CSVN-Trung Quốc loan báo hoàn tất cắm mốc biên giới giữa hai nước |
Tác Giả: Người Việt online | |||
Thứ Tư, 07 Tháng 1 Năm 2009 06:56 | |||
Friday, January 02, 2009
HÀ NỘI 2-1 (TH) - CSVN và Trung Quốc ra bản tuyên bố chung loan báo “hoàn thành cắm mốc biên giới Việt-Trung” hôm 1 tháng 1 năm 2009 sau 9 năm ký kết hiệp định về biên giới trên bộ giữa hai nước. “Hai nước lần đầu tiên xác định được một đường biên giới rõ ràng trên đất liền với một hệ thống mốc giới hiện đại, mở ra cơ hội mới cho công cuộc phát triển của mỗi nước, đặc biệt là tạo điều kiện cho các địa phương biên giới hai bên mở rộng hợp tác, phát triển kinh tế, tăng cường giao lưu hữu nghị; tạo tiền đề vững chắc để xây dựng biên giới Việt-Trung thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định lâu dài.” Bản tuyên bố chung phổ biến nói như vậy sau cuộc họp diễn ra ở Hà Nội vào các ngày 28 đến 31 tháng 12 năm 2008 mà theo giới quan sát chính trị cái hình thức “hoàn tất” có tính vội vã và khiên cưỡng che giấu nhiều vấn đề chưa ổn thỏa. Bản tuyên bố chung chỉ được đưa ra vì đã nhiều lần, lãnh đạo hai nước đã cam kết phải hoàn tất việc phân giới cắm mốc giữa hai nước trước ngày cuối năm 2008. “Công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền Trung-Việt kết thúc tốt đẹp, là biểu hiện sinh động của mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc theo phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt, cũng là sự đóng góp tích cực đối với hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực.” Bản thông cáo viết. Nhưng theo một bản tin chính thức của hãng thông tấn CSVN, “Hai bên nhất trí sẽ sớm tổ chức lễ mừng công để chào mừng sự kiện trọng đại này” hạm ngụ cho thấy còn có những rối rắm chưa giải quyết được để có thể tổ chức lễ mừng như chuyện thường phải được diễn ra ngay sau lễ ký kết một văn bản. “Ý định của hai bên là (cắm mốc) xong xuôi hoàn toàn trước khi năm cũ kết thúc nhưng đã không đạt mục tiêu cực kỳ hệ trọng này.” Ông Bùi Tín, nguyên phó tổng biên tập nhật báo Nhân Dân trở thành người hoạt động đấu tranh cho dân chủ hóa đất nước, đang định cư tị nạn tại Pháp, viết trong một điện thư gửi tới một số thân hữu. “Nhóm Bộ Chính Trị CSVN đang trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng, tiến lui đều khó.” Ông Bùi Tín, nhờ những mối quan hệ đặc biệt ở Việt Nam nên có rất nhiều thông tin về nội tình của đảng CSVN ở cấp cao. “Họ bị kẹp trên đe dưới búa giữa dư luận xã hội nhân dân và sức ép của quan thầy Bắc Kinh. Hiện họ ấp úng, nói hoàn thành, xong, kết thúc, nhưng thật ra còn dở dang”. Ông Tín nói. Theo những tin tức mà ông Bùi Tín có được thì “Bọn Bắc Kinh sang ép từ 28 tháng 12 định 31 tháng 12 xong xuôi để ký Nghị Ðịnh Thư cuối cùng, bản Qui Chế Quản Lý Biên Giới, trao nhau tập bản đồ, vẽ rõ đường biên giới màu đỏ tỉ lệ 1/5,000 nhưng không xong vì Việt Nam không nhượng bộ thêm.” Bởi vậy “hai bên vẫn ký biên bản ghi nhớ cuộc gặp và tuyên bố chung về hoàn thành phân giới nhưng thật ra chưa thực sự hoàn thành”. Ông cho hay. Ðó là lý do tại sao, bản tin