Home Lịch Sử VN Chiến Tranh VN Di Cư 1954 Nhìn Lại Hiệp Định Élysée (2)

Nhìn Lại Hiệp Định Élysée (2) PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Văn Lục   
Thứ Năm, 23 Tháng 10 Năm 2008 05:55

2. Diễn tiến Hiệp định Élysée

Giải Pháp quân sự nhằm tiêu diệt Việt Minh mỗi ngày một tiêu mòn hy vọng. Trong khi đó lần lượt các nước như như Phi Luật Tân, Miến Điện (
Burma – DCVOnline), Nam Dương và cuối cùng là Ấn Độ, Pa kít tăng (Pakistan - DCVOnline) cũng thu hồi được độc lập.

Bước đầu, tìm một giải pháp chính trị với Việt Minh

Tình hình quân sự không sáng sủa và xu hướng giải thực tại các nước quanh vùng buộc toàn quyền Bollaert phải có một hành động cụ thể. Vì thế, ông Bollaert đã đưa ra giải pháp vãn hồi hòa bình, ngưng bắn với Việt Minh.

Trong một bài diễn văn ở Hà Nội, Bollaert đã gián tiếp nói tới một cuộc ngưng bắn một phía (trêve unilatéral) có hiệu lực vào tháng 8. Đó cũng là lập trường của De Gaulle vào năm 1948. De Gaulle không muốn nhả ra một chút xíu gì cho Việt
Nam
cũng như những thuộc địa của Pháp ở Phi Châu... Mọi suy nghĩ, quyết định của De Gaulle đều tiêu cực, bảo thủ. De Gaulle không nhượng bộ bất cứ điều gì và cho rắng, xứ Nam Kỳ là thuộc địa của Pháp từ năm 1864. Đó là mảnh đất của nước Pháp. Đó là điều kiện yêu sách bướng bỉnh của De Gaulle. Jean Lacouture đã nhận xét về De Gaulle: Le général a bloqué les issues (Trích Ho Chi Minh, Jean Lacouture, trang 150). Đại tướng đã ngăn chặn mọi lối thoát. De Gaulle, con người hùng của ngày 18/06 còn cứng rắn hơn nói rằng: tất cả những gì làm mất đất thuộc Pháp thì sớm muộn gì kẻ đó cũng ra trước tòa án đdại hình.

Nhưng khi ông Pignon lên thay thế ông Bollaert, những bế tắc khó khăn vừa kể đã có thể được khai thông. Đại sứ Mỹ
Jefferson Caffery cũng cho biết ông tán đồng quan điểm của nước Pháp mở rộng hơn nữa đối với Việt Nam
.

Cho nên, đối với người Pháp ở Đông Dương, chỉ có một thứ Hòa bình trong “dans le cadre de l’union francaise”. Hòa bình trong khuôn khổ liên hiệp Pháp. Để cụ thể, Bollaert cử người đại diện là ông Paul Mus bí mật gặp phía bên kia.

Paul Mus là người của De Gaulle gửi sang Việt
Nam từ 1945, cố vấn cho tướng Leclerc, cho đô đốc Argenlieu và cuối cùng cho toàn quyền Bollaert. Ông đã bí mật nhảy dù xuống vùng Việt Minh trấn đóng để thương thuyết việc chấm dứt chiến tranh.

Paul Mus
Nguồn: Les Indes savantes

Paul Mus đã tiếp xúc với Hoàng Minh Giám, đại diện Việt Minh và tiếp xúc bí mật với cả Hồ Chí Minh nữa. Paul Mus đưa ra một số đề nghị cho phía Việt Minh như chấm dứt tức khắc những hành động gây chiến hay khủng bố, giao nộp võ khí và để cho quân đội Pháp đi lại tự do và trao trả tù binh. Bollaert vẫn giữ liên lạc với Hồ Chí Minh và hy vọng có thể giải quyết chiến tranh trong đó không có người thắng, kẻ bại. Theo Jean Lacouture, Paul Mus đã gặp Hồ Chí Minh tại một biệt thự ở Thái Nguyên, một vùng núi đá vôi với những dốc đứng, rất dễ cho việc phòng thủ, ở cách Hà Nội 130 kilô mét. Ông có cảm tình với Việt Minh và Hồ Chí Minh. Ông cũng là tác giả 2 cuốn sách: Sociologie d’une guerre và Ho Chi Minh, Le Viet Nam l’Asie) Trong dịp gặp gỡ này, Hồ Chí Minh đã nói thẳng: Dans l’union francaise, il n’y a pas de place pour les lâches, si j’acceptais ces conditions, j’en serai un (Trích Ho chi Minh, Jean Lacouture, trang 161) Ở trong khối Liên Hiệp Pháp, không có chỗ cho những kẻ hèn nhát. Nếu tôi chấp nhận những điều kiện ấy, tôi sẽ là một trong những kẻ hèn nhát.

Thất vọng trong việc thương thuyết, từ đó Paul Mus rút lui khỏi chính trị

Phản ứng của Việt Minh qua bộ trưởng ngoại giao là Hoàng Minh Giám như sau: Độc lập mà không có quân đội và không có ngọai giao thì vô nghĩa. Hoàng Minh Giám nói thêm: Nước Pháp phải nhìn nhận một cách rõ ràng việc thống nhất và độc lập cho Việt
Nam và máu của người Pháp cũng như Việt Nam sẽ không còn chảy ra nữa.


