Home Phiếm Các Tác Giả Bạn Già Quanh Tôi

Bạn Già Quanh Tôi PDF Print E-mail
Tác Giả: Khanh Vũ   
Thứ Bảy, 22 Tháng 11 Năm 2008 07:33

Tác giả là một cựu sĩ quan VNCH, cựu tù nhân chính trị, định cư tại Mỹ theo diện H.O. Bài viết kể về ba người bạn già: Ông Di Tản, Ông H.O. và Ông ODP Đoàn Tụ. Mỗi người bạn một hoàn cảnh...

Tôi có ba anh bạn cùng ở Orange County, Nam California. Mỗi anh đến Mỹ theo một cách, anh di tản đến đây vào những ngày cận kề biến cố 30-4-75, anh sang theo diện HO và anh được con bảo lãnh đoàn tụ. Tuổi tác các anh đều ngoài bảy mươi, sức khoẻ còn tương đối tốt, tinh thần "yêu đời yêu người" còn nhiều và đáng kể hơn cả là mỗi anh đều có một cuộc sống về chiều khá đặc biệt.

1. Ông bạn di tản

Anh H là người đến Mỹ sớm nhất trong đám chúng tôi. Vừa rồi tôi điện thoại thăm anh. Sau vài câu trao đổi thường lệ về sức khoẻ, sinh hoạt có gì lạ, anh cho biết sắp về VN và lần này là lần thứ 28. Tôi buột miệng khen vừa hỏi:

-Thế là nhất anh rồi. Vẫn là việc từ thiện mổ mắt chứ?

-Đúng vậy nhưng lần này có thể tôi sẽ ở bên đó lâu hơn chứ không một hai tháng như thường lệ.

Tôi hỏi đùa tiếp:

 -Nghe đồn Tầu cộng đe dọa sắp dạy cho Việt cộng bài bọc thứ hai anh không sợ sao?

 -Hơi đâu mà sợ cho bận tâm anh ơi, đời là vô thường mà.

Anh đáp lại, giọng bình thản nhẹ nhàng. Tôi chợt nhớ ra mấy lúc sau nầy trong câu chuyện anh thường xen vào chút ít giáo lý nhà Phật nghe rất hay và bổ ích nhưng sợ câu chuyện kéo dài như lần trước tôi vội chuyển sang đề tài khác. Chúng tôi trao đổi với nhau về nhiều thứ, từ bạn bè xa gần, chuyện trong cộng đồng, chuyện bầu cử tổng thống của Mỹ .v. v. rất thân tình vui vẻ như bao nhiêu lần trước. Lúc sau cuộc điện đàm chấm dứt nhưng con người anh và những hoạt động của anh những năm gần đây vẫn còn lảng vảng trong tôi.

Chúng tôi cùng quân chủng khi còn quân lực VNCH, sang bên xứ người này cùng cảnh ngộ nên dễ thân nhau hơn nhất là chúng tôi lại ở hai thành phố sát bên nhau, dễ dàng tớí lui gặp nhau khi cần. Anh H. lúc nào cũng vui vẻ cởi mở, nói chuyện hoạt bát đôi lúc pha chút dí dỏm làm người nghe rất dễ có cảm tình. Bạn bè thân thiết còn biết anh rất thông minh, giao thiệp rộng và tử tế, giầu lòng nhân ái. Anh đã thành công ngay từ thời còn trai trẻ trong thời gian được chánh phủ cho đi học chuyên môn tại một trường ở Pháp vào những năm đầu thập niên 1950 cũng như ngoài đời sau khi về nước. Lúc học ở Pháp anh được chọn làm huấn luyện viên, một chức vụ chỉ dành cho ai giỏi, xuất sắc nhất trong đám khoá sinh mấy chục người. Với nhiệm vụ này anh đặc biệt không phải về nước ngay sau khi mãn khoá học như bao nhiêu anh em khác mà được ở lại để huấn luyện cho các khoá sinh đến sau. Khi về nước anh làm việc trong quân đội một thời gian thì xin được giải ngũ, anh ra ngoài làm việc cho một công ty truyền tin của Mỹ ở ngay Sàigòn với chức vụ khá và lương bổng cao hơn nhiều lần so với thời còn trong quân ngũ. Anh là dân Bắc di cư biết khá rõ về cộng sản, bản thân lại làm việc cho Mỹ nên khi biết tình hình miền Nam sắp mất anh vội di tản sang Mỹ cùng với toàn thể gia đình vào một ngày trước khi miền Nam rơi vào tay Việt cộng.

Khi đến xứ người anh may mắn đem theo được một số vốn dành dụm thời còn làm việc. Gia đình anh định cư ngay tại quận Cam từ đó cho đến nay. Sau khi ổn định vợ chồng anh mua nhà ở và anh khởi sự đi làm công một thời gian ngắn, sau đó mở văn phòng dịch vụ tự làm chủ, trong lúc các con anh chị vẫn tiếp tục việc học. Chỉ mười mấy năm sau nhờ tài tháo vát, lanh lẹ, sự giao tiếp khéo léo cũng như tính cần cù chí thú, anh chị có đời sống dễ chịu, không còn phải bận tâm với sinh kế. Lúc đó anh đến tuổi hưu, con cái đều trưởng thành, học hành xong, anh chị nghĩ đến việc thôi làm việc, đến những năm vàng son của cuộc đời về già đi "ngao du sơn thuỷ" đó đây theo truyền thống thông thường trước đây của người Mỹ khi về hưu.

