Khả năng làm toán của tội khiến dì sửng sốt
Sở Trà Cầu Đất
Một buổi tối trong bữa cơm ông Đốc vui vẻ báo tin cho bố mẹ tôi và các chú:
- Cậu đã tìm được công ăn việc làm cho các cháu rồi, cậu mới gặp lại người bạn học bên Pháp, ông ta vừa được bổ sang đây làm giám đốc trông coi đồn điền trà Cầu Đất, hôm nay cậu vừa mới đi thăm cái đồn điền đó, cách đây vài chục cây số, rất lớn với cả ngàn công nhân, có nhà thương riêng và nhân công ai cũng được cấp nhà. Ông bạn của cậu rất cần những người tín cẩn giúp đỡ vì ông ta thường xuyên phải về Pháp, vợ con ông ta vẫn còn bên đó.
Bố mẹ tôi và các chú nghe nói đều tỏ vẻ mừng rỡ, chưa biết công việc tại đồn điền trà ra sẽ sao nhưng trước mắt thoát được cảnh ăn không ngồi rồi, ăn nhờ ở đậu.
Ông Đốc nhìn bố tôi hơi phân vân hỏi:
- Các cháu cũng nói được ít tiếng Pháp chứ nhỉ?
Chú An nhanh nhảu:
- Dạ thì cũng đại khái, như đồn điền trà nói là plantation de thé phải không cậu?
Ông Đốc mừng rỡ vỗ vai chú:
- Đúng rồi đấy, cháu nói tiếng Tây rất chuẩn. Bạn câu là Monsieur Martin De Guigo dòng họ De Guigo danh giá. Ông ta sang đây một mình ở một dinh cơ còn lớn gấp hai nhà của cậu, ông đang rất cần một người quản gia. Ngày mai cậu mời ông ta ghé ăn trưa với nhà mình, các cháu sẽ gặp ông ta và nếu hai bên đồng ý, ông ta sẽ cho người lên đón các cháu về làm trong tuần. Cậu cũng đã nói sơ với ông về trường hợp các cháu.
Hôm sau ông Martin đến, chú An vẫn luôn nhanh nhảu ba hoa chí chòe, không biết tiếng Tây tiếng U chú nói có đúng không chỉ thấy mẹ thỉnh thoảng tủm tỉm cười, cũng may có ông Đốc luôn tế nhị chen vào nên cuộc đối thoại cũng vui vẻ trôi chảy.
Sau khi ông Martin về, ông Đốc xuống nhà dưới nói với chú An:
- Vậy là xong, cháu sẽ làm quản gia cho ông chủ sở trà.
Ông chỉ chú út:
- Còn cháu, người cháu to lớn vạm vỡ sẽ được nhận vào toán cân trà, người ta đi hái trà về cháu sẽ bỏ lên bàn cân coi họ hái được bao nhiêu để trả công.
Ông quay lại bố tôi phân vân:
- Khó nghĩ là cháu, cháu có gia đình đông con phải làm việc gì khá lương một chút, ông Martin muốn cho cháu làm cai coi nhân công, nhưng việc làm cai cũng khó vì phải biết việc. Ông ta chưa nghĩ ra việc gì hợp với cháu, nhưng đừng lo. Vài ngày nữa ông ta sẽ gởi xe lên đón các cháu về Cầu Đất, gia đình cháu cứ đi, ông ta sẽ chọn được việc vừa sức với cháu, tạm thời ông ta vẫn trả lương, cấp nhà cho gia đình cháu.
Bố mẹ tôi và các chú đều mừng rỡ cám ơn.
Mấy hôm sau ông Martin cho xe “cam-nhông” lên đón gia đình tôi, người lớn chất lên xe đủ thứ, ngoài những đồ đạc mang lên từ trại di cư và của bà Đốc cho còn có cả vài cái hòm sắt bà nội mang từ ngoài Bắc vào (gồm chén đĩa cổ bể gần hết, những đôi đũa, ống nhổ, bình vôi bằng bạc…)
Trong khi chờ đợi tôi chạy ra vườn, vòng vòng dưới gốc cây cày để cố lượm những trái còn sót, bỗng nghe tiếng bà Đốc gọi vọng ra:
- Cháu Tuấn đâu rồi, cháu Tuấn đâu?
