main billboard


Ngừng một lát, nó lại kêu tiếp, giọng hốt hoảng và đẫm nước mắt. “Ba ơi... Ba...!

tre an may
Năm 1975, miền Nam sụp đổ, thì ba thằng Tí đi tù “cải tạo”. Lúc đó nó được sáu tuổi. Độ một năm sau, một buổi tối, mẹ nó dẫn về một gã đàn ông, sáng hôm sau, gã đá nó một đá văng ra khỏi cửa “Xéo ngay ! Tao còn thấy mặt mày thì mày mềm xương”. Thằng Tí ôm cái mông ê ẩm chạy một mạch ra đường Trần Quang Khải. Nhà nó ở trong Xóm Chùa, đầu đường Trần Quang Khải, nổi tiếng cô hồn, nhưng gã này đáng mặt lãnh tụ cô hồn. Thằng Tí chỉ lén về ngủ trước hiên khi nhà nó đóng cửa, tờ mờ sáng hôm sau, những người lao động trong hẻm bắt đầu ra đường là nó phải thức dậy rời khỏi nơi đó. Bữa đó, nó ngủ quên, bị gã kia xách cổ lên như xách một con mèo “Đm. Đã bảo mày xéo, sao mày còn nằm đây ?” Gã vung tay một cái, nó văng tuốt qua hiên nhà đối diện (Con hẻm này chỉ rộng khoảng vài mét thôi). Bị cú trời giáng đó, thằng Tí bỏ Xóm Chùa đi thẳng.

Những ngày đầu, nó đói meo. Nó đến các tiệm phở, hủ tiếu, chờ khách ăn xong, nó bưng húp chút nước cặn trong tô. Nó cũng ra hố rác chợ Tân Định, lượm rau quả hư thối ăn đỡ lòng. Nó chọn hiên tiệm ăn của một chú ba Tàu làm nơi qua đêm. Nó nằm còng queo, giống con chó nằm canh cửa. Chú Ba, chủ tiệm hủ tiếu cho nó được bưng tô ra sau bếp, quét dọn trong tiệm. Đến bữa chủ cho một tô cơm, nó ngồi ở góc hiên xúc ăn. Mấy bà hàng rong thỉnh thoảng cho nó cục xôi, cái bánh, ly chè “Ăn đi con. Tội nghiệp !” Đó là những thức ăn còn sót lại trong đáy nồi, được vét hết cho nó trước khi các bà về lo việc nhà. Nhờ vậy, sau hơn một năm, nó đã khá, mặt tròn, chân tay bớt khẳng khiu. Không bao giờ thấy nó cười, mặt lúc nào cũng gằm gằm, dữ tợn, ai hỏi gì cũng ậm ừ. “Cha mẹ mày đâu ?” “Chết rồi !” và nó bỏ đi. Một lần, một cậu thanh niên uống cà phê ở quán lề đường gần tiệm hủ tiếu hỏi nó. “Mày biết ba mày không mày ?” “Hỏi chi dzậy ?” “Mẹ mày là ai ?” “Chết rồi” “Ê. Xạo mày ! Ba mày đi tù cải tạo. Mẹ mày rước thằng cô hồn về, đuổi mày đi” Nó quay lại nhìn cậu ta, mắt nảy lửa. Và nó thét lên “Đm. Mày !” Từ đó nó bỏ vùng Tân Định, đi biệt.

