Thời gian chờ đợi ký kết thỏa ước càng kéo dài càng bất lợi cho Việt Nam. Nhưng chỉ sau khi nước đàn anh và cộng sản gương mẫu là Trung Hoa đã ký, những phần tử bảo thủ mới phải chấp nhận thực tế là họ cần có nguồn vốn đầu tư ngoại quốc, cần phát triển xuất khẩu mới có hy vọng đạt được mục tiêu biến Việt Nam thành một nước công nghiệp và hiện đại vào năm 2020. Tám tháng sau, Hội Nghị Trung Ương Ðảng lần thứ mười mới công nhận là Việt Nam không còn cách nào khác là hòa nhập vào kinh tế trong vùng và kinh tế thế giới, nhất là với Hoa Kỳ. Vũ Khoan được cử sang Hoa Thịnh Ðốn để ký thỏa ước thương mại song phương BTA với Hoa Kỳ vào ngày 13-7-2000, nhưng việc gia nhập vào Tổ Chức Thương Mại Thế Giới WTO của Việt Nam cũng đã phải chờ đến cuối năm 2006 mới xong, sau Trung Hoa đến hơn năm năm. Sau hiệp ước song phương, sự cải thiện bang giao giữa hai nước Việt Mỹ được thể hiện qua việc 3 chiếc phi cơ C130 của Hoa Kỳ đáp xuống phi trường Tân sơn Nhất vào tháng 10 năm 2000 sau 25 năm vắng bóng để chờ đồ cứu trợ cho những nạn nhân của một cơn bão lớn vừa gây chết chóc và tàn phá tại những tỉnh duyên hải miền Trung và miền Nam.
Sự chần chừ thay đổi ý kiến của Lê Khả Phiêu đã làm nản lòng phe đổi mới, trong khi mấy tháng sau Lê Khả Phiêu vẫn lại chấp thuận cho ký kết thỏa ước cũng đã làm cho phe bảo thủ bất bình. Ðiều này xảy ra là do thái độ của Lê Khả Phiêu đối với Trung Hoa. Mới đầu Lê Khả Phiêu thay đổi ý kiến không dám ký thỏa ước với Hoa Kỳ là vì cùng với Ðỗ Mười, Lê Khả Phiêu sợ làm mất lòng Trung Hoa. Lúc sau, sau khi Trung Hoa đã ký thì Lê Khả Phiêu mới mạnh dạn hùa theo phe đổi mới. Ðó là một trong những lý do khiến Lê Khả Phiêu đã bị mất chức trong khi chỉ được làm tổng bí thư mới hơn ba năm. Trong khi khả năng lãnh đạo của Lê Khả Phiêu, dù xuất thân là một tướng lãnh, được coi là yếu kém, ưu điểm duy nhất của Phiêu là cuộc sống bình dị và gia đình không bị tai tiếng. Tiếng xấu duy nhất của đời tư Lê Khả Phiêu là có tin đồn Lê Khả Phiêu bị trúng phải mỹ nhân kế của Trung Hoa, khiến cho thời gian Lê Khả Phiêu cầm quyền là thời gian Việt Nam nhượng bộ Trung Hoa nhiều nhất, kể cả phải nhượng bộ đất đai trong tranh chấp về biên giới. Tuy tin đồn không được kiểm chứng, nhưng thái độ qui phục Trung Hoa của Lê Khả Phiêu đã được thể hiện rõ ràng. Sau khi Lê Khả Phiêu, với tư cách tổng bí thư, sang thăm Trung Hoa vào tháng 2 năm 1999, phái đoàn thương thuyết của Việt Nam đã bị áp lực để hoàn tất thỏa ước về biên giới Việt Hoa trên đất liền trước năm 2000 và thỏa ước này đã được ký kết tại Hà Nội vào cuối năm 1999 giữa Nguyễn Mạnh Cầm và Ðường Gia Truyền (Tang Jiaxuan). Thỏa ước là một thắng lợi ngoại giao lớn cho Trung Hoa, vì ngoài việc được Việt Nam nhượng bộ về đất đai, trong tháng trước, trong Hội Nghị Thượng Ðỉnh Các Quốc Gia ASEAN ở Manila, Trung Hoa đã từ chối không chịu ký vào bản đề nghị “qui tắc hành xử” (code of conduct) trong những tranh chấp biên giới dù trên bộ hay trên biển. Ðạt được thỏa hiệp với Việt Nam, Trung Hoa đã chứng tỏ là họ có thể giải quyết riêng với từng quốc gia theo cách “chia để trị” của họ. Cũng theo cách này, do chủ trương của Lê Khả Phiêu, Việt Nam cũng sẽ đi lẻ với Trung Hoa mà giải quyết ranh giới trên biển vào năm sau. Trong chuyến đi thăm Trung Hoa lần này, ngoài việc gặp Giang Trạch Dân, Tổng Bí Thư, Lý Bằng, Chủ Tịch Quốc Hội, Hồ Cẩm Ðào, Phó Chủ Tịch Nhà nước Trung Hoa, Lê Khả Phiêu còn ghé thăm Thành Ðô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, nơi Ðỗ Mười và Phạm Văn Ðồng năm 1990 đã qua tạ lỗi, để tỏ ra coi trọng tình hữu nghị Hoa Việt và biết ơn thiện ý của Trung Hoa đã chịu để cho Việt Nam được tái lập bang giao.
