main billboard

Lời giới thiệu: Tác giả của bài viết này từng là một sĩ quan QLVNCH, đang cùng gia đình định cư tại Hoa Kỳ theo diện HO-20. Ông nhớ về một kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời binh nghiệp của mình.
moi tinh khong chien tuyen
Thắm Nguyễn

Sau 3 ngày quần thảo ác liệt với đối phương, chúng tôi mới chiếm được mục tiêu. Một đơn vị VC thuộc tỉnh Bến Tre đã bị xóa sổ, nhưng đơn vị của chúng tôi cũng bị thiệt hại nặng nề không kém!

Trung đội 4 của tôi được lệnh bung rộng ra kiểm soát từng hầm hố, từng công sự của đối phương. Cảnh vật hoang tàn đổ nát, những thân cây dừa bị mảnh đạn pháo binh băm nát lỗ chỗ. Hầu như không còn chỗ nào nguyên vẹn, mùi thuốc súng nồng nặc khó chịu vẫn còn vương lại nơi đây.

Tôi với Kính, người mang máy truyền tin, cẩn thận từng bước trên bờ mương nhỏ.

Chợt Kính giơ tay ra hiệu:

– Sếp ơi! Coi chừng, hình như có người trong lùm cây đàng kia.

– Tản rộng ra, theo dõi kỹ chung quanh và coi chừng trái nổ gài lại đó.

Tôi ra lệnh cho Kính xong liền khom người phóng qua những thân cây nằm ngổn ngang trên mặt đất. Khẩu M16 lên đạn sẵn sàng. Kính theo kế bên hông. Những tiếng rên nho nhỏ từ trong lùm cây rậm rạp, ngày càng nghe rõ dần…

– Một nữ “vi xi”!

Kính nói nhỏ.

Kinh nghiệm chiến trận cho tôi biết không bao giờ hấp tấp trước mọi tình huống. Có thể kẻ địch gài mìn bẫy xung quanh, hoặc giả vờ bị thương để dẫn dụ đối phương tới gần rồi sát hại.

Giơ ngón tay ra hiệu lệnh và chỉ vào lùm cây, tôi quan sát lần nữa rồi rón rén bước nhẹ, đằng kia thằng Kính lăm le khẩu súng trên tay trông chừng. Tôi lấy mũi súng vạch đám lá, một cô gái còn rất trẻ trạc độ 18 – 19 tuổi, tóc tết đuôi sam, nằm gối đầu lên chiếc ba-lô màu cứt ngựa, vai trái bị trúng đạn máu tuôn ra ướt đẫm, mắt nhắm nghiền nhưng miệng vẫn không ngớt rên rỉ:

– Nước… Nước… Cho tôi miếng nước!

Trước tình trạng nguy hiểm đến tính mạng của cô địch quân sau khi ngừng tiếng súng, việc đầu tiên là phải cầm máu. Tôi lấy băng cá nhân lau nhẹ trên vết thương. Ðoạn dùng lưỡi lê cắt khoảng áo trên vai, đỡ cô ngồi dựa vào người tôi, đoạn bảo Kính:

– Mày băng giùm cho tao, nhớ nhẹ tay!

– Ông nhân từ quá, gặp em đi một mình là con nhỏ này tiêu đời!

Kính vừa băng vừa cằn nhằn.

Tôi im lặng không nói gì. Thằng Kính cũng có lý. Những người lính ra trận làm sao tránh khỏi thương vong. Liệu VC có nhân từ với những người anh em của tôi không?

– Nước… Cho tôi xin miếng nước!

– ÐM! Câm miệng lại!

Kính văng tục và gầm ghè giận dữ. Tôi lừ mắt nhìn người đệ tử ra vẻ không hài lòng.

– Mày đừng nói như vậy, với một người sắp chết, mình đừng nuôi thù hận nữa. Thôi mày ra ngoài trông chừng cho tao đi!