Tôi đoán chừng đối với anh có chút của ăn của để là được rồi, có lẽ anh theo thuyết "biết đủ tức là đủ" hay là "hãy hài lòng với cái tương đối". Anh chị nghĩ đến chuyện đi chơi đây đó bù lại thời gian dài lo toan vất vả với cuộc sống trên xứ người, và khởi đầu bằng các chuyến du lịch xa tại một số nước trên thế giới. Anh chị rủ vài bạn cùng đi thăm một số nước ở châu Âu, đông Âu, Trung quốc.., một thời gian sau cảm thấy lớn tuổi mà đi máy bay xa mãi cũng thấm mệt anh chị rủ bạn ta cùng đi cruise các nơi gần như Mễ, Hawai...

Bẵng đi một thời gian khá lâu không nghe tin anh đi chơi xa nữa, tôi đoán chừng anh đã đổi ý không thich du lịch nữa. Có lẽ đã đến lúc anh nhàm chán những thú vui du lịch và nhìn lại đời mìmh. Tưổi đời ngày càng chồng chất mà kiếp người thì có hạn, quỹ thời gian lại chẳng còn bao nhiêu. Anh thấy cần có sự thay đổi, cần phải xử dụng thời gian và tiền bạc vào những việc có ý nghiã hơn. Anh nghĩ đến việc về quê hương sau bao nhiêu năm xa cách xem sự tình thể nào. Và anh chị về thăm lại Sài gòn lần đầu tiên vào những năm đầu 1990. Không còn bà con ruột thịt ở đây vì tất cả đã ở nước ngoài, một số do tự họ đi, số khác đã được anh chị bảo lãnh sang Mỹ. Anh chị thuê phòng nghỉ ở một khách sạn nhỏ ngay trung tâm thành phố, về sau khách sạn này trở nên rất quen thuộc như nhà riêng vì những lần về kế tiếp anh chị đều đến ở đây. Rồi anh rong chơi khắp thành phố vừa xem sự tình vừa tìm lại bạn bè đồng đội thân quen ngày xưa; anh gặp đươc nhiều bạn học cũ, có anh được tha khỏi trại cải tạo sau gần chục năm tù đày đang chờ đi theo diện HO, gặp bạn nào anh đều thăm hỏi ân cần và giúp đỡ nếu xét thấy cần thiết.

Thời gian ở Sàigòn anh có dịp đi đến nhiều nơi, ngoài những khu phố xá cao to hào nhoáng phô trương "phồn vinh giả tạo" anh cỏn đi sâu vào những khu phố nhỏ, về thăm những miền quê, anh đã có dịp thấy tận mắt biết bao cảnh đời bần hàn cùng cực mà anh nghĩ ai đứng trước những cảnh tương tự hẳn cũng đều động lòng trắc ẩn, nghĩ ngay đến sự giúp đỡ nào đó. Anh nghĩ đến hoàn cảnh thiếu thốn, nghèo khổ của các trẻ em mồ côi, người già yếu, tàn tật sau khi đến thăm các nơi này và anh đã có sự giúp đỡ sơ khởi qua các người quản lý và hội từ thiện.

Những năm sau đó anh cũng tiếp tục làm những việc từ thiện tương tự, vẫn không dành cho một thành phần cố định nào và tất cả sự giúp đỡ đều thông qua người đại diện hay cơ quan trung gian, một việc mà anh không hài lòng lắm nhưng chưa biết tính sao. Cho đến một năm kia do một cơ duyên khá bất ngờ anh đã đi đến quyết định dành trọn sự giúp đỡ cho đồng bào già nghèo khổ bị cườm mắt đui mù mà không có điều kiện chữa trị thích hợp để thấy lại ánh sáng. Đây là một việc làm mà cho đến nay anh vẫn tiếp tục và rất hài lòng bởi anh có thể theo dõi diễn tiến, thấy được kết quả nhãn tiền sau khi đã trực tiếp trả mọi tiền phí tổn.

Theo lời anh kể lại thì đúng là một duyên may tình cờ, đó là năm mà trước ngày anh trở lại Mỹ có một bác sĩ tên L. đến xin gặp anh chị ở khách sạn. Bà bác sĩ này tự giới thiệu là một chuyên viên mổ mắt thường cũng làm thiện nguyện ở bệnh viện A.B, bà được biết anh chị thường về VN làm việc từ thiện nên mong muốn được anh chị giúp đỡ them phương tiện để có thể mổ mắt giúp cho nhiều đồng bào già cả nghèo nàn đang cần dịch vụ này. Sau khi hỏi và được biết qua về việc điều hành ca mổ mắt và nhu cầu cần thiết như thủy tinh thể cùng một số vật dụng khác, anh H. đồng ý giúp nhưng cho hay mai phải về lại Mỹ, không thể ở lại xem công việc diễn tiến và kết quả như thế nào. Tuy nhiên còn trong túi 2000US anh trao cho bác sĩ L. với yêu cầu ghi lại công việc đã làm và gởi cho anh chị xem kết quả, nếu thấy được anh chị sẽ tiếp tục yểm trợ khi trở lại VN. Anh cho bà bác sĩ địa chỉ nhà ỏ Mỹ.

