Home Lịch Sử VN Các Triều Đại Lăng Ba Vành hội đủ các tiêu chí lăng Vua

Lăng Ba Vành hội đủ các tiêu chí lăng Vua PDF Print E-mail
Tác Giả: Vietsciences- Trần Viết Điền   
Thứ Tư, 08 Tháng 4 Năm 2009 06:31

08/04/2009 
      Để khẳng định chủ nhân lăng Ba Vành là Hộ Bộ kiêm Binh Bộ Lê Quang Đại một số nhà nghiên cứu ở Huế dựa vào cứ liệu duy nhất là hương phổ làng Đồng Di và gia phả họ Lê Quang thuộc làng Đồng Di, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế. Thực tế họ Lê Quang làng Đồng Di không có gia phả chép các vị tổ trước 1930 và các thư tịch như hương phổ và tư văn nghi tiết tế lễ của làng, soạn trước năm 1966, không hề có ngài Hộ bộ kiêm Binh Bộ Ý Đức Hầu Lê quí công. Có người làng Đồng Di đọc báo Bách Khoa Sài Gòn năm 1961, thấy bài viết của cụ Bửu Kế nói về ngài Hộ Bộ kiêm Binh Bộ Ý Đức Hầu họ Lê là người làng, có mộ là lăng Ba Vành nên làng đã ghi thêm vào hương phổ vị nhân thần này từ 1966. Còn quan Hồng lô tự khanh Vũ Bá Khương từng đưa hài cốt thân phụ Vũ Bá Bình của ông vào chôn ở nấm lăng Ba Vành vào năm 1917. Bị ông Án Chất tố giác việc cải táng mộ cha, ông Vũ Bá Khương phải nhờ con trưởng là Hàn lâm biên tu Vũ Bá Đạm chạy án, nhờ tòa khâm sứ Pháp can thiệp với Nam triều, mới khỏi trọng tội. Ông Vũ Bá Khương phải đưa hài cốt của cha khỏi lăng Ba Vành ngay trong năm 1917. Bộ Lễ Nam triều khi trả lời ông R.Orband thì cho rằng ông Vũ Bá Khương đã đưa Hộ Bộ kiêm Binh Bộ vào chôn ở lăng Ba Vành. Chẳng có tờ khai với bút tích của Đinh Như Nghi, Vũ Bá Khương! Cụ Bửu Kế chẳng chụp ảnh và công bố các tư liệu. Trong vụ việc này có phần mờ ám!!!. Trong khi đó ngài Hộ Bộ kiêm Binh Bộ Lê Quang Đại là nhân vật lịch sử duy nhất, thời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát, có mộ táng tại làng Xuân Hòa, bia đá có khắc chức vụ và nơi ngài từng làm quan. Chúng tôi đã công bố đầy đủ tư liệu cho phép khẳng định chủ nhân đầu tiên của lăng Ba Vành không phải Hộ Bộ kiêm Binh Bộ Lê Quang Đại. Như vậy cho đến nay [2009], lăng Ba Vành vẫn chưa có chủ nhân. 
 Thế thì chủ nhân đầu tiên của lăng Ba Vành là ai? 
Để trả lời câu hỏi hóc búa này, chúng tôi sẽ lần lượt công bố các bài viết sau đây:
Lăng Ba Vành hội đủ các tiêu chí của lăng vua.
Lăng Ba Vành là lăng vua bị quật phá để trị tội và bị yểm.
Lăng Ba Vành bị người đời sau tìm cách che giấu khi giáo sư Nguyễn Thiệu Lâu dựa vào gợi ý của linh mục Cadiere, đã công bố chủ nhân của lăng là vua Quang Trung vào năm 1961.
Lăng Ba Vành là công trình kiến trúc thời Tây Sơn. 
Bài viết này gồm có 8 mục:
Cảnh quan phong thủy lăng Ba Vành hội đủ yếu tố địa cuộc đế vương.
Tân nguyệt trì chỉ có ở lăng vua hay lăng mẹ của vua.
Chỉ lăng vua mới có cổng tam quan trước bửu thành.
Nấm mộ hình mai rùa dành cho bậc tôn quí: đại quan, vua.
Nhà bia ở lăng vua có nền chữ thập và mái che.
Lăng vua chúa có toại đạo.
Lăng vua có nhà hà hộ lăng, vườn lăng, giếng nước sinh hoạt.
Motip rồng được trang trí ở lăng Ba Vành thuộc về thời Tây Sơn. 
 PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU: 
  Chúng tôi dựa vào những tư liệu thành văn, quan sát những lăng vua, chúa, đại quan qua các thời, nhất là thời cuối Lê đầu Nguyễn, so sánh đối chiếu để tìm qui luật bất thành văn. Sau đó vận dụng cho lăng Ba Vành.
 Mục A chúng tôi đã công bố trên diễn đàn “Chim Việt cành Nam” qua bài “Lăng Ba Vành dưới góc nhìn địa lý phong thủy”. Còn mục H khá tỉ mỉ và dài, xin công bố thành một bài riêng sau bài [1]. 
 TÂN NGUYỆT TRÌ CHỈ CÓ Ở LĂNG VUA VÀ LĂNG MẸ VUA
Nghiên cứu những tiêu chí lăng vua, cha mẹ vua trong kiến trúc lăng mộ cổ sẽ giúp ngành khảo cổ học phát triển phương pháp giám định chủ nhân những lăng mộ cổ bị tàn phá. Một trong những tiêu chí sẽ được xét trong bài này là cấu kiện tân nguyệt trì.
 Một lăng vua trên bình đồ có thể chia làm hai phần :
Bửu thành và tân nguyệt trì ; Vườn lăng. 
Bửu thành và Tân nguyệt trì là cấu kiện có trục đối xứng hình học. Bửu thành tượng nhật, tân nguyệt trì tượng nguyệt, nhật 日 hợp nguyệt 月 là minh [明]; hàm ý chủ nhân ngôi mộ là bậc minh quân. Bao quanh Bửu thành và Tân nguyệt trì là Vườn lăng. Vườn lăng bao gồm các cấu kiện khác của lăng như nhà bia, điện thờ, hồ, nhà thủy tạ… và tùy theo địa hình địa thế mà xây dựng, trang trí; không cần đối xứng hình học giữa các cấu kiện trong vườn lăng.
Tân nguyệt trì? Tân nguyệt trì có khi gọi là hồ tân nguyệt, là ao trăng non, nó không phải là hồ bán nguyệt, tức hồ nửa hình tròn mà là hồ hình hạt đậu quyên.Tân nguyệt trì trước Bửu thành, cùng trục đối xứng với Bửu thành và Bửu thành thì bao bọc che chở nấm mộ.
Các chúa Nguyễn của Đàng Trong chưa bao giờ được triều Thanh phong vương, chỉ một số vua Đinh, Lê, Lý, Trần, Tây Sơn, các vua đầu triều Nguyễn mới được Thanh triều phong An Nam quốc vương, Việt Nam quốc vương. Vì thế các lăng của các chúa Nguyễn không bao giờ có tân nguyệt trì. Tẩm mộ của các bà vợ của chúa Nguyễn cũng không có tân nguyệt trì, nhưng nếu có hồ thì đó chỉ là hồ bán nguyệt.
Quan sát các lăng vua như lăng Gia Long, lăng Minh Mạng, lăng Thiệu Trị, lăng Tự Đức, lăng Dục Đức, lăng Đồng Khánh, lăng Khải Định hoặc lăng mẹ vua, tức người sinh ra vua, như lăng Thiên Thọ Hữu của bà Thuận Thiên, lăng Hiếu Đông của bà Hồ Thị Hoa, lăng Xương Thọ của bà Từ Dũ… thì thấy trước bửu thành đều có tân nguyệt trì. Tuy nhiên lăng mộ thân phụ của vua mà không từng làm vua thì trước bửu thành cũng không có Tân nguyệt trì như lăng Cơ Thánh (lăng Cao Hoàng), lăng Thoại Thái Vương, lăng Kiên Thái Vương, dẫu Nguyễn Phúc Luân là cha của vua Gia Long, Thoại Thái vương Nguyễn Phúc Hồng Y là cha của vua Dục Đức, Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai là cha của vua Đồng Khánh. Để minh họa xin được trích một số ảnh chụp các lăng Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Dục Đức, Đồng Khánh, Khải Định, phía trước lăng có tân nguyệt trì:


Hình1: Lăng Gia Long phía trước có tân nguyệt trì
 

Hình 2: Tân nguyệt trì của lăng Minh Mạng
 

Hình 3: Tân nguyệt trì khá rõ của lăng Thiệu Trị.
 
