Ba tháng sau khi tôi vào Don Bosco, Nhỏ vào tu dòng Saint Paul áo trắng
Thiên Thần Bổn Mạng Thứ Hai
Giữa năm 1962 lúc tôi gần học xong đệ Ngũ lớp “7-Đạo-2”, cha Hướng, linh mục VN đầu tiên (và duy nhất) của dòng Don Bosco đến thăm chú An, hai người là bạn học tại chủng viện Ninh Cường ngoài Bắc.
Gặp cha chú An mừng quá đem tôi đến giới thiệu:
- Thằng cháu của con nghịch lắm, ở đây trường thầy không ra làm sao cả. Cha thấy nếu được cho nó đi theo cha với.
Cha Hướng quay hỏi tôi câu đầu tiên:
- Con có thích đá banh không?
Tôi mau mắn đáp:
- Dạ thích lắm ạ.
Cha hỏi qua về việc học, trước khi về cha dặn:
- Ngày mai con đến nhà dòng trên Trạm Hành gặp cha.
Trạm Hành chỉ cách Phát Chi khoảng một cây số, thấy tôi tới cha Hướng dẫn đến giới thiệu với một cha người ngoại quốc, tướng to lớn mặt đỏ như Trương Phi, cha nói:
- Đây là cha Smith người Tô Cách Lan mới qua Việt Nam, đang học nói tiếng Việt. Con tập cho cha nói đi, nói chuyện gì cũng được.
Tôi thấy việc này cũng hay hay, sau khi còn lại một mình với cha Smith, chợt thấy trên bàn có trái bưởi tôi chỉ tay nói:
- Trái bưởi.
Cha Smith uốn lưỡi lập lại:
- Tra..ái buồi..uổi…
Tôi phá ra cười dậy câu tiếp:
- Ăn bưởi chua lắm.
Cha Smith nhăn nhó cố nói theo:
- Eng bù..ồi chu lém…
Tôi không thể nhịn được ôm bụng cười ngặt ngẽo. Cứ vậy hai cha con một người cố uấn lưỡi một người ôm bụng cười.
Cha Hướng đi qua nghe cha Smith nói cũng không nhịn được phải phì cười. Hai cha quay sang nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh, cha Hướng quay lại giải thích:
- Cha Smith hỏi tại sao các thầy dậy cha nói tiếng Việt không ai cười, con dậy cha nói cái gì mà cười nhiều vậy.
Tôi ra vẻ ngay thật:
- Dạ con cũng không biết. Nhưng nghĩ thầm chắc các thầy không dậy cha nói “ăn bưởi chua lắm”! Lúc về cha Hướng nhờ tôi đưa chú An một lá thư và dặn chung chung:
- Nhờ chú sắp xếp cho
Mấy ngày sau không khí gia đình tôi hơi lạ, mẹ lục quần áo của tôi coi cái nào lành cái nào rách đem cho, chú An mua cho tôi đôi giầy mới, chị Liên mang đến cho tôi vài đôi dớ, mấy cái quần đùi.
Tôi vẫn vô tâm, đi học về nếu không đi đánh banh cũng ôm quyển kiếm hiệp của Kim Dung ngồi gốc cây tụng. Thằng Trung cũng hơi khác, mặt nó bí xị, miễn cưỡng khi tôi rủ đi chơi vừa đi chút xíu đã muốn về.
Nhỏ càng lạ hơn nữa, vài ngày nay trong những buổi lễ sáng chiều Nhỏ không quay sang “đánh moọc” với tôi nữa. Tôi quay sang bên con gái nhiều lần nhưng Nhỏ cứ nhìn thẳng… Kỳ thật!
Tối nay cả ấp lại họp “toàn dân” để nói về việc làm ấp chiến lược, những dịp này trước đây tôi và Nhỏ mừng lắm, hai đứa sẽ kiếm chỗ khuất nơi cuối hội trường để tự do nhìn nhau. Lạ một điều là chúng tôi chỉ biểu lộ tình cảm khi đăm đăm nhìn nhau với ánh mắt nồng nàn, chan chứa mến thương, nhưng đến khi đối diện tình trạng khác hẳn, Nhỏ gắm gẳn còn tôi cộc lốc.
