Hôm đó Nhỏ kiếm đâu ra được cả áo ba tà và khăn mỏ quạ.
Đến nay tôi vẫn còn may mắn liên lạc được với hai người bạn vừa thân thiết vừa có ý nghĩa nhất trong thời mới lớn.
Vào khoảng tuổi từ 10 đến 14 những thiếu niên tuy đã “có trí khôn” nhưng hành động vẫn còn rất hồn nhiên và phụ thuộc nhiều vào cảm tính, những tình cảm từ thương yêu đến giận dữ đều đến nhẹ nhàng ra đi bình lặng, tuy cũng ăn sâu vào tâm khảm không dễ xóa mờ.
Một trong hai người bạn cố tri đó đang sống tại Hoa Kỳ bang Texas, thỉnh thoảng chúng tôi gặp nhau, nhắc lại chuyện cũ để cùng ôm bụng cười. Có khi cười nhiều quá ngại ảnh hưởng đến công việc (văn phòng tại gia), chúng tôi dẫn nhau ra quán nước gần nhà.
Ngoài quán cà phê lộ thiên Paloma khu chợ Việt Nam, anh bạn Texas cười nói:
- Hồi đó sao tao khờ quá, mày nói gì tao cũng tin, mày dẫn tao xuống tận Đơn Dương cách Phát Chi cả 10 cây số mướn sách truyện về đọc (1), trên đường đi để tao đừng than mày hay kể chuyện cho tao nghe, toàn những chuyện do mày chế…
Hai thằng cùng cười, hắn kể tiếp:
- Bữa đó mày kể chuyện bang võ gì gì đó kéo nhau đến đánh Thiếu Lâm Tự, nhưng kể một hồi mày quên khuấy không nói gì tới gã bang chúa! Rồi đánh Thiếu Lâm Tự thế nào lại thành đánh phái Võ Đang! Tao hỏi lại mày nói tên chúa bang đi đến chân núi Thiếu Lâm bị trúng gió chết ngắc, cũng vì vậy mà đánh lạc sang Võ Đang!
Hai thằng ôm bụng cười. Hắn cố gắng ngưng cười nói tiếp:
- Còn vụ con Trinh, mày nói nó thích tao chứ không thích mày. Tao hỏi vậy sao nó cứ liếc mày rồi tới nhà mày hoài, mày bảo bây giờ nó còn nhỏ phải làm bộ thích mày đến lớn rồi mới thích tao!
Hai thằng cùng phì ra cười, mấy thanh niên ngồi uống cà phê gần đó tò mò nhìn chúng tôi, chắc họ tưởng đang gặp hai cha già khùng. Tôi nhắc anh bạn:
- Ê! Không kêu con này con kia được nữa đâu, soeur Trinh bây giờ đã là bề trên dòng thánh Phaolô đạo cao đức trọng rồi đó.”...
Người thứ hai cũng là nhân vật chính trong tuổi hồng của tôi tại Phát Chi là Soeur Trinh dòng thánh Phao-lô. Một lần về Sai Gòn sau khi đi dự thánh lễ tại St Paul, soeur mời tôi ra phòng khách của nhà dòng, căn phòng hơn 40 năm trước tôi đã có dịp ghé.
Lần này soeur Thérese tiếp tôi thoải mái chứ không vội vã trốn chạy như lần gặp cô nữ tu Trinh vẫn còn trong giai đoạn thử thách.
Chúng tôi nhắc chuyện Phát Chi, nói về hai đứa trẻ Tuấn - Trinh thời đó như những nhân vật xa lạ trong truyện cổ tích, không dính dáng gì tới chúng tôi, điều này khiến cả hai đều tự nhiên nói cười thoải mái.
Khi được hỏi điều gì đã khiến soeur đột ngột muốn đi tu và tu dòng thánh Phao-lô. Soeur gật gù:
- Để tôi trả lời tại sao tôi chọn St Paul trước. Tất cả đều nhờ soeur Triết hết lòng giúp đỡ, soeur nói tôi có khiếu hướng dẫn thiếu nhi, St Paul chuyên về giáo dục nên hợp với tôi nhất, soeur viết thơ giới thiệu, cha Hóa cũng viết thơ đề cử, và… cả ông chánh (bố làm chánh trương) cũng viết thư nói tôi chưa hư.
Chúng tôi cùng cười:
- À còn câu hỏi tại sao hồi đó tôi quyết định đi tu…
Soeur bỗng nháy mắt diễu:
- Ông có nghĩ hồi đó tôi đi tu vì ông không?
