main billboard


Tôi bắt đầu hôn khắp người cô, vuốt ve mái tóc dài, mềm như tơ với những ngón tay đầy hoan lạc...

Henri lopes

(Phạm Thành Châu chuyển ngữ)

Giới thiệu: Henri Lopes sinh năm 1937 tại Kinshasa, Congo, đã từng đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng trong chính phủ Congo - Brazzaville, kể cả chức thủ tướng. Ông đạt giải Grand Prix Litteraire de l Afrique Noire năm 1972. Ông hiện sống ở Paris và làm cho UNESCO.
Chuyện Người Cựu Binh (Veteran), cho thấy kỹ thuật dựng chuyện tuyệt vời của Henri Lopes, đồng thời phản ảnh tình trạng chính trị điển hình của những nước đang phát triển trên thế giới.

*

Ít lâu sau cuộc đảo chính, tôi mới biết mình bị bọn sỹ quan trẻ đánh lừa. Chỉ vì tôi đã bị họ thuyết phục mà lại không đòi một điều kiện nào cả. Mà cái giá phải trả cho cuộc đảo chánh, là tôi sẽ bị mất đầu như chơi, nếu âm mưu chống tổng thống Tanaka thất bại.

Chỉ ba năm, sau khi Tanaka nắm chính quyền, chế độ độc tài của hắn khiến chẳng ai chịu đựng nổi, mặc dầu trên danh nghĩa, chính quyền gồm đủ đại diện của các vùng, các bộ lạc. Nhưng ngay đến bộ trưởng Nội Vụ, là người quyền uy nhất, mà mỗi ngày cũng phải chờ chỉ thị của hắn (Tanaka), và chỉ có nhiệm vụ là thi hành.
Từ khi bộ lạc chúng tôi bị Tanaka áp chế, thì tôi thấy có bổn phận phải tham gia cuộc lật đổ. Dưới tay tên tổng thống độc tài là một bọn ngu xuẩn, chỉ biết thu thuế, bắt dân làm xâu (dân công) như nô lệ. Nhất là việc bắt lính bừa bãi theo sự đốc xúi của bọn đầu têu người Pháp, là những kẻ đã có mặt ngay từ khi người da trắng đặt chân đến vùng nầy.

Chúng tôi là con cháu của các vị thủ lãnh bộ tộc. Từ nhỏ, chúng tôi đã được huấn luyện để chỉ huy, lãnh đạo bộ tộc. Ngược lại Tanaka đã từng bị chúng tôi tống vào tù và suýt mục xương trong đó. Hắn là con của một nô lệ, sau sống nhờ vào sự nuôi dưỡng của một gia đình mà tôi có quen biết. Hắn là tên liều lĩnh và đã gặp may nên nắm được chính quyền nhưng lại vì ngu xuẩn nên hắn sẽ phải bị lật đổ.

Thời cầm quyền, hắn có một thú vui quái dị, là hễ gặp đàn bà, con gái, bất kể có chồng hay chưa, thấy vừa mắt là hắn lôi lên giường. Hắn tự coi như có quyền tuyệt đối về chuyện đó.

Một lần, trong một tiệc rượu, hắn bị hớp hồn bởi một thiếu phụ mà hắn cho rằng trong đời, hắn chưa gặp ai đẹp như thế. Buổi tối đó, cô ta mặc một bộ trang phục mềm mại kiểu Senegal, màu trắng có điểm hoa. Hắn đòi được giới thiệu và được biết cô ta là vợ của một trung úy trẻ, vừa về phép.  Tanaka tìm mọi phương cách, mọi ảnh hưởng quyền hành của hắn để hòng chiếm đoạt người đẹp. Nhưng không gì lay chuyển được cô ta. Hắn tức giận đày chồng cô ta ra xa thủ đô cả nghìn cây số còn ghép anh chàng trung úy nầy vào một tội rất nặng rồi đòi cô ta vào và nhắc lại yêu cầu của hắn trước đây. Người ta kể lại rằng cô ta đã tát tai hắn. Hắn nổi xùng ra lịnh xử tử chồng cô, nhưng lệnh chưa được thi hành thì hắn bị chúng tôi  lật đổ.