Nếu chỉ nghe chúng tôi đối thoại sẽ không ai biết chúng tôi đang “phải lòng” nhau… Hội trường đã đông nghẹt, buổi họp đã bắt đầu nhưng vẫn không thấy Nhỏ đâu, tôi chạy ra chạy vô mấy lượt…
Cuối cùng không đừng được tôi đi đến nhà Nhỏ. Nhà vắng lặng, gọi cửa hai ba lần mới nghe tiếng lịch kịch, Nhỏ hiện ra vẻ xa vắng, một lúc mới lên tiếng hỏi:
- Anh Tuấn đến làm gì đây?
Tôi lúng túng quá, không lẽ hỏi tại sao không ra hội trường ngồi…liếc. Nhỏ hỏi tiếp:
- Hôm nào anh đi?
Tôi ngạc nhiên:
- Đi đâu?
Nhỏ vùng vằng mở rộng cánh cửa cho tôi vào, hai đứa ngồi xuống chiếc bàn nơi gian giữa, giọng Nhỏ giận dữ:
- Đi tu chứ đi đâu.
Tôi chưng hửng hỏi lại:
- Đi tu cái gì? Ai nói đi tu?
Nhỏ bực tức cao giọng:
- Chị Liên nói, Chị nói anh sắp đi tu dòng Don Bosco. Cả làng này đều biết vài ngày nữa anh đi.
Tôi bừng lên chợt hiểu. A! thì ra vậy. Chắc trong thư gởi chú An cha Hướng cho biết sẽ nhận tôi vào nhà dòng, gia đình tôi lại đoán cha Hướng đã cho tôi hay nên không ai nói gì.
Mấy ngày nay việc đi tu của tôi ai trong giáo xứ cũng biết trừ mình tôi!
Nghĩ đến việc sắp được đá banh thả dàn, được thổi kèn, được học bao nhiêu điều mới lạ, tôi khoái quá… nhỏ Trinh vẫn nhìn tôi đăm đăm, thấy mặt tôi tươi cười hớn hở Nhỏ ngồi phịch xuống ghế, tôi nghe tiếng “Hừ”, quay lại, mặt Nhỏ đẫm nước mắt. Nhỏ đăm đăm nhìn ngọn đèn dầu tù mù, tôi áy náy biết Nhỏ buồn giận nhưng không biết phải làm gì cho phải.
Lúc đó tôi chưa ý thức được ý nghĩa của “đi tu” ra làm sao, chưa nghĩ đến chuyện sẽ phải hiến mình cho Chúa, sẽ phải sống độc thân, phải từ bỏ mọi vui thú “thế gian”.
Nhỏ đột nhiên đứng bật dậy quát: “Về đi.” rồi đi vào trong. Tôi lại phân vân nhấp nhổm đứng lên ngồi xuống, biết Nhỏ giận nên chưa dám về vội.
Đợi một lúc thấy Nhỏ không ra nữa, cả nhà vắng lặng tôi đành đứng dậy gọi và trong:
-Trinh ơi về đây. Trinh ơi.
Không có tiếng trả lời, tôi muốn gật đầu với Nhỏ lần cuối và đằng nào Nhỏ cũng phải đóng cửa. Chị Nhiệm (chị Trung cũng là chị dâu của Nhỏ) từ nhà trong đi ra đon đả:
- Câu Tuấn về nhá. Chúc cậu được nhiều ơn Chúa. Câu đi thằng Trung nhà tôi buồn lắm đấy.
Nhỏ đột nhiên xuất hiện nơi cửa buồng. Tôi cố tình nói với Nhỏ qua chị Nhiệm:
- Em có đi mấy bữa lễ Tết lại về, lại chơi với nhau.
Ý tôi muốn nói với Nhỏ đến Tết, đến hè tôi lại về, lại tha hồ ngồi liếc nhau. Nhưng Nhỏ đột ngột lên tiếng, giọng chắc nịch:
- Đã đi là đi luôn, không bao giờ nhìn mặt nữa!
Ra về tôi hơi áy náy về cuộc chia ly bất ngờ với Nhỏ, nhưng bù lại niềm vui trước mắt của tôi quá lớn. Tôi vừa đi vừa nhảy chân sáo, tôi muốn hét lên: Khoái quá! Khoái quá! Nhưng lòng cũng hơi chùng xuống một chút khi nhớ câu nói chắc nịch của nhỏ, gì mà “đi là đi luôn! Không bao giờ nhìn mặt!” nghe phát ghê!
