Trong thời gian những năm cuối thế kỷ thứ 20 và tiếp tục bước sang thế kỷ thứ 21, nền kịch nghệ Việt Nam như một cơn gió tươi mát góp hương vào vườn hoa văn nghệ hải ngoại muôn màu muôn vẻ và đã có một vị trí đặc biệt trong lòng giới thưởng ngoạn người Việt. Ðể có được bước đột phá ngoạn mục ấy, nền kịch nghệ Việt Nam hải ngoại đã chập chững trải qua một tiến trình gần như là bắt đầu từ con số không, dò dẫm đi trên một con đường gập ghềnh không biết chắc chông gai nào đang đón chờ phía trước, và những niềm hy vọng chan chứa nào sẽ đâm chồi nẩy lộc theo thời gian.
Trong những khoảng thời gian đầu trên xứ người, sau cơn tang thương của đất nước hồi tháng 4 năm 1975, những nghệ sĩ Việt Nam di tản đã đem tình yêu đất nước theo cùng với niềm hoài niệm ủ ê về những mất mát quá lớn, nỗi tuyệt vọng về những chia lìa tưởng như vĩnh viễn. Những kịch sĩ may mắn vượt thoát được đến bến bờ tự do chưa định hình được hướng đi của mình, trong lúc các nghệ sĩ bạn trong các lĩnh vực sáng tác âm nhạc và ca nhạc đã có những tác phẩm và tiếng hát phản ảnh tâm trạng mất nước và tha hương.
Hơn ba mươi năm với nhiều nỗi thăng trầm, giờ đây nền kịch nghệ Việt Nam hải ngoại như một đóa hoa diệu kỳ vượt lên đua hương sắc cùng với những loài hoa văn nghệ khác trong khu vườn nghệ thuật hải ngoại. Từ con số kịch sĩ có thể đếm trên đầu ngón tay của những năm đầu tiên, sau một phần tư thế kỷ, con số ấy đã nẩy nở thành một lực lượng nghệ sĩ đông đảo, đa dạng và đầy tài năng, trong đó lớp người cũ sánh vai cùng với những đợt sóng đàn em thế hệ mới cống hiến cho đời những khoảnh khắc giải trí tao nhã, đem đến những tiếng cười và những niềm vui.
Xa hơn nữa, tính khoảng thời gian đất nước bị phân đôi từ ngày 20.7.1954, cho đến thời điểm hiện tại đã hơn nửa thế kỷ. Chúng tôi muốn trở lại quá khứ, cố gắng thu thập một ít tài liệu và một vài hình ảnh về nền kịch nghệ và những cống hiến của nghệ sĩ miền Nam tự do trong giai đoạn nước Việt Nam Cộng Hòa non trẻ chập chững những bước đầu dựng xây. Có một khoảng thời gian ngắn ngủi vài ba năm đất nước thanh bình, rồi chiến tranh kéo dài khốc liệt trong hai thập niên. Trong bối cảnh ấy nền kịch nghệ miền Nam đã có một vị trí tương đối khiêm nhường hơn loại hình cải lương và tân nhạc. Trong lúc cải luơng và tân nhạc đã sản sinh ra rất nhiều tài năng, thì những khuôn mặt tiếng tăm của ngành kịch nghệ, chúng tôi muốn nói thoại kịch, vẫn còn chưa được biết đến và hâm mộ nhiều lắm. Trong khoảng cuối thập niên 1950 và những năm 1960, có hai ban kịch của các kịch sĩ kiêm soạn giả là Ban Kịch Vũ Ðức Duy và Ban Kịch Dân Nam của nghệ sĩ kiêm soạn giả Anh Lân. Hai ban kịch này xuất hiện đều đặn hàng tuần trên Ðài Phát Thanh Sài Gòn.
Nghệ sĩ Vũ Ðức Duy có một giọng nói thuộc loại “kim pha thổ ”, không trầm mà cũng không trong. Những vở kịch của Vũ Ðức Duy thiên về tình cảm gia đình, thường thường xảy ra trong những môi trường danh giá và trí thức, nhân vật trang trọng. Văn chương đối thoại rất được trau chuốt, hình như ít khi cợt đùa lố bịch, những trạng huống kịch tính thường không quá xung đột dữ dội. Nghệ sĩ Anh Lân có giọng sền sệt nhừa nhựa rất đặc biệt, không thể lẫn lộn với một kịch sĩ nào khác. Giống như tiếng giảng bài đều đều của những thầy giáo làng lơ đãng nhìn qua khung cửa sổ ọp ẹp, hay thanh âm trầm trầm của một viên chức cạo giấy nhà nước ngồi ngán ngẩm sau chiếc bàn cũ rích. Nhưng những vở kịch của Anh Lân lại có những xung đột kịch tính khá mạnh, giằng xé giữa những bất đồng, bi kịch trong gia đình hay xã hội.