Một thời gian sau anh nhận được thư ghi chi tiết công việc mổ mắt, hình ảnh kết quả và sự xử dụng số tiền anh đã đưa. Năm sau anh chị trở lại VN và gặp bác sĩ L. bàn bạc về kinh nghiệm mổ mắt lần trước và chương trình mổ mắt tiếp với quy mô lớn hơn cho nhiều bệnh nhân hơn. Cũng thời gian này anh chị được giới thiệu vớí một vị nữ tu đức độ và giầu lòng bác ái; từ lâu sư cô vẫn chuyên làm việc công đức giúp đỡ những người hoạn nạn nghèo khổ nhờ có thân nhân ở nước ngoài vẫn thường xuyên gởi tiền yểm trợ. Khi anh H. cho biết cần tìm nhiều người già nghèo khó bị bệnh cườm đui mù để thực hiện việc mổ mắt giúp, sư cô tình nguyện làm việc này. Do có quan hệ rộng rãi với rất nhiều nhà chùa, hội từ thiện, không những trong thành phố mà cả ở các địa phương dưới tỉnh nên sư cô có thể cung cấp danh sách những người có nhu cầu trên không mấy khó khăn.

Thế là với sự giúp đỡ điều động của sư cô, các bệnh nhân từ các nơi được hướng dẫn đến bệnh viện khám mắt để xác định tình trạng (mổ được hay không) và được yểm trợ mọi mặt cho đến khi chữa trị xong. Do bệnh nhân cần mổ rất đông, anh H. đã phải cần đến một nhóm bác sĩ chuyên khoa mổ mắt mới có thể hoàn tất theo dự trù. Suốt thời gian việc mổ mắt diễn tiến anh thường có mặt quan sát, theo dõi nên thấy được kết quả trước mắt, bao nhiêu người khốn khổ vì thiếu ánh sáng, vì đui mù từ bao lâu bổng chốc được thấy lại, vui mừng đến nghẹn ngào. Anh không màng đến những lời cám ơn sâu đậm xuất phát từ đáy lỏng của họ nhưng rất vui trong lòng khi thấy nét mặt già nua rạng rỡ sung sướng của họ, biết rằng từ đây họ thấy lại được ánh sáng để sống nốt quãng đời còn lại.

Lần đầu trực tiếp làm từ thiện tuy bận rộn nhưng anh rất hài lòng bởi anh biết được công sức, tiền bạc anh bỏ ra dù chẳng bao nhiêu nhưng đã đem lại hạnh phúc thiết thực và rõ ràng cho một số đồng bào ruột thịt. Về lại Mỹ anh kể lại cho một số bạn bè và người thân quen nghe việc anh vừa làm, hầu như ai cũng đồng ý, ngưỡng mộ, tỏ ý sẵn sàng hưởng ứng đóng góp khi anh cần đến để tiếp tục làm việc thiện này.

Năm kế tiếp và những năm sau đó nữa anh đều về lại VN làm từ thiện giúp đỡ mổ mắt. Nhờ kinh nghiệm tích lũy, sự giúp đỡ nhiệt tình của vị nữ tu cũng như sự làm việc tích cực, tận tâm của nhóm bác sĩ chuyên khoa, việc mổ mắt tiến triển nhanh và kết quả đạt được cũng nhiều hơn. Việc làm không những được thực hiện ngay tại các bệnh viện ở Sàigòn mà còn được thực hiện ngay ở các tỉnh có nhiều bệnh nhân để tránh cho họ phải đi xa,và bớt đươc phí tổn đài thọ nơi ăn chốn ở. Tính chung mỗi lần anh H về đều giúp được ba bốn trăm người bệnh thấy lại ánh sáng. Có những năm anh về hai lần bởi mỗi lần về chi ở lại độ một tháng mà số người bệnh thì ngày càng gia tăng. Đặc biệt năm 2007 anh đã ở VN hơn ba tháng để giúp mổ mắt cho hơn 1500 người.

Những năm sau này trong thời gian ở VN ngoài thì giờ theo dõi việc mổ mắt ở các nơi, những lúc rảnh rỗi anh để tâm nghiên cứu Phật pháp và tìm những vị thầy giỏi để học hỏi thêm. Có một hôm anh nói khá nhiều cho tôi nghe về giáo lý nhân quả của Đức Phật, rồi đưa ra một số trường hợp điển hình để dẫn chứng. Dường như qua thời gian dài dốc tâm đem lòng vị tha vô ngã làm việc thiện, đối diện với bao nhiêu người già nghèo khổ bệnh tật, lòng nhân hậu nơi anh càng sâu đậm hơn, ý tưởng đến với niềm tin tôn giáo trong anh cũng mạnh mẽ hơn.

