Vấn đề số người Thiên Chúa giáo di cư từ Bắc vào Nam sau Hiệp định Geneva
Có rất nhiều con số khác nhau khi nói vế số người Thiên Chúa giáo di cư.
- Số liệu chính thức của giám mục Phạm Ngọc Chi, người chịu trách nhiệm trực tiếp trông coi khối người Thiên Chúa giáo di cư lấy tên là “Ủy ban hỗ trợ định cư”, văn phòng ủy ban đặt cạnh nhà thờ Huyện Sỹ, đường Bùi Chu, Sài Gòn. Giám mục Phạm Ngọc Chi đã làm phúc trình và chính thức gửi về Bộ truyền giáo La Mã. Theo phúc trình, có tổng số 860.206 người di cư từ miền Bắc vào miền Nam, trong số đó có 676.348 người là giáo dân .
– Tài liệu của cơ quan cứu trợ Mỹ đưa ra như sau: tổng số người di cư: 887.895. Trong đó 85% là Thiên Chúa giáo: 754.710. Phật giáo và tin lành: 15% 133.185.
– Theo Stephen Denney trong bài viết mới đây nhất: Giáo hội công giáo tại Việt Nam, bản dịch do anh Đỗ Hữu Nghiêm chuyển ý, một bài viết với rất nhiều tài liệu dẫn chứng đã cho rằng có khoảng 900.000 người di cư trốn khỏi miền Bắc, trong số đó 700.000 người Thiên Chúa giáo và gồm có 619 linh mục, 5 giám mục và để lại miền Bắc 375 linh mục, 4 giám mục Việt Nam và 2 giám mục ngoại quốc.
– Theo Trần Tam Tỉnh trong Thập Giá và Lưỡi Gươm, trang 113, căn cứ vào thống kê của các giáo phận và của Việt Minh, ông đưa ra một biểu đồ tỉ mỉ và chi tiết về số người Thiên Chúa giáo di cư như sau: Các tỉnh có số người Thiên Chúa giáo chiếm 50% tỉ số dân chúng di cư gồm Bắc Ninh 52%, Phát Diệm 58%, Bùi Chu 60%, Thái Bình 50%, Lạng Sơn 50%, Hải Phòng 51%. Tổng số người Thiên Chúa giáo miền Bắc là 1.390.000 và tổng số người di cư có đạo là 543.500 người cộng với 809 linh mục. Đây là con số người có đạo di cư thấp nhất được đưa ra.
– Theo Piero Gheddo trong cuốn sách Catholiques et Bouddhiste au VietNam, trong phần chú thích, trang 99, ông ghi lại như sau: Theo tài liệu của ông giám đốc của ủy ban di cư thì có: 928.152 người di cư, trong đó có 794.876 là người Thiên Chúa giáo.
– Nhưng theo cơ quan thông tin Thiên Chúa giáo quốc tế, số ra ngày 15/4/1956, trang 17, có 860.206 người di cư, trong số đó có 676.384 người theo đạo.
– J. Buttinger trong Viet Nam, a dragon embattled, London, 1967, trang 900 cho rằng khó có thể có con số chính xác về số người di cư. Vì tài liệu về người di cư đã bị hỏa hoạn trong vụ nổi loạn của Bình Xuyên vào năm 1955. Mặc dầu vậy, ông đã đưa ra con số hơn một triệu người di cư trong đó có vào khoảng trên dưới 200.000 quân nhân. (Con số 200.000 quân nhân là không chính xác.) Thường dân có 706.000 người, dân thuyền chài là 88.000 người, công chức, sinh viên, tiểu thương gia là 133.000. Cộng chung là 927.000. Không cho biết số lượng giáo dân là bao nhiêu.
– Trong một bài viết của bà Đặng Phương Nghi (Bà Đặng Phương Nghi tốt nghiệp trường École des Chartes, cựu Giám đốc nha Văn Khố và thư viện VNCH trước 1975). Dựa vào báo cáo của ủy ban kiểm soát quốc tế cho thấy có 888.124 người di cư (số của Nam Việt) và 892.876 (số của Bắc Việt) so với số 4.269 người bỏ miền Nam ra miền Bắc. Nhưng những con số trên không kể đến binh lính, hoặc những người đã trốn vào Nam sau ngày 20/7/1955. Bà Đặng Phương Nghi cho rằng trong Nam vào đầu năm 1954, có 700.000 người Thiên Chúa giáo, mà toàn quốc có 1.600.000. Trừ 700.000 của miền Nam thì miền Bắc có 900.000 người có đạo. Nếu 700.000 người di cư thì ở miền Bắc chỉ còn lại 200.000 giáo dân.Thế mà tài liệu chính thức của giáo hội miền Bắc vào năm 1964, lập theo từng địa phận sau này cho biết có 833.468 giáo dân. Phần giáo hội miền Nam sau này tăng thêm 700.000 giáo dân thì tổng cộng sẽ là 1.400.000 người. Vậy mà theo ước lượng của giáo hội vào năm 1960, trong Nam chỉ có từ 1 triệu mốt đến 1 triệu hai giáo dân theo Seigliano ghi lại. Như vậy, con số 700.000 ngay cả 600.000 giáo dân di cư vào miền Nam là con số cần được xét lại. Và theo bà Đặng Phương Nghi, con số 700.000 là con số thổi phồng, quá khích. Theo cách tính của bà, con số giáo dân di cư không quá 500.000 như Trần Tam Tỉnh xác nhận và có thể chỉ độ 200.000 người như các cách tính trước đây, tức chỉ tương đương với 25% đến 50% tổng số dân ci cư thay vì 65% như tối thiểu được ghi chung trong các sách. Theo cách tính của bà, con số thích hợp gần đúng nhất chỉ là 238.755 giáo dân mà thôi (Trích Về số người Công giáo di cư từ Bắc vào Nam sau Hiệp định Geneva, Đặng Phương Nghi)
– Mới đây nhất, tác giả Ronald B. Frankum Jr. trong Operation Passage to Freedom khẳng định như sau: Those Vienamese who made the decision to leave their homes in the North for so many reasons. Approximately one-third of the people who fled were Catholics and left as a result of Viet Minh treatment of those who followed the Church. (Trích sách trang 14) Đối với những người Việt Nam đã quyết định dời bỏ nhà cửa của họ ở miền Bắc thì có nhiều lý do khác nhau. Gần như một phần ba những người trốn khỏi miền Bắc là người Thiên Chúa giáo và họ đã ra đi vì lý do cách đối xử của Việt Minh đối với giáo hội của họ. Một phần ba của con số 800.000 ngàn người là trên dưới gần 300.000 người theo đạo.
