Thầy Lập PDF Print E-mail
Tác Giả: Giao Chỉ, San Jose   
Thứ Ba, 02 Tháng 6 Năm 2009 22:48

Vẫn chuyện nhà binh

34 năm sau ngày quốc hận 75, chuyện nhà binh, chuyện thuyền nhân và chuyện Việt Nam Cộng Hòa vẫn còn là đề tài bàn tán trong cộng đồng cao niên của người việt.

Ðặc biệt tại San Jose, mùa quốc hận tháng 4 vừa qua với nhiều chương trình tưởng niệm. Tháng 5 gây quỹ thương phế binh với hàng ngàn người tham dự và góp nửa triệu mỹ kim. Cuối tháng 5, Bắc Cali tiễn đưa vị thủ tướng cuối cùng về nơi vĩnh cửu.

Xem lại danh sách 161 vị tướng lãnh Việt Nam Cộng Hòa, hiện tại chỉ còn phân nửa. Ðại tướng Nguyễn Khánh 85 tuổi sau khi dự tang lễ ông Nguyễn bá Cẩn đã ghé lại thăm viện bảo tàng Việt Nam Cộng hòa lên tiếng hô hào cựu quân nhân đoàn kết. Nhưng tiếc thay, ngày quân lực tháng 6 năm nay tại Bắc Cali, anh em chia tay đôi ngả.

Tại thị trấn Seatle của tiểu bang Washington, ban tổ chức ngày quân lực 2009 đưa ra đề tài tưỡng nhớ các anh hùng mũ đỏ, đơn vị tổng trừ bị số 1 của bộ Tổng Tham Mưu. Ðại tá nhẩy dù Phạm Huy Sảnh xoay sở mấy tháng liền để mời bằng được vị khách danh dự cho gia đình mũ đỏ . Nhưng các vị tướng lãnh tư lệnh của Sư đoàn nhẩy dù đã lần lượt ra đi. Ông Lưỡng, ông Thi, ông Trưởng, ông Viên và ông Ðống, chảng còn ai. Quý vị mũ đỏ cao niên còn lại cũng đa số tuổi già sức yếu. Nhưng rồi sau cùng, phần số may mắn đã tìm được ông thầy của chúng tôi vẫn còn sống để chờ đợi giây phút kỳ diệu của ngày quân lực năm nay. Mũ đỏ Nguyễn Thọ Lập từ miền Ðông xa xôi sẽ về dự ngày tao ngộ nhẩy dù 19 tháng 6 năm 2009. Thầy Lập sẽ là người khách danh dự năm nay.

Vậy thì Thầy Lập là ai mà được anh em quý trọng như thế. Năm nay bác Nguyễn Thọ Lập 92 tuổi, quê Tân Uyên xứ Biên Hòa. Cuộc đời của Thầy là tiêu biểu của người thanh niên Việt Nam trong chiến tranh. Những năm làm huấn luyện viên trường Võ Bị Ðà Lạt, ông đã dạy từ khóa 8 cho đến khóa 10, đặc biệt làm sĩ quan cán bộ cho khóa 3 phụ và khóa 4 phụ, trừ bị. Ðối với khóa 4 phụ Cương Quyết 54 chúng tôi, trung úy đại đội trưởng Nguyễn Thọ Lập là người mà anh em hết sức thương yêu kính trọng.

Bài viết này, xin giới thiệu với quý độc giả về một nhân vật của quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Quả thực đối với giới cao niên trong cộng động, chuyện nhà binh nói suốt một đời chưa hết.

Chàng trai đất phương Nam

Từ Tiểu Ðoàn Trưởng Việt Minh trở thành Trung Úy Võ Bị Ðà lạt Khóa 5. Huấn luyện viên cán bộ đại đội. Trung tá tham mưu trưởng liên đoàn nhẩy dù. Ðại Tá mũ đỏ làm Tiểu Khu trưởng. Giải ngũ trở về quê làm ruộng. Ði tù cải tạo. Mục sư giảng đạo bên Tân Tây Lan. Bây giờ người lính già 92 tuổi đi sửa điện rong cho bà con họ đạo Missouri.Người trai Tân Uyên, Nam Kỳ một đời chinh chiến. Một đời cương trực, một đời nhân hậu. Ông Thầy của tôi. Ông Thầy của tất cả anh em chúng tôi, khóa Cương Quyết Ðàlạt 54. Thầy Nguyễn Thọ Lập.