Anh tâm nguyện dành thời gian còn lại của đời mình làm sao cho được "thân tâm thường tịnh", và tạo nghiệp lành trong kiếp sống luân hồi, những điều mà hẳn mọi người nhất là những ai về già đều mong muốn đạt được.

2. Ông bạn H.O.

Anh N ở rất gần nhà tôi chỉ cách độ 15 phút lái xe là cùng. Chúng tôi quen biết và thân nhau vì nhiều cơ duyên: cùng trong quân đội thời VNCH, nhà ở gần nhau cùng quận trong thành phố Sàigòn, cùng cảnh ngộ tù đày sau 1975, cùng sang Mỹ theo diện HO và lại ở gần nhau trong cùng quận Cam.

Vợ chồng anh và ba người con hai gái một trai đều trưởng thành độc thân đến Mỹ vào những năm đầu 1990. Anh chị đều đi làm ngay, các cháu thì tiếp tục việc học, lần lượt đều thành đạt, có công việc làm tốt, cuộc sống ổn định. Các cháu lần lượt lập gia đình và ra riêng, trừ cháu trai vẫn ỏ chung nhà với anh chị. Làm việc được mấy năm anh N. "tự nghỉ hưu" do sức khoẻ kém, hậu quả của những năm tháng dài tù đày khổ cực trong các trại giam của Việt cộng.

Đến nay sau hơn mười năm ở Mỹ anh chị đã có cả thảy bốn cháu nội ngoại mà hầu như anh chị có thể gặp mặt và vui vầy với các cháu mỗi ngày do gia đình bố mẹ hai cháu ngoại cũng ở gần nhà anh chị. Công việc hiện giờ của anh là mỗi ngày đưa đón hai cháu nội đi học, hai cháu này đều còn nhỏ, đứa lớn nhất chưa quá mười tuổi, và phụ giúp chút ít việc nhà khi bà xã cần; thì giờ còn lại anh dành nghỉ ngơi đọc sách báo, nghe ra-dio hay xem truyền hình. Các con anh vẫn còn giữ được nề nếp truyền thống lễ nghi, hiếu thảo đối với cha mẹ nên lúc nào gặp nhau anh cũng tỏ vẻ hài lòng, hạnh phúc với cuộc sống "tam đại đồng đường" mà anh đang may mắn được hưởng.

Anh là người công giáo thuần thành, tánh tình hoà nhã và tinh thần chống cộng bền bỉ. Dù mang thân phận tị nạn đã khá lâu nhưng anh vẫn còn luôn khắc khoải về vận mạng đất nước, chi mong sao quê hương sớm thoát được ách cộng sản để người dân được hưởng cuộc đời tự do no ấm. Những ưu tư này anh thường chia sẻ với gia đình con cái mỗi khi có dịp thuận tiện.Thật là điều rất thích thú khi tôi biết các con anh cũng cùng tư tưởng quốc gia và một lòng đối với quê hương như anh, khác hẳn với nhiều người trẻ khác cùng trang lứa thường mải mê lo cho đời sống cá nhân mà không bận tâm gì đến chuyện khác. Tôi tự hỏi có phải chăng do cuộc sống miệt mài với lý tưởng thời còn trong quân ngũ trước kia của anh cùng với những kinh nghiệm đau thương anh đã trải qua sau ngày mất nước mà các con anh đã được chứng kiến khi còn ở trong nước hay biết được qua những câu chuyện thực anh kể, đã có tác động mạnh đến tinh thần các con anh.

Anh thường xuyên đọc báo chí, nghe radio, xem truyền hình hơn tôi, trí nhớ anh lại còn rất tốt. Không những anh biết nhiều những chuyện mới xảy ra trên thế giới cũng như trong cộng đồng được phổ biến trên các phương tiện truyền thông mà anh còn nhớ rất nhiều về những biến cố xảy ra trước ngày miền Nam lọt vào tay cộng sản. Anh có khả năng nhận định sự việc một cách rành rọt, sâu sắc; khi kể lại sự viêc do đó rất lôi cuốn dễ thuyết phục người nghe. Mỗi lần thắc mắc muốn hiểu rõ điều gì liên quan đến thời sự, chính trị, tôn giáo hay sinh hoạt cộng đồng v. v. tôi thường điện thoại hỏi anh là được giải đáp thoả đáng, giúp tôi hiểu rõ thêm nhiều chi tiết, vỡ lẽ ra một vài vấn đề.