Hơn bảy năm sau, thằng Tí quay lại vùng Tân Định. Nhà cửa, đường sá chẳng có gì thay đổi, nhưng nó thì khác trước rất nhiều, tuy chỉ là thằng bé mười bốn, mười lăm. Chẳng ai nhận ra nó. Nó về với hai thằng bạn. Cả ba cùng tuổi, cũng đen thùi, tóc hoe vàng vì cháy nắng, mặt mũi đứa nào cũng lấm lét và gian xảo. Mắt chúng láo liên, thỉnh thoảng nhíu lại như suy nghĩ, phán đoán điều gì. Công an ? Một đối tượng sắp bị chúng cướp giật, móc túi? Một con mồi ngây thơ sắp bị chúng trấn lột ? Ba đứa như ba con chuột nhắt, luồn lách, ẩn hiện trong chợ, ngoài đường.
Đúng ra, thằng Tí chẳng có gì để lưu luyến khu Đa Kao, Tân Định, nhưng nó về để hỏi thăm tin tức ba nó. Nó nghe người ta nói rằng, mỗi dịp Tết, tù cải tạo được thả về rất nhiều. Nó hy vọng sẽ được gặp ba nó trong dịp thả tù năm nay. Từ hôm cuối năm dương lịch, nó và hai thằng bạn đã xuất hiện ở vùng Đa Kao. Nó dẫn hai thằng vào Xóm Chùa, đi ngang qua nhà cũ, thấy trong nhà toàn người lạ, nó biết nhà đã được bán cho người khác rồi. Nó ghé vào một người hàng xóm, xưng tên, ông bà hàng xóm nhận ra nó. Nó hỏi thăm ba nó có về đây không ? Để an ủi nó, vợ chồng người hàng xóm tin chắc tết này, làm gì ba nó cũng về. Nó nghe như thế, vui mừng ra mặt, cứ dặn đi dặn lại, khi nào ba nó về thì bảo ra chợ Tân Định mà tìm nó. Tết dương lịch, Sài Gòn chưa có không khí tết, mọi người vẫn buôn bán bình thường, học trò vẫn đi học, bọn thằng Tí vẫn nhởn nhơ, ẩn hiện. Điều đặc biệt là chúng không bao giờ hành nghề vùng Đa Kao, Tân Định. Thằng Tí không muốn bị truy lùng ở vùng đó. Thỉnh thoảng chúng biến mất, vài hôm sau lại xuất hiện. Chúng đi cướp giật nơi khác. Nghề của chúng là giật dây chuyền, túi xách mấy bà, mấy cô đi xe đạp, xe gắn máy. Làm xong một vụ, chúng qua vùng khác ngay, cả năm sau chưa chắc đã trở lại. Cuộc sống của chúng không còn khó khăn như lúc mới vào đời. Chúng nhanh nhẹn, ranh ma mà Sài Gòn thì chẳng bao giờ thiếu những bà, cô đi xe đạp, xe gắn máy, đeo giây chuyền, đồng hồ, để túi xách một cách hớ hênh.

Một hôm bọn thằng Tí đến rạp Đa Kao định coi xi-nê, vừa lúc bọn học trò đi học về. Cỡ tuổi thằng Tí, bọn trẻ đã lên trung học, áo quần tươm tất, mặt mũi sáng sủa, đi đứng, chuyện trò vui vẻ, vô tư như những con chim non. Đối với ba thằng bụi đời, bọn học trò như những tiên đồng, ngọc nữ ở một thế giới rất cao xa, lạ lẫm, không cách nào chúng với tới được. Khi bọn chúng đến gần rạp xi-nê thì thấy một vụ đánh lộn giữa hai thằng học trò, đúng hơn, một thằng lớn ăn hiếp thằng bé. Chúng dừng lại xem. Chuyện đánh lộn, đối với bọn thằng Tí, xảy ra như cơm bữa. Chúng đánh nhau để sống còn. Mạnh được yếu thua, đó là quy luật của tự nhiên. Không có chuyện đánh nhau vì tự ái, không có chuyện nghĩa hiệp, nhân đạo. Không ăn nhậu đến mình mà xía vô là giỡn với tử thần. Hơn nữa, thằng lớn đánh thằng nhỏ là cảnh của bọn thằng Tí thường phải chịu đựng. Bất cứ thằng cô hồn nào cũng có thể bợp tai, đá đít bọn thằng Tí. Bọn nó chỉ ôm đầu trốn chạy, cùng đường thì đâm lén. Cả ba rình lúc đối phương vô ý, cùng ra tay một lượt. Chúng nhè chỗ hiểm mà lụi thì to như trâu cũng phải gục. Ba đứa chen vào xem, thấy thằng lớn đạp thằng nhỏ té nhủi xuống đường, thằng nhỏ vừa gượng dậy thì bị đạp tiếp. Thằng lớn khoảng mười lăm, mười sáu, mập mạp, trắng trẻo, mặt nhơn nhơn, khinh khỉnh. Một con bé, khoảng mười lăm, có lẽ là chị thằng bị ăn hiếp, cứ nhè lưng thằng lớn mà đập, miệng la “Sao mày ăn hiếp nó ? Đồ mất dạy !” Thằng lớn chỉ quay lại xô con nhỏ một cái là nó muốn té ngửa. Bọn học trò đứng nhìn, không đứa nào dám can thiệp. Không hiểu sao thằng Tí bảo hai thằng bạn “Tụi bay chờ tao !”. Nó bước đến, xô thằng lớn ra “Đm. Mày đánh em tao là mày tới số rồi nghe con!” Thằng kia chưa kịp phản ứng đã bị nó chồm đến, tay trái câu cổ, tay phải dộng cùi chỏ vô mặt thằng kia, chân nó co lên thúc vào bụng đối phương. Ba động tác xảy ra cùng một lúc. Thằng kia té bật ngửa xuống đường, vừa chồm dậy liền bị nó tống vô mặt, vô bụng mấy phát. Thằng kia không kịp nhặt cặp sách, vùng chạy mất dạng. Bọn học trò reo hò, vỗ tay hoan hô. Ba thằng khệnh khạng bỏ đi.

