Có tác giả chép câu ca dao, theo thể thơ lục bát, nhịp võng ru em, của bà cố mình truyền lại là: “Chiều chiều ra đứng ngõ sau. Nhớ người áo trắng khăn quàng vắt vai”. Tui cho rằng tác giả muốn chép lại câu: “Chiều chiều lại nhớ chiều chiều. Nhớ người áo trắng, khăn điều vắt vai”.
Câu lục cà lăm chữ ‘chiều chiều’ là ý em muốn nói: chiều tương tư. Em không bỏ sót chiều nào mà em không nhớ tới anh. Còn câu bát: áo trắng phải đối với khăn điều; chớ khăn quàng đâu có đối? Nhưng tại sao phải là khăn điều? Điều là đỏ. Giấy hồng điều là giấy màu đỏ. Khăn điều là khăn màu đỏ vắt vai để anh Hai chùi cổ trầu cũng màu đỏ; lúc nhai nước cốt trầu trào ra khoé miệng dính tèm lem cái áo trắng thì sao? (Hồi xưa cỡ ông bà ngoại tui, đàn ông cũng ăn trầu; đàn bà cũng ăn trầu. Ăn hết ráo. Say trầu phê phê; mặt hồng hồng; mắt em trong, tình hết biết. Và răng em nhờ vôi ăn trầu nên nó chắc. Vì nước sông đồng bằng nó không có chất ‘fluor’ miền núi.
Ý tui, rốt cuộc, hai câu thơ lục bát này tác giả chép không đúng, câu lục, câu bát không ăn khớp, chắp vá, đầu Ngô mình Sở. Người ta nhớ mẹ; em nầy lại nhớ trai?
Có người lại chép: “Chiều chiều ra đứng ngõ sau. Nhìn về quê mẹ ruột đau chín chiều”. Hoặc: “Chiều chiều ra đứng ngõ sau. Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều”. Hoặc: “Chiều chiều ra đứng ngõ sau. Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều”. Tui cho rằng trong cái ngữ cảnh (context) của câu ca dao nầy, những động từ “nhìn, trông, ngó”, mấy chữ này đúng nhưng không hay. Nó không diễn đạt được hết cái cảm xúc của một người con gái phải đi lấy chồng xa, xót xa khi em nhớ về quê mẹ,
Nguyễn Bính đã bày tỏ cái tâm sự đó qua những câu thơ lục bát, cũng ở điệu ru con, là: “Em ơi, em ở lại nhà, Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương."
Xuồng ba lá trên dòng sông Trẹm – nguồn genk
Mẹ già một nắng hai sương, Chị đi một bước trăm đường xót xa…”
Theo ý tui, câu ca dao nầy đừng tam sao thất bổn, vừa đúng vừa hay phải là: “Chiều chiều ra đứng ngõ sau. Ngóng về quê mẹ ruột đau chín chiều”. Động từ ‘ngóng’ có vẻ sần sùi nhưng là chữ ‘thần’, chữ hay nhứt trong những chữ hay. Vì ‘ngóng’ là bồn chồn; bởi em đang muốn một điều gì đó. (Ngày lãnh lương là em ‘ngóng’ chồng về)
Muốn má ơi đừng gả con xa. Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu? Chi bằng gả con thì gả chồng gần. Có bát canh cần nó cũng đem cho. Còn bây giờ thì: sương khuya ướt đẫm giàn bầu. Bậu về Miệt Thứ bỏ sầu cho qua.
Cuộc sống của lưu dân đồng bằng sông Cửu Long mà. Mới đầu từ Miền Trung vào, ông bà mình chọn vùng đất sông sâu nước chảy để khẩn hoang lập ấp. Sau sanh con đẻ cái một bầy như giặc Tàu Ô. Con cái lớn lên là phải dựng vợ, gả chồng. Dựng là phải có đất, điền để chia cho. Nhưng người đẻ; đất đâu có đẻ. Muốn có đất phải tiến vào Miệt Trèm Trẹm, U Minh.