Thông Tấn Xã Việt Nam ngày 1 tháng 1 năm 2009 tường thuật cuộc đàm phán về biên giới lãnh thổ giữa hai nước họp ở Hà Nội lại chỉ nói “Kết thúc hội đàm, hai trưởng đoàn đàm phán cấp chính phủ đã ký biên bản ghi nhận cuộc gặp và ra tuyên bố chung về việc hoàn thành công tác phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới đất liền Việt Nam-Trung Quốc đúng thời hạn như lãnh đạo cấp cao hai nước đã thỏa thuận. Hai bên khẳng định sớm hoàn tất và ký kết nghị định thư về phân giới cắm mốc, hiệp định về quy chế quản lý biên giới trên đất liền và các văn kiện liên quan khác nhằm đưa hiệp ước quy chế quản lý biên giới trên đất liền đi vào cuộc sống.” Từ khi ký bản hiệp định biên giới trên bộ cuối năm 1999, nhiều lời phản đối ở trong nước đã cả quyết chế độ Hà Nội đã nhượng bộ cho Trung Quốc trên dưới 600 cây số vuông dọc biên giới và mất một phần thác Bản Giốc (Cao Bằng). Một số người ở trong nước đã bị bỏ tù vì phổ biến tin tức, quan điểm lên quan đến bản hiệp định biên giới Việt Trung bị coi là “bán nước”. Lê Công Phụng, nguyên thứ trưởng ngoại giao nay là đại sứ tại Hoa Thịnh Ðốn, và Vũ Dũng, hiện là thứ trưởng ngoại giao CSVN, luôn luôn bào chữa cho những kết quả của họ đạt được qua các cuộc đàm phán về biên giới và chủ quyền lãnh thổ. Lê Công Phụng, từng trả lời một cuộc phỏng vấn báo chí trong nước rằng bù qua sớt lại, thì sự xê xích không đáng kể. Vũ Dũng, trong cuộc phỏng vấn phổ biến trên Thông Tấn Xã Việt Nam ngày 2 tháng 1 năm 2009, nói rằng không thể có chuyện chế độ Hà Nội “cắt đất” hay “mất đất” cho phía Trung Quốc hiểu ngầm như một sự nhượng bộ vì không chịu nổi sức ép. Ông Trương Nhân Tuấn, một người nghiên cứu sử quan tâm đặc biệt đến các bản hiệp định biên giới giữa hai nước bình luận rằng “Người ta có cảm tưởng nhà nước CSVN treo đầu dê bán thịt chó, công tác rao bán được giao cho tập đoàn báo chí.” Ông Tuấn viện dẫn bản tin ông Vũ Dũng trả lời báo chí ngày 22 tháng 12 năm 2008 khi tham dự buổi lễ cắm mốc biên giới “cột mốc 1116 tại cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn” nói “Hiện nay, 6/7 tỉnh của Việt Nam là Lai Châu, Ðiện Biên, Lào Cai, Hà Giang, Quảng Ninh và Lạng Sơn đã hoàn thành công tác PG&CM trên thực địa; tỉnh Cao Bằng còn một số vị trí mốc chưa cắm. Hai bên đang khẩn trương hoàn thành việc xác định và cắm các mốc còn lại trong tháng 12 này.” Theo ông việc cắm mốc chưa hoàn tất nên cái món thịt chó mà Hà Nội ra bán “cũng là chó vẽ”. Thời gian trước đây, ông Trương Nhân Tuấn dựa vào một tài liệu phổ biến nội bộ của CSVN tiết lộ cho biết một phần của khu vực núi Khấu Mai ở khoảng giữa hai điểm mốc 41 và 46 “không thể kiểm chứng được” là “còn hay mất” vì không có được bản đồ của hiệp ước để kiểm chứng. Thời thập niên 1980, vẫn còn những cuộc nổ súng lẻ tẻ biên giới giữa hai nước và báo chí CSVN từng kêu ca là cột mốc biên giới bị lính Trung Quốc dời sang phía Nam của Việt Nam để lấn đất. Không có một chi tiết nào được tiết lộ về các cuộc thương thảo biên giới và các sự tố cáo cột mốc bị di dời để mọi người biết sự thật ra sao.
|