Nhẫn, Nhịn |
Tác Giả: Nguyễn Thị Hồng Diệp | |||
Thứ Tư, 07 Tháng 1 Năm 2009 12:47 | |||
Ngày 19-12-2008 Các cụ nhiều chữ, làm ơn giải nghĩa giùm tôi, có phải nhẫn là chữ nho, diễn nôm ra là nhịn có phải không? Nếu không phải thì cũng cứ tạm cho là phải đi cái đã, chuyện đâu còn đó, lo gì. Ngày xưa, các bà mẹ khuyên dạy con gái trước khi về nhà chồng là phải nhẫn, nhịn. Cũng cứ tạm cho là đúng đi. Tôi còn nhớ hồi xưa, cụ Tăng Xuân An dạy học trò rằng - tôi xin mở ngoặc, tôi không là học trò cụ An, nhưng cụ dạy học trò tôi nghe ké, lúc đó tôi là cô giáo rồi mà - làm thân con gái phải biết nhẫn nhịn. Các con có biết rằng, khi lấy chồng, người chồng đeo vào tay người vợ mới cưới chiếc nhẫn, đúng không? Như vậy có nghĩa là, bắt đầu từ ngày hôm ấy, người con gái - sau khi trở thành người vợ - sẽ phải luôn luôn nhớ tới điều này: phải luôn luôn nhẫn nhịn. Nhịn mẹ chồng, nhịn chồng, nhịn anh em, họ hàng nhà chồng. Ðiều đó không phải dễ, nhưng đó là căn bản đạo đức của người đàn bà. Tôi nghe mà phát sốt rét ngã nước. Tôi nhìn xuống chiếc nhẫn mình đeo trên tay. Chẳng phải là một chiếc mà là một cặp nhẫn. Người ta gọi là cặp nhẫn cưới, mà chả thấy nó đẹp, nó quí ở chỗ nào, mà nó bỗng trở thành một chiếc gông, một chiếc cùm chăng? Cho dù gông này, cùm này làm bằng vàng trắng và kim cương! May thay, tôi chẳng có mẹ chồng hay anh chị em nhà chồng nào hết. Chỉ có trần xìn một anh chồng. Tôi tự nhủ, nếu anh này, khi đeo cặp nhẫn này vào tay tôi, với cái dã tâm để tôi nhẫn nhịn, xin lỗi, kim cương có bằng trái ổi xá lị thì tôi cũng tháo ra, trả lại anh yêu, bỏ của mà chạy lấy người. Sau này, mỗi khi cãi nhau với chồng, tôi về nhà méch bu. Mười lần y như đến chín, hay cả mười cũng nên, mẹ tôi đều nói: mày nhịn nó đi một tí không được sao? Tôi trợn tròn mắt ngó mẹ, công phẫn la toáng lên. Hay nhỉ, con mình chả bênh lại đi bênh người hàng xứ? Sao mẹ không bảo nó nhịn con đi, mà lần nào cũng bảo con phải nhịn nó? Mẹ tôi thở dài, chép miệng: khốn như lần nào mày cũng trái lè ra, bảo nó nhịn mày thế nào được? Tôi chỉ biết hứ một tiếng rồi lặng thinh. Xin mở một cái ngoặc ở đây. Mẹ tôi ít khi nào gọi tôi là mày lắm. Lúc mà cụ dùng tới cái đại danh từ này, có nghĩa là bệnh ngang bướng của tôi đã tới thời kỳ bất trị rồi. Ðến tối về nhà, tôi làm lành bằng cách, lôi tay hắn ra, xoay xoay chiếc nhẫn - mỗi một chiếc xấu ìn, chả có kim cương hột soàn gì cả - bảo rằng, cái này gọi là cái nhẫn nghe không. Muốn cho nhà cửa êm ấm, muốn cho hạnh phúc lâu bền thì phải biết nhẫn, nghe không? Nhẫn có nghĩa là nhịn ý mà, hiểu không? Cụ Tăng Xuân An bảo thế đấy. Hắn vùng vằng rút tay lại, cằn nhằn, đứa nào nhịn đứa nào mới được chứ? Tôi cười cầu tài: thì đứa nào tốt tính thì nhịn cái đứa ó đâm, chằng ăn, trăn cuốn. Cho nó yên cửa yên nhà. Có thế mà cũng phải hỏi. Nhờ thế mà tôi chả phải nhịn ngày nào, lần nào, nhà cửa cũng êm vui, hạnh phúc ra phết đấy. Các cụ dạy là không thể sai được mà. Chả biết có phải vì thế không mà, tất cả mọi người đều nói lén sau lưng tôi là chồng tôi thuộc loại râu quặp, còn tôi thì khỏi phải ngôn, khỏi cần xếp hạng. Cái này chẳng phải lỗi tại tôi đáo để. Chẳng qua