Nửa tháng sau ba thằng bụi đời mới xuất hiện. Chúng đi cách quãng nhau, lảng vảng trên đường Trần Quang Khải để dò xét phản ứng đối phương. Trò đâm lén chúng sẽ đem ra chơi nếu bị tấn công, phục thù. Nhưng thằng kia thấy thằng Tí từ xa, đã tìm đường khác mà đi, bọn học trò thì chỉ chỏ, xì xầm, coi bộ ngưỡng mộ ba đứa như những anh hùng nghĩa hiệp. Một buổi trưa, bọn thằng Tí đang ăn bột chiên ở góc đường, trước trường Văn Hiến thì bỗng nghe tiếng gọi “Anh!” ở sau lưng. Cả ba quay lại. Con bé với thằng em bị ăn hiếp hôm trước đứng đó tự lúc nào. Thằng Tí bối rối, hai thằng kia cũng luống cuống “Ba mẹ em biểu mời mấy anh về nhà để ba mẹ em cám ơn đã binh vực cho em của em”.

Thực ra, thằng Tí ra tay vì ghét bọn lớn đầu ăn hiếp mấy đứa yếu thế như bọn chúng thường bị, chứ chẳng nghĩa hiệp gì. Nay đột nhiên có đứa con gái xưng em lại mời về nhà, chúng bị bất ngờ, mất tự chủ. Thằng Tí chỉ hỏi “Đi đâu ?” rồi trả tiền và ríu ríu theo chị em con bé. Nhà con bé ở đường Nguyễn Phi Khanh, một con đường nhỏ, giống như trong cư xá. Đến nơi, ba đứa đứng lớ ngớ trên thềm nhà chứ không chịu bước vô, cho đến khi cha mẹ con bé ra bảo, chúng mới chịu vào ngồi ở xa lông phòng khách. Đối diện ba thằng nhỏ bụi đời là hai chị em con bé và ông bà chủ nhà. Ông bà thân mật hỏi chuyện. Ba đứa hoàn toàn tê liệt đầu óc. Chúng chưa bao giờ được người khác hỏi han tử tế như vậy. Chúng cũng chưa hề nói chuyện mà không có chửi thề, nói tục, vì thế chúng rất hạn chế câu trả lời. Thằng Tí chỉ nói được câu “Tụi con ở làng Cô Nhi Long Thành ra” rồi làm thinh. Đó là “thân thế, sự nghiệp” của hai thằng kia mà nó tự coi như đồng bọn. Hai thằng kia cũng trả lời nhát gừng. “Năm bảy lăm bị đuổi ra khỏi làng Cô Nhi Long Thành” “Sao vậy ?' “Không ai nuôi nữa. Việt Cộng đuổi đi, lấy chỗ nhốt tù ngụy” “Rồi mấy đứa con đi đâu ?” “Đón xe đò về Sài Gòn” “Làm sao sống ?” “Đi ăn xin.... Bị công an hốt đi trại tù Bù Đăng, Bù Đốp. Chết nhiều lắm” Con bé đặt trước mỗi đứa một tách trà “Mời bạn uống trà” Thằng Tí lí nhí “dạ” một tiếng, vẫn cúi gầm mặt xuống, chỉ thấy được hai bàn tay nho nhỏ của con bé. Con bé ngồi cạnh mẹ, hơi lùi về phía sau. Thằng Tí ngước mắt lên nhìn trộm, thấy con bé nhìn nó đăm đăm và cười mím. Nó lại nhìn xuống bàn, rồi liếc nhìn lên, vẫn thấy con bé nhìn nó và cười.