Tôi lấy cái khăn màu tím cột trên vai áo (dấu hiệu nhận diện của đơn vị) thấm chút nước rót từ bình tông lau nhẹ trên mặt cô gái. Tôi ngẩn người trong giây lát vì sắc đẹp của nữ địch quân: khuôn mặt thanh tú với hàng mi cong vút nhất là sống mũi cao nom cô phảng phất như minh tinh màn bạc. Dù trắng xanh vì mất máu, nhưng cô ta vẫn có nét thu hút đặc biệt.

Ghé bình tông nước vào miệng cô gái, tôi nói nhỏ:

– Cô uống đi, nhớ từ từ từng chút một.

Cô gái ngoan ngoãn nghe lời như một em bé, rồi thều thào:

– Cám ơn ông nhiều.

Giọng cô nói yếu ớt và mệt mỏi.

– Tôi sẽ tiêm cho cô 2 mũi thuốc trụ sinh và cầm máu, cố chịu đau nghe.

– Không cần đâu, làm phiền ông nhiều rồi. Vả lại tôi cũng sắp chết…

– Tầm bậy, vết thương này đâu có gì nguy hiểm!

– Xin ông đừng an ủi như vậy. Hồi nãy ông nói tôi sắp chết…

– Tại vì… tại vì… Tôi không muốn lính của mình ăn nói kỳ cục như vậy.

Cô gái mở mắt nhìn tôi với vẻ cám ơn, trong đáy mắt chứa nhiều điều muốn nói. Cô lại thều thào:

– Bây giờ ông sẽ làm gì tôi? Bắn một phát súng có lẽ nhẹ nhàng hơn là giao tôi cho cấp trên của ông…

Thật tình tôi không biết trả lời sao với cô, chưa kịp phản ứng thì cô tiếp:

– Tôi sinh ra ở miền đất mênh mông sông nước này. Ba má tôi đều đã chết vì bom đạn Mỹ. Hãy để thân xác tôi cũng vùi xuống đất mẹ quê hương. Ông đừng giao tôi cho ai hết. Tôi xin ông…

– Thôi được rồi, tôi sẽ làm theo lời yêu cầu của cô. Nhưng trước nhất hãy để tôi tiêm thuốc cái đã, đừng bướng bỉnh như vậy.

Cô gật nhẹ đầu mà không nói lời nào. Kéo ống tay áo lên, lộ làn da trắng nõn nà. Tôi chăm chú chích mũi Penicilline mà không thấy má của cô thoáng đỏ vì hổ thẹn mà chỉ thấy cô nhăn nhó xuýt xoa vì đau, tôi bật cười:

– Cô cũng là lính, đã đánh trận bị thương, bị bắn không đau, chỉ có mũi kim bé tí tẹo mà cô rên rỉ, nhăn nhó như…

– Sao không đau, ông muốn nói tôi như… khỉ chứ gì?

Cô cướp lời. Tôi cười trừ, đỡ cô gái nằm xuống ngay ngắn trên mấy tàu lá chuối rồi đứng dậy lấy trong ba-lô mấy hộp lương khô, bình nước đầy và cuộn băng cứu thương, tất cả đặt bên cạnh cô rồi nghiêm nghị nói:

– Ðơn vị tôi sẽ di chuyển đi nơi khác bất cứ lúc nào. Những thứ nầy cần thiết cho cô, tôi hy vọng người của cô sẽ trở lại tìm và cứu sống đồng đội của mình.

Tôi lấy khăn nhúng nước lau mặt cho cô, đoạn cẩn thận lấy mấy tàu lá dừa che kín chỗ cô VC đang nằm.

– Này, ông tên là gì vậy?

– Có quan trọng lắm không?

– Ít ra sống hay chết tôi còn biết tên người đã đối xử tốt với mình chứ.

– Vậy thì cô nói với Diêm Vương gã đó là Lam, Trần Hoài Lam, và cô xin với ổng cho tôi tai qua nạn khỏi trong chiến tranh này!

Tôi nghe tiếng cô cười nhỏ cùng tiếng nói thật nhẹ:

– Dạ, Quyên đêm nào cũng sẽ cầu nguyện cho ông Lam tai qua nạn khỏi.

Quyên, người con gái mà tôi gặp gỡ một lần, và chỉ một lần duy nhất trong cuộc đời kể từ đó. Bước chân người lính như tôi đã qua mọi đoạn đường đất nước, những trận đánh đẫm máu và vài lần bị thương nặng nhẹ nhưng tính mạng vẫn còn giữ được. Phải chăng, Quyên hằng đêm cầu nguyện cho tôi được tai qua nạn khỏi như nàng đã hứa?

Ðất nước hoà bình, tiếng súng lặng im, những người từng là sĩ quan QLVNCH như tôi và bạn bè khác dù không bị trả thù, “tắm máu”, nhưng đều phải ra trình diện, rồi tập trung đi trại “cải tạo”.

Một ngày đẹp trời, trại Bù Gia Mập, nơi tôi đang “lao động là vinh quang” có cơn bão rừng rất lớn, mọi người được phép nghỉ tại lán. Anh Ðan, khối trưởng nhận thư từ quản giáo phân phát cho anh em. Là một kẻ không thân nhân, không họ hàng, tôi lảng đi nơi khác cho đỡ tủi thân.

– Trần Hoài Lam, có thư!

Cả phòng xôn xao ngạc nhiên vì ai cũng biết tôi là thằng “mồ côi”, là “con bà Phước” – danh từ ám chỉ những kẻ không có ai thăm viếng lẫn thư từ.

Rất ngạc nhiên tôi nghĩ thầm trong bụng có lẽ trùng tên với một người nào đó nên im lặng.

– Trần Hoài Lam, có thư!

Người khối trưởng lặp lại với vẻ khó chịu.

Tôi dè dặt bước tới trong trạng thái hoang mang.

– Có thật là của tôi không anh Ðan?

– Tên anh rành rành trên phong bì làm sao sai được. Thôi nhận đi cho tôi còn làm việc, nếu có sai thì cho tôi biết.

Cầm lá thư tôi lật qua lật lại, xem kỹ có phải đúng tên mình không. Hoàn toàn đúng nhưng tuồng chữ lạ hoắc và cái tên cũng chưa bao giờ nghe qua, nhưng một điều chắc chắn người viết là phái nữ, nét chữ mềm mại thẳng đứng nhưng rõ ràng. Trần Hoài Quyên, thật là lạ, trùng họ, trùng chữ lót, chỉ khác tên. Tôi tứ cố vô thân làm gì có họ hàng.

Tôi hồi hộp đến run rẩy mở ra đọc:

“Anh Lam! Có lẽ anh ngạc nhiên lúc nhận thư của Quyên, người con gái xa lạ gởi đến cho mình, nhưng khi em nói câu này chắc chắn anh hình dung Quyên là ai: Ði lính bị thương, bị bắn không đau, chỉ mũi kim bé tí teo này mà nhăn nhó rên rỉ như…”.

Ðọc mấy dòng chữ trên, tôi lặng người rất lâu, bàng hoàng và xúc động nhớ lại trong trận đánh ấy, một nữ VC khuôn mặt bê bết sình đất, tóc tai rũ rượi gối đầu trên ba lô nhỏ, ánh mắt thất thần…

“Ðúng như anh nói, đêm hôm ấy đồng đội đã mang em ra khỏi nơi mù mịt khói lửa và chữa trị ở bệnh viện dã chiến. Sau khi rời khỏi bệnh viện, em xin về đơn vị thành phố để hoạt động…

Chính hành động của anh đã làm thay đổi quan niệm của em.

Những người đối đầu không hẳn đều tàn ác, bằng chứng là anh. Anh đối xử thật tốt, thật nhân đạo với “kẻ thù”. Dù rằng thuộc hạ của anh nói đúng, không biết bao người đã ngã xuống vì những viên đạn của đối phương, mà có thể trong đó có cả em từng bắn ra…

Hòa bình tái lập, nhưng em không vui vì nhiều người còn tư tưởng hận thù. Em rất buồn vì biết anh đang đi cải tạo… Nhưng em không thể nào quên anh. Vì thế, em đã cậy cục, tìm kiếm tin tức của anh qua các trại học tập. Trời không phụ lòng người, rốt cục em cũng tìm ra anh.

