Luận Về Cái Mũ |
Tác Giả: Bai An Tran | |||
Chúa Nhật, 05 Tháng 10 Năm 2008 05:51 | |||
TRẦN ĐỖ CUNG Mũ là một trang phục cần cho con người. Hoặc để đội lên đầu che chở nắng gió và thời tiết nóng lạnh thất thường. Hoặc để nói lên những tiêu biểu ý kiến khác nhau tùy trường hợp, phong tục tập quán, giai cấp xã hội. Hệt như cái khố với những khố đỏ, khố xanh, khố lục, khố vàng hay khố rách áo ôm. Về cách gọi thì thay đổi tùy địa phương hay cách xử dụng như trong Nam thì gọi là nón tuốt luột. Còn Trung Bắc thì nón chỉ để gọi các thứ đội lên đầu bằng lá dừa lá cau hầu tránh mưa nắng cho dân quê đi ra đồng cầy cấy hoặc nơm con cá bắt con tôm, dậm con tép. Tuy nhiên ở cố đô Huế đã sáng chế ra cái nón bài thơ trữ tình cho các cô gái kín đáo im ỉm liếc ngang liếc dọc làm cho các chàng trai mê mẩn. Lại còn chọc thủng một lỗ nhỏ để dễ rình rập các con mồi. Còn danh từ mũ có vẻ cao sang hơn phần nhiều để chỉ các phụ tùng trang phục cho các đấng mày sâu râu rậm. Song le ngoài Bắc các phụ nữ hồi xưa còn dùng cái nón Quai Thao to như cái nong cái nia. Chỏm nón bằng phẳng là một hình tròn đường kính khoảng một thước tây, xung quanh mép có thành cao bằng ngón tay. Người đội giữ thẳng trên đầu bằng một cái chụp nan đính ngay trung tâm nón và quai nón gắn hai bên bằng hai giải lụa màu thắt nơ chéo dưới cầm. Các cô chỉ đội nón Quai Thao vào những hội hè đặc biệt, đi đứng khoan thai, mắt nhìn thẳng ra trước nhưng không nhún lên lắc xuống như những người mẫu thời trang hiện đại trên đường đi của mèo biểu diễn (cat walk). Trong giới phụ nữ thì phần nhiều xử dụng bộ tóc Trời cho, Bắc thì quấn tóc trần hoặc vấn khăn nhung rồi để thả đuôi gà óng mượt. Trung Nam lại búi tóc kênh kiệu kèm thêm chiếc khăn san mầu sắc theo lứa tuổi. Muốn giữ cho mái tóc óng chuốt các quý Bà phải luôn luôn chải gỡ rồi gội đầu bằng nước bồ kết cọng thêm nước trái chanh vắt vì thời xưa đâu đã có các mỹ phẩm panthène tốt tóc. Ở Hà Thành hoa lệ văn vật các thục nữ lại đua đòi theo mốt Âu Tây hết tóc thề chấm ngang vai lại đến boucles anglaises vừa xinh vừa ngây thơ cho tuổi dậy thì. Thời kỳ Khâm Sứ Chatel đa tình đã tổ chức các đoàn xe hoa “corso fleuri” trưng các kiều nữ mốt nọ kiểu kia mà đặc biệt nhất là các nàng ăn mặc lối Thái Lô Lô, đầu đội nón sơn cước mái tóc cắm một chiếc hoa bên trái như kiểu Hạ Uy Di cho thiên hạ biết là đóa hoa còn trinh nguyên chưa có chủ. Bàn đến trang phục phải kể đến cái váy, “cái múng mà thủng hai đầu, bên ta thì có bên Tầu thì không”. Trang phục này còn lưu dụng cho đến khi có chiếu chỉ Vua Minh Mạng ban ra năm 1828 cấm đàn bà xứ Bắc mặc váy. Lập tức dân gian phản ứng với ca dao lưu truyền, “Tháng Chín có Chiếu Vua ra, “Cấm quần không đáy người ta hãi hùng, “Không đi thì chợ không đông, “Đi thì phải lột quần chồng sao đang, “Có quần ra quán bán hàng, “Không quần đứng nấp đầu làng trông quan. Hồi còn nhỏ chắc phần đông chúng ta đều đã bị