Bà mẹ vào nhà, đem ra một xấp tiền, chia cho mỗi đứa, nhưng đứa nào cũng rụt tay lại không nhận tiền. Chúng là những con chó hoang, quen cảnh giác với mọi cạm bẫy. Chúng chỉ có những đồng tiền đẫm mồ hôi, máu, và cả nước mắt của chính chúng. Những người hiền lành nhất cũng sợ chúng ăn cắp, cướp giật, bây giờ, tự nhiên có người cho tiền, làm sao chúng dám nhận. Bà lại đi vào, đem ra một mớ áo quần, chúng cũng lắc đầu. Lý do khiến cả gia đình đó cười là “Không biết để đâu !” Cuối cùng bà bảo. “Ba đứa con ở lại đây ăn cơm với gia đình bác. Tết nay nhớ đến nhà bác ăn tết. Đừng ngại gì cả. Hai bác coi các con như con trong gia đình. Nhớ đến ăn tết với gia đình bác nghe! Bây giờ ngồi đó chơi với hai em, để bác xuống dọn cơm” Khi hai ông bà vào nhà trong, hai chị em mới bắt đầu chuyện trò với ba thằng bụi đời. Dù tự nhiên, vui vẻ bao nhiêu, chúng cũng không dám chửi thề như thói quen. Chúng hỏi tên tuổi nhau và được biết con nhỏ tên Tâm... “Tên các bạn sao kỳ cục vậy ? Người thì tên Tí, người tên Đen, người tên Trọc. Nghe không hay”. Thằng Trọc xoa tay lên đầu mình và cười “Cứ hỏi tên đó thì ai cũng biết” “Nhưng tên của các bạn ở trường là gì ?” Cả ba đứa ngớ ra, rồi nhe răng cười, chẳng biết nói sao ? Một lát sau, khi nghe mẹ con Tâm nói vọng ra “Tâm. Mời ba anh vào ăn cơm !” là cả ba khều nhau, thì thầm rồi cùng đứng lên, vụt chạy ra đường mất dạng.