Anh Lam! Còn nhớ những gì em đã nói trước khi anh từ giã ra đi không: “Quyên đêm nào cũng sẽ cầu nguyện cho ông Lam tránh được mũi tên hòn đạn”.

Em đã cầu nguyện như vậy mỗi đêm để ơn trên ban mọi điều lành đến cho anh tai qua nạn khỏi đúng như lời đã hứa. Em đang thu xếp công việc để đến thăm anh kỳ tới. Mong được gặp lại anh. Hy vọng đừng làm mặt lạ với Quyên”.

Từ đó tôi không còn là người cô độc nữa, Quyên thăm đều đặn, lần nào cũng khóc, giọt nước mắt long lanh trên má làm tôi xúc động muốn khóc theo.

Ân tình của em làm sao tôi báo đáp nổi, cho tới khi tôi được tự do và làm thủ tục sang Mỹ sinh sống.

Tôi đã cầu hôn với Quyên và em đồng ý.

Quyên bây giờ là mẹ của bầy con 3 đứa kháu khỉnh, xinh đẹp. Em chu toàn nhiệm vụ của người vợ hiền, người mẹ nhân ái. Sống ở xứ người văn minh tân tiến nhưng Quyên vẫn là của tôi dạo nào, vẫn áo bà ba và sợi thun buộc trên tóc. Những đêm con cái ngon giấc, em qua nằm kế bên tôi thủ thỉ trò chuyện tâm sự:

– Quyên à, em thương anh từ lúc nào.

– Kỳ cục, ai mà nhớ, hỏi bậy bạ không à! Em mắc cỡ phụng phịu.

– Vậy thì thôi anh không hỏi nữa. Tôi làm bộ giận dỗi quay mặt đi nơi khác.

– Thôi đừng giận nữa, em nói, nhưng cấm không được cười à nha.

Quyên bắt tôi thề thốt đủ mọi điều rồi mới nói:

– Em yêu từ lúc anh kéo tay áo lên để tiêm thuốc. Mắc cỡ muốn chết, đã vậy còn ghẹo người ta này nọ. Anh biết không, cái khăn màu tím ngày đó anh lau mặt cho, em giữ mãi trong người, đi đâu cũng xếp lại bỏ vào túi áo, lâu lâu mở ra xem sợ rớt mất.

Tôi cảm động hôn lên trán vợ, không ngờ cô yêu thương mình đến như vậy:

– Anh biết không, có một hôm em giặt xong phơi ở hàng rào gió thổi mất tiêu. Trời đất, em khóc mấy ngày trời, bỏ ăn, bỏ ngủ, đi tìm nó. Không hiểu sao nó lại về với em, đứa bạn nhặt được mang trả lại. Nó nói cái khăn này bay tới tận khu ủy, cách đó gần 5 cây số. Em tin rằng anh luôn luôn bên cạnh để giúp em vượt qua nguy hiểm. Hôm bị thương nếu gặp người khác có lẽ cuộc đời của em không biết ra sao. Có lẽ bị chết không chừng.

Quyên ngủ say bên vai tôi, tiếng thở nhẹ nhàng êm ái. Một điều huyền diệu khó tin nhưng thật sự là vậy. Phải chăng duyên số đưa đẩy để tôi gặp em trong hoàn cảnh đó. Ðúng như Quyên nói, nếu gặp người khác em có thể bị bắn chết hoặc chết vì vết thương. Hôn lên trán vợ, tôi thì thầm:

– Duyên nợ trời định em ạ!

Bên vai tôi, Quyên ngủ ngon lành khuôn mặt thiên thần không gợn chút bụi trần.

Tình yêu và hạnh phúc của chúng tôi đã đi qua chiến tranh như thế.

                                                                                                                                     THL