main billboard

Một trong những thú vui của chúng tôi là đánh lộn

Trại Phát Chi

    Đầu năm 1957 trại định cư Phát Chi được thành lập. Trại nằm khoảng hai phần ba đường từ Đà Lạt đi Đơn Dương (D’rang), trên Quốc Lộ I và cách Cầu Đất đúng 3 cây số.
 Tên Phát Chi có nghĩa “chi nhánh của Phát Diệm” vì phần lớn dân định cư nơi đây đến từ xứ Bạch Liên, Yên Mô tỉnh Ninh Bình.
 Cha cố Hoàng Đức Thạc đã quy tụ dân di cư Yên Mô rải rác trong Nam mang về đây. Cha cố là cánh tay mặt của Đức cha Lê Hữu Từ thời Bùi Chu - Phát Diệm tự trị.
Cũng giống ĐC, cha có khuynh hướng dân tộc quá khích, không thích Pháp Mỹ và tuy từng làm cố vấn cho phe ta ngài dĩ nhiên không chấp nhận vô thần nên quay ra lập vùng tự trị để rồi cuối cùng di cư vào Nam. ĐC Từ cũng về ẩn thân trong dòng khổ tu Châu Sơn cách đó 15 cây số.
         Bố tôi rất vui khi có trại định cư Phát Chi, tại Cầu Đất ông không có bạn, do bản tính cởi mở thích giao thiệp, gặp những người Bắc di cư cùng hoàn cảnh ông như cá gặp nước.

Tuy gia đình tôi vẫn còn ở Cầu Đất nhưng cứ cuối tuần hay lúc rảnh rỗi ông lại xuống Phát Chi. Cha già Thạc gặp bố cũng mừng lắm, so với những con chiên cha quy tụ về, tuy hết sức ngoan đạo nhưng từ kiến thức đến khả năng tổ chức, điều hành chắc không ai hơn bố.
Cha cố vì muốn kéo bố về Phát Chi giúp cha xây dựng giáo xứ, đã vận động cấp cho gia đình tôi một khu đất khá đẹp, cha còn hô hào dân trong trại mỗi người một tay đến giúp bố mẹ tôi cất nhà.

Bố mẹ chỉ phải mua vật dụng, tôn gỗ và làm những bữa ăn cho cả trăm người.Tôi lăng xăng cùng vài thằng bạn chạy tới chạy lui giữa những người lớn, lúc nhặt búa lúc lượm đinh, giữa tiếng hô hoán ồn ào, tiếng đẽo đục, tiếng cưa cắt.
Sau vài tuần một căn nhà ba gian và căn bếp hai gian được thành hình, nhiều người dân trong trại xầm xì cho rằng nhà tôi nhìn sáng sủa, khang trang nhờ lúc đặt móng có cha cố đến làm phép.
Cả đời tôi chưa thấy dân ở đâu sống đoàn kết, chia ngọt sẻ bùi bằng người dân xứ đạo này.
      

Từ lúc bố về ở hẳn Phát Chi, dân làng bầu bố làm trưởng ấp, ông giữ chức vụ này liên tục từ ngày thành lập giáo xứ (1957)  cho đến khi gia đình tôi về Sai Gòn (1966), nếu không ra đi chắc bố vẫn còn làm trưởng ấp nơi đây.
Cha già Thạc cũng chọn bố làm ông trùm họ đạo! Nghĩ cũng lạ, một giáo xứ với tuyệt đại đa số là dân Phát Diệm lại chọn một ông Bùi Chu vừa làm trùm vừa làm trường ấp! (Gia đình tôi gốc Trực Ninh tỉnh Nam Định).

Ho phat chi


  Hồ Phát Chi
   

   Trong khi gia đình tôi xuống Phát Chi tôi vẫn đi học trường Trí Đức, Cầu Đất và ở nhà chú An (ba Lan). Lan là con một nên từ nhỏ anh em đã rất thân thiết, lúc nó mới chập chững biết đi mỗi lần thấy tôi đi học về nó la: “Anh Uấn”, rồi cắm cổ chạy đến anh bất kể sống chết, có bữa vấp té u đầu.

Nhưng Lan không phải là đứa duy nhất muốn tôi ở gần, con Nga cũng sợ tôi xuống Phát Chi lắm. Tuy rất thường bị tôi sai vặt, nó coi như chuyện tự nhiên, không bao giờ biết giận. Năm đó em nó cũng bắt đầu đi học mẫu giáo nhưng nó để mẹ nó dẫn đi còn nó vẫn hằng ngày ôm cặp lẽo đẽo theo sau tôi để xách cặp.