Cách tính của bà Đặng Phương Nghi có thể là con số gần đúng.
Và tôi nghĩ rằng, cách tính chính xác nhất là căn cứ vào danh sách các người di cư có đạo ở trong các trại di cư là tối ưu. Vì thế nên căn cứ vào số giáo dân nằm rải rác trong các trại di cư lớn như Hố Nai, Gia Kiệm và Cái Sắn. Chẳng hạn ở các trại định cư Cái Sắn, một trong những chương trình định cư lớn nhất, trù liệu là 120.000 dân, trong đó có 20.000 dân địa phương cho thấy số giáo dân thực sự ở đây là 50.000 người và dự tính có thể thêm vài chục ngàn. Nhưng thực sự các lô đất được chia làm nhà ở là 8086 lô. Giả dụ mỗi gia đình trung bình là 6 người thì mới đạt con số 50.000 dân di cư. Hố Nai và vùng phụ cận trù liệu 5, 6 chục ngàn người. Nhưng con số lúc đầu chỉ là 41 ngàn. Và theo bảng dự tính số người định cư của Mỹ trù liệu thì Biên Hòa là 100.000 người, Xuân Lộc là 200.000 người, trong đó có nhiều người theo đạo ông bà và đạo Phật. Người ta sẽ thấy số giáo dân không thể quá 300.000 người được.
Nhưng nay nếu chúng ta căn cứ vào những con số của Hải quân Mỹ đưa ra có phần chính xác hơn cả thì đã hẳn con số người Thiên Chúa giáo di cư lại một lần nữa cần phải được xét lại. Theo Ronald B. FranKum, Jr. trong Operation Passage to Freedom thì: người Pháp đã chở bằng máy bay và tầu chiến tất cả là 448.619 người di cư vào miền Nam. Tầu chiến Mỹ nhận chuyên chở phần còn lại là: 310.848, với 41.378 nguời đi tự túc. Và cộng chung hai con số của người Pháp và Mỹ, ta có 800.786 người di cư. Nhưng nếu trừ ra số quân nhân Pháp Việt và thường dân Pháp cộng chung là 200.000 người. Lấy 800.786 người di cư trừ số thường dân Pháp và quân nhân, chúng ta vỏn vẹn còn 600.000 người di cư. Vậy mà phần lớn các tài liệu dẫn chứng ở trên đều cho thấy số giáo dân di cư là khoảng 700.000 người. Nếu chấp nhận con số người di cư của Hải quân Hoa Kỳ đưa ra thì con số giáo dân di cư không thể quá con số 300.000 người được.
Ngoài các trại di cư lớn mà con số lên đến vài chục ngàn người... Các trại còn lại hơn trăm trại lẫn lộn các tôn giáo cũng có, mỗi trại từ 2000 người đến 5, 6 ngàn người là nhiều rồi.
Vì vậy, căn cứ vào số người Thiên Chúa giáo định cư tại các trại thì con số khoảng chừng 300.000 là con số tương đối xác thực nhất.
Cho dù không làm cách nào đạt được một con số thật chính xác và khả dĩ được mọi người được chấp nhận thì cái tiếng là đa số người di cư theo đạo công giáo cũng là một điều đáng suy nghĩ rồi.
Và đứng về mặt ý thức hệ thì hệ số tôn giáo thật sự không mấy quan trọng trong tầm nhìn lịch sử trong việc đấu tranh loại trừ cộng sản ra khỏi con đường mà Việt Nam đang phải đi tới sau này.
Di cư vào được miền Nam đã là một kỳ công đối với mỗi người di cư. Nhưng vấn đề trước mắt là làm sao ổn định được đời sống, bảo đảm tương lai cho chính mình và con cái mình.
Tương lai đang chờ đón những người mới tới ở giai đoạn định cư sau đây: Đã có quyết tâm ra đi, người di cư miền Bắc còn có quyết tâm xây dựng một đời sống mới ngay từ những ngày khởi đầu định cư. Nhờ đó sau này con số chưa tới một triệu người di cư đã làm thay đổi bộ mặt dân miền Nam về mọi phương diện: từ văn hóa đến giáo dục, xã hội và kinh tế và quân đội. Ở mặt nào, hình như họ cũng có phần trổi bật lên và điều đó có tác dụng thúc đẩy người dân miền Nam nói chung cùng tiến lên trong bối cảnh đối đầu Nam Bắc. Nhưng đã hẳn cũng có những mâu thuẫn, những clash về dị biệt đời sống không tránh khỏi.
Giai đoạn định cư
Có lẽ đây là giai đoạn chính có sự trực tiếp chỉ đạo của chính phủ VNCH mà cả người Pháp hay người Mỹ đều không thể trực tiếp nhúng tay vào.
Ngày 04/08/1954 là ngày quyết định thiết lập một cầu hàng không chở người di cư từ miền Bắc vào miền Nam mà tổng số là đã có hơn 200.000 được không vận từ Bắc vào Nam. Con số thật không nhỏ.
Tiếp theo sau đó, ngày 09/08/1954, chính quyền miền Nam do thủ tướng Ngô Đình Diệm cầm đầu đã cho thiết lập một phủ Tổng Ủy di cư, phụ trách giúp đồng bào tỵ nạn theo NĐ 111TTP-VP.
