main billboard

Trong lớp nhỏ Thứ cũng hay làm điệu, tóc để lòa xòa, mắt chớp chớp…

Một Thoáng Mơ Qua

Dalat


       Việc đậu tiểu học lên đệ Thất đã như một mốc dấu thời gian, ghi nhận giai đoạn biến đổi cuộc đời tôi từ ấu lên thiếu. Giai đoạn này những hành động của tôi không còn hoàn toàn hồn nhiên vô tư, hình như đều đã chậm lại để nhuộm vào đó những ý nghĩ, đôi khi những vấn vương. Óc tưởng tượng đã bớt đi nhường cho những cảm xúc thực tế.

Cầu Đất trước giờ chỉ có hai trường tiểu học, Trí Đức thuộc Công giáo, Bồ Đề bên Phật giáo. Sau mùa thi năm đó vì thấy số học sinh hai trường đậu khá đông (trên hai mươi người), không muốn để các em thất học, mấy sư bên Bồ Đề đến bàn với cha Thông và các soeur cho mở lớp đệ Thất (sau này mỗi năm mở thêm một lớp cho đến hết bậc trung học đệ nhất cấp, đệ Tứ).

Lớp mới nằm bên Trí Đức và dậy vào buổi chiều, soeur Marie phụ trách toán - lý hóa, thầy Hùng bên Bồ Đề dậy văn - sử địa, ông xếp Bưu Điện Cầu Đất mỗi tuần mấy giờ đến giúp dậy Pháp văn. Tôi vẫn thường xuyên ở Cầu Đất chỉ cuối tuần mới về Phát Chi.

Năm đó tôi ít bạn hẳn đi, sáu đứa từ Trí Đức lên không chơi thân vì đều lớn hơn tôi vài ba tuổi, đám Bồ Đề qua phần lớn đều hiền khô, cuối tuần thích đến chùa đốt lửa trại, vỗ tay hát hỏng hơn là phá phách đánh lộn.

 Trong mười đứa gốc Bồ Đề đã có tới sáu đứa con gái! Trung, thằng bạn thân nhất, cũng đã xuống Phát Chi và học tại đây, năm rồi không biết nghĩ sao nó không nộp đơn thi Tiểu học, năm nay học lại lớp Nhất với các soeur Mến Thánh Giá Phát Diệm. Thằng Toản, con Nga vẫn còn học lớp Nhất tới trường buổi sáng nên tôi rất ít gặp.

 Cũng trong năm này tôi còn có vài chuyện không vui, ngay tháng đầu đã xẩy ra vụ nhỏ
Thứ từ trường Bồ Đề qua. Thứ cỡ 13, 14, đứng cao hơn tôi nửa cái đầu. Cô nhỏ có lẽ là đứa con gái xinh nhất lớp, mỗi lần nhớ đến cô tôi nghĩ đến mầu hồng vì má hồng, môi hồng, hay mặc áo len cũng mầu hồng. Trong lớp nhỏ Thứ cũng hay làm điệu, tóc để lòa xòa, mắt chớp chớp.

