Hugues Cowley, phóng viên tờ Daily Telegraph của Anh quốc, đang ngồi trong quán Bar của hải cảng Bombay thuộc nước Ấn Ðộ. Khởi hành từ Singapour, chiếc tàu biển đưa anh quay về cố hương Anh quốc sau thời gian dài hành nghề tại Singapour và bán đảo Malacca. Vào năm 1935, một chuyến đi như thế quả là một cuộc phiêu lưu mạo hiểm bởi thời gian lênh đênh trên biển khá dài và tại nơi tác nghiệp tình hình an ninh và vệ sinh phòng bệnh yếu kém, chỉ cần một thoáng lơ đễnh thì bệnh nhiệt đới có thể dễ dàng tấn công…
Ðiều may mắn là chuyến đi tác nghiệp của Hugues Cowley diễn ra suôn sẻ. Anh hoàn thành một loạt bài viết và trên đường về, tàu dừng lại cảng Bombay, mọi người được 24 giờ tự do trên bờ.
Từ lúc khởi hành từ Singapour, sự tò mò khiến Hugues Cowley luôn luôn quan sát, chú ý đến một vị khách đồng hành khá đặc biệt trên tàu. Ðó là một phụ nữ người Anh độ chừng 45 tuổi, ngoại hình bình thường nếu không nói là xấu: thân hình cao nghều như một người ốm đói, hai cánh tay to, thô kệch với những ngón tay dài ngoằng; màu da sạm nắng, gương mặt dài nhô ra chiếc mũi rộng, hàm răng lồi lõm; mái tóc màu nâu khá đẹp nếu như nó không bị búi thành một cục tròn trông chẳng ra gì…
Nhìn chung người phụ nữ kia không có gì hấp dẫn, ngoại trừ ánh mắt. Ðó chính là điểm duy nhất thu hút sự chú ý của Hugues Cowley ngay từ đầu. Vâng, người phụ nữ xấu xí đó có ánh mắt quyến rũ như nữ diễn viên điện ảnh. Cái nhìn thoát ra từ đôi mắt xanh nhuốm vẻ ngây thơ trong trắng ấy một khi dán lên ai đó thì lập tức như muốn lột trần, ôm ấp, che chở. Trong ánh mắt của người phụ nữ đó hiện hữu một sự nồng cháy ái ân bất tận.
Hugues Cowley đưa mắt nhìn sang cái bàn đặt cách anh vài mét, nơi người phụ nữ ấy ngồi đơn độc như mọi khi. Hugues Cowley theo dõi chị ta từ lúc ban chiều với hy vọng một sự kiện nào đó sẽ xảy ra. Nhưng tuyệt nhiên không một động tĩnh. Chị ta uống khá nhiều rượu, hết ly này đến ly khác. Phải chăng chị ta muốn tìm quên qua men rượu? Hugues Cowley muốn biết rõ lời giải đáp…
Một người đàn ông cao to đi ngang qua. Người phụ nữ đứng lên ra dấu với ánh mắt nồng cháy muôn thuở và người đàn ông đến ngồi đối diện với người phụ nữ. Họ nói chuyện với nhau khá lâu. Người đàn ông đó chính là Gary Norman, một bác sĩ mà Hugues Cowley quen biết lúc ở Singapour và hai người rất hợp ý nhau. Có vẻ như Gary và người phụ nữ kia rất thân quen nên Hugues hy vọng sẽ biết ít nhiều về người phụ nữ hơi khác thường này.
Sau khi lịch sự hôn bàn tay của người phụ nữ, Gary Norman rời bàn… Cowley đứng lên gọi:
– Này Gary, qua đây tí coi!
Thế là Gary đến ngồi bàn của Cowley. Anh không đề cập ngay vấn đề muốn tìm hiểu. Là một phóng viên, anh biết làm thế nào để khai thác thông tin.
Buổi tối đi dần vào khuya. Cái nóng của Bombay, rượu whisky, âm nhạc phát ra từ hệ thống âm thanh… Thời điểm đã chín muồi. Cowley hất hàm về phía người phụ nữ:
– Anh có biết người phụ nữ đó gây tò mò nơi tôi thế nào không?
– Barbara O’Brian?
– Barbara O’Brian, tên chị ta đấy ư…?
Bác sĩ Gary Norman nhìn Cowley dò xét:
– Anh muốn tôi kể về đời tư chị ta?