Đối với những sinh hoạt quan trọng xảy ra trong cộng đồng tại địa phương anh thường đều biết rõ. Như mới đây khi vừa hay tin ở quận Cam sắp có" Đại nhạc hội Cám ơn anh người chiến sĩ VNCH kỳ 2" do nhiều đoàn thể đứng ra tổ chức nhằm vinh danh các thương phế binh và quả phụ cô nhi của VNCH và gây quỹ để yểm trợ những người hiện còn đang sống vất vưởng tại quê nhà, tôi đoán chắc anh đã biết việc này liền điện thoại hỏi anh D có dự định đi tham dự hay không. Anh đã trả lời dứt khoát ngay: "Nhất định là có đi chứ, với cả gia đình". Tôi chợt cảm thấy câu hỏi của mình hơi thừa bởi tôi nhớ ra từ lâu không có việc gì có ảnh hưởng tốt đến chế độ VNCH, đến đồng đội ngày xưa mà anh không tích cực hỗ trợ đồng thời còn vận động cả gia đình cùng tham gia. Theo anh đây là một việc làm hết sức có ý nghiã, đầy ắp tình người. Làm sao không nhớ đến, không yểm trơ. những con người đã hi sinh một phần thân thể cho quê hương để ta có được cuộc sống an bình ngày hôm nay. Đúng đây là "món nợ tâm linh mà chủ nợ không có khả năng đòi và chúng ta không đang tâm để quịt món nợ đó" như lời phát biểu của khoa học gia Dương nguyệt Ánh trong phần mở đầu buổi Đại nhạc hội.

Cả gia đình anh đã đến dự buổi trình diễn gây quỹ tương trợ này từ đầu đến cuối. Không chỉ kỳ đại hội này mà cả lần đại hội trước cùng mục đích tương tự tổ chức cách đây độ hai năm, cũng tại quận Cam nơi đây và cả gia đình anh chi cũng đã sốt sắng tham dự. Còn nhớ khá lâu trước đây anh nói với tôi anh đã rất hân hoan đến dự buổi lễ long trọng khánh thành tượng đài chiến sĩ Việt Mỹ tại khu Công viên Tự do ở cuối đường All American way, thành phố Wesminster. Kể từ đó những ngày lễ Chiến sĩ trận vong anh thường nhắc nhở con cháu đến đài kỷ niệm chiến sĩ để thắp nén nhang, đặt ít hoa tưởng nhớ đến những anh linh tử sĩ, những người đã hi sinh mạng sống lý tưởng tự do, cho đất nước thân yêu. Anh và gia đình cũng tham gia những cuộc biểu tình chính đáng trong cộng đồng để chống lại những âm mưu phá hoại của những kẻ thân cộng hay làm tay sai cho VC len lỏi trong cộng đồng như vụ T. T. mấy năm trước hay vụ một tuần báo  thời gian sau này.

Phong trào dân chủ trong nước anh cũng theo dõi chặt chẽ, sự việc Linh mục N.V. Lý, các luật sư N.T. Công Nhân, N.V. Đài&bị bắt bị xử ra sao rồi các vụ dân oan khiếu kiện, điển hình như các vụ giáo dân đòi lại Toà khâm sứ ở Hà Nội, đòi lại đất đai ở giáo xứ Thái Hà..anh đều chịu khó tìm hiểu thấu đáo qua các báo chí và phương tiện truyền thông.

Nhưng điều nổi bật nhất nơi anh là tinh thần quốc gia và sự hiểu biết thấu đáo về cộng sản. Anh thường nói đến sự cảnh giác không thể thiếu trong chúng ta đối với những sự gian ác, xảo trá của Việt cộng mà bản thân anh đã trải nghiệm cũng như quá khứ lịch sử chứng minh còn đó. Đối với anh đế chế cộng sản Liên Sô tan rã vào đầu thập niên 90 là điều tất yếu. Một chủ nghiã xã hội xây dựng trên học thuyết mơ hồ muốn tạo dựng một thế giới đại đồng chỉ là ảo vọng, sớm muộn cũng phải sụp đổ. Chỉ tiếc trên thế giới ngày nay vẫn còn sót lại vài ba nước cố bám vào chủ thuyết đó (trong số có Việt Nam) để mà mặc sức độc tài đảng trị, chà đạp lên mọi quyền căn bản của người dân, tha hồ bóc lột, làm giầu trên xương máu của họ.

Về sự tàn bạo của Việt cộng, anh thường nhắc đến kinh nghiệm đau thương của bao nhiêu đồng bào vô tội miền Bắc trong thời kỳ cải cách ruộng đất, vụ xoá ký kết ngừng bắn xua quân thảm sát đẫm máu trong biến cố Tết Mậu thân tại Huế và sự chết chóc thảm thương của hàng trăm ngàn người vì sợ hãi cộng sản đã phải vượt biên vượt biển tìm tự do từ khi VC cưỡng chiếm miền Nam. Trước đó suốt mấy mươi năm chúng luôn tìm cách lừa lọc bằng mọi thủ đoạn ma mãnh để làm suy yếu chánh quyền miền Nam, quỷ quyệt dụ dỗ một nhóm người giầu sang , trí thức miền Nam đưa vào bưng lập ra cái gọi là Mặt trận giải phóng miền Nam làm công cụ để qua hội nghị Paris 1973 mong được chia phần với VC nhưng phũ phàng thay khi VC xoá hoà ước đánh chiếm trọn miền Nam xong thì chỉ vài tháng sau cái mặt trận hữu danh vô thực kia đã bị giải thể, lần lượt các thành viên mặt trận bị cho về vườn rồi chết dần mòn trong tủi nhục vì phản dân hại nước. Dân miền Nam sau 30-4-75 đã chứng kiến những gì? Những màn ăn cướp tài sản người dân qua chiêu bài đánh tư sản mại bản, qua các thông báo không đổi tiền rồi bất ngờ thi hành đổi tiền, ra thông báo mập mờ kêu gọi cựu quân cán chính ra trình diện học tập ngắn ngày để lừa hàng trăm ngàn những người này vào các trại giam khổ sai vô thời hạn ở khắp miền Nam chí Bắc, khiến đã có biết bao nhiêu ngàn người chết thảm thương do chế độ nhà tù khắc nghiệt, do lao động khổ sai đói khát bệnh hoạn nơi rừng thiêng nưóc độc. Từ những kinh nghiệm quá khứ , những kinh nghiệm bản thân trong những năm dài bị tù đày và những năm sống dưới chế độ cộng sản trước khi qua được Mỹ anh N. hiểu biết rất rõ bản chất VC "trước sau như một" là luôn tàn ác và vô cùng gian trá. Đến bây giờ đã trên ba mươi năm chúng vẫn giữ nguyên bản chất đó dù bề ngoài có làm ra vẻ tốt đẹp đến thế nào. Như một loại tắc kè thay đổi mầu sắc để tồn tại, tính gian manh độc ác của VC mãi mãi chẳng bao giờ thay đổi.