Bữa đó chiều thứ Sáu, thường ra lớp tôi lội bộ một mạch về Phát Chi, nhưng nhìn sương mù phủ kín, trời khá lạnh, tôi quyết định đi xuống bến xe sở trà, đợi để đi ké xe chở nhân viên về Phát Chi.
Đi qua chợ tôi chợt thấy nhỏ Thứ buồn rầu đứng nơi ngã ba đường về Đất Làng, tôi ngạc nhiên hỏi:
 - Ủa sao chưa về?
 Nhỏ Thứ ngập ngừng:
- Trời sương mù quá à. Thứ đứng đợi coi có ai cùng về Làng không.
Nhỏ Thứ xưng tên còn tôi không biết phải xưng hô thế nào nên cứ nói trống không:
- Sương mù mà sợ gì. Đây về Đất Làng cỡ cây số chứ mấy.
- Thứ sợ đi qua đồi nhà trắng!
Tôi giải thích:
- Mấy cái nhà đó ngày xưa đồn có người cùi ở, nay bỏ trống hết rồi.
Thứ vẫn giọng sợ hãi:
- Lỡ Thứ vừa đi tới có người từ đó đi ra thì sao? Còn mấy cái mả...
Tôi cười:
- Người cùi họ ở trại Di Linh chớ ở đây làm chi.
Thấy mặt nhỏ Thứ vẫn rất thảm não, máu anh hùng rơm nổi lên, tôi buột miệng:
- Thôi để đưa tới đồi nhà vôi trắng nghe.
Mắt cô bé sáng lên mừng rỡ:
- Tuấn đưa Thứ tới đỉnh đồi thôi, từ đó Thứ về một mình được rồi.
 Tôi nghiệp cô nhỏ, dưới tiểu học cũng có mấy học sinh lội bộ từ Đất Làng ra nhưng học buổi sáng và đi thành đoàn, học đệ Thất buổi chiều chỉ có mình nhỏ Thứ!
Tôi xăm xăm đi trước, cô nhỏ lúp xúp chạy theo. Qua một khúc quanh, leo lên đến đỉnh đồi chỗ có mấy nhà vôi trắng tôi dừng lại chờ, Thứ khẩn khoản nói qua hơi thở vẫn còn hổn hển: - - Tuấn đứng đây một lát nữa nha.
 Tôi gật đầu, cô nhỏ vừa đi vừa chạy về hướng Đất Làng, tới khúc quanh bóng cô mờ mờ quay lại, thấy tôi còn đứng nhìn theo, cô vẫy tay rồi biến vào sương mù.

 Từ bữa đó tôi có người bạn mới khá thân, mỗi lần ra chơi cô hay móc trong cặp ra những chiếc bánh dừa, bánh ú, kẹo đậu phọng nói nhà cô làm cho tôi ăn.
Một lần vừa ra khỏi lớp chúng tôi thấy bên ngoài gió thổi ù ù, sấm chớp ì ầm, tôi nói nhỏ Thứ chạy về cho lẹ để tránh mưa, cô nghe lời hấp tấp bước đi nhưng mới tới đường cái cô vòng trở lại, giọng nài nỉ:
- Tuấn đi với Thứ đến khúc đồi nhà trắng được hông.
Máu nghĩa hiệp cứu nhân độ thế thức dậy, tôi ưỡn ngực:
 - Được
Sợ bị dính mưa ướt, tôi nắm tay cô kéo chạy xuống đường ào ào. Vừa qua ngã ba đường quẹo vào Đất Làng tôi thấy xa xa một đám mưa đen kịt đang kéo về hướng chúng tôi, tôi cúi lượm một khúc cây, ngửa mặt lên trời lâm râm cầu nguyện rồi chỉ khúc cây về hướng đám mây hét:
- Bớ cơn mưa kia, quay về hướng khác ngay tức khắc. Bớ đám mây, bay đi hướng khác.
Nhỏ Thứ thấy tôi không chạy tránh mưa, cũng không tìm chỗ núp mà đứng chỉ trỏ la hét, cô đến giật tay:
- Tuấn làm cái gì vậy? Chạy lẹ đi.
Tôi quay lại giải thích:
 - Đang hô phong hoán vũ như Gia Cát Lượng ngày xưa.
Thấy mặt cô nhỏ nghệt ra tôi đoán có lẽ cô không biết chuyện Khổng Minh. Vẫn đứng la hét với đám mây, nhưng lạ thật, lần này cơn mưa vẫn ầm ầm kéo đến, hơi nước đã thổi đến lạnh mặt.

Năm ngoái một lần tôi cùng đám bạn đang lang thang trên đồi, thấy có cơn giông kéo đến, tôi bắt chước Khổng Minh trổ tài “hô phong hoán vũ”, chỉ roi bắt cơn mưa đi qua hướng khác, như một phép mầu cơn mưa đã ngoan ngoãn tuân theo! Đám nhóc tì trố mắt khâm phục.

Một lần khác sương mù dầy đặc, tôi chỉ tay hét: “Sương mù kia phải tan ngay lập tức!” Lạ làm sao, chỉ một lát sau sương mù từ từ tan, ánh nắng chiếu chan hòa. Từ đó tôi nghi nghi: Hay là mình cũng thuộc loại siêu nhân, tiểu Gia Cát có tài khuất gió dời mưa?