Ngày 15 tháng 9, Việt Minh trả lời chính thức những lời kêu gọi của Toàn quyền Bollaert bằng sự từ chối, vì cho là lừa bịp.

Về phía người Mỹ thì, kể từ sau thế chiến thứ hai, kẻ thù trước mặt của họ là cộng sản. Buckley, đại diện
OSS đã nói thẳng với Bảo Đại rằng người Mỹ ủng hộ cho bất cứ tiến trình nào đưa tới nền độc lập cho Việt Nam, chỉ với một điều kiện mà thôi: không có người cộng sản trong đó. Vào năm 1946, Trưởng Giới Thạch đã nhờ người Mỹ qua Marshall để “mua Bảo Đại” với dollars, từ đó thiết lập một liên minh chống Cộng Sản nối dài từ Trung Hoa sang Việt Nam. Bảo Đại lúc bấy giờ vẫn còn là con số không, không đồng xu dính túi, vì người Pháp còn vươn tay ra mong muốn nói chuyện với Việt Minh. Vậy mà Bảo Đại đã nói KHÔNG với Marshall.Tại sao Bảo Đại nói không? Trong Hồi ký của ông, ông không nhắc tới truyện này. Giả dụ Bảo Đại nói có thì tình thế Việt Nam chung cuộc sẽ ra sao? Mặc dầu vậy, Mỹ đã viện trợ cho Pháp khoảng 80% tổn phí chiến tranh Việt Nam kể từ 1950-1954. Mỹ chi viện cho Pháp 500 triệu đô la mỗi năm để mua súng tự động, tàu chiến, dụng cụ y khoa qua trung gian cơ quan American Military Assiatance Advisory Group (MAAG). Riêng năm 1953, do sự đòi hỏi của Pháp, Mỹ viện trợ thêm 385 triệu mỹ kim cho kế hoạch Henri Navarre nhằm bắt buộc Việt Minh phải xuất đầu lộ diện, đánh trận địa chiến thay vì du kích chiến.

Sự viện trợ cho Pháp của người Mỹ rõ ràng coi cuộc chiến tranh Đông Dương là thứ chiến tranh mang thứ tên mới: chiến tranh ý thức hệ.

Diễn tiến đổi chiều

Phần Bollaert cho thấy rằng lá bài Hồ Chí Minh không thể tin tưởng được nữa. Ngày 15/05/1947, toàn Quyền Bollaert đến Hà Nội và cho thấy là người Pháp sẵn sàng trao trả độc lập cho Việt Nam trong khối Liên Hiệp Pháp. Ông tuyên bố không thương thảo riêng với bất cứ đảng phái nào (ám chỉ Việt Minh) mà chỉ thương thảo với một người đại diện duy nhất là Bảo Đại.

Lá bài Bảo Đại đã thành hình và nay có giá trong bối cảnh chính trị như vậy.

Phần Việt Minh họ có bỏ lỡ cơ hội tiến tới hòa bình không trước khi có giải pháp lá bài Bảo Đại không? Thật sự mà nói, về phương diện lý thuyết, họ tranh đấu cho một lý tưởng cộng sản quốc tế mà chiêu bài dân tộc chỉ là một cách tuyên truyền nhất thời và có hiệu quả. Cho nên, khó có thể nói tới một sự ngưng bắn, sống chung hòa bình trong khuôn khổ Liên Hiệp pháp?

Họ nhằm một mục đích cao hơn những đề nghị mà Bollaert có thể dâng cho họ.

Nay thì ông Bollaert đã nói với Bảo Đại rằng, thỏa ước Vịnh Hạ Long cần được tôn trọng và xin mời Ngài về Việt Nam để nắm lấy quyền hành. Và nếu ông Hồ Chí Minh muốn thương thảo gì với người Pháp, chính Ngài là người mà họ sẽ phải thương thảo.

Vì thế, Bảo Đại là giải pháp cuối cùng mà người Pháp hy vọng ở ông. Đã đến lúc Bollaert và Bảo Đại tìm gặp nhau. Và hai người đã gặp nhau vào ngày 6 tháng 12, 1948. Hiệp định Éysée sau đó đã được ký kết giữa Bảo Đại và người Pháp.

Nói tóm một điều là trong cuộc đánh bạc này, Bảo Đại đã đòi hỏi được hai điều mà Hồ Chí Minh phải mất nhiều công sức cũng không đạt được. Đó là việc thống nhất ba kỳ và độc lập cho Việt
Nam mà Hồ Chí Minh trước đây đã thất bại cay đắng không đạt được tại hội nghị Fontainebleau
.

Bảo Đại hãnh diện viết: “Le Viet Minh n’est donc plus dans la course”. Việt Minh không còn có vai trò nào trong cuộc chạy đua này nữa. (Hồi ký Bảo Đại, trang 183).

Phần Bảo Đại, ông vẫn quyết liệt từ chối tất cả việc về nước nếu trong tay không có một đảm bảo quyền độc lập và thống nhất cho cho Việt
Nam
.