 Có thể khi đóng vai em tôi nó thấy yên tâm vì được bảo vệ. Tôi không khỏe nhất trường nhưng tự nhận có võ Bình Định, cháu ba đời của ông tướng cận vệ vua Quang Trung đời Tây Sơn, đánh nhau gan lì nên ít đứa muốn đụng đến.

 

Niềm Vui Đánh Đấm

 Một bữa trong lớp tôi hai thằng học dốt nhưng phá phách tên “Trư Bát Giới” (người mập thù lù, má phính, mũi to) và “Lỗ Trí Thâm” (môi thâm xì) - hầu hết biệt hiệu đều do tôi chế vì đọc nhiều truyện Tầu - hai thằng ôn dịch nắm tay nhau chạy vào giữa đám con gái đang chơi, một thằng giơ tay tốc váy con Nga, ha hả cười rồi bỏ chạy.
 Tôi được báo đến thấy con Nga đang ấm ức khóc, tôi hầm hầm đi về hướng Trư Bát Giới, thằng này biết tôi muốn đánh nhau, nó dơ nắm tay ra dứ dứ:
- Đánh thì đánh, bộ tao ngán mày hả?
Tôi chỉ xuống sân dưới nơi các soeur từ lớp học không nhìn tới. Thấy có đánh nhau, đám con trai ùn ùn kéo theo cổ võ. Xuống đến sân dưới tôi hất hàm:
- Mày chơi trò gì mất dậy vậy?
 Thằng Trư Bát Giới cao giọng khinh khỉnh:
 - Mày là cái gì của …Nó chưa dứt lời tôi nhào vào bụp!. .  bụp!

   Nhờ thích đánh đấm và mê say truyện Tầu, tôi đã rút được những bài học quí báu như:1) Xuất kỳ bất ý – Tiên thủ hạ vi cường: Phải đánh trước và đánh bất ngờ, lúc thằng Trư Bát Giới đang nói, không kịp đề phòng, những cú đấm đầu gần như chắc chắn trúng đích. 2) Đánh thẳng vào hiểm địa – Bộ phận đầu não: Không đấm đá vào người vào ngực bụng đối phưng mà chỉ đánh vào mặt.

Trên mặt cũng có thứ tự ưu tiên
– Mũi: Vì đập nhẹ vào cũng làm chảy máu cam, thấy máu đối phương sẽ mất hết tinh thần, không còn ham đánh chỉ muốn rút lui để bịt mũi
 – Mắt: Trúng một đấm sẽ tá hỏa tam tinh, loạng quạng không biết đường đón đỡ. Đánh vào mắt còn có tác dụng khiến quầng mắt thâm xì, một dấu tích chiến bại cả tuần đối phương không có cách gột rửa.
Ngoài ra nếu không trúng được vào mũi mắt mà trúng tai, môi, cằm đều có tác dụng vì làm đối phương đau và mất tinh thần.
 3) Tấn công vũ bảo – Không cần phòng ngự.

Lúc đó Trư Bát Giới đã bị trúng đòn vào sống mũi, máu chảy tè le xuống cằm, hắn đang hoang mang lo sợ, bị nhồi thêm mấy cái vào má vào mắt, hắn té bật ngửa, tôi nhanh chóng nhảy lên ngực Bát Giới đấm như mưa lên mặt hắn, hét:
 - Mày chừa chưa? Còn dám chọc con Nga nữa thôi?
Thấy Trư Bát Giới bị đánh đau quá, Lỗ Trí Thâm muốn nhào vô cứu bồ bị Quang Trung và Trần Quốc Toản chận lại, ở ngoài nó la:
 - Mày muốn đánh chết nó hả? Máu chảy quá rồi.
 Tiếng la thảng thốt của Lỗ Trì Thâm càng làm Bát Giới rụng rời nên khi nghe tôi quát:
 - Chừa chưa? Nó riu ríu đáp: Chừa!
Tôi nhảy xuống tha cho Bát Giới, áp dụng đúng chiến thuật
4) Thôi đúng lúc: Biết ngưng lúc thắng, kéo dài thêm sợ đối phương khỏe hơn, khi lấy lại được bình tĩnh rất khó chống đỡ. Nhưng dù sao tôi cũng phải hù Bát Giới:
- Hôm nay tao chỉ đánh cảnh cáo, lần sau còn chọc con Nga tao sẽ ra đòn độc đá bể bong bóng mày. Nghe chưa?
Vừa nói tôi vừa dơ chân dứ dứ vào giữa hai đùi Bát Giới. Cu cậu có vẻ sợ thực sự, từ đó hắn phá đâu thì phá không bao giờ dám đụng đến con Nga.
  