Tôi ngập ngừng chạy về trước nhà, bà Đốc và cô Búp bê đang đứng trên thềm, cô dang tay ôm hông mẹ, mắt đỏ hoe.
Bà Đốc thân mật nói với tôi:
- Thỉnh thoảng bà cho chú Sáu đưa xe đón cháu về chơi với cô nhé.
Tôi khoanh tay lễ phép:
- Vâng ạ, mà cũng gần chẳng cần xe đâu, cháu sẽ đi bộ về thăm cô và ông bà.
Người lớn ai cũng có vẻ hài lòng, tuy cũng hơi ngạc nhiên thấy tôi hôm nay sao ngoan ngoãn quá.
Bà Đốc mỉm cười hỏi Búp bê:
- Thế cô Châm có đồ chơi gì cho cháu không?
Búp bê gật đầu chạy vào trong, tôi nhìn theo ngán ngẩm. Những đồ chơi của Búp bê tôi biết hết cả rồi, toàn những loại búp bê và gấu, chó nhồi bông, có mỗi con khỉ đánh trống là chơi tạm được, nhưng con khỉ này cũng hết đánh trống được rồi vì một hôm để giúp nó đánh mạnh tôi đề nghị lên giây thiều hết cỡ, chỉ nghe “xẹt” một tiếng, tay chân khỉ từ đó xuội lơ.
Xe đã sẵn sàng, mọi người đã nói lời từ biệt mới thấy Búp bê từ sau hấp tấp đi ra, hai tay cô nâng món đồ chơi đặc biệt, chiếc tầu của ông chủ sở trà mới tặng cô hôm ông đến thăm. Cô rất thích chiếc tầu nhỏ vì nó thật đẹp và tinh xảo.
Hôm qua lúc thả tầu vào bể nước cô đã theo dõi say mê, bật cười khi thấy con tầu lúc đụng vào thành hồ biết tự động hú còi và chạy lui.
Tôi không ngờ được Búp bê cho món đồ chơi cô đang thích nên vẫn đứng ngẩn ngơ cho đến lúc mẹ giục:
"Cám ơn cô đi." tôi mới đưa tay ra nhận. Ôi! Chiếc tầu hôm qua tôi chỉ dám đứng nhìn mơ ước nay đã trong tay tôi, lần đầu tiên tôi có cảm tình với Búp bê, mai mốt phải nói mẹ cho về thăm cô mới được. Chiếc tầu này làm bằng sắt rất bền, tôi chơi được mãi, có lần tầu bị chó tha đi cả tháng, lúc kiếm lại được thay pin mới vào nó vẫn chạy
Về Cầu Đất gia đình hai chú được sắp xếp ở dẫy nhà ngang trong dinh cơ ông Martin, gia đình tôi được cấp một căn nhà gần đó.
Căn nhà phía sau dựa vào đồi trà, mặt trước quay ra Quốc Lộ 1. Vì độ giốc của đồi, mặt trước được chống bởi một dẫy cột cao, nhìn xa giống như một căn nhà sàn, cũng vì vậy nó có tên “nhà cao cẳng”, mấy đứa bạn trong lớp hay hỏi tôi:
- Mày ở cái nhà cao cẳng đó hả?
Bố tôi sau vài bữa được ông chủ sở trà kiếm cho một việc rất nhàn, chưa thấy việc nào nhàn hơn việc” gác trà”. Đồn điền rộng mênh mông, một mầu xanh mướt phủ qua nhiều ngọn đồi, kéo dài từ Đất Làng, Láng Thiếc, sang Phi Nôm, Trường Sơn, Trại Mát lên Phát Chi, Trạm Hành mà chỉ có ba người canh.
Thực ra canh gác cho có chứ qua bao nhiêu năm, chưa khi nào thấy bố tôi bắt được ai hái trộm trà, cà phê. Hằng ngày ông mặc chiếc áo “ba đờ xuy” thùng thình, vai đeo lủng lẳng chiếc điếu cày, cà mên cơm, bình cà phê rồi leo lên vọng canh ngồi từ sáng đến tối.