Và ngày 5 tháng 6, 1948, ông Bollaert, đại diện cho nước Pháp và đại tướng Nguyễn Văn Xuân, đại diện Bảo Đại đã ký một bản tuyên bố chung tại vịnh Hạ Long, trong đó cả hai bên đồng ý:

Nước Pháp nhìn nhận một cách long trọng nền độc lập của Việt Nam. Về phía Việt Nam công nhận sát nhập vào vào Liên Hiệp Pháp với tư cách một quốc gia hội viên, hợp tác với Pháp.

Nền độc lập của Việt
Nam
chỉ còn tùy thuộc vào một điều kiện là ở trong Liên hiệp Pháp.

Việt Nam chấp nhận tôn trọng những quyền lợi của người Pháp ở Việt Nam và bảo đảm tôn trọng các nguyên tắc dân chủ và sẵn sàng hợp tác với các cố vấn Pháp cho nhu cầu kinh tế và nội địa của Việt Nam.

Sau khi đã thiết lập được một chính quyền tạm thời thì đại diện hai bên sẵn sàng dàn xếp cho các vấn đề văn hóa, ngoại giao, quân sự, kinh tế, tài chánh và kỹ thuật.
Ông Bảo Đại và người Pháp đều hài lòng về tiến trình trao trả độc lâp và thống nhất cho Việt
Nam
. Nhưng chính Bảo đại cũng nhìn nhận: Je suis assez satisfait Certes, ce n’est pas le succès total, et en fait, il n’y a rien de définitif. Mais J’ai obtenu ce qui avait éte réfusé au Viet Minh. Les mots d’indépendance et d’unité ont été officiellement enregistrés (Trích Bảo Đại, trang 204) tạm dịch: “Tôi cũng tạm hài lòng. Chắc chắn đây không phải là một thành công hoàn toàn, vì vậy chưa có gì là chắc chắn. Nhưng tôi đã đạt được điều mà Việt Minh bị người Pháp từ chối. Những chữ độc lập và thống nhất đã được chính thức ghi nhận.”

Lập trường người Pháp là rõ rệt, chỉ thương thảo chính thức với Bảo Đại mà không với Hồ Chí Minh. Nhưng trên thực tế, thái độ người Pháp như thế có thể nào là nguyên do đưa tới bế tắc mọi con đường đưa tới ngưng bắn và hòa bình với Việt Minh không?

Trên thực tế, ở Sàigòn, chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Văn Xuân không có quyền hành gì cả. Không có tiền, không có quân đội, không có cảnh sát. Mọi truyện đều lệ thuộc vào nền hành chánh của Pháp cả. Việt Minh có cớ để nói rằng thủ tướng Nguyễn Văn Xuân chỉ là thứ tay sai nằm trong tay người Pháp.

Mao Trạch Đông làm chủ Bắc Kinh

Và mọi diễn biến liên quan đến hiệp định Élysée đã thay đổi đột ngột. Mao Trạch Đông đã vào Bắc Kinh ngày 22 tháng giêng 1949. Đó là sự đe dọa trực tiếp của Mao Trạch Đông đối với người Pháp ở Việt
Nam
.

Mối lo ngại của người Pháp đối với diễn biến xảy ra ở biên giới Việt Trung có lý do của nó: Hà Nội có thêm vây cánh.

Một Ủy ban hỗn hợp của Pháp đã thành hình vào ngày 12 tháng Hai để nghiên cứu những vấn đề đã được thỏa thuận giữa Pháp và Việt
Nam
tại vịnh Hạ Long. Phía người Pháp có ông M. Herzog, trưởng phái đoàn cùng các ông Marolles, Pereyra, Raymond, Risterruci. Thêm vào đó là các chuyên viên như Gonon về tài chánh, Anziani về kinh tế, Torre về kế hoạch, Dannau về vấn đề văn hóa và đại tá Brébisson về các vấn đề quân sự.

Và sau đó thì hiệp định Elysée đã được ký kết giữa Bảo Đại và tổng thống Sauriol.

Bảo Đại quyết định về nước. Và cũng như người Pháp, ông lo ngại sự xuất hiện của quân đội Mao Trạch Đông đang rình rập ở phía Bắc.

Phải chăng, việc Mao Trạch Đông xuất hiện ở phía Bắc như một mối đe dọa đã là nguyên cớ cho sự ra đời Hiệp định Elysée? Một phần là như vậy.

Ngày 8 tháng 3, 1949, một buổi lễ ký kết long trọng đã được tổ chức tại điện Elysée giữa Tổng Phống Pháp Vincent Auriol và cựu hoàng Bảo Đại. Ngoài Tổng thống Pháp còn có Thủ tướng Queuille và một số bộ trưởng Pháp tham dự. Phía Việt Nam, bên cạnh cựu hoàng Bảo Đại còn có quý ông Hoàng thân Vĩnh Cẩn, Hoàng thân Bửu Lộc cùng với hai ông Trần Văn Hữu và Nguyễn Mạnh Đôn.
Bản Hiệp định này rất quan trọng vì lần đầu tiên Việt
Nam được độc lập và thống nhất lãnh thổ, trong đó Nam Kỳ được trả về cho Việt Nam
. (2)
Giải pháp Bảo Đại được đón tiếp nồng hậu vì
Nam phần đã được trả về cho Việt Nam
.