Cột trụ chống đỡ và tạo nên tiếng tăm cho Ban Kịch Dân Nam phải nhắc tên đến nghệ sĩ xuất sắc Túy Hoa, là phu nhân và cánh tay mặt không thể thiếu của ông bầu Anh Lân. Nhớ về Túy Hoa, có lẽ người ta nhớ đến những bà hội đồng, bà phủ, à thông, bà phán quí phái. Hình như bà Túy Hoa rất ít đóng vai... nghèo thì phải. Vai nào của bà cũng thấy vàng vòng sáng lóa, áo quần bảnh bao. Anh Lân thì dĩ nhiên đóng vai ông chồng hiền lành quá, đến đỗi không bảo vệ nổi những điều mà ông cho là đúng, hay những giá trị ông theo đuổi. Ðặc tính chung các vai của Túy Hoa, là lúc nào người ta cũng giao cho bà những vai có tính tình khó khăn, xét nét từng chút một lỗi phải của dâu rể hay con cái trong gia đình. Vở kịch cuối cùng bao giờ cũng cho bà mệnh phụ Túy Hoa “hồi chánh” trở thành một con người vô cùng nhân hậu, sau khi đã... tàn phá thảm thê những gì không vừa ý. Thí dụ như trong một dĩa cải lương, đôi khi Túy Hoa cũng hát cổ nhạc chút đỉnh, cùng với Hữu Phước, Túy Phượng và Út Bạch Lan. Túy Hoa đóng vai một bà mẹ khó khăn, ham chuộng môn đăng hộ đối, cứ buộc người con là Hữu Phước phải bỏ người yêu Út Bạch Lan đã có thai để lấy cô con gái nhà giàu đỏm đáng Túy Phượng. Túy Phượng về làm dâu quậy quá xá, công dung ngôn hạnh và tam tùng tứ đức là một con số không to như cái... thúng. Bà già chồng chịu hổng thấu, trả cô ta về nhà cha mẹ rồi hối hả cùng con trai đáp xe lửa đi rước bà dâu lớn về.
Nữ nghệ sĩ kiêm ca sĩ Túy Phượng, ái nữ của ông bà Anh Lân - Túy Hoa, với sắc đẹp kiều diễm trời ưu ái ban cho, cô đã đoạt giải hoa hậu trong một kỳ hội chợ. Nhiều hãng phim đã mời cô đóng phim. Ngoài nghề đi hát và đóng phim, Túy Phượng thường được Anh Lân giao cho đóng những vai chánh trong các vở kịch của ông. Tuy nhiên khi cô đóng cho các ban kịch khác thì cô lại phải đóng những vai phụ. Một trong những vai mà làm cho người yêu kịch nhớ mãi Túy Phượng, khi cô đóng vai chánh trong vở cải lương hài hước Ðắt Kỷ Ho Gà của soạn giả Xuân Phát thu trên dĩa nhựa. Túy Phượng trong vai Ðắt Kỷ, không rõ cô đã tập làm sao mà ho khúc khắc, ho nôn lên từng cơn, ngắc ngứ như những con gà lỡ nuốt phải... dây thun. Có một thời Túy Phượng cũng nổi danh là nữ hoàng kích động nhạc, nhất là trong thể loại nhạc Twist.