Ông Nguyễn Văn Thoại làm Tổng Ủy trưởng di cư, phụ tá là kỹ sư Đinh Quang Chiêu. Mỗi ngày có khoảng 50-70 chuyến bay từ miền Bắc vào miền Nam, đem theo khoảng 1500 dân di cư mỗi ngày.
Đấy là cầu không vận lớn nhất chưa từng có để chở người di cư từ miền Bắc vào miền Nam.
Ngày 17/08/1954, có buổi họp giữa ông Thoại và các viên chức Pháp và Mỹ. Về phía Pháp có tướng Ely, Jean Gambiez (cố vấn cho ông Nguyễn Văn Thoại). Về phía Mỹ có tướng O’Daniel và đô đốc Sabin, thông qua cơ quan MAAG và STEM. Đại tướng O’Daniel đã chỉ định đại tá Rolland Hamelin, đại diện ông để làm việc với Hải quân Mỹ.
Kết quả là phía người Pháp cung cấp 30 xe vận tải để chở người di cư từ bến tầu đến các trại tạm trú. Phía chính quyền Việt Nam cung cấp 100 xe vận tải trong việc chuyên chở này. (Trích OPTF, trang 97)
Những người di cư đầu tiên được chở đến các trại tiếp cư rải rác khắp Sài Gòn. Có 10 trung tâm tiếp cư chính là: Phú Thọ, Xuân Trường (Thủ Đức), Nhị Thiên Đường, Bình Đông 1, Bình Đông 2, Bình Đông 3, Bảo Hưng Thái, Rạch Rừa, Bình Trị Đông và Bình Thới. Ngoài ra còn có những trung tâm tiếp cư lẻ tẻ như Bệnh viện Bình Dân, Nhà Kiếng, Tân Sơn Nhất, Dạ Lữ Viện, Rạch Dừa và các trường học ở Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định, Thủ Đầu Một hay ở Gò Vấp như các trường Tôn Thọ Tường, Nguyễn Tấn Nghiệm, Pétrus Ký, Cây- Gỗ lớn, Cây-Gỗ nhỏ, Đỗ Hữu Phương, Phú Thọ, Đakao, Khánh Hội và các trạm cứu hỏa đường Trần Hưng Đạo, tỉnh Gia Định và trại tiếp cư Hòa Khánh ở Chợ Lớn v.v… Các thành phần như sinh viên, học sinh, nhất là phái nữ thì được ưu tiên tạm trú tại trường Gia Long, trường Petrus Ký và 2000 người tạm trú tại các trường học ở Gia Định vì lúc đó các trường đang nghỉ hè.
Nhân dịp này, nhắc lại các nữ sinh, hoặc nữ sinh viên nào có dịp đến tạm trú ở trường Gia Long nhớ cho rằng đã có sự cứu trợ của cơ quan The Intertionnal Rescue Committee đến giúp quý bà cho những nhu cầu thiết yếu (in the form of living essentials) như tặng quạt máy, đèn bàn học, thuốc diệt sâu bọ, bàn ủi, quần áo và xà bông, v.v… Chưa kể mở các lớp huấn nghệ xã hội như về sản khoa, chăm sóc trẻ con v.v. (trích tài liệu International Assistance to Refugees, The Junior Chambre International. J.C.I or JAYCEE).
Chắc nhiều người di cư không quên được những ngày đầu tiên ở trại di cư Phú Thọ.
Những ngày đầu tiên ở trại (lều) tạm cư Nguồn: National Geographic, số tháng Sáu, 1955
Xin để vài dòng hồi ức lại trại tạm cư này. Trại di cư Phú Thọ còn được gọi là Phú Thọ “lều”, vì ở trong các lều. Các lều này được chuyên chở từ Nhật về trong các kho dự trữ của chính phủ Mỹ ngày 31/07/1954. Đợt đầu tiên là 2000 căn lều bạt đã tới Sài Gòn và trù liệu chỗ trú ẩn cho 40.000 dân di cư. Tức khoảng 4 gia đình với trung bình 4 người trong một nhà lều.
Phủ Tổng Uỷ di cư đã phải cử về đây hằng trăm nhân viên để phục vụ đồng bào mà trung bình có hai ba ngàn người mỗi ngày được chở đi định cư. Nhưng ngay tức khắc có hai ba ngàn người khác được gửi tới.
Trại tiếp cư Phú Thọ lều cũng như trại Tân Sơn Nhất là một trong vài trại đông đảo và tấp nập nhất người đến kẻ đi.
Trại Phú Thọ bao gồm trung bình khoảng 16 ngàn dân di cư và 28 ngàn quân nhân. Trại di cư Phú Thọ là một trong những trại di cư kiểu mẫu, tổ chức quy củ, sạch sẽ. Ai xả rác hoặc ở dơ dáy thì bị phạt. Trại được tổ chức có các cửa hàng cắt tóc, tiệm thợ may, tiệm thuốc tây, tiệm bán guốc, tiệm bán các đồ câu cá, tiệm bán nước giải khát... Dân trong trại chỉ phàn nàn, vì họ chưa có một nhà nguyện, vì phần đông đều là người theo đạo. Sau này, trại di cư Phú Thọ trở thành kiểu mẫu cho các trại tạm cư.
Chẳng biết đã có ai còn nhớ một câu viết bằng phấn trên mặt vải một lều tị nạn một câu như sau: “Dân Sài Gòn hân hoan chào mừng những người anh em miền Bắc”.
Ngày 21/08/1954, giáo sư Ngô Ngọc Đối, Tổng ủy trưởng Tổng Ủy di cư, bằng mọi cách giải quyết trường hợp các người di cư tạm trú trong các trường và làm thế nào đến hạn chót là 30 tháng 09, phải trả lại các trường học cho dịp khai trường đầu niên học.