Hình 4: Toàn cảnh bình đồ lăng Tự Đức, có Hồ Tân Nguyệt trước Bửu Thành 
 

Hình 5: Tân nguyệt trì trước bửu thành lăng vua Tự Đức.
 

Hình 6: Một bờ của tân nguyệt trì trước An Lăng của vua Dục Đức
 

Hình 7: Một đoạn bờ tân nguyệt trì trước cửa lăng vua Đồng Khánh
(ảnh của Ph. Eberhardt)
 

Hình 8: Lăng Khải Định đang xây dựng dở dang, trước lăng có khe
(sẽ tạo tân nguyệt trì cho lăng).
 

Hình 9: Tân nguyệt trì trước lăng Thiên Thọ hữu, lăng mẹ vua Minh Mạng
 
Hình 10 : Tân nguyệt trì trước lăng Hiếu Đông (lăng mẹ vua Thiệu Trị),đã cạn, nhưng phần kè đá vẫn còn. 
 

Hình 11 : Tân nguyệt trì trước Xương Thọ Lăng của đức Từ Dũ (mẹ vua Tự Đức)  
Nhưng lăng thân phụ các vua như lăng Cơ Thánh (lăng cha vua Gia Long), lăng Thoại Thái vương (cha vua Dục Đức)… không có tân nguyệt trì vì các vị này không làm vua.

 

Hình 12 : Lăng Cơ Thánh ( lăng cha vua Gia Long) không có tân nguyệt trì.
 
Hình 13: Lăng Thoại Thái vương không có tân nguyệt trì
(ảnh tư liệu gia đình TTV)  
Triều Nguyễn không có văn bản luật lệ cụ thể về tân nguyệt trì, nhưng lệ bất thành văn về xây dựng hồ trước lăng mộ cũng có sức mạnh ghê gớm! Cựu tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành từng làm bồn hoa trước lăng Đông Quân, lăng mẹ của ông, thoạt nhìn bồn hoa có hình bán nguyệt. Chỉ tỉ mỉ đo đạc mới thấy bồn hoa của lăng Đông Quân không phải là hình bán nguyệt mà là hình bán nguyệt hơi khuyết một chút, nghĩa là bồn hoa thuộc loại tân nguyệt trì. Việc này góp thêm tội “sửa mộ mẹ quá phép” của Nguyễn Văn Thành, một trong những trọng tội dẫn đến cái chết của đại công thần này.
Vậy: “Chỉ có lăng vua và mẹ sinh ra vua mới có tân nguyệt trì trước bửu thành hay tẩm. Còn thân phụ của vua mà chưa từng làm vua thì trước tẩm mộ không có xây tân nguyệt trì”  
Thế thì lăng Ba Vành có tân nguyệt trì trước bửu thành là một điều không thể bỏ qua. 
Các cụ già như cụ Châu Mậu, Nguyễn Phương ở Ngũ Tây đều nhớ hồ trước bửu thành lăng Ba Vành được kè đá, có nước bốn mùa. Lăng các chúa Nguyễn không có tân nguyệt trì, lăng ông quan Hộ bộ kiêm Binh Bộ Lê Quang Đại, thời các chúa Nguyễn Phúc Chu, chúa Nguyễn Phúc Khoát, dám xây tân nguyệt trì trước lăng ư? Vua chúa triều Nguyễn có chấp nhận việc làm này không? Khi lăng Ba Vành đã thành phế tích, năm 1917 quan Hồng Lô Tự Khanh Vũ Bá Khương, người làng La Ỷ, cải táng hài cốt thân phụ Vũ Bá Bình vào chôn dưới nấm của lăng, bị ông án Chất tố cáo, suýt bị trọng tội. May có con trai là Hàn lâm biên tu Vũ Bá Đạm chạy án, nhờ tòa Khâm sứ Pháp can thiệp với triều đình vua Khải Định thì quan Vũ Bá Khương mới khỏi bị tội. Một điều dễ hiểu là ông Vũ Bá Bình khi vào lăng Ba Vành nằm, ông này có tân nguyệt trì trước mộ, hóa ra ông là vua ư? Vũ Bá Khương dời ngay hài cốt của ông Vũ Bá Bình ra khỏi lăng Ba Vành trong năm 1917. HọVũ Bá sau năm 1917 không ai dám trở lại lăng Ba Vành!!!