Nhưng hôm nay tôi thất vọng khi thấy phép thần thông không linh. Tự hỏi hay tại nhỏ Thứ? Người ta nói đàn bà và mèo đen quả là hai thứ độc địa.
Cơn mưa đã ào đến, nhỏ Thứ lấy trong cặp ra tấm mủ trắng che mưa. Tuy biết tấm mủ nhỏ không đủ cho hai đứa nhưng không nỡ để tôi ướt, cô ráng choàng qua vai tôi, gió lạnh thổi khiến tấm nylon bay phần phật, hai đứa cùng ướt và lạnh run.

Gần đó có vài căn nhà vôi trắng nhưng làm sao chúng tôi dám ghé nên vẫn cố đi. Đường đất đỏ gặp nước mưa biến thành bùn nhão nhét, trơn trượt. Chúng tôi phải bỏ guốc dép cầm tay, dùng đầu ngón chân bấm vào bùn lê từng bước, té dập dụi mấy lần.

 Gần đến nhà nhỏ Thứ mới gặp anh cô đội áo mưa xách đèn pin đi ra kiếm. Ba má cô mừng rỡ thấy con gái an toàn về trong mưa bão, họ đối với tôi cũng rất thân tình, ông bà đề nghị:
 - Thôi đêm nay cháu ở đây chớ mưa gió vầy làm sao về?
Nghĩ tới đường về đi qua đám mả . . . Tuy hồi lớp Tư khi còn mê múa kiếm đã có lần tôi dẫn đám bạn đến “đất thánh” (nghĩa trang Công Giáo theo cách gọi của người Cầu Đất) thách đấu với ma, bữa đó không con nào dám xuất hiện, nhưng hôm nay mưa gió âm u làm tôi hơi ngán nên đáp: “Dà.”

Anh nhỏ Thứ đưa tôi bộ bà ba để thay, tôi mang bộ đồ ướt hong bên lò sưởi - vùng này nhà nào cũng có lò sưởi than.
Thứ đi qua thấy tôi thùng thình trong bộ đồ của ông anh, áo dài gần tới đầu gối, cô bật cười nắc nẻ.
Tôi được gia đình nhỏ Thứ mời ngồi ăn quanh ánh than hồng, lần đầu được thưởng thức những món rất lạ và ngon miệng, cháo trắng ăn với hột vịt muối, cá khô nướng, dưa củ cải.

Buổi tối ba nhỏ Thứ mắc mùng cho tôi ngủ trên bộ ván ngay dưới bàn thờ Phật, để đuổi muỗi ông đốt nhang nghi ngút.
Tôi thiếp ngủ giữa mùi hương trầm và hình ảnh nhỏ Thứ tươi cười sau ánh lửa, mơ thấy mình lớn lên hai ba tuổi, nắm tay cô nhỏ chạy nhảy trong một chiều lộng gió, giữa cánh đồng cỏ tranh mênh mông, nhấp nhô uốn lượn theo từng cơn gió lốc. . .

 Hôm sau rồi hôm sau nữa không thấy nhỏ Thứ đi học, tự nhiên tôi thấy mong mong nhớ nhớ, đoán có lẽ cô bị đau. Giờ ra chơi hôm sau thầy Hùng Bồ Đề ngoắc tôi đến gần đưa tôi chiếc hộp nhỏ nói:
 - Thứ nó xin nghỉ học luôn, đưa cho em cái này.
 Tôi như bị trúng một thoi giữa ngực, buồn rầu nhận chiếc hộp, xuống sân dưới kiếm chỗ khuất ngồi. Nhỏ Thứ tặng tôi chiếc bút máy Parker trên khảm chữ “T” kèm theo mảnh giấy có hàng chữ:
 - Ráng học giỏi nha, cám ơn Tuấn rất rất nhiều.
 Tôi mân mê chiếc bút, bố tôi cũng có một cái y như vầy, nắp bút cũng có chữ T, ông chỉ cho tôi mượn lúc đi thi. Tôi ước gì nhỏ Thứ vẫn đi học và tôi không bao giờ nhận được chiếc Parker này.  