Một tên tuổi khác có nhiều đóng góp trong những năm kịch nghệ miền Nam phôi thai là nữ kịch sĩ Kiều Hạnh. Với khuôn mặt tròn, sáng, đẹp và phúc hậu, Kiều Hạnh thường được giao cho đóng những vai người vợ đảm đang và nhẫn nhục, khéo chìu chồng hay trong vai những bà mẹ lúc nào cũng ban tưới tình thương bao la cho con cái. Trong khoảng thời gian này đôi chị em nghệ sĩ Kim Lan và Kim Cúc được cả giới hâm mộ cải lương và thoại kịch biết đến tài năng. Nghệ sĩ Kim Lan nổi lên từ dạo bà đóng thành công vai Thị Kính trong phim Quan Âm Thị Kính. Kim Lan đã đóng vai người vợ bị tình oan, khi cô định lấy cây kéo cắt sợi lông mày quá dài của chồng, trong khi chàng đang ngủ. Ông chồng thuộc loại thỏ đế, chợt thức giấc và la làng lên, rằng vợ muốn giết mình. Người vợ bị đuổi ra khỏi nhà, cô giả trai vào chùa xin tu hành, lại va phải cô gái lẳng lơ Thị Mầu. Khán giả, nhất là quí bà quí cô đã khóc hết nước mắt cảm thương cho số phận bất hạnh của người thiếu phụ. Nghệ sĩ Kim Cúc cũng nổi danh với vai Thị Mầu trong cùng phim với Kim Lan. Kim Cúc xông xáo hơn, nên chẳng mấy chốc bà gặt hái được nhiều vinh quang trong cả hai bộ môn cải lương và thoại kịch. Kim Lan và Kim Cúc là những nghệ sĩ tự do, cho nên hai bà thường xuất hiện trong các ban kịch khác nhau. Có một giai đoạn về sau, khoảng đầu thập niên 1970 Kim Cúc có lập Ban Kịch Kim Cúc trình diễn một thời gian trên Ðài Truyền Hình Sài Gòn 9, nhưng không tạo được nét nổi bật và thu hút sự chú ý của khán giả.
Nước Việt Nam Cộng Hòa khởi đi từ năm 1955, sau khi Thủ Tướng Ngô Ðình Diệm được quốc dân bầu lên làm Thổng Thống của nền Ðệ Nhất Cộng Hoà. Ngày nhậm chức Tổng Thống 26.10.1955 được chính thức kể là ngày Quốc Khánh của nền Ðệ Nhất Cộng Hòa. Tổng Thống Diệm đặt trọng tâm gìn giữ thuần phong mỹ tục, duy trì các truyền thống dân tộc và tích cực hoạch định những chương trình kiến thiết quốc gia. Một trong những kế hoạch thu hút tài chánh là việc phát hành vé số Kiến Thiết Quốc Gia được xổ hàng tuần. Ban điều hành công tác cần m ột bài nhạc cổ động để kích thích sự ủng hộ của quần chúng. Bài nhạc đoạt giải nhất là bài Xổ Số Kiến Thiết Quốc Gia của nhạc sĩ kiêm nghệ sĩ Trần Văn Trạch. Cứ mỗi chiều Thứ Ba vào lúc 3 giờ chiều, hầu như máy thu thanh trên toàn cõi Việt Nam đều inh ỏi tiếng nhạc dạo phấn chấn theo điệu Marche cùng giọng ca trầm ấm hào hứng và quyến rũ của ca sĩ Trần Văn Trạch.
Kiến thiết quốc gia giúp đồng bào ta, xây đắp muôn người được nên cửa nhà. Tô điểm giang san, qua bao lầm than, ta thề kiến thiết trong giấc mộng vàng. Triệu phú đến nơi năm mười đồng thôi, mua lấy xe nhà giàu sang mấy hồi. Kiến thiết quốc gia hay là thiên chức của người Việt Nam. Mua số mau lên! Xổ số gần đến!
Trong khoảng vài năm đầu của thập niện 1970, ban tổ chức thử cho thay đổi nhịp nhạc và ca sĩ trình bày thay thế giọng ca Trần Văn Trạch. Ca sĩ Nhật Trường được mời hát bài Xổ Số Kiến Thiết theo một lối hòa âm và phong cách mới. Tuy nhiên nhịp điệu nhạc chậm kém kích thích, vì Nhật Trường chỉ quen hát nhạc tình cảm nhẹ nhàng, nên được chừng năm, bảy tháng ban tổ chức cho phát trở lại tiếng hát của Trần Văn Trạch.
