Cha mẹ thời nay |
Tác Giả: Bai An Tran | |||
Thứ Hai, 06 Tháng 10 Năm 2008 12:53 | |||
Tạp ghi Huy Phương 'Dặm dài nước thẳm non xa, Biết đâu thân phận con ra thế này.' (Truyện Kiều) Ký giả và nhà bình luận Nguyễn Văn Khanh trong một mẩu chuyện viết từ chuyến đi làm phóng sự Thế Vận Hội Bắc Kinh của ông, vừa đăng trên nhật báo người Việt về một người con gái Việt Nam đi lấy chồng và đang lưu lạc ở Trung Quốc. Khi được hỏi bây giờ cô làm nghề gì, câu trả lời của cô là: 'Dạ, em đi khách!' Thân phận của những người con gái phải bỏ xứ ra đi kiếm chồng hay số phận đưa đẩy họ vào số phận 'làm vợ khắp người ta', tất cả lý do đều do nơi cha mẹ. 'Em ở dưới quê, nhà nghèo, cha mẹ chạy ăn từng bữa một, trong khi xóm Ðài Loan, xóm Trung Quốc thay phiên nhau mọc lên vì tiền của những cô dâu gởi về giúp gia đình. Thương cha mẹ, em chấp nhận lấy chồng nước ngoài, chính cha em đưa em lên Saigon gặp môi giới chứ đâu. Ngồi xe lên Saigon em cũng lo, không biết cuộc đời mình rồi sẽ ra sao? Em chỉ biết nếu may mắn được chồng thương sẽ có tiền gửi về giúp cha mẹ để bớt khổ cực...' Như hàng nghìn thiếu nữ khác ở Việt Nam, các cô bỏ cả tuổi thanh xuân, bỏ làng bỏ xóm ra đi, tủi nhục bán thân bằng cách này hay cách khác, chỉ vì ... cha mẹ. Bây giờ cô không còn là cô dâu... Trung Quốc mà trở thành cô gái làng chơi. Cô nuốt nỗi thống khổ, xấu hổ nói dối với cha mẹ là có một tấm chồng tử tế cho cha mẹ an lòng, sử dụng đồng tiền cô gởi về mà không mảy may thấy xót xa. Trong một cuốn phim tài liệu nói về tệ nạn đưa các em gái vị thành niên tại một làng Việt Nam ở Kampuchea bị bán vào các ổ điếm, tất cả các em bé tội nghiệp này đều đã trả lời những câu hỏi của phóng viên rằng vì các em thấy hoàn cảnh gia đình quá nghèo khó nên đã tự nguyện hy sinh thân xác mình, để giúp cha mẹ. Những em bé khác ở Việt Nam, thay vì với cuốn sách đến trường, phải bỏ học lang thang trên những bãi rác quê nhà, với một cái bao ny lông và cây que gắp trong tay, cũng nói rằng các em muốn giúp cha mẹ vì gia đình quá nghèo, làm ăn vất vả mà không có miếng ăn. Cả những cô thiếu nữ làm nghề massage, bán ở quán rượu, cà phê hay làm gái điếm ở Việt Nam đều nói đến chữ Hiếu là phải dấn thân vào những nghề này để có thể kiếm được đồng tiền đỡ đần cho cha mẹ. Bằng cách này hay cách khác, những đứa con đã thực hiện chữ Hiếu bằng cách hy sinh thú vui, quên đi cuộc sống riêng tư. Kể cả cuộc đời của mình để đổi lấy đồng tiền, hy vọng giúp đỡ cho cha mẹ trong hoàn cảnh khó khăn, túng thiếu, Nhưng ở đây nhiều khi không chỉ những giúp cha mẹ thoát cảnh ngheo nàn, mà còn muốn cha mẹ 'nở mày nở mặt' với làng trên xóm dưới. Bây giờ ở miền Tây, có những cù lao mang tên cù lao Ðài Loan, những xóm được gọi là xóm Ðại Hàn, xóm Trung Quốc mọc lên giữa những khung cảnh nghèo nàn cố hữu của quê hương. Quang cảnh này làm xao xuyến tấm lòng của những cô gái nhà nghèo, vì sao cha mẹ người khác trong làng có nhà cửa khang trang, mà gia đình mình thì vẫn nghèo khổ, cũng tấm thân nọ, người thì đổi lấy được giàu sang mà mình thì chữ Hiếu chưa trả nổi. Trong thân phận nghèo khó của đất nước trong thời buổi này, sao con cái hết lòng hy sinh cho chữ Hiếu đến tận cùng. So chữ hiếu của con cái Việt Nam bên quê nhà với chuyện 'nhị thập tứ hiếu' trong cổ văn chỉ là những chuyện kể nhỏ nhặt, tầm thường. Phận làm con thì như vậy, nhưng lòng cha mẹ ra sao? Trong khi con gái của họ đang bán thân trên đất khách mà nói đối với cha mẹ là mình đang có một tấm chồng tử tế, thì người cha có thể hết xây nhà lại mua xe đời mới, mỗi chiều ngồi quán nhậu với bạn bè bằng tiền 'con nhỏ ở bển' mới gởi về. Những chuyện cha mẹ bán con được xem như 'chuyện thường ngày ở huyện' tại Việt Nam hiện nay, cái cảnh cha mẹ 'xách' con đem đến người môi giới để tìm cách bán con đâu còn lạ lùng gì dưới mắt mọi người. Ngay trong câu chuyện tôi vừa kể hầu bạn đọc ở đầu bài, nạn nhân đã không giấu giếm: 'Chính cha em đưa em lên Saigon gặp môi