Từ hăm ba tháng Chạp, đưa ông Táo về trời, khắp nơi đã xôn xao chuyện tù cải tạo được về khiến thằng Tí càng hy vọng được gặp ba nó. Hai thằng bạn cũng vui lây. Cảnh sum họp gia đình của thằng Tí với ba nó như hiện rõ trong trí tưởng tượng của cả ba đứa. Chúng không còn mặc cảm với chị em con Tâm nữa. Mỗi khi gặp nhau, con Tâm có nhắc “Nhớ đến nhà ăn tết nghe. Tụi này chờ” thì chúng trả lời chắc nịch “Tụi này sẽ đến. Mồng một tết sẽ đến !” Thằng Tí long trọng nói với hai thằng bạn “Ba tao sẽ dẫn tụi mình đến nhà con Tâm ăn Tết”. Buổi tối nằm ngủ bên nhau, nó thích kể chuyện về ba nó cho hai thằng bạn nghe. Tuy không biết tên ba nó là gì nhưng hình dáng thì nó mường tượng ra được “Ba tao to con lắm. Ba đứa mình nhập lại cũng không bằng ba tao đâu. Có ba tao thì đừng hòng thằng nào ăn hiếp tụi mình” “Ba mày có râu không ?” “Sao không ? Ba tao về phép, ôm hun tao, râu chích vào mặt tao, tao nói đau, ba tao đi cạo râu liền. Ba tao đi xe giép (Jeep), đeo súng chỗ lưng quần, mặc đồ lính, ngon lắm !” “Ba mày có cho hai đứa tao ở chung không ?” “Đm. Tao đã nói rồi. Phải ở chung. Tao nói, là ba tao cho ở chung liền” “Có áo quần mới mặc tết không ?” “Ba đồ lẻ tẻ. Ba tao còn cho tiền tụi mình binh xập xám nữa” “Có cho tụi mình giựt xách tay, dây chuyền, đồng hồ không ? Tết kiếm ăn dễ lắm” “Tao nói một tiếng là tụi mình muốn làm gì ba tao cũng cho. Ba tao thương tao lắm. Nhưng giựt xách tay thì khỏi có tiền lì xì của ba tao. Ba tao cần để dành nhiều tiền lo cho tao đi học” “Hai đứa tao có được đi học không ?” “Đm. Đã nói tao làm gì thì hai đứa bay cũng làm như vậy. Đi học chung mới vui. Đi học một mình, tao không thèm đi đâu. Ba tao có nói gì tao cũng không đi học một mình” “Tết này ba mày có cho hai đứa tao đi theo đến nhà con Tâm không ?” “Ba tao sẽ dẫn tụi mình tới đó. Mấy người lớn nhậu nhẹt, còn tụi mình binh xập xám với tụi con Tâm” “Có đánh bạc lận không ?” “Sao không ? Đm. Tụi mình tráo bài nhau nghe !”

Thời đó, khoảng 1982-1983, Việt Nam chưa đổi mới, nhưng mấy ngày trước Tết, Sài Gòn cũng ồn ào, náo nhiệt vì thói quen chộn rộn đón tết của dân miền Nam. Cũng có chợ hoa, chợ tết, cũng cửa hàng bánh mứt, rượu trà.... Về chiều, khi trời đã mát, người từ vùng ngoại ô đổ về chợ Bến Thành, chợ hoa xem người ta mua bán, nhất là bọn trẻ, chúng rủ nhau từng đoàn, từng lũ, chen lấn, nghiêng ngó, lòng vòng quanh chợ, đi toát mồ hôi thì uống một ly nước mía rồi đi tiếp. Trong lúc chen lấn, chúng thường lạc bạn, giáo giác tìm nhau. Đứa mỏi chân bỏ về trước, đứa ham vui thì đến gần tàn chợ mới về. Khi đi hăng hái bao nhiêu, khi về mỏi chân và chán bấy nhiêu. Có đứa ngồi nghỉ trên hiên nhà người ta rồi nằm xuống ngủ quên luôn.

Tối ba mươi tết, thằng Tí lại vào Xóm Chùa nghe ngóng tin tức ba nó. Nó cứ hỏi mãi những người hàng xóm khiến họ vừa bực mình vừa tội nghiệp. Người ta thành thật cho nó biết “Giờ này mà ba mày chưa về là coi như phải chờ đến sang năm. Không ai thả tù sau tết cả. Mấy ngày lễ lớn thì họa may. Về đi con. Thỉnh thoảng ghé lại đây, có tin gì về ba mày, bác sẽ cho biết”.

Thì coi như ba thằng Tí không về ăn tết với tụi nó, nhưng còn lời hứa với con Tâm thì sao? Dễ gì có người tử tế mời tụi nó đến nhà ăn tết. Ba thằng Tí không về thì lấy áo quần mới đâu mà đến nhà người ta ? Chả lẽ mặc áo đứt nút với quần đùi mà đến ? Chỉ còn cách giựt chạy. Mà cửa hàng tết không bán ba thứ đó. Có bán cũng không biết áo quần nào vừa với tầm vóc chúng ?

