Home Phiếm Các Tác Giả Sao lại chỉ học cái xấu?

Sao lại chỉ học cái xấu? PDF Print E-mail
Tác Giả: Bai An Tran   
Thứ Ba, 07 Tháng 10 Năm 2008 13:20

Chu Tất Tiến

 Người Mỹ hay người gì cũng là người, nghĩa là cũng đủ Bẩy Tình (Thất Tình, Lục Dục) của con người: hỷ, nộ, ái, ố, ai, dục, cụ (vui, giận, yêu, ghét, bườn, thèm, sợ).

Xấu đến ma chê quỷ hờn

Riêng người Mỹ, theo nhận xét khách quan, nếu họ xấu thì xấu ghê xấu gớm, xấu đến ma chê, quỷ hờn. Những tội ác của họ thì kinh hoàng, Ngưu Đầu và Mã Diện cũng chạy xa..

 Không nói đến chính phủ và Quốc Hội nhe, vì chính phủ Mỹ cũng như Quốc Hội là một cái máy cân, đong, đo, đếm quyền lợi nước Mỹ, từ một cái đinh nhỏ, nếu chẳng đem đến quyền lợi cho nước Mỹ thì cũng không cho.

 Nếu hạp với quyền lợi Hoa Kỳ, thì cái gì lớn đến đâu cũng làm, từ tổ chức đảo chánh ở nước người ta, bắt Tổng Thống nước khác quy hàng, nếu không theo thì giết quách, hoặc mang quân sang, bắt đem về nhốt y như nhốt con cháu trong nhà. Chẳng có luật lệ quốc tế gì ráo.

Tốt quá chừng chừng

Nhưng một khi tốt, thì cũng tốt quá chừng chừng. Dân Mỹ mà gốc tốt, thì mạo hiểm nhẩy vào chỗ nước sôi, lửa bỏng cứu người. Tổ chức cứu trợ này, cứu trợ khác, giúp da đen, da vàng, da đỏ, chia xẻ thực phẩm và niềm tin. Nhận con nuôi, nhận bảo lãnh (sponsor) hết người này đến nguời khác. Cho mấy tên lớ ngớ vào nhà, kiếm việc làm, chỉ dẫn, dậy học, giúp đỡ ổn định.... việc mà người Việt Nam không dám làm với Kampuchia, hay những sắc dân thiểu số khác.

 Quân nhân Việt Nam Cộng Hòa còn nhớ nhiều cố vấn liều mạng cứu bạn, ở lại trận địa đến giây phút cuối cùng, có anh cố vấn dí súng vào đầu một viên phi công từ chối đáp xuống cứu quân bạn, ra lệnh: "Nếu anh không đáp xuống cứu bạn ta, thì tui cho anh một viên vào đầu, tất cả chết tốt!" Có bà Mỹ kia nuôi tới 14 đứa con nuôi, chưa đã, về Việt nam sinh sống luôn, để tiếp tục nuôi thêm một mớ.

Đại khái là người Mỹ có tốt có xấu, y chang như người mình. Nhưng sau khi được Mỹ phỏng vấn và chấp thuận cho vào Mỹ rồi, thì một số đồng hương ta, chỉ tìm học cái xấu của Mỹ mà không học cái hay của nền văn minh này.:

* Học mất dậy với cha mẹ,

* Học bỏ nhà đi hoang sau 18 tuổi,

* Học coi mọi người họ hàng như những củ khoai, không cần liên hệ.

* Học cá nhân chủ nghĩa,

* Học bon chen,

* Học "khoe của" (sâu-óp),

* Học nói một đằng mà làm một nẻo,

* Học hứa Lèo, hứa Cuội,

* Học bịp bợm.

Kể từ khi lập nghiệp từ năm bẩy mươi lăm đến giờ, bao nhiêu trò bịp bị tóm rồi, bao nhiêu quảng cáo xạo, lèo, cuội được đăng trên báo chình ình. Đi chợ mua rau thì không sợ bị hố, mà nếu có hố cũng chỉ vài chục xu, nhưng đi mua hàng gia dụng, hàng xài, hàng độc... của người mình, thì coi chừng bị ăn phải quả lừa.

 Những ai đi mua xe hơi mà không có chút kinh nghiệm về mua bán xe hơi, sẽ dễ bị thương đau, khi gặp mấy ông Salesmen người mình. Vừa bước xuống xe, mà gặp một ông người "diệt" thì ôi thôi, dứt không ra. Người bán nói nhanh không kip nghĩ. Nhưng khi hỏi đến mấy chiếc "seo" như trong quảng cáo, thì lập tức nói ngay không cần nhớ:

 "Ồ! cái xe đó bán rồi! Mới mấy phút trước đây!"

