Khuya.
Mưa nhẹ hạt.
Bên ngoài 480F.
Bên trong căn phòng nhỏ ấm áp, người đàn bà với ly rượu vang trên tay. Thỉnh thoảng nhấp vài giọt. Màu vang tím thẫm, hai mươi phần trăm chất cồn, vừa đủ nồng, vừa đủ ngọt, vừa đủ chua, vừa đủ chát. Người đàn bà chỉ nhấp vài giọt mỗi lần. Và tự nhủ thầm, tôi đang chết, tôi đang chết, tôi đã chết…
Ðôi mắt người đàn bà nhìn mông lung vô định.
Trên màn hình TV, các kênh Youtube cứ tha hồ tự động nối tiếp nhau lướt qua. Ca nhạc, quảng cáo… Tiếng Mỹ, tiếng Việt…
Bỗng người đàn bà giật mình, chồm tới phía trước. Từng giọt dương cầm… Từng giọt mưa… Một cậu bé độ chừng 4, 5 tuổi ngồi trước chiếc đàn piano khá lớn, đang nhón những ngón tay bé tí xíu tung vẩy từng giọt mưa… Từng giọt mưa… Từng giọt mưa…Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ …
Người đàn bà sững sờ, kinh ngạc, chăm chú nhìn những ngón tay của chú bé nghệ sĩ, và lắng nghe tiếng mưa… Chiều nay còn mưa…
Người đàn bà nghe hoài nghe mãi, không biết bao nhiêu lần, những giọt dương cầm, những giọt mưa. Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ …
Có ai đó đang bấm chuông cửa, một hồi, hai hồi, ba hồi. Mỗi hồi chuông vang lên hai giọt. Tính tang, tính tang. Tính tang. Ngân nga. Tắt. Im lặng…
Người đàn bà vẫn ngồi im. Nhắm mắt. Nghe mưa… Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng…
Có tiếng gõ cửa? Tiếng thì thầm? Nội đó phải không? Dạ cháu đây. Cháu đang nhìn những giọt mưa rơi trên vuông sân rộng rãi của nhà nội. Cháu thấy cả bầy bong bóng trôi phập phồng thoắt hiện thoắt tan. Kìa, mưa vừa tạnh, như có phép lạ, sân bỗng ráo nước ngay. Cháu đi chân trần trên lớp đất mát mềm như lụa. Cô Vân cũng vừa đi dạy về, đôi guốc cao gót của cô để lại hai hàng lỗ nhỏ tí tẹo. Cháu ngồi thụp xuống, thọc ngón tay trỏ vào, khoét cái lỗ ấy sâu và rộng hơn. Rồi cháu vạch một đường dài cách cái lỗ chừng vài mét để chơi trò ném đồng xu.
Dạ cháu đây. Nội ơi, miền Trung quê mình mùa đông đêm mưa dầm lạnh thấu xương. Trong gian bếp nhỏ ấm áp, ngọn lửa hồng càng ấm áp hơn khi cháu ngồi trong lòng nội. Nội đang chụm lửa, thỉnh thoảng nội cầm cái ống thổi lửa, chúm tròn môi, thổi, nghe vang âm u u u… xa xôi. Rồi nội tiếp củi vào. Ðó là những nhánh dương liễu đã được phơi khô, bẻ khúc ngắn gọn. Củ lang, củ mì, hột mít… sém vàng dưới làn tro nóng. Hai bàn tay khum khum lăn củ khoai qua lại cho mau nguội, cháu lột lớp vỏ thơm lừng ra, hít hà ngon quá nội ơi, ngọt quá nội ơi.
