Home Lịch Sử VN Chiến Tranh VN Di Cư 1954 Quốc Hận 20-7-1954: Serpent, Chuyến Tàu Vĩnh Biệt

Quốc Hận 20-7-1954: Serpent, Chuyến Tàu Vĩnh Biệt PDF Print E-mail
Tác Giả: Đỗ Quốc Anh Thư   
Chúa Nhật, 28 Tháng 9 Năm 2008 05:23

Vì ‘Nửa Ðường Gẫy Cánh’ (NÐGC) là cuốn truyện dài, nên chúng tôi xin tóm lược mấy phần trình bầy trước đây: Tình cảnh của gia đình ông bà Văn --- hai nhân vật trong truyện --- trong bối cảnh lịch sử năm 1954:

Như hàng triệu người dân Việt, hiền hòa nhưng bất khuất, thương yêu gia đình mà không quên nghĩa vụ đối với đất nước, ông Văn đã chấp nhận xa nhà, vào “Liên Khu Tư” phục vụ cho phong trào kháng chiến chống Pháp gần 5 năm trời. Sau khi hiểu rõ sự thật về Cộng Sản trong Mặt Trận Việt Minh, ông liền viện cớ là ‘già yếu’ để xin trở về nguyên quán với gia đình --- vợ hiền và hai đứa con thơ: Tuấn và Thảo --- ở miền quê tỉnh Hà Nam.

Đây là vùng “kháng chiến” thuộc “Liên Khu Ba”, nên dân chúng miền quê phải sống trong cảnh ‘một cổ đôi tròng’. Ban ngày thì lính Pháp hành quân, hoặc cho phi cơ bắn phá. Ban đêm thì Cộng Sản hoành hành.

Đến năm 1954 thì hầu như cả vùng “Liên Khu Ba” đặt dưới quyền kiểm soát của Cộng Sản. Chúng cho thi hành chiến dịch “Cải Cách Ruộng Đất”. Thảm trạng đấu tố “địa chủ”--- vô cùng dã man, tàn ác --- diễn ra khiến ông bà Văn hoảng sợ, chỉ còn biết tìm đường, đem Tuấn và Thảo đi trốn vào Nam lánh nạn.

Trong thời gian này, Hiệp Định Geneva 1954 đã được ký kết, Pháp đã rút lui khỏi miền Bắc. Tất cả các ngả đường đều có công an, du kích và “bần cố nông” CS canh gác để ngăn chặn dân chúng --- nhất là thành phần “Trí, Phú, Ðịa, Hào” --- đi lánh nạn.

Trong tình cảnh ngặt nghèo, ông Văn lại còn bị buộc tội là “phản động” và bị công an CS bắt giam. Bà Văn cùng Tuấn và Thảo mỏi mòn trông chờ, nhưng không thấy ông Văn được thả về. Trong khi ấy, ngày di cư vào Nam --- theo Hiệp Định Geneva quy định --- sắp hết hạn.

Vậy làm cách nào để bà Văn đem Tuấn và Thảo, trốn thoát vào Nam? Trong làng xã, bọn công an và “bần cố nông” Cộng Sản đều biết mặt bà Văn --- “địa chủ  phản động”. Nên không thể nào bà đi trốn cùng một lúc với Tuấn và Thảo. Chỉ còn cách, bà Văn cho hai em đi lên Hà Nội trước.

Nếu trốn thoát, Tuấn và Thảo sẽ theo cô Hoà --- em của ông Văn, cư ngụ ở đó --- ra Hải Phòng, lên tàu di cư vào Nam. Còn bà Văn, sau đó nếu không đi thoát thì đành chịu thảm cảnh gia đinh ly tán: Vĩnh biệt hai đứa con thơ dại, vẫn còn hơn là để chúng sa vào thảm hoạ CS.

Trong khi Tuấn và Thảo trốn lên Hà Nội thì ông Văn được CS thả. Vừa ra khỏi trại tù, ông lợi dụng “Giấy Ra Trại” trong tay, để ‘đi lạc’ lên Hà Nội, rồi ra Hải Phòng. Ðây là thành phố cuối cùng, vẫn còn đặt dưới quyền kiểm soát của chính quyền Quốc Gia và đang đón nhận đồng bào tỵ nạn vào Nam bằng đường biển.