 Anh ta chỉ là một "seo lờ men" làm sao biết được xe nào bán rồi, xe nào không được bán? Rồi đeo theo như dính nhựa. Gặp người quen đi mua xe, là người quen kia tới số, không chạy thoát khỏi cái tờ giấy bán xe đâu. Lạng quạng thì mất thêm tiền "services"! Miệng nói là hôm nay là ngày chót được "đít-cao" để giục người ta mua cho lẹ, nhưng cả tuần sau, nếu đến, vẫn thấy "hôm nay là ngày chót." Đi mua mấy cái đồ xài trong nhà, tivi, tủ lạnh, máy móc... cũng vậy, hễ mua rồi là không cho trả lại như Mỹ, chỉ có đổi thôi. Dính trấu rồi, ráng chịu!

 Hổm rồi, thấy mấy cái quảng cáo Tivi, máy móc trên báo to khổng lồ, đề đủ thứ hấp dẫn, giá rẻ như bèo. Đại hạ giá đi! Bà con đến mua ngay kẻo trễ, mua sớm thì còn, mà mua trễ cũng vẫn còn...

Đến khi tới nơi, hỏi mấy món đại "seo", mấy cô trẻ trẻ bán hàng, đều trả lời nhanh như máy: "dạ, cái đó vừa bán xong!" Cái gì tốt thì cũng vừa bán xong! Còn lại toàn đồ ngậm, nghĩa là đồ bán không được!

 Đúng ra, người mua mình dễ tính, trường hợp vào tay Mỹ ấy à, thấy mọi thứ tốt đều bán cả rồi, thì họ làm dữ lên, "ê, cho coi ri-xít coi!" Không có ri-xít, thì kêu cảnh sát, nói là chủ nhân lừa gạt, thì người bán bỏ mạng sa tràng vì tội nói láo, dẫn dụ sai lạc. Bực nhất cho người mua là khi mua mấy cái loại máy hư, máy dỏm mà không cho trả lại, chỉ cho đổi! Có anh quảng cáo dẻo như kẹo mạch nha, nói thì mênh mông, mà đến mua thì toàn đồ gì đâu ấy...

 Một anh vừa mới nói trên radô là mua cái xe ấy, xe nọ, vừa được đít-cao, giá chỉ có.. nhiêu nhiêu đó, vừa không phải đặt cọc, người mua nhấc ngay Xelulơ phôn lên, gọi liền, không tới 3 phút sau cái quảng cáo, đã nghe câu trả lời: "Bác cảm phiền đến điulơ khác, cái xe đó mới vùa có người mua xong. Hết rồi! Nhưng bác cứ tới, cháu kiếm cho bác cái xe khác cũng tương đương..." Đúng là xạo ke! Học toàn cái rởm của Mẽo.

 Lại còn mấy vị đông y sĩ thuốc ta, mấy vị châm cứu, bẻ xương, cũng vang danh Bác Sĩ. Một bà đông y sĩ nổ như trời gầm, vừa sửa sắc đẹp, vừa làm phòng thí nghiệm, vừa Ích Rây, vừa chích ngừa cảm cúm, vừa mát xa, mát gần, làm hết bàn chân, leo lên đầu cổ, chỗ nào đau cũng chữa. Miệng thì cầu kinh tá lả, nhưng bàn tay bà lượm tiền như máy, chặt Insuarân còn nhanh hơn, khám một lần thì khai bốn bận, người ta về Việt nam rồi vẫn còn thấy ghi tên trong sổ khám..

 Ôi, Trời! Đến xứ văn mình này, điều tốt sao không học, lại học toàn điều xấu. Tính toán kỹ quá xá trời. Có gia đình kia, bốn anh chị em, làm theo kiểu Mỹ, cá nhân chủ nghĩa, không ai chịu nuôi bà già đã bán mạng nuôi mấy đứa đến nỗi choắt choeo, lẻo khoẻo. Đứa nào cũng ăn nên làm ra, mà cứ đùn đẩy cho nhau, cuối cùng thì thôi, công bằng nhất là tống luôn bà già vào nhà hưu dưỡng, mặc dầu bà già chưa tới bẩy chục tuổi. Rồi tị hiềm, không muốn đi thăm, sợ đứa thăm nhiều, thăm ít, nên bỏ mặc bà nằm đấy một mình luôn. Bà già chưa già đó, buồn quá, chết lăn. Các con lại tị nạnh, không muốn làm giỗ nhà ai hết, sợ tốn, thôi thì ra mộ, mỗi đứa một nồi canh gà, rồi ăn .. riêng! Thật, chỉ muốn bắt chước Tú Xương, tặng cho vài câu thơ:

Lẳng lặng mà xem chúng học đòi

Những điều tác tệ, chúng đều chơi

Thôi thì đành chúc cho năm tới

Chúng ở ra cho giống giống người