Nhưng tình hình chính trị và quân sự giữa
Nam phần và Bắc phần có sư khác biệt lớn. Ở Nam
phần: yên tĩnh và ổn định. Nơi đây tướng Boyer de Latour với con số 35 ngàn lính chính quy cộng với khoảng 20 chục ngàn dân vệ, còn lại là lính của Cao Đài, Hòa Hảo. Vậy mà xem ra áp lực của Việt Minh không đáng kể so với Bắc phần và Trung phần. Chiến thuật của đại tướng Latour là xây dựng các đồn bót dọc theo các quốc lộ để giừ an ninh và liên lạc với quân đội.

Cho nên, nếu chỉ có Nam Phần thì người Pháp chắc không cần đến một thứ Hiệp định Elysée như thế.

Ở đây, có thể nói đó là cuộc chiến của các đồn bót (Guerre des postes). Mối giây liên lạc sống còn là tầm yểm trợ của súng đại bác tới các đồn bót và một máy vô tuyến điện. Mất liên lạc vô tuyến kể như đồn bót ấy bị mất.
Đó là một cuộc chiến không ranh giới và dai dẳng chắc không phải chỉ ở phía
Nam
mà còn ở phía Bắc nữa.

Cho nên cuộc chiến này phần thắng bại được quyết định từ phía Bắc. Ai làm chủ miền Bắc thì thắng lợi về phía đó.

Vì thế, các địa danh như Hòa Bình, Lạng Sơn, Cao Bằng, Na Sàn ở phía Bắc sẽ là những yếu tố quyết định để buộc người Pháp tìm ra một giải pháp cho chiến tranh Việt Nam: giải pháp Bảo Đại

Giải Pháp Bảo Đại

Tuy nhiên, thủ tục để đạt được Hiệp định này thật là khó khăn vì chính phủ Pháp phải thành lập một Quốc Hội địa phương tại Nam Kỳ gồm cả đại diện Pháp và Việt Nam. Kết quả bỏ phiếu là có 25 phiếu chống sát nhập và 25 phiếu thuận sát nhập. (3)

Nghe tin xấu này, cựu hoàng Bảo Đại đã hủy chuyến bay không về nước nữa.

Chính phủ Pháp phải cử cấp tốc ông Pignon bay sang Sài Gòn. Đến ngày 23 tháng tư, Quốc hội địa phương họp để bầu lại. Kết quả lần này có 45 phiếu thuận cho sát nhập Nam Kỳ về cho Việt
Nam
và chỉ có 5 phiếu chống.

Với thành quả đó coi như chính phủ Pháp đã trao trả độc lập cho Việt
Nam
và đất nước từ nay đã được thống nhất.

Sau đó, Bảo Đại mới quyết định đáp máy bay về nước sau 3 năm xa cách.

Đến ngày 13, 14, 15 tháng 06, 1949, Bảo Đại xuống Sài Gòn để chủ tọa ba ngày lịch sử này. Chúng tôi xin tóm tắt giới thiệu đến độc giả những tài liệu về biến cố này như các bài tường thuật, các bài diễn văn của Bảo Đại cũng như của Thủ tướng hay các đại diện Pháp ở Việt
Nam
. Đồng thời cũng xin giới thiệu vắn tắt diễn tiến của bản Hiệp định cũng như nội dung của bản Hiệp định 08/03 thống nhất đất nước mà đảng Cộng Sản Việt Nam đã cố tình lờ đi không nhắc tới.
Khi Bản Hiệp định được ký kết thì Hồ Chí Minh gay gắt gọi Bảo Đại là bọn “bù nhìn” (fantoche), lên án tử hình thủ tướng Xuân đồng thời gia tăng khủng bố và ngay cả chôn sống người .

Thật vậy, trong lịch sử tranh đấu dành độc lập cho Việt
Nam trong thế kỷ 20, có đến hai lần chính phủ Việt Nam tuyên bố độc lập. Nhưng người Cộng Sản chỉ nhắc và ăn mừng Bản Tuyên Ngôn Độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945 do Hồ Chí Minh đọc tại Ba Đình mà không hề nhắc tới, trước đó, lần đầu tiên, Bảo Đại đã tuyên bố Việt Nam độc lập và thống nhất vào ngày 11 tháng 3 năm1945, khi có cuộc đảo chính của Nhật. Nội dung câu tuyên bố của Bảo Đại được ông Trần Trọng Kim nhắc lại như sau:

Trước kia nước Pháp giữ quyền bảo hộ nước ta, nay đã không giữ được nước cho ta, để quân Nhật đánh đổ, vậy những điều trong Hiệp ước năm 1884 không có hiệu quả nữa, nên Bộ Thượng Thư đã tiêu hủy hiệp ước ấy. Trẫm phải đóng vai chủ trương việc nước và lập chính phủ để đối phó mọi việc. Trước kia, người mình chưa độc lập. Nay có cơ hội, tuy chưa phải độc lập hẳn, nhưng mình cũng phải tỏ ra có đủ tư cách để độc lập. Nếu không có chính phủ thì người Nhật bảo mình bất lực, tất họ lập cách cai trị theo thể lệ nhà binh rất hại cho nước ta . Vây nên ông nên vì nghĩa vụ cố thành lập một chính phủ để lo việc nước