 Niềm đam mê đánh nhau của tôi được ngủ yên từ ngày bước chân vào dòng tu, nó tiếp tục được chôn kín khi tôi về Sài Gòn, hình như chỉ một lần nó bùng lên.
 Dịp đó tôi đã học năm thứ hai, một buổi chiều rảnh rỗi chui vào Văn Hoa coi ciné, lúc về đẩy xe khỏi chỗ gửi, tay lái bị vướng vào xe thằng bên cạnh, Thằng này tướng anh chị, áo hở ngực xâm rằn ri, bị đụng vào xe nó văng tục: “ĐM mắt mù hả?”.
Nhìn tướng nó đã thấy ghét lại bị văng tục, thần đánh lộn của tôi thức giấc, tôi quát:
- Mày nói gì?  
Thằng mặt rô hơi bất ngờ khi thấy tôi dám sừng sộ lại, nó nghiến răng chỉ ra ngoài sân:
- ĐM ra ngoài.
Chưa nói dứt câu mắt mũi nó đã ăn đòn, lúc nó còn đang chới với vung tay che mặt, tôi nhảy lên đạp cho xe ngã đè lên chân thằng khốn rồi nhào vào đấm đá đạp.
Mấy người chung quanh thấy mặt của tay anh chị đã dính máu nên nói vài câu can gián, tôi được dịp “thôi đúng lúc” nâng xe lên dọt cho lẹ.
Một lát sau tôi thất thểu đến thư viện vẫn dưới dáng dấp “hiền lành, nhút nhát, vui vẻ” nhưng thật ra lúc đó mới thấy đau, ban nãy hăng máu tôi đấm đá cả vào sườn xe.   

     Thời tôi lớn lên trên vùng hẻo lành như Cầu Đất, một trong những thú vui của chúng tôi là đánh lộn. Hai thằng nhào vào đấm đá túi bụi thường chỉ coi như một trò chơi chứ chẳng hề vì tức giận hay thù hằn.

 Đánh nhau chán lại rủ nhau chơi tạt loong, đá cầu,  nếu không còn việc gì làm thì rủ nhau đi “chửi đua”.
Cả bọn cứ làm bộ như đang đến ăn cắp bưởi, hái mận trong vườn mấy “bà chằng”, mấy bà này thấy mặt chúng tôi là ghét, đứng trong hàng rào chửi ra, bên ngoài chúng tôi chõ mõm chửi vô, chọc cho mấy bà chửi đến rã  họng, khàn tiếng mới chịu bỏ về, ôm nhau cười nhăn nhở.

Cũng nhờ kinh nghiệm đánh đấm nhiều, ngoài những chiến thuật thủ thắng, ngay từ hồi đó, tôi đã khám phá ra một chân lý: Thằng nào lì hơn thằng đó thắng. Vì với hai thằng đồng sức hay hơn kém chút đỉnh đánh một lát chưa thể hơn thua, nhưng sau khoảng 15 phút quần thảo, thằng nào cũng mệt bở hơi tai, thở hồng hộc, dơ tay lên không muốn nổi, thường lúc đó mới thấm đòn thấy đau, mới để ý đến quần áo bị rách, về nhà bị ăn đòn.
Đến lúc đó đa số muốn thôi, muốn giải hòa. Nhưng với tôi đây là thời điểm ăn tiền, đối thủ muốn thôi tôi cũng cho nhưng phải “nhận thua”, nếu không đánh tiếp.
Khi đối thủ không còn hứng đánh đấm, việc cất cánh tay đấm nhau lại càng khó khăn (tôi đã từng quần thảo đến lúc nâng tay lên ngang mặt cũng không muốn nổi), lúc đó tôi chỉ cần lừa lừa gạt cho một cú, mười lần hết chín lần đối thủ ngã nhoài, cỡi được lên ngực đối phương được rồi tôi thong thả dến búa xuống mặt cho đến khi hắn rên rỉ nhận thua mới thôi.