Từ khi bị CS bắt giam, ông Văn không hề biết chuyện gì xẩy ra trong gia đình --- kể cả chuyện hai đứa con thơ đi trốn CS. Nên ông Văn, khi vừa tới Hải Phòng thì vội vàng đến ‘Ty Cảnh Sát’ để xin 4 tấm ‘Giấy Thông Hành’ cho cả gia đình. Ðược vậy, ông Văn sẽ trở về quê đón vợ con. Ông hy vọng, khi đi trốn mà có ‘Giấy Thông Hành’ trong tay thì cả nhà ông sẽ thoát khỏi trạm kiểm soát của CS.
Thế nhưng, sự việc xẩy ra không như ý ông Văn mong ước. Nên chuyến tàu Serpent --- chở đồng bào di cư vào Nam --- trở thành ‘chuyến tàu vĩnh biệt’.

Serpent, Chuyến Tàu Vĩnh Biệt

Bên cổng trại tạm trú -- của đồng bào di cư tỵ nạn Cộng Sản -- ở đường Cát Dài, thành phố Hải Phòng, ông Văn ngồi trên bãi cát ôm Tuấn và Thảo trong vòng tay. Qua làn nước mắt, ông thấy từng toán năm bẩy người, nối tiếp nhau đi qua. Người xách va-li, kẻ bồng bế trẻ thơ, lũ lượt đi về phía bờ biển để đáp tàu vào Nam. Trong lúc chờ đợi, nhiều người đồng cảnh xúm lại nói chuyện, hỏi thăm nhau, trao đổi tâm sự với nhau, khiến cổng trại tạm trú, "ồn ào như cái chợ".

- Chuyến này, gia đình bác vào Nam đầy đủ cả chứ?

- Còn thiếu, ông bà nội của các cháu. Hai cụ không chịu vào Nam. Phần vì già yếu, phần vì các cụ không muốn xa "quê cha đất tổ".

- Thế thì ai ở lại trông nom hai cụ?

- Thế mới khổ chứ...

Nỗi sầu hiện rõ trên mặt, ông ta nghẹn ngào nói tiếp:

- Đây là điều... khổ tâm. Chúng tôi đã tính cho cháu út ở lại, hầu các cụ... Nhưng các cụ không bằng lòng. Nhất là cụ ông, cứ khăng khăng bảo rằng:

 "Con phải đem tất cả các cháu vào Nam, lo liệu cho tương lai của chúng nó. Bố mẹ thì già rồi, liệu còn sống được vài năm nữa không mà đi vào Nam? Tuổi già sức yếu, đường xá xa xôi, làm phiền hà các con lắm".

Chắc hẳn ông ta không muốn nhắc đến chuyện chia lìa nữa, nên hỏi sang chuyện khác:

- Có phải chuyến tàu này là chuyến cuối cùng chở đồng bào mình vào Nam, phải không ạ?

- Vâng, chuyến tàu Serpent này là chuyến cuối cùng, hiện thời đang thả neo ở ngoài khơi hải cảng Hải Phòng. Nghe nói là con tàu này có thể chở được vài ba ngàn người. Đồng bào mình phải đi tàu "há mồm" trước, khi ra ngoài khơi mới lên tàu Serpent.

- Tàu "há mồm" chỉ chở được khoảng bốn, năm chục người. Mình đi loại tàu nhỏ này mà gặp sóng lớn thì khổ lắm.

- Hôm nay, trời có vẻ yên tĩnh. Hy vọng, mình đi từ bờ ra ngoài khơi, khoảng vài dặm thì không đến nỗi nào... Nếu gặp sóng gió thì cũng phải chịu. Mình thoát được Cộng Sản vào Nam là phúc đức rồi.

Nghe hai chữ "phúc đức", ông Văn nhớ lại lời tâm sự cùng dáng điệu đau khổ của cụ Giáo Giảng sáng nay.

- Ở làng tôi, công an, du kích, bần cố nông, chỗ nào cũng có chúng canh gác. Gia đình nào "phúc đức" lắm thì mới có thể trốn thoát cả nhà.