Ông chỉ có mỗi việc là đọc sách, đọc nhiều đến nỗi bao nhiêu sách trong những tiệm cho mướn truyện ở Cầu Đất, Đà Lạt ông đều đọc qua. Những quyển như Tam Quốc Chí, Thủy Hử hay truyện của Tự Lực Văn Đoàn, ông gần như thuộc lòng vì đã đọc quá nhiều lần.
Mấy ngày đầu xa Đà Lạt tôi thỉnh thoảng vẫn nhơ nhớ khu vườn nhà ông Đốc và Búp bê, nhất là khi mang chiếc tầu nhỏ ra chơi, tôi hay nhìn về hướng Đà Lạt, đỉnh Lâm Viên mờ mờ trong sương khói.
Có lúc tôi lang thang ra sau đồi kiếm một khúc cây có hình người dang tay, định bụng sẽ ráng đẽo cho cô bé một con búp bê bằng gỗ trà, chắc Búp bê thích lắm. . . Chỉ đến lúc mẹ dắt tay tôi đến ghi tên học trường Trí Đức, Cầu Đất tôi mới quên hẳn Búp bê.
Tiểu Học Trí Đức
Trường tiểu học tư thục Trí Đức cũng nằm trong khuôn viên nhà thờ Cầu Đất.
Giáo xứ Cầu Đất tuy rất nhỏ, chắc chỉ có khoảng bốn năm trăm giáo dân nhưng đã có những cha xứ cừ khôi.
Trước khi tôi tới, giáo xứ được coi bởi cha Nguyễn Văn Bình về sau làm Tổng Giám Mục SG, cha xứ hiện tại Nguyễn Thông về sau là GS Đại Chủng Viện, nổi tiếng hùng biện trong giới Công Giáo.
Tôi ghi tên vào lớp Năm (lớp một bây giờ) sau Tết ta, lớp chỉ còn vài tháng là mãn niên học. Chưa quen thầy quen bạn, tôi ngồi ủ rũ hiền khô, e dè quan sát nơi cuối lớp, áo quần lấm lem tay chân đầy mực.
Nhưng lên lớp Tư (2), mọi chuyện khác hẳn.
Trí Đức là một trường tư thục Công Giáo do các dì (soeur) dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt trông coi. Lên lớp Tư phần lớn học sinh vào khoảng bảy tuổi, ngoài chương trình học bình thường, các dì còn dậy cho học sinh giáo lý Công Giáo vài giờ mỗi ngày để sửa soạn cho việc “xưng tội, rước lễ” lần đầu.
Việc học giáo lý được coi như đương nhiên và bắt buộc đối với mọi học sinh không phân biệt tôn giáo. Trong lớp tôi có nhiều đứa bên “lương” nhưng thuộc kinh làu làu, gia đình tụi nó chắc thấy học sinh Trí Đức tuy cũng rất nghịch phá nhưng hiếm khi văng tục chửi thề, các soeur rất nghiêm khắc việc này.
Ngay những giờ đầu học giáo lý dì Chín, tên chính tức soeur Thérèse, đã ngạc nhiên thấy tôi thuộc làu làu những điều ghi trong sách “Giáo Lý dành cho trẻ em Xưng Tội Rước Lễ lần đầu”.
Công trình này có lẽ bắt nguồn mãi từ bà ngoại tôi, bà góa chồng từ năm 23 tuổi, ở vậy nuôi con và dành mọi năng lực vào việc phục vụ Giáo Hội CG, từ việc xây nhà thờ Đồng Quỹ, giúp đỡ nhiều cha trong đó có Bố Già, (cha quản lý Địa Phận Bùi Chu – trông coi nhà in và trường Nguyễn Bá Tòng, . .), bà còn đóng vai bà quản (một loại trùm) coi nghĩa binh (“thiếu nhi thánh thể”) của giáo xứ.
Mẹ tôi con bà quản dĩ nhiên phải thuộc kinh sách hơn người khác, chẳng vậy mà trong một cuộc thi kinh của địa phận mẹ được quán quân, ngoài việc thuộc lòng những kinh thông dụng, mẹ còn có thể “đọc ngược” nhiều kinh.
Khi tôi bập bẹ tập nói, mẹ đã gieo vào đầu tôi những kiến thức như: “Mười điều răn là gì?”, “Bảy phép bí tích?”, “Ba ngôi Thiên Chúa”… Tôi hơn hẳn đám bạn trong lớp vì có lẽ đây là lần đầu chúng nó học những điều này.