Chi phí dự trù cho việc tiếp cư này là 1.500.000.000, một tỷ rưỡi tiền Việt Nam trong đó có các chi phí như tiền ăn uống trong 3 tháng cho mỗi người di cư, 12 đồng/một người, 367.000.000. Chi phí cho việc xây cất một trăm ngàn căn nhà, với giá 6000 đồng/căn, 600.000.000. Có lẽ, đây là chi phí tốn kém nhất. Chi phí cho việc mua dụng cụ làm đồng như dạo liềm, cuốc v.v... với số tiền 377.800.000 đồng. (Trích OPTF, trang 29)
Ngày 4/12/1954, một lần nữa, giáo sư Ngô Ngọc Đối từ chức Tổng ủy trưởng Tổng Ủy di cư và bác sĩ thú y Phạm Văn Huyến lên thay. Ông phụ tá Bùi Văn Lương thay chỗ phụ tá Tổng ủy trưởng Tổng Ủy di cư do bác sĩ Nguyễn Lưu Viên đảm nhiệm.
Số người di cư vào Nam cần định cư
Theo tài liệu chính thức của phủ Tổng Ủy di cư thì tính đến ngày 30/10/1955 có tất cả là 887.890 người đã được di cư vào miền Nam. Trong đó cần định cư 596.031 người. Còn lại 140.000 sống rải rác khắp nơi và 125.393 là gia đình các quân nhân. Để định cư con số hơn nửa triệu người thì chính quyền đã cho thiết lập được 156 trại ở Nam Phần, 65 trại ở Trung Phần và 34 trại ở vùng Cao Nguyên. Cứ giả dụ mỗi trại định cư có số trung bình là 2000 người, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy sẽ có nửa triệu người được định cư trong các chương trình tái định cư của chính phủ.
Hơn nửa triệu người cần được tái định cư, phải lo cho họ có nơi ăn chốn ở, có công ăn việc làm tự túc, có trường học cho trẻ em, có trạm y tế cho người ốm đau và nhất là nơi thờ phượng tôn giáo. Ở chỗ nào có dân di cư thì ở đấy có chùa chiền, nhà thờ có mái chuông nhà thờ, thánh giá có mặt. Nhất là các khu di cư công giáo. Mỗi xứ là một nhà thờ. Nhà thờ nhan nhản khi chúng ta có dịp đi qua các khu Hố Nai, Gia Kiệm.
Niềm tin mọc lên như nấm.
Kể ra lối tuyên truyền Chúa (trong lòng người di cư) vào Nam cũng có phần sự thật.
Cái tín ngưỡng ấy, cái niềm tin ấy, thuần chất và đầy sức mạnh bên trong với hình ảnh của một thanh niên có đạo, sau chuyến vượt thoát gian nan và mệt nhọc, anh nằm lăn ra đất ở trại tiếp cư ngủ mê man, nhưng trên tay, anh không quên nắm chặt cây thánh giá để trước ngực.
Cái hình ảnh ấy của người thanh niên hay hình ảnh những người dân quê, nét mặt khô cằn, chắp tay nguyện cầu vẫn ánh lên một ánh mắt hy vọng và cương quyết.
Đó là những hình ảnh tiêu biểu của cuộc di cư này.
Nó không mang theo tiền bạc của cải, nhưng một niềm tin, một sức mạnh tinh thần, một quyết tâm vững bền không gì lay chuyển nổi.
Vậy mà nay đã có thể phai nhạt và chỉ còn là hình ảnh vang bóng một thời của thời kỳ đã qua không trở lại.
Nay còn đâu và còn gì? Hoài niệm và nuối tiếc. Điều gì đã cướp đi tất cả những tình cảm tôn giáo tốt đẹp ấy? Phải chăng con người bị bứng ra khỏi gốc rễ thì sẽ không còn là con người khi trước nữa? Và một lần nữa sau 1975, con người miền Nam bị bật gốc và lần này thì chúng ta tự chôn, tự xóa tất cả những gì còn lại mang theo vào đời cách đây 5, 6 chục năm.
Những địa điểm được chọn lựa để tái định cư. (Resettlement)
Có rất nhiều trại định cư đã thành công, đã trở thành nơi ăn chốn ở vĩnh viễn cho người di cư
Miền Nam đúng là miền đất hứa. Chỗ nào cũng có thể dung nạp người di cư. Biên Hòa hứa hẹn cho 100.000 người di cư, Thủ Đầu Một 25 ngàn, Bà Rịa cũng có khả năng cho 100.00 ngàn người. Riêng thị xã Vũng Tàu chỉ có thể dùng làm trại tiếp cư thôi. Nhưng dọc con đường cách Vũng Tàu độ 10 km sau này có nhiều trại dành cho dân thuyền chài như Rạch Dừa v.v. Long Xuyên 15 ngàn người. Tây Ninh qua hội thánh Cao Đài tin tưởng có thể dung nạp 100.000 người. Cần Thơ dành 25 ngàn mẫu đất cho người di cư. Chưa kể các tỉnh nhỏ như Bạc Liêu, Trà Vinh, nhất là Rạch Giá.
Trong bấy nhiêu tỉnh, Biên Hòa hứa hẹn nhiều nhất và là một trong những trung tâm định cư lớn với khả năng 100.000 ngàn dân di cư. Mặc dầu đất canh tác không nhiều và không thuận lợn cho nông nghiệp. Ngay đợt di cư đầu tiên, Biên Hòa đã tràn ngập với khoảng 30 chục ngàn dân đến định cư.
Cho đến cuối tháng 10/1954 đã có 135.000 dân di cư được đi định cư tại 37 trại định cư mới được thành lập ở 11 tỉnh phía Nam và khoảng 70.000 dân di cư được định cư tại Trung Phần như Huế 27.000 người, Đà Nẵng 11.000 người, Khánh Hòa, NhaTrang 11.397 người, Quảng Trị 7564 người. (Trích OPTF, trang 150) Sau này, tôi đi tìm mỏi mắt cũng không thấy một trại định cư nào nằm trong thành phố Huế.