Nhưng Nhỏ đã làm theo điều Nhỏ nói: Ba tháng sau khi tôi vào Don Bosco, Nhỏ vào tu dòng Saint Paul áo trắng! Suốt ba năm ở Don Bosco những dịp lễ Tết về Phát Chi tôi có ý muốn gặp Nhỏ nhưng không lần nào Nhỏ xuất hiện.
Kể cũng lì thật chứ! Chị Liên nói kể từ ngày đó Nhỏ “đi là đi luôn”.
Năm sau Trung cũng vào Don Bosco. Tôi vào trước Trung nên ra trước!Năm 1966 tôi nhảy ra ngoài. Trung đến 1972 mới xuất, sau đó đi hải quân và đang ở Mỹ lúc SG thay tên. Chỉ có Nhỏ là có “ơn gọi”.
Bảy năm kể từ ngày tôi nói chuyện với Nhỏ lần cuối, tôi đang học năm thứ hai và chơi rất thân với Hồng Thúy, để về nhà cô này từ thư viện chúng tôi hay đi Lê Thánh Tôn rồi quẹo trái Cường Để.
Đi đường này luôn đụng St Paul. Một bữa tôi buột miệng cho Thúy biết có cô bạn cùng xứ đang tu trong đây, điều này đã kích thích tính tò mò của Thúy quá trời, cô một hai hỏi tới và muốn tôi vào thăm “cô bạn năm xưa”, tuy tôi giải thích là có phải bạn xưa bạn xiếc gì đâu nhưng cô không muốn tin.
Chắc trong đầu cô hiện ra hình ảnh lãng mạn cỡ “chuyện tình Lan và Điệp”, một bữa thay vì quẹo về nhà, Hồng Thúy chạy thẳng vào cổng Saint Paul!
Tuy chạy hai xe nhưng cô rúc vào trong đó rồi không lẽ tôi chạy đi đâu. Nói nào ngay đến lúc đó tôi cũng nổi tính tò mò nên khi Thúy nói:
- Tuấn vào thăm soeur ngày xưa đi.
Tôi đã muốn vào nhưng giao hẹn:
- Chỉ một người vào thôi chứ Thúy vào làm gì, kỳ lắm.
Cô cười:
- Dĩ nhiên chỉ Tuấn vào thôi để muốn nói chuyện gì còn nói được chứ!
Nói rồi cô giắt xe ra ngoài.
Vào phòng khách nhà dòng tôi nói với soeur trực cho tôi được gặp người bà con tên Trinh quê ở Phát Chi vùng Đà Lạt có chuyện cần muốn báo.
Soeur trực hỏi tới hỏi lui về mối liên hệ giữ tôi và Trinh, sau cùng Soeur miễn cưỡng phải nhờ người gọi Trinh ra.
Qua cửa sổ phòng khách nhìn Trinh từ xa đi tới, tôi có cảm giác như đang đánh mất một thứ gì quí giá. Trời ơi! người vẫn thỉnh thoảng hiện ra trong những giấc mộng đẹp của tôi, người mà mỗi khi nghe câu hát “… anh nhớ trước đây giáng em gầy gầy, thẹn thùng nhìn anh đôi mắt long lanh . . . ” mà sao bây giờ nhìn “kỳ” quá!
Chưa hẳn Trinh đã mập ra nhiều nhưng chiếc áo dài vải thô chạy một đường từ trên xuống dưới, không thấy eo thấy mông vòng một vòng hai gì hết. Mái tóc phía trước cắt kịch một cái giữa trán, phía sau kịch một cái ngang cổ, y chang như mái tóc con nít hai ba tuổi. Tôi thấy giận X quá, tại sao cô cứ dụ dỗ, o ép tôi phải thăm Trinh để bấy giờ… Ước gì tôi đừng vào.
Trinh đã đến trước mặt, tôi cố gắng hết sức để không để lộ ra một nét thất vọng nào, quả thực nếu không gặp Trinh trong này tôi sẽ không nhận ra cô.
Cũng may Trinh lên tiếng trước:
- Thật bất ngờ thấy anh Tuấn đến. Trông anh vẫn y như xưa chỉ hơi gầy đi.
Tôi ngập ngừng:
- Soeur Trinh .. Trinh cắt ngang:
- Tôi chưa làm soeur anh ạ, tôi còn trong nhà tập.