Câu hỏi bất ngờ làm tôi lúng túng, soeur đã “đắc đạo” nên bình tĩnh quá, chuyện tế nhị vậy mà soeur nói tỉnh bơ trong khi tôi “con tim bối rối” chỉ ấp úng: “Dà..dà..” rồi không biết nói gì thêm.
Soeur nhìn xa xăm như đang tập trung tư tưởng nhớ về thời xa xưa:
- Đúng ra hồi đó khi ông vào Don Bosco tôi đã biết thế nào ông cũng xuất.
Tôi cười:
- Thì soeur biết tính tôi…
Soeur cắt ngang:
- Không phải tính ông, ông hiếu động, nhiều tình cảm nhưng thật tốt. Những người như ông nếu có ơn gọi sẽ thành những mục tử khả kính, khi năng lực được hướng đến những mục tiêu cao đẹp.
Soeur mời tôi uống nước trước khi đưa ra những nhận xét thiên về tâm lý:
- Tôi biết ông sẽ ra vì năm đó ông vào dòng chỉ nghĩ đến những điều vui, chỉ thích đến một khung trời mới lạ.
Tôi gật gù công nhận:
- Hồi đó tôi chưa ý thức được việc mình làm. Bố mẹ cho đi là đi thôi, đâu có biết ý nghĩa thực sự của việc tu trì.
Soeur cười nói tiếp:
- Ai lại ngày lên đường vào tu viện mà còn hứa hẹn mai mốt sẽ lại…
Soeur không nói hết nhưng tôi biết soeur muốn nói: “Mai mốt lễ tết sẽ lại về… chơi với nhau!”. Chúng tôi bỗng cùng im lặng, tôi bâng khuông tự hỏi nếu ngày đó chúng tôi không đi tu, không về Sài Gòn thì sao nhỉ (?) Có lẽ giờ này tôi đang lom khom gánh nước tưới cho mấy luống hoa vùng sương mù lạnh lẽo. Soeur chắc cũng gầy nhom tối ngày bẳn gắt, tay bế tay bồng những đứa con ốm nhách, mũi dãi lòng thòng...
Soeur lên tiếng giọng vẫn giống như đang kể chuyện:
- Việc tôi đi tu thực ra cũng vì ông một cách gián tiếp…
Câu nói của soeur khiến tôi hồi hộp, chăm chú nhìn soeur:
- Sau khi ông đi, trại Phát Chi trở nên hoang vắng tẻ nhạt quá, tôi không còn thấy hứng thú khi sinh hoạt Nghĩa Binh nữa. Tôi đoán ông Trung cũng có cùng tâm trạng. Soeur Triết nhìn thấy điều đó nên tìm cách giúp tôi thay đổi.
Điều soeur nói khiến tôi nhận ra một điều trước đây tôi không để ý: Trong những cuộc phân ly người ở lại chịu thiệt thòi hơn. Soeur mỉm cười:
- Đúng ra việc ông đi đã bớt cho tôi gánh nặng, khỏi phải giận ông hằng ngày.
Tôi ngạc nhiên:
- Tôi làm cho soeur giận hằng ngày? Hồi đó tôi nghịch phá thật nhưng đâu có khi nào chọc giận soeur.
Soeur nói như một diễn giảng:
- Ông không biết được đâu. Hồi đó ông làm gì cũng do bản tính hiếu động, cũng chỉ vì thích vui nhưng những người không vui được sẽ giận lắm. Tuổi 13, 14 phía nam còn vô tâm vô tư nhưng phía nữ chúng tôi đã bắt đầu thay đổi và cảm nhận…
Tôi tò mò:
- Soeur có thể nhắc chuyện gì đã làm soeur giận không? Thực tình tôi không nhớ.
Soeur cười:
- Nhiều nhiều lắm…
Với giọng hơi trách móc, soeur nhìn tôi tiếp:
- Như lần tôi nói ông đừng bắt tổ chim trên gác chuông xuống, mấy con chim con sẽ chết nhưng ông không nghe… À! Nhưng có lẽ giận nhất là bữa ông chọc anh Tài, khiến anh này vác dao rượt ông vòng vòng nhà thờ…
Những Chuyện Không Ngờ
A! Tôi nhớ ra rồi, Tài là em ông anh rể ít hơn tôi một tuổi, người hắn cao gầy và rất to mồm, mỗi khi đánh nhau không lại hắn đứng gào khóc phát sợ.
