main billboard

 

Tôi – con gái – cao một mét sáu mươi chín.

Hắn – con trai – cao một mét năm mươi chín.

Hai đứa gặp và thân nhau ngay ngày đầu tiên đặt chân đến giảng đường. Trong lớp, hắn học giỏi hơn tôi. Bước ra khỏi trường, tôi khôn lanh hơn hắn. Có lẽ, cả hai sinh ra để bổ sung cho nhau nên lúc nào tôi với hắn cũng có đôi và có cặp – Dĩ nhiên, vì tôi và hắn ở chung nhà trọ. Nhưng rõ ràng và dứt khoát, tôi với hắn không phải là tình nhân, bởi tôi vốn có ác cảm với câu hát “ầu ơ, ví dầu, chồng thấp vợ cao…” từ hồi còn bé. Giữa tôi và hắn là một tình bạn rất trong sáng. Bạn bè đâu dễ tin nên có ý nghi ngờ nhưng sau một thời gian ngắn ngủi dò xét và chứng kiến cách chúng tôi cư xử với nhau, tức khắc họ tin rằng tôi là người chân thật nhất thế giới, không hề gian dối một câu.

Mãi cho đến khi tôi có người yêu hắn mới lủi thủi khăn gói đi “share” phòng với người bạn trai khác và khi tôi kết hôn thì hắn biến mất không thấy tăm hơi cho đến 30 năm sau, khi nhà tôi qua đời tôi mới nhận được tin hắn.

Hắn vừa lập gia đình cách đây 2 năm. Tôi vừa ngạc nhiên, vừa mừng khi biết hắn có được cuộc tình đầu tiên ở tuổi 50.

Ngày hắn gọi điện thoại báo tin sẽ một mình đến thăm tôi và ở lại 2 tuần tôi hơi chột dạ. Dĩ nhiên tôi và hắn vẫn là bạn thân như ngày còn cắp sách đến trường nhưng hai con của tôi sẽ nghĩ sao khi mẹ chúng – người đàn bà góa chồng – bỗng nhiên mang về nhà một người bạn trai. Phân vân mãi cuối cùng tôi cũng phải ngập ngừng hỏi ý bọn trẻ. Đứa con gái nheo mắt dễ dãi:

– Có sao đâu mẹ.

Còn thằng anh thì cười tủm tỉm:

– Mà nếu có sao thì… tụi con mừng vì mẹ không còn cô độc.

Tôi nghiêm mặt gạt ngang:

– Mẹ với chú Hội là bạn học từ mấy mươi năm trước. Hai đứa không được nghĩ bậy.

Gặp nhau ở phi trường tôi ngỡ ngàng khi nhìn thấy bộ dạng tiều tụy, xơ xác của hắn. Trời ạ! trông hắn không khác gì thuyền nhân tỵ nạn mấy mươi năm về trước. Thân hình nhỏ thó ngày xưa dường như càng teo lại với cái trán trống hoác lơ thơ vài cọng tóc. Khuôn mặt thuộc loại dễ nhìn của hắn như chảy xuống, chỉ có nụ cười vẫn còn nguyên nét hiền từ và phúc hậu. Nỗi thắc mắc vẫn chập chờn trong đầu tôi trên suốt đoạn đường trở về nhà “Vợ đâu mà hắn lại đi một mình? Người đàn bà đó có biết chồng mình đi đâu không? Và nếu có sự hiểu lầm nào xảy ra liệu bà ta có tin rằng tôi với hắn chỉ là bạn?”

so phan

Bảo Huân

                                                                                     o O o

– Ồ!… em trả giùm anh đi, khi về anh sẽ hoàn tiền lại cho em.

-..

Anh mới quên có một lần mà sao em vội nghĩ anh cố ý? Em hơi quá đáng rồi đó nghe.

-…

– Từ trước đến giờ, có khi nào anh giựt tiền của em chưa? Là vợ chồng mà sao em tính toán quá vậy?

-..

– Tùy em. Có gì thì đừng trách anh.

Hắn buông điện thoại, mặt dài ra thảm não.

– Chuyện gì thế?

– Thì… ba cái chuyện trời ơi đất hỡi, chẳng đâu vào đâu để vợ chồng có cớ gây gổ cho vui nhà, vui cửa vậy mà.

Tôi nhìn hắn và im lặng kịp thời để khỏi đặt câu hỏi “Vui mà sao mặt “You” nhăn nhó như khỉ ăn ớt thế?”.