ông Bố lôi đi thợ cắt tóc húi cái đầu trọc lóc gọi là kiểu carré nhiều khi khóc lên khóc xuống. Lại còn bị người lớn trêu chọc thật là tức lộn ruột, “thằng trọc long lóc bình vôi, mẹ ngồi mẹ ị mẹ bôi lên đầu”. Nói đến đầu trọc phải nói đó là mốt của các ông sư chú tiểu có lẽ phải thí phát vì “mỗi cái tóc là một cái tội”. Rồi Trời đổ lạnh Sư Cụ phải đội mũ ni là một kiểu mũ len đan hai bên có hai cánh gà phủ xuống che tai ấm áp. Cho nên mới có câu “mũ ni che tai” áp dụng cho các trí thức trùm chăn không còn muốn nghe các quân sư quạt mo hay ngấy các lời đàm tiếu nịnh nọt vô bổ nữa. Trong dân gian nhất là vùng đất Bắc các cô nàng yếm đỏ yếm xanh, áo từ thân nâu non, xà tích lủng lẳng, vấn khăn thả đuôi gà, trang sức thêm thúng gạo nhỏ trên đầu, vẫn ngúng nga ngúng nguẩy làm cho các Thầy Chùa khó thoát tục được. Cho nên mới có câu vè riễu cợt, “Ba cô đội gạo lên chùa, “Một cô yếm thắm bỏ bùa cho Sư, “Sư về Sư ốm tương tư, “Ốm lăn ốm lóc cho Sư trọc đầu. “Thấy cô yếm đỏ răng đen, “Nam mô di Phật lại quên mất chùa, “Ai mua tiên cảnh thì mua, “Thanh la, não bạt thầy chùa bán cho, “Hộ Pháp thì một quan ba, “Long Thần chin rưỡi Thích Ca ba tiền, “Còn hai mụ Thiện hai bên, “Ai mua bán nốt lấy tiền nộp cheo, “Lệ làng còn thiếu bao nhiêu, “Bán cây tre gộc cắm nêu sân chùa. Ở Bắc Ninh hàng năm vào dịp Tết Nguyên Đán trong tháng Giêng có tục Hội Lim rất độc đáo. Sau khi tế đình đã chấm dứt thì các cô gái từ hạng choai choai chanh cốm lên đến các ả đương thì, quần lĩnh đen bóng, yếm đỏ yếm xanh đủ kiểu, đầu chit khăn mỏ quạ hoặc tóc thả đuôi gà mượt mà, lao xao xông ra giữa đám trai tráng hồ hởi. Bọn sinh viên ở Đông Dương Học Xá cũng rủ nhau đạp xe đến tham dự. Nhìn các em mười lăm mười sáu cũng yếm thắm má hồng phấn nụ, cũng đỏng đa đỏng đảnh đưa tình nhưng chưa đã mắt vì cái ngực chưa no tròn, cái mông chưa nẩy nở mà cặp môi tuy cũng nhai trầu cắn chỉ vẫn không lộ ra cái đam mê trần tục. “Trên đầu em đội khăn vuông, “Trông xuống dưới ngực cau buồng còn non. Các nàng mười chin đôi mươi thì bạo gan liếc ngang liếc dọc. Tóc quấn đuôi gà thả xuống trước ngực lẳng lơ đu đưa trên cái gò bồng đảo khêu gợi các chàng trai còn e dè, như dục dã, “Cổ tay em trắng như ngà, “Con mắt em liếc như là dao cau, “Miệng cười như thể hoa ngâu, “Chiếc khăn đội đầu như thể hoa sen. “Gió Nam tốc giải yếm đào, “Anh trông thấy oản sao không vào thắp hương. Thời ấy thanh niên nam giới cũng đua đòi chăm nom bộ tóc Trời cho. Rồi thì uốn rợn sóng, chải sừng bò brillantine bóng nhẫy, sau gáy xén ngang như cái đít vịt. Cho nên đã có câu chê bai “mặt sáng như gương Tầu đầu trơn như váy lĩnh”! Các cụ khó tính cho là chướng mắt gọi là bọn đầu gà đít vịt. Nhưng có người bẩm sinh ra cái mái tóc quăn tít như Tây Đen lại ca cẩm, “Tóc quăn chải lược đồi mồi, chải đứng chải ngồi quăn vẫn hoàn quăn”. Một anh chàng không muốn đụng chạm xê dịch bộ tóc đã mất công chải vuốt