2/10/2009
Tuần này, những cuộc tranh cãi về chủ quyền Trường Sa và Hoàng Sa đang dậy sóng trở lại, không chỉ tại Việt Nam mà còn tại nhiều quốc gia trong vùng Biển Đông. Và mọi người có thể dễ dàng tiên đoán rằng cuộc tranh cãi sẽ kéo dài liên tục, có thể là sẽ rất sôi nổi từ bây giờ cho tới giữa năm nay. Một cách chínhxác, có một dấu mốc về thời gian cần quan sát: ngày 13-5-2009 là hạn chót để trình hồ sơ lãnh hải lên Liên Hiệp Quốc theo quy định của bản văn UNCLOS (United Nations Convention on the Law of the Sea) - Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.
Việt Nam đã chuẩn bị những gì cho hồ sơ đường biên giới biển này? Và có các nhượng bộ bí mật nào hay không cho Trung Quốc?
Cuộc tranh cãi tuần này khởi lên từ hai dự luật về lãnh hải ở Thượng Viện và Hạ Viện Phi Luật Tân. Điều ngạc nhiên là bản văn ở Thượng Viện Phi và bản văn ở Hạ Viện Phi có đường biên giới lãnh hải lệch nhau. Chính điểm dị biệt khi vẽ đường biên ở hai bản văn lưỡng viện quốc hội Phi đã cho thấy đặc tính dân chủ của Phi Luật Tân: không có một độc tài đảng trị nào ở nơi này, và các vị dân cử lưỡng viện vẫn có quyền tự do nói các ý kiến dị biệt của mình ngay cả ở vấn đề hết sức cốt tủy và nhạy cảm như biên giới và lãnh hải, mà không sợ bị chụp mũ hay trấn áp gì hết. Các cuộc tranh luận khác biệt này thấy rõ là không thể có ở Bắc Kinh, Hà Nội.
Các nước khác cũng thấy kiểu nói "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" ở lưỡng viện Phi Luật Tân về vấn đề lãnh hải. Bản tin thông tấn Đài Loan đăng trên tờ The Taipei Times hôm Thứ Sáu 6-2-2009 đã nêu ngay lập trường của Đài Loan: "Bộ Ngoại Giao [Đài Loan] lập lại chủ quyền lịch sử của Đài Loan đối với các đảo và bờ san hô ở Biển Nam Trung Hoa, kể cả Trường Sa. Tuyên Bố của Bộ đưa ra đêm Thứ Tư sau khi lưỡng viện quốc hội Phi Luật Tân thông qua các dự luật để sáp nhập vài đảo và bờ san hô của Trường Sa (Spratlys) và đảo Macclesfield Bank Islands như là phần của lãnh thổ Phi Luật Tân. Bộ nói rằng khẳng định chủ quyền của Đài Loan vượt qua mọi ngờ vực và thách thức, nhấn mạnh rằng tất cả bốn nhóm đảo ở Biển Nam Trung Hoa - Nansha (tức Spratlys, Trường Sa), Jhongsha (tức Macclesfield Bank Islands), Dongsha (Pratas) và Sisha (tức Paracel, Hoàng Sa) - và vùng biển vây quanh đó là thuộc lãnh hải Đài Loan từ quan điểm lịch sử, địa lý, thực tiễn và luật quốc tế…" Như thế, qua báo chí các nước, trong tuần qua đã có ít nhất ba nước lên tiếng về Biển Đông: Phi Luật Tân, Đài Loan và Việt Nam. Điều chúng ta suy nghĩ rằng, có vẻ như nhiều tuần qua, người ta không thấy Trung Quốc lên tiếng gì về chủ quyền Biển Đông. Chỉ có ầm ĩ nhất là khi Bắc Kinh tuyên bố lập huyện Tam Sa cho ba vùng đảo Biển Đông, trong đó bao gồm cả Trường Sa và Hoàng Sa, là vào tháng 12-2007, và lặng lẽ vẽ các đảo trên một số bản đồ cho du khách Thế Vận Bắc Kinh tháng 8-2008… Không phải vì Trung Quốc không dòm ngó chuyện Biển Đông nữa, nhưng có vẻ như muốn để ám trợ Đài Loan tranh đảo, vì tin là sau này cũng có lúc thống nhất được với Đài Loan. Báo Manila Standard Today số ấn hành ngày 3-2-2009 qua bài viết nhan đề "House, Senate at odds over baselines bill" (Thượng Viện, Hạ Viện Phi Luật Tân Dị Biệt Nhau về Dự Luật Đường Cơ Sở Lãnh Hải), , của nhà báo Roy Pelovello ghi nhận rằng: "Hạ Viện Phi Luật Tân hôm qua đã chấp thuận dự luật, bản thứ ba và là bản cuối, về đường cơ sở vạch ra lãnh hải Phi, một bản đồ trái nghịch với bản đồ lãnh hải mà Thượng Viện trước đó đã chấp thuận.
Được chấp thuận với tỉ lệ phiếu 171-3, bản dự luật Hạ Viện (ký số: HB 3216) bao gồm vào lãnh hải các đường cơ sở nhóm đảo Kalayaan và bãi Scarborough Shoal.