Nói đến xổ số Kiến Thiết, người ta lại nhớ đến mấy me xừ xếnh xáng Chợ Lớn tổ chức oánh số đề đầu và đuôi dựa theo kết quả của lô trúng 100 đồng và lô độc đắc một triệu đồng. Cái màn giải mộng đoán số đề các ông cụ bà cụ nhà ta rất rành. Ðại khái nằm chiêm bao thấy con dê ăn... sua đủa thì cứ oánh số 35, thấy con khỉ đỏ... đít thì đặt số 72 là ăn chắc, vì nó là ông Tề có 72 phép thần thông mà lị. Muốn chắc ăn hơn, ta cứ oánh thêm hai số 53 và 27, là hai số đảo của hai số kia. Cũng liên quan đến chương trình xổ số là phần phụ diễn tân nhạc và mở cửa tự do cho khán giả vào xem. Ðây là dịp mà các nam nữ ca sĩ có dịp chứng tỏ tinh thần tự nguyện và yêu nước của mình khi lên hát chùa cho chương trình kiến thiết quốc gia. Các ca sĩ mới vào nghề cũng có dịp giới thiệu tiếng hát của mình đến với công chúng và hy vọng lọt vào mắt xanh của mấy ông bầu dĩa hát và vũ trường. Tuy đã hát chùa mà cũng đâu phải mọi sự đều xuôi chèo mát mái. Các ca sĩ mặc nhiên được xếp theo thứ tự lô trúng, đại khái gọi là tiền nào thì của nấy. Ca sĩ mầm non thì chịu khó hát sau lô 500 hay 1.000 đồng. Ca sĩ đã nhú lên hơi kha khá cỡ như mụt... măng thì hát sau những lô 5.000 hay 10.000 đồng chẳng hạn. Còn những đại ca sĩ, những tên tuổi thành danh và vô cùng khổng lồ sẽ hát xen kẽ sau những lô cuối cùng. Ban tổ chức chưa bao giờ dám xếp ca sĩ thuộc loại hàng đầu mà hát ở lô 100 đồng cả.
Trở lại với người nghệ sĩ mà đã được đời tôn vinh là Quái Kiệt Trần Văn Trạch. Ông được tặng cho danh hiệu này có lẽ là do ông có biệt tài vừa là ca sĩ cổ nhạc lẫn tân nhạc, vừa là nhạc sĩ sáng tác và tài nhái âm thanh người hay thú thật độc đáo. Nền nghệ thuật của Việt Nam Cộng Hòa chỉ sản sinh ra được ba quái kiệt, trong đó hai thuộc về ngành cải lương là Quái Kiệt Ba Vân và Quái Kiệt Bảy Xê. Trần Văn Trạch có thể nhại làm tiếng gà gáy, tiếng máy bay ầm ì trên trời, tiếng xe hơi chạy vút qua trên vòng đua, hay tiếng xe lửa chạy xình xịch trên đường rầy, hoặc tiếng vỗ tay vang dội của khán giả. Một trong những tiết mục nhái giọng tuyệt diệu nhất, là khi ông giả vai hai tài tử Hongkong là Nghiêm Thuấn và Lý Lệ Hoa y như thật. Nghệ sĩ Trần Văn Trạch không chỉ diễn hài, mà ông còn có thể hát vọng cổ rất mùi, bởi sinh quán ông ở Mỹ Tho, nhưng ông hát tân nhạc càng tuyệt vời hơn. Khán giả sẽ không bao giờ quên được bài hát Chiều Mưa Biên Giới qua giọng ca trầm ấm nhưng cao vút của Trần Văn Trạch trong những buổi đại nhạc hôi. Chính ông là người mở màn cho hình thức đại nhạc hội, là người phát minh danh từ Ðại Nhạc Hội, với nhiều tiết mục phong phú khác nhau từ ca nhạc, múa, hài kịch lẫn bi kịch, ảo thuật, xiếc, v.v.. Ðối với Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa, ông dành ưu ái với tác phẩm hùng tráng Chiến Xa Việt Nam.
Sở dĩ xếp Trần Văn Trạch vào những nghệ sĩ thuộc kịch nghệ, vì chính ông là người khai sáng ra môn độc tấu hài hước, ngày nay người ta gọi là tấu hài. Với mái tóc dài nghệ sĩ, với giọng hát điêu luyện và những bài hát do ông soạn, kết hợp cùng những mẩu chuyện hài hước ý nhị do một mình ông trình diễn, Trần Văn Trạch xứng đáng được tôn xưng là Quái Kiệt. Vị trí này cho đến nay chưa có ai với tới nổi. Chỉ có một lần, có một nghệ sĩ cùng thời với ông lấy tên là Trần Văn Lấu, một vài ký giả cũng cố gọi ông Lấu là Quái Kiệt. Ông Lấu thật ra cũng có một số biệt tài giống như của Trần Văn Trạch, nhưng ông không thể sáng tác nhạc và không có giọng hát quyến rũ như của Trần Văn Trạch. Cho nên một vài năm sau ông tự động lui vào bóng tối và sự quên lãng.