(Trích Một cơn gió bụi, Lệ Thần Trần Trọng Kim, nxb Vĩnh Sơn, 1969, tr 490)

Trong ba ngày lịch sử đón tiếp cựu hoàng bảo Đại, bài diễn văn của ông Tổng trấn Trần Văn Hữu xác nhận:

Nhờ sự bền chí vững lòng của Hoàng Thượng mới có tờ Hiệp Ước vịnh Hạ Long, ngày 5 tháng 6, 1948. Đó là lần thứ nhứt Pháp quốc nhìn nhận sự độc lập nước Việt Nam trong Liên Hiệp Pháp.

Cũng nhờ sự kinh nghiệm quang minh của Hoàng thượng mới nảy ra tờ ký kết ở điện Élysée, ngày mồng 8 tháng 3 dương lịch 1949. Trong ấy, chính phủ Pháp giao ước sẽ nhường quyền cho Việt Nam các quyền hành về chính trị, kinh tế, lý tài, binh bị, ngoại giao của một nước độc lập.

Bài diễn văn của ông Cao Ủy Pignon cũng nói đến:

Một hành động to tát vừa hoàn thành, chúng ta đang đứng trước một xứ Nam Kỳ mới. Tâu Hoàng Thượng, ngày mai chúng ta sẽ chia nhau những điều chua chát và những sự tỉnh ngộ, nhưng tôi có thể bảo đảm cùng Hoàng Thượng rằng sự tin chắc được đi trên con đường của chơn lý và công lý cùng với sự quên hết các quyền lợi riêng, đủ để duy trì ý chí cương quyết, một điều kiện bực nhứt cho sự thắng lợi chung. Chúng ta đã có sẵn, với Hiệp ước 8 tháng 3, một khí cụ có thể giải quyết thỏa mãn các vấn đề nguyên tắc chủ yếu. Bây giờ đến những sự thật hiện mà chúng ta phải lo lắng với tất cả cương quyết, sáng suốt và thiện ý của chúng ta.


Bài diễn văn của cựu hoàng Bảo Đại tóm tắt những ý chính như sau:

Hiệp Định 8 tháng 3, 1949 mà tôi đã ký cùng Tổng Thống Auriol có thể coi là bản khai sinh cho nước Việt Nam độc lập. Ngày nay, mọi việc xảy ra trong thế giới nhiều khi vượt quá giới hạn một quốc gia, để ứng hợp với tình hình quốc tế mới, nước Việt Nam nhận gia nhập khối Liên hiệp Pháp để chung phần vào một vận mênh lịch sử cao cả hơn vận mệnh của một dân tộc. Và tôi lại xin xác nhận thêm rằng quyền lợi chính đáng của Liên Hiệp Pháp ở Việt Nam sẽ được tôn trọng.

Riêng công điệp của Tổng Thống Cộng Hòa Pháp quốc gửi Hoàng Đế Việt Nam có những điều căn bản sau đây:

Nước Pháp, một lần nữa, long trọng tuyên bố quyết định không cản trở việc xứ Nam kỳ trở lại lãnh thổ Việt Nam bằng bất cứ phương tiện pháp lý hoặc hành động nào. Lãnh thổ đó gồm các địa hạt Bắc kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ... Nước Việt Nam có quyền điều đình và ký kết những hiệp định về quyền lợi của mình. Nước Việt Nam có quân đội quốc gia, nhiệm vụ là giữ gìn an ninh nội bộ và bảo vệ lãnh thổ Việt Nam. Các ngạch sĩ quan Việt Nam sẽ do các trường quân sự Việt Nam và cũng có thể do các trường quân sự Pháp đào tạo. Nước Việt Nam có toàn quyền xét xử các việc tố tụng về dân sự, thường sự và hình sự trên toàn thể lãnh thổ quốc gia.

3 ngày đón tiếp Bảo Đại tại Sài Gòn 13, 14, 15 tháng 6, 1949

Bảo Đại về Sài Gòn
Nguồn: caom.archivesnationales.culture.gouv.fr

Người viết xin mượn những dòng sau đây tóm tắt quang cảnh đón tiếp Bảo Đại và công phu chuẩn bị của người Pháp ra sao, đồng thời nhận xét thái độ, con người Bảo Đại trong những ngày này qua bài viết của Lucien Bodard trong La guerre d’Indochine, từ trang 151-157

Trước khi về Sài Gòn, Bảo Đại ở Cannes (gia đình Hoàng hậu Nam Phương và con cái ở đây) “rảo qua” các sòng bài Casinos, bên cạnh có Cousseau tháp tùng. Trong khi đó ở Sài Gòn, Cao Ủy Pignon, Bonfils lo tíu tít, mất ăn mất ngủ, chuẩn bị đủ thứ: tăng cường an ninh, cờ quạt, trang hoàng, chỗ ăn ở phái đoàn khắp nơi Bảo Đại đi qua. An ninh súng liên thanh cầm tay đứng dày đặc, đội kèn trống chuẩn bị, đội quân danh dự, quần áo chỉnh tề.Từng chi tiết một không thể thiếu xót. Phải xem xét, sửa đi sửa lại bài diễn văn phải đọc trong bối cảnh biệt ngữ pháp lý-chính trị Jargon Juridico-polique. Mỗi chữ, mỗi dòng phải cân nhắc như là một trận chiến ngôn từ để vừa lòng mọi người, giữa hai bên Việt Nam-Pháp, rồi Cao Mên, Lào và cuối cùng cả bốn bên. Những chuyên viên đã làm hết sức mình và nay chỉ còn chờ ký vào là xong.