Khi cách mạng thành công thì tôi được chỉ định làm bộ trưởng Quốc Phòng. Thử tưởng tượng xem tôi được hoan hô như thế nào khi tôi dẫn đầu đoàn diễn hành mà chung quanh có cả một đoàn mô tô hộ tống! Bọn sỹ quan trẻ trong Hội Đồng Cách Mạng làm sao có được cái cốt cách như tôi. Thế nên bạn cũng thấy được nỗi vất vả của tôi khi phải điều khiển một cỗ xe bát nháo là cái chính phủ lâm thời vừa lập ra. Tất cả chỉ khiến tôi thêm bực mình. Việc quốc gia đại sự không cần người cà rỡn mà cần những người có năng lực và quyết tâm. Một người như tôi chẳng hạn. Biết ra lịnh và bắt mọi người phải tuân theo dưới họng súng. Đất nước tôi phải được quân sự hóa họa may mới khá nổi. Người da trắng bảo rằng chúng tôi nói nhiều quá, tuyên truyền nhiều quá mà chẳng làm được gì cả.

Tôi đã soạn sẵn một chiến lược rất hoàn hảo. Tôi sẽ móc từ Chad những cựu sỹ quan Sara thiện nghệ về phụ trách kỹ thuật cho quân đội. Mọi người dân phải được giám sát chặt chẽ. Tôi sẽ cho đặt loa phóng thanh ở mỗi khu phố, mỗi con đường để phổ biến những mệnh lệnh của tôi. Bất cứ ai không tuân lệnh sẽ bị những chiến sỹ Sara của tôi trừng trị, ai chống lại sẽ cho đi tàu suốt ngay. Chỉ có cách đó mới bắt mọi người bước theo sự cầm chịch của tôi. "Một hai!...một hai!" Chắc chắn, chỉ vài năm thôi, chúng tôi sẽ nhảy vọt, vượt xa các nước khác ngay.

Nhưng, như tôi đã nói, bọn sỹ quan trẻ đã đánh lừa tôi. Trong lúc tôi chuẩn bị đi Pháp để yêu cầu "Ông tướng" viện trợ (Tôi cũng là một ông tướng, lại là chỗ quen biết nên rất thông cảm nhau) thì bọn sỹ quan trẻ chơi trò xóa bài làm lại và bổ tôi làm đại sứ tại xứ Algeria, là nơi tôi đã từng chiến đấu cạnh người Pháp chống lại người Algerian và được nhiều huy chương của quân đội Pháp.

Bạn sẽ thấy cái oái ăm của tôi khi bạn biết rằng trong bốn năm tôi đã đánh nhau với người Fellahin, là những chiến sỹ quốc gia, chiến đấu giành độc lập cho xứ sở Algeria,(cũng giống như tôi đã từng chống lại những chiến sỹ quốc gia Morocco, Tunisia... và lên đến cấp tướng là nhờ thế), vậy mà trong các buổi nói chuyện, các bài diễn văn chính thức, mọi người đều nhắc lại giai đoạn kháng chiến chống Pháp của những chiến sỹ can trường, chiến đấu giành độc lập cho xứ sở Algeria của họ.

Nhưng với cương vị của một đại sứ, tôi phải cố mà thích nghi với hoàn cảnh. Một lần, tôi tâm sự với đại sứ Pháp, ông ta cũng thông cảm và khuyên tôi nên quên quá khứ mà nhìn vào hiện tại. Tôi không hiểu ông có gặp tâm trạng của tôi không? Nhưng ông ta đã giới thiệu tôi gia nhập vào một câu lạc bộ toàn người Pháp và giới ngoại giao. Và sau đó thì tôi lại khoái cuộc sống ở đây hơn cả ở xứ sở tôi nữa.

Không hiểu sao tôi thích Alger đến như thế! Một thủ đô với những nhà cao tầng và những đường phố rộng rãi đầy người và xe cộ. Tôi đã hòa nhập vào cuộc sống hối hả của những thành phố tân tiến Dakar, Abidjan, Kinshasa... Những thành phố đúng nghĩa. Tôi nghĩ nếu tôi còn quyền lực (có thể tôi sẽ có lại), tôi sẽ nhờ người Mỹ tối tân hóa thủ đô của tôi. Tôi sẽ dụ dỗ, lôi kéo những người da trắng giàu có từ bốn phương đến mở những cửa hàng rực rỡ giống như ở Paris.

Đặc điểm của Alger là nhiều người đẹp. Để tôi kể bạn nghe một chuyện, rất lạ.
Lúc đó vợ tôi chưa đến Alger. Tôi đã gặp một người đẹp. Giá như bạn thấy được cô ta nhỉ? Đẹp tuyệt vời! Tên cô ta là Nadia. Với màu da sậm, bóng lên như gỗ cây dương khiến tôi nhớ đến những người đẹp ở xứ tôi, nhưng họ không thể có mái tóc mượt mà như vậy được. Mắt cô đen tuyền, đen tự nhiên với ánh mắt làm mềm lòng bọn đàn ông chúng tôi.

