Chung qui chỉ tại… |
Tác Giả: Vương Văn Quang | |||
Chúa Nhật, 02 Tháng 11 Năm 2008 08:01 | |||
Bác xơi với em miếng giầu (miếng trầu) Thật là con rại cái mang! (con dại) Giời ôi, sao tôi khổ thế hở giời! (trời ơi) Sở dĩ đang nhiên mang chuyện chữ nghĩa, phát âm ra bàn, bởi cách nói này không chỉ hiện diện trong văn nói, mà nó còn có cả trong văn viết. Tùy văn cảnh, cách viết này mang ý nghĩa kia, cách viết kia mang ý nghĩa nọ. Cũng chẳng phải sự ý nghĩa vớ vẩn tầm thường, mà nhiều khi mách qué mất dạy đáo để. Câu chuyện sau đây, tại hạ chép trong thư tịch tiếng Latinomo cổ trong thư viện tổng hợp thành Trang Tử Nam Hoa Kinh, có tham khảo các dị bản bằng tiếng Kinh trung đại và tiếng Việt hiện đại. Tuy nhiên, tất cả các bản đều không nhất quán trong cách viết. Bởi vậy, văn bản sau đây nếu có thiếu nhất quán trong cách dùng chữ mong các bậc trí giả bỏ quá, hoặc luận nó như một mệnh đề triết học, chứ đừng phiền trách kẻ hậu sinh tóc sâu mọt sách mà làm gì. Vào thời Hùng Vương thứ 71, tức là khoảng thập niên 70, 80 thế kỉ XX Công nguyên, đất Lĩnh Nam thái bình thịnh trị. Dân tình đương thụ hưởng một đời sống ấm no, không làm cũng có ăn, vì được nhà nước bao cấp. Sách sử gọi thời kì đó bằng thuật ngữ “Nền văn minh bao cấp”. Không làm mà có ăn nên dân tình sinh hư, chỉ biết hưởng thụ, tối đến gà lên chuồng là người lên giường vì chẳng biết làm gì, rồi đẻ đái bừa bãi mà không hề có ý thức kế hoạch hóa gia đình, bởi vậy, cư dân các đô thị Lĩnh Nam đông nhung nhúc. Điều này gây ra tình trạng nhà ở bị quá tải. Căn hộ 8 mét vuông chứa 16 người là chuyện bình thường Bấy giờ ở phủ Hai Bà Trưng, huyện Nay Đậy, có nhà quan lang (1) họ Cao. Họ Cao hiếm muộn nên chỉ sinh được có bảy người con, trong đó có hai người con trai. Người anh tên Ban Long, người em tên Ba Nhá. Hai người hơn nhau một tuổi và giống nhau như đúc, đến nỗi chính cha mẹ đôi lúc cũng không phân biệt được ai là anh, ai là em.(2) Năm hai anh em mười tám mười chín tuổi thì cũng là lúc cha mẹ theo nhau về chầu ông bà một lượt. Năm bà chị gái đã yên bề gia thất, nên trong căn hộ lắp ghép kiểu chuồng chim 12 mét vuông tính cả công trình phụ vốn đã quạnh hiu nay càng thêm hiu quạnh. Hai anh em thường ngày đã thương yêu nhau, nay gặp cảnh quạnh hiu, lại càng yêu thương nhau hơn trước. Suốt ngày quấn quít không rời. Cứ như một cặp PD vậy.(3) Bình sinh hai anh em họ Cao là kẻ thông minh sáng dạ hơn người, lại ham học ham đọc nên thi trượt đại học hai lần, họ phẫn chí ở nhà thụ giáo người cha, nay cha mất đi không còn người dạy dỗ (4), của nả gia sản song thân chẳng để lại được bao lăm, lại chưa kế sinh nhai nên tình cảnh có phần bi đát. Bên hàng xóm, có nhà văn họ Vương tên Dật vẫn mến tài nên thường qua lại giúp đỡ, khi cút rượu lúc nắm xôi. Một hôm, Vương văn gia bảo hai chàng: “Thường có câu, miệng ăn núi lở, nay cha mẹ các ngươi mất sớm, của nả chẳng có gì, các ngươi lại chưa có nghề ngỗng, trước mắt tính sao cho đặng. Ta nghe, ở