- Vậy bao giờ xong nhà tập?
Trinh mỉm cười:
- Một năm nữa anh. Nếu có ơn Chúa giúp.
Tôi loay hoay ngồi không biết nói gì thêm cho đúng nữa. Trinh lại lên tiếng trước:
- Anh Tuấn có biết anh Thức (anh kế Trinh) đã lấy chị Dâng không?
Tôi gật đầu:
- Tôi biết, Dâng hiền lành chân thật, tôi nghĩ hai người sẽ rất hạnh phúc.
Trinh nói giọng trầm trầm:
- Cũng cần nhờ ơn Chúa anh ạ. Mọi sự đều do Chúa quan phòng.
Cô ngước nhìn lên, tôi chợt nhận ra cho dù bề ngoài Trinh có thay đổi nhưng ánh mắt cô vẫn vậy. Trong một giây mắt chúng tôi gặp nhau, cảm giác của ngày nào lóe lên. Trinh vội quay đi chỗ khác nhìn đăm đăm vào đóa hồng trước mặt, tôi nhớ ngày nào khi chúng tôi còn hay “chiếu tướng”, mắt cô hay nheo lại nghịch ngợm.
Bỗng mặt cô xụ xuống nhìn buồn thảm quá, mắt cô như rưng lệ, cô vội nói lớn:
- Vậy hả anh? Chuyện của họ đau buồn vậy hả anh?
Lúc đầu tôi hơi ngơ ngác nhưng hiểu ra ngay, cách chúng tôi có vài chục bước bà soeur tiếp tân đang ngồi cúi đầu trên đống sách nhưng chắc mọi cử chỉ cúa chúng tôi đều được bà ghi nhận - một cô tập sinh đang trong giai đoạn thử thách mà ngồi khóc với trai thì chỉ có chết!
Trinh đứng dậy:
- Cám ơn anh đã cho biết tin buồn đó. Tôi sẽ luôn cầu nguyện cho những người trong cuộc.
Tôi hiểu Trinh muốn nói sẽ luôn cầu nguyện cho ai. Cô nghiêng đầu:
- Thôi anh về nhá. Tôi sẽ tiếp tục cầu nguyện để họ luôn an lành, đạt được những điều họ mong ước.
Cô nói thêm một câu rất Trinh “bà chằng” của nhiều năm trước:
- Miễn là những ước mong của họ thánh thiện.
Ra ngoài tôi ngạc nhiên thấy Thúy vẫn chưa về đang đứng đợi bên nhà gửi xe, thấy tôi cô cười toe toét, đon đả hỏi:
- Có gặp không mà nhanh quá vậy? Chưa tới năm phút.
Tôi không trả lời, nhìn Thúy rực rỡ như đóa hoa được chăm bón, Nhỏ của tôi trái lại như cánh hoa dại mọc bên đường, đơn sơ tẻ nhạt.
Càng so sánh tôi càng thấy thương Nhỏ. Thấy tôi im lặng mặt buồn buồn Thúy chọc:
- Chắc thất vọng rồi chứ gì? Mộng vỡ tan tành! Người xưa không còn như trong mơ.
Tôi điên tiết la:
- Người ta tu hành. Ăn nói bậy bạ! Xúc phạm!”
XThúy cũng nổi giận, đạp máy cho xe nổ rồi quay lại mai mỉa:
- Thôi về một mình đi để có dịp gặm nhấm nỗi buồn … thiên thu.
Chuyện soeur Trinh, bây giờ gọi theo tên thánh: Soeur Theresa, chưa ngừng ở đây.
Nhiều năm sau mỗi khi về SG tôi thường đi lễ với gia đình Minh-Lan tại St Paul, nhóm doanh nhân CG cũng dự lễ nơi đây.
Tôi gặp lại soeur nhiều lần, sau này thấy soeur “sang trọng” đẹp đẽ hẳn ra, tóc soeur được che kín dưới lúp, tấm áo dòng làm soeur nhìn chững chạc, lịch lãm, thánh thiện hơn chiếc áo dài vải thô nhiều.
Bé Lan Phương con Minh Lan cũng rất quý soeur, cháu thường khoe được soeur dậy múa hát, đóng kịch trong những dịp sinh hoạt nhà thờ.
(Còn tiếp)