Hình 14 : Tân nguyệt trì trước bửu thành lăng Ba Vành
(nhìn từ cổng lăng) 
 

Hình 15 :Tân Nguyệt Trì của lăng Ba Vành ( nhìn bên hông). 
 

Hình 16: Tân nguyệt trì có nước (chụp phía hông ). 
 Lăng Ba Vành có tân nguyệt trì chứng tỏ lăng này là lăng vua!
 CHỈ LĂNG VUA MỚI CÓ CỔNG TAM QUAN TRƯỚC BỬU THÀN
 Lăng, tẩm, mộ có uynh thành tất có cửa lăng, cửa tẩm, cửa mộ. Một vấn đề chúng tôi quan tâm là cổng lăng của hoàng đế và cổng lăng của các vương có gì khác nhau?
 Xem xét cổng lăng của các vua Lý, các vua Lê của Đại Việt, thường được các vua Tống, vua Minh phong “An nam quốc vương” thì cổng lăng là “cổng tam quan”. Không rõ khi mới xây dựng thì cổng một cửa hay cổng ba cửa? Nhưng thời Nguyễn, dân sở tại cùng với sự hỗ trợ của các quan trấn nhậm của triều Nguyễn, đóng góp công của để tôn tạo lăng vua Lý, lăng các vua Lê… thì cổng lăng phải là cổng tam quan.
 

Hình 17 : Cổng tam quan vào lăng vua Lý Thái Tổ.  

 

Hình 18 : Cổng tam quan vào lăng vua Lê Thái Tổ.

 Khảo sát các lăng vua triều Nguyễn thì thấy rằng cổng vào lăng là cổng tam quan. Nhưng khảo sát lăng của các thân vương, hoàng tử, công chúa, các phi tần thì cổng lăng chỉ có một cửa. Đây là một lệ thời phong kiến, dẫu bất thành văn nhưng có thể kiểm chứng ở hằng trăm lăng mộ cổ ở Thừa Thiên Huế. Các lăng vua Nguyễn dù to hay nhỏ bao giờ cũng có cổng tam quan. 
 

Hình19: Cổng tam quan trước Điện Minh Thành của lăng Thiên Thọ ( lăng Gia Long)(chụp năm 1950, tư liệu của P.T.A) 
 

Hình 20: Cổng tam quan ở Hiếu Lăng ( lăng vua Minh Mạng) 
 

Hình 21: Cổng tam quan ở Xương Lăng ( lăng vua Thiệu Trị )
 

Hình 22: Cổng tam quan trước bửu thành Khiêm Lăng ( lăng vua Tự Đức) 
 

Hình 23: Cổng tam quan trước bửu thành An Lăng ( lăng vua Dục Đức) 
 

Hình 24: Cổng tam quan ở trước Tư Lăng (lăng vua Đồng Khánh)
 

Hình 25: Cổng tam quan trước lăng Khải Định.
Triều Lê gần triều Nguyễn. Một số lệ luật triều Nguyễn vẫn kế thừa triều Lê. Một vị đại quan họ Phan có lăng mộ ở Bắc Giang, có khu lăng mộ với tên gọi Lăng Bầu Đá, được xây dựng vào thời Lê, có cổng lăng chỉ có một cửa.


Hình 26: Cổng một cửa trước lăng Bầu Đá ( mộ ông tổ họ Phan) 
Hay khu lăng đá Dinh Hương, có mộ của quận công tước hầu họ La, quan thái giám triều Lê khá bề thế với tượng người hầu, voi chầu, ngựa chầu… cũng có cổng lăng với một cửa.
 

Hình 27: Cổng một cửa của lăng Dinh Hương
(có mộ của quận công họ La, thái giám triều Lê)
 Một vị thái vương như Thoại Thái vương, thân phụ của vua Dục Đức, ông nội của vua Thành Thái, ông cố của vua Duy Tân, có lăng ở gần sông Bồ với cổng lăng chỉ có một cửa. Một vị thái vương khác là Kiên Thái Vương, thân phụ vua Đồng Khánh có lăng với cổng một cửa.
 Các chúa Nguyễn Đàng Trong thời Trịnh Nguyễn phân tranh, các vị chúa như Nguyễn Phúc Khoát, Nguyễn Phúc Thuần dẫu xưng vương nhưng do triều Thanh không chấp thuận nên lăng mộ của các ngài có cổng lăng với một cửa mà thôi. 
 