Hugues Cowley cười:
– Tôi tin chắc rằng phía sau đôi mắt ấy là một bí mật.
– Theo anh thì bí mật đó thuộc loại nào?
– Một chuyện tình đau khổ có thể kết thúc bằng cái chết…
Bác sĩ Gary gọi thêm một ly whisky. Ban nhạc quán Bar Bombay bắt đầu trổi nhạc khúc slow phương Ðông. Người phụ nữ ngồi bàn bên kia từ chối lời mời từ một bạn nhảy. Ðôi mắt chị ta hướng về Gary và Cowley cũng với sự nồng cháy dục cảm muôn thuở. Gary Norman quay sang Cowley:
– Trước đây chị ta đã không như thế. Chị ta chỉ thay đổi khi chồng mất cách đây sáu tháng. Bây giờ chị ấy không còn bình thản như trước nữa.
– Chồng mất ư, chị ta giết chồng?
– Không. Anh ấy chết vì nhồi máu cơ tim do sử dụng chất kích thích và uống quá nhiều rượu…
Hugues Cowley im lặng lắng nghe. Tốt nhất là để người đối thoại thuật lại câu chuyện… Bác sĩ Gary kể tiếp:
– Tôi biết Barbara và Neil O’Brian, chồng chị ta, khoảng mười năm nay. Dù chỉ là bạn chứ không phải là bác sĩ của gia đình họ, nhưng tôi biết rõ về họ hơn ai cả… Tôi là bạn của cả hai, vợ lẫn chồng. Nhà O’Brian là một trong những gia đình giàu có nhất Malaysie. Neil O’Brian có một đồn điền cao su rộng cả ngàn hecta ở phía Bắc Singapour. Ngay sau khi chồng chết, Barbara bán đi tài sản khổng lồ đó và hiện chị ta đang trên chuyến tàu trở về cố hương bởi không còn gì ràng buộc chị ta với vùng đất đó cả.
Tạm dừng câu chuyện, bác sĩ Gary đưa mắt nhìn sang bàn Barbara:
– Dù sao thì chị ta cũng là một nhân vật được nhiều người biết đến!
Ban nhạc chuyển sang chơi điệu slow phương Tây. Cowley thực sự bị thu hút bởi tình tiết hấp dẫn của câu chuyện dài xảy ra từ năm 1933, tức cách đây hai năm, trong đồn điền cao su…
Neil O’Brian đến Malaysie lập nghiệp từ năm 20 tuổi. Anh nổi tiếng là người cứng rắn và nguyên tắc không chỉ đối với nhân viên, đồng nghiệp mà cả đối với bản thân mình. Barbara là cánh tay hỗ trợ chồng rất đắc lực trong công việc cai quản đồn điền cao su.
Nhân viên người bản địa lẫn những người quản lý do Neil O’Brian thuê từ Anh sang không lạ gì hình ảnh nghiêm nghị, cao nghều của Barbara O’Brian ngồi trên lưng ngựa đi thị sát mọi ngõ ngách của cả đồn điền rộng lớn. Chị theo dõi sát sao mọi diễn biến trong đồn điền. Nếu có điều gì không hài lòng, chị không ngần ngại quát tháo ầm ĩ. Tóm lại, mọi người trong đồn điền sợ bà chủ Barbara O’Brian hơn là ông chủ Neil O’Brian.
Vào tháng 2 năm 1933, xảy ra một sự kiện làm đảo lộn mọi trật tự hiện hữu tại đây. Neil O’Brian nhận một lá thư do một người bạn học cũ, Arthur Greenlay, gởi từ Londres, thủ đô nước Anh. Nội dung bức thư như sau:
Bạn Neil thân mến,
Mình hiện bị bệnh rất nặng. Mình giao lá thư này cho luật sư nhờ chuyển đến tay bạn trong trường hợp mình không qua khỏi. Nhận được thư này có nghĩa là mình đã về bên kia thế giới… Vợ mình cũng đã về đất Chúa năm năm trước. Như vậy Mary, đứa con gái duy nhất của mình, mồ côi cả cha lẫn mẹ. Mình xin bạn rước nó về Singapour sau khi nó học xong và thay mặt mình coi sóc nó. Sở dĩ mình gởi gắm nó cho bạn vì bạn là người thân giàu có duy nhất của mình. Nếu chấp thuận, xin bạn đánh điện tín cho luật sư của mình thu xếp đưa Mary đến Singapour trong thời gian sớm nhất.