Cũng những năm dài tù đày trong những trại giam khắc nghiệt của cộng sản đã để lại trong anh nhiều suy tư mà trong đó mong ước tha thiết nhất là mọi người hiểu rõ mặt thật của chủ nghiã cộng sản, chán ghét nó và đồng góp sức tranh đấu cho đất nước được tự do dân chủ no ấm như bao nhiêu dân tộc khác trên thế giới. Mong mỏi này được anh chia sẻ với các bạn bè thân cũng như những người trong gia đình mỗi khi có dịp thuận tiện. Tôi không rõ nó có ảnh hưởng tích cực ít nhiều thế nào đối với bạn bè nhưng tôi đã thấy kết quả tích cực của nó đối với gia đình mấy người con anh, nhất là cháu trai đang ở tuổi ngoài ba mươi. Điều này khiến tôi liên tưởng đến thế hệ trẻ tiếp nối cha chú mà đều có tinh thần quốc gia, hiểu biết rõ về chủ nghiã hoang tưởng, tàn bạo và quỷ quyệt của cộng sản thì ta còn hi vọng rất nhiều vào tương lai tươi sáng của đất nước.

3. Anh Bạn ODP Đoàn Tụ

Anh bạn S của tôi đến Mỹ do con bảo lãnh. Anh có ba người con, hai gái một trai, mỗi đứa ở một nước. Cô gái lớn sống với gia đình ba con ở Pháp, người con kế là con trai có gia đình hai con hiện ở cùng với vợ chồng anh tại Mỹ còn cô gái út cũng đã có gia đình với hai con nhỏ thì còn đang sống tại Việt Nam. Trước mắt tôi anh là con người rất bình thường nhưng có lỏng tử tế hiếm thấy. Hôm vừa rồi muốn thăm hỏi anh, tôi gọi điện thoại đến nhà thì gặp giọng nói quen thuộc của cậu con trai.

 -Dạ thưa bác, ba má cháu sang Pháp thăm chị cháu từ hơn tuần nay rồi ạ.

 - Vậy hả, chừng nào thì ba má cháu về?

 - Dạ, độ ba tuần nữa ạ.

 - Cám ơn cháu, bác sẽ gọi lại khi đó vậy.

Bỏ điện thoại xuống, tôi thầm nghĩ "vợ chồng tay này quả là sung sướng, có dịp đi chơi xa hoài". Tôi nhớ mới hôm đầu năm, hai anh chị cho hay đã đi VN thăm con gái út và ăn Tết bên đó. Lúc về kể lại chuyến đi rất vui, hưởng trọn cái Tết với gia đình và thân hữu sau đó lại được con gái mua tua du lịch đi ra Hà Nội, thăm Vịnh Hạ Long, SaPa và vài nơi khác. Nay thì sang Tây thăm vợ chồng cô cả và ba đứa cháu ngoại và chắc hẳn là sẽ lại được đưa đi chơi thăm viếng các nước lân cận như lần trước anh chị sang đây, khi về anh chị đã kể lại chuyến đi và cho xem hình ảnh kỷ niệm chụp rất đẹp tại các nước Đức, Ý, Thụy Sĩ...  Còn gì vui hơn một năm hai anh chị hưởng cả ba bầu không khí Việt, Pháp và Mỹ. Ở tuổi quá thất thập, có con cháu ở những nơi xa xôi vạn dậm mà từ Mỹ anh chị có đủ khả năng đi như vậy thật là vui, thử hỏi còn hạnh phúc nào hơn.

Anh chị S sang Mỹ sau tôi hơn năm. Trước biến cố 30-4-1975 anh S làm cho một công ty xăng dầu ở Sàigòn sau khi giải ngũ ra khỏi quân đội, còn tôi thì phục vụ trong cùng quân chủng với anh cho đến giờ phút chót cuộc chiến VN. Thời gian làm cho hãng xăng do công việc anh đã có cơ hội đi đến rất nhiều thành phố khắp miền Nam kể cả những nơi xa như Nha Trang, Đà Nẳng, Huế... Bạn bè cho là anh có cung di tốt trên lá số tử vi nên đã tìm được công việc có xe đi và tha hồ xăng chạy. Nay ở Mỹ có lẽ vẫn nhờ cung di hay đó mà anh có cơ may đi đây đó luôn chăng?