Sau khi bàn thảo, chúng ra ngồi chỗ hồ Con Rùa chờ con mòng nào đi lẻ loi mà trấn lột. Thế rồi một con mồi lọt vào tầm ngắm của chúng. Một thằng nhỏ cỡ tuổi chúng lẽo đẽo đi sau chúng bạn một quãng xa. Ba thằng bụi đời đứng lên, theo dõi. Thằng nhỏ coi bộ mỏi chân nên không buồn đi nhanh cho kịp các bạn. Đường Duy Tân nhiều cây, đèn đường lại tù mù. Đến gần cư xá Ngân Hàng thì tối thui. Ba thằng nhào đến. Thằng Tí câu cổ thằng nhỏ, dao Thái Lan kề vào cuống họng. “Đm. Mày kêu lên là tao cắt họng mày. Mày biết tội gì chưa ? Ai cho mày chọc ghẹo em gái tao” Hai thằng phụ tá chộp hai chân thằng nhỏ, khiêng vào sau thùng rác công cộng “Đm. Tao lột áo quần mày cho mày biết thế nào là lễ độ” Thằng nhỏ nghẹt thở gần chết, không dám cục cựa. Sau khi bị lột áo quần, đôi giày và đồng hồ đeo tay, nó còn bị mũi dao Thái Lan thọc vào lưng đau điếng “Mày không chạy nhanh, tao giết mày. Mày la lên coi ?” Thằng nhỏ chạy không dám ngoảnh mặt lại. Tụi thằng Tí cũng ôm chiến lợi phẩm chạy vòng vèo qua hai ba con hẻm rồi đổ ra đường Hai Bà Trưng, tấp vào với phe kinh tế mới Xóm Củi. Vào đó là an toàn. Thời đó, khoảng thập niên tám mươi, dân kinh tế mới kéo về Sài Gòn ngủ đầy lề đường. Tài sản gia đình nào cũng giống nhau. Một cái mùng, một chiếc chiếu, vài cái bị cói đựng nồi niêu, chén bát, và áo quần. Buổi tối, giăng mùng ra, chui vào, trông giống những ổ nhện khổng lồ, trong đó có những con nhện im lặng chờ mồi. Tảng sáng hôm sau, cuốn mùng chiếu, giấu đâu đó rồi tản mác khắp thành phố kiếm sống.

Bọn thằng Tí tìm một hiên nhà, nằm xuống, thì thầm bàn tính “Một bộ làm sao đủ cho ba đứa ? Đm. Tụi mình còn lạng quạng chỗ lúc nãy là công an tóm liền” “Sáng mai, một mình thằng Tí tới nhà con Tâm ăn tết. Đm. Tao biết con Tâm khoái thằng Tí. Nó cứ nhìn mày cười hoài” “Một mình thì tao đéo tới. Đi ba đứa mới vui. Sáng mai đẩy bộ đồ này, đôi giày với cái đồng hồ thì khẩm tại (nhiều tiền)”.