Tôi yêu quý dì Chín, coi soeur như hình ảnh của mẹ tôi trong lớp, cũng vóc dáng cao gầy, mắt to nhìn thẳng, giọng nói trong cao vút, đầy tình cảm nhưng cũng rất nghiêm nghị.
Nhờ giỏi giáo lý, dì đối với tôi cũng rất đặc biệt, trong những giờ chầu của thiếu nhi dì luôn giao cho tôi đọc những lời nguyện, đi đầu trong những cuộc rước kiệu.
Nhưng nếu việc thuộc giáo lý chỉ khiến dì ngạc nhiên, khả năng làm toán của tôi đã khiến dì sửng sốt. Hằng ngày trước giờ ra chơi khoảng mươi phút dì ra ba bốn bài toán, ai làm xong sẽ được ra chơi trước.
Nhiều bữa dì mới viết xong đề trên bảng, nhiều đứa còn đang loay hoay chép đề tôi đã mang tập lên nộp. Tháng đầu dì không để ý cho rằng những bài toán cộng trừ ôn của lớp năm nên tôi làm nhanh, nhưng sang tháng thứ hai làm toán nhân hai rồi ba số tôi vẫn làm như máy.
Bữa kia dì giữ tôi lại trong giờ chơi tò mò hỏi:
- Con làm toán cách nào mà nhanh quá vậy? Như thần đồng. Bộ ở nhà cũng có ai dậy con rồi hả?
Tôi thành thật trả lời: - Dạ, con làm theo "cách của mẹ con".
Số là mẹ tôi năm mười ba tuổi đã đính hôn, bà ngoại muốn bố tôi phải “làm rể” ba năm. Bố lúc đó đã mười sáu nhưng mới chỉ có cái “sơ học yếu lược”, bà đòi ông ít ra phải có tiểu học mới cho cưới.
Ngoại mướn ông giáo Thu ngoài trường huyện về kèm bố mẹ chương trình tiểu học, cùng lúc nuôi một ông thầy đồ xứ Nghệ trong nhà để dậy chữ Nho, cứ sáng học chữ Nho chiều học chữ Việt.
Thầy đồ thời đó đang bất đắc chí (cái học nhà Nho đã hỏng rồi, mười người đi học chín người thôi), mang mặc cảm và sợ bị chê là chỉ biết văn thơ ngêu ngao chứ không biết gì đến khoa học nhất là toán, nên thầy chứng minh ngược lại bằng cách mang bàn khảy lách cách ra bắt bố mẹ học toán theo kiểu ta (đúng ra là kiểu Tầu cổ).
Mẹ đoán buổi chiều lúc bố mẹ đang học với thầy Thu, ông đồ Nghệ sách bàn khảy lên chợ dợt toán ta với mấy chú Chệt bán thuốc Bắc. Làm toán kiểu “ta” phần lớn dựa vào cách tính nhẩm, đưa về dạng cộng trừ và chung quanh những số 1, 2, 5, 9, những “số đối nhau” (như 35 và 45 đối nhau qua 40), hay “bù nhau” (tổng số bằng 10, 100…)
Đối với một số trường hợp làm kiểu “ta” nhanh hơn kiểu “tây”. Thí dụ 284 X 100, thêm 2 đơn vị có ngay 28400. Hoặc 284 X 5, nhân với 5 cũng dễ, nhưng vì 284 là số chẵn chia đôi nhanh hơn, và 284 X 9, thay vì nhân 9 thì thêm một đơn vị và làm toán trừ.
Như vậy 284 X 159 làm theo kiểu ta sẽ làm ngược (từ trái sang phải) và chuyển thành toán cộng: 28400 + 14200 + 2556. Đương nhiên cách tính nhẩm cũng rộng mênh mông và tùy theo độ nhớ của mỗi người.
Những đứa trẻ từng học cách tính nhẩm (1), mỗi khi thấy những con “số tủ” như nhân với cùng một số (bình phương), nhân với 4, chia cho 25, v.v . . đầu óc tự động hiện ra cách đơn giản hóa.
Làm theo kiểu “tây” ngược lại chẳng cần nhớ gì, cũng vì vậy khi tôi trình bày cách giải của tôi với dì Chín, dì cũng muốn dậy cho lớp nhưng rồi chỉ sau vài lần thử, đứa nào cũng nói cách giải của tôi khó và . . chậm hơn!