Gần Noel tôi bị thêm một mất mát, lần này thật nặng nề.
Giờ ra chơi thằng Toản chạy đến thở hổn hể báo:
- Anh Tuấn biết gì chưa? Dì Chín không còn ở Cầu Đất nữa, hình như dì về Đà Lạt.
Tôi bàng hoàng quăng sách chạy sang bên nhà các soeur, gặp dì Marie tôi hỏi ngay:
 - Bộ dì Chín đi rồi hả dì?
 Thấy vẻ hốt hoảng của tôi dì Marie trả lời ái ngại: - - Dì Chín chuyển về Đà Lạt rồi con.
 - Tại sao dì phải về Đà Lạt?
Dì Marie xoa đầu tôi, dì biết tôi từng là học sinh cưng của dì Chín:
- Dì về học thêm, trên Đà Lạt mới mở trường đại học và Giáo Hoàng Học Viện.
Tôi buồn rầu đi ra, không còn lòng dạ nào ngồi học, tôi cúp giờ cuối lang thang lên đồi chỗ bể nước, từ đây tôi có thể nhìn xuống nhà thờ Cầu Đất và trường Trí Đức.

Tôi nhớ dì Chín đến ứa nước mắt, xuất bốn năm hình ảnh dì đã cùng tôi lớn lên, ngày nào tôi cũng gặp dì nếu không trong trường cũng tại nhà thờ.
 Tôi nhớ dì không phải chỉ những lúc được dì khen mà cả những khi dì giận đánh đòn. Giọng Đà Lạt của dì nhẹ nhàng truyền cảm ngay cả khi bị dì bắt nằm dài trên bàn trong giờ chơi, chiếc roi mây của dì nhịp nhịp.
 Dì thường hỏi:
 - Hôm nay con biết tại sao dì đánh đòn con hông?
- Dạ biết
 - Nói dì nghe coi.
 Tôi ngập ngừng:
- Dạ tại con leo lên cây lấy mít của các dì ăn mà không xin phép.
 Dì vẫn nhịp nhịp chiếc roi:
 - Lấy của người khác mà không hỏi là tội gì con biết hông?
 Tôi lí nhí:
 - Dạ tội ăn cắp.
 - À tốt. Còn tội gì nữa?
Tôi nghĩ một chút rồi mạnh dạn trả lời: “Dạ hết.”
Dì hỏi giọng ngạc nhiên:
- Ủa còn tội khi dì hỏi con chối là tội gì?
Tôi ấp úng: “Dạ tội nói dối”.
- Đó. Tội nói dối xấu lắm. Chúa ghét nhất người nói dối. Con có muốn Chúa Giêsu thương con không?
- Dạ có.
 Giọng dì bớt gay gắt:
 - Vậy bây giờ con muốn dì đánh con mấy roi?
 - Dạ thưa hai.
 Dì giọng ngạc nhiên
- Í, sao có hai thôi? Còn tội thay vì hái trái mít xuống con đeo tòng teng trên cành lấy tay móc ăn. Lỡ té xuống gẫy cổ thì sao?
Tôi trả giá:
 - Dạ như vậy thì ba roi, nhưng có một roi nhẹ.
  Nhiều lần răn đe một hồi rồi cuối cùng dì nói:
 - Thôi mấy roi lần này dì cho mắc nợ, nếu con ngoan được một tháng thì dì tha, còn nếu phạm lỗi nữa dì sẽ đánh gấp đôi.
Tôi biết dì chỉ muốn tôi thành đứa trẻ ngoan chứ không thích gì việc đánh đòn tôi. Giờ đây tôi ước nếu được đổi việc dì ra đi với hai ba roi đòn mỗi ngày tôi cũng sẵn lòng đổi . .  

 Những ngày sau đó lớp học đối với tôi mất hẳn niềm hào hứng, tôi đến lớp cho có, ngồi đó nhưng đầu óc để đâu đâu.
Củng may chương trình đệ Thất cũng không khó, toán lý hóa chỉ ở phương trình bậc nhất một ẩn số, nhiều bài còn dễ hơn toán đố lớp Nhất, những môn khác chỉ cần học thuộc lòng.
Tuy không cố gắng tôi cũng đứng giữa lớp chứ không đến nỗi đội sổ    


(Còn tiếp)