Trong lớp tôi khá ngoan nhưng khi ra chơi, tôi hay đi xuống sân dưới tay khằm khằm, mặt nghênh nghêng, lừ đừ kiếm coi có thằng nào muốn đánh nhau không.
Nhiều khi cả tuần vẫn không kiếm được đối thủ, chân tay ngứa ngáy tôi đành rủ tụi bạn chơi trò đô vật. Vật nhau không thú bằng đánh nhau nhưng dù sao cũng đỡ ghiền.

Thi Tiểu Học

    Năm 1958 tôi cùng 18 học sinh Trí Đức đi thi tiểu học. Lần đầu tiên trong đời đi thi nhưng tôi chưa cảm nhận được tầm mức quan trọng của nó nên chẳng làm gì để sửa soạn.
 Gần ngày thi dì Marie bắt chúng tôi đến lớp cả hai buổi để thực tập, việc này tạo dịp cho chúng tôi gặp nhau vào buổi trưa, tôi thường dẫn đám bạn đi lên mãi Trại Thiếc (1) hái móc mát (2).

Những trái móc mát chín mầu tím sậm thơm lừng, bên trong ăn ngọt ngọt chua chua, có rất nhiều hột đen cứng – loại hột bao tử con người không tiêu hóa nổi.
 Đặc biệt loài rắn lục cũng rất mê móc mát, một bữa tôi đưa tay đang định hái một trái chín bỗng đứng sựng vì chợt thấy đầu con rắng lục cách trái mát có chừng gang tay.
Tôi và rắn trợn mắt nhìn nhau rồi tôi lùi dần. Cảm giác ghê sợ đó ám ảnh tôi mãi, chỉ chút xíu nữa là đời tôi không biết đi về đâu.

  Cầu Đất thuộc quận Đơn Dương, phòng thi thiết lập tại quận. Dì Chín mướn hai xe Minh Trung chở học sinh đi với dì.
Chúng tôi đón xe trước cửa trường từ 6 giờ sáng khi trời còn mù mờ, trong lúc đứng chờ xe tôi khám phá ra một trò chơi mới: liệng mạnh một hòn đá xuống mặt đường sẽ tạo nên những tia lửa nhấp nháy đẹp mắt.
Xe đến trước cửa trường thi dì Chín tụ họp chúng tôi đặn dò lần cuối, dì ôm tôi vào lòng nhắc nhở: - - -- Con nhớ làm dấu cầu nguyện xin Chúa Thánh Thần soi sáng trước khi thi nghe.
  Tôi cảm động thấy dì y như mẹ, tuy thấy tôi phá phách nhưng vẫn hết lòng yêu thương.

   Nhưng vừa vào phòng thi nhìn thấy anh chàng ngồi cùng bàn, tôi quên khuấy những điều soeur dặn. Trong phòng thi mỗi bàn ngồi hai người, anh chàng ngồi chung bàn với tôi chắc phải 16, 17, ăn mặc lịch sự như đi dự đám cưới, quần thẳng nếp, cổ cồn, áo có ni.
Thấy dáng điệu của anh ta tôi tức cười quá và chợt nhận ra anh ta có cái mũ cối mới tinh, loại mũ bảo hộ được bọc vải trắng, chắc mới mua nên anh chàng nâng niu, trước khi đặt mũ xuống ghế, chỗ giữa hai đứa ngồi, anh ta cẩn thận lấy tay phủi phủi.
Ngồi làm bài một lúc tôi “vô tình” giơ tay gạt cái mũ anh hàng xóm xuống đất. Nghe cái bịch, anh ta hết hồn vội vàng cúi xuống lượm, tay phủi phủi miệng thổi phù phù, lườm tôi một phát đầy đe dọa.

