Con thỏ nhỏ bé xinh xinh ngày trước đậu trên cổ nàng giờ đây nó đã tràn lan như con sóng trắng xoá, nuốt trọn cả người nàng...
Trong suốt ba năm cuối cùng của bậc trung học tôi luôn luôn được ngồi phía sau lưng Ngọc Lan. Ba cô gái ngồi bàn đầu, tôi cùng hai bạn ngồi bàn kế. Tôi không hiểu do sự tình cờ nào mà qua bao lần sắp xếp ở trong lớp, tôi cứ được cái ưu ái của số phận là ngồi ngay phía sau chiếc lưng dài mềm mại óng ả lụa tơ tằm thoang thoảng hương bay, được hàng ngày nhìn đôi bờ vai thanh tú và nhất là được chiêm ngưỡng cái cổ cao trắng ngần như cổ thiên nga của Ngọc Lan.
Tới cuối năm đầu tiên thì “nó” xuất hiện. Nó là một chấm nhỏ màu trắng mọc trên cổ Ngọc Lan, hơi chếch về phía sau gáy, chỗ mà những sợi tóc mịn màng toả ra phía dưới lớp tóc đen dày mượt mà. Chỉ khi nào Ngọc Lan vén mái tóc nàng lên mới thấy nó. Ban đầu nó chỉ là một chấm trắng mờ mờ, sau thì rõ dần. Làn da Ngọc Lan đã trắng mà nó còn trắng hơn.. Lũ con trai chúng tôi ngồi phía sau hồi hộp canh chừng và thích thú kháo nhau biết về sự xuất hiện cái nốt ruồi trắng này. Đến năm thứ hai nó lớn lên bằng hạt đỗ tương và dần dần tượng hình thành một con thỏ trắng xinh xinh. Từ đó Ngọc Lan có biệt danh là “Con thỏ”.
Những ngày đầu hè khi mà tất cả lũ học sinh chúng tôi lao vào cuộc thử thách sinh tử mùa thi, lúc mà ngọn gió hè ngày càng trở nên khô và nóng hâm hấp. Ngọc Lan thường vén mái tóc dài lên cột thành chiếc đuôi ngựa, để lộ cái cổ cao ba ngấn, mấy thằng con trai thường chỉ cho nhau xem con thỏ trắng. Lúc này con thỏ đã có chiếc đầu tròn hai tai dài với chiếc đuôi ngắn ngủn trông rất ngộ nghĩnh. Không hiểu tới lúc đó Ngọc Lan đã hay biết trên gáy mình có chú thỏ trắng hay chưa, nhưng cả ba chúng tôi, thằng Bách, thằng Tượng và tôi thì bị con thỏ xinh xắn ấy quấy phá ám ảnh không ngừng. Nó nhảy tung tăng vào những bài giảng của thầy giáo. Nó đùa trong những định đề toán học. Nó chui vào những cuộc thí nghiệm lý hoá. Nó gặm nhấm những bài sử ký địa dư. Nó lẻn vào giấc ngủ. Về sau nó ở hẳn trong tuổi thanh xuân của chúng tôi.
Ngọc Lan là một cô gái rất đặc biệt. Sắc đẹp và tính cách của nàng lôi cuốn cả bọn con trai trong lớp. Mấy cô con gái cũng xúm xít quanh nàng. Tới lúc đó tôi mới biết người con gái đẹp có sức hấp dẫn cả những cô gái khác. Còn các thầy luôn luôn dành cho nàng sự yêu chìu. Ngọc Lan đẹp, thông minh, học giỏi cho nên kiêu kỳ và bướng bỉnh. Ngọc Lan cuốn hút người khác , nhưng luôn luôn có một khoảng cách, người ta hơi bất bình nhưng vẫn không thể chán, tất cả những cái ấy làm thành cá tính mạnh mẽ của Ngọc Lan.