Trong khi ở nhà mẹ luôn luyện tôi làm toán kiểu “ta” và dùng nó như điều kiện để được nghe bà kể “Chiêu Quân Cống Hồ”, “Tái Sanh Duyên”, . . hay cho tôi tự do đọc “Long Hình Quái Khách”, “Đại Phá Thiếu Lâm Tự”, . . Càng về sau tôi càng tính nhẩm nhanh hơn bà.
Trường Trí Đức có sáu lớp nhưng chỉ có ba người dậy nên mỗi người dậy một lúc hai lớp (mỗi lớp vài chục đứa) cùng ngồi chung một phòng.
Dì Sáu coi mẫu giáo và lớp Năm, dì Chín dậy Tư - Ba, dì Marie phụ trách Nhì - Nhất.
Vì học sinh hai lớp ngồi chung và cùng một người dậy, nên nếu học sinh nào có khả năng các soeur tự động cho lên lớp. Nhờ đó đầu năm tôi vào lớp Tư nhưng cuối năm mãn khóa lớp Ba, tương tự năm sau lúc đầu vào lớp Nhì nhưng cuối năm được nộp đơn xin miễn tuổi để thi tiểu học.
Năm học Tư-Ba có lẽ là năm ngoan ngoãn nhất đời học sinh của tôi. Năm đó “xưng tội rước lễ lần đầu”, sau khi nghe cha Thông giảng phòng lòng tôi lâng lâng như đang trên thiên quốc. Mùa Giáng Sinh được dì Chín cử làm trưởng toán mục đồng, mang than đến hang đá sưởi ấm cho gia đình Thánh Gia, tôi đã đứng trước máng cỏ chơi với Chúa Hài Đồng, xuất thần đến nỗi thấy Đức Mẹ hình như đang nói chuyện và Chúa Hài Đồng mỉm cười khi tôi đụng đến chân Ngài.
(1) Hình như con nít dễ nhớ những con số hơn, qua 20 tuổi khả năng làm tính nhẩm của tôi chậm hẳn lại
Bằng Lăng Kiếm Khách
Cuối năm Tư-Ba tôi cũng phát triển được một khả năng đặc biệt: Tài đánh kiếm!
Một hôm tôi cãi nhau với Trung, thằng bạn rất thân lúc nào cũng cặp kè như cặp bài trùng,
Trung cùng tuổi nhưng sinh đầu năm nên cầm tinh con chuột, nó nói như vậy nó là đàn anh của tôi, tôi đời nào chịu, cãi lại:
- Bây giờ ai cũng chỉ tính tuổi Tây và Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đánh quân Mông Cổ nhất định phải oai hùng hơn vua Quang Trung, chỉ đánh quân Thanh tép riu.
Hai thằng cãi một hồi rồi lựa hai khúc cây giả làm kiếm quyết đấu. Lúc đầu chỉ đánh giỡn nhưng sau bị trúng một vài gậy thằng nào cũng đau nên đánh thật.
Đấu một hồi tôi nghiệm ra rằng: Với khúc cây trong tay tôi rất dễ chống đỡ, thằng Trung dù có phang, chọc, chém thế nào tôi cũng gạt được dễ dàng, thời gian thanh gỗ từ ngoài đánh vào đủ để tôi thấy hướng đi mà đối phó.
Nhận ra “chân lý” này tôi sợ thằng Trung rồi cũng khám phá ra bí quyết nên nhảy ra khỏi vòng chiến tuyên bố:
- Mày không phải đối thủ của tao, bây giờ chấp thêm thằng Toản, một mình Trần Quốc Tuấn đấu với Quang Trung và Trần Quốc Toản.
Toản với biệt hiệu Trần Quốc Toản cũng là bạn cùng lớp, lúc đầu hai thằng không muốn lấy hai chọi một nhưng bị nói khích quá tụi nó tức mình nhập cuộc.
Người ngoài nhìn thấy đánh nhau dữ dằn, kiếm múa lung tung nhưng trong cuộc tôi biết an toàn hơn dùng tay chân đấm đá nhau nhiều. Bữa đó múa kiếm đến mệt nhừ vẫn bất phân thắng bại.