Arthur Greenlay
Cả Barbara lẫn Neil O’Brian đều không ngần ngại đón Mary về chung sống. Từ khi rời Anh quốc đi lập nghiệp cách đây 20 năm, Neil không một lần gặp Arthur. Anh cũng không biết vợ bạn mình là ai và Mary hình dáng thế nào. Làm sao có thể từ chối yêu cầu hợp tình hợp lý của người bạn thân đã quá cố! Vả lại sự hiện diện của Mary như một thành viên thứ ba trong gia đình sẽ gợi nhớ phong cách nước Anh mà từ 20 năm nay họ không một lần về thăm…
Thế là ba tuần sau, Barbara và Neil O’Brian ra cảng Singapour chào đón Mary Greenlay. Họ có trong tay một bức ảnh cũ của Mary do vị luật sư gởi đến với lời chú thích: Mary là một cô bé tóc vàng với ánh mắt và nụ cười dễ thương như thiên thần. Barbara và Neil O’Brian đưa mắt tìm Mary trong số hành khách bắt đầu rời tàu.
– Ông O’Brian?
– Vâng, là tôi đây.
Bác sĩ Gary Norman tạm dừng câu chuyện kể… Hugues Cowley không ngừng hướng ánh mắt về Barbara O’Brian, người phụ nữ bất hạnh vì trời cao đã ban cho một ngoại hình xấu xí đang ngồi cách họ chỉ vài mét. Gary Norman tiếp:
– Sự việc diễn ra thật lạ lùng ! Như tôi kể với anh, cả hai vợ chồng O’Brian đều tâm sự với tôi. Họ có chung một suy nghĩ ngay lần đầu gặp Mary tại cảng: “Từ giây phút này, tôi có cảm tưởng mọi việc sẽ không bình thản như trước nữa”.
Câu chuyện tiếp tục trong tiếng nhạc du dương của quán Bar: vợ chồng O’Brian trông đợi một cô gái tuổi niên thiếu nhưng người mà họ chào đón lại là một thiếu nữ trẻ xinh xắn, vui tươi. Mary Greenlay có mái tóc vàng óng như minh tinh màn bạc. Cô không chỉ đẹp mà còn thông minh, học thức. Cô đánh đàn piano thật hay, có giọng hát tuyệt vời. Cô biết cả ngâm thơ, hội họa, thêu thùa! Trong khi vợ chồng O’Brian hàng ngày chỉ đối mặt với cây cao su…
Từ ấy, mọi thứ trong ngôi nhà O’Brian nằm giữa rừng cao su đều thay đổi. Sự hiện diện của Mary mang đến một luồng gió mới. Neil mua cho Mary một cây đàn piano, lập một thư viện nhỏ, phòng trưng bày tranh…
Neil thay đổi thói quen hàng ngày của anh: không còn những chuyến đi thị sát trong đồn điền, không còn những cuộc trao đổi với nhân viên quản lý dưới quyền. Có thể nói từ khi Mary xuất hiện, Neil không rời khỏi nhà nữa. Anh thán phục tài năng đa dạng của thiên thần Mary Greenlay nhỏ bé.
– Mary, hãy dạo lại bản nhạc cháu chơi hôm qua đi !
– Ðiệu valse đó phải không chú Neil?
Mary có thói quen gọi “chú Neil” và “cô Barbara”.
– Ðúng rồi, bản nhạc nghe tuyệt lắm. Tác giả là ai vậy?
– Của Chopin đấy, chú Neil ạ.
Mười ngón tay thon thả của Mary nhẹ nhàng lướt trên phím đàn… Bỗng một giọng nói đầy uy lực vang lên làm gián đoạn tiếng đàn…
– Mary!
– Vâng, thưa cô Barbara.
– Ði với cô, đã đến giờ tập cưỡi ngựa rồi.
Barbara O’Brian cũng không rời khỏi nhà thường xuyên như trước nữa. Hình ảnh một Barbara ngồi trên lưng ngựa chạy khắp đồn điền cao su thưa dần. Barbara lên kế hoạch rèn luyện thể chất cho Mary theo cường độ và kỷ luật nghiêm khắc. “Bé Mary” có vẻ như không mặn mà lắm nhưng không dám phản kháng. “Chú Neil” đôi khi phản bác kế hoạch huấn luyện thể chất của “cô Barbara” nhưng cũng không mấy kiên quyết.
– Barbara này, gần đây anh thấy Mary không được khỏe lắm. Em điều chỉnh lịch luyện tập nhẹ nhàng hơn có được không?
– Không đâu anh. Tập như thế rất tốt cho nó. Em còn phải dạy cho nó nhiều môn khác nữa, ví dụ như bơi lội.
Ngày 18 tháng 10 năm 1933, bài học vỡ lòng môn bơi lội bắt đầu. “Cô Barbara” lái xe đưa “cháu Mary” đến một bãi biển ở phía Bắc đảo Penang. Hôm đó “chú Neil” đi thị sát đồn điền vì không biết làm gì khác hơn. Ðã hơn tháng nay, Neil không rời khỏi nhà…
Trong quán Bar ở Bombay, giọng nói của bác sĩ Gary Normand bỗng chùng xuống. Hugues Cowley phải nghiêng mình sát vào Gary.
– Phần kế tiếp do chính Barbara kể cho tôi nghe vào một đêm say khướt, sau cái chết của Neil….
Phía Bắc đảo Penang là vùng biển có nhiều cá mập ăn thịt người nhất của Malaysie vì thế bãi biển ở đây rất vắng vẻ dù rất đẹp. Ngay cả ngư dân địa phương cũng không dám đến đây đánh bắt vì nguy hiểm.
Khi hai “cô cháu” đến nơi, Mary choáng ngợp bởi vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ:
– Biển tuyệt đẹp “cô Barbara” nhỉ!
– Ðến đây cô tập bơi cho, Mary. Nắm tay cô, đừng sợ… Hãy ra xa bờ thêm nữa…
Nước biển dâng lên đến đầu gối, đùi rồi bụng của hai “cô cháu”. Bỗng Mary hốt hoảng hỏi:
– Cô Barbara, cái gì thế?
– Ðó là vây cánh của cá mập đấy, Mary. Nó đang bơi quanh chúng ta.
– Thế thì không nên ở đây nữa, phải thoát khỏi đây thôi.
Barbara O’Brian nắm chặt cánh tay Mary:
– Không. Cá mập ở đây rất hiền.
– Sao cô biết?
– Cháu không thấy sao, nếu nguy hiểm thì cô đâu dại gì ở đây với cháu. Nào hãy ra thêm tí nữa…
Chính vào lúc ấy xuất hiện một xoáy nước… Một tiếng thét hãi hùng vang lên, một vệt máu đỏ loang dài ra khơi… Barbara buông tay Mary và quay trở vào bờ. Người ta đã không tìm được vết tích gì của Mary… Về đến nhà, Barbara kể cho chồng nghe “thảm kịch” vừa xảy ra. Neil biết ngay sự thật nhưng anh không thể làm gì khác hơn là ghi nhận lời kể của Barbara. Từ đó, anh chán sống, hận đời, buồn vô tận… Những đêm dài không ngủ, những ly rượu tìm quên… đã cướp đi sinh mạng của anh chỉ sáu tháng sau cái chết của Mary…
Bây giờ, Barbara quay về Londres một mình, bỏ lại sau lưng tất cả: kỷ niệm buồn vui, cuộc tình với Neil O’Brian, cái chết của cô “cháu gái”…
Bác sĩ Gary vừa kết thúc câu chuyện kể… Hugues Cowley hỏi:
– Tại sao Barbara tin chắc rằng cá mập sẽ tấn công Mary mà không phải chính chị ta?
– Ðó cũng là câu mà tôi đã hỏi Barbara và anh có biết chị ta đã trả lời thế nào không ?
Gary Norman ngừng giọng. Barbara O’Brian vừa đứng lên và đi qua chỗ hai người đang ngồi. Chị nhìn thẳng vào mặt hai người bằng ánh mắt thù hằn như lúc chị đang cùng Mary ở bờ biển cá mập… Chị không nói không rằng mà chỉ đi ngang qua như một bóng ma rồi mất hút phía sau cánh cửa quán Bar. Bác sĩ Gary Norman tiếp:
– Barbara đã trả lời: “Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra. Nhưng dù trong trường hợp nào thì tôi cũng được giải thoát”.
Đào Duy Hoà
Phỏng dịch từ nguyên tác “Les griffes de l’amour”