từ sáng sớm nên đi đâu cũng nhớ đem theo cái kim băng nhỏ để khi ngứa dùng nhẹ tay gãi đôi chút mà không đụng đến cái công trình mỹ nghệ tuyệt hảo của mình. Các bô lão xưa kia, các quan quyền oai chức trọng, thì xúng xính khăn đóng áo dài. Ngoài Bắc ta thì khăn xếp cao như cái tráp còn miền Sông Hương lại chỉ thấp lè tè theo tiêu chuẩn “sơn bất cao thủy bất thâm”, sông Hương núi Ngự trữ tình! Trên lại đính mụn vải thưa để che cái đầu hói hoặc đè túm tóc lởm chởm đỉnh đầu. Thứ dân thợ thuyền hoặc cầy sâu cuốc bẫm chân lấm tay bùn thì khăn đầu rìu trông không trịnh trọng nhưng cũng chững chạc và “macho nam tính” đáo để. Khi các vị Hoàng Đế thiết triều trong áo hoàng bào long phụng xênh xang đầu đội vương miện vàng ngọc lấp lánh hào quang thì các đại quan trong các bộ áo thụng gấm mầu sắc tùy theo phẩm bậc, đầu đội mũ cánh chuồn phủ phục chổng mông trước ngai vàng tung hô thánh thượng vạn tuế. Tưởng tượng các đại quan đã lớn tuổi chịu ơn mưa móc từ lâu, xơi sâm nhung quế phụ bổ dưỡng nhiều, trong khi bộ máy tiêu hoá lủng củng bất trị, mà phải phủ phục quá lâu để lỡ xịt bậy thối hoang thì không biết phải xử trí ra sao nhỉ? Hồi tôi mới lên mười một và chập chững vào Cao Tiểu (Collège de classes Primaires Supérieures) đã có thời trang đội mũ dạ gọi là mũ phớt theo kiểu các tài tử màn bạc Humphrey Bogard, Nelson Eddy, Fred Estaire, Clark Gable vân vân. Nào là mũ Fléchet, mũ Mossant rồi đến kiểu Stetson của cao bồi Texas. Trong lớp đệ nhất cao tiểu Thanh Hóa học sinh đua nhau đầu đội mũ phớt tay xách cặp da, bộ mặt hớn hở, đi đâu cũng huýt sáo miệng Oh ma Rose Marie, ngón tay túm da cổ họng dật dật cho ra trémolo. Đặc biệt có ba anh em họ Hoàng là cháu ruột Dược Sỹ Hoàng Hy Tuần trên Phố Lớn từ Vinh ra nhập học (có họ với nhà làm phim Hoàng Anh Tuấn). Tiêu biểu nhất có Hoàng Văn Huyền đội một chiếc mũ Fléchet dạ mầu nâu non. đỉnh nặn thành hai múi và vành trước kéo uốn xuống ngang mày trông hết sức tài tử lảng mạn. Anh chàng lại đội mũ lệch nghiêng về bên phải rất chi anh-chị-bất-cần-đời. Tôi rất thèm thuồng và năn nỉ mẹ đến tiệm Tân Thành Vinh mua cho một chiếc mù phớt mầu kem nhạt, tuyết xoắn như lông cừu trông khá khác biệt. Lại nhớ đến câu chuyện “Đội Mũ Lệch” xa xưa của nhà văn Khái Hưng trong Tự Lực Văn Đoàn. Rồi phong trào Hướng Đạo lan tràn từ Hà Nội vào với Trưởng Trần Văn Khắc lập ra đoàn Lê Lợi đầu tiên năm 1930. Tại tỉnh Thanh cũng thành lập các đội sói con đội mũ bê rê dạ rồi các đội thiếu sinh với bê rê bát (beret basque) to bản kéo lệch xuống một bên thật là mốt. Một vài huynh trưởng gửi mua được từ Anh Quốc các mũ Hướng Đạo thứ thiệt bằng dạ, chỏm nhận lõm thành bốn múi, vánh rộng quá cỡ được dân chúng gọi là mũ chanh vắt. Hồi những năm 1940 Trưởng Hoàng Đạo Thúy thành lập Tráng Đoàn Lam Sơn quy tụ nhiều trí thức. Lúc phong trào Việt Minh lên thì Trưởng Thúy ngả theo và trở thành Giám Đốc trường võ bị Trần Quốc