Trong khoảng những năm đầu thập niên 1960, nền kịch nghệ Việt Nam đã tương đối vững vàng, và đã có một vị trí đáng kể trong lòng khán giả. Nếu bộ môn cải lương chiếm ưu thế tuyệt đối trong giới khán giả trung niên, lão niên và giớ i bình dân lao động, thì bộ môn thoại kịch tìm được chỗ đứng tốt trong giới công tư chức, giới trí thức, sinh viên học sinh và thanh niên. Những nghệ sĩ đàn anh đã dẫn dắt và làm cái nền cho thế hệ đàn em trẻ tràn đầy sức sống và sức sáng tạo tiến lên.
Thuộc về thế hệ này là một rừng hoa hương sắc đầy tài năng, mà ta có thể kể tên Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng, Túy Hồng, Ngọc Phu, La Thoại Tân và Vân Hùng. Nền kịch nghệ Việt Nam chỉ duy nhất có một người được tôn xưng Kỳ Nữ là kịch sĩ Kim Cương. Gọi là Kỳ Nữ vì bà có nhiều tài và có công lớn đưa ngành thoại kịch đền gần với mọi tầng lớp công chúng. Vì một lẽ nữa, là ở độ tuổi còn trẻ mà Kim Cương đã lập được Ban Kịch Kim Cương, trình diễn nhiều vở kịch giá trị đề cao luân lý và đạo đức như Bông Hồng Cài Áo, Lá Sầu Riêng, cũng như qui tụ được nhiều ngôi sao sáng.
Kim Cương chuyên đóng những vai mà cuộc đời nhân vật lúc nào cũng gặp toàn những cảnh ngộ thương đau. Dường như chưa bao giờ các soạn giả thử cho Kim Cương được một cái vai mà kết cục hoàn toàn hạnh phúc, theo kiểu hai mái nhà tranh và hai quả tim vàng cùng nhau đến suốt cuộc đời. Cũng có một vài vở kịch trong đó Kim Cương được xum họp với người yêu tới ngày cuối cùng của cuộc đời. Như vở Sắc Hoa Màu Nhớ, trong đó bà đóng vai một cô gái gánh nước mướn ở Cư Xá Ðô Thành, là chị em song sinh với cô gái con nhà giàu đỏm đáng và kiêu hãnh. Cả hai chị em cùng yêu một chàng trai hào hoa phong nhã là Vân Hùng. Vân Hùng cuối cùng thay vì chạy theo cô chị giàu có, thì chàng lại chạy tuốt ra ngoài mấy cái cột phông tên nước công cộng rinh cho bằng đuợc cô gái “sến” đem về chung sống hạnh phúc.
Một trong những cái tài đặc biệt của Kim Cương mà chỉ có những cô đào cải lương như Phượng Liên hay Lệ Thủy mới có thể đuổi theo kịp, là cái tài khóc, lúc nào cũng có thể khóc một cách ngon lành, nước mắt nước mũi rơi rụng như mưa. Trong giai đoạn u ám của đất nước sau ngày 30.4.1975 ấy, chính quyền mới vẫn còn cho phép các đoàn thoại kịch Kim Cương và Bông Hồng của Thẩm Thuý Hằng hoạt động. Thường thường giữa hai màn kịch là phần phụ diễn ca nhạ c, dĩ nhiên là hát nhạc đỏ. Nhưng kèm vào đó nhiều bản nhạc Tây phương thuộc loại quậy và giựt cũng được trình diễn, sau khi khéo léo ngụy trang là nhạc của các bố Bun ca ri (Bulgaria), Hôn ca ri (Hungary), Cu ba cu bố. Các bố văn hóa thông tin vẹm ngố ơi là ngố, có biết cái cóc khô gì đâu, cứ cho phép hát tới luôn.