Vừa thương người, vừa thương thân. Lúc trao đổi tâm sự sáng nay, ông Văn và cụ Giáo Giảng đều sụt sùi khóc. Cụ Giáo Giảng là người hiền hậu -- ở huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, hầu như ai cũng biết -- nhưng chỉ vì có dăm chục mẫu ruộng vườn nên cụ bị Cộng Sản ghép vào "thành phần địa chủ". Khi sắp sửa bị đấu tố, cụ ông trốn thoát lên Hà Nội. Kế tiếp là cháu nội của cụ. Còn cụ bà và cô con gái, cả tháng sau mới trốn thoát vào lúc nửa đêm. Cuối cùng, gia đình cụ chỉ có 4 người thoát nạn ra Hải Phòng. Còn 3 người khác, lần nào đi trốn cũng bị bắt. Bọn "bần cố nông" Cộng Sản đã thay phiên nhau canh gác, cô lập khu nhà của cụ. Chắc hẳn đến khi nhắm mắt, cụ Giáo Giảng vẫn không quên thảm cảnh đoạn trường, gia đình ly tán khi đất nước chia đôi.

- Này ông Thắng, ông có biết tin gì không?

- Tin gì hở cụ?

Ông Văn ngước mắt lên nhìn: Cụ già, đầu tóc bạc phơ, từ ngoài đường Cát Dài bước vào cổng trại, hỏi chuyện ông Thắng như thế. Mấy người đồng cảnh ở bên cạnh ông Văn, cũng lắng nghe cụ già loan tin.

- Cô cháu ngoại của tôi, vừa mới trốn thoát ra đây kể lại, nhiều người từ miền quê tỉnh Hà Nam và Nam Định, đã trốn lên được Hà Nội, nhưng rồi...

Vừa nghe đến đó, ông Văn đứng phắt dậy như chiếc lò so bung lên:

- Nhưng rồi làm sao hở cụ?

Cụ già nhìn ông Văn:

- Nhưng rồi, tất cả đều bị công an Cộng Sản bắt giam ở khu trường học. Mãi đến sáng hôm qua, không hiểu "trời xui đất khiến" thế nào mà nhân viên của "Uỷ Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến" lại biết. Họ đến can thiệp. Hình như tất cả nạn nhân đã được chở ra Hải Phòng.

Tuấn và Thảo cũng hấp tấp bước tới, đứng bên cạnh cha. Đôi mắt ông Văn sáng lên trong lúc Tuấn láu táu hỏi:

- Thế bây giờ.... những người ấy ở đâu, cụ biết không ạ?

- Nghe nói... họ đã được chở thẳng ra ngoài bến tàu rồi.

Tia hy vọng lóe sáng. Cầu mong, trong số những người ấy có bà Văn! Không chừng, đến giờ phút cuối, gia đình ông Văn sẽ có mặt đầy đủ trên chiếc tàu Serpent?

Mặc dù, đó là "chuyện ngàn năm một thuở". Nhưng ba bố ông Văn vẫn cảm thấy nao nức trong lòng. Có lẽ, Tuấn là người nóng lòng nhất. Cậu bé mong mỏi, được lên tàu Serpent thật sớm, để gặp lại mẹ già ...

*

...... Ba bố con ông Văn -- cùng nhiều người tỵ nạn khác -- đợi chờ hết giờ này sang giờ khác. Trên sân cát, có nhóm thanh niên, năm bẩy người xúm lại, bàn chuyện thời sự. Nào là chuyện chia đôi đất nước. Nào là chuyện di cư vào Nam tỵ nạn. Nào là chuyện về chiến dịch Điện Biên Phủ ......

......Thế là sau 8 năm khởi xướng chiến tranh, kêu gọi "toàn quốc kháng chiến" --  DIỆN bên ngoài là "đánh Pháp giành Độc Lập", nhưng ĐIỂM  bên trong là bành trướng bá quyền Mác-Lênin -- đến ngày 20-7-1954, Cộng Sản đã thoả thuận với Pháp, ký kết hiệp định Genève, chia đôi đất nước VN dọc theo sông Bến Hải. Ngược lại, đại diện cho Chính Phủ Quốc Gia là bác sĩ Trần Văn Đỗ -- nhận lệnh của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm -- quyết liệt phản đối hiệp định này.

Vì biết miền Bắc đặt duới ách thống trị ác độc của Cộng Sản, nên đồng bào mới bỏ cơ nghiệp, di cư vào Nam với hai bàn tray trắng. Ngược lại, ở miền Nam, hầu như không có người dân nào muốn ‘di cư ra Bắc’ -- ngoại trừ mấy chục ngàn cán binh Cộng Sản được lệnh của "Bác và Đảng, đi tập kết". Dù bên này hay bên kia chiến tuyến, trong biến cố lịch sử này, có hàng trăm ngàn gia đình tan nát. Con sông Bến Hải trở thành dòng sông "ngăn cách" kẻ Bắc, người Nam.