Kể từ hôm gặp nhau, tôi và hắn thường ngồi ôn lại những kỷ niệm vui buồn đáng nhớ của thời cắp sách đến trường. Trong câu chuyện chưa bao giờ hắn nhắc đến vợ và tôi cũng chưa có cơ hội để hỏi hắn một câu mà tôi rất muốn hỏi, “You” có hạnh phúc với cuộc hôn nhân muộn màng này không?.

Hai hôm sau, nửa khuya ra bếp tìm nước uống, đi ngang phòng ngủ dành cho khách tôi nghe giọng hắn vang lên đầy giận dữ:

– Chuyện dễ hiểu như vậy sao em còn thắc mắc. Vợ chồng với nhau, anh chỉ nhờ em ứng 2 trăm để trả tiền điện mà em còn sợ mất, huống chi công ty điện, họ có biết mình là ai đâu, không trả tiền thì dĩ nhiên phải cắt. Anh đã nói mà em không tin, bây giờ than thở, trách móc gì.

-….

– Em chỉ muốn làm khó anh chứ em đã từng nói với anh, ma sợ em chứ em chẳng đời nào sợ ma. Ha! Ha! gan lì cỡ em ở trong bóng tối vài hôm nhằm nhò gì.

Tôi quá đỗi ngạc nhiên với lối nói chanh chua và gai góc của hắn. Thì ra, hắn chẳng còn khù khờ như thuở xưa. Cái thuở mà tôi thường trợn mắt, cung tay với tụi bạn cùng lớp để bênh vực hắn.

– Người vô trách nhiệm là em. Em vô trách nhiệm với chính bản thân của em, chỉ vì lúc nào em cũng bo bo giữ túi tiền. Anh có lấy của em một xu nào đâu mà em tính toán đến phát sợ. Từ ngày sống với anh, em chưa bao giờ bỏ ra một xu nhỏ. Bao nhiêu chi phí trong nhà anh lo hết…

-…

– Em nói sai rồi. Làm được bao nhiêu tiền em cất giấu để gửi về Việt Nam nên người keo kiệt là em chứ không phải anh. Thật ra, anh biết bổn phận làm chồng là phải lo cho vợ. Nhưng chỉ cần em biết điều một chút, chỉ cần em tỏ ý muốn góp phần với anh để cùng lo cho gia đình nhỏ của mình thì anh sẽ rất vui lòng mà nói với em “thôi em cứ giữ tiền để lo cho ba má và mua sắm những gì em thích” và anh nhất định không nhận một món tiền nào của em dù rất nhỏ. Nhưng chính sự vô tâm và ích kỷ của em đã cho anh nhìn thấy rõ bản chất con người của em. Mỗi lần anh nhờ em ghé chợ mua vài món cần dùng, bao giờ em cũng ra điều kiện “anh phải nhớ trả tiền lại cho em”. Trong khi những món anh cần mua đâu phải chỉ dành cho riêng anh. Quả thật, em muốn tiền bạc của em không bị sứt mẻ đồng cắc nào. Chưa kể đến việc cửa phòng của em lúc nào cũng khóa kín, không cho anh bước chân vào. Hành động tom góp của em khiến anh nghĩ rằng em đang chuẩn bị rời khỏi anh.

-…

– Anh không đổ tiếng oan cho em. Bởi vì em và anh, chúng ta đều biết rõ, mình đến với nhau không phải vì tình. Dù vậy, anh vẫn cố gắng thu ngắn cái khoảng cách giữa hai đứa. Anh muốn sống với em cho đến hết cuộc đời nhưng em thì không. Em tự ý làm mọi chuyện mà không hề quan tâm đến cảm giác của anh. Ngay cả việc em thường xuyên đi chơi đêm rồi ngủ lại ở nhà bạn và những chuyến du lịch nhiều ngày của em với ai anh không hề biết…

Có tiếng chân hắn đi dần ra cửa, tôi chạy vội đến tủ lạnh kịp lúc hắn vừa bước ra. Tôi rút vai, nheo mắt với hắn ngụ ý “giấu đầu lòi đuôi rồi đấy nhé”. Hắn gấp máy, giọng xụi lơ:

– Nghe hết rồi phải không?

Tôi cười thích thú:

– Ha! Ha nhờ vậy mới biết “You” khôn lanh hơn xưa nhiều.