Hồi đó con trai cỡ 12, 13 tại Phát Chi nhiều đứa còn mặc quần bà ba (chắc do người nhà tự may). Bố mẹ ông anh rể tôi cũng không đến nỗi túng thiếu nhưng không hiểu sao thằng Tài thường mặc quần bà ba.
Bữa đó tôi chọc nó mặc quần của chị, Tài gân cổ cãi:
- Mày nói bậy, đây là quần của tao.
Tôi nói với tụi nhóc đang bao quanh:
- Hôm qua tao thấy chị nó mặc cái quần gấu bị sờn đi lễ, tụi mày nhìn kỹ coi cái quần thằng Tài đang mặc có bị sờn gấu không?
Tụi nhóc reo lên:
- Đúng rồi! Cũng rách gấu. Lêu lêu! Mặc quần của chị!
Thằng Tài tức trào nước mắt, gân cổ nổi lên như chiếc đũa cãi:
- Quần của tao! Thằng Tuấn nói láo! Đây là quần tao.
Tụi nhóc mặc kệ cứ vừa cười vừa chế diễu. Tài tức như điên nhưng đánh không lại tôi, hắn về nhà vác con dao đi rừng của ông anh rể ra rượt tôi chém. Hắn làm vậy tôi càng khoái vì Tài làm sao rượt kịp tôi, chạy cách hắn khoảng 10 bước tôi quay lại đưa mặt nhâng ngâng ra chọc. Rượt nhau một hồi Tài mệt quá đứng lại thở, tôi đâu để hắn nghỉ, tiếp tục khiêu khích:
- Tụi mày thấy không, thằng Tài thấy tao nói đúng tẩy…
Chưa nói hết câu Tài vác dao rượt tiếp. Chạy ngang nhà Nhỏ, Nhỏ chạy ra la chói lói:
- Anh Tuấn! Anh đừng có chọc chú Tài nữa được không. Chú ta đang nổi điên lên kìa.
Tôi cũng lớn tiếng đáp lại:
- Đâu có chọc gì nó đâu, chỉ nhắc nó phải mau mau về trả quần cho chị chớ không chiều nay
Tài càng nổi xung, gào lên vung dao chạy đến:
- Tao phải chém mày! Chém chết mày!.
Nhỏ thấy không can được tức ứa nước mắt, chạy vào nhà lấy cái còi Nghĩa Binh ra thổi réc réc. Nghe tiếng còi bố nhỏ gần đó chạy ra nắm tay thằng Tài, giựt lấy con dao can:
- Anh em chúng mày cũng là em anh em chị mà sao đuổi đánh nhau như vậy.
Nghe ông cụ nhắc tôi sực nhớ: Nguy rồi! lát nữa thế nào bà chị cũng về hỏi “thăm sức khỏe”, tôi phân bua:
- Cháu đâu có chọc nó, chỉ vì sợ người ta biết nên nó nổi điên… Có Trinh làm chứng. Trinh há.
Nhưng Nhỏ không chịu làm chứng, vác mặt hầm hầm đi vào trong. Lát sau khi ra giếng nhà Nhỏ rửa tay, Nhỏ giận dữ đến sau lưng tôi hỏi:
- Tại sao nói gì anh cũng không nghe vậy?
Tôi chỉ biết gãi gãi đầu. - Không ngờ chuyện chỉ có vậy mà Nhỏ nhớ đến bây giờ. Dù sao khi nghe soeur nhắc lại tôi cũng áy náy, thấy hình như mình giỡn hơi quá, ngay cả Tài gần đây gặp lại trong đám cưới người cháu (chung) cũng nói:
- Bữa đó mà đuỗi kịp ông… không biết ra sao.
Soeur nói tiếp giọng đều đều:
- Ngoài việc tôi không nói gì được ông, tôi còn giân vì ông không hề để ý đến người khác...
Tôi lại giật mình tự hỏi không lẽ mình tệ như vậy sao (?)
Thấy nét mặt phản đối của tôi soeur mỉm cười:
- Tôi đã nói rồi, ông không biết đâu vì ông vô tâm vô tính! Ông có nhớ ngày ông đến trước nhà tôi réo tôi ra đi chợ với mẹ ông không? Bữa mẹ tôi giận la…
Tôi nhớ rồi, bữa đó tôi tới trước nhà Nhỏ lớn tiếng gọi:
- Trinh ơi đi chợ!