Hình 28: Cổng một cửa thuộc lăng Trường Cơ của chúa Nguyễn Hoàng 
 

Hình 29: Cổng một cửa thuộc lăng Trường Thanh của chúa Nguyễn Phúc Chu.
 

Hình 30: Cổng một cửa thuộc lăng Trường Thiệu của chúa Nguyễn Phúc Thuần 
  

Hình 31: Cổng một cửa của lăng Kiên Thái Vương
(Ảnh tư liệu của P.T.A) 
  

Hình 32: Cổng một cửa của lăng Thoại Thái Vương (Ảnh tư liệu của gia đình TTV)
  

Hình 33: Cổng một cửa của lăng Tuy Lý Vương. 
 Vậy: “Lăng vua Đại Việt, hay vua Việt Nam, được thiên triều Trung Quốc phong An nam quốc vương hay Việt Nam quốc vương thì mới có cổng tam quan. Còn lăng các quốc chúa, thân vương với cổng lăng chỉ có một cửa” 
Từ những nhận định trên, chúng tôi rất đỗi ngạc nhiên khi đến khảo sát lăng Ba Vành. Bửu thành lăng Ba Vành to hơn lăng các chúa Nguyễn và uynh thành ngoài cùng có hai trụ cổng rất lớn, dù đã bị phá. Má trong hai trụ cổng cách nhau 6 mét. Một cổng lăng như thế thật là hiếm. Khi phát hiện những tảng đá dài vài mét, có dấu vết vôi đắp phù điêu, dấu vết chữ Hán khắc trên đá bị đục đế xóa… chúng tôi đã ngờ cổng lăng này thuộc loại cổng tam quan (?).

Hình 34: Hai trụ cổng còn lại của lăng Ba Vành với hai má trong cách nhau 6 mét.
 Nếu cổng lăng chỉ có một cửa rộng 6 mét thì rất khó tạo tác và không mỹ thuật, chưa kể vi phạm điều tối kỵ trong thuật phong thủy cổ. Vậy cổng này phải có 3 cửa, dĩ nhiên cửa giữa to và hai cửa hai bên nhỏ. Chúng tôi đã cho phát quan, làm cỏ và dọn lớp đất đá ở cổng lăng Ba Vành và sơ bộ phát hiện:
Rất nhiều mảnh vỡ của gạch bìa 23x14x3 (cm) để xây vòm, khung.
Một số gạch vuông màu xám 23x23x5 (cm), được ép chứ không nung, dùng để chèn, kê đá có khắc chữ, đá đắp phù điêu, chống nứt, rạn… Một số gạch múi bưởi, tiết diện hình rẽ quạt, bán kính 20 cm, góc ở tâm 300 để chèn những phần uốn cong.
Một số mảnh ngói liệt.
Đặc biệt chúng tôi đã phát lộ dấu vết khá rõ ràng của hai móng trụ 80x130 (cm) rất đối xứng qua đường thần đạo của lăng Ba Vành. Hai móng này chứng tỏ ở cổng lăng từng có hai trụ giữa, cùng với hai trụ lớn ở hai bên chống đỡ vòm cổng, tạo nên cổng tam quan. 
 

Hình 35 : Dấu vết hai trụ giữa của cổng tam quan thuộc lăng Ba Vành
 

Hình 36: Bậc thềm trước cổng tam quan phủ đầy gạch vỡ của cổng bị phá.  
Trên vòm cổng tam quan từng có những tảng đá dài làm lăng tô :
Tảng đá lớn hình thoi, dài1,5m, để chế tác biển có hiệu lăng. Tảng đá này vẫn còn một mặt khá phẳng có khắc chữ đã bị đục nát.
Tảng đá to bảng, dài khoảng1,8 mét, còn dấu vôi vữa đắp phù điêu. Tảng đá dài gần 2 mét để làm lăng tô phía trên vòm cửa giữa của cổng tam quan. 
 

Hình 37: Một tảng đá dài để tạo tác biển khắc hiệu lăng ( còn dấu vết đục xóa tỉ mỉ ) và một tảng đá dài còn dấu vết của vôi vữa đắp nổi phù điêu.
  

Hình 38: Tảng đá dài để làm lăng tô cho cửa bên của cổng tam quan. 
 

