ, nhưng lời cái máy đuôi tôm.
-Anh nói khó hiểu như thánh kinh ấy, sao trồng đậu lại lời máy đuôi tôm?
-Dạ, hôm vác máy về nặng quá, cháu để lì ngoài ruộng, cầm bằng như mất luôn máy, đến hôm nay vác về, vậy là mình lời cái máy, giá nó ngang một tạ đậu đấy bác ạ!

Chả biết bà hàng xóm nghĩ gì, bà cười rồi lập lại:

-Anh khéo nói chơi quá.

Trồng đậu có vẻ không đủ ăn, tôi cải ngành: Đi chài cá.
Cái chài cũng phải đi mượn luôn. Tôi có ông anh thương em lắm, cứ hễ cái gì ông có là tôi lại sang mượn. Mỗi ngày tôi ôm cái chài mà rểu khắp xóm làng. Vợ tôi lò tò cằm cái giỏ đi theo. Từ vũng trâu đằm đến mép sông, cứ chỗ nào có nước là tôi vãi xuống. Chúng tôi dẫm nát vườn khoai, bờ rạch của lối xóm, không biết tại vợ tôi trông dễ thương họ không chấp, hay họ biết tôi cùng đường nên không muốn "nhây với hủi".

Trong mẻ chài, những con cá thuộc dạng nhân dân lao động như con cá chốt, cá sặt, cá thác lác thì vợ tôi biết chắc rằng ăn được, còn những con mặc đồ "Đại cán" khó nhận dạng như con cà cuống, bù niễng, ốc bươu, nàng đều chúm chím miệng hỏi tôi là ăn có chết không?
Thật ra cứ con gì nhúc nhích là vợ chồng tôi bắt về ăn tất, nếu bị dị ứng nổi mề đay thì hai vợ chồng lại vần công gãi lưng cho nhau.

Thỉnh thoảng được con cá lớn cỡ cẳng chân, tôi lại nghĩ ngay đến chuyện gạ bán cho bà chị. Bán bằng gạo, đưa con cá, chị cho mấy lít gạo, nhưng khi chị kho, lại múc đem cho một nửa, hoặc nếu nấu canh, chị cho một tô có cả cái đầu.

Giờ nghĩ lại mà thương chị: Của đáng tội, dưới quê có mấy ai cần mua cá! Một hôm, tôi nhận được giấy mời của Công an Huyện, mời hẳn hoi chứ không "bố nếu bố náo" như Ấp đội hay Xã đội. Bên trên tấm giấy có chữ Độc Lập Tự Do Hạnh Phúc, nhắn tôi lên có chuyện trao đổi. Tôi lại mượn chiếc xe đạp của người anh, hôn vợ cái chụt, hẹn chiều sẽ về và trấn an rằng: Bố Công an cũng không dám đụng đến sợi lông chân của anh.

Tôi đạp xe đi và lại yêu đời huýt sáo:

-Trời hồng hồng, nắng trong trong, nàng du kích gài chông...

Bước vào Công an Huyện tự nhiên tôi thấy rét, anh Công an coi bộ hiền lắm mà sao tôi lại run. Sau lưng anh là tấm hình của Bác trông "Nhí nhảnh dễ thương". Nhớ ngày xưa thằng bạn tôi xấu mồm nói rằng ông cụ có nụ cười hơi đểu. Ánh mắt Bác như bảo tôi rằng: Cẩn thận nha con, Công an là vua lừa đấy.

Anh Công an bắt đầu vào chuyện:

-Thế nào, có phát hiện được điều gì để báo cáo không?

Đồng tình với bác, tôi phịa chuyện trước:

-Dạ thưa anh, có người bán gạo lậu ạ.
-Tốt, thế họ tên gì, bây giờ họ đang ở đâu?
-Thưa tôi không biết tên, họ là người Bắc di cư, đã bị Công an Xã bắt làm biên bản ạ.

Anh nhướng đôi lông mày gây sự:

-Phát hiện tội phạm thì phải có tên tuổi hẳn hòi, người Bắc nào buôn gạo lậu? Chửi xéo tôi hả? Khu Cái Sắn này có cả mấy trăm ngàn người Bắc, biết đứa nào ra đứa nào?

Anh văng tục một mình:

-Công an bắt rồi thì báo cáo làm ... đếch gì cho tốn giấy, rõ dấm dớ...

Anh dỗ ngọt tôi:

-Cách mạng đánh người chạy đi chứ không bao giờ đánh người chạy lại. Từ trước đến giờ anh có gì dấu giếm cách mạng, khai ra..