Chưa thấy Nhỏ đâu tôi tiếp tục réo:
- Trinh ơi! Mẹ kêu ra đi chợ kìa.
Nhỏ hiện ra mặt đỏ như gấc, lấy tay đưa lên miệng ra dấu:
- Im đi! Làm gì mà om sòm vậy?
Tôi ngạc nhiên:
- Mẹ gọi đi chợ…
Nhỏ có vẻ bực mình nói khẽ:
- Biết rồi! Về đi”
Nhưng mẹ Nhỏ đã nghe tiếng đi ra lớn tiếng:
- Cậu Tuấn! Bà chánh đi chợ thì có liên quan gì đến con Trinh nhà này mà bà cho cậu đến gọi? Còn con Trinh kia, người ta đi chợ thì mặc xác người ta sao mày lại phải đi theo xách giỏ hả? Mày không biết dân trong xứ này đã nói gì à? Tao cho mày ăn cơm chứ đâu có cho ăn gì đâu mà mày ngu như vậy!
Thấy bà la ghê quá tôi đứng nép vào cánh cửa. Nhỏ mặt tái đi vì tức nhưng vẫn chống chế:
- Mấy ngày nữa Nghĩa Binh có liên hoan, con nhờ bà chánh đi chợ Cầu Đất mua với con vài thứ chứ tự nhiên con đi theo làm gì.
Nói xong Nhỏ sụt sùi khóc, bà mẹ bớt giận nhỏ nhẹ:
- Ờ! Nếu đã có hẹn thì đi nhưng sao lại để cái thằng Tuấn nó đến trước cửa khua chuông gõ mõ cho cả làng, cả nước biết như vậy. Con không nghe người ta nói gì sao? Bố mẹ còn mặt mũi nào nhìn ai!
Nhỏ quay lại lườm tôi một cái đích đáng. Tôi biết thân biết phận lo rút dù thật lẹ. Trên đường về tôi thấy phục Nhỏ thật, Nhỏ biết cãi có lý có lẽ còn tôi chỉ biết cãi… bướng. Càng nghĩ càng thấy mình hình như vừa khôn vừa … ngu!
Khôn là khi ngồi ké các cụ, nói những chuyện “trên trời dưới đất”, phê bình những nhân vật trong Tam Quốc Chí, Thủy Hử,... Lúc đầu các cụ đều cho rằng tôi lếu láo nói leo nhưng vì nể bố, thấy bố không nói gì các cụ mới để yên, rồi thấy tôi cũng có lý khi phê bình Tào Tháo, Lưu Biểu, Lưu Bị, nhất là khi tôi đả phá Quan Công, cho rằng ông này không đáng kính phục, võ không bằng Lã Bố, mưu không bằng Khổng Minh, văn không bằng Tào Thực, oai hùng không bằng Triệu Tử Long, còn vi quân pháp, v.v…
Các cụ ngồi gật gù lẩm bẩm:
- Có lý! Cũng có lý đấy chứ. Thằng cu này nói nghe được. Con cụ Chánh có khác…
Nhưng cùng lúc tôi thấy mình rất ngu! Mười ba tuổi rồi còn tin:
- Dế đá cừ nhất phải là dế bắt trong …hang rắn!
Tôi đã từng lần mò đi kiếm hang rắn, thọc cây vào đuổi rắn ra để bắt dế. Tuy chưa khi nào kiếm được dế trong hang rắn nhưng vẫn cứ tin!
Có lần còn tí chết, bữa đó thấy con rắn nằm khoanh tròn trong hang, đuổi cũng không chịu ra, tôi lấy cây thọc vào, lúc rắn phóng ra dài cả thước, may mà nó phóng xuống suối chứ nếu quay lại đớp chắc tiêu đời nhà ma! Nỗi sợ hãi bữa đó mới làm tôi bừng tỉnh, thấy tin đồn “dế rắn” là vua loài dế chỉ là tin đồn nhảm.
Việc Nhỏ lẽo đẽo theo mẹ đi chợ Cầu Đất nghĩ cũng tội. Bản chất mẹ tôi yếu đuối nguyên việc đi Cầu Đất (trên 3 cây số) rồi trở về đã mệt, mỗi lần phải làm cơm khách cho nhà xứ mẹ hay bắt tôi đi theo xách giỏ, đối với tôi chuyện này là một cực hình nên tìm đủ cách trốn tránh.
Bữa đó Nhỏ đang chơi bên nhà bé Dâng thấy tôi chống chế quá, Nhỏ nói:
- Thôi để con đi với bác cho.
Tôi và mẹ đều mừng “mở cờ trong bụng”. Mẹ thích Nhỏ đi theo vì nhanh nhẹn hoạt bát, khi đi đường bác cháu còn có dịp … đọc kinh. (Mẹ rất mê đọc kinh, lúc nào rảnh trên tay bà cũng có xâu chuỗi, miệng lẩm bẩm “Kính mừng Ma-ri-a…)
Trên đường đi bác cháu gặp những người trong xứ họ mỉa mai:
“Gớm bà trưởng (hay bà chánh) có phúc ghê, kiếm được cô con dâu bé vừa giỏi vừa ngoan, mới chừng đó tuổi mà đã biết xách giỏ đi chợ với mẹ chồng!
Nhỏ xấu hổ chân tay quýnh quáng, mẹ phân trần:
- Cháu nó đi chợ cho Nghĩa Binh đấy ạ.
Nhưng nào ai muốn tin, họ cứ kháo nhau một cách thích thú. Tôi cũng biết chuyện này nhưng chẳng bận tâm, ngày trước họ chẳng từng đồn tôi đi lên nhà máy trà lẹo tẹo với bé Dâng là gì. Nhỏ tuy mắc cở nhưng nếu biết mẹ đi chợ vẫn lót tót đi theo.
Nếu vụ Nhỏ đi chợ với mẹ bị dân làng diễu cợt soeur đến nay vẫn còn chút cay cú, tôi nghĩ vụ hai đứa làm kịch có thể gây ồn ào hơn.
Tết năm đó theo truyền thống giáo xứ tổ chức văn nghệ cuối năm, các hội đoàn đặc biệt Nghĩa Binh là thành phần nòng cốt.
Dịp đó soeur Triết soạn một màn kịch câm rất vui, muốn Nhỏ và Trung diễn chung nhưng Nhỏ không chịu, nói đóng với Trung không hợp (tuy những năm trước diễn chung hoài), Trung cũng tự ái xin soeur cho đóng với đứa khác.
Tôi cũng rất thích làm kịch, bữa đó đã xin mẹ dậy cho bài hát sẩm rất hay (1), trục trặc là tôi không kiếm ra được vai nữ đóng vai vợ anh xẩm, tôi đề nghị ai Nhỏ cũng gạt đi, phê bình đứa này nhát, đứa kia vô duyên, đứa nọ nói không ra tiếng…
Còn có mấy ngày nữa tưởng màn của tôi bị dẹp, Nhỏ miễn cưỡng nói:
- Đến bây giờ anh Tuấn còn chưa kiếm ra ai, thôi Trinh đành phải giúp đóng vai bà xẩm cho vậy.
Tôi mừng quá, tuy nghĩ tới Nhỏ nhiều lần nhưng không dám nói, tôi và Nhỏ chỉ gần gũi thân mật khi nhìn nhau thôi, lúc nói chuyện vẫn còn như đang cãi nhau!
Tôi nhờ mẹ hát và chỉ cho Nhỏ cách diễn xuất, cùng hôm đó Nhỏ kiếm đâu ra được cả áo ba tà và khăn mỏ quạ. Hôm trình diễn vừa thấy Nhỏ xuất hiện với y phục cổ truyền, tay cầm cái trống bỏi (trống con), tay cầm gậy dắt anh xẩm mặc áo lương đen, mắt đeo kính râm, khán giả phía dưới từ người lớn đến trẻ con hò hét đinh tai (khán giả nhà quê rất nhiệt tình và dễ tính - Nói nào ngay cả năm họ cũng chỉ có một vài dịp vui.).
Tôi đi ra giữa sân khấu đứng lại hát:
Trời xe cùng nhau…ứ ư ư ừ
Trời xe cùng nhau (mà) chồng sau thời vợ trước
Chẳng rời (mà) một bước. Hẹn cùng (mà) non nước
Giao ước những lời (mà) tình tính tang .. kìa kìa những lời
Giai lão ..í..à.. bách niên.
Khi tôi hát Nhỏ duyên dáng gõ nhịp rất đúng trên chiếc trống bỏi. Tôi đang sửa soạn đổi giọng thé thé giống tiếng con gái hát câu tiếp, bỗng một giọng kim cao vút cất lên:
Đua cùng chen. Đua cùng chen. Đám hội chùa thành
Hỡi ai nhanh nhanh chân (thời) vào chốn (chứ) hương hèn…
Chẳng những Nhỏ hát hay mà còn ngân nga giống hệt một cô đào đang hát cổ nhạc Bắc phần. Tôi cúi xuống tìm mẹ, chắc bà phải tốn nhiều công tập luyện cho Nhỏ. Tôi đưa tay chỉ bà xẩm:
Này mẹ nó! Làm chi con mắt tráo trưng, lỡ bước phải gai góc con đường trần thì sao?
Giờ tùy đấy hay là ham mê chữ giầu sang trước mắt,
Mà bỏ bể giang san sự nghiệp ở giữa đàng, thì đây cũng vui lòng mang xách nghe chưa!
Bà xẩm chạy ra giữa sân khấu, hai tay ôm vai:
Trông thấy chị em thời thẹn… Mà nghĩ đến giang san sự nghiệp thì lại thương!
Ông xẩm hậm hực:
Thế thì đi chứ?
Bà xẩm cúi mình chạy đến nắm chiếc gậy giắt ông xẩm vừa đi vừa hát:
Vâng thời hầu đi (ứ ư ư ừ)
Vâng thời hầu đi (mà) làm chi (thời) cõi khách
Theo chàng… này đàn… này phách… này manh chiếc rách…
Tay xách… Tay cầm… (mà tình tính tang kìa kìa) tay cầm cái trống nọ tay mang…
Nhỏ hát hay và đúng không ngờ, tôi thấy bố gõ tay vào ghế đánh nhịp. Đến khi chúng tôi cùng hát câu cuối: … kìa kìa những lời giai lão (í à) bách niên. (2)
Trước khi cúi chào, tôi đến nắm tay Nhỏ đây là lần đầu cũng là lần cuối trong đời.
Màn này khán giả hoan hô quá xá, họ tưởng thưởng bằng những tràng pháo tay không dứt, chắc vì loại nhạc này vui, mang tính Bắc kỳ truyền thống, tôi và Nhỏ diễn cũng lạ.
Ông anh rể hô thằng Trung thằng Tài mang nón đi . . xin tiền, coi bộ thâu cũng đỡ. Nhiều người lại được dịp bàn tán, nói tôi và Nhỏ y hệt cô dâu chú rể ngày xưa.
Tiếc rằng chú rể sau đó chưa tới một tháng đã bỏ đi tu! Cô dâu ở lại không chán sao được!.
Cuối buổi gặp gỡ Soeur Thérese còn cho tôi biết những năm tháng đầu trong nhà dòng, mỗi lần nghĩ đến Phát Chi soeur đều cầu nguyện cho tôi “thay tính đổi nết”.
A! thì ra tính tình tôi thay đổi không còn nghịch ngợm, phá phách, giỡn chọc ai nữa đều nhờ soeur. Soeur cũng cho biết sau này vẫn thường cầu xin cho tôi được “hồn an xác mạnh”.
Tôi tin những người như soeur cầu xin gì chẳng được. Thể nào tôi đã vượt qua bao nỗi hiểm nguy, từ đụng xe, đến đi lính, đi tù, vượt biên… tất cả đều nhờ soeur, “Thiên Thần Bản Mạnh Thứ Hai” của tôi vậy.
Tôi ao ước những người con gái/ đàn bà tôi từng “liên hệ” một ngày nào đó biết bắt chước soeur Trinh, cắt tóc đi tu ráo trọi. Lúc đó tôi tha hồ xác mạnh hồn an, chả sợ gì trên đời nữa.
(1) Vốn liếng mẹ mang từ Bắc vào chỉ còn lại mấy bài hát cổ mẹ thuộc lòng, vui nhất có lẽ là những bài trống quân, hát đối, hát xẩm. Những lúc mẹ hát bố cầm đôi đũa hay chiếc xe điếu gõ vào bàn và đánh trống miệng “cắc cắc cắc … cắc tùng tùng cắc!” Chắc vì vậy các chú tặng bố biệt hiệu “Lão Ngoan Đồng”.
(2) Bài hát xẩm này không biết bố mẹ tôi thuộc từ đâu, tôi bỏ ra cả nửa ngày kiếm trên net vẫn không thấy tăm hơi, chỉ thấy 1 đoạn ngắn duy nhất ban AVT đã trích trong bài Du Xuân/ Đón Xuân gì đó.
Hết