Nói thêm vài câu gì đó là hai thằng kia ngủ khò. Chỉ thằng Tí nằm thao thức. Bỗng nó nhỏm dậy, cởi áo cũ ra, mặc bộ đồ chiến lợi phẩm vào. Áo ca rô đỏ, quần Jean, chân mang giày, tay đeo đồng hồ. Nó bước xuống lề đường, đi thử vài bước, rồi tiện chân nó hướng về chợ Tân Định. Đường sá vắng tanh. Chỉ còn một cửa hàng kim khí, điện máy còn mở cửa, chủ tiệm đang tìm cách treo dây pháo dài cỡ vài ba thước lên mái hiên. Thằng Tí thấy một tấm kiếng cao trước cửa tiệm, nó đứng lại, ngắm mình trong gương soi. Một thằng con trai lạ hoắc, đẹp đẽ đứng đối diện với nó trong gương. Thằng Tí không nhận ra chính nó ! Nó không tin mình lại đẹp trai, chững chạc đến như vậy ! Đôi mắt sáng, miệng mỉm cười, mái tóc dài nghệ sĩ, chiếc đồng hồ lóng lánh trên tay. Thằng Tí mừng quá. Nó quay lại, đi về đường Nguyễn Phi Khanh. Con Tâm thấy nó chắc phải ngạc nhiên và khoái nó lắm. Vài căn nhà, trong đó có nhà con Tâm, còn mở cửa. Ngọn đèn điện cỡ trăm Watts trước hiên soi sáng cả một quãng đường vắng. Nó mạnh bạo, tự tin tiến đến. Hiên nhà con Tâm có đặt một cái bàn, trên có bình bông, chân đèn, lư hương, và vài dĩa bánh trái. Nhà con Tâm chuẩn bị cúng giao thừa. Thằng Tí liếc nhìn vào nhà, thấy con Tâm đang nói chuyện với ba mẹ nó. Nó định bước vào, nhưng bỗng khựng lại rồi đi thẳng. Nó tự hỏi, khi bước vào, nó là gì trong gia đình đó ? Là con ? Là cháu ? Nó gọi những người trong nhà đó là gì ? Cha, mẹ, anh, em ? Không là gì cả ! Nó thở dài, nặng nề lê chân mà chẳng biết đi đâu bây giờ? Thất thểu đi được một quãng đường, không hiểu sao, nó quay lại một cách mạnh bạo. Khi đến gần, nó thấy con Tâm từ trong nhà đi ra, đặt trên bàn cúng mấy chén chè, dĩa xôi gì đó. Thằng Tí dừng lại dưới lòng đường. Hai đứa cách nhau khoảng ba mét. Nó gọi, giọng lạc hẳn. “Tâm !” Con Tâm ngẩng lên, dùng tay che mắt vì chói ánh đèn, nhìn thằng Tí. Nó lại gọi “Tâm !” Con nhỏ nhíu mày hỏi “Ai dzậy ?” Rồi quay vào nhà.

Thằng Tí chới với, tưởng như đang đi bỗng bước hụt chân và rơi vào một cái hầm không đáy. Nó không biết rằng, chính nó khi soi gương còn không nhận ra mình thì con Tâm làm sao biết đó là ai ?

Thằng Tí đi về hướng nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi. Nó ngồi lên một thềm nhà, cởi giày, cởi quần, áo để bên cạnh rồi thở dài. Đường phố vắng hoe, bên kia là nghĩa trang im lìm. Vài căn nhà mở cửa sửa soạn lễ vật cúng giao thừa, vài tiếng pháo nổ lác đác từ xa. Nó yên lặng lắng nghe. Nó cảm nhận được giây phút thiêng liêng của đất trời đang giao hòa. Mùa Xuân đang về.

Đột nhiên khắp nơi dậy lên những tràng pháo, rộn rã, chát chúa. Người ta đốt pháo mừng đón giao thừa. Pháo nổ khắp nơi. Ánh sáng chớp rực từng quãng đường, khói pháo nồng nặc, mù mịt, thỉnh thoảng có tiếng pháo đại, pháo tống đì đùng chen lẫn vào.

Khoảng nửa giờ sau, tất cả trở lại yên lặng, chỉ thật lâu mới vang vọng đâu đó vài tiếng pháo lẻ loi. Thằng Tí biết là đã sang năm mới, đã là mồng một tết. Nó nhớ lại lời hứa với con Tâm mà bâng khuâng....

Nó nhắm mắt lại. Nó khóc. Những giòng nước mắt lặng lẽ. Đột nhiên, nó kêu to “Ba ơi... Ba...!” Tiếng kêu của nó vang dội trong đêm vắng, chạy dài trên đường phố sâu hun hút, như bất tận.

Ngừng một lát, nó lại kêu tiếp, giọng hốt hoảng và đẫm nước mắt. “Ba ơi... Ba...!”