phía tây thành Đại La, có đạo sĩ họ Lưu tu sắp thành chính quả, quyền biến vô song, chi bằng hai đứa nên sắm cái lễ nhỏ mà theo học đạo, trước là có kế sinh nhai, sau là thi thố với đời, đặng làm rạng danh ông bà tổ tiên dòng họ”. Hai anh em gật gù khen phải, rồi chọn ngày lành dắt con Wave Tầu ra tiệm cầm đồ, sửa một lễ nhỏ rồi nhằm hướng tây thành mà đi miết. Nói về đạo sĩ họ Lưu. Người này đã sống ngót trăm tuổi, chuyên luyện thuật nhìn xuyên sành sứ, tráo bài, úp xu…, quyền biến đã tới mức thượng thừa nên danh tiếng lẫy lừng. Từ xứ Đông sang xứ Đoài, dân cờ bạc không ai không biết. Lưu có độc mụn con gái mặc dù có tám bà vợ. Điều này thoạt nghe tưởng vô lí, hoặc người đời sẽ ác mồm mà kết tội Lưu yếu sinh lí, nhưng kì thật không phải vậy. Việc Lưu hiếm muộn thực ra xuất phát từ tư tưởng, mà phàm những kẻ tu đạo, những triết gia, kì nhân, dị ngợm xưa nay luôn có tư tưởng vượt trước đám đông âu cũng là lẽ thường. Người con gái Lưu tên Thị Sất, vừa tới tuổi trăng tròn. Nhan sắc nàng diễm lệ có một không hai, chân vòng kiềng như chân ca sĩ Phương Thanh, tay to như tay Lý Đực, đặc biệt, hàm răng trên của nàng bương ra như mái hiên đặng che nắng cho cằm, lại một màu cải mả huyền bí. Hàm răng nàng Sất thực sự là biểu tượng cho vẻ đẹp phụ nữ Lĩnh Nam, nó phát huy, cổ vũ, xiển dương cho tinh thần và bản sắc dân tộc. Lưu đạo sĩ yêu con gái lắm, nâng như nâng trứng hứng như hứng hoa, chỉ mong gả chồng sớm để tống cổ nàng đi cho khuất mắt. Khi anh em họ Cao ra mắt, Lưu đạo sĩ nhìn qua là thấy mến nên phán rằng: “Ta xưa nay tu đạo, hành hiệp trên chốn giang hồ luôn giữ vị trí sôlô, không kéo bầy đàn, không nhận đệ tử. Nhưng thấy hai con mặt mũi khôi ngô mắt la mày lém thực không phải hạng thường nhân, nên ta bằng lòng thâu nhận”. Cũng cùng lúc đó, nàng Sất đứng sau tấm liếp dòm vào. Thoáng nhìn hai anh em, cũng như bất cứ đàn ông con trai nào trước đây từng nhìn, nàng đem lòng yêu mến ngay. Thị Sất đứng đần người, e thẹn đỏ bừng hết mông, bụng thầm nghĩ, ta phải thưa chuyện với cha, bảo chúng nó trả học phí bằng đám cưới với ta mới được. Nghĩ là làm luôn, ngay chiều hôm đó, Thị Sất mang tâm sự tỏ bày cùng cha. Lưu đạo sĩ nghe xong vỗ đùi đánh đét, nhẩy cẫng lên mà rằng: “Giỏi, con bé này thông minh đột xuất! Cú cáo như ta còn chưa nghĩ ra chiêu này. Được, cứ để chúng học nửa chừng ta sẽ truyền đạt ý đồ. Lúc đó đã há miệng mắc quai, đố chúng nó dám từ chối. À, nhưng mà con gái bồ kết thằng nào, hay định đánh chén cả hai?”. Thị Sất e lệ cúi đầu: “Theo đạo lí của dân tộc, có muốn cũng không thể xơi cả cặp. Mà hai chàng bề ngoài giống nhau như đúc, con chẳng biết thế nào. Vậy chi bằng, con mời hai chàng ăn cháo, nhưng chỉ đưa một tô và một muỗng cho chúng tranh nhau, chàng nào tranh được nhiều con xin kết tóc xe duyên”. Lưu đạo sĩ trợn tròn cả mắt, ú ớ như trúng gió, một hồi mới thốt nên lời: “Ơ này Thị Sất, con yêu con quí con vàng con bạc của ta, hôm nay mày ăn nhầm cái gì mà minh triết quá đỗi vậy. Được, được… cứ như thế mà làm”. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, Xuân, Hạ, Thu, Đông rồi lại Xuân nguyên tác Kim Ki Duk…, chẳng mấy chốc sáu tháng trôi qua. Lúc này, anh em họ Cao đã thụ giáo được gần hai phần ba kho kiến thức của Lưu đạo sĩ. Vào một buổi chiều cuối thu tiết trời se lạnh, trăng tròn, nhật thực và những con ngựa đang chết trong chuồng (5) nguyên tác Murakami, Lưu đạo sĩ cho gọi anh em họ Cao vào, đặng truyền đạt ý đồ. Hai anh em họ Cao cúi gằm mặt bẽn lẽn, chân nọ di chân kia, lát sau mới thưa lại. Thưa rằng: “Thầy thương chúng con, chúng con đội ơn lắm, nhưng hiềm một nỗi gia cảnh nghèo hèn, biết lấy gì làm đám cưới…”. Lưu đạo sĩ ngửa mặt mà phán: “Sống trên đời ân tình là quan trọng, bày đặt khoa trương bất quá chỉ là trò khỉ. Nếu các con thương yêu nhau, chỉ cần ra đê Nhật Tân, mua con chó cỏ về đập chết thui rơm nấu ba món, lại thêm đôi lít bia hơi là đám cưới rôm rả. Như thế chẳng phải giản dị mà trang trọng lắm ư?”. Hai anh em cùng nhảy cẫng vỗ tay khen phải. Tần ngần hồi lâu rồi hai đứa đồng thanh: “Nhưng chúng con chưa biết, trong hai đứa thì thầy chọn đứa nào”. Lưu đạo sĩ phẩy tay: “Không phải lăn tăn, việc đó Thị Sất sẽ liệu”. Ngay tối hôm đó, nàng Sất thực thi sứ mạng kén chồng. Sất hì hục ra sau vườn bắt dăm con cóc tía, đôi con chẫu chàng, ninh nhừ với gạo mậu dịch, xong xuôi, Sất múc cháo vào một tô, đặt lên mâm, bên cạnh để độc một cái muỗng, rồi trịnh trọng bưng vào thư phòng anh em họ Cao. Nàng bẽn lẽn đặt mâm cháo lên bàn, e hèm hục hặc ba bốn bận đánh tiếng rồi trở lui, đứng sau tấm liếp rình rập. Anh em họ Cao ngửi mùi cháo thơm lừng như mùi cám lợn, biết Thị Sất vào nhưng giả vờ say sưa đọc sách, khi Sất lui gót, cả hai chàng vứt sách, bật dậy lao vút ra bàn. Thị Sất đứng sau tấm liếp mục kích rõ ràng. Sau một hồi giằng co, chàng quần đũng ngắn có vẻ khỏe mạnh hơn nên giằng được tô cháo, dốc ngược vào họng rất gọn ghẽ, chàng quần đũng dài chỉ còn biết ôm đầu than khổ. Lúc này, Thị Sất mới nhận ra, rằng hai anh em họ Cao không giống nhau đúc khuôn như dân gian vẫn kể và ghi trong thư tịch cổ. Rõ ràng, chàng quần đũng ngắn vừa chơi hết tô cháo – người anh – con ngươi mắt trái thường nhìn về bên phải, còn chàng quần đũng dài – người em – con ngươi mắt phải thường nhìn về bên trái. Rành rành hai anh em lác lệch pha, không thể nào nhầm lẫn cho được. Sất tất tả chạy đến phòng cha báo cáo kết quả thi tuyển. Lưu đạo sĩ nghe con gái tường thuật, gật gù ra chiều hài lòng lắm. Đám cưới Thị Sất và Ban Long diễn ra rất đầm ấm và vui vẻ. Rượu làng Vân ba vò, bia hơi năm lít, chó cỏ tám cân. Thực khách đến chia vui là mấy lão nhân uy tín trong làng kì bẻo và nhà văn Vương Dật. Tiệc tùng xong xuôi, bằng hữu, cha mẹ, vợ chồng tổ chức hai sới, một xóc đĩa, một tổ tôm, vừa chia vui vừa là luyện đạo. Cuộc vui kéo dài đến canh năm mới dứt. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, Xuân, Hạ, Thu, Đông rồi lại Xuân nguyên tác Kim Ki Duk… thoắt cái sáu tháng trôi qua. Ngày ngày, hai anh em đi hành đạo kiếm ăn ở các bến tầu bến xe; nàng Sất ở nhà lo cơm nước quét tước giặt giũ rất chu đáo. Tình vợ chồng nghĩa anh em duyên chị dâu em chồng ngày một nồng nàn. Hiềm một nỗi căn hộ hơi chật cho ba người, nhất là trong ba người lại có đôi vợi chồng son. Căn phòng 12 mét vuông kê vừa hai giường, ban ngày đã khổ ban đêm lại càng sướng. Tuy đã được ngăn đôi bằng tấm riđô vải diềm bâu của nhà máy dệt mùng tám tháng ba, nhưng nằm bên này Ba Nhá được xem ti vi âm thanh nổi liên tục. Là người có năng lượng dồi dào, nên nhiều đêm Ba Nhá tay sờ đầu trên tay ôm đầu dưới luôn mồm than khổ. Một lần, Thị Sất giặt màn cho em rể, nàng lấy làm lạ khi thấy trên đình màn những vết loang lổ như bản đồ châu Mỹ, lại cứng ngắc như hồ. Sất thầm nghĩ: “Cao thế này có khi nội công phải hơn chồng mình một bậc, hàng hóa chắc phải đạt tiêu chuẩn ISO phiên bản 2007 chứ chả bỡn…, thảo nào chàng luôn mang quần đũng dài tới đầu gối. Thật là kì nhân hiếm có trên đời”. Mắt nàng lim dim, má đỏ phừng phừng, nom gợi tình chẳng khác nào Anjelina Jolie. Từ đó, Lưu Thị Sất càng quan tâm chăm sóc em chồng hơn trước. Một ngày nọ, hai anh em đi hành đạo trên mạn bến xe Long Biên đến tối mịt mới về. Về gần tới nhà, Ban Long bảo Ba Nhá về trước, còn mình tạt qua chợ Xanh kiếm ít mồi nhậu. Khi Ba Nhá vừa bước chân vào nhà thì Thị Sất chẳng biết vô tình hay cố ý nhảy bổ ra ôm chầm lấy chàng rồi ra sức mà hôn hít. Ba Nhá hốt hoảng xưng danh, nhưng Thị Sất vẫn không buông tha mà hềnh hệch bảo rằng: “Gớm, người nhà với nhau mà chú cứ khách khí. Chẳng phải truyện xưa tích cũ còn ghi rành rành chuyện một bà hai ông đấy ư?”, nói rồi lại tiếp tục rất cần mẫn. Ba Nhá tuy tinh thần chưa thông lắm, nhưng thấy hay hay nên chàng cứ đứng yên xem sao. Lát sau, chàng cũng chẳng giữ kẽ nữa làm gì. Hai người quấn lấy nhau như phụng đảo hoàng điên vậy. Đúng lúc này thì Ban Long trở về, chàng đứng chết trân một lúc mới e hèm đánh tiếng. Và cũng phải tới tiếng e hèm thứ ba thì Ba Nhá và Thị Sất mới buông nhau. Cả ba cùng sượng sùng không ai nói với ai một lời, chỉ ngoác mồm cười cồng cộc. Rồi Thị Sất dọn cơm, ba người quây quần ăn nhậu hơi hơi rôm rả. Từ sau sự cố ấy, không khí trong nhà trở nên nặng nề bức bối. Vợ chồng Long - Sất tối đến chỉ giao hợp đôi ba lần lấy lệ rồi ngủ. Bên giường kia, Ba Nhá cũng cố mà nuốt tiếng thở dài vào trong, tưởng tượng qua loa, vật vã qua quít rồi cũng ngủ nốt. Đặc biệt, Ban Long tỏ ra dè chừng Ba Nhá, không bao giờ để vợ một mình. Ba Nhá thấy thái độ anh như vậy thì buồn lòng lắm, chẳng biết giãi bày cùng ai nên thỉnh thoảng chàng len lén vào góc nhà khóc lóc cho vui. Khóc mãi vẫn không vui lên được vì tâm sự vẫn chất chứa trong lòng. Một hôm, nhân lúc Ban Long đang vui vẻ phấn khởi vì vừa xem Gặp nhau cuối tuần Ba Nhá rủ rỉ dốc bầu tâm sự, rằng anh em môi hở mông lạnh tay đứt ruột xót con chấy cắn tư thì hà cớ gì