Xưa nay trong chuyện học hành tôi vẫn xem thường những cô gái. Tôi cho họ vượt qua được những kỳ thi cũng chỉ nhờ vào sự siêng năng, còn thông minh, nhất là đối với môn toán thì rất đáng ngờ. Ngọc Lan lại khác, nàng giỏi toán thật sự. Tôi còn nhớ những cô gái ngồi bàn đầu thường quay lại sau để hỏi cách giải toán. Thế mà một hôm Ngọc Lan sừng sộ với tôi chỉ vì tôi lỡ nhắc :“ Lấy hằng đẳng thức…” Nàng kêu lên: “Ai mượn chỉ vẽ, để cho người ta suy nghĩ ”. Tôi cũng đã nhiều lần chứng kiến Ngọc Lan mặt mày đỏ bừng rơm rớm nước mắt vì không giải được bài toán. Cũng không có cô gái nào lại cứng cỏi như Ngọc Lan. Có lần thằng Tượng bắt con chuột đỏ hỏn bỏ vào túi áo mưa của nàng. Ngọc Lan thản nhiên lôi ra đưa vào mồm hắn bắt hắn phải nuốt, nếu không nàng mang lên phòng hiệu trưởng.
Ngọc Lan đẹp lắm, cho tới nhiều năm sau mỗi khi nhắm mắt lại tưởng tượng về nàng tôi như còn thấy rõ mồn một vừng trán cao, mái tóc đen như mun, nước da hồng nhạt mịn màng. Sau này lớn lên tôi tiếp xúc với nhiều người phụ nữ nhưng vẫn không có ai để lại trong tôi ấn tượng mạnh mẽ về vẻ đẹp và cá tính như Ngọc Lan. Trong những năm đó tôi có cơ hội chiêm ngưỡng bao sự kỳ diệu biến chuyển bên trong và cả bên ngoài một cô gái từ tuổi dậy thì tới giai đoạn phát triển toàn diện. Ở Ngọc Lan sự biến chuyển này trông rất rõ. Mỗi năm đường nét này thay đổi hướng tới sự hoàn hảo. Tôi nghĩ ngoài tạo hoá ra, không có quyền năng nào thực hiện được sự đổi thay màu nhiệm tuyệt vời đến thế nào.
Ngọc Lan kiêu kỳ cũng chỉ vì ưu thế trời cho nầy. Cô ấy luôn tự hào về sắc đẹp nhất là làn da nàng, áo quần màu sắc nào cũng làm tôn lên cái làn da hồng đào như trái cây chín tới. Cô ta lại tự hào về mái tóc đen như mun chảy dài xuống lưng như một dòng suối và nhất là đôi mắt với cặp lông mày, hàng mi dài cong vút xanh mướt, đôi mắt sâu thẳm có cái nhìn êm ái như nhung. Tôi để ý thấy nàng chăm sóc nhan sắc mình nhiều hơn những cô gái khác. Lũ con trai chúng tôi chỉ biết gây sự chú ý của nàng bằng cách chọc phá. Chúng tôi còn trẻ con, nàng đã trưởng thành.
Trong thời gian đó có một kỷ niệm khó quên. Thằng Tượng, một thằng học trò hoang đàng không sợ trời chẳng sợ đất đã làm một chuyện không ai tưởng tượng nổi. Thằng Tượng là một con người khổng lồ, nó cao và to nhất lớp. Mẹ hắn thường kể cho chúng tôi nghe về việc sinh hắn. Mới sinh ra hắn đã to gấp đôi những đứa bé bình thường. Bà ta chuyển bụng hai ngày mới sinh ra cái con voi này được. Lão bác sĩ Tây đỡ cho bà trong khi lão say rượu. Lão khó nhọc lắm mới lôi được cái đầu to quá khổ ra. Lớn lên vì cái đầu dị dạng đó cho nên hắn cũng có một tính tình đặc biệt. Tôi là người đầu tiên chịu khổ vì cái hình thể trẻ con đồ sộ của hắn. Mỗi lần đánh bi đánh đáo thua, tôi phải cõng cái khối thịt khổng lồ chạy quanh sân trường. Hắn học rất dở, thường là đội sổ. Thế mà người được hắn lựa chọn lại là Ngọc Lan. Bảo vật của cả lớp. Cái tính của hắn cũng lạ như con người hắn. Hắn sẵn sàng làm bất cứ chuyện gì vì Ngọc Lan. Có lần hắn nói với tôi là hắn sẽ về nhà bắt trộm của cha hắn cặp chim câu ra ràng cho tôi nếu tôi đổi chỗ cho hắn được ngồi sau lưng “con thỏ” một buổi chiều. Lần đó, sau khi “Con thỏ” nghe hơi thở của hắn nóng rực phả vào gáy, đứng lên thưa với ông giáo Pháp văn về việc tự tiện đổi chỗ ngồi. Thằng Tượng và tôi đều bị phạt.