Chi phí cho mỗi đầu người di cư
Cơ quan STEM ước định, để có thể cung cấp đầy đủ cho người di cư cho đến khi họ tự túc được thì số tiền tài trợ phải bỏ ra là ở phía Nam là: 1.205.000.000 tỉ đồng. Chưa kể khoảng một tỉ đồng cho các tỉnh miền Trung. (Trích tóm lược trong OPTF, trang 149)
Ngày 02/02/1955, Hoa Kỳ đã hoàn tất chương trình viện trợ để ổn định 500.000 người di cư. Ngày 28/2/1955, Hoa Kỳ tháo khoán 18 triệu Mỹ Kim giao trực tiếp cho Việt Nam mà không qua tay Pháp.
Ngày 1/7/1955, ngân khoản mà Hoa Kỳ đã trợ cấp cho người di cư là 1 tỉ 58 triệu. Trong đó có 480 triệu để trợ cấp định cư, 300 triệu để trợ cấp cho người định cư làm nhà. Ngày 1/7/1955, đại sứ Mỹ Rheinarat trao cho Thủ tướng Ngô Định Diệm ngân phiếu 11 triệu Mỹ Kim của dân chúng Hoa Kỳ tặng cho người di cư. Không quên là trước đó tháng 12/1954, tướng Lawton Collins đã trao một chi phiếu 28.571.428 triệu Mỹ Kim. (Trích Bình Giả, quê Hai, Đình Quang)
Cũng cần ghi nhận là những số tiền lớn như thế đã được trao cho Thủ tướng Ngô Đình Diệm, sau đó được phân phối cho các trại tị nạn về phân phối lại. Cho đến nay, ít có dư luận đồn thổi về vấn đề tham nhũng về những khoản chi tiêu này, ngay ở các cấp dịa phương cũng không mấy có dư luận không tốt về các cấp lãnh đạo tôn giáo đạo cũng như đời.
Đó là một điểm son cho việc định cư gần một triệu người tỵ nạn. Vâng đó là một điểm son.
Khi tới trại tạm cư, mỗi người được trợ cấp 12 đồng/ngày cho người lớn và 6 đồng/ ngày cho trẻ em.
Nhưng bắt đầu từ 11/3/1955 thì ngay khi tầu cập bến được cấp 800 đồng mỗi người, cấp một lần một và sau đó được đưa tới các trại định cư. Khi tới trại định cư được cấp 3.000 đồng để tự túc dựng lấy một căn nhà, chia làm ba kỳ để mua vật liệu cất nhà như tre, nứa. Chưa kể được cấp phát giường chiếu, chăn mùng, cấp phát dụng cụ làm ruộng, hạt giống, phân hóa học để mưu sinh. (Tài liệu Phủ Tổng Ủy di cư, trích lại trong Bình Giả, quê Hai, tác giả Đình Quang).
Bên cạnh đó, có nhiều cơ quan từ thiện như CARE cung cấp 25 ngàn thùng quần áo, giầy dép v.v. Công việc này xét ra không thực tế, vì quần áo thường quá rộng, mầu sắc sặc sỡ, áo phần lớn quần áo ấm dành cho mùa đông, giày dép quá khổ như những chiếc thuyền... Khi được phân phối đến tay mỗi gia đình đã gây những trận cười bể bụng cho người tị nạn.
Cơ quan xã hội công giáo Hoa Kỳ, The National Catholic Welfare Conference (NCWC) với 400.000 cân (Anh) sữa bột và sau đó còn gửi thêm một số lượng khổng lồ là 1.000.000 pounds sữa bột, 900.000 pounds dầu ăn, bơ và phó mát. Thật là một phí phạm vì có nhiều gia đình không ăn quen sữa bột đã dùng cho heo ăn. Cho đến năm 1960, khi còn là sinh viên nghèo, tôi còn mua được những thùng mỡ Shortening ( dùng thay bơ, ăn với bánh mì mỗi buổi sáng.
Bên cạnh cơ quan xã hội công giáo Hoa Kỳ, còn có cơ quan The Catholic Relief Service đã cứu trợ 1.100 tấn quần áo và thuốc men. 50 máy may và trường học dạy may, giúp xây cất 69 nhà thờ, giúp xây dựng 81 Hợp tác xã, giúp xây một nhà thương ở Biên Hòa với 250 giường bệnh, giúp xây dựng các trại mồ côi ở ở Thủ Đức, Gò Vấp, Ban Mê Thuột, giúp xây dựng nhà thương cho người cùi ỏ Di Linh, giúp xây dựng 4 nhà máy làm gạch ở Phước Lý, Biên Hòa, Tây Ninh và Đà Lạt.
Phải kể thêm các cơ quan thiện nguyện khác như The Phiippine Jaycees, UNICEFF, Rotary club và Jaycee, The American Women Association, Operation Brotherhood, Hội cứu trợ công giáo Pháp và Đức do giám mục Rhodain và Daniels đại diện v.v… (trích tài liệu International Assistance To Refugees)
Rất nhiều bàn tay đã dơ ra để giúp đỡ người di cư trong lúc đầu đến lập nghiệp ở miền Nam.