Ông Văn càng ghe nhóm thanh niên bàn luận, lại càng cảm thấy ân hận. Chính ông là kẻ lầm lẫn, tin theo Mặt Trận Việt Minh, tham gia kháng chiến chống Pháp. Để kết quả, sau 8 năm chiến tranh, quân đội Pháp là phía thảm bại, Cộng Sản là kẻ hưởng chiến thắng. Dân tộc VN là nạn nhân đau thương nhất.

Chiến dịch Điện Biên Phủ là thí dụ điển hình. Phía Cộng Sản áp dụng chiến thuật "Biển Người", tung vào trận địa khoảng 63 ngàn "Bộ Đội Chủ Lực" và 30 ngàn dân công trợ lực để đè bẹp 12 tiểu đoàn tác chiến của Pháp. Quyền chỉ huy Chiến Dịch nằm trong tay bọn tướng lãnh Tàu Cộng -- Bành Đức Hoài, Lã Quý Ba và Vi Quốc Thanh. Còn Võ Nguyên Giáp, thực sự chỉ là kẻ phụ tá, nếu không muốn nói là bù nhìn. Quân đội Pháp không ngờ, nhiều đơn vị pháo binh của Tàu Cộng tham chiến. Nên các vị trí đóng quân của Pháp mới bị "mưa pháo" tan tành -- đúng theo chiến thuật "Tiền Pháo Hậu Xung" của Tàu Cộng.

Qua trận Điện Biên Phủ, ai cũng thấy, Cộng Sản hưởng chiến thắng. Thảm thương nhất là dân tộc VN. Hàng chục ngàn người Việt, bao gồm cả "Bộ Đội" và "Dân Công", bị thiệt mạng trên chiến trường. Hàng chục ngàn người khác bị tàn phế. Để rồi, dân chúng VN phải sống dưới ách nô lệ Mác-Lênin. Tất cả quyền tự do căn bản bị cấm đoán. Ách cai trị của Cộng Sản, thâm độc hơn quân Pháp bội phần. Vì vậy dân chúng mới bỏ "quê cha đất tổ", vào Nam tỵ nạn.

"Nơi xa vời, vọng về đất Bắc xa xôi ...
... Buồn ngày đất nước chia đôi.
Khắp phố phường... Hà Nội ủ rũ phai màu
Hải phòng ngơ ngác u sầu... người dân đi về đâu"?

Tâm trạng của người dân miền Bắc, đúng như lời trong bài hát -- được nhiều người ưa thích trong thời gian này. Ông Văn ngồi lắng tai nghe từng lời hát, tay ôm hai đứa con thơ, trong lòng buồn tê tái.

Trong khi ấy, ở bên cạnh ông, nhiều người đồng cảnh lại ồn ào, hết bàn tán chuyện này lại sang chuyện khác. Đợi mãi đến chiều tối, ba bố con ông Văn mới đến phiên, từ trại tạm trú đi ra bờ biển để lên tàu "há mồm"......

*    *
...... Ở ngoài khơi thành phố Hải Phòng, trời đã mờ mờ tối. Trên cao, ánh trăng sao lấp lánh. Bên dưới, nhờ ánh đèn điện chiếu sáng, ai cũng nhìn thấy cảnh tấp nập trên boong tàu Serpent. Người đi tới, kẻ đi lui. Phiá bên phải con tàu thì ồn ào hơn cả: Đám dân di cư cuối cùng -- từ trại tạm trú ở đường Cát Dài -- vừa được chiếc tàu "há mồm", chở ra ngoài khơi, đang leo lên tàu Serpent.

Đa số đồng bào di cư đều là dân quê. Ít có người biết cách sử dụng những vật dụng ở trên tàu. Vì vậy, không biết mấy chục lần rồi, anh xướng ngôn viên phải dùng máy vi âm, nhắc nhở đồng bào những điều cần thiết:

"Khi lên tàu, quý vị cẩn thận từng bước và theo lối đi có giăng giây màu trắng để đến khu giường ngủ. Ở gần nơi ấy, có nhiều phòng vệ sinh công cộng. Khi dùng xong, quý vị nhớ cho giấy vào bồn cầu rồi giật nước, giữ cho cầu tiêu, cầu tiểu sạch sẽ.

Nếu ai đau yếu, hoặc muốn tìm thân nhân, hãy đến phòng Truyền Tin ở trên boong tàu, phía sau đài ra-đa.