Có lần thằng Tượng không biết nghĩ thế nào mà dám cóp trong sách “ Những bức thư tình hay nhất thế giới” bức thư của Na Pô Lê Ông gởi cho nàng Giô Dê Phin gởi cho Ngọc Lan. Gởi xong hắn hồi hộp chờ đợi. Sáng thứ hai tuần tới, sau giờ chào cờ, Ngọc Lan cầm lá thư trình lên với thầy Hiệu trưởng. Lần này Nã Phá Luân phải ra hội đồng kỷ luật. Cha mẹ hắn phải làm đơn xin bảo lãnh hắn mới được cho đi học lại.
Thằng Tượng có nhiều trò chơi táo bạo hiếm thấy. Tôi nhớ có lần hắn rủ tôi vào rừng bắn chim, suốt ngày không được con nào. Chiều về hắn lẻn ra sau nhà lão Bá, chui vào chuồng xách tai một chú thỏ. Con chó chạy ra cắn chân lôi hắn lại, hắn vẫn không chịu buông con thỏ. Hắn với tôi ra sau vườn mít làm thịt. Tôi thấy hắn treo ngược con thỏ lên cành mít rồi không biết nghe ai mà hắn làm một chuyện, nhiều năm sau nghĩ lại tôi còn rùng mình. Hắn để con thỏ còn sống mà lột da! Trời ơi, con thỏ vùng vẫy dẫy dụa kêu the thé. Con thỏ bị lột hết cả bộ da mà vẫn còn sống hàng giờ sau không chịu chết. Hắn đứng nhìn con thỏ nét mặt biểu lộ khoái cảm tột độ. Thế rồi đột nhiên hắn đưa tay gạt nước mắt, bỏ chạy đi không nói với tôi một lời. Tôi ở lại một mình với cái vườn mít âm u vang tiếng tắc kè với con vật thân thể hồng hồng trong veo ửng lên mạng mạch máu như chỉ tím. Con vật cứ chốc chốc co giật mà không chịu chết. Về sau tôi mới hiểu vì sao thằng Tượng hành hạ con thỏ, khóc rồi bỏ đi như thế.
Cuối năm thằng Tượng và cả Ngọc Lan không học lên đại học. Tôi vào trường y khoa. Trong bảy năm ở đây thỉnh thoảng tôi vẫn nghe tin tức về lớp bạn cũ. Riêng “Con thỏ” thì có nhiều tin đồn. Tất cả những tin tức này tôi đều cho là có lý, vì với ai chứ với Ngọc Lan thì có thể lắm. Người ta nói Ngọc Lan làm tiếp viên hàng không. Tôi vẫn thường đi lại bằng máy bay nhưng tôi không gặp nàng. Họ nói nàng làm việc trên những chuyến bay ngoại quốc. Tôi nghĩ cũng đúng, vì với sắc đẹp cộng với sự thông minh lịch lãm thì nghề tiếp viên hàng không là phù hợp nhất với “con thỏ” . Sau đó mấy năm tôi nghe nói nàng làm vợ một nhà ngoại giao, tôi nghĩ cũng có lý vì nàng thích hợp với địa vị nầy. Tôi luôn luôn nghĩ “Con thỏ” phải có một vị trí xứng đáng trong xã hội vì nàng rất đáng để hưởng.