Về một vài trại định cư tiêu biểu
Thật ra có rất nhiều trại định cư đã thành công, đã trở thành nơi ăn chốn ở vĩnh viễn cho người di cư như các trại ở Di Linh, Bến Tre, Xuân Lộc, Ban Mê Thuột, Đà Lạt và Biên Hòa. Sự thành công đó phần lớn dựa vào đất đai trồng trọt, đất tốt, mầu mỡ có thể làm ruộng hoặc trồng rau hoặc trồng cây ăn trái, trồng cây kỹ nghệ như cà phê xen lẫn đậu phọng ở Ban Mê Thuột, trồng cây sợi Ki-náp, trồng cây bông vải, nuôi bò tại Quảng Nhiêu …
Trừ trường hợp ở Biên Hòa, diện tích trồng trọt thu hẹp lại không phải đất để canh tác. Dân di cư tụ về đông chỉ vì mấy linh mục họ đạo Biên Hòa cũng như ông đầu tỉnh Biên Hòa sẵn sàng dành 55 ngàn mẫu tây đất làm trạm dừng chân cho người di cư. Thế là giám mục Phạm Ngọc Chi, phụ trách người di cư cùng với Đức ông Harnett, phụ trách cơ quan xã hội Thiên Chúa giáo Hoa Kỳ ghé thăm Biên Hòa. Mảnh đất ấy gần một con sông rộng và nằm cạnh một rừng tre vốn xưa là vùng đất của Việt Minh. Diện tích rộng đến có thể chứa được 25 ngàn gia đình, nghĩa là khoảng trên dưới 100.000 dân tị nạn.
Sự tụ tập đông đảo dân di cư bắt đầu chỉ là như vậy. Dù không thuận lợi cho việc trồng trọt, nhưng nó có thuận lợi khác như gần trung tâm Sài Gòn, con cái có chỗ ăn học đàng hoàng, thanh niên có thể kiếm công ăn việc làm ở Sài Gòn hoặc ngay tại Biên Hòa, vì có căn cứ quân đoàn III ở đó. Sau này lại có thêm căn cứ Long Bình của Mỹ.
An ninh rất là tốt mà người ta bàn tán đến một “vòng đai chiến lược” của các trại định cư như Hố Nai, Dốc Mơ, Gia Kiệm. Dốc Mơ là nơi tập trung rất nhiều dân cư Phát Diệm, cách Sài Gòn 40 dặm mà chỗ nào cũng là rừng tre mọc khắp nơi. Tre sẵn đó để người di cư làm nhà. Cứ mỗi ngày có thêm 100 căn nhà mới được dựng lên. Và chỉ trong hai tháng thôi, đã có một trường tiểu học và một ngôi chợ mọc lên.
Dốc Mơ: cứ mỗi ngày có thêm 100 căn nhà mới được dựng lên. Nguồn: National Geographic, số tháng Sáu, 1955 (trang 872
Chỉ sau hai tuần lễ đã có người được vào ở trong những căn nhà mới cất xong và cứ như thế, hằng 2, 3 ngàn người chờ đến lượt mình có nhà ở.
Ai cũng đến lượt và ai cũng sẽ có một chỗ cư trú chờ đón một cuộc đời mới mà khi bước lên tầu há mồm có thể họ đã không mường tượng ra được.
Cứ như một phép lạ Ai Cập, chỉ thiếu một ông Moi Sen cầm gậy chỉ huy lên đường. Có thể có một ông Moi Sen, nhưng người đời đã mau chóng quên lãng ông. Cho dù có thiếu một ông Moi Sen đi nữa, nhưng lại có nhiều những ông Trùm, ông Quản, ông Chánh Trương, ông Lý nay đứng ra lo việc làng xứ.
Cứ như thế mà lớn lên. Cả một “làn sóng di cư” chạy cộng sản lớn lên cùng với đất nước miền Nam. Miền đất hứa, rộng lượng và khoan dung.
Tương lai như mời mọc chờ đón. Tôi nghĩ rằng, nay những người di cư đó, có thể có người đã không còn nữa, có người đã phải chống gậy, ngồi nghĩ lại đời mình... thì đấy là thời đẹp nhất đời.
Tôi viết bài này cho họ và cho tôi.
Đi đến đâu, dù là ở vùng đất mới này, dù chưa được ổn định, chân ướt chân ráo, dù chưa lo kịp vấn đề cơm áo, họ đã nghĩ ngay đến việc phải có trường học cho con em họ.
Lo cho tương lai trước đã rồi mọi việc tính sau. Thật đáng quý.
Mà phải là một trường học đàng hoàng, khang trang và xây cất vững chãi. Cơ quan FOA đã gửi sang những máy làm gạch để ngày đêm dân di cư sản xuất lấy gạch xây trường học. Cho nên, không lạ gì và không ở đâu, ở bất cứ tỉnh nào mà việc học Trung học ở các lớp thi tú tài 1 và 2 nhiều như ở Biên Hòa và vùng Hố Nai, Gia Kiệm, Dốc Mơ. Chỉ riêng trường tư thục Khiết Tâm của linh mục Yến có đến 8 lớp đệ nhất mà phần không nhỏ học sinh là con cái các gia đình túa ra từ các trại định cư. Các trường tư nhỏ khác cũng có một vài lớp đệ nhất như thế.
Về những thành tích đáng kể về mở mang trường học ở những năm đầu chế độ đệ nhất công hòa. Xin đưa ra một vài con số tiêu biểu.
– Về tiểu học: Năm 1954, toàn quốc chỉ có 1598 trường với 7000 lớp học. Năm1959-1960, ta có 4418 trường với 29.000 lớp học và 1.001.757 học sinh. Như vậy trong khoảng 6 năm, ta xây cất thêm 2820 trường với 13.100 lớp học.
– Về trung học: Năm 1954, trong toàn các tỉnh phía Nam, ta chỉ có 29 trường trung học với 20.999 học sinh. Đến năm 1960, đã có 69 trường với 62.130 học sinh. (Trích Hồ Đắc Huân, 6 năm hoạt động của chính phủ, từ 651-655)
– Có thể nói đến một sự “ bùng nổ” về giáo dục với 2379 giáo sư Trung Học và hơn 20 chục ngàn giáo viên tiểu học. Sau đó mười mấy năm dài, chúng ta không còn thấy những điều như thế nữa.