– Nhưng với vợ thì mãi mãi tôi vẫn là một thằng lù khù.

Giọng nói và ánh mắt đầy vẻ cam chịu của hắn khiến tôi nao lòng.

– Thôi ráng ngủ một giấc thật ngon. Chuyện ngày mai để ngày mai tính.

                                                                                o O o

– Tôi gặp Nhan trong một lần theo bạn về Việt Nam. Những lần đi chơi chung nhóm, Nhan luôn là người chở tôi bằng xe gắn máy. Thật ra, tôi cũng chẳng để ý đến Nhan vì chưa bao giờ tôi có ý định về Việt Nam cưới vợ. Nhưng khi trở về Mỹ, Nhan nhiều lần gọi điện thoại than thở, vì tôi mà Nhan bị bạn bè cười chế giễu “con Nhan bị thằng bồ Việt kiều đá cho một phát đau điếng”. Tôi hoảng hốt phân bua “Nhưng đâu có bao giờ tôi tự nhận là bồ của Nhan”. “Em biết nhưng cho dù đó là sự lầm lẫn đi nữa em cũng cảm thấy rất xấu hổ nên phải trốn tránh mọi người. Có lẽ mặc cảm này sẽ đeo đẳng em cho đến hết cuộc đời”. Tự dưng, tôi cảm thấy mình có trách nhiệm với tai tiếng ác nghiệt mà Nhan phải mang lấy trong một xã hội còn nặng thành kiến nên có một lần tôi thẳng thắn đặt vấn đề “Tôi muốn về bên đó làm đám cưới với Nhan, Nhan có đồng ý không?”….

Tôi nóng nảy ngắt lời:

– Và cô ta im lặng không trả lời?

Ánh mắt xa xăm của hắn đột nhiên vụt sáng dưới đôi mày nhíu khẽ:

– Sao “You” biết?

– Chỉ có mình “You” là không biết chứ ai mà chẳng đọc được ý nghĩ của cô ta. Cô biết “You” đã sa vào bẫy nên cứ làm ra vẻ bất cần để “You” tin là cô ta không có ý đồ.

Đôi vai hắn như thõng xuống. Tiếng thở dài của hắn dù rất nhẹ tôi vẫn cảm nhận được nỗi buồn sâu sắc trong đó. Tự dưng tôi thở dài theo hắn.

– Thì ra “You” cưới vợ chỉ vì trách nhiệm chứ không phải vì tình. Cô ta có mục đích nên cũng chẳng thiệt thòi gì, chỉ tội nghiệp cho “You”.

– Số phận tôi là vậy mà. “You” không nhớ có lần tôi và “You” cùng thằng Khan đi xem bói à. Ai cũng tình duyên êm đẹp chỉ có tôi là đường tình trắc trở, số canh cô mồ quả nên dù có vợ cũng rất cô độc. Hồi đó tôi không tin nhưng càng ngày càng thấy đúng.

– Bây giờ “You” tính sao?

– Sao nữa! số phận của tôi mà. Chữ nợ lớn hơn chữ duyên nên phải trả cho đến hết đời.

– Đồ điên! thời đại này là thời đại nào mà còn tin nhảm nhí. “You” có thể hy sinh tất cả cho một tình yêu chân thật, nhưng nếu người ta dùng chữ nợ để trói buộc “You” với mục đích lợi dụng thì đừng phí cuộc đời với kẻ không có trái tim.

– Nhưng dù sao tôi cũng còn trách nhiệm.

Tôi muốn hét to vào mặt hắn, “You” đúng là thằng khùng khi đeo riết bên mình hai chữ trách nhiệm, thứ trách nhiệm đặt không đúng chỗ. Nhưng hơn ai hết tôi hiểu rằng không ai có thể thay đổi được ý nghĩ của người khác. Ngày xưa, mỗi khi hắn than thở:

– Tôi lù khù nên đi đâu cũng bị ăn hiếp.

Tôi ân cần an ủi:

– “You” không nghe người ta nói, lù khù có ông Cù độ mạng sao. Đừng lo, sau này “You” sẽ được vợ bao bọc, chở che.

Chắc thời đại a còng này ông Cù không còn nữa nên chẳng có ai độ mạng cho hắn. Và như thế hắn sẽ khổ cho đến chết vì cái trách nhiệm lãng xẹt mà hắn đã khờ khạo kê vai gánh lấy.

NB