Hôm sau tôi rủ Trung, Toản kiếm cây đẽo thành kiếm để dợt tiếp. Buổi chiều một mình tôi hay ra vườn trà sau nhà, nhớ lại cảnh múa kiếm của các tay bán thuốc dạo, tôi cầm thanh kiếm gỗ nhào lên lộn xuống, đâm trên phạt dưới rất ngoạn mục, càng ngày càng nhuần nhuyễn.
Mùa hè năm đó buổi chiều tôi hay đi coi mấy con trâu kéo gỗ về cho đám xe be (loại xe chở cây, đầu lớn như xe tải) trên đồi Trại Mát. Người ta phải dùng trâu kéo gỗ từ rừng ra vì xe be không vào được.
Loại trâu kéo này (nghe nói nhập cảng từ khu rừng già Phi Châu) lớn gấp đôi trâu nước, mập thù lù và lừng lững như những con voi nhỏ. Hai con trâu chung một ách trên có sợi xích sắt cột vào những thân tùng lớn cỡ hai người ôm, dài ba bốn chục thước.
Anh chàng Bờ-run người Ra-đê quấn khố đi trước, vai vác “dao quắm”, tay nắm sợi giây thừng xỏ vào mũi trâu, phía sau những con trâu vừa thở phì phò vừa dậm chân rất đều “bịch! bịch” đồng nhịp với tiếng “rột! rột!” của thân gỗ được kéo lết trên cỏ.
Kế nhà tôi có đứa con gái tên Nga, ông nó là mục sư Tin Lành, ba nó cũng là ông “trạm” như bố tôi (dân địa phương kêu những người hằng ngày leo lên trạm gác coi đồi trà là . . ông trạm), vì nhà kế nhau ba Nga nhờ tôi cho nó đi học chung.
Nga người nhỏ nhắn, hiền lành, dễ thương và sợ tôi hơn sợ . . cọp. Hằng ngày cứ ra khỏi nhà một lát, tôi đưa cặp bắt nó ôm, một mình tôi đi trước chân nhảy nhót tay múa kiếm.
Nga còn muốn đi đường nhựa cho sạch nhưng tôi bắt đi đường tắt băng qua hai đồi trà. Tôi ghét ra đường xe vì ban đêm giun (trùng) đất bò đầy ra đường rồi bị xe cáng, sáng đi qua bốc mùi tanh rình.
Tội con Nga mặc đầm, buổi sáng cỏ đầy sương làm ướt hết chân, phải để khăn trong cặp lúc đến cây cầu trước trường học nó dừng lại lau.
(Giữa sở trà trên Quốc Lộ 1 có chiếc cầu bắc ngang đường rầy, chắc vì vậy vùng này có tên Cầu Đất tuy cầu đúc bằng xi măng).
Mới đầu con Nga cũng hay theo tôi lội bộ lên Trại Mát đến bìa cánh rừng già, ngồi dưới gốc cây để nhìn đàn trâu kéo gỗ, chúng tôi nhớ tên và hình dáng từng con.
Nhưng một bữa con Tê, con trâu đực đầu đàn, mắt đỏ ngầu miệng xùi bọt trắng đuôi chỏng ngược như ngọn cờ lau, hùng hục rượt đuổi con trâu cái tên Mị, con Nga sợ quá tuy núp sau lưng tôi tay chân vẫn run lẩy bẩy. Từ đó rủ mấy nó cũng không dám đi coi.
Đang say mê ngắm cảnh trâu kéo gỗ, một chú tài xế xe be đến vỗ vai tôi:
- Này cháu, chú nhờ cháu chạy xuống Cầu Đất mua cho chú gói thuốc. Chú hết thuốc lá từ sáng đến giờ rồi, thèm quá.
Thấy bộ mặt thảm hại của chú tài xế, tôi đồng ý. Cầu Đất cách đó tới hai cây số mà tôi chạy đi chạy về đường đồi có hơn nửa tiếng.
Thấy tôi mồ hôi nhễ nhãi thở hồng hộc, chú tài xế móc mấy đồng ra nói:
- Cháu ngoan quá, cho cháu mấy đồng ăn kẹo.”