[Nhưng] dự luật trên Thượng Viện Phi xem nhóm đảo Kalayaan và bãi Scarborough Shoal như là "chế độ hải đảo," một quan điểm mà Hành Pháp đã chọn để không kình chống các nước khác cũng đang tranh các đảo này…" Cần ghi chú, trong bản tin Anh ngữ báo trên ghi nhầm ký số dự luật là HB 3261, đúng ra phải là HB 3216, như các đoạn sau bản tin đã ghi đúng. Bản tin trên cũng nhắc tới hạn chót phải trình hồ sơ lãnh hải lên UNCLOS là ngày 13-5-2009, và cũng nói là Trung Quốc đã có một kháng thư gửi tới tòa đại sứ Phi Luật Tân hồi tháng 12-2007 để "chấn động và quan tâm sâu sắc" phản đối bản dự luật HB 3216 về việc bao gồm nhóm đảo Kalayaan và bãi Scarborough Shoal. Nghĩa là, Trung Quốc đã phản đối dự luật đó từ năm 2007 lận, mà lúc đó thì dự luật chưa được Hạ Viện thông qua. Vậy mà mới tuần này, Hạ Viện Phi thông qua HB 3216 lại không làm cho chính phủ Trung Quốc phản đối, mà chỉ ngồi im để nghe Đài Loan lên tiếng. Chỗ này thấy rõ Bắc Kinh và Đài Bắc đang đóng kịch, để sẽ cho Đài Loan bám lấy vùng Biển Đông, hẳn sẽ ít bị các nước khác quan ngại hơn. Thấy rõ một điều nữa, lưỡng viện Phi Luật Tân rồi sẽ phải thống nhất hai dự luật lãnh hải dị biệt này để sẽ trình lên Tổng Thống Phi ký. Tuy nhiên, đây lại là chuyện khác. Điều chúng ta muốn thấy rằng, thực ra Trung Quốc đang đóng trò để hỗ trợ Đài Loan lấn thêm các đảo càng nhiều càng tốt. Bản tin trên báoLao Động ngày 06/02/2009, nhan đề "Việt Nam có quan điểm rõ ràng về Hoàng Sa, Trường Sa" đăng theo tin thông tấn nhà nước TTXVN, đã viết: "Ngày 5.2, trả lời câu hỏi về việc ngày 2.2, Hạ viện Philippines đã thông qua Dự luật HB 3216 về đường cơ sở mới của Philippines, trong đó đưa một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa và bãi cạn Scarborough vào hệ thống đường cơ sở của Philippines.
Trước đó, ngày 27.1, Thượng viện Philippines đã thông qua Dự luật SB 2699 không bao gồm các đảo này trong đường cơ sở và các đảo này được quản lý theo "quy chế các đảo" của Điều 121, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, ông Lê Dũng nhấn mạnh:
"Quan điểm của VN đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là rõ ràng. Chúng tôi cho rằng, trong khi tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài cho các tranh chấp đối với hai quần đảo này, các bên liên quan cần tuân thủ Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và "Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông" (DOC), không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực"." Đọc kỹ lời của ông Lê Dũng, chúng ta có thể khởi lên quan ngại, vì ông chỉ nói là "Quan điểm của VN đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là rõ ràng" mà không hề nói rõ là khẳng định chủ quyền Việt Nam trên các đảo này. Trong các năm trước, lập trường Hà Nội rất minh bạch, vẫn nhiều lần nói rằng Việt Nam có "chủ quyền không thể tranh cãi" trên các đảo Hoàng Sa, Trường Sa… vậy mà năm nay, năm 2009, ngôn ngữ Hà Nội đã dịu giọng, chỉ nói là "rõ ràng " mà không nói rõ là "chủ quyền" như từng nói.
Có vẻ như phía nhà nước CSVN đã nhượng bộ? Hay là Hà Nội đã đồng ý với quan điểm của Hành Pháp Phi Luật Tân và Thượng Viện Phi Luật Tân, rằng nên đưa các đảo tranh chấp này vào "quy chế hải đảo" theo Công Ước Biển, thay vì đòi chủ quyền minh bạch như Hạ Viện Phi Luật Tân? Hay có phải là nhà nước Hà Nội không gỡ nổi thế kẹt của bản văn của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng viết, thư đề ngày 14-9-1958 trong đó, ông Đồng đại diện cho Việt Nam ký công hàm công nhận chủ quyền của Trung Quốc trong vùng hải phận 12 hải lý, nghĩa là sẽ không đòi nổi Hoàng Sa hay Trường Sa gì được nữa? Vấn đề mà lưỡng viện Phi Luật Tân đương đầu cũng là vấn đề rất là riêng của Việt Nam: nên xem các đảo Hoàng Sa, Trường Sa là thuộc chủ quyền lãnh hải Việt Nam, hay là đành phải để lơ lửng mà nói là thuộc "quy chế hải đảo" để sẽ "tuân thủ Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982"? Có ai trong Quốc Hội Việt Nam dám nói trái ý Đảng CSVN chỗ này hay không? Hãy nhớ rằng vấn đề chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải cần phải bàn tới nơi, tới chốn, cặn kẽ từng câu, từng chữ một. Bởi vì sơ suất một chút, là thiệt hại cho biết bao nhiêu đời sau cuả dân tộc.
|