nay tiếc nhau lạng thịt. Ban Long nghe xong tâm sự của em, thở dài mà rằng: “Mọi sự trên đời anh em đều có thể sẻ chia, nhưng duy nhất thứ ấy không thể nào sẻ chia cho được. Chú không nhớ ông bà ta có câu nhường ăn nhường uống ai nhường bướm bao giờ đấy ư. Thôi, chú thông cảm”. Từ đó, Ban Long càng để ý canh chừng vợ và em rất chi ngặt nghèo. Một ngày nọ, Ba Nhá thấy trong người không khỏe nên chàng nghỉ ở nhà. Ban Long đương nhiên phải gọi Thị Sất cùng đi hành hiệp. Ở nhà một mình, Ban Long lê người ngồi trên ngưỡng cửa nhìn về phía chân trời xa ngái. Lòng chàng trào dâng một nỗi buồn khó tả. Khu rừng trước mặt âm u càng khiến chàng thấy lòng cô quạnh, nỗi tủi thân dâng trào, chàng rống lên một bài thơ hiện đại với giọng ngâm bi hùng. Thơ rằng: Ôi ! Những giọt mưa lén lút mở cửa bầu trời chúng đi tìm hoan lạc Cánh đồng khô héo như nhan sắc bà già… quằn quại giao hòa Bầy giun đất hùng hổ giương oai, hàng hàng thập tự Đám lau lách khỏa thân dầm mưa, hân hoan đón chờ cái chết Hả hê, mãn nguyện dưới mồ Chúng tưởng thấy địa đàng…. Ôi sụp đổ tất tật Ôi sấm ran chớp giật Ôi thác đổ mưa tuôn Đọc xong bài thơ, đáng lẽ phải ngất xỉu (7) thì Ba Nhá lại đùng đùng đứng dậy nhằm hướng rừng đi miết. Chàng đi, đi mãi theo đường mòn thẳng vào rừng âm u. Trời bắt đầu tối, trăng đã lên, côn trùng đã rên rỉ mà chàng vẫn cứ đi. Ôi bước chân vô định! Ðôi chân đưa chàng đến bờ một con suối rộng nước sâu và xanh biếc. Chàng ngồi xuống và rống lên thổn thức. Tiếng suối reo, cứ reo mãi, nó chế nhạo tiếng khóc của chàng. Ðêm mỗi lúc một khuya, sương xuống mỗi lúc một nhiều. Sương đêm lạnh thấm dần vào da thịt, bụng đói cồn cào sâu thẳm đêm đen lại thêm tiếng suối reo như tiếng hát nơi xa chế giễu khiến chàng không chịu nổi. Phẫn chí tột cùng, Ba Nhá đưa tay vào quần tự hủy. Liên tục chừng bảy bảy bốn mươi chín lần thì chàng kiệt sức. Ba Nhá chết và biến thành một cái cây không cành, thẳng tắp. Lại nói về vợ chồng Long - Sất. Khi hai vợ chồng đi hành đạo về, không thấy em đâu, Ban Long chợt dấy lên một linh cảm lạ. Chàng lẳng lặng bỏ đi tìm Ba Nhá mà không nói gì với vợ. Chàng cũng theo con đường mòn đi miết. Chàng cũng đi mãi, đi mãi và sau cùng đến con suối xanh biếc đang chảy cuồn cuộn dưới ánh trăng. Đôi chân đã mỏi nhừ lại thêm cái đói hành hạ, chàng đành ngồi bên bờ suối tựa mình vào một gốc cây không cành. Chàng có ngờ đâu chính cái cây là em mình. Sương lạnh rơi lã chã lên đầu. Chàng rầu rĩ khóc than hồi lâu rồi ngất đi. Lúc này, chàng mới sực nhớ đến món lẩu cá nóc mà trưa nay hai vợ chồng bù khú. “Trời, ta ngộ độc thực phẩm mất rồi!” Chàng thầm than lên khe khẽ trước khi chết. Chàng chết và biến thành một tảng đá kề bên cái cây không cành. Ở nhà, Thị Sất không thấy chồng và em đâu, nên nàng sốt ruột cứ nhấp nhổm đứng lên ngồi xuống liên tục. Rồi chẳng định mà đôi chân nàng cũng đưa nàng bon bon trên con đường mòn đi vào rừng thẳm. Nàng đi mãi, đi mãi. Bước thấp bước cao chân tươi chân héo, mãi