Chuyến tàu này chạy suốt 3 ngày, 3 đêm mới cập bến Sài Gòn. Sáng, trưa và chiều tối, khi đi lãnh phần ăn, quý vị nhớ xếp hàng, không ai được chen lấn, làm mất trật tự.
Sau đây là phần tìm thân nhân..."

Đang đi trên boong tàu, ông Văn nghe đến phần "Tìm Thân Nhân" thì ra dấu cho Tuấn và Thảo đứng lại. Ba người đều cẩn trọng, lắng tai nghe từng tiếng:

"Cụ Giáo Giảng ở làng Nghè, cần gặp bà Cả quê ở làng Bưởi... Cụ Phó Bùi và ông Tiêu, quê ở làng Văn Xá, Nam Định, cần gặp ông bà Quang cùng ba cháu là Cương, Quyết và Ngữ... Các cô Loan, Nho, Nhu...và Như, con cụ Lẫm ở thôn Thủy Nha, đang tìm kiếm anh chị Hào, ai biết tin xin cho biết"......

Ông Văn rối rít hỏi:

 - Phòng Truyền Tin ở phía nào?

Nhìn quanh quẩn, Tuấn thấy hai thanh niên đang đứng nói chuyện ở cầu thang. Cậu bé hấp tấp, bước tới:

- Anh cho em hỏi, phòng Truyền Tin ở phía nào hở anh?

- Hồi nãy, trên máy vi âm vừa nói ở phía sau đài ra-đa.

Nói xong, anh ấy liếc mắt xung quanh rồi chỉ tay về phía trước:

- Có lẽ chỗ này là đài ra-đa thì phải? Để hỏi anh chàng thủy thủ này xem sao?

Chắc hẳn anh thanh niên không thông thạo tiếng Mỹ. Nên khi gặp người Mỹ, anh vừa nói vừa ra dấu tay. Sau khi được chỉ dẫn, anh quay lại nói với Tuấn:

- Đúng là phía đó.

 Tuấn vội vàng cám ơn, rồi hấp tấp trở lại chỗ cũ, nắm tay ông Văn:

- Đi về phía này bố ạ.

Thế là, ba bố con ông Văn hăm hở đi về phía đài ra-đa. Câu chuyện hy hữu do cụ già thuật lại hồi sáng nay, tưởng như còn văng vẳng bên tai ông Văn:

".... Nhiều người từ miền quê tỉnh Hà Nam hay Nam Định, trốn lên Hà Nội....bị công an Cộng Sản bắt giam ở khu trường học. Nhưng đến sáng hôm qua, không hiểu "trời xui đất khiến" thế nào mà nhân viên của "Uỷ Hội Quốc Tế" lại biết. Họ can thiệp. Có tin đồn là các nạn nhân đã được chở ra Hải Phòng để lên tàu Serpent di cư vào Nam".

Tại sao trong số những người ấy lại không có bà Văn? Ông Văn là người mang nhiều hy vọng. Còn Tuấn thì có trí tưởng tượng phong phú. Nên đi bên cạnh cha, cậu bé mơ tưỏng đến cảnh đoàn tụ:
"Lúc vừa trông thấy mẹ thì con mừng quýnh, quẳng túi hành lý xuống boong tàu, chạy lại ôm chặt lấy mẹ để thỏa niềm mong ước. Trong khi xúc động, bố mẹ và các con nhìn nhau ứa lệ. Từ đây, thảm trạng gia đình ly tán chấm dứt. Bố mẹ sẽ sung sướng, lúc nào cũng có các con quấn quýt ở bên cạnh"...

Ảo tưởng ấy làm Tuấn hăm hở bước đến phòng Truyền Tin trước tiên. Khi vừa bước đến cửa phòng, cậu bé xoay lại phía sau, thúc dục ông Văn:

- Nhanh lên, đi nhanh lên bố ơi.

 Ông Văn níu lấy tay Thảo. Tuổi già sức yếu, mới đi được một quãng, ông thở hổn hển. Tuấn phải đứng chờ một lúc lâu. Sau khi ông Văn viết vào tờ đơn nhắn tin, đưa cho anh xướng ngôn viên ở trong phòng Truyền Tin thì trên máy vi âm vang lên:

"Xin Quý vị lưu ý, sau đây là phần tìm thân nhân.
Ông Văn và hai con là Tuấn và Thảo quê ở Hà Nam, muốn tìm bà Văn. Quý vị nào biết tin, xin cho biết. Ông Văn cùng hai cháu đang chờ ở phòng Truyền Tin. Chúng tôi xin lập lại, ông Văn..."