Khi miền Nam mất, vợ chồng anh kẹt phải ở lại, chịu hoàn cảnh vất vả như hầu hết bao đồng bào khác. Anh chị chỉ thoát khỏi cảnh này sau khi sang được Mỹ nhờ con trai bảo lãnh; cháu trai này vượt biên đến đây vừa đi làm vừa đi học, do cố gắng mấy năm sau cháu thành đạt, có công ăn việc làm tốt và ổn định rồi làm ngay thủ tục di trú cho anh chị sang đoàn tụ. Sau khi anh chị S đến Mỹ được vài tháng thì lại nhận được tin vui từ VN. Ở Sàigòn cháu gái lớn của anh đang làm phó giám đốc cho một công ty Pháp được công ty cử sang Pháp công tác đã ở luôn lại đây và vào học chương trình hậu đại học trường Sorbonne. Trước đó cháu gái vốn rất giỏi,thông minh lanh lợi, được nhiều cảm tình của các giới chức trong công ty, đã thường được công ty cử sang Pháp và một số các nước Âu châu khác để tham dự các buổi họp về các công việc liên hệ. Trong những lần đến Pháp cháu gái đã dành thì giờ đến trường Sorbonne là một trường đại học lâu đời và rất danh tiếng của Pháp để tìm hiểu, sau đó nộp đơn và đã được chấp thuận nhận. Anh chị S rất vui mừng khi cháu gái lớn ở lại Pháp và vào học được trường này.

Thế là anh chị chỉ còn gia đình cô gái út ở VN; gia đình anh chị trong vòng một năm từ dưới cùng một mái nhà đã tách ra làm ba nơi, ở ba đất nước rất xa cách nhau. Anh chị rất thương gia đình cháu út có hai đứa con nhỏ mỗi khi nghĩ đến đời sống hiện tại cũng như tương lai của chúng. Anh chị quyết tâm phải bảo lãnh cho chúng sang đoàn tụ càng sớm càng hay. Thế nên mấy năm sau khi vừa có quốc tịch Mỹ, anh làm ngay thủ tục di trú cần thiết, bây giờ anh chị chỉ còn chờ đến ngày đón gia đình cháu út sang là thoả lòng mong đợi.

Anh S đến Mỹ đi làm được vài năm thì đã quá tuổi hưu; do tuổi tác cao, công việc lại không thích hợp và cũng theo đề nghị của người con trai nên anh nghỉ làm luôn. Anh chưa đóng góp gì nhiều cho đất nước định cư nhưng sau khi nghỉ việc anh và bà xã do cùng trên 65 tuổi nên cả hai vợ chồng đều được hưởng đầy đủ các phúc lợi xã hội dành cho người già, về cả tiền trợ cấp lẫn y tế. Ngày anh làm đám cưới cho cậu con trai chúng tôi được mời tham dự để chia sẻ sự vui mừng với anh chi. Đến nay anh chị có hai cháu nội, hàng ngày anh là tài xế đưa đón các cháu đi học. Đời sống anh chị tương đối an nhàn, ngày ngày vui chơi cùng các cháu nhỏ với sự chăm lo chu đáo của vợ chồng người con trai. Tôi rất đồng tình với anh khi anh nói đến những niềm vui nho nhỏ khi con cháu đến nhà thăm, khi đưa cháu đi chơi, hay mỗi khi đi mua quà sinh nhật cho cháu, bởi tôi cũng trong hoàn cảnh như anh, cũng thường có những cảm nhận tương tự.

Dường như cho đến giờ anh chị chẳng còn điều gì phải bận tâm ngoài việc chờ đợi gia đình cháu gái út ở VN sang đoàn tụ. So với những bạn cũ còn ở VN thì chúng tôi quả là những người khá may mắn. Ngoại trừ vài anh có của ăn của để do có nhà cửa đất đai của cha mẹ để lại hoặc nhờ có con cái thích nghi được với chế độ mới, làm ăn khá giả giúp đỡ, còn đa số các bạn cũ khác sống chật vật, đau ốm nặng thì thật nan giải. Ở VN dưới chế độ cộng sản hiện nay làm gì có phúc lợi an sinh xã hội cho người nghèo, cho người già như ở các nước dân chủ, có chăng chỉ là cho thành phần đảng viên, công nhân viên nhà nước, còn tất cả người dân là phải tự túc, đau ốm phải có tiền mới được chữa trị.

 Khi đến Mỹ hai chúng tôi có duyên may sống cùng tiểu bang Cali nhưng lúc anh mới đầu thì ở quận Cam còn tôi ở thành phố Bakersfield cách anh độ 2 giờ lái xe. Dù khá xa nhưng chúng tôi thường liên lạc với nhau, thỉnh thoảng những ngày cuối tuần hoặc tôi xuống thăm anh hoặc anh lên thăm tôi. Chúng tôi giữ liên lạc thân thiết như lúc còn ở Sàigòn.