rồi cuối cùng nàng cũng gặp con suối nước sâu và xanh biếc. Đói, mệt, chất độc cá nóc bắt đầu phát tác. Nàng bèn ngồi tựa vào gốc cây không cành mọc bên tảng đá, vật mình đập mẩy khóc than. Nàng có ngờ đâu đang ngồi tựa vào em chồng và sát đó là chồng. Ðêm đã ngả dần về sáng, sương xuống mù mịt cả núi rừng. Thị Sất khóc chán thì ngửa mặt nhìn trăng cười tít cứ như chó sói sủa trăng. Sất cứ cười như thế cho đến kiệt sức. Nàng chết và biến thành một cây leo quấn chặt lấy cái cây không cành mọc bên tảng đá. Sau này, cư dân phủ Hai Bà Trưng biết chuyện, ai nấy đều thương xót. Một lần, vua Hùng đi công tác xuống cơ sở, dân tình đem chuyện ba người kể lại cho vua nghe. Vua đòi dẫn tới tận nơi chứng kiến. Vua sai người lấy lá cây leo và lấy quả ở cái cây không cành nhá thử thì thấy mùi vị cay cay thơm thơm. Nhai chán nhổ nước vào tảng đá thì thấy bãi nước biến dần ra sắc đỏ. Ăn xong cữ trầu, vua Hùng lẩm bẩm: “Ôi, thiên tình sử diễm lệ bi thương này phải chăng chung qui là tại nhà chật mà ra? Mà dân tình chui rúc là tại ai?” (8) Đoạn, quay sang thư kí bảo: “Ta đặt tên cái cây mọc thẳng kia là cây Cau, cây dây leo kia là cây Trầu Không. Tảng đá ở bên đem về nung cho xốp để ăn với trầu cau cho miệng thơm môi đỏ và phòng chống sâu răng cho dân tình đỡ tốn tiền mua listerine, close up.” Tình duyên của ba người là một mối tình keo sơn, thắm thiết, cho nên người Kinh gặp nhau thường nói: “Nhà bác xơi với em miếng giầu”. Và thành ngữ “Miếng trầu là đầu câu chuyện” xuất hiện từ ấy. Cũng cần nói thêm, trong dân gian lưu truyền một thang thuốc rất công hiệu, ấy là lấy rễ cây cau ngâm rượu ba tháng rồi uống. Tác dụng không hề thua kém Viagra. Rễ cây cau có đặc điểm là mọc đâm ngược lên trời, âu cũng là ứng với phong độ của Cao Ba Nhá, sinh thời thường mặc quần đũng dài tới đầu gối vậy. 1) Một chức quan nhỏ dành riêng cho đám con ông cháu cha lêu lổng không có chuyên môn - tương đương với chủ tịch phường, xã ngày nay 2) Chi tiết này hơi vô lí, vì dù là sinh đôi thì cha mẹ cũng có thể nhận ra được. Có thể do đông con, nên các bậc phụ huynh ngày trước hay nhầm lẫn thứ tự con cái trong nhà. Lí giải như vậy có vẻ thuyết phục hơn cả. 3) PD: Thuật ngữ y học bằng tiếng Pháp cổ (President Democrite’s) chỉ những cặp đàn ông con trai thường theo dõi soi mói nhau một cách bệnh hoạn, vì nghi ngờ nhau một điều gì đó. 4) Dân gian thường gọi là “Mất dạy”. 5) Điển tích cổ. Đây là tên một chương trong cuốn kinh Biên niên kí chim văn dây cót của Murakami chân nhân. Hàm ý chỉ một khoảng thời gian trong tháng, con người dễ đồng cảm và thấu hiểu nhau 6) Một chương trình nghệ thuật cung đình rất được giới trí thức, cờ bạc thời đó ưa chuộng. Nội dung rất hàn lâm, tục tĩu. 7) Thông thường, trong các bi kịch dân tộc Kinh, khi một bài/đoạn thơ bi hùng được xướng lên là báo hiệu một cú ngất xỉu hoặc đột tử. 8) Có thể từ câu nói này, mà trong dân gian về sau thường lưu truyền thành ngữ “Chung qui chỉ tại vua Hùng”.
|