là tôi lắm lời, hay lý sự cùn. Trong hôn nhân cả hai người cùng đeo nhẫn. Chứ đâu có phải chỉ có đàn bà đeo nhẫn mà thôi. Tại các bà vợ không nhắc nhở cho các ông chồng cùng nhìn xuống bàn tay mình để mà thấy chiếc nhẫn hôn nhân. Ai bảo các bà cứ tranh giành quyền nhẫn nhịn, cứ giữ độc quyền đeo nhẫn. Ai bảo các bà cho phép ông chồng, sau đám cưới là tháo nhẫn ra. Cái vụ đàn ông không đeo nhẫn gây ra nhiều tai họa lắm đấy chứ chả phải vì không đeo nhẫn là không chịu nhịn đâu. Không đeo nhẫn là có ý đồ ú xịa, để cho người khác tưởng rằng mình còn avalápbơn, để dễ bề thao túng. Ðúng không nào? Ông chồng tôi cũng đua đòi với người ta tháo nhẫn ra, sau khi bị nhịn quá nhiều lần, để xem tình thế có đổi thay không. Nhưng tôi luôn luôn nhắc nhở ông tới cái nhẫn vô hình. Cho nên ông chạy trời không thoát. Con rể tôi, sau năm ba năm, cũng lấy cớ là tại mập ra, nhẫn cưới chật quá đeo đau tay để tháo ra. Con gái tôi cũng nhất tề tháo nhẫn ra, cũng kêu đau tay không mang. Thế là chẳng đứa nào cần phải nhịn đứa nào. Và đứa nào cũng vỗ ngực mình còn son rỗi. Khốn nỗi, đàn bà một con trông mòn con mắt, hai con lại đẹp gấp hai. Con vợ nó cứ phây phây, ra đường ai cũng tưởng con còn gái. Anh chồng nóng mắt, chịu trời không thấu, bèn tự động mang nhẫn vào, và đồng thời bắt vợ mang theo. Còn ông Xã Xệ nhà tôi có mang hay không mang thì cũng thế, già khú đế, sau khi bị tôi kìm kẹp te tua, có bỏ ra đường cũng chả ai ham. Còn tôi ý hả? Ngu gì không mang, nhẫn hột soàn không mang cũng uổng. Vả lại tôi đối xử rất công bình, không bao giờ để thiệt thòi cho ai. Trong gia đình tôi, tôi đeo nhẫn, còn ông nhịn, thế là huề, có ai xử ức ai đâu. Không có lẽ tôi đã mang nhẫn rồi lại còn bắt tôi nhịn nữa thì còn đâu là công lý. Một vừa hai phải thôi chớ. Cái gì cũng vậy, có đi thì phải có lại, mới toại lòng nhau. Ðúng không nào. Nói cho ngay, yêu nhau tam tứ núi cũng trèo, lục thất bát sông cũng lội, huống chi nhịn nhau một tí. Làm gì mà phải nhặng cả lên. Ông nhịn tôi thì tôi cũng phải biết điều, chứ đòi ở đấy mà làm càn hoài hay sao? Chỉ có điều là tôi to mồm, nỏ miệng, dầy da, bóng trán, cho nên ai cũng tưởng là tôi bắt nạt ổng. Ở đời chẳng có ai dại, ai ngu đâu các cụ ơi. Khỏi phải tội nghiệp ông Xã Xệ đi. Ông ấy cũng thừa bản lãnh để tự vệ mà. Không thì làm sao ông ấy sống trong vòng kìm kẹp của bà La Sát, cho tới ngày hôm nay mà vẫn phây phây, khỏe mạnh, tinh tường? Thượng thọ rồi đấy chứ chơi à? Nuôi được ổng cho tới ngày nay, tôi cũng hao tâm, tốn sức lắm đấy chứ bộ. Giả thử, ông có nhịn tôi thì cũng coi như huề đi. Bánh ít đi, bánh qui lại chứ! Có ai ăn không của ai đâu. Muốn hòa bình thì điều quan trọng nhất là biết tiến thối cho đúng lúc. Binh thư Tôn Tử dạy rằng phải biết mình biết người, trăm trận trăm thắng. Ðừng bao giờ coi thường đối phương. Khi coi mòi làm tới không được thì ta rút lui, chờ lần khác, hoàn cảnh thuận lợi hơn. Kẻ thắng cuộc luôn luôn là kẻ sáng suốt, biết nhẫn nhịn, chờ thời. Cái cụ thấy không, nói đi nói lại thì vẫn không qua được chữ nhẫn. Các cụ xưa đã dạy là phải đúng. Cãi bướng cũng không lại. Lì như tôi mà đôi khi vẫn còn phải nhịn, huống chi ai!
|