Phần tôi, nghĩ đến điều này, nghĩ đến hàng hàng lớp lớp thanh niên trẻ, hàng vạn người, không hơn thế nữa đã đi qua đời tôi mà tôi đã mời mọc họ vào ngôi trường của Socrate. Và sáng nay, vừa thức dậy, tôi nhận được một thư nhỏ từ một người thân thương nhất trong đám họ nhắc lại một đoạn trong bài 20 năm tuổi trẻ miền Nam của tôi. Tôi đã viết như thế này, “Tôi đã không biết bao lần quên lối về bởi chiếc áo dài con gái NhaTrang, Huế, Biên Hòa, Sài Gòn để rồi hôm sau vào lớp nhìn em ngại ngần”.
Sau trường học, sau chợ, một chẩn y viện là đến nhà thờ. Ba cái nền đó làm nên cái khung hình người tị nạn Thiên Chúa giáo. Trường học giải quyết vấn đề kiến thức, chợ cho nhu cầu giao thương, buôn bán và nhà thờ cho nhu cầu tâm linh.
Chỉ còn thiếu một điều: Nghĩa địa cho người chết. Nhưng đã hẳn là thể nào cũng phải có.
Trường hợp trại di cư ở Củ Chi
Dù chưa lo kịp vấn đề cơm áo, họ đã nghĩ ngay đến việc phải có trường học cho con em họ. Nguồn: National Geographic, số tháng Sáu, 1955
Nhưng có một vài trại đinh cư như các trại ở Củ Chi mà con số người di cư lúc đầu lên đến 6, 7 ngàn người. Trại này do người Pháp đỡ đầu, được hưởng nhiều quyền lợi từ hai phía, từ chính quyền đến người Pháp giúp ủi đất, dựng nền nhà, đào giếng, xây dựng trường học, nhà thương, nhà thờ do tiền quyên được của nhật báo Le Figaro ở bên Paris tài trợ. Từng dãy nhà nền đắp cao, tươm tất, ngay hàng thẳng lối, chia ra khu một, khu hai, khu ba, khu bốn và khu năm. Những trại thiếu cầy trồng, thiếu cây trái, thiếu vườn tược như vùng đất hoang dại. Cỏ chỉ mọc lởm chởm vì nền đất cứng như xi măng với một mầu trắng xóa. Nhà thờ được xây cất bằng gạch đâu ra đấy. Mái lợp tôn. Trường học có đến cả các lớp bậc trung học mà từ trước đến giờ dân địa phương không hề có. Con cái các gia đình địa phương muốn đi học không còn cách nào khác ngoài đạp xe đến trại định cư ghi tên học. Chắc không khỏi có nỗi bất bình. Nhưng nào phải lỗi của chính quyền. Tình thế nó tạo ra như thế.
Vậy mà sau này trại mỗi ngày mỗi ít người đi, vì nhiều người đi tìm chỗ lập nghiệp khác. Vì là vùng đất phèn, nước đục lờ nhờ. Đào giếng độ nửa mét sâu là đụng đất đỏ với đá đỏ. Ai đã chọn vùng đất này đã không nghĩ tới điều đó. Dân di cư chỉ có thể trồng khoai mì, hay củ sắn và trồng mía. Người ta không thể chỉ ăn khoai mì mà sống được.
Họ đành bỏ mà đi chỗ khác.
Củ Chi chỉ là một trường hợp. Bởi vì sau này có một số trại định cư đã bị giải tán và đưa người di cư đi nơi khác. Đó là các trại Vĩnh Phát, Trà Cổ, Xuân Ninh, Cầu Vang, Gò Chai, Rạch Rẽ, Lương Hòa Trung, Lương Hòa Thượng, Vĩnh Phát, Du Sinh, Cầu Đất v.v…
Trường hợp trại di cư Bình Giả
Trại Bình Giả là do người di cư Thiên Chúa giáo địa phận Vinh mà tổng số hiện nay là trên 10.000 người di cư vào Nam đến đó lập nghiệp. Miền đất Đông Nam bộ đã gắn liền với số phận của hơn 10 ngàn giáo dân Nghệ Tĩnh từ khắp nơi đổ về. Nó có tất cả các yếu tố để trở thành một trại kiểu mẫu lý tưởng về tổ chức, về nếp sống đạo, về tinh thần đoàn kết, đùm bọc, về tổ chức giáo xứ với đầy đủ các hội đoàn, các ban ngành, được sắp đặt, bầu cử quy mô và chặt chẽ.
Cả một truyền thống sống đạo hăng say và nhiệt thành đem theo. Người dân có đạo vùng Thanh Nghệ Tĩnh theo đạo là theo lấy được, sống trọn vẹn. Thời hạn 300 ngày sắp hết mà dân chúng trong vùng bị cộng sản che đậy vẫn không hay biết gì. Đến khi biết được thì dấy lên phong trào đòi di cư vào Nam, rồi cộng sản phải nhượng bộ. Thế là đồng bào gồng gánh, thuê xe cộ để vượt qua cầu Bến Hải, vĩ tuyến 17 vào Nam.
Sống trong bầu khí đạo hạnh ấy thì không ở đâu hơn được.
Nếp nhà, nếp đạo vẫn y như cũ.
Nhưng mặc dầu nó tồn tại cho đến 1975 và sau này. Đã hẳn, người dân trong giáo xứ phải sống chật vật lắm mà chỉ vì yêu quý nhau cùng một cội nguồn mà nhiều người cứ nấn ná ở lại.
Việc chọn lựa địa điểm định cư này gồm những nhân vật nổi tiếng như Phó Tổng Ủy trưởng, ông Mai Văn Hàm, ban đại diện di cư Vinh: các linh mục Khai, Đông, Kiệu, ban đại diện giáo dân như: các ông Đinh Thế Lựu, Nguyễn Báu, Nguyễn Xuân Hiền, Nguyễn Trọng Hiếu, Nguyễn Trọng Thanh và Hoàng Công Phu.
Các đại diện dân chúng đã đi thăm Ban Mê Thuột và một số nơi, nhưng không ưng chỗ nào cả và họ quyết định chọn Bình Giả.