Vị niên trưởng đầu tiên
Mùa Xuân năm 1954 gần 300 sinh viên học sinh đa số Bắc Kỳ vào thụ huấn Võ Bị Ðàlạt. Ðây là thời gian chuyển tiếp với các cán bộ người Pháp và phụ tá là sĩ quan Việt Nam. Chúng tôi chia vào 4 trung đội của đại đội 6. Ðại đội trưởng là đại úy Cuzin. Ðại đội phó là trung úy Nguyễn Thọ Lập, gốc Nam Kỳ, đứng tuổi, giọng nói rất đặc biệt. Vóc người nhỏ bé, mắt sáng, dáng điệu nhanh nhẹn. Chỉ trong một thời gian ngắn, trung úy Lập được các sinh viên sỹ quan trẻ kính phục và hết sức ngưỡng mộ. Ông là cán bộ đại đội, dạy trực tiếp về tác chiến. Phong thái nghiêm trang và rất thu hút. Rõ ràng là một người có khả năng lãnh đạo chỉ huy. Sinh viên sỹ quan chúng tôi phần lớn ở tuổi hai mươi. Các thiếu úy trung đội trưởng cũng vẫn còn rất trẻ, riêng thầy Lập đã ngoài 30 và có người nói rằng ngày xưa ông là tiểu đoàn trưởng của Việt Minh đánh Pháp ở miền Ðông Nam Phần.

Sau vài tháng đầu làm đại đội phó, những tháng sau thầy Nguyễn Thọ Lập lên làm đại đội trưởng. Ðó là vị chỉ huy quân đội đầu đời của các sinh viên đại đội 6. Hai mươi năm sau ông Lập lên đại tá rồi giải ngũ, các học trò của ông cũng lên đại tá và có bạn đeo sao, nhưng trung úy Nguyễn Thọ Lập mãi mãi vẫn là thầy Lập của chúng tôi.

Nhân dịp 50 năm họp khóa ngậm ngùi 2004, Giao Chỉ tôi nhờ bạn Trần Quốc Lịch liên lạc để lấy tin tức viết lại cuộc đời ông Thầy cũ. Bởi vì ông thực sự là vị niên trưởng đầu tiên mà chúng tôi chân thành cảm phục.

Từ một Tiểu Ðoàn Trưởng Kháng Chiến Chống Pháp trở thành sinh viên Sĩ Quan Võ Bị Ðàlạt Khóa 5. Làm Huấn Luyện Viên cho các khóa đàn em, rồi theo đàn em đi nhẩy dù. Người chỉ huy Dù, chỉ huy Ðịa Phương Quân, Biệt Ðộng Quân. Làm Thị Trưởng, Tỉnh Trưởng, Ðặc Khu Trưởng, Phụ Tá Hành Chánh rồi đến khi giải ngũ thì đi làm rẫy.

Sau 75, ông Thầy cũ của chúng tôi cũng trả nợ trọn vẹn cuộc đời tủ cải tạo tại miền Bắc rồi qua làm Mục Sư Tin Lành ở Hoa Kỳ. Thầy cũng đã từng đi công tác Truyền Giáo tại Tân Tây Lan.

Trong suốt hơn 10 năm qua, anh em trong ban chấp hành của hội Ái Hữu chúng tôi lâu lâu vẫn nhận được của Thầy Lập lúc thì 20 đồng lúc thì 30 đồng. Thầy góp cho tiền bưu phí. Góp tiền giúp cho Thương Binh ở Việt Nam. Giúp cho Homeless ở Hoa Kỳ. Ðó là những món quà nhỏ trân quý nhất. Biết rằng ông Thầy nghèo của chúng tôi ở cái xứ Missouri hẻo lánh đó làm gì có tiền. Vả chăng chính cái họ đạo nghèo của Mục Sư Lập cũng còn phải góp nhặt từng đồng bạc cho các con chiên đủ mầu da ở địa phương. Nhưng chúng tôi vẫn vui vẻ nhận những đồng tiền nhỏ đầy ơn phước của ông Thầy năm nay đã 92 tuổi. Ðể ông vui lòng.

Ðây là cuộc đời của con người bình dị miền Nam, sinh ra trong thời chiến nên phải khoác áo chiến y. Từ hoàn cảnh kháng chiến chống Pháp đến nhiệm vụ chống Cộng Sản. Từ một chiến binh già trở về làm ruộng để rồi phải bước vào trại cải tạo trả nợ núi sông cho đến khi lưu lạc xứ người làm công tác rao giảng lời Chúa.