Rồi cuối cùng Bảo Đại cũng sửa soạn hành lý sẵn sàng trở về từ miền Địa trung hải (
Côte d’Azur) để nắm quyền điều khiển quốc gia Việt Nam. Ngày 24/04/1949
, Bảo Đại lên đường trở về nước. Bốn ngày sau, ngày 28, Bảo Đại từ Singapore về tới Sài Gòn, nhưng lên thẳng Đà Lạt. Lý do về Đà Lạt, vì ông muốn chứng tỏ “lịch sự” với người Pháp, vì Sài Gòn vốn vẫn còn là thuộc địa của Pháp. (4)

Trên chiếc phi cơ trở về đây nắm quyền hành, ông chỉ như một người khách lạ, dáng mệt mỏi, lãnh đạm. Người ta chỉ nhìn thấy ở ông ấy trong bộ âu phục mầu trắng, đôi kính mát to bản che mất một phần mặt, cộng cái nón thực dân (casque colonial) Cả con người đó biểu hiện một người ngoài cuộc với bộ măt mập phì, tròn, môi dày, mũi hơi xẹp, đôi vai thẳng như một hình nhân tượng.

Ông ta bước những bước đầu tiên trên sân bay như một người máy, chẳng thèm ngó mắt nhìn bất cứ ai. Hình như ông không để ý dến những chức sắc Việt
Nam
, những vị bô lão trong chiếc áo dài đen cổ truyền đang khúm núm cúi lậy hay đến những đội quân danh dự đang đứng cứng người nghiêm chào ông ta. Vào bên trong, viên Cao Ủy trân trọng đọc một bài diễn văn đón chào mà mỗi câu đều không quên kèm theo hai chữ thưa Hoàng Thượng, “Sire”.

Đáp từ, Bảo Đại nói bằng một giọng mất tiếng, uể oải gần như sấc sược.

Diễn biến quan trọng lịch sử như thế chỉ xảy ra trong vài phút. Không bắt tay, không nụ cười, không hỏi han bất cứ ai.Tout est fini. Mọi chuyện hoàn tất. Bảo Đại chui vào một chiếc xe Limousine to lớn phóng nhanh về biệt điện của ông ta.
Như thể ông ta về đây vì việc riêng và để rồi biến mất.
Sau buổi lễ, tôi có cảm tưởng mọi diễn biến xảy ra như có vẻ không thật và cái cảm giác có vẻ không thật ấy kéo dài trong tâm trí tôi.

Tôi hỏi hai “cố vấn” bên cạnh Bảo Đại là Cousseau và Faugère có hy vọng gì một giải pháp Bảo Đại? Họ trả lời một cách gượng gạo:

Thật không phải là dễ.

Phần Pignon thì vẫn tỏ ra hăng hái và quyết tâm về một thắng lợi trong tương lai.

Nhưng cái thật bại lớn nhất của giải pháp Bảo Đại là dân chúng
Nam Kỳ tỏ ra hững hờ.
Ngày độc lập và thống nhất đất nước mà như thể xảy ra một cách âm thầm chỉ liên quan đến Bảo Đại. Họ vẫn sống như mọi ngày như thể.không có gì thay đổi.

Phần ông Ngô Đình Diệm như đã nói ở trên, ông Diệm nhận ra rằng, tất cả những nỗ lực của ông nhằm can gián Bảo Đại đều tỏ ra vô vọng. ông yêu cầu Bảo Đại thực hiện những điều mà người Anh đã thừa nhận cho Ấn Độ và
Pakistan
. Một nền tự trị trong khối Liên Hiệp Anh.

Việc thực thi giải pháp Bảo Đại làm ông Diệm cực kỳ thất vọng. Cho nên vào ngày 16 tháng 6 năm 1949, ông Diệm cho phổ biến một bản tuyên cáo trong đó ông phủ nhận Hiệp định Élysée và nhắc lại đòi hỏi căn bản của ông là: một quyền tự trị trên toàn lãnh thổ Việt
Nam
.

Bản tuyên bố của ông Diệm cho thấy ông cắt đứt mọi mối liên hệ hợp tác với Bảo Đại mà cả với Việt Minh.

Như nhận xét sau đây của Trần Thị Liên: “Diệm prit donc ses distances à l’égard de la solution Bao Dai. Les déclarations de Diem dans” l’ Écho du Viet Nam”, reproduit dans le journal “Tinh Thần”, furent l’objet de commentaires sévères du cabinet de Bao Dai qui craignait que les subsides des Francais ne permettent à Diem de développer sa propagande dans les milieux catholiques”. (Trích Trần Thị Liên, như trên trang, 203)

Diệm không chấp nhận giải pháp Bảo Đại. Văn phòng của vua Bảo Đại đưa ra những lời bình luận khá gay gắt nặng nề về những lời tuyên bố trên vì sợ rằng những số tiền viện trợ của Pháp cho phép Diệm tuyên truyền trong giới công giáo.