Trong khi đó, những đồng bào Thanh Nghệ Tĩnh may mắn hơn đã chọn Ban Mê Thuột, vì đó là nơi đắc địa. Khí hậu và đất đai cho cây trồng thì không ở đâu tốt hơn được.
Khi chọn Bình Giả thì cũng nhờ các chuyên viên về thử mẫu đất, chuyên viên về đo đạc, lập họa đồ cẩn thận lắm.
Nhưng Bình Giả vốn là vùng đất dữ, hoang dã, khí hậu khắc nghiệt sinh ra lắm bệnh thời khí như thương hàn, sốt rét, kiết lỵ, tử phúc trung (con chết trong bụng mẹ). Dĩ nhiên, bấy giờ người ta biết rằng những bệnh như thế chưa chắc đã do khí hậu mà sinh ra. Và vì vậy, nhiều người đã dời đi nơi khác và trại nào cũng có người bỏ đi. Nhất là sau 1963, Bình Giả phải đối đầu trực diện với cộng sản, nhiều gia đình có điều kiện một lần nữa bỏ ra đi…
Bình Giả là một tấm gương sáng của người di cư từ Bắc vào Nam. Nhưng cũng là nơi mà số phận đã dành cho quá nhiều cay nghiệt. (Trích Bình Giả, Quê Hai của tác giả Đình Quang)
Trại định cư tiêu biểu: Cái Sắn
Cái Sắn hội đủ các điều kiện về đất đai phì nhiêu, lý tưởng của một trại định cư kiểu mẫu và trù phú.Thủ tướng Ngô Đình Diệm gọi vùng đất này là để “dành cho con người, để nối liền Long Xuyên với Rạch Giá và qua Rạch Giá, mảnh đất đem lại yên hàn và trật tự cho vùng này”.
Còn đối với người Mỹ thì như nhận xét sau đây trong Passing the Torch: “Cái Sắn was hailed by the US as a symbol of South Viet Nam‘s determination to shelter people who linked their future with that of the free government”. (Trích Passing the Torch, trang 141) Cái Sắn được chính quyền Mỹ chào đón như biểu tượng về lòng quyết tâm của miền Nam Việt Nam để che chở những ai đặt tương lai của họ vào tương lai của một chính quyền tự do”.
Nha định cư đã đưa tất cả 42.145 đồng bào tới định cư ở Cái Sắn, gồm 15 trại định cư và 8325 căn nhà.
Giải đất hình chữ nhật, rộng đến 270.000 ngàn mẫu tây, chiều dài kênh Cái Sắn là 25 dặm, chiều ngang 16 dặm, được tưới tiêu bằng con kênh Rạch Sỏi, chạy dọc theo trại và đổ ra dòng sông Bassac. Kênh đó nay được gọi là kênh Cái Sắn, một trong những vùng đất lý tưởng nhất cho việc định cư. Phía Bắc có 14 con kênh đào, phía Nam có 3 kênh. Thêm vào đó là 13 kênh nhỏ với chiều dài tổng cộng là 159 cây số. Những con kênh này, bề ngang rộng 6 mét và sâu 4 mét, chiều sâu ở giữa kênh và bờ kênh thì sâu 1 mét 50. Bên mỗi bờ kênh, sâu vào 20 mét là những căn nhà ở của dân chúng. Đất đào ở các con kênh thì dùng để đắp nền nhà. Việc đào kênh đều làm bằng tay mà trung bình một người đào được khoảng 7mét khối/một ngày.
Các kênh được gọi là kênh 1, kênh 2, kênh 3, kênh 4, kênh 5 rồi kênh Tân Hiệp và sau đó tiếp theo là các kênh A, B, C, D, E, F, G, và H. Công chung tất cả các kênh gồm 8.086 lô đất. Mỗi lô đất dành cho một gia đình là 3 mẫu tây vừa là nhà ở và đất để trồng trọt. Mỗi lô đất rộng 30 mét tây chiều ngang và 1000 mét chiều dài.
Nhưng để đất có thể trồng trọt được, cơ quan USOM đã dùng 110 máy ủi đất để cào sới đất, sau đó dùng máy cầy san đất. Tính chung là 1.800.000 mét đất đã được ủi và cào xới.
Chính quyền có cấp phát cho các gia đình trâu để cầy ruộng. Trâu mua từ Thái Lan về. Đã có 2148 con trâu đã được cấp phát cho các trại di cư ở Nam Phần và 40 con ở Trung Phần.
Riêng ở Cái Sắn, cứ 4, 5 gia đình chung nhau một con trâu để cầy ruộng. Sau này, nhiều người có tiền thì có thể mỗi nhà có một con trâu để lo việc cầy bừa ruộng.
Trên toàn thể các trại di cư, chính phủ đã giúp đào được 5405 cái giếng và phân phối khoảng 400 tấn phân bón. Đồng thời phân phối khoảng 60 ngàn cuốc xẻng. Chính phủ cũng cho nông dân đi định cư vay một số tiền là 118.217.200 triệu đồng.
Hầu hết diện tích 270.000 mẫu tây dành cho người di cư và một phần dành cho người dân địa phương chưa có nhà cửa. Những cư dân địa phương, khoảng 20.000 ngàn người thì được ở khu vực kênh Tân Hiệp vốn đã có sẵn từ trước.
Chính phủ Hoa Kỳ còn cung cấp cho dân định cư, lúc đầu là 50.000 người, dự trù thêm 50.000 nữa, một số tiền là 400 triệu đồng cùng với tất cả các dụng cụ nông nghiệp mà số tiền tính ra khoảng 1 triệu Mỹ kim.
Mùa gặt đầu tiên ở Cái Sắn đã thu về được 4000 tấn gạo mà phần lớn từ mùa thu hoạch “lúa xả, hay floating rice”.
Cái Sắn là một tiêu biểu cho sự thành công của người di cư tị nạn cộng sản.
(Còn tiếp)
|