Quý vị sẽ không tìm thấy ở cuộc đời ông Thầy của chúng tôi đâu là những phút hào hùng vào sinh ra tử mặc dù cuộc đời trải qua 30 năm súng đạn gươm đao và nhiều năm tù đầy lao cải. Không có những giai đoạn li kỳ duyên nợ éo le. Không! Ðây là một thứ tiểu sử rất bình dị chất phác của một người dân Nam Bộ. Nhưng đó là cuộc đời thực sự của ông Thầy chúng tôi

ÐI KHÁNG CHIẾN

Sau khi rời ghế nhà trường thanh niên Nguyễn Thọ Lập trở thành một công chức gương mẫu và mấy năm sau lập gia đình. Cuộc đời đang bình thản trôi thì Việt Minh cướp chính quyền rồi chiến tranh Việt-Pháp bùng nổ. Ðại đa số những thanh niên đầy nhiệt huyết lúc đó đều tham gia kháng chiến theo tiếng gọi đánh Tây cứu nước. Nằm trong thành phần có trình độ học vấn nên Nguyễn Thọ Lập được gửi đi thụ huấn các khóa quân sự liên tiếp từ căn bản đến cấp tiểu đoàn. Năm 1946 miền đông Nam Bộ lúc đó có 4 Tiểu Ðoàn (Việt Minh), Tiểu Ðoàn 310 do Nguyễn Thọ Lập chỉ huy đóng căn cứ tại vùng Ðất Cuốc quận Tân Uyên hoạt động dọc theo đường Xuân Lộc Dầu Giây (Long Khánh) cho đến Dốc 47 đường đi Long Thành và kéo dài qua phía tây vùng Trung Lập, Củ Chi. Vào hai năm 1947 và 1948 Tiểu Ðoàn 310 đã tổ chức nhiều cuộc phục kích các đoàn xe quân đội Pháp trên tuyến đường Xuân Lộc và Long Thành. Ðốt phá quân xa và bắt tù binh, đào đường, đặt mìn, đắp mô, bắn tỉa, pháo kích v.v... Cuộc phục kích năm 1948 tại Dốc 47 cách Long Thành 10 cây số đã gây tổn thất nặng cho một đại đội Liên Hiệp Pháp.
Viên trung úy đại đội trưởng Tây thề tiêu diệt Tiểu Ðoàn 310 Việt Minh và quyết phanh thây tên tiểu đoàn trưởng này. Người này chính là Nguyễn Thọ Lập.

Những năm kế tiếp Việt Minh càng lộ bộ mặt cộng sản công khai. Chúng cài chính trị viên vào đơn vị để nắm quyền kiểm soát. Những cán bộ này đa số xuất thân bần cố nông hay thợ thuyền, không có trình độ văn hóa. Có những bất đồng và va chạm giữa tiểu đoàn trưởng và chính trị viên. Vị Tiểu Ðoàn Trưởng 310 đã bắt đầu cảm thấy phải tìm con đường khác. Ðó là con đường Về Thành. Cuộc đời của thanh niên Nguyễn Thọ Lập mở ra con đường mới.

ÐỜI BINH NGHIỆP

Năm 1950 Nguyễn Thọ Lập từ Tân Uyên vào thành. Vì là cán bộ Kháng Chiến cấp Tiểu Ðoàn ông được quân đội Pháp tiếp đón và đưa về Thủ Ðức nơi Bản Doanh của Bộ Chỉ Huy Miền Ðông. Sau thời gian ngắn ông được trả tự do và đi làm công chức trong Sở Thông Tin tại Sài Gòn. Một lần nữa theo tiếng gọi, công chức Nguyễn Thọ Lập vào học khóa 5 Trường Võ Bị Liên Quân Ðà Lạt. Sau khi tốt nghiệp, Thiếu Úy Lập được thuyên chuyển về Tiểu Ðoàn 63 BVN hoạt động tại Ðức Hòa, Ðức Huệ. Và 6 tháng sau được gọi về làm huấn luyện viên tại trường Võ Bị Ðà Lạt. Tại câu lạc bộ sĩ quan của trường một hôm tình cờ uống rượu nói chuyện phiếm mới gặp trung úy Person và thiếu úy Nguyễn Văn Bảo (khóa 9 Ðà Lạt). Ðây là hai người trong đơn vị Pháp bị Tiểu Ðoàn 310 của thầy Lập phục kích gần Long Thành trước đây. Cuộc đời oái oăm thay, ngày trước là kẻ thù sống chết nay là bạn cùng chung một quân trường.