Tuấn. Tuy công trạng lớn với Việt Minh nhưng khi về hưu ở trong một căn lều xiêu vẹo tại Ngọc Hà trưởng ngồi chồm hổm nấu cháo nuôi vợ ốm nặng rồi lúc chết mới được truy thăng Thiếu Tướng vỏ. Người ta nói rằng khi cái mũ chanh vắt đã kiệt nước thì còn ích lợi gì nữa vì đối với cộng sản không có công thần mà chỉ có cơ hội và phương tiện thôi. Khi vị Hoàng Đế trẻ Bảo Đại hồi hương lại nẩy sinh ra mũ Bảo Đại tục gọi là mũ Bê Đê bằng liège nhẹ, chỏm có đít bằng trông như cái cối, vành rộng và dầy khoảng bằng ngón tay cái và cách nhiệt rất tốt. Nhà Ngọc Lâm ở tỉnh Vinh chuyên làm và bán mũ đã thay liège bằng cây bần xẻ miếng mỏng ráp lại đúng chiều dầy để làm hằng loạt mũ Bê Đê ăn khách. Không ai có thể ngờ rằng mũ Bảo Đại lại trở thành cái nón cối cho bọn cán ngố khi vào Xề Gòn tuy mặc bộ Bi-Gia-Ma cướp dật được của bọn Ngụy nhưng đầu vẫn ngớ ngẩn với cái cối bệ rạc, ra cái đều ta đây anh hùng đã chiến thắng Mỹ Ngụy giải phóng cho dân đói khổ miền Nam. Sau đảo chính Nhật mồng chin tháng Ba 1945 chính phủ Trần Trọng Kim lập trường Thanh Niên Tiền Tuyến với huynh trưởng Tạ Quang Bửu phụ tá cho Bộ Trưởng Phan Anh. Không biết ai đã sáng chế ra kiểu mũ Thanh Niên Tiền Tuyến khác hẳn cái mũ chào mào của quân đội Pháp. Mũ làm bằng ba miếng vải, miếng giữa nhỏ dần từ trán ra đến sau gáy, ráp với hai miếng hai bên làm cho đứng thẳng nhưng không có hai góc nhọn trước và sau như lông con chào mào. Đội lên trông cũng rắn rỏi và bướng bỉnh nên rất hợp với khí thế đấu tranh của toàn dân đang vùng dậy. Trong Hội Chợ Sinh Viên tháng Tư 1945 các gian hàng trưng bầy đều do các sinh viên đội mũ Thanh Niên Tiền Tuyến biểu diễn thao thao bất tuyệt và hãnh diện trước các cô nàng xinh như mộng đi theo các bà mẹ săn tìm các đối tượng “phi cao đẳng bất thành phu phụ”. Trong Không Quân ta lúc khởi thủy thì quần áo mũ mãng đều theo đúng mốt bộ binh pạc-ti-dăng, mầu vàng cứt ngựa với cái mũ bánh xèo nhăn nhúm. Về sau khi trở thành quân chủng biệt lập mới chọn cái mầu xanh úa đội mũ kê pi chỏm giữ thẳng bởi một vòng lõi bấc cao su theo lối Mỹ. Ở thời kỳ phát triển tột độ với hằng ngàn phi cơ đủ loại và hàng loạt phi công trẻ măng gửi đi học bay quốc ngoại thấy xuất hiện các bộ áo liền quần tiêu chuẩn và các mũ ca lô ngang tàng làm xiêu lòng biết bao em gái hậu phương. Chính cái bộ áo liền quần này đã được chủ tướng Nguyễn Cao Kỳ chế lại ra mầu đen tuyền, cổ phất phơ khăn lụa mầu-tím-hoa-xim lãng mạn Hữu Loan đi cạnh tướng cái chạy bàn E-VịtNam cũng áo bay đen trước thời kỳ đem thân củi trở về Xề Goòng để thấy là mình có quê hương. Ra đến hải ngoại lại vẫn còn cái thói quen xử dụng mũ nhưng không phải ai cũng thích đội mũ. Có một bạn trẻ ở Huntington Beach luôn luôn đội casquette mềm khi đi ra ngoài để cho cái đầu được ấm áp. Gập một số bạn hỏi tại sao mày hay đội mũ vậy thì anh chàng tủm tỉm trả lời “tao sẵn mũ rồi, chẳng đứa nào còn chụp nón cối cho tao