Đời tôi lại xuôi chảy theo một hướng phẳng lặng hơn. Tôi học xong ra trường đi làm trong một bệnh viện, có vợ con, cuối cùng đổi về làm việc tại Ban Mê Thuột. Lúc này thỉnh thoảng tôi gặp lại vài bạn cũ, chúng nó ở trong các ngành và đều có địa vị cả. Đây cũng là niềm tự hào chung cả lớp đệ tam A3. Kể cả cái thằng Tượng đặc biệt của chúng tôi. Có lần gặp lại, tôi thấy hắn đã mang lon trung tá. Bộ quân phục rất thích hợp với hắn. Hắn đang vui vẻ nhưng khi nghe nhắc chuyện “con thỏ” hắn trở nên trầm ngâm, buồn buồn. Sau này gặp lại nhiều người họ kể chuyện thằng Tượng cho tôi nghe. Năm đó hắn bỏ học đăng lính với tâm trạng thua sút anh em lại vừa thất tình. Nhiều lúc hắn không còn tha thiết với cuộc sống. Trong quân đội hắn chiến đấu giống như một thằng điên, vừa giống như một người hùng. Hắn xông vào lửa đạn để tìm kiếm một dịp may hay là một kết thúc thì tên đạn lại lánh xa hắn. Hắn lập hết chiến công này đến chiến công khác. Hắn có một binh nghiệp thật rực rỡ. Nghe chuyện về thằng Tượng chúng tôi đều vui lây.
Một hôm đang làm việc người y tá báo cho tôi biết có khách. Khách là một ông Tây. Hình như có chuyện khẩn cấp nên ông ta mặc nguyên bộ quần áo đi săn với đôi ủng cao, cái nịt to bản, giắt đầy những viên đạn vỏ giấy xanh đỏ, với khẩu súng săn hai nòng dài thượt trên vai. Từ người ông ta toát lên cái mùi đặc biệt của Tây thuộc địa. Đó là mùi tổng hợp của da bò thuộc, khói xì gà và xà phòng cạo râu. Chỉ có điều trông ông ta tỏ ra u ám buồn rầu. Người Pháp này thỉnh thoảng tôi có gặp tại quán ăn “Con chuột bạch” ở đường Lý Thường Kiệt thị xã Ban Mê Thuột. Đây có lẽ là tiệm ăn đặc biệt nhất nước ta. Chủ quán là một ông Tây già nói tiếng Việt rất sõi. Ông tổ chức cái quán mình hoàn toàn giống quán ăn bến xứ ông. Ngay cả bánh mì ông cũng tự làm lấy. Rượu thì rót từ những thùng gỗ dưới hầm, bơ, pho mát, ông cũng tự làm. Tuyệt nhiên không dùng đồ hộp.
Người Pháp đứng xớ rớ, vẻ ngượng ngập. Có lẽ ông ta thấy bộ đồ săn với súng ống trên người không phù hợp với khung cảnh của bệnh viện. Đợi cho tôi rảnh tay ông ta mới dám ngỏ lời mời tôi vào đồn điền khám bệnh cho người thân. Tôi nói:
- Hãy mang bệnh nhân tới bệnh viện.
- Bệnh nhân không thể tới được.
- Chỉ ở bệnh viện mới có đủ dụng cụ.
- Nhưng không thể đi được. Tôi không biết nói làm sao để bác sĩ hiểu. Khi tới nơi đó ông sẽ biết.
- Tôi không thể đi được, tôi đang có nhiều bệnh nhân cần chăm sóc.
Tôi tìm mọi cách từ chối nhưng người kia nằng nặc nhờ tôi giúp đỡ. Trông ông ta hình như có giấu giếm một điều gì bí mật không thể nói ra. Tôi hoang mang, hay là có một tội phạm nghiêm trọng vừa xảy ra? Tôi nổi tính hiếu kỳ nên nhận lời đi. Tôi bảo ông ta đợi, xong việc tôi sẽ đi.