... Năm phút, 10 phút... rồi cả tiếng đồng hồ trôi qua. Ba bố con ông Văn ngồi chờ rồi thất vọng, không gặp được ai. Trong lúc ông Văn ủ rũ, ngồi ở trước cửa phòng "Truyền Tin", Tuấn và Thảo rủ nhau, đi về phía đầu tàu.

Lần đầu tiên bước chân lên tàu thuỷ nên Tuấn và Thảo tò mò nhìn hết chỗ này đến chỗ khác. Tuấn quan sát, từ đầu đến cuối con tàu sơn màu xám. Chỉ có ống khỏi ở chính giữa là có 2 vòng sơn đen và đỏ. Phía trước phòng lái, có lá cờ Mỹ đang tung bay trước gió. Trên boong tàu, nhiều nơi có cầu thang sắt nối liền với tầng dưới. Càng quan sát máy móc trên tàu, Tuấn và Thảo càng cảm thấy thắc mắc.

- Cái này là cái gì hở anh?

 Tuấn lắc đầu tỏ ý "không biết", rồi hỏi bâng quơ:

- Chiếc máy này dùng để làm gì hà?

Chẳng ngờ ngay khi ấy, có cô bé khoảng bẩy tám tuổi, chạy sấn lại phía cầu thang:

- Bố ơi! Bố... ơi!

Tuấn nhìn theo cô bé -- vừa chạy, vừa kêu lớn khi nhìn thấy cha từ dưới cầu thang sắt leo lên trên boong tàu. Thế rồi, Tuấn và Thảo đứng bên nhau, mở tròn đôi mắt chứng kiến gia đình cô bé ấy được Trời ban diễm phúc: Trong khi hai cha con mừng quýnh ôm chặt lấy nhau thì người mẹ vội vàng bước đến sát bên, rồi nghẹn ngào kể lể sự tình:

- Hai mẹ con... tưởng là ông đã bị bọn công an Việt Minh bắt giam, biệt tăm rồi. Ở trong trại tạm trú, mấy lần...  đã tính bỏ cuộc, đem con về quê. May mà nhờ có bác Hà và chú Vượng cản lại...  Hai mẹ con đi hỏi thăm hết người này đến người khác, không ai biết tin ông,  cứ tưởng là không bao giờ gặp ông nữa...

Cô bé lanh tranh, ngắt lời mẹ:

- Bố biết không, đêm hôm qua con nằm mơ thấy bố... hôm nay gặp lại.

Người cha cảm động, nhìn con:

- Thế hở!

Đoạn ông xoay sang, nói với vợ:

- Vừa trốn lên được Hà Nội thì bị công an Việt Minh bắt. Sau mấy ngày bị chúng giam ở khu trường học cùng với mấy chục nạn nhân khác thì gặp may, phái đoàn ... "Kiểm Soát... Đình Chiến" đến cứu giúp. Họ thu xếp, cho người chở tất cả dân tỵ nạn ở đó, ra Hải Phòng.

Tuấn và Thảo nhìn cảnh xum họp thì chạnh lòng. Nghĩ đến thảm cảnh đoạn trường của gia đình mình, hai em đưa tay lên lau nước mắt. Biết đến khi nào, hai em được sống êm ấm bên cạnh cha mẹ, ở nơi quê cũ như những năm xưa?

Lúc ấy trăng lên đã cao. Muôn ngàn ánh sao thi nhau lấp lánh trên bầu trời. Gió biển thổi vù vù trên boong tàu. Đến giờ khởi hành, tiếng còi tàu hét vang. Con tàu Serpent nhổ neo và từ từ lướt sóng. Tuấn và Thảo nhìn nhau, ánh mắt ngấn lệ.

Ngay khi đó, ông Văn bước đến, ôm hai đứa trẻ thơ. Để rồi, ba cha con đều sụt sùi, nhìn xuống mặt biển qua làn nước mắt: Những làn sóng bạc đầu, lấp lánh ánh trăng, nhấp nhô chạy theo nhau đến vỗ mạnh vào hai bên con tàu. Nghe tiếng sóng "ầm ầm", ba bố con ông Văn cảm thấy đau buốt trong tim. Chẳng hiểu, trong giây phút này, thân phận bà Văn ra sao? Bà đang lủi thủi một mình ở nhà, chờ ngày ra đấu trường? Hay bà đã trốn thoát và đang trôi dạt ở phương nào?…..