Nghệ sĩ bé con vẫn tiếp tục. Âm thanh của từng giọt mưa vây phủ người đàn bà. Mưa vẫn hay mưa cho đời biển động. Làm sao em nhớ…
Bảo Huân
Chuông cửa tính tang tính tang. Má ơi con vẫn nhớ như in những đêm mưa, má thường dạy con hát. Ðó là những đêm thảnh thơi của má. Má ngồi trên giường, tay ôm chiếc đàn măng-đô-lin, vừa đàn vừa hát. Giọng má trong, nhẹ và ấm. Con ngồi bên cạnh, hát theo má. Rồi cứ sau mỗi câu hát, con vội lặng im để lắng nghe tiếng rung tròn trịa thoát ra từ những ngón tay của má. Con có cảm giác như tiếng rung bắt đầu từ một chấm nhỏ rồi lan rộng ra, rồi lại nhỏ dần , nhỏ dần… như vòng xoáy của con ốc… Rồi con ngủ thiếp đi trong lòng má lúc nào không hay với những giấc mơ tràn đầy những nốt nhạc nhảy nhót cùng tiếng hát cũng là lời ru êm ái của má xa dần, nhỏ dần…
Tính tang tính tang… Ba ơi, ngày con bước lên máy bay rời quê nhà để vào Sài Gòn tiếp tục con đường học hành, ba cười vui vẻ xoa đầu con, nhắc lại điều trước đó ba đã bảo, rằng con cứ học ngành gì con thích. Sợ con gái đến nơi xa lạ một mình, ba đã đánh điện biểu chú Út về dẫn con đi. Rồi khi Tết đến, ba lo máy bay cho con về và đã mua sẵn vé để con bay trở lại Sài Gòn. Con đòi đi xe đò cùng với một người bạn cho vui nhưng ba nhất quyết không cho phép vì sợ con gặp nguy hiểm. Ngày đó cộng sản thường nổ mìn, giật sập cầu, đắp ụ chặn xe dọc theo quốc lộ.
Những giọt chuông ngân nga. Từng giọt mưa rơi xuống lối xưa. Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng. Ngày sau sỏi đá…
Người đàn bà vẫn ngồi im, nhấp tiếp vài giọt vang. Tỉnh lẻ nhỏ xíu như lòng bàn tay nhưng nhiều trường học và tiệm sách. Học sinh trường nam trường nữ đồng phục chỉnh tề. Nam sinh áo trắng quần xanh nước biển. Nữ sinh quần trắng áo dài trắng. Tất cả đều có phù hiệu trên ngực áo thêu bằng chỉ đỏ tên học sinh, tên trường lớp. Mùa đông mưa dầm ướt át lạnh lẽo, phải co ro trong áo mưa, đám con gái nhanh trí, cắt hai tà áo dài cũ, ghim vào bên trong phía trước và sau áo len, nháy mắt nhìn nhau cười tinh nghịch.
Kìa! Những đêm mưa người đi dạy kèm về. Người đi bộ như hầu hết học trò tỉnh lẻ ngày đó. Áo mưa lùng bùng nhưng em vẫn nhận ra người từ xa. Ngang qua nhà em, người nhìn lên ban công. Em lấp ló sau cánh cửa, tim em phập phồng nhịp yêu thương… Và yêu thương theo vào tận giấc mơ em, người có biết? Tình yêu học trò nên thơ dễ thương như trang giấy trắng học trò.
Tính tang. Tính tang. Tính tang. Kìa ai gõ cửa nhè nhẹ sau ba hồi chuông? Ừ, tình yêu gõ cửa. Người đàn bà lại nhấp giọt vang. Qua cơn mưa đêm, cây nguyệt quế trắng muốt hoa, thơm man mác, da diết rụng đầy góc sân nhỏ trước thềm nhà. Buổi sớm mai tinh khôi mát lành thấm đẫm mùi nguyệt quế. Người đến tặng em cuốn sách Giọt lệ và nụ cười của Kahlil Gibran. Chúng mình ngồi dưới gốc nguyệt quế. Người thì thầm, em có biết tóc em nồng nàn nguyệt quế? Người cùng em và nguyệt quế và tình yêu ban đầu và bầu trời buổi sáng mùa xuân sau cơn mưa xuân.
Chiều nào em đến thăm người. Sau cơn mưa nhỏ, dưới gốc ngọc lan thoảng mùi hương, chúng mình ngồi bên nhau. Và những bài tình ca êm như ru. “Nhớ tới mùa thu năm xưa gửi nhau phong thư ngào ngạt hương. Nét bút đa tình lả lơi… “Người ơi còn nhớ mãi trưa nào thời nào vàng bướm bên ao….” Giọng người trầm ấm. Giọng em trong trẻo. Bàn tay chúng mình khao khát ấp ủ nhau mà không dám vì sợ ai đó đi ngang qua nhìn thấy.