Bản tuyên bố phản đối Hiệp định Éysée của ông Ngô Đình Diệm đã hẳn khác với nội dung và mục đích của Việt Minh.

Tuy vậy bản tuyên bố đó đã không ảnh hưởng tác hại gì đến “giải pháp Bảo Đại” theo như tác giả Edward Miller đã nhận định trong bài viết: “Viễn kiến, quyền lực và tính chủ động: Con đường lên nắm quyền của Ngô Đình Diệm 1945-1954 (Hoài Phi, Vi Huyền chuyển ngữ, Talawas, 2007).

Theo Edward Miller, hiệu quả thực tế lớn nhất của nó là chấm dứt sự kiên nhẫn của người Pháp lẫn Việt Minh trong việc tìm cách lôi kéo ông Ngô Đình Diệm.

Kết quả là chẳng bao lâu sau, ông buộc phải cân nhắc những chiến lược khác và đi tìm những đồng minh khác. Giải pháp đó là:

Par ailleurs il comptai sur l‘aide Américain pour soumettre l’affaire devant l’ONU pour obtenir l’indépendance. Mais dés juillet 1947, Ngô Đình Diệm dut se rendre à l’évidence que la situation internationale n’aiderait pas à la réalisation de son projet.

(Trích AOM INDO GG CP Suppl. 23: BR n*2106/2 daté du 9/5/1947. Saigon, le 28/05/1947. Activités du Comité de Gérance dans les provinces libérés de l’ Annam, trích lại Trần thị Liên, trang 193).

Đằng khác, ông tính dựa vào sự giúp đỡ của người Pháp để đưa vấn đề độc lập cho Việt
Nam
ở Liên Hiệp Quốc. Nhưng từ tháng 7 năm 1947. Ông Diệm nhìn ra sự thực hiển nhiên là tình hình quốc tế sẽ không giúp ích gì cho ông ta trong việc thực thi chương trình của ông.

Dù gì đi nữa thì vào năm 1954, Ngô Đình Diệm trở thành người của những giải pháp cuối cùng khi không còn giải pháp nào nữa (ultime solution). Như trong lời nhận định của J. Dallos trong La guerre d’Indochine, 1945-1954, Collection Point Seuil, Paris, 19876, trang 211-212 như sau: “Il a montré à la classe politique Parisienne la faiblesse de Bao Dai au sein même des milieux anti-Viet Minh, la constituition d’un clan proaméricain.” Nó chứng tỏ cho thấy giới chính trị ở
Paris về sự yếu kém của Bảo Đại ngay đối với những người cùng chống Việt Minh như ông ta. Và từ nay đã thành hình một phe thân Mỹ.


(Còn tiếp)

© DCVOnline

DCVOnline: (2) Hiệp định Élysée ký kết giữa TT Pháp Vincent Auriol và Bảo Đại ngày 08/03/1949 chỉ có hiệu lực sau khi Nam Kỳ (Republic of Cochinchina, nước Cộng hoà Nam Kỳ - từ 01/06/1946) ) sát nhập vào lại Việt Nam. Tháng Ba 1949, Quốc hội Pháp làm luật tạo ra “quốc hội thuộc địa Nam Kỳ” để biểu quyết “sát nhập” Nam Kỳ vào Việt Nam. Cuối tháng Ba 1949, chính phủ Nam Kỳ đưa thư từ nhiệm cho Bảo Đại, chấm dứt cuộc thử nghiệm chia cắt (để trị - DCVOnline) của d’Argenlieu. (The Indochinese Experience of the French and the Americans, Arthur J. Dommen, Indiana University Press, 2001, trang 188).

Với hiệp định Élysée (Việt Nam “thống nhất và độc lập trong liên hiệp Pháp”) Pháp không trao trả bất cứ quyền kiểm soát nào về quân đội, ngoại giao và cả tài chánh cũng như trì hoãn xếp đặt tất cả những thay đổi ở mọi mặt để Việt Nam tự trị. (The Pentagon Papers, Gravel Edition, Chapter 2, “U.S. Involvement in the Franco-Viet Minh War, 1950-1954”, Boston: Beacon Press, 1971, Section 1, pp. 53-75).

Hiệp định Élysée còn cho Pháp toàn quyền quyết định sử dụng quân đội Việt
Nam
khi có chiến tranh.

Mâu thuẫn của hiệp định Élysée – Việt
Nam
chấp nhận liên hiệp với Pháp trong Liên hiệp Pháp nhưng quy chế tổ chức Liên hiệp Pháp lại do Hiếp pháp của Cộng hoà Pháp đơn phương quyết định. Marie-Thérèse Blanchet, nhân viên ban Luật pháp của quân đội Pháp tại Đông dương, tác giả cuốn La Naissance de l’Etat Associé du Viet-Nam (Paris: Edition M.-Th. Genin, 1954), trang 90-91) viết:

Quy trình sai sót (hiệp định Élysée – DCVOnline) đưa đến việc trong cùng một văn bản vừa xác nhận Việt Nam độc lập và đồng thời đặt để giới hạn của nền độc lập này tạo ra những mơ hồ hỗn độn lớn nhất.