*
…… Ba ngày hôm sau, chuyến tàu Serpent chở đồng bào di cư tỵ nạn Cộng Sản cấp bến Sài Gòn. Trong khi chờ xuống tàu, đồng bào tỵ nạn đứng chật ních trên boong. Nhiều người tò mò, chen nhau đi về phía bên phải con tàu để nhìn cảnh lạ -- lần đầu tiên thấy đường phố Sài Gòn. Dăm bẩy người khác lại nóng lòng, muốn xuống tàu ngay tức khắc. Họ tụ tập gần cầu thang sắt với hy vọng tìm thấy thân nhân -- đứng chờ họ ở bên dưới.

Còn ba bố con ông Văn thì sao? Tuấn và Thảo giống hệt cha, buồn thê thảm, đứng ủ rũ bên cạnh cô Hoà. Sau ba ngày đêm trên chuyến tàu Serpent, người nào trông cũng thẫn thờ như những kẻ mất hồn. Nhất là ông Văn, tuổi già sức yếu mà lại còn bị say sóng. Hệ quả sau cuộc hành trình, ông bị mệt mỏi. May mà có cô Hoà, nên ông được chăm sóc và an ủi rất nhiều. Tuấn nhìn cha rồi ra chiều ái ngại. Cậu bé ngập ngừng một lúc lâu, rồi mới hỏi:

- Mình chọn... trại định cư nào hở bố?

Ông Văn uể oải:

- Theo cô Hoà... mình chọn trại Tam Hà, ở gần Thủ Đức.

Cô Hoà tỏ ra thành thạo:

- Tôi hỏi thăm nhiều người rồi bác Văn ạ. Thủ Đức cách Sài Gòn chỉ có 14 cây số. Ở đó lại sẵn có ga xe lửa và bến xe đò, nên lúc nào mình cũng có thể đi Sài Gòn dễ dàng. Khi có chuyện cần, tìm việc hay buôn bán, mình xoay sở được. Ở Sài Gòn có nhiều cơ hội thuận lợi cho các cháu đi học. Còn chọn mấy nơi hẻo lánh như trại Ba Bèo... thì xa Sài Gòn quá.

Trên boong tàu, đa số đồng bào di cư là người Công Giáo. Ai cũng nhận thấy dễ dàng qua ảnh ‘Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp’, hay cây ‘Thập Tự Giá’, hoặc hình ‘Đức Chúa Jesus’, thêu trên tấm vải nhỏ mà họ đeo ở trước ngực. Vì vậy mới có tin đồn là cơ quan tuyên truyền của Chính Phủ Ngô Ðình Diệm, đã hợp tác với CIA của Hoa Kỳ --- do Ðại Tá Edward Lansdale chỉ huy --- bịa chuyện "Đức Chúa  và Ðức Mẹ đã vào Nam" nhằm thúc đẩy đồng bào Công Giáo di cư.

Chuyện này thực hư thế nào? Hay chính bọn Cộng Sản gian manh đã tung ra tin này để che dấu sự thật lịch sử: Ðại đa số đồng bào miền Bắc đều ghê tởm bọn chúng. Nếu có cơ hội thì hầu như ai cũng chấp nhận, bỏ ‘quê cha đất tổ’ đi vào Nam tỵ nạn.

Trên chuyến tàu Serpent này, bên cạnh ba bố con ông Văn và gia đình cô Hoà, còn hàng trăm hay cả ngàn người theo Phật Giáo, hoặc Khổng Giáo. Thảm trạng ‘cướp của, giết người’ --- vô vùng dã man tàn ác --- trong chiến dịch “Cải Cách Ruộng Ðất” là động lực chính yếu thúc đẩy đồng bào miền Bắc di cư vào Nam tỵ nạn. Sở dĩ đồng bào Công Giáo vào Nam đông nhất, vì trong thời gian di cư, hầu hết những vùng Giáo Dân cư ngụ, chưa bị Cộng Sản kiểm soát. Vả lại, các Linh Mục Công Giáo là những người chống lại Cộng Sản vô thần. Nên họ đã tìm cách giúp đỡ Giáo Dân vào Nam tỵ nạn.

Đứng ngay trước mặt cô Hòa là cặp vợ chồng và ba đứa trẻ thơ là người Phật Giáo. Họ đã thuật lại hôm đi chùa lễ Phật, xin Đức Bồ Tát phù hộ cho họ thoát nạn Cộng Sản vào Nam. Khi nghe cô Hoà nói chuyện với ông Văn, người chồng xoay qua hỏi cô làm quen:

- Này bà, sau khi mình xuống tàu thì mỗi người được Chính Phủ Quốc Gia cấp cho 800 đồng, phải không à?