‘Bên dòng sông Trẹm’ tựa đề truyện dài của nhà văn Dương Hà đăng ‘phơi- dơ- tông’ (feuilleton) trên báo hồi năm nẳm. Sông Trẹm chia rừng U Minh thành U Minh Hạ thuộc Cà Mau, U Minh Thượng thuộc Rạch Giá. Còn gọi là sông Trèm Trẹm là một con sông dài chừng 42 km, từ ngã ba kinh Tân Bằng – Cán Gáo qua Thới Bình chảy về ngã ba sông Ông Đốc, tỉnh Cà Mau. Màu nước sông Trèm Trẹm có cái ngộ là đổi theo mùa. Mùa mưa, nước sông màu nâu sẫm, màu nước dớn (do lá rừng tràm rơi xuống) từ các con rạch đổ ra.
Miệt Thứ, rừng U Minh – nguồn tài nguyên môi trường
Sơn Nam chia miền Tây thành: Miệt vườn, Miệt ruộng, Miệt rẫy và Miệt Thứ. Miệt vườn Mỹ Tho, Bến Tre, Vĩnh Long. Đất vườn do múc mương, vụt sình lên bồi liếp. Xáng mới xúc; gàu thì múc. Nên mới có câu: “Ăn như xáng xúc; mà làm như lục bình trôi”. Miệt ruộng Cao Lãnh, Sa Đéc, Cần Thơ. Miệt rẫy Miệt giồng, Trà Vinh, Sóc Trăng. Miệt Thứ là Miệt rừng U Minh.
Dân U Minh chèo xuồng vô rừng, xắn than bùn về chụm; lửa đượm hơn chụm củi. Xuồng ba lá vì nước kinh rạch chảy liu riu chứ không cần năm lá như miệt sông Tiền, sông Hậu nước chảy mạnh hơn.
Rừng U Minh nhiều cá lóc, cá sặc rằn, cá rô, cá trê, lươn, rùa, rắn: mồi nhậu ê hề. Nhưng kẹt cái là ở rừng, chim kêu vượn hú tối ngày, ở một mình buồn chết. Mới chạng vạng, trời chưa sập tối, muỗi đã vo ve kêu như vãi trấu. Phải hun khói vỏ dừa đuổi muỗi. Muỗi cắn ngứa; ngứa gãi tróc da thành ghẻ. Phải chui vô mùng mà trốn muỗi. Vô mùng nằm cu ki buồn chết tía nên cần người nằm chung mà đàm đạo. Vậy là phải đi về miệt vườn, kiếm nhà nào đông con gái, nhiều miệng ăn, nuôi không xuể, mình rước một đứa về để tiếp má nuôi em. Thương làm sao tấm lòng ‘đại bác’ của mấy ông chồng. Nhưng chua xót thay. Ưng thằng ‘Đực’ chịu ôm gói theo rồi nhưng cái lòng của em, em để lại ở tuốt miệt nhà em. Em giấu biệt nỗi buồn đó với anh. Vậy mà em ‘xạo xạo’ chia ngọt, sẻ bùi cái giống gì không biết nữa?
Chiều đi thăm ruộng về mệt; ngồi nhà trên; uống trà quạu, hút thuốc rê. Còn con vợ không làm mồi cho chồng nhậu sương sương để có hứng chun vô mùng dạo lại bản tình ta mà lại ra đứng cửa sau; ngóng về quê mẹ ruột đau chín chiều mới chết.
Thiệt tội nghiệp mấy anh mình hết sức. Lấy vợ là cày như trâu để lo cho vợ, cho con. Nhớ má, lâu lâu mới về thăm, cho chút đỉnh. Cho nhiều; tiền đâu có? Con vợ nó giữ hết ráo rồi? Má già cả xài hổng bao nhiêu, phần thiếu hụt đã có ba mầy lo. Cho để má an tâm là vợ chồng con không giàu có gì; nhưng không bữa đói, bữa no còn dư chút đỉnh cho má ăn trầu.
Mấy anh mình yêu vợ, thương con là số một. Có vợ rồi cho má xuống số hai. Vậy mà em lấy chồng rồi nhưng em còn nhớ má em lắm? Em chổng mông la quang quác làm vợ khổ lắm, buồn lắm. Giỏi la tầm bậy không hè. He he!
ĐXT