Nhắc đến Kim Cương thì phải nhắc đến bà Bảy Nam, tức thân mẫu của bà. Khán giả vẫn giữ mãi hoài hình ảnh bà mẹ quê nghèo Bảy Nam trong vở Lá Sầu Riêng áo vá chằng vá đụp xách mấy trái lê ki ma lên thăm con gái và tặng quà cho cháu ngoại, rồi bị bên sui gia giàu có nhiếc móc đuổi xua, thậm chí vu cho bà ăn cắp. Khán giả đã rơi lệ sùi sụt cảm thương cho số phận nhỏ bé bọt bèo của hai mẹ con cô thôn nữ Diệu. Trong vở Bông Hồng Cài Áo, khán giả, nhất là quí bà quí cô cũng đã để cho trái tim vỡ vụn với cảnh bà mẹ Bảy Nam nổi cơn điên vì khóc thương đứa con bị tai nạn chết.
Một khi đã nói về nghệ sĩ Bảy Nam, thì chúng ta lại nhớ đến một nghệ sĩ nữ cao niên khác rất nổi danh cùng thời là bà Năm Sa Ðéc. Bà Năm Sa Ðéc có mái tóc trắng phau rất đẹp lão, và một hình dáng tròn trĩnh sang cả, vì vậy bà luôn luôn được giao cho những vai bà hội, bà hương, bà cai tổng, bà phán, giống như nghệ sĩ Túy Hoa. Bà đóng vai bà mẹ chồng cay nghiệt rất hay, nhưng khi cần, có lúc bà đóng những vai hiền cũng xuất sắc không kém. Nhưng cái nhân dáng của Bà Năm Sa Ðéc sang quá, nên ít khi nào người ta cho bà đóng những vai nghèo. Có vở bà đóng vai chủ nợ đi đòi nợ tá điền thật hết xẩy. Thuốc xỉa bà lận một cục to tướng trong môi trên, cái miệng bà đỏ khé nước cốt trầu, bà chống nạnh, tay kia xỉa xói mắng chưởi nạn nhân ào ào và phun ra những lời độc ác, rồi kêu lũ gia nhân cào nhà người ta xuống thành bình địa. Nhưng ở ngoài đời bà Năm Sa Ðéc lại là một mẫu người vui vẻ xởi lởi, một “mama” chịu chơi hết ý. Ở từng tuổi lão niên mà bà cũng thường xuyên có mặt trong đoàn văn nghệ Hoa Tình Thương của Cục Tâm Lý Chiến quân đội Việt Nam Cộng Hòa đi trình diễn giúp vui cho chiến sĩ tiền tuyến khắp bốn vùng chiến thuật.
Bà Năm Sa Ðéc là hiền nội của học giả Vương Hồng Sển, là người vợ thứ hai của ông, sau khi người vợ thứ nhứt đã đỡ nhẹ nguyên túi hột xoàn bỏ đi theo người tình mới. Vương Hồng Sển, người suốt đời thu thập những cổ vật, đa số là đồ sứ quý báu nhất của thế giới phương Ðông. Trị giá của tất cả những món đồ cổ ông sưu tập được cũng phải lên đến hàng chục triệu mỹ kim. Ấy vậy mà khi họ Vương qua đời, viện cớ quản lý bảo vật quốc gia, cái gọi là nhà nước “ta” đã trắng trợn cuỗm gọn cái di sản độc nhất vô nhị ấy, cả những người con vốn có quyền thừa kế hợp pháp cũng không được mó tay vào. Vương Hồng Sển thuộc nhóm trí thức có khuynh hướng thiên cộng, cùng với Nguyễn Hiến Lê, Sơn Nam, Kiên Giang, một đời ăn cơm quốc gia ngóng ma cộng sản, đứng núi này trông núi nọ. Thời Ðệ Nhứt Cộng Hòa, Vương được Tổng Thống Ngô Ðình Diệm mời làm giám đốc Viện Bảo Tàng Quốc Gia và thường được vời vào Dinh Ðộc Lập đàm đạo, nhất nhất Tổng Thống dành nhiều ưu đãi cho ông. Cúc cung tận tụy với cộng sản là thế mà khi vừa nhắm mắt, vẹm cộng trở mặt ngay, đã tước đoạt di sản một đời thu thập khó nhọc của họ Vương, chắc ông chết không nhắm mắt. Giờ đây, không một ai có thể biết được hàng trăm món bảo vật đó đã được các tai to mặt lớn của nhà nước “ta” chia nhau “bề hội đồng” như thế nào.
|