Liên hiệp Pháp không phải là một liên hiệp bình đẳng giữa các quốc gia thành viên nhưng là một liên hiệp dưới quyền lãnh đạo của Tổng thống Pháp. (The Indochinese Experience of the French and the Americans, Arthur J. Dommen, Indiana University Press, 2001, trang 214).
Đến năm 1953, hơn 4 năm sau khi ký kết hiệp định Élysée, trong môt bài báo tên tờ New York Times, 17/07/1953, Tillman Durdin cho hay Thủ Tướng Nguyễn Văn Tâm (chính phủ Bảo Đại), khi nghiên cứu văn bản hiệp định Élysée, đã nhấn mạnh một số đoạn cần thay đổi hay loại bỏ. Một thí dụ, trong phần quy định về chính sách ngoại giao của quốc gia Việt
Nam: “phải được xem xét và điều hợp dưới sự chỉ đạo và trách nhiệm của Chính phủ Cộng hoà Pháp” (examined and cordinated under the direction and responsibility of the Government of the French Republic). Và ngay cả các trưởng phái đoàn ngoại giao tại Việt Nam
phải đồng thời được tổng thống Liên hiệp Pháp chấp nhận. (The Indochinese Experience of the French and the Americans, Arthur J. Dommen, Indiana University Press, 2001, trang 216).

Quốc gia Việt Nam (l’Etat Associé du Viet-Nam, State of Vietnam), vẫn theo hiệp định Élysée, không phải là 1 vương quốc hay 1 nước cộng hoà, không có quốc hội dân cử, không có cả hiến pháp. Đây là ao ước không thành của Bảo Đại – Đến tháng mãi tháng Tư 1953, Bảo Đại vẫn còn đưa bí thư riêng là Trần Văn Tài bí mật sang Pháp nghiên cứu những bản dự ảo hiến pháp (The Indochinese Experience of the French and the Americans, Arthur J. Dommen, Indiana University Press, 2001, trang 217).

Bảo Đại
Nguồn: Getty Images

1953, vấn đề độc lập vẫn còn nằm trên nghị trình chính trị Việt Nam. Để giải thích, Thủ tướng Joseph Daniel, ngày 03/07/1953, nói sự chậm trễ này cần thiết để “hoàn mỹ hoá” nền độc lập và chủ quyền cho Việt Nam. Tổng thống tương lai của Pháp, Francois Mitterrand, đã phản pháo “Từ năm 1949 đến nay chúng ta đã trao trả nền độc lập cho Việt Nam cả thảy 18 lần. Đã đến giờ chúng ta trả độc lập cho Việt Nam một lần nữa và phải là lần chót.”

“Hoàn mỹ hoá độc lập” chỉ là chiến thuật trì hoãn của Pháp, như De Gaulle đã tuyên bố trong cuộc họp báo ngày 17/11/1948, “con đường đúng để áp dụng ở Đông Dương bây giờ là không làm gì cả. Chúng ta phải biết mua thời gian.”

Vì các chính khách có tên tuổi đều tránh né, ngày 11 tháng Giêng, 1954, Bảo Đại đã phải cử hoàng thân Bửu Lộc làm Thủ tướng. Thủ tướng Bửu Lộc cũng chỉ kéo dài được 6 tháng. Ngày 3 tháng Ba 1954, phái đoàn của Bửu Lộc sang Pháp tìm “nền độc lập thật” cho Việt Nam. Đã quá trễ. Trước tình hình Điện Biên Phủ, ông đã ở lại luôn bên Pháp. Bảo Đại cũng thế, đã lên đường tìm “nền độc lập thật” cho Việt Nam ngày 10 tháng Tư và ở luôn tại Pháp. (Trích The Last Emperors of Vietnam: From Tu Duc to Bao Dai, của Oscar Chapuis, nxb Greenwood Publishing Group, 2000).

















Toà Đô Chính Saigon
Nguồn: blogger.com
(3) Theo The Indochinese Experience of the French and the Americans, Arthur J. Dommen, Indiana University Press, 2001, trang 188, cuộc biểu quyết ở quốc hội Nam Kỳ ngày 23 tháng Tư có 55 phiếu thuận trên 63 thành viên có mặt (tổng số là 64).

 

4) Thứ nhất, Cao uỷ Pháp (Leon Pignon – DCVOnline) cự nự không cho dùng dinh Norodom là lý do Bảo Đại lập bản doanh tại Đà Lạt (The Indochinese Experience of the French and the Americans, Arthur J. Dommen, Indiana University Press, 2001, trang 191). Thứ nhì, ngày 14 tháng 6, 1949 buổi lễ đón tiếp Bảo Đại và cũng là dịp để Quốc trưởng Bảo Đại nhấn mạnh những “nét Việt Nam” của hiệp định Élysée đã tổ chức tại Toà Đô chính chứ không phải tại Dinh Norodom – Pháp “lễ phép” không giao lại Dinh Norodom cho Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam. (The Indochinese Experience of the French and the Americans, Arthur J. Dommen, Indiana University Press, 2001, trang 189).