Vì thế cô về chính trị, không có kinh nghiệm lẫn kiến thức về kinh tế, và lên cầm quyền trong thời gian mà tệ nạn tham nhũng đang lan tràn trong mọi cấp của đảng viên, việc đầu tiên của Lê Khả Phiêu là mở hai đợt thanh lọc hàng ngũ Ðảng và bài trừ tham nhũng. Chỉ trong tháng 7, 1999, Ðảng trục xuất 200 đảng viên, thi hành kỷ luật 1,550 đảng viên khác, hàng ngàn viên chức khác bị sa thải. Tháng 10 năm 1999, Tổng Giám Ðốc Thuế Quan Phan Văn Ðính bị mất chức vì quá nhiều cán bộ hải quan ăn hối lộ và buôn lậu. Người thay thế là Nguyễn Ðức Kiên, tỉnh ủy tỉnh Hải Dương. Năm 2001, có hai tỉnh ủy viên bị loại, nhưng Việt Nam vẫn được thế giới xếp vào một trong những nước tham nhũng nhất. Tuy không tham nhũng cá nhân, nhưng vì không có hậu thuẫn trong một Bộ Chính Trị luôn luôn có phe phái, Lê Khả Phiêu phải ưu tiên nâng đỡ những đảng viên cùng quê hương là tỉnh Thanh Hóa. Chẳng hạn khi Nguyễn Mạnh Cầm về hưu trong năm 2000, dù Vũ Khoan có khả năng và uy tín hơn, nhưng Lê Khả Phiêu lại áp lực để Nguyễn Dy Niên, người Thanh Hóa, lên thay. Vũ Khoan là người đầu óc cởi mở và chắc chắn sẽ không nhường nhịn Trung Hoa quá đáng như Lê Khả Phiêu. Ông ta đã từng viết trong một báo cáo về sử dụng ngân sách: “...nhiều thứ biết là chưa đúng, nhưng rất nhiều cán bộ lại biện lý lẽ rằng, Trung Quốc đã làm qua. Nhưng chúng ta phải hiểu rằng cái gì đúng ở Trung Quốc không chắc đã đúng ở Việt Nam. Thành quả của Trung Quốc là lớn, nhưng không thể mù quáng học tập theo, nếu cứ như vậy chúng ta sẽ lại mắc bệnh giáo điều, căn bệnh của những năm 80...”
Tân Bộ Trưởng Ngoại Giao Nguyễn Dy Niên sinh năm 1935, tốt nghiệp cử nhân văn chương tại trường Banatas Hindu, Ấn Ðộ. Chuyến công du đầu tiên của Nguyễn Dy Niên khi mới lên nhận chức ngoại trưởng là sang thăm Trung Hoa ngay vào tháng 2 năm 2000. Ngoài Nguyễn Dy Niên, Lê Khả Phiêu cũng đã vận động chức vụ Bộ Trưởng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn và Thứ Trưởng Nội Vụ cho những người cùng quê ở Thanh Hóa. Trong thời gian này, do áp lực của những bí thư tỉnh ủy miền Trung cùng với sự hỗ trợ của Lê Khả Phiêu và Trần Ðức Lương, chính phủ quyết định tiến hành xây dựng xưởng lọc dầu tại Dung Quất, Quảng Ngãi.
