Trong chương này, việc sắp đặt hình ảnh về Ải Nam Quan sẽ dựa theo sự thay đổi của lối kiến trúc v.v. mà phân chia thành các nhóm hình theo ký tự A,B,C…Để sự diễn tả rõ ràng hơn, những hình ảnh bên phía Trung Cộng (hoặc Trung Quốc theo thời đại) sẽ gọi là “Trấn Nam Quan” “Mục Nam Quan” v.v…; ngược lại, nhũng hình ảnh bên phía Việt Nam sẽ gọi là Ải Nam Quan hoặc cổng Nam Quan theo đúng tinh thần lịch sử. Phân chia như sau.
- Nhóm A: họa đồ “Trấn Nam Quan” của Trung Quốc (đánh số A1 đến A4) - Nhóm B: có chung kiến trúc (đánh số B1 đến B4) - Nhóm C: có chung kiến trúc (đánh số C1 đến C4) - Nhóm D: có chung kiến trúc (đánh số D1 đến D2) - Nhóm E: không xác định (E1 đến E3) - Nhóm F: hình quân sự và bản đồ (đánh số F1 đến F6) - Nhóm Phụ ảnh: Một số phụ ảnh bất định sẽ đưa trực tiếp vào nơi hình cần thêm minh họa.
Diễn tả
1, Nhóm hình A:
Trước hết, ta có hai bức họa theo lối sơn thủy về hình ảnh “Trấn Nam Quan” trong đời nhà Thanh (Trung Quốc). Niên đại của cả hai được cho rằng họa vào đời vua Ung Chính khi xảy ra cuộc chiến Trung-Pháp (1884-1885)
A1. “Trấn Nam Quan Bổ Phòng Đồ” (1) Còn gọi là “Thanh Quân Trấn Nam Quan Bổ Phòng Đồ” (Họa đồ bố trí phòng thủ Trấn Nam Quan của quân Thanh). Đây là bức họa các vị trí đóng quân của nhà Thanh nơi Trấn Nam Quan bên trong nội địa Trung Quốc. Địa hình đồi núi khái lược. Cổng ra vào với Ải Nam Quan của Việt Nam nằm tại cạnh phải của bức họa (có đóng khung).
A2. “Trấn Nam Quan Bổ Phòng Đồ” (2) Các vị trí đóng quân của nhà Thanh nhìn từ hướng Việt Nam. Không hiểu tại sao bố cục của bức họa này lại rất giống với bố cục trên bưu ảnh (tham khảo hình B1) do người Pháp chụp vào đầu TK20 (hoặc cuối TK19?) . Có thể bức họa này dựa theo tài liệu của người Pháp mà vẽ ra. Giá trị của bức họa này so với bưu ảnh (B1) là do sự quan sát của người Trung Quốc vào thời đại cũ nên ta thấy được kiến trúc nguyên thủy của Ải Nam Quan bên phía Việt Nam. Ta thấy có một cổng lớn, hai bên cổng là hai dãy tường thành dâng cao nhưng bị cắt ở hai bên lưng núi. Một khoảng sau cổng mới đến phần cổng có mái ngói. Từ phần cổng mái ngói này có dãy tường thành chạy dài lên đỉnh núi. Đó là phần Trung Quốc. Các điểm này tương xứng với bưu ảnh (B1).
A3. “Trấn Nam Quan Đại Chiến” Minh họa cảnh giao chiến giữa quân Pháp và quân Thanh tại cổng Nam Quan vào năm 1885. Niên đại của bức họa không rõ nhưng ta thấy tường thành có kiến trúc giống cổng Ải Nam Quan của hình A2.
A4. “Trấn Nam Quan Đại Lâu Đồ” Mô tả cảnh quân Pháp rút quân và binh lực quân Thanh tại Trấn Nam Quan. Hãy quan sát vị trí cổng theo khung hướng dẫn trong hình.
2, Nhóm hình B: Bưu thiếp (Carte Postale) phong cảnh Ải Nam Quan do người Pháp thực hiện vào đầu thế kỷ 20. Các nhật ấn sưu tầm được trên bưu thiếp sử dụng từ năm 1908-1912.
B1. Ải Nam Quan nhìn từ độ cao ở Đồng Đăng Vẫn dựa theo tường thành phía Việt Nam là hai đoạn ngắn nhưng phần cổng đã thay đổi thành cổng nhỏ. Phía Trung Quốc là cổng lớn và cao hơn, thiết kế hai mái ngói và tường thành chạy dài lên núi giống các bức họa đã nêu trên. Có lẽ sau giao tranh vào năm 1885. Cổng phía Việt Nam đã bị phá hủy nên được xây lại không còn qui mô như xưa. Khoảng trống đến phần cổng phía Trung Quốc là vùng cảnh giới của hai bên vì dựa theo hình phía bên Trung Quốc ta sẽ thấy có sự đối xứng (tham khảo nhóm hình C).
Phụ ảnh:(B1) Ảnh màu để xác nhận hai phần mái ngói đỏ.
B2. Ải Nam Quan nhìn từ hướng Đồng Đăng Ta nhận thấy sự cao thấp của hai phía cổng và cánh phải của tường thành phía Việt nam cũng dừng ở ngang núi theo như họa đồ Trung Quốc (A1). Ở góc phải phía dưới hình là một ụ trắng phủ cỏ xanh, dấu tích lô cốt của quân đội Pháp (tham khảo hình F1 sẽ thấy rõ vị trí lô cốt nhìn từ bên Trung Quốc).
B3. Bang giao tại Ải Nam Quan Quan sát các nhân vật trong hình, ta thấy ở cạnh trái có binh lính Việt Nam đứng thành hàng dài. Giữa cổng đi ra là hàng phu khiêng kiệu đội nón vải rộng vành của quân nhà Thanh (chở quan viên?). Ở cạnh phải của hình có những người nhà Thanh đội nón và kết tóc đuôi sam. Có lẽ đang diễn ra một sự kiện nào đó trong lịch sử bang giao tại Ải Nam Quan.
B4. Cổng Ải Nam Quan Cổng đóng then gài, cỏ mọc cao ngất ngưỡng. Hoang tạnh. Trong lời nhắn trên bưu thiếp cho ta biết cổng được tu phục vào năm 1908. Nhật ấn “Lạng Sơn”. Xác nhận bờ tường thành chỉ còn dấu thang bậc đi lên để so sánh với tường thành phía bên Trung Quốc (nhóm hình C).
Phụ ảnh: Đường lên Ải Nam Quan từ Đồng Đăng
Còn tiếp
|