giới'.... Trong một ngôi làng Việt Nam trên đất Biển Hồ, cha mẹ đợi con lên tuổi mười ba, mười bốn là đem bán vào ổ điếm để lấy tiền về, hết đứa này đến đứa khác như những lứa gà vịt nuôi trong vườn nhà. Theo nguồn tin của VietNamNet, bà Nguyễn Thị Ðẹp ở An Giang đã đem con gái của bà bán sang một ổ điếm bên đất Kampuchea . Hai năm sau cô gái con bà trốn về được, bà lại thân hành áp tải con gái trở lại giao tận tay tú bà. Con rể của bà Ðẹp cũng nhẫn tâm không kém, bắt đứa con gái mới 14 tuổi sang Kampuchea bán vào động mãi dâm, khi chủ chứa đòi phải có mẹ ruột đồng ý họ mới nhận, bà Ðẹp đã điện thoại về nhà gọi con gái sang giao hàng, tức là cháu ngoại của bà. Họ đã nhận khoảng 200 đôla và $100,000.00 VND. Câu chuyện này chỉ xẩy ra dưới chế độ Cộng Sản Việt Nam , và chúng ta lên án nhà cầm quyền bất nhân đã đưa xã hội đến chỗ không còn biết xấu hổ, liêm sỉ gây nên bao cảnh não lòng, xót xa. Nhưng về phía lương tâm cha mẹ, họ có thể dửng dưng như thế sao? Cái món Luân Lý Giáo Khoa Thư ngày trước không nghe nói đến bổn phận của cha mẹ đối vối con, kiến thức của người viết bài này 'già người non dạ' cũng chỉ biết rằng Ðức Khổng Tử dạy phải kính yêu cha mẹ và người lớn trong nhà, cũng như lời mắng đối với ông Tể Dư: 'Mi bất nhân và bất hiếu, không nhớ công cha mẹ bồng bế ba năm, mà muốn rút thời gian để tang ba năm xuống một năm', nhưng lại không nghe ở đâu nói đến bổn phận của các bậc sinh thành. Chúng ta cũng biết công lao cưu mang chín tháng mười ngày, ơn dưỡng dục, vất vả nuôi con khôn lớn thành ngươi, hình như đó là bản năng, chứ không ai gọi là bổn phận. Ở Mỹ, bổn phận và trách nhiệm của cha mẹ là nuôi dạy con cho đến tuổi mười tám, sau mười tám tuổi cha mẹ hết bổn phận. Người Việt Nam vẫn đùm bọc con đến suốt đời, có vợ có con rồi cũng còn chăm nom dạy đỗ, thậm chí có khi can thiệp vào đời sống riêng tư của con theo ý kiến của mình, kiểu 'cha mẹ đặt đâu con ngồi đó', hay 'mặc áo không qua khỏi đầu', không hề nghĩ đến số tuổi của con, đến bao giờ mới hết lo lắng cho con... Nhưng cũng vì xã hội không có luật lệ bảo vệ trẻ con vị thành niên, xã hội lại tạo ra con người chỉ nhằm đến lợi nhuận bất cứ với phương tiện nào, sinh ra những cha mẹ bất nghĩa, bất nhân và bất nhẫn đem con đi bán ra chợ đời như đem con heo, con vịt, mớ cá bán ra giữa chợ trời. Cha mẹ dứt ruột đẻ con ra ai mà không xót, nuôi con khôn lớn trong gia đình ai mà không thương, thương xót rồi thì không ai nỡ đẩy con đi vào con đường tối tăm mờ mịt, khổ ải. Ngày xưa, mẹ gả con thì muốn gả con gần, biết gia thế, dòng họ nơi con về làm dâu mà lòng còn đau như dao cắt, thế mà có người nỡ bán con hay xô đẩy con vào con đường vô định, xa gia đình hàng vạn dặm mà lấy làm vui vì cầm được xấp tiền trong tay? 'Mẹ em thấy của thì ham Dẫu cho con dại thở than mặc lòng Nói ra thẹn với nước non Ngậm vào cay đắng lòng con đêm ngày'. Chúng ta lên án ai, con người nghèo đói, cha mẹ nhẫn tâm, xã hội suy đồi hay nhà cầm quyền vô cảm, phủi tay? Ba mươi ba năm rồi, nhà cao tầng tiếp tục xây lên cao, trà đình tửu điếm mọc ra như mấm, chốn ăn chơi phát triển ngất trời, nhưng nhân phẩm con người đày đọa xuống thấp. Từ tấm lòng của những bậc cha mẹ 'bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn', từ những tình cảm thiêng liêng 'con ho ngực mẹ tan tành', nay cuộc đời dời đổi phi lý ra sao để ngày nay có cảnh cha chở con đi đón khách, mẹ đẩy vai con xô vào ổ điếm, mất hết lương tri, bỏ hết tình cảm, còn thua loài thú vật. Những người mẹ này có nghe tiếng rên xiết của những đứa con vị thành niên phải đi khách mỗi ngày hàng chục lần, những người cha có con có hồi tâm nghĩ đến dòng lệ của đứa con đi lấy chồng xa xứ đêm đêm thổn thức, khi họ cầm trong tay những đồng tiền vấy máu và đẫm lệ. Xã hội ấy trở thành vô tri, lạnh lùng như gỗ đá, mang danh là người, nhưng họ đã hành động như những con bọ hung trong đống phân người. Ai là người đã tạo ra những thảm cảnh đó cho dân tộc chúng ta?
|