Trần Khắc Chung của Ngô Viết Trọng |
Tác Giả: Uyên Hạnh | |||
Chúa Nhật, 24 Tháng 5 Năm 2009 15:20 | |||
Trần Khắc Chung được sách nói đến như một viên tướng oai hùng tài giỏi của nhà Trần nước Đại Việt và mối tình ngang trái của ông với Công chúa Huyền Trân. Nàng công chúa diễm kiều con gái út Vua Trần Nhân Tông, một tuyệt thế giai nhân với sắc đẹp rực rỡ qúy phái, vợ của Quốc vương Chiêm Thành Chế Mân. Vua Trần Nhân Tông là một vị vua nhân đức và rất từ ái trong việc trị dân. Vì hạnh phúc và sự yên bình của Đại Việt, tránh cảnh chiến tranh với nạn binh lửa giữa hai nước, nhà vua gả Công chúa Trần Huyền Trân sang Chiêm Quốc làm vợ Chế Mân, một ông vua khá lớn tuổi so với tuổi của nàng. Chế Mân yêu mến sắc đẹp tuyệt vời của Huyền Trân Công Chúa và trong sính lễ dâng lên Quốc Vương Đại Việt để xin cưới nàng, Chế Mân đã trao lại hai miền đất châu Ô, châu Rí. Cuộc hôn nhân của Huyền Trân không những giúp Đại Việt lấy lại được những vùng đất đai đã mất, còn tạo được tình hòa hiếu giữa Đại Việt và Chiêm Quốc. Chỉ tiếc là triều đình nước Chiêm không thiếu kẻ phản phúc và bọn sứ đoàn nhà Nguyên không khoanh tay ngồi nhìn hai nước Chiêm - Việt kết thân. Đó cũng là nguyên do tạo cái chết cho Vua Chế Mân. Kết hôn năm 1306, nhưng chỉ gần một năm sau Huyền Trân Công chúa đã thành góa phụ. Vua Chế Mân chết, Trần Khắc Chung rất lo lắng và xót xa cho Công chúa Huyền Trân phải sống cảnh đơn chiếc tại cung đình ở một xứ sở xa xôi giữa những người xa lạ với nỗi uất ức vì mất hai châu Ô và Rí (và mối hận cả ba châu Địa Lý, Ma Linh và Bố Chính vua Chiêm Chế Củ dâng vua Lý hai trăm năm trước) sẽ khiến nàng phải trải qua lắm cảnh đọa đày đau khổ về sau, kể cả sự nguy hiểm cho bản thân nàng, qua kinh nghiệm ngày Công chúa về Chiêm Quốc được tấn phong Hòang Hậu đã súyt chết vì chén trà có độc của bà Hòang Hậu đương thời vợ trước Vua Chế Mân. Trần Khắc Chung đã tâu với Vua Anh Tông về phong tục hỏa thiêu của Bà La Môn và mối lo sợ rằng Công chúa Huyền Trân sẽ bị đưa lên giàn hỏa thiêu chết theo Vua Chế Mân. Được sự chấp thuận của Vua Anh Tông, Trần Khắc Chung lập kế vào Chiêm Quốc cướp Công chúa Huyền Trân đưa về Đại Việt. Trên đường về, theo sử sách, trong ba tháng thuyền trôi lênh đênh trên sóng nước, hai người đã yêu thương và gần gủi nhau. Ngòi bút của Ngô Viết Trọng cho chúng ta thấy rõ, ngay từ ngày còn ở tại nước nhà, thời gian Công chúa Huyền Trân được Vua Anh Tông chuẩn bị cho nàng trước khi được đón về làm Hòang Hậu Chiêm Quốc, Huyền Trân phải học tiếng Chiêm và phong tục tập quán của Chiêm Quốc. Trần Khắc Chung đã là người phụ giúp trong việc dạy dỗ Công chúa Huyền Trân về những học hỏi nêu trên. Vẻ đẹp khuynh quốc của Huyền Trân, tính nết dịu dàng đoan thục của nàng công chúa ở tuổi cập kê, sự thông minh xuất chúng cùng cái nhìn thấy rõ mọi việc qua đôi mắt và tấm lòng nhân hậu trong sáng của nàng đã chinh phục trái tim Quan Hành Khiển Đại thần Trần Khắc Chung. Trần Khắc Chung đã yêu nàng và vô hình chung là người lo lắng cho an nguy của Công chúa. Ngô Viết Trọng đã tạo cho người đọc cảm giác trung thực hơn về một nhân vật Trần Khắc Chung lừng lẫy qua những dữ kiện lịch sử được kể lại trong lời văn không bóng bẩy trau chuốt. TRẦN KHẮC CHUNG so với những áng văn chương lãng mạn trử tình có thể được gọi là thiếu âm hưởng của thiên nhiên và chất vị thơ mộng của cảnh vật, cho ta cảm giác đọc một quyển sách sử hơn là một quyển tiểu thuyết lịch sử. Nhưng không vì thế mà ngòi bút ông mất đi lực lôi cuốn do bố cục chặt chẽ của sách và phối hợp của một sở học phong phú cùng công trình nghiên cứu dồi dào, thế nên, những dữ kiện lịch sử được ông viết, mang cái sâu sắc có được như khi đọc Tam Quốc Chí. Sách cũng cho ta một nhận thức có phần khác biệt hơn những nhận thức đã có trước đây, đặc biệt về mối tình giữa Trần Khắc Chung và Trần Huyền Trân. Đó là việc người đọc có được một cái nhìn khách quan và thi vị hơn.