- Chiều hôm nọ, qua máy vi âm thì ai cũng nghe như thế.

- Gia đình bà có mấy người?

- Tôi có hai cháu. Ông anh tôi cũng có hai cháu. Tất cả là 6 người.

Ông ta gật gù rồi lẩm bẩm tính:

 - Sáu lần tám là 48. Thế thì... Thế thì cô và ông anh, được lãnh 4800 đồng đấy.

Cô Hoà cũng tò mò hỏi:

- Còn gia đình ông thì sao?

- Gia đình tôi có bốn người.

Cô Hoà than thở:

- Chẳng hiểu là sau khi tiêu hết số tiền được cấp phát thì biết làm gì mà sinh sống đây?

- Tôi nghe nói, khi đến trại định cư, mình phải ở trong lều vải. Ban ngày nóng, ban đêm lạnh. Nếu đúng như dự trù thì sang năm, Chính Phủ Quốc Gia mới xây nhà xong để cấp cho đồng bào, phải không ạ?

- Trước đây tôi còn nghe, Chính Phủ Mỹ đã chấp thuận ngân khoản 1 tỷ Đô-La để hỗ trợ cho Chính Phủ Ngô Đình Diệm, có thêm phương tiện cứu giúp đồng bào di cư tỵ nạn Cộng Sản. Mấy bộ quần áo cũ rộng thùng thình mà đồng bào mình được cấp phát trên chuyến tàu này, cũng do các hội từ thiện từ bên Mỹ gởi cho.

Trong khi ba bố con ông im lìm thì cô Hoà nói hết chuyện này đến chuyện khác:

- Có tin là giới báo chí, đang phanh phui chuyện ăn cắp ngân quỹ dành cho đồng bào di cư tỵ nạn?

- Tôi cũng nghe như vậy. Quanh quẩn thủ phạm vẫn là bọn "sâu dân mọt nước" từ thời vua Bảo Đại để lại trong guồng máy chính quyền. Đồng bào mình đi trốn Cộng Sản, vào Nam với hai bàn tay trắng, đau khổ đủ điều mà chúng nó còn tìm cách ăn chặn ngân quỹ! Quả thật là chuyện "chó cắn áo rách".

Câu chuyện đến đó thì trên máy vi âm vang lên:

"Xin quý vị lưu ý. Khoảng chừng mươi phút nữa, quý vị có thể xuống tàu. Khi bước xuống cầu thang, xin quý vị cẩn thận đi từng bước. Khi thấy thân nhân chờ ở dưới, xin chớ có hấp tấp chạy, rất nguy hiểm. Sau khi xuống tàu, mời quý vị đến lãnh tiền trợ cấp ở phía bên phải cầu thang và giải khát miễn phí ở các quầy hàng có hàng chữ "sữa tươi và nước trà nóng của đồng bào di cư". Ngay bên cạnh nơi ấy, có xe đang chờ, để chở quý vị về trại định cư theo ý của quý vị lựa chọn.
Kính chúc quý vị vạn sự như ý và mau an cư lạc nghiệp trên phần đất Tự Do".

Tiếp theo, tiếng ra-đi-ô được truyền qua máy vi âm. Lời hát trong bản "Tình Cố Đô" vang lên, vô tình làm cho kẻ ly hương cảm thấy buồn tê tái:

"Buồn nhìn về xa xôi...
Hà Nội ơi đã xa cách rồi!
Mịt mùng ngàn trùng khơi...
Thành phố cũ lắng sau núi đồi…"

Ba bố con ông Văn rồi cô Hòa, đưa tay lên lau nước mắt. Không nhiều thì ít, những người đồng cảnh đứng bên cạnh ông Văn, đều cảm thấy bùi ngùi. Chờ đến khi 3 chiếc cầu thang sắt, một ở đầu tàu, một cuối tàu và một chính giữa được thả xuống, đồng bào di cư trên tàu Serpent mới bắt đầu, bước chân xuống phần đất Tự Do.

Ðỗ Quốc Anh-Thư
(Trích đoạn từ cuốn ‘Nửa Ðường Gẫy Cánh’)
 
Xin liên lạc với Nguyễn Thứ Dũng
LamSonVN@SBCglobal. net
Điện thoại 408-225-8476