-Dạ thưa anh, hồi còn cải tạo tôi có tha mấy anh Nghĩa vụ quân sự ạ.
-Tiếp đi.
-Thưa anh Trại đã có lệnh là hễ thấy bọn Nghiã vụ quân sự trốn, thì bắt ngay lại và sẽ được thưởng 3 ngày khỏi phải đi làm.
-Gì nữa?
-Dạ, tôi thấy hai anh Nghĩa vụ trốn trại, các anh ấy tính bơi qua sông, tôi biết nếu đi hướng đó thế nào cũng bị Bộ đội bắt lại, nên tôi chỉ họ đi lối khác ạ.
-Họ có nói gì trước khi trốn không?
-Dạ ảnh cho tôi đôi giày rách rồi bảo: Thằng Nguỵ nó khôn, theo Mỹ có giày tốt để đi êm chân, mình mang ba cái thứ quỉ Trung Quốc này vào thêm rạc cẳng!

Anh Công an đập bàn cái rầm:

-Láo toét, Nghĩa vụ mà lại trốn trại hả, ai cần đến các anh bắt Nghĩa vụ.

Anh dịu giọng:

-Có lũ phản động đang tổ chức dưới kinh anh ở, có ông Thiếu tá Tình làm Tiểu đoàn trưởng, có tên anh là Đại đội trưởng, nếu anh đưa danh sách cả tiểu đoàn, anh sẽ được tuyên dương và xả chế.

Tôi ngơ ngác, nhưng anh ta chửi tôi là chỉ làm bộ ngơ ngác.

 Tôi đã cố ngoan với anh, anh lại cho rằng tôi ngoan cố!

Anh tức giận gọi vệ binh lôi tôi xuống nhốt vào phòng giam, sau khi kéo cả ba đời tam đại nhà tôi ra rủa là một lũ ngu. Ôi:

-Tin như sét đánh ngang tai

Tôi đang chài cá chuyển ngay vào tù (ý thơ Bút Tre)

Bỗng dưng, đến chiều anh tha tôi về, nói rằng cho tôi nghĩ lại và sẽ mời tôi sau. Tôi mừng quá, nếu không được tha, thì chả biết nói sao với vợ, vì đã lỡ huyênh hoang: Công an không dám động đến sợi lông chân.

Nam Mô Bổn Sư Bồ Tát đại từ đại bi cứu khổ cứu nạn.

Thời gian như bóng câu qua cửa sổ, tôi làm đủ bá nghệ. Rồi đến một ngày, tôi có một đứa con.

Khi có con, tôi bỗng thấy mình lớn hẳn lên, rồi nghĩ đến anh Công an, nghĩ đến cái loa cột đèn hay rêu rao Thiên đường Xã hội chủ nghĩa. Những sáng có gió heo may, tôi thấy ơn ớn thiên đường như người ốm nghén!

Tôi nghêu ngao hát:

-Thiên đường ba đứa ba nơi
Thôi tôi chỉ muốn làm người trần gian

Ngày xưa vì miếng cơm manh áo của mình, mà Bác phải lang thang xuống bến Nhà Rồng tìm đường vượt biên, ngày nay vì tương lai của gia đình, vợ con, sợ gì mà tôi không dám vượt biên?

- Bác anh hùng, tôi cũng anh hùng (thơ HCM)

Sau 30-4-75 mọi người đều hồ hởi. Các cán bộ lớn ở ngoài Bắc thì hồ hởi cái mà dân SG gọi là "Vào Vơ Vét Về" chả mấy người không hiểu. Các bộ đội con thì hồ hởi nhìn con gái SG, vì đứa nào trông cũng "Đỏng đảnh mà hay hay". Dân chính gốc miền Nam thì hồ hởi rủ nhau vượt biên. Người người vượt biên, nhà nhà vượt biên. Cả quán nước mía toàn là người vượt biên, kể cả khách lẫn người tổ chức, nói chuyện vượt biên oang oang như đang bán thuốc Sơn Đông. Trưởng ban Công an ngồi uống nước mía nóng mặt quát:

-Bé cái mồm lại, ông nhốt cả lũ bây giờ.

Có bữa tối đang ngồi ở nhà ông Phó ấp bàn chuyện vượt biên, chợt chó sủa ngoài ngõ, tôi làm cái rẹt, phóng ra cửa sau lủi vào vườn mía dầy mịt. Hôm sau hỏi con ông Phó ấp có phải là Công an đến xét không, anh ta nói là ông Trưởng ấp tới thăm. Tôi hỏi ông có nghi gì về vụ vượt biên không, anh ta cười nói:

-Ông ấy đã chẳng nghi thì chớ còn hỏi là có còn chỗ không, để gửi theo thằng con.
Ối bà con ơi, vui sao quá xá là vui...
(còn tiếp một kỳ)