Làm bài một lúc nữa lại nghe cái “bịch!”, lần này anh chàng hàng xóm đứng rột dậy, đằng sau nghe tiếng thằng Tự cười khúc khích, tôi làm bộ chăm chú làm bài, biết rằng trong phòng thi sức mấy anh chàng dám đánh tôi.
Biết không làm gì được tôi anh hàng xóm hậm hực ngồi xuống, nhưng thay vì ngồi ngoài, anh ta ngồi trong để cái mũ bảo hộ bên ngoài.
Nhưng cách ngồi của anh ta không giống ai vì thầy giám thị cố tình muốn học sinh ngồi hai đầu để tránh cọp dê mà! Quả nhiên, chỉ mấy phút sau thầy giám thị đưa thước chỉ xuống:
 - Anh kia! Ngồi ra đầu bàn.
 Chàng hàng xóm miễn cưỡng phải ngồi lại, nón cối lại phải đặt vào giữa. Anh ta dấu nắm đấm dưới gầm bàn đưa về phía tôi. Nhưng với tôi càng dọa tôi càng khoái chọc nên chỉ một lát lại “Bich!”.
Nơi ghế dưới thằng Tự cười thành tiếng, anh hàng xóm đứng rột dậy, cúi nhặt mũ xăm xăm lên méc giám thị.
Thấy thầy giám thị xuống tôi phân trần trước:
- Thưa thầy em vô tình làm rớt mũ của ảnh chứ có chọc gì ảnh đâu.
Anh hàng xóm tức tối:
 - Vô tình gì bốn năm lần.
Tôi chối bai bải:
 - Dạ thưa thầy ảnh nói quá chứ…
 Thầy giám thị chỉ vào bàn cuối còn trống:
 - Trò này xuống dưới kia ngồi. Cả hai em phải giữ trật tự trong phòng thi.
Tôi lủi thủi ôm bài thi xuống bàn dưới cùng, nghĩ bụng phải ráng làm bài cho sớm chớ nếu ra sau anh hàng xóm dám bị ăn đòn lắm.
Lúc mang bài lên nộp, qua bàn anh nón mới tôi tính lấy tay gạt cú chót, nhưng anh ta đã đề phòng trước, thấy tôi đi qua vừa nhoài người vào một tay anh giữ nón một tay đưa nắm đấm ra dọa:
 - Thằng quỷ con, thi xong mày biết tao!
    Ra ngoài phòng thi, dì Chín đón chúng tôi nơi cổng trường, dì hỏi về tình trạng làm bài thi, ai cũng nói làm được được (nhưng thực ra năm đó Trí Đức đậu có một nửa).
Dì quay hỏi tôi :
 - Còn con thì sao?
Thằng Tự toét miệng cười lép xép:
- A thằng Tứng nó…
 Bị tôi đưa tay nhéo lia lịa vào lưng Tự đành nói trớ:
 - Nó chọc cười hoài.                      
    Nhưng không biết từ đâu dì Chín cũng biết vụ tôi chọc anh hàng xóm trong phòng thi.
Hôm sau đi thi ngày thứ hai, trên xe Minh Trung dì ngồi kế tôi thủ thỉ:
 - Con phá như vậy rồi làm sao làm bài? Con không đậu đã đành còn người con chọc họ tức giận cũng không làm bài được thì sao? Có phải con hại luôn người ta không?
Nghe dì nói một hồi tôi tự thấy có lỗi quá, lạ một điều là dù bị dì quất mấy chục roi tôi cũng chưa bao giờ khóc, nay nghe dì tỉ tê tự nhiên nước mắt lưng tròng, tôi hứa sẽ không quậy phá ai nữa.
Trong phòng thi tôi cẫn thận làm dấu, đọc “Kinh Sáng Soi” (Cho chúng con được biết việc phải làm và khi làm xin Chúa giúp đỡ…) Tôi tránh không nhìn anh hàng xóm, hôm nay anh ta cũng không mang mũ mới theo. . .

Nhưng đến giờ cuối thi vẽ, anh ta và tôi đều chọn vẽ nón lá vì thấy dễ hơn vẽ bình hoa. Ngệch ngoạc một hồi tôi mang giấy lên nộp vì thấy càng sửa càng xấu, anh hàng xóm vẫn đang mải mê ôm cọng bút chì tô điểm, thấy tôi đứng phía sau ngắm tới, anh chàng quay lại sừng sộ:
 - Nhìn gì mày? Tôi cười cười:
 - Hình anh vẽ tôi thấy kỳ quá.
- Kỳ cái gì?
 Tôi thủng thẳng:
 - Anh vẽ cái nón lá mà sao tôi thấy nó giống cái nón của anh hôm qua.
 Biết bị chọc anh ta phùng mang trợn mắt, dí bút chì vào mặt tôi:
 - Tao mà rớt kỳ này thì mày biết tao. Anh ta tên Phạm Minh Tuấn, tôi quên không dò bảng coi anh ta có đậu không.      

(1)    Trại nằm dưới một thung lũng, vì mái nhà lợp tôn nhìn từ trên xuống chỉ thấy lấp loáng những tấm thiếc. Có lẽ vì vậy trại có tên “Trại Thiếc”. Trên Phát Chi nhà cũng lợp tôn nhưng trên đồi, nhìn thấy nhà chứ không thấy thiếc.      
(2)    Bên Mỹ tôi thấy người ta gọi trái móc mát là “chanh giây”.