Có lần người bịnh phải vào bệnh viện, em cúp hai giờ học cuối, ôm cặp vào thăm . Người vẫn còn yếu, nằm im trên giường. Em ngồi cạnh. “Em biết anh đang thèm gì không?” “Gì?” “Thèm được nghe em hát”. Và em đã hát nho nhỏ đủ người nghe. “Xuân vừa về trên bãi cỏ non. Gió xuân… Người lim dim mắt, miệng mỉm cười…
Cả một năm trôi qua, tình yêu chúng mình vẫn chỉ cái nắm tay khe khẽ ngại ngùng. Rồi người đậu tú tài. Ngày sắp đi học xa, người đứng ngoài cửa sổ lớp, năn nỉ em trốn học. Hai đứa lang thang trên những con đường quê ven thị xã. Chỗ vắng, người đặt nụ hôn vội trên má em. Cả hai vụng về, rụt rè, mắc cỡ quá chừng. Hôm đó khi phụ má nấu bữa trưa, em đã cho cả chén nước mắm vào nồi canh don, đổ cả mớ tiêu vô trã cá thài bai. Người có biết không?
Giọt vang bỗng dưng ngọt lịm, thơm lừng kỷ niệm. Cám ơn tình yêu học trò là trang giấy trắng, vẫn mãi vẹn nguyên hương thơm học trò dù qua bao năm tháng, và dù bây giờ người đã đi về nơi xa thẳm.
Chuông cửa tính tang. Người đàn bà nhổm dậy nhưng lại ngồi xuống, nhấp giọt vang. Qua khung cửa kính, những giọt mưa nối đuôi nhau đang lăn dài. Phía ngoài, dưới ánh đèn vàng nhạt nhòa mưa, cây lá rung nhè nhẹ. Trên màn hình TV, chú bé nghệ sĩ vẫn đang say sưa với những giọt mưa.
Giọt mưa đêm nay, hôm qua và ngày xưa…
Người đàn bà chợt ngơ ngác. Rồi như bừng tỉnh sau cơn mê dài.
Thầm hỏi tôi là ai? Tôi đang ở đâu? Tôi vẫn còn đang sống?
Lâu lắm rồi, không biết bao nhiêu năm tháng đã trôi qua, người đàn bà nước mắt lặng lẽ tràn mi. Những giọt nước mắt đã đặc quánh.
Lần cuối cùng gần nhất tôi đã khóc là khi nào? Dường như lâu lắm?
Giờ đây tôi đang khóc.
Có nghĩa là tôi vẫn còn đang sống đó sao?
o O o
Sáng hôm sau, khoảng 8 giờ, cây cỏ vẫn còn đọng sương. Khu dân cư yên tĩnh vắng vẻ.
Trên tầng hai của một ngôi nhà, ai đó mở cửa sổ. Ai đó hơi ngạc nhiên khi thấy một người đàn bà châu Á nhỏ nhắn che dù màu trắng điểm chấm tròn tím, ôm cái giỏ đen trước ngực, đang bước từng bước nhỏ, chầm chậm trên lề đường. Dáng vẻ của người Nhật? Người Ðại Hàn? Người Việt Nam?…
Con đường nhỏ với những khóm hoa rực rỡ sắc màu viền quanh lối đi. Vài giọt nắng đầu ngày xuyên qua kẽ lá, rắc hạt nhỏ trên bãi cỏ xanh mượt, nơi bầy sẻ nâu đang nhảy nhót vũ khúc vui nhộn và chuyện trò ríu ran.
Nét gì đó, dễ thương như cổ tích, nên thơ như giọt mưa xuân, đáng yêu như trang thơ học trò, xao xuyến như bản tình ca… trong dáng dấp người đàn bà nhỏ nhắn che dù, nhẹ nhàng thong thả nhón từng bước chân trong buổi sáng mùa xuân đẹp trời. Nếu ai đó đến gần, sẽ nghe người đàn bà đang hát khe khẽ một giai điệu ngọt ngào, ngọt ngào đến nao lòng.
Tôi dõi mắt theo hình bóng người đàn bà.
Sau nhiều tháng ngày tự nhốt mình trong căn nhà nhỏ xíu ở cuối đường, hôm nay người đàn bà kia bỗng bước ra ngoài.
Hôm nay sao người đàn bà kia bỗng bước ra ngoài?
Lúc nãy tôