CIA giải mật: 36 điệp vụ xâm nhập miền Bắc Việt Nam (kỳ 3) |
Tác Giả: Hạnh Diễm (lược dịch) | |
Thứ Năm, 21 Tháng 5 Năm 2009 00:40 | |
Hầu hết các điệp vụ xâm nhập miền Bắc Việt Nam được CIA tiến hành trong năm 1963 bằng nhiều phương cách. Do thất bại ngoài sức tưởng tượng, CIA thậm chí bắt đầu nghi ngờ một số nhóm xâm nhập vào miền Bắc VN trở thành điệp viên hai mang. Thất bại nối tiếp thất bại, bắt đầu từ năm 1964, CIA buộc phải chuyển giao sứ mệnh xâm nhập miền Bắc VN cho quân đội Mỹ. Thuyền sử dụng trong điệp vụ Nautilus 1 xâm nhập miền Bắc bằng đường biển. Với việc Hiệp định Geneva có ảnh hưởng từ ngày 6/10/1962, chính quyền Mỹ muốn che đậy hoạt động tại miền Bắc VN. Tuy nhiên, CIA có được sự đồng thuận của Tổng thống (7/9/1962) trong việc tiếp tế cho 1 trong 4 nhóm vẫn còn hoạt động - hoặc được tin là đang hoạt động - tại miền Bắc VN. Sau ngày 6/10, Nhà Trắng cho tạm ngừng tất cả "hành động khiêu khích", bao gồm cả các cuộc tấn công phá hoại thậm chí của những nhóm biệt kích đang có mặt ở miền Bắc VN. Trên thực tế, vào những tháng cuối cùng của năm 1962, thậm chí nếu không bị giới hạn bởi các chính sách hậu Hiệp định Geneva, CIA tại Sài Gòn cũng đối mặt với khó khăn chồng chất, đặc biệt là thời tiết ở miền Bắc VN. Tháng 1/1963, nhóm Tarzan nhảy dù xuống đất Lào sau đó xâm nhập qua biên giới vào khu vực gần đường 12 của miền Bắc VN. Ngay trước đó, vào ngày cuối cùng của năm 1962, Lyre, nhóm biệt kích đầu tiên do Sở Chính trị và Nghiên cứu xã hội Phủ Tổng thống (SEPES) của Trần Kim Tuyến tài trợ, cũng xâm nhập vào bờ biển Bắc VN bằng thuyền. Tuy nhiên, hầu hết các nhóm biệt kích khác đã được huấn luyện sẵn sàng, nhưng không có động tĩnh gì. Nhóm Lyre xâm nhập vào vùng duyên hải gần Đèo Ngang, cách nơi diễn ra điệp vụ Vulcan khoảng 25 km về phía bắc. Cuối tháng 1/1963 (4 tuần sau khi xâm nhập), CIA tại Sài Gòn không nhận được bất kỳ thông điệp nào từ Lyre. Trên thực tế, 5 thành viên Lyre bị bắt tại chỗ, 2 tên khác chạy trốn xuống phía nam, nhưng vài ngày sau cũng chịu chung số phận. Nhóm Tarzan có vẻ thành công hơn khi ba lần truyền được tín hiệu từ khu vực gần đường 12 dù không rõ ràng. Hà Nội thông báo công khai vào ngày 29/5/1963 về việc nhóm biệt kích Lyre bị bắt. Chiến dịch ba gọng kìm Bất chấp Tổng hành dinh ở Mỹ gia tăng nghi ngờ về kết quả của các điệp vụ đầu năm 1963, CIA tại Sài Gòn sẵn sàng cho một chiến dịch tổng lực theo kiểu ba gọng kìm nhằm phá hoại miền Bắc VN. Đến tháng 4/1963, có tới 48 nhóm biệt kích chờ để nhảy dù, xâm nhập bằng đường biển, đường bộ vào miền Bắc. Theo kế hoạch, 18 nhóm sẽ nhảy dù nếu yêu cầu cung cấp máy bay mới được đáp ứng; 11 nhóm khác sẽ vào bằng đường biển; còn lại 17 nhóm vẫn chưa xác định phương cách. Đầu tháng 4/1963, nhóm Pegasus nhảy dù xuống miền Bắc. Thông tin ban đầu cho biết có tới 4 điệp viên bị thương do nhảy trúng ngọn cây. Ngày 13/4, CIA tại Sài Gòn cho nhóm biệt kích 6 tên người miền núi đổ bộ xuống vùng núi cách Hà Nội 75 km về phía đông bắc. Mục tiêu của nhóm này là tuyến đường sắt từ Hà Nội chạy tới Trung Quốc. Cũng như trước đây, hai nhóm điệp viên này đều mất tích hoặc biết rõ đã bị bắt, nhưng điều kỳ lạ là CIA tại Sài Gòn không điều tra lý do thất bại mà lại đẩy mạnh hơn nữa các đợt xâm nhập mới. Tháng 6, Hà Nội cho biết nhóm Pegasus đang “bóc lịch” trong tù. Tháng 5, CIA cho 3 nhóm nhảy dù xuống miền Bắc, nhưng chỉ có Jason đáp xuống mặt đất ngày 14. Máy bay chở hai nhóm khác (trong đó có nhóm Europa gây nhiều rắc rối sau này) phải quay trở lại do thời tiết xấu và gặp rắc rối về kỹ thuật. Phi công báo cáo, dù của tất cả thành viên Jason đã mở, nhưng nhóm này cũng mất liên lạc. Hai tuần đầu của tháng 6, hai máy bay DC-4 của CIA thả 7 nhóm điệp viên xuống miền Bắc. Hai nhóm đổ bộ xuống vùng núi cao có thể nhìn xuống sông Hồng và mục tiêu là tuyến đường sắt phía Tây Bắc. Một được giao nhiệm vụ tấn công cầu và mỏ than ở phía bắc Hải Phòng. Theo kế hoạch, hai nhóm khác sẽ tấn công các cầu dọc đường số 1. Hai nhóm còn lại lẩn khuất dọc đường số 7 và 12 dẫn sang Lào. Chỉ có 1 trong 7 nhóm trên liên lạc với Sài Gòn và thông báo an toàn sau 10 ngày nhảy dù xuống. Nhóm Bell bị bắt sau 3 ngày xâm nhập Điệp viên hai mang Tháng 6, CIA tiến hành thêm nhiều điệp vụ nhảy dù và xâm nhập bằng đường biển khác, nhưng tỉ lệ thành công gần như bằng không. Lý do thất bại được CIA tại Sài Gòn báo cáo về Tổng hành dinh một cách đơn giản rằng vì thời tiết xấu và phương tiện kỹ thuật không vận hành tốt. Ngoài việc xâm nhập, các đợt tiếp tế của CIA thời gian này cũng thất bại thảm hại và lại được giải thích là do thời tiết xấu hoặc phi công không tìm được vị trí của các nhóm nhảy dù trước đó. Bước vào năm 1963, CIA được cung cấp hàng loạt máy bay hiện đại C-123 và DC-4 để phục vụ tốt hơn cho điệp vụ nhảy dù, tiếp tế, nhưng kết quả dường như tồi tệ hơn. Ngày 2/7, máy bay C-123 đưa nhóm Giant nhảy dù xuống vùng núi phía tây thành phố Vinh. Ngày 4/7, máy bay DC-4 thả nhóm Packer xuống nhằm phá hoại tuyến đường sắt Tây Bắc và sau đó đưa nhóm Europa tới địa điểm khác ở gần Hà Nội. Chiếc DC-4 có tầm bay xa hơn, được trang bị hệ thống định vị hiện đại và cả thiết bị tránh sự phát hiện của rađa chở nhóm Europa không bao giờ quay trở lại Sài Gòn. Do không có phản ứng nào từ Hà Nội, CIA tại Sài Gòn kết luận chiếc DC-4 không bị lực lượng phòng không miền Bắc Việt Nam bắn hạ mà va vào núi cao khi bay ở tầm thấp. Lại tự huyễn hoặc về khả năng vượt trội của loại máy bay mới có thể tránh được mọi nguy hiểm từ dưới mặt đất, CIA không ngờ rằng miền Bắc VN di chuyển 10 đơn vị phòng không tới khu vực mà nhóm Europa từng nhảy dù xuống. Giữa tháng 8/1963, chiếc C-123 làm nhiệm vụ tiếp tế cho nhóm Europa bất ngờ bị pháo phòng không của ta tấn công. Cơ trưởng của chiếc C-123 này may mà thoát được. Sau đó bị chấn thương tâm lý nặng về vụ suýt chết trên.
|