Vài năm sau thì cả gia đình tôi chuyển về quận Cam, chúng tôi có dịp gặp gỡ nhau nhiều hơn. Về đây chúng tôi gặp thêm một số bạn học thân thiết từ trước 1975, thời chúng tôi còn trong quân đội ở VN. Tôi không nhớ rõ từ khi nào nhưng có lẽ từ chục năm nay gần như một thông lệ khoảng chừng một tháng nhóm chúng tôi gồm năm cặp cả vợ lẫn chồng lại gặp nhau, ăn uống chung với nhau một lần. Đây là dịp để đám bạn già chúng tôi có dịp nhìn thấy nhau, biết sức khoẻ của mỗi người đồng thời hàn huyên, trao đổi tin tức về bạn bè khắp nơi kể cả các bạn cũ còn đang ở Việt Nam, trong không khí thân tình và vui vẻ.

Càng gần gũi càng hiểu nhau nhiều hơn, anh S là mẫu người giao thiệp rộng, quen biết nhiều do tánh tình cởi mở, ăn nói khéo nên anh dễ gây cảm tình ngay cả với người mới gặp lần đầu. Hầu như ít có những ngày cuối tuần nào mà anh không có bạn mời, khi thì đi tiệc tùng khi thì xoa mạt chược&Chỉ trong quân đội ngày xưa thôi anh đã quen khá nhiều người, từ lính tới tá tướng mà đến giờ vẫn còn tình nghĩa, khi gặp lại nhau vẫn thân mật như bao giờ. Điểm nổi bật đặc biệt nơi anh là tấm lòng hào phóng và tử tế đối với tất cả mọi người đặc biệt là bạn bè thân quen. Anh có thể lái xe đi xa mấy tiếng đồng hồ chỉ để đưa một người bạn đi thăm một người bạn khác dù tuổi đời anh đã ngoài bảy mươi.

Tôi nhớ có lần anh bạn N từ VN sang thăm người nhà ở Orange County muốn lên San Jose thăm bạn, anh đã sốt sắng lái xe đưa N đi thăm không chút đắn đo mặc dầu hai nơi này cách xa nhau 6,7 giờ lái xe. Một anh khác cũng từ VN sang đây thăm thân nhân được anh đưa đón đi ăn uống vui chơi nhiều nơi luôn mấy ngày mà anh cũng chẳng chút phiền hà. Dường như anh có thể đánh đổi mọi cái hao tốn, mệt nhọc trong khả năng để lấy cái niềm vui hiển hiện trên nét mặt của bạn bè. Nghe một bạn ở xa cách vài tiếng lái xe bị bệnh nặng, anh sốt sắng rủ thêm bạn rồi lái xe cùng đi thăm. Nói chi tang hôn tang tế của bạn bè thân quen, anh luôn có mặt chia sẻ nỗi vui buồn của bạn. Khi có sự kêu gọi giúp đỡ các bạn bè cũ gặp cảnh túng thiếu ở VN anh đều tích cực tham gia đóng góp trong khả năng tiền bạc hạn hẹp của mình. Người ta thường nói càng lớn tuổi càng dễ cô đơn do mất mát thiếu vắng thân nhân, bạn bè và nhiều thứ khác để rồi dễ bị trầm cảm. Anh S thì khác hẳn, có thể nhờ nhiều lý do trong đó phải kể tánh tình luôn cởi mở vui vẻ, hào phóng và tử tế của anh, và cũng có thể do từ trong đáy lòng anh luôn cảm thấy vui sướng khi giúp đỡ được người khác. Theo tôi biết anh là người nhiều bạn bè nhất trong số những bạn của tôi trên đất nước này.

Cho đến bây giờ nhìn lại tôi thấy mình may mắn còn được một số bạn bè thân quen. Các bạn sống tản mác nhiều nơi trên nước Mỹ cũng như ở một số quốc gia khác có đời sống về chiều ra sao tôi không biết rõ do không ở gần, không có dịp gặp gỡ hay trao đổi điện thoại nhiều. Riêng các anh bạn thân ở Mỹ lại cùng ở Cali, ở cùng quận Cam thì chúng tôi có nhiều cơ hội gần gũi hàn huyên, liên lạc. Trong số có mấy bạn quanh tôi mỗi anh một cá tính nhưng tất cả đều khiến tôi ngưỡng mộ, cho tôi thêm nhiều hiểu biết phong phú, hữu ích. Ở các anh đều còn toát lên tinh thần lạc quan, tích cực rất cần thiết và đáng mong đợi biết bao ở tuổi đời trên bảy mươi. Tôi có cảm tưởng tuổi già đối với các anh không hề vô nghiã, quỹ thời gian còn lại đối với các anh dường như rất quý báu bởi các anh còn muốn làm thêm nhiều điều vị tha nhân ái, còn nghĩ đến tương lai đất nước, đến gia đình và bạn hữu. Tôi tự hỏi: "Biết vậy chẳng vui lắm sao?”