Khi gần mãn khóa, thầy Lập thay thế trung úy Cuzin làm Ðại Ðội Trưởng Ðại Ðội 6 Sinh Viên Sĩ Quan. Sau đó ông thăng cấp đại úy. Do nhu cầu cán bộ cấp tiểu đoàn trong Binh Chủng Nhẩy Dù để nhận bàn giao các đơn vị do quân đội Pháp chuyển giao, Ðại Úy Lập đã tình nguyện sang Nhẩy Dù với chức vụ Tiểu Ðoàn Phó Tiểu Ðoàn 1. Trong chiến dịch Rừng Sát ông được đề cử làm Tham Mưu Trưởng Hành Quân của Liên Ðoàn. Chiến dịch chấm dứt, ông được bổ nhiệm làm Tiểu Ðoàn Trưởng Tiểu Ðoàn Trợ Chiến cho tới khoảng giữa năm 1956 rời Binh Chủng Nón Ðỏ, đi giữ chức vụ Phụ Tá Hành Quân Quân Khu 3 tại Ban Mê Thuột.

Năm 1959 về làm Chỉ Huy Trưởng Căn cứ Trung Lập (Củ Chi) gần 2 năm. Với 1 Ðại Ðội Ðịa Phương Quân phòng thủ, ông lập đã đẩy lui cuộc tấn công của 1 tiểu đoàn địch đem chiến thắng về cho quân bạn. Sau chiến thắng này được giao phó thành lập và chỉ huy Chiến Ðoàn Ngô Quyền gồm 5 Ðại Ðội Biệt Ðộng Quân tại Nhà Bè và Cần Ðược. Ðơn vị chuyên hành quân tảo thanh, phục kích đêm chận đường xâm nhập của địch quân từ Rừng Sát và Lương Hòa, Bà Hom là hai con đường xâm nhập chính từ hướng đông và tây của địch vào Thủ Ðô Sài Gòn. Với kinh nghiệm chiến trường dầy dạn Thiếu Tá Lập đã góp công lớn trong nhiệm vụ bảo vệ Sài Gòn Và Biệt Khu Thủ Ðô.

Cuộc đời binh nghiệp của Nguyễn Thọ Lập cũng nổi trôi nay đây mai đó, năm 1964 là Thiếu Tá Thị Trưởng Ðà Nẵng rồi Tỉnh Trưởng Khánh Hòa, không bao lâu sau lại về Sư Ðoàn 21 ở miền Tây. Năm 1965 ra chỉ huy Trung Ðoàn 51 Biệt Lập tại Quảng Nam với cấp bậc trung tá. Phật Giáo miền Trung xuống đường năm 1966, ông vẫn giữ vai trò cấp chỉ huy đơn vị quân đội thuần túy, không phe phái, tiếp tục hành quân lùng và diệt địch. Trong cuộc chạm súng tại làng Thạch Bích một cánh quân của Trung Ðoàn 51 đã bắn hạ mấy tên cán bộ cộng sản cấp vùng và bắt được tài liệu Bộ Chỉ Huy Miền chỉ thị các đơn vị cộng sản lợi dụng tình hình chiếm Ðà Nẵng. Tài liệu này được cố vấn Mỹ chuyển về Tòa Ðại Sứ Mỹ ở Sài Gòn và phóng viên CBS quay phim chiếu trên TV tại Mỹ. Nhờ vậy lực lượng Mỹ mới chịu mở phi trường Ðà Nẵng để không vận các đơn vị tổng trừ bị VNCH ra giải quyết kịp thời. Sau biến cố này ông Lập xin đi học lớp chỉ huy tham mưu tại Hoa Kỳ năm 1967. Nhân dịp này ông gặp lại Tướng Walt là cựu Tư Lệnh TQLC Hoa Kỳ tại VN. Lúc này Tướng Walt là Tư Lệnh Phó binh chủng Thủy Quân Lục Chiến tại Hoa Kỳ nên đã cho trực thăng đón ông Lập về thăm viếng Bộ Chỉ Huy.