Tôi lắc đầu chỉ thanh kiếm gỗ chú ta đang đẽo:
- Cháu không thích ăn kẹo, cháu chỉ thích thanh kiếm gỗ chú đang đẽo thôi, đẹp quá, lúc nào kiếm được thanh gỗ có vân như vậy chú cho cháu nha.
Chú tài phân vân một chút rồi đưa thanh kiếm cho tôi:
- Chú đẽo cho con chú nhưng cháu thích chú cho cháu đó. Nó đẽo bằng gỗ bằng lăng nhẹ nhưng cứng như sắt.
Tôi sung sướng ôm thanh kiếm gỗ vào lòng, mừng đến chảy nước mắt. Từ đó tôi vỗ ngực tự xưng “Bằng Lăng Kiếm Khách” và càng khoái múa may.
Đầu niên học “Nhì–Nhất” một gánh xiệc Tây Đức lên Đà Lạt biếu diễn, các soeur đưa học sinh lên coi. Chúng tôi há hốc mồm nhìn cảnh anh chàng hiệp sĩ tên “Ô-tẹc-lô” đứng trên dây cáp chăng ngang hồ, một tay cầm kiếm một tay giữ sợi giây treo lủng lẳng một thiếu nữ.
Màn biểu diễn được giới thiệu “Hoa sen nở trên hồ Xuân Hương”, chàng hiệp sĩ vừa múa kiếm vừa quay quay sợi dây phía dưới, nàng thiếu nữ mặc đầm lòa xòa như đang bay lượn trên mặt hồ.
Lúc đó trời vừa tối, đám học sinh chúng tôi chăm chú nhìn theo ánh đèn pha chiếu vào giữa hồ, lòng như mơ như say, thi nhau hét khan cổ - Hình ảnh đó đến nay vẫn còn trong tâm trí tôi.
Mấy ngày sau lúc nào tôi cũng bị ám ảnh bởi anh chàng Ô-tẹc-lô, một tay múa kiếm một tay nắm người đẹp. May quá tôi có ngay con Nga, đứa con gái duy nhất trong trường mặc đầm.
Lúc đầu con Nga bị tôi nắm tay kéo đi đấu kiếm với tụi thằng Trung thằng Toản nó cũng sợ, thấy kiếm đập vào nhau chan chát nhưng sau một lúc thấy không sao, kiếm đối phương đâm đến tôi đều đỡ gạt được nó toét miệng cười.
Dì Chín cũng có khi nhìn chúng tôi múa kiếm, nhưng chắc thấy cũng chỉ như mấy anh kép múa may trên sân khấu nên dì để mặc.
Tuy vậy vẫn có hai đứa muốn xía vào, anh em thằng Đương gia đình mới từ Xóm Mới dọn lên. Đương anh học cùng lớp với tôi và Trung, mập mạnh hơn tôi, Đương em học lớp Tư, yếu hơn tôi một chút.
Bữa đó tôi đang nắm tay con Nga đấu với đám bạn, miệng ba hoa:
- Tao là Zôrô mới cứu được người đẹp từ tay bọn cướp biển.
Đương anh đi qua kịt mũi:
- Múa may như cục kít, ông mà quất cho một cái là gẫy giò!
Tôi chỉ nghe loáng thoáng nhưng khi vào lớp thằng Trung lập lại nguyên văn còn chuyển lời Đương anh thách đấu.
Tôi giận như điên, nguyên cả trường Trí Đức này ngoại trừ những anh lớn không chơi với chúng tôi (hồi đó năm 1956-1957 trường tôi có mấy anh lớn cỡ 16, 17 mà vẫn đang học thi tiểu học), những đứa trên dưới một vài tuổi đều ngán tôi nhờ lối đánh lộn rất lì lợm.
Tôi bắt chước Trần Thúc Bảo (trong Ngũ Hổ Bình Tây) hay Thành Cát Tư Hãn hạ chiến thư: “Mày muốn đánh, tao đánh!” Và viết thêm hàng dưới: “Tao chấp hai anh em mày giờ ra chơi sau, sân dưới.” chuyền chiến thư cho Trung để chuyền đến bàn Đương anh.
Trí Đức có hai sân chơi, sân trên sát trường, sân dưới thấp hẳn xuống. Con gái hay chơi nhảy giây, ô quan trong sân trên, sân dưới là nơi con trai đánh khăng, chơi quay (vụ), cướp cờ, vật lộn, múa kiếm, . .