Hình 39: Tảng đá dài gần 2 mét dùng làm lăng tô cho cửa giữa của cổng tam quan.  
Lăng Ba Vành có cổng tam quan chứng tỏ lăng Ba Vành là lăng vua!
 NẤM MỘ HÌNH MAI RÙA DÀNH CHO NHỮNG BẬC TÔN QUÍ. 
  Con qui là một trong 4 con vật linh, khi nó có mặt ở lăng mộ với cái mai bao bọc nấm mộ thì nó có vai trò che chở chủ nhân ngôi mộ, vị chủ nhân này là bậc tôn quí như các đại quan có tước công, hầu hoặc các vương, đế.
 Linh mục Cadiere, trong bài Các mô típ mỹ thuật An Nam có viết về con rùa. Cadiere cho rằng con rùa là biểu tượng sự vững bền, cái mai chắc chắn biểu tượng cho sự chở che và con rùa có trong truyền thuyết mang màu sắc dịch lý… Vì vậy nấm mộ mai rùa không phổ biến trong dân gian. Loại lăng mộ cổ có nấm mai rùa rất khó kiếm ở Phú Xuân Thuận Hóa. Trong công trình nghiên cứu LĂNG MỘ CỦA NGƯỜI AN NAM TRONG PHỤ CẬN HUẾ (B.A.V.H, tập XV, 1928) linh mục Cadiere từng viết:
    “Trong số những ngôi mộ xây, ngược lại, chúng tôi tìm thấy nhiều hình dạng.
 Trước hết chúng ta có những nấm hình bán cầu đã miêu tả ở trên, hiển nhiên có qui tắc hơn, và cũng vậy, nấm này không bao giờ có kích thước lớn (xem mộ cổ 150). Nhưng mẫu này lại hiếm hơn: trong tập sưu tầm những phụ bản in theo đây, người ta chỉ gặp một nấm theo kiểu đó. Trong trường hợp này nấm nằm trên một cái nền cũng hình tròn.
Một hình dạng khá phổ biến nhiều hơn là hình dạng nửa hình trứng hoặc theo một thành ngữ An nam, đó là nấm hình trứng ngỗng…
 Có vài dạng đặc biệt cũng liên kết với hai dạng trên. Ở mộ số 138, cái nấm biểu thị hình mai rùa;…” (sdd, các trang 9,10).
Và trong phần LIỆT KÊ VÀ MIÊU TẢ NHỮNG LĂNG MỘ, có ngôi mộ được Cadiere đánh số 138 và miêu tả :
              “Làng Phú Xuân, thôn Trường Cưỡi. Đồ bản B.
              Phụ bản XXXIV-XXXV: A – Nấm liếp hình con qui…” (sdd, tr83) và ảnh vẽ: 
 

Hình 40: Hình vẽ ngôi mộ số 138 có nấm hình mai rùa.
 

Hình 41: Hình vẽ bình đồ của ngôi mộ số 138
Con qui thuộc tứ linh, chủ nhân ngôi mộ có nấm hình con qui là bậc tôn quí. Hơn nữa mai của con qui còn có ý nghĩa chở che, bảo vệ. Loại này chỉ có một trong 317 ngôi mộ mà Cadiere đã sưu tầm, đủ thấy thời phong kiến, ở kinh đô Phú Xuân người ta dựng mộ kiểu này rất ít.
 Năm 2001 cán bộ Phân viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật tại Huế đã phát hiện và công bố nhóm lăng mộ cổ thời chúa Nguyễn ở Văn Quí, Hải Tân, Quảng Trị. Trong năm ngôi mộ cổ này có một ngôi mộ với nấm hình mai rùa. Dựa vào bài nghiên cứu đăng ở Thông tin khoa học công nghệ… nhóm nghiên cứu Trần Đức Sáng -Hoàng Thị Ái Hoa - Hoàng Minh Tuấn viết: 
“Nấm mộ ở khu lăng này đều là những tác phẩm điêu khắc tượng tròn hoàn chỉnh. Ngôi mộ số I có hình ảnh linh quy rất sinh động với mai, đầu nhìn thẳng, cũng như khoảng phân định giữa mai và chân đều được tạo hình một cách sắc sảo. Nấm hình rùa được đặt trên bệ chữ nhật khá đăng đối. (4)….”