Tháng 5 năm 1968 sau cuộc tổng công kích Mậu thân đợt 2, Trung Tá Lập về nước, lãnh chức vụ Ðặc Khu Trưởng Ðặc Khu 8 thuộc Biệt Khu Thủ Ðô. Mấy tháng sau về Tòa Ðô Chánh làm Chủ Tịch Ủy Ban Giải Quyết Vấn Ðề Thương Phế Binh (cắm dùi) Sài Gòn-Gia Ðịnh và được thăng cấp Ðại Tá. Ông Lập là người đưa ý kiến lập Làng Thương Phế Binh tại Xa Lộ. Năm 1970 được Tướng Ðỗ Cao Trí Tư Lệnh Quân Ðoàn III mời đi thăm các đơn vị hành quân của Quân Ðoàn III và dự định đưa ông về chỉ huy Sư Ðoàn 5 lúc này đang gặp khó khăn tại mặt trận Snoul, bên Campuchea. Ông Lập đến nơi hẹn trễ nên không có mặt trên chiếc trực thăng định mệnh chở Tướng Trí đã gặp tai nạn và nổ tung. Trở về Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn III lãnh chức Phụ Tá ÐPQ và Nghĩa Quân. Rồi Trung Tá Tỉnh Trưởng Hậu Nghĩa tử trận, được đề cử thay thế nhưng ông đã từ chối. Năm 1973 quận Tánh Linh tỉnh Bình Tuy bị địch bao vây nửa tháng, tỉnh trưởng bị rớt máy bay, Quân Ðoàn đề cử Ðại Tá Lập ra chỉ huy cuộc hành quân giải tỏa Tánh Linh. Chỉ hai ngày là nhiệm vụ hoàn thành. Và một lần nữa ông Lập lại từ chối chức vụ tỉnh trưởng Bình Tuy.

Và cũng năm 1973 Ðại Tá Lập giải ngũ, rồi ông về làm rẫy tại núi Chứa Chan. Cũng tại nơi này 25 năm về trước Tiểu Ðoàn Trưởng Nguyễn Thọ Lập đã đánh tan đoàn xe của Trung Úy Person và cũng tại đây bây giờ Ðại Tá về hưu Nguyễn Thọ Lập là một nông phu làm rẫy! Sau 30-4-1975 ông Lập chung số phận với hàng trăm ngàn quân cán chính bị đi Tập Trung miền Bắc Cuối năm 1979 ông Lập được ra tù và về Sài Gòn. Năm 1980 Thầy vượt biên và được phong Mục Sư trong trại tỵ nạn. Ðược vào Mỹ sớm, định cư tại bang Missouri, tiếp tục làm Mục Sư thờ phượng Chúa. Năm 1990 Mục Sư Nguyễn Thọ Lập đi truyền giáo tại Tân Tây Lan một năm rồi trở về Mỹ làm mục sư cho đến năm 1993 về hưu. Trong thời gian còn lo công tác mục vụ thầy học nghề điện và điện lạnh. Sau khi về hưu thầy đi sửa tủ lạnh, máy lạnh và máy sưởi, VCR, radio, cassette miễn phí cho nhà thờ và giáo dân cũng như những người nghèo. Trải qua hai lần bệnh hiểm nghèo, sức khỏe suy giảm nên từ năm 2000 thầy ít ra ngoài. Mùa đông thường di tản qua nhà người cháu để có tiện nghi và ấm cúng hơn.

Ðó là cuộc đời Mục Sư Nguyễn Thọ Lập. Ngày xưa Trung Úy Lập đã rầy la anh em sinh viên là khi xung phong chưa được dũng mãnh. Bây giờ nhìn lại cuộc đời chúng tôi thầy trò cũng đã già rồi. Cùng nhớ lại bài học xung phong ở tuổi thanh niên đã bỏ lại phía chân trời cũ. Làm sao còn dũng mãnh được như xưa?

Chuyện nhà binh các bạn còn nhớ? Hoa kỳ 40 năm trước vẫn có chương trình cho anh em ta đi du hành quan sát. Năm nay anh em lên tiếng mời ông Thầy 92 tuổi lên đường đi thăm học trò từ Missouri qua miền tây Hoa Kỳ, suốt dọc duyên hải Washington State mà xuống đến Cali. Với tình nghĩa thầy trò và ơn trên phù hộ, chúng ta sẽ đón được ông thầy 92 tuổi đi du hành quan sát cuộc đời lần sau cùng. Xin các bạn sinh viên võ bị Ðà Lat từ khóa 8 đến khóa 10 hiện dịch, từ khóa 3 đến khóa 4 phụ trừ bị. Các bạn mũ đỏ, các bạn bộ binh, các bạn tù, các bạn thuyền nhân, các đạo hữu tin lành của mục sư Nguyễn thọ Lập xin liên lạc về San Jose để biết lộ trình. Tel; 408 392 9923.