Bên ngoài sân sau là vực (dốc gần như thẳng đứng) xuống đường rầy xe lửa, để tránh nguy hiểm nhà trường trồng một hàng rào dâm bụt hướng này.
Giờ ra chơi thứ hai, thằng Đương anh đứng chờ tôi nơi sân dưới, tay nó cầm thanh gỗ ngắn nhưng lớn sần sùi như thanh củi, Đương em cũng chống một khúc cây đứng ngoài lược trận.
Tôi đỡ thanh kiếm báu từ tay đàn em Toản, vung lên tuyên bố:
- Hôm nay Hưng Đạo Vương đánh đuổi anh em Mã Viện.
Bị gọi là Mã Viện, Đương anh tức khí vác thanh củi vào phang lia lịa. Vì nó lớn và khỏe hơn, tôi đỡ gạt một vài chiêu đã tê rần cả tay, không dám đụng với nó nữa, tôi lùi dần về phía Đương em, quất một phát trúng chân thằng này, Đương em nhảy lên thét be be, thừa cơ tôi thọc thêm một kiếm, Đương em lùi ra sau ai ngờ vướng vào hàng rào dâm bụt, té bật ngửa, lộn nhào xuống vực đường rầy!
Tất cả học sinh có mặt đều hét lên sợ hãi. Tôi và Đương anh sợ run, vất kiếm nắm vào giây leo mọc bám vào vực tuột xuống, (loại giây bìm bịp, có hoa tím như hoa mống kèn, rau muống), mấy anh lớn nghe tiếng kêu cầu cứu cũng tuột xuống theo.
Giữa vực dốc và đường rầy có một đường mương rồi đến bờ xi măng giữ đường rầy, người và trán Đương em bị đập vào bệ xi măng. Lúc tôi và đám anh lớn xuống đến nơi, mặt Đương em bê bết máu, một anh đặt nó lên vai, bám vào dây leo bò lên, chúng tôi vịn vào đẩy phụ.
Lên đến sân dì Chín chạy ra lấy một khăn trắng cột vào trán Đương em rồi hối mấy anh lớn cõng nó chạy vào nhà thương của sở trà cách đó nửa cây số.
Tôi và Đương anh cũng tính chạy theo nhưng dì Chín kêu tôi ở lại, dì bắt tôi quì ngay giữa sân chơi trên bệ cột cờ. Dì Chín tuy không lớn tuổi nhất nhưng là mẹ bề trên và cũng là hiệu trưởng trường nên rất có uy.
Quỳ gối đầu gục vào cột cờ, tôi thực sự hối hận, lâm râm cầu nguyện cho thằng Đương em đừng chết. Cả trường tuy im lặng vào lớp nhưng chắc ai cũng hồi hộp chờ tin Đương em.
Một lúc, mấy anh lớn đi về cho biết tình trạng Đương em không đến nỗi nào, chỉ bị rách da lòi xương trán nhưng không đến nỗi bể đầu, bị khâu năm bảy mũi rồi có lẽ sẽ được cho về.
Ai cũng thở phào nhẹ nhõm, lúc đó dì Chín mới ra quyết định tụ hợp tất cả học sinh nơi sân cờ để nghe chỉ thị và chứng kiến cảnh tôi bị kỷ luật.
Dì cũng cho tôi đi rửa mặt vì lúc đó mặt tôi nước mắt nước mũi tèm lem. Khi học sinh đã tập họp đủ, tôi ra đứng trước sân cờ, dì Chín tuyên bố từ nay không cho học sinh múa kiếm đánh gậy nữa, hai anh lớn sẽ đi tịch thu hết kiếm gậy mang xuống nhà bếp cho các soeur làm củi!
Riêng tôi sẽ bị phạt hai mươi roi làm gương. Trước khi tôi nằm xuống chịu đòn, dì lạnh lùng ra lệnh:
- Lấy quyển tập che mông ra!
Nghe dì nói tụi con trai xanh mặt, đám con gái khúc khích cười. Tôi giật mình, không ngờ trước giờ dì biết hết nhưng làm ngơ vì đây cũng không phải lần đầu tiên tôi bị đòn.
(Còn tiếp )