được”! Vậy nón cối là cái thá gì mà kinh sợ vậy. Trong suốt thời gian chiến tranh quốc cộng người anh em Việt Cộng chuyên môn đội các thứ mũ nón kỳ quặc ấy và nó đã trở thành cái biểu tượng đặc thù của ngu si đần độn. Cho nên ở trên đất tự do này ấn nón cối lên đầu người khác cũng như chửi đổng, “Cha bố chúng mày đồ mọi rợ, lo ăn oeo phe mà lại còn thờ ma Việt Cộng”. Lại nhớ đến trường hợp Vũ Văn Lộc đứng đầu IRCC đã bỏ công sức làm nhiều việc ích lợi cho cộng đồng. Tiêu biểu có Viện Bảo Tàng Thuyền Nhân đã mất nhiều công phu mà nếu không có sự đam mê thì mấy ai làm được. Nghe kể lại thì ông Lộc đã bị chụp mũ lãng xẹc. Khi anh ta gả chồng cho một cháu gái lấy một chàng trai có họ Đỗ thì không hiểu tin đồn từ đâu ra là con cháu Đỗ Mười khiến cho cả làng ăn không ngồi rồi khiêng một cỗ quan tài đặt trưóc trụ sở IRCC làm ma Vũ Văn Lộc. Và cả bọn ồn ào chiếm ngự tiền đình IRCC suốt một tháng trời, chụp mũ cho anh ta cái nón cối tổ bố. Kinh nghiệm cá nhân cũng có lúc bực mình nhưng đôi khi cười chẳng muốn thôi. Khi cuộc chiến Thiệu Kỳ đang găng thì phe Thiệu tặng cho bần đạo cái mũ “tay chân đao búa của Kỳ”. Khi phe Kỳ cần thu nạp thêm bè lũ thì vơ cào vơ cấu nhóm Liên Trường sức mạnh vô song. Họ nhắm cái mỏ vàng tưởng tượng Tổng Cuộc Tiếp Tế để chẳng thấy mỏ thiếc mỏ chì như mong đợi. Và họ phang vào đầu cựu Tổng Cuộc Trưởng cái mũ tham nhũng tổ chảng. Phải chăng cựu Trưởng đã huy động các xe cơ giới thuổng hết vàng như tin đồn Nguyễn Văn Thiệu đã chở hết mười lăm tấn vàng của Ngân Hàng Quốc Gia ra ngoại quốc rồi chăng ? Rốt cuộc điều tra tới lui để đưa đến khui vụ buôn nước mắm Phú Quốc về cho Siêu Thị Nguyễn Du mà Tổng Cuộc đã giao cho phong trào Gió Khơi của Bác Sỹ Bùi Duy Tâm làm gây quỹ cho tổ chức thanh niên năng động vô vụ lợi ấy. Cho đến bây giờ còn có người hậm hực nói tới nói lui nói ngang nói dọc tuy chưa bao giờ biết mặt kẻ hèn này và bỉ nhân cũng chẳng cần biết mày ngang mũi dọc của họ ra sao nữa! Vả lại nếu mỗi cái tóc là một cái tội thì đầu bây giờ hói rồi, lơ thơ dăm ba sợi cũng cần có cái mũ kết mềm để che chở cái đầu trọc vả khỏi nhờ ai đây hoài công chụp mũ! Lại nữa, có một vài người rỗi hơi khi thấy tôi thẳng thắn viết trong quyển CÂU CHUYỆN MỘT DI DÂN TỴ NẠN VIỆT lời cảm tạ hai cha con Nguyễn Văn Tâm và Nguyễn Văn Hinh đã cho ra khỏi khóa Thủ Đức và đeo lon giả định đi du học Pháp Quốc thì vội vã đội cho tôi cái mũ chào mào lính khố đỏ, sản phẩm của thực dân! Chao ôi! Mũ hay nón hay bộ tóc đội trên đầu người ta chỉ là những thứ trần thiết nhất thời. Vậy sao mà lắm lời vậy? Có chụp mũ vớ vẩn thì đã sao? Kệ thây cái bọn vô công rỗi nghề hết kiểu chơi rồi, hưởng được cái tự do ở xứ này với vài trăm đồng oeo phe mà nghĩ ra lắm chuyện, Việt Gian, Việt Cộng, bán nước, lung tung tí mẹt. Cho nên mới nẩy sinh câu ca dao dân gian hết sức chua cay “Việt Gian, Việt Cộng, Việt Kiều; cả ba thứ ấy tiêu điều Việt Nam”.
|