Tôi vừa làm việc vừa ngầm quan sát người khách lạ này. Tôi thấy ông ta rầu rĩ. Tôi tự hỏi: không biết hắn ta chờ đợi gì nơi mình? Tại sao hắn lại không tìm người khác. Phải hơn một giờ sau tôi mới xong công việc. Người Pháp lái một loại xe đi rừng chở tôi về. Từ trước tới giờ tôi chưa từng gặp người ngoại quốc nào lại có cải vẻ rụt rè, trầm ngâm như người này. Trên xe chúng tôi không trao đổi với nhau một lời. Chúng tôi qua một đoạn đường dài trong rừng, thêm một đoạn đường đất đỏ bụi bay mù trời. Chiếc xe lao trong một trưa hè nắng gắt, hơi nóng bốc lên trông những ngọn đồi xa rung rinh nhạt nhoà giống như nhìn xuyên qua màng nước. Xe chúng tôi đi vào một khu vực xanh um cà phê. Chính giữa là vùng cây cao mát rượi. Trong bóng lá thấp thoáng mái ngói đỏ và những vách gỗ ngâm dầu màu nâu đậm. Người Pháp nhanh nhẹn nhảy xuống xe mở cửa mời tôi vào. Tôi thấy nhiều người làm công, hầu hết là người Ê-đê. Họ đang làm những công việc có liên quan tới cà phê. Ở giữa là ngôi nhà chính, trong khi những nhà khác nhộn nhịp thì ngôi nhà chính lại vắng ngắt. Tôi ngạc nhiên vì sao vào mùa hè mà cả ngôi nhà đóng cửa im ỉm. Trông bên ngoài ngôi nhà đã toát lên cái vẻ u tối lạ thường. Hình như gia nhân bị cấm lại gần. Người Pháp tra khoá mở cửa chính, mọi cử thỉ của ông đều êm nhẹ tránh không gây tiếng động. Tôi nghĩ mình sắp chứng kiến chuyện lạ đây. Ông ta hé cửa cho tôi vào rồi đóng lại ngay. Từ chỗ sáng vào nơi tối, mắt tôi không trông thấy gì cả. Người Pháp quẹt diêm châm vào cây nến mà ông ta biết trước chỗ để. Ông ta dùng bàn tay to bè ôm lấy ngọn lửa chỉ để đủ sáng cho tôi vừa trông thấy đường đi len lỏi giữa vô số bàn ghế gỗ làm theo kiểu cổ Âu châu. Ngay trong buổi trưa hè nóng bức mà trong nhà âm u ẩm thấp lạ thường. Mọi cửa ngõ đều phủ màn che kín. Cái nhà sâu hun hút như một hang động. Đang đi tôi hoảng hồn bởi tiếng hét của một người phụ nữ:
- Tắt đèn mau! Đồ quỷ!
- Anh đây mà, có mời bác sĩ về. Người đàn ông trả lời.
Ông ta thổi tắt đèn, căn phòng chìm trong bóng tối. Hồi lâu tôi mới thấy lờ mờ một chiếc giường nệm trắng, trên giường không có ai. Đang còn phân vân thì tôi một lần nữa lại khiếp đảm vì có người gọi đúng tên mình:
- Có phải Trần Ngọc Huy đó không?
- Vâng!
- Có phải Huy đệ tam A3 Võ Tánh không?
- Đúng rồi! Ai?
Người ấy yên lặng. Tôi nghe thấy tiếng sột soạt trên giường. Người ấy nói: “Mình tìm chiếc kính râm đưa cho em!”. Trong bóng tối tôi nghe tiếng ra lệnh dõng dạc:
- Mở đèn lên!
Cùng với ánh sáng đột ngột chói loà là một giọng cười khanh khách.
- Con thỏ đây!
- Trời ơi Ngọc Lan!
Tôi xúc động tới không thở nổi. Trước mắt tôi không còn là một con người nữa. Toàn một màu trắng giống như hình nộm người ta dán bằng giấy. Tôi chợt hiểu cả rồi, cái bệnh bạch tạng khủng khiếp đã nhuộm trắng cả con người của nàng. Con thỏ nhỏ bé xinh xinh ngày trước đậu trên cổ nàng giờ đây nó đã tràn lan như con sóng trắng xoá, nuốt trọn cả người nàng. Mái tóc ngày xưa đen mướt như mun giờ đây giống như làm bằng những sợi cước trong vắt. Cả lông mày, lông mi cũng bị tẩy hết màu đen. Làn da nàng bây giờ chỗ thì như tấm giấy quyến loang lổ chút phẩm hồng. Chỗ lại trong như bạch lạp. Cả cặp mắt nó cũng không chừa. Cái tròng đen hạt nhãn long lanh khi trước bị nó làm cho trong suốt như hòn bi ve ửng lên mạng máu như tơ nhện. Thật là một cuộc chinh phục, cuộc xâm lăng tàn bạo của màu trắng. Tôi liên tưởng tới buổi chiều một mình trong khu vườn mít của lão Bá với con thỏ bị lột da toàn thân cũng trong trong hồng hồng như thế này.
Ngọc Lan nằm dán người trên chiếc nệm trắng. Chiếc áo ngủ cùng một màu trắng, thành ra lúc mới vào tôi có nhìn cũng không trông thấy gì. Đúng là một cơn ác mộng màu trắng tràn lan trên chiếc giường gỗ chạm trổ công phu này. Ngọc Lan vừa cười vừa nói:
- Đã hoàn hồn chưa bác sĩ? Con thỏ trắng của các anh ngày xưa đã biến tôi thành ra như thế này đó. Thôi ta nói chuyện khác. Lâu quá, dễ gần hai mươi năm, tôi nhìn Huy không rõ nhưng không khác ngày xưa. Mấy năm bệnh hoạn nằm dài trên giường tôi chỉ làm một việc là ôn lại chuyện thuở còn đi học. Tôi nhớ tất cả, không sót một ai, không sót một việc gì. Tôi biết Huy làm việc ở đây, nhưng tôi không muốn gặp. Bây giờ tôi lại đổi ý. Gặp lại Huy tôi vui lắm. Tôi như gặp lại thời thiếu nữ tươi đẹp của mình.
Rồi quay qua chồng nàng nói:
- Mình ơi, mình muốn biết thuở nhỏ em xinh đẹp như thế nào cứ hỏi ông bác sĩ đây, bạn học của em đó.
Nàng quay qua tôi nói:
- Hôm nay tôi mời Huy lại chỉ để hỏi một câu. Huy cứ sự thật mà nói. Tôi chịu đựng được tất cả. Tôi không cần sự an ủi. Tôi hỏi nhé… Còn cách gì không?
Tôi suy nghĩ một lúc rồi nói:
- Hiện tại thì không. Nhưng…
- Thôi đủ tồi!
Nàng nói như ra lệnh. Cả ba người như rơi vào sự im lặng căng thẳng, không ai đủ can đảm nhìn ai . Cuối cùng thì Ngọc Lan với cá tính mạnh mẽ cố hữu phá tan giây phút khó khăn.
- Nói gì đi chứ. À kể chuyện bạn bè ngày trước cho mình nghe đi?
- Còn nhớ thằng Tượng không?
- Làm sao quên con người đặc biệt đó. Mình ân hận mãi về việc đối xử…không tốt với Tượng. Có gặp lại Tượng đừng nói gì về tôi. Tôi muốn anh ấy giữ nguyên trong ký ức về “con thỏ” xinh đẹp.
- Cho tới bây giờ Tượng vẫn không chịu lấy vợ. Rồi tôi kể chuyện anh chàng thất tình đăng lính để tìm cái chết lại trở thành người hùng bất đắc dĩ. Tượng có linh tính về Ngọc Lan. Hắn nói người như Ngọc Lan chẳng bao giờ có được thứ hạnh phúc đằm thắm của những người đàn bà bình thường.
- Vâng, cho tới bây giờ tôi vẫn chưa có cái hạnh phúc được làm mẹ.
Ngọc Lan dừng lại ngậm ngùi. Tôi hỏi:
- Thế tại sao Ngọc Lan về chốn này. Người ta đồn nhiều chuyện về Ngọc Lan đúng không?
- Đúng, sau mấy năm làm tiếp viên hàng không, tôi lấy một nhà ngoại giao, rồi một ông triệu phú, cuối cùng là nhà tôi đây. Nhà tôi có đồn điền cà phê nên tôi lên Ban Mê Thuột. Lúc về đây căn bệnh bạch tạng tẩy trắng tôi ra rồi.
- “Con thỏ” bắt đầu hoành hành từ lúc nào? Trong ba năm học tôi thấy nó không lớn lên là bao nhiêu.
- Đúng, rồi cũng vì thế mà mình xem thường. Mười năm sau nó cũng không phát triển nhiều. Có nhiều người đàn ông lại còn nhìn nó say sưa xem như nốt ruồi trắng làm cho cái cổ mình vốn đã đẹp lại còn duyên dáng hơn. Lúc đó nó chỉ lớn hơn chiếc móng tay một chút. Thế rồi, bỗng nhiên như một sự thúc đẩy cuồng nộ của loài sâu bọ, nó sinh sôi nẩy nở ồ ạt, gặm nhấm từng mảng lớn. Thật khủng khiếp chỉ có một năm mình trở thành cái xác trắng bệt này. Khổ nhất là cái tròng đen nó cũng không tha. Mỗi lần nhìn ra sáng đau nhức vô cùng.
*
Tôi từ giã Ngọc Lan với tâm trạng u uất nặng nề. Nhiều ngày sau tôi vẫn còn bị ám ảnh bởi cái màu trắng quái gở này. Tôi ngỏ ý muốn được trở lại thăm và chăm sóc nàng nhưng Ngọc Lan không cho. Nàng nói: “Đàn ông đừng có mà uỷ mị…”. Nàng chỉ cho tôi gặp một lần đó. Cho tới giờ phút này mà cái tính ngang bướng vẫn không chịu rời bỏ nàng. Tôi nghĩ hay là nàng đã có một toan tính nào đó.
Chừng mười ngày sau, người chồng Ngọc Lan lại gặp tôi. Thấy ông tôi biết ngay là có chuyện bất thường. Tinh thần và thể xác ông ta suy sụp hẳn. Hàm râu nhiều ngày không cạo phủ kín bộ mặt tiều tuỵ, bộ đồ săn nhàu nát bẩn thỉu. Tôi rót rượu mưòi. Ông như đổ cốc rượu vào mồm. Ông ta vừa thở hổn hển vừa kể chuyện.
- Mấy ngày sau đó Ngọc Lan liên tiếp lên cơn thác loạn. Nàng đập phá, kêu thét, xô đuổi mọi người, suốt ngày nguyền rủa loài sâu bọ đục khoét làn da hồng đào của nàng. Rồi kế tiếp lại là những ngày nàng chìm vào sự trầm uất. Ngọc Lan nằm mọp trên giường, không động đậy, không ăn uống, không nói năng, không cho ai tới gần. Tôi nghĩ chắc nàng đang tìm cách giải quyết bằng lối nào.
Ông nói tới đây tự tay rót rượu uống, giọng trầm xuống:
- Thấy tôi ngồi cạnh uống rượu liên miên, Ngọc Lan bảo tôi vào rừng đi săn, nàng thấy thèm thịt con nhím nấu ragu. Tôi tưởng nàng nói thực. Sáng hôm sau tôi vào rừng với một thằng bé. Tôi lặn lội suốt ngày trên rừng, luồn lách giữa những bãi hướng dương dại tìm hang nhím. Nhưng hình như đó là một ngày chim thú trốn biệt. Xế chiều tôi mới bắn dược một con thỏ rừng. Buổi chiều trời đất vần vũ một cơn mưa giông, mây đen kéo đầy trời và gió thổi rạp cây rừng. Mưa đổ như trút, tôi và thằng bé trú dưới gốc thông cổ thụ. Trong cơn mưa tôi thấy thấp thoáng có người phi ngựa. Tôi nghe có tiếng kêu the thé tên tôi. Tiếng kêu rất giống tiếng Ngọc Lan. Có tiếng ai xô đẩy tôi chạy về phía tiếng gọi. Khi tay tôi vừa bám vào cương ngựa thì một ánh chớp chói loà và một tiếng nổ kinh hồn. Tôi quay nhìn lại, thì trời ơi cây thông khi nãy tôi trú mưa bốc cháy rực lên như có người đổ xăng từ ngọn tới gốc. Rõ ràng có một điều kỳ diệu cứu sống tôi và đứa bé. Tôi còn kinh hoàng thì người Thượng báo tin: “Ông về ngay, bà nhà làm sao rồi!”. Tôi phi ngựa như bay trong làn mưa quất vào mặt lạnh và rát như phỏng nước đá. Con suối ngày thường nước róc rách ngang cổ chân ngựa thì bây giờ lũ tràn về, con ngựa và tôi suýt bị cuốn trôi. Nửa giờ sau tôi có mặt tại nhà. Cả ngôi nhà khác hẳn ngày thường, đèn đuốc sáng trưng, cửa ngõ mở toang. Tôi thét: “Ai cho chúng mày mở cửa đốt đèn?”. Chúng nói: “Bà bảo”. Tôi ngạc nhiên tại sao hôm nay nàng lại đổi tính?
Vào nhà tôi kinh hoàng. Nằm trên giường không phải là Ngọc Lan mà là một cô gái hoàn toàn khác lạ. Một cô gái rực rỡ trong chiếc áo cưới màu hồng, mái tóc đen tuyền toả ra trên chiếc gối trắng tinh. Đôi lông mày cùng với hàng lông mi cong vút màu đen, cặp môi đỏ rực màu son. Sờ tới thì người nàng lạnh cứng rồi!
Tôi không lạ gì tính tình của Ngọc Lan nhưng trời ơi sao lại có sự thay đổi lạ lùng này? Tôi đứng chết trân vì cảnh tượng vừa hãi hùng vừa đau thương tột bực này. Người hầu gái cho tôi biết chuyện: Sáng nay khi tôi vừa vác súng vào rừng, bà cho gọi tài xế bảo mang xe đi Ban Mê Thuột đến mỹ viện mời người ta vào đồn điền giúp cho dạ hội hoá trang. Bà trả cho họ một số tiền lớn. Họ tới nơi mang theo đủ dụng cụ. Ba người thợ săn sóc cho bà cả buổi sáng. Họ dùng thuốc nhuộm mái tóc đã trở thành trắng xoá của bà thành một màu đen tuyệt đẹp. Họ thoa kem màu nâu hồng khắp người cho bà. Họ kẻ lông mày, gắn lông mi, đánh phấn, tô son. Rồi chính bà chọn cái áo cưới màu hồng mặc vào người. Xong bà đuổi tất cả mọi người ra khỏi nhà.
Con hầu tên Hơ Đam Eban lén trốn ở lại trong phòng. Nó kể: “… Bà ngồi nhìn đăm đăm bóng mình trong gương cười mãn nguyện. Bà mở tủ lấy ống thuốc ra trút tất cả những viên thuốc màu trắng ra lòng bàn tay. Bà rót cốc nước, từ từ uống từng viên một cho đến hết. Bà lấy chiếc đĩa hát đặt vào máy. Một khúc hát vang lên. Xong bà lên giường nằm. Bà nằm yên. Chốc chốc lại cười một mình. Chừng nửa giờ sau bà cố gắng giữ nụ cười nhưng mấy cái ngáp dữ đội kéo đến làm mặt bà méo lại. Bà vẫn cố chống chọi không chịu để bị níu chìm vào giấc ngủ. Cuối cùng bà há mồm thật to nhưng đột nhiên cứng đờ không ngậm miệng lại được. Chiếc máy quay đĩa không ai tắt nó cứ hát đi hát lại mãi một câu: “… Ngày vui đã tàn, mặt trời đã tắt…Ngày vui đã tàn, mặt trời đã tắt…”.