Hình 42: Ảnh chụp toàn cảnh ngôi mộ có nấm mai rùa ở Văn Quý, Hải Tân, Quảng Trị 
 

Hình 43: Nấm mai rùa có hai con cù bao quanh của ngôi mộ ở Văn Quý, Hải Tân,QuảngTrị. 
 Ngôi mộ có nấm hình mai rùa ở Văn Quí, Hải Tân, Quảng Trị với chủ nhân là một viên quan họ Trần, từng giữ chức Cai Hợp thuộc Ty Tướng Thần Lại ở Quảng Nam, được một con trai và bốn người con gái dựng bia vào năm Kỷ Hợi[?]. Các tác giả chú thích văn bia:
“Văn bia được chạm theo lối chữ chân, góc trên tả, hữu của mặt bia khắc hai chữ Việt Cố khá lớn (5cm x 5cm), ở giữa khắc dòng chữ nhỏ hơn (4cm x 4cm): "Đầu khảo Quảng Nam Tướng Thần Lại ty Cai hợp Trần Quí công chi mộ". Dòng chữ bên trái (3,5cm x 3,5cm): "Hiếu tử nam nhị, nữ tứ đồng lập thạch". Dòng bên phải (3,5 cm x 3,5 cm): "Long phi Kỷ Hợi lương (?) (bị vỡ không đọc được) cát đán (?) (bị vỡ không đọc được)".
 Và các nhà nghiên cứu trên cũng phát hiện một ngôi mộ có nấm mai rùa nữa ở làng Hà Trung, các nhà nghiên cứu giới thiệu:
“Ngoài ra, chúng tôi còn phát hiện tại làng Hà Trung (Gio Châu, Gio Linh, Quảng Trị) một ngôi mộ bằng hợp chất vôi hàu giã thô, còn khá nguyên vẹn, với nấm rùa có kích thước tương đối lớn (dài 1,89m, rộng 1,50m, đầu cao 0,53m), mai rùa hoa văn hình lục giác, mắt hướng thẳng về trước, trông rất uy nghi, bề thế….” 
Tất nhiên các tác giả cũng chưa khẳng định được các ngôi mộ có nấm mai rùa được xây dựng vào thời chúa Nguyễn khi viết:
“Phải chăng những ngôi mộ vô chủ nằm rải rác trên dải đất miền Trung, mà dân gian thường gọi "mả vôi", "mả rùa", "mả Tàu", "mả Mọi", "mả Hời", "mả trứng", được xây dựng dưới thời chúa Nguyễn.”
 Thật vậy một ngôi mộ cổ không phải được xây dựng và lập bia một lần. Có khi ban đầu chỉ là mộ đất, về sau con cháu thành đạt, ăn ra làm có mới đủ điều kiện để xây lăng đắp mộ cho cha ông. Có thể con cái dựng bia sớm cho cha mẹ, sau đó các cháu tôn tạo ngôi mộ, vẫn bảo lưu bia cũ mà không cần khắc lại… Hơn nữa những ngôi mộ của những vị tôn quí, con cháu đã xây lớn mà bỏ hoang thì có khả năng những vị ấy thuộc dòng họ thế gia vọng tộc của triều trước, bị triều sau bắt bớ, giết chóc… con cháu phải bỏ trốn không dám viếng mộ của cha ông! Vì lẽ đó khi giám định niên đại ở một ngôi mộ cổ mà chỉ căn cứ vào năm dựng bia, rồi vội kết luận kiểu thức xây dựng, môtíp trang trí thuộc thời chủ nhân ngôi mộ đang sống là có thể phạm sai lầm. Chẳng hạn chúng tôi thử dựng một kịch bản, như một giả thuyết công tác để xác định chủ nhân ngôi mộ có nấm mai rùa ở Văn Quý, Hải Tân, Quảng Trị:
Trần Văn Kỷ là con trai của quan Cai hợp thuộc ty Tướng Thần Lại ở Quảng Nam, từng sống ở Vân Trình thuộc miền hạ lưu sông Ô Lâu. Cha mất trước năm 1775. Vì con quan, có điều kiện ăn học, từng dự những buổi bình văn ở văn miếu Long Hồ, có sự hướng dẫn của quan hiệp trấn Lê Quí Đôn vào giai đoạn từ 1775 đến 1879. Trần Văn Kỷ đã ra Thăng Long ứng thí và đã đổ cao. Về lại Phú Xuân, gia đình ông phấn khởi, nhờ phúc ấm của tổ phụ nên đã xây mộ (chưa bề thế) và ông cùng các em dựng bia cho thân phụ vào năm Kỷ Hợi[1879], nhân dịp Trần Văn Kỷ được “rồng mây gặp hội”(long phi). Vì ân sâu nghĩa nặng với chúa Nguyễn, nên Trần Văn Kỷ không làm quan với Lê-Trịnh, ẩn dật chưa có điều kiện tôn tạo mộ phần tổ tiên. Mùa hè năm 1786 Nguyễn Huệ ra Phú Xuân với danh nghĩa phò hoàng tôn Dương, mời Trần Văn Kỷ và ông đã tham gia phong trào Tây Sơn đắc lực… Khi làm đến chức Trung Thư phụng chính, Trần Văn Kỷ có điều kiện tôn tạo mộ cha và các thân nhân khác ở vùng thượng nguồn sông Bồ, tức ở Văn Quí, Hải Tân, Quảng Trị. Khi vua Gia Long thanh toán triều Tây Sơn, Trần Văn Kỷ bị giết và con cháu cũng phiêu tán… nên mộ phần gia tộc Trần Văn Kỷ cũng bị quên lãng.
 Giả thuyết công tác vừa nêu gọi là góp ý kiến với các nhà nghiên cứu nhằm giám định lịch sử kiến trúc, lịch sử mỹ thuật về nhóm mộ ở Văn Quý, Hải Tân, Quảng Trị. Không vội khẳng định nhóm mộ này được xây thời chúa Nguyễn vì còn có khả năng nhóm mộ được xây dựng vào thời Tây Sơn. Chủ nhân sống và chết thời chúa Nguyễn, con lập bia thời quân Lê Trịnh chiếm Phú Xuân và tôn tạo lớn khi có điều kiện làm quan lớn ở triều Tây Sơn. Để có cơ sở khoa học hơn chúng ta phải dùng kỹ thuật định tuổi của khảo cổ học mới có kết luận.
Tuy nhiên có thể nhất trí rằng đối với những ngội mộ có nấm hình mai rùa, tức có con qui, thuộc bộ tứ linh thì chủ nhân ngội mộ phải là những bậc tôn quí như đại quan, vương hầu và hoàng đế.
Ở lăng Ba Vành, nấm hình con qui gấp nấm ngôi mộ 138 nói trên, hoặc nấm hình rùa ở hai ngôi mộ ở Quảng Trị đến 5 lần! Mai rùa ở lăng Ba Vành to hơn mai rùa ở các mộ ở Trường Cỡi (Huế), Hải Tân (Quảng Trị), Hà Trung (Quảng Trị). Như vậy chủ nhân lăng Ba Vành phải là một vị đại tôn quí, không ai hơn nữa đó là vua.