Xưởng lọc dầu Dung Quất là điển hình sự lãng phí của một nền kinh tế chỉ huy và duy ý chí. Ðịa điểm Dung Quất ở xa giếng dầu Bạch Hổ cả ngàn cây số, tất cả những chuyên gia đều nhận thấy về phương diện kinh tế không có lợi. Kể từ 1995 đến 2002, dù chính phủ đã đưa ra cho nhiều điều kiện thuận lợi, những tổ hợp công ty ngoại quốc như Total (Pháp), Conoco (Hoa Kỳ), LG (Ðại Hàn), và những công ty khác của Mã Lai, Ðài Loan đều lần lượt bỏ dở. Sau cùng là công ty Zaroubejneft của Liên Xô cũng phải chịu thua nửa chừng vào cuối năm 2002. Vì công trình được dự trù một cách lạc quan là sẽ hoàn thành vào năm 2001, tỉnh Quảng Ngãi đã gửi hàng ngàn trẻ em con cái nông dân đi Vũng Tàu học căn bản về kỹ nghệ dầu khí và ký giao kèo với trường Ðại Học Ðịa Chất để đào tạo cấp tốc hàng trăm kỹ sư dầu khí, dự trù về làm cho xưởng lọc dầu. Tất cả những trẻ em và sinh viên ra trường trở về đều thất nghiệp hoặc phải đi làm những công việc lao động khác. Nhà máy nước xây dựng lên dự trù cung ứng cho xưởng lọc dầu mỗi tháng 15 ngàn thước khối cả năm 2001 chỉ bán được có 16 ngàn thước khối. Vì Bộ Chính Trị không thể mất mặt bỏ ngang, tới tháng 2 năm 2003, không còn ai chịu đầu tư, chính phủ Việt Nam phải đứng ra tự đảm nhận. Số vốn mới đầu năm 1996 dự trù 1.3 tỷ Mỹ kim nay đã tăng lên 3 tỷ. Tất cả những phần kỹ thuật như thiết kế, trang bị, điện toán điều hành đều phải mướn những công ty ngoại quốc. Công trình dự trù hoàn tất năm 2002 đã bị triển hạn dần cho tới năm 2008 và sau khi hoàn tất, hy vọng sẽ thỏa mãn 40% nhu cầu dầu hỏa trong nước. Do tình trạng không thống nhất giữa Ðảng và chính phủ, từ năm 1997, Việt Nam đã không thể có một biện pháp mạnh mẽ nào nhằm cải thiện kinh tế. Trong mấy tháng đầu năm 1998, có khoảng 10% công ty ngoại quốc ở Việt Nam đóng cửa, kể cả 4 nhà băng Ðại Hàn. Mặt khác, số lượng lúa gạo và cà phê xuất cảng cũng bị giảm sút. Tiền nước ngoài đem vào đầu tư không bằng một nửa năm trước. Tệ hơn nữa, cuối tháng 11 năm 1997, Thủ Tướng Nga Chernomyrdyn ghé thăm Việt Nam, mục đích chính là để đòi nợ. Một điểm gai góc giữa hai nước là Việt Nam vay bằng tiền roubles của Nga, nhưng đồng tiền này đã xuống giá quá nhanh nên khi Liên Xô đòi 1.7 tỷ Mỹ kim, Việt Nam cho là quá cao. Nhờ Liên Xô được coi như một “người bạn truyền thống”, hai bên sau này cũng đạt được một thỏa ước, theo đó Việt Nam sẽ trả góp trong 23 năm (một phần nhỏ trả bằng tiền mặt, còn lại trả bằng hàng hóa hay dịch vụ).
Hội Nghị Trung Ương Ðảng kỳ sáu vào Tháng Mười năm 1998 tuy công nhận sự phát triển kinh tế đã chậm lại nhưng lại chỉ kêu gọi phát triển nông nghiệp để đối phó với tình thế, ngoài ra mục tiêu chính của hội nghị vẫn là làm sao kiện toàn bộ máy Ðảng, thanh lọc hàng ngũ đảng viên. Hội nghị cũng không bầu người nào thay thế ủy viên Bộ Chính Trị Ðoàn Khuê vừa mới chết. Dưới ảnh hưởng của phe bảo thủ, hiệp ước thương mại song phương với Hoa Kỳ bị ngăn chận. Bất mãn trước sự thụ động của trung ương, trong năm 2000, thành phố Hồ Chí Minh phải đơn phương tìm biện pháp để giữ chân những nhà đầu tư ngoại quốc. Họ tự động giản dị hóa thủ tục, cho phép những nhà đầu tư đã được thành phố chấp thuận có thể tiến hành công việc làm ăn nếu sau hai tuần vẫn chưa được sự phê chuẩn từ Hà Nội. Những nhà đầu tư nhỏ có thể bắt đầu kinh doanh không cần sự chấp thuận của chính phủ trung ương, và các viên chức của thành phố HCM sẽ họp một tháng hai lần để giải quyết nhanh chóng khó khăn mà những nhà đầu tư ngoại quốc gặp phải.
Tuy nhiên, vì thấy sự phát triển kinh tế mỗi ngày một suy kém và thấy Trung Hoa đã nhanh chân ký trước, Hội Nghị Trung Ương Ðảng lần thứ 10 (khóa VIII) họp vào tháng 7, 2000 cuối cùng cũng bỏ phiếu chấp thuận thỏa ước song phương với Hoa Kỳ và cho phép mở thị trường chứng khoán tại thành phố Hồ Chí Minh. Người được cử sang Hoa Kỳ ký thỏa ước thương mại song phương là Vũ Khoan, vừa được cử sang làm Bộ Trưởng Bộ Thương Mại Thay Trương Ðình Tuyển. Cũng vào dịp đầu năm 2000, Bí Thư Thành Ủy thành phố Hồ Chí Minh là Trương Tấn Sang được điều về Hà Nội làm Trưởng Ban Kinh Tế Trung Ương Ðảng. Người thay Trương Tấn Sang là Nguyễn Minh Triết. Cựu Trưởng Ban Kinh Tế Của Ðảng là Phan Diễn đổi về làm bí thư thành ủy Ðà Nẵng. Không hiểu vì lý do gì, hai ủy viên Lê Xuân Tùng, Bí Thư Thành Ủy Hà Nội và Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Tư Tưởng Văn Hóa cũng đổi vị trí cho nhau.
(Còn tiếp)
|