Trần Khắc Chung và Huyền Trân Công chúa là một mối tình đã được các thi nhân văn sĩ thi vị hóa, bi kịch hóa hay lãng mạn hóa làm cho người đọc khó thấy rõ một điều đó là tình yêu chân thật. Có thể ảnh hưởng văn hóa trong nếp sống của xã hội ngày xưa đã làm ngòi bút các sử gia thời Trung Đại mang tính khe khắc lên án hơn là cho người đọc cơ hội thấy được cái đẹp của một mối tình không trọn. Mỗi thời đại có một lối nhìn, bằng cách phát biểu khe khắt hay phóng khóang, đã vô tình, nhiều hay ít, làm nặng ngòi bút của người viết khi chuyển đạt một sự kiện lịch sử đến người đọc.
Sách cho thấy Trần Khắc Chung là người đa tài, ông rất tài hoa và ông đã đào luyện Huyền Trân Công Chúa thành vị Hòang hậu Chiêm Quốc thông rõ ngôn ngữ và phong tục tập quán của xứ nầy. Nếu là tình yêu vị kỷ ông đã không dốc hết sức mình ngày đêm đào luyện một Công chúa Huyền Trân có thể sống thỏai mái nhờ biết ngôn ngữ của Chiêm Quốc lại được kính nể khi thông rõ tập quán phong tục của nước đó. Ông đã dốc lòng chỉ dạy và lo lắng không những về những vấn đề trên mà ông còn là người đã động viên tinh thần Công chúa làm nàng hăng hái học hỏi và có được kết quả tốt đẹp, nếu không nói là quá bất ngờ, ngòai cả dự tính của nhà vua.
Thời gian từ ngày Trần Khắc Chung dẫn phái đòan sang Chiêm Quốc để giải cứu Công chúa Huyền Trân cho đến khi đưa được Công chúa về lại nước là một năm. Chính sự chậm trể nầy đã tạo lời thị phi. Những diễn tiến tại Chiêm Quốc, những tai nạn xảy ra cho ông, cả đến giờ phút ông thuyết phục được Vua Chiêm là Chế Chí lập đàn chiêu hồn bên bờ sông, để ông thừa cơ cướp Công chúa đem xuống thuyền nhẹ đậu bên sông và những tháng ngày chạy trốn trôi nổi trên sông theo giòng nước xuôi về Đại Việt là những sự kiện linh động nhờ tài trí và sự ứng phó tài giỏi của ông. Phần Huyền Trân Công chúa, nàng có rung động hay không trước một vị tể tướng oai phong tài giỏi. Thời gian gần gủi qua bao tháng ngày được Trần Khắc Chung làm thầy giảng dạy, có thể Công chúa đã rung động. Và trên hành trình dài xa thẳm khi Trần Khắc Chung hộ tống đưa nàng sang Chiêm Quốc. Rồi một năm sau đó trên con thuyền trôi theo sông nước từ Chiêm Quốc trở về Đại Việt trong ba tháng trời, nàng có cảm nghĩa cử khí khái và sự can đảm của Trần Khắc Chung, người đã không quản nguy hiểm lập kế cứu nàng đem về Đại Việt sau khi Chế Mân chết. Sự rung động giữa trang quốc sắc thiên hương và người hùng xứ Đại Việt có hay không. Nếu không, hóa ra hai người là gỗ đá. Nếu có, thì mối tình nầy đi đến đâu. Chữ «tư thông» các sử gia đã dùng thật quá khe khắt. Huyền Trân vì yêu qúy Cha là một vị anh quân, một người cha tòan thiện sẽ không có thái độ «bôi nhọ» như thế. Huyền Trân trong trái tim của Trần Khắc Chung là hình ảnh của một người tình trong sáng ngây thơ, ông yêu Huyền Trân không phải với ý đồ chiếm giữ, mà ông yêu Huyền Trân với ý tưởng tôn thờ vì lòng ông đầy nỗi rung cảm lẫn kính trọng nàng. Dĩ nhiên khi đã yêu nàng, ông sẽ mơ tưởng được gần gủi được ôm ấp nàng trong vòng tay ấm áp của ông, nhưng không vì thế mà ông có ý định cưỡng đọat. Nghĩa là