Tôi làm quen với cô được sáu tháng nay. Thứ bảy tuần rồi tôi nhận lời đưa cô đi nhảy đầm ở Tipaza. Cô bảo, ở đó có ban nhạc Congo với những nghệ sỹ bậc thầy. "Họ chơi nhạc tuyệt lắm!" Với người đẹp thì chẳng còn cách nào từ chối được, nhất là khi cô ngước đôi mắt đẹp mê hồn nhìn tôi. Mà khi không có vợ bên cạnh thì gã đàn ông nào lại chả thành chàng độc thân!

Chúng tôi nhảy với nhau đến hai giờ sáng mới về khách sạn... Đến ba giờ  chúng tôi vẫn còn thức với nhau. Tôi hỏi cô.

- Này! Con chim bồ câu nhỏ của anh. Buồn ngủ chưa?

- Con chim bồ câu nhỏ! Sao anh lại gọi em như thế?

- Chẳng có lý do gì đặc biệt cả!

Cô im lặng tựa đầu vào ngực tôi. Tôi cảm thấy có gì bất thường. Rồi chỗ ngực tôi hình như ẩm nước. Lúc đầu tôi cho rằng đó là mồ hôi của mình, nhưng sau đó tôi mới biết là cô khóc.

- Có chuyện gì vậy em?

Cô không trả lời. Tôi đoán mình đã làm gì đó khiến cô giận tôi. Nhưng trước giờ, tôi chưa hề gặp một người đàn bà nào dịu dàng như Nadia. Cô cũng vừa lộ vẻ hạnh phúc với nhau lúc nãy mà!? Có thể cô khóc vì hiểu rằng cuộc tình của hai đứa đến đây là kết thúc dù cả hai đều say mê nhau.

Tôi bắt đầu hôn khắp người cô, vuốt ve mái tóc dài, mềm như tơ với những ngón tay đầy hoan lạc... Cuối cùng cô ngồi lên và tựa vào mép giường.

- Không, không có gì cả! Không phải lỗi của anh. Chỉ vì mẹ em thường gọi em là con chim bồ câu nhỏ...

- Em thương mẹ em lắm sao?

- Vâng. Em thương mẹ quá!

- Bà đã qua đời?

Nadia kể về cái chết của bà.

-  Mẹ em lớn lên và đi học ở Saida. Cha em đã để lại chiến trường một cánh tay khi ông tham gia mặt trận giải phóng Saida. Ông được bạn chiến đấu gọi là Tia chớp Moustapha. Trước ngày nước nhà được độc lập, bọn Pháp đã tìm ra tông tích ông, chúng bắt mẹ em tra hỏi. Rồi chúng nhốt mẹ em và áp lực bà phải khai ra tung tích ông. Trời phú cho mẹ em một tính can trường khó ai sánh được. Bà có bao giờ phản bội ba em, phản bội quê hương!

Em chỉ được biết mẹ em bị bắt khi em từ trường nội trú về nhà nghỉ cuối tuần. Trở lại trường, em hoàn toàn suy sụp. Em không thể làm gì nên hình giữa đám con gái Pháp mà cha anh của chúng, ngay lúc đó đang hành hạ, tra tấn mẹ em, nhưng cùng lúc em lại hãnh diện là con gái của một nữ anh hùng.

Thời gian sau, chúng thả mẹ em ra. Chúng không buộc tội mẹ em, nhưng mẹ em đã thành một người khác. Trước kia bà đẹp và tươi trẻ bao nhiêu thì nay, tóc bà trắng xóa và mặt thì nhăn nheo. Khi mẹ em về thì em không đi học nữa. Mẹ em sắp xếp cho em đến Morocco và bà đi vào trong núi. Không phải bà làm cứu thương mà là một chiến sĩ tác chiến. Bà chết với khẩu súng trên tay trong lúc chiến đấu chống bọn thực dân Pháp.

- Trong vùng Saida? Tôi hỏi.

- Vâng.

- Năm nào?

- 1960. Cô nói luôn ngày tháng mẹ cô chết.
Tôi đứng dậy, mặc áo quần vào. Nadia là một trong những người Algerian không biết rằng tôi có đánh nhau ở xứ nầy. Tôi cũng không thể quên cuộc chiến tiêu diệt người Fellahin ở Saida năm 1960. Họ chiến đấu rất anh dũng và tất cả đều bị giết chết. Và tôi nhớ rất rõ, trong số những người chết đó có một người đàn bà.
- Nada, có lẽ chúng ta sẽ không còn gặp lại nhau nữa!

Nhưng mỗi khi chuyện trò với người bản xứ, tôi cứ sợ gặp phải những người là thân nhân hay bạn bè của những chiến sĩ mà trước đây tôi đã giết họ hay ra lệnh tàn sát họ.

Tôi không cách nào thoát khỏi ám ảnh đó.