 

Hình 44: Nấm mộ hình mai rùa to lớn của lăng Ba Vành 
 

Hình 45: Bia trước nấm mai rùa là bia ghi năm xây dựng lăng chứ không phải bia thờ.
NHÀ BIA CÓ NỀN CHỮ THẬP Ở LĂNG VUA.
Khuôn tĩnh ở lăng vua là phần quan trọng nhất của lăng mộ về mặt phong thủy, đặt ở nơi có long mạch đế vương. Nhưng phần này ở dưới mặt đất, khó xác định vì được giữ bí mật. Phần công khai là bi đình hay nhà bia, nơi tôn trí bia “thánh đức thần công”, có minh văn ca ngợi công đức của vị vua táng ở trong lăng. Bia có nhà bia với cột gỗ được sơn son thếp vàng hoặc cột bê tông có chạm nổi hình rồng uốn lượn. Mái của nhà bia lợp ngói, với tầu đao, diềm mái có trang trí rồng…
 Điều chúng tôi quan tâm là nền nhà bia. Thường nền nhà bia của lăng vua có hình chữ THẬP, với ý nghĩa “BÁT PHƯƠNG THIÊN ĐỊA”. Bốn phía nhà bia người ta trỗ 4 cửa, mỗi cửa đều có bậc cấp. Hai bên bậc cấp có cặp rồng hoặc cù. Mộ cổ của các thân vương của triều Nguyễn cũng có nhà bia nhưng nền không có bình đồ là chữ thập, thay vào đó có bình đồ là hình vuông hoặc chữ nhật. Để minh họa qui luật bất thành văn này, đối với việc dựng bi đình ở lăng vua, chúng tôi giới thiệu hình ảnh một số bi đình lăng vua tiêu biểu ở nước ta như sau: 
  

Hình 46: Nhà bia tưởng niệm vua Lý Thái Tổ 
  

Hình 47: Nhà bia Vĩnh Lăng của Lê TháiTổ