cưỡng chiếm lòng ông và cả lòng nàng, để cùng đưa nhau vui hưởng lạc thú xác thịt. Vậy thì, ở đây ta thấy được nỗi lòng của cả hai. Một mối tình không trọn nhưng tòan hảo và tuyệt đẹp. Không trọn vì không đạt được sự nồng ấm của ái ân chồng vợ trong niềm tha thiết muốn được gần nhau. Đẹp và toàn hảo vì đích thực đó là tình yêu. Trở về lại Đại Việt, chỉ một thời gian ngắn, và sau khi vua cha từ trần, Huyền Trân đi tu tại một ngôi chùa trên núi. Danh phận Công chúa Huyền Trân hay Hòang Hậu Chiêm Quốc đã không còn hiện hữu trên cõi trần tục, nàng đã thí phát quy y. Sau khi thọ Bồ Tát Giới, Huyền Trân Công chúa mang pháp danh Hương Tràng và tu ở chùa Quảng Nghiêm (Nam Định). Nàng công chúa đoan thục con gái yêu qúy của vua Trần Nhân Tông, vị vua lỗi lạc của nhà Trần, đã theo bước chân giải thóat của vua cha. Vị vua nước Đại Việt đã từ bỏ ngai vàng đi tu trở thành Trúc Lâm Đầu Đà trên Yên Tử Sơn. Trúc Lâm Đại Sĩ chính là Vua Trần Nhân Tông, là Sơ Tổ Thiền phái Trúc Lâm, người đã khai sáng tông phái Thiền Trúc Lâm của Việt Nam. Đọc TRẦN KHẮC CHUNG của Ngô Viết Trọng ta có thể thấy được rằng Trần Khắc Chung thật sự yêu Huyền Trân Công Chúa, và Tể Tướng Trần Khắc Chung thực sự yêu đất nước Đại Việt. Trần Khắc Chung đã làm quan lớn qua bốn triều đại các vua Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông, Trần Minh Tông, Trần Hiến Tông trong những chức vụ quan trọng như Đại hành khiển, Tể tướng, Thượng thư, Ngự Sử đại phu, Đại an phủ kinh sư, Quan nội hầu, Sư bảo. Trần Khắc Chung là một người văn tài tuyệt giỏi, và đến cuối đời ông đã đạt được địa vị cực phẩm. Những tranh chấp dưới trướng vua không tránh khỏi. Huệ Vũ Vương chết vì hành động thái độ của chính ông ta. Việc Trần Khắc Chung bị bôi nhọ khi mồ mả của ông bị kẻ gian đập phá là một việc khá đau lòng. Việc đục tên ông ra khỏi Văn Miếu là một việc khá khe khắt. Trong phần Lời Ngỏ tác gỉa Ngô Viết Trọng viết rằng : «Mong muốn gợi được chút cảm hứng cho những người vẫn thắc mắc mối tình giữa Trần Khắc Chung và Huyền Trân công chúa là chuyện có thật hay chỉ là chuyện hoang đường. Tập trung một số tài liệu thu thập được từ nhiều phía, gạn lọc lại để xây dựng nên tập tiểu thuyết TRẦN KHẮC CHUNG, ước mong của người viết là làm sao phác họa lại chân dung nhân vật lịch sử này được gần với sự thật hơn!». Ngô Viết Trọng đã đạt được mong ước của mình một cách trung thực nhờ đi sát những dữ kiện lịch sử và hấp lực của ngòi bút qua sở học của ông. Viết về Trần Khắc Chung và Huyền Trân Công chúa có thể các sử gia đã đúng khi cho rằng hai người yêu nhau. Và nếu thực sự họ đã yêu nhau thì đây là một mối tình tuyệt đẹp của lòai người. Ngòi bút của Ngô Viết Trọng đã phác họa cho người đọc những dữ kiện của thời gian và không gian, cùng hai nhân vật, một Trần Khắc Chung tài hoa oai hùng, và một Công chúa Huyền Trân thánh thiện với sắc đẹp tươi mát rực rỡ. Ngô Viết Trọng đã dành cho độc gỉa cơ hội dùng tư tưởng và nhận xét của riêng mình để vẽ nên một mối tình, trên 700 năm rồi vẫn còn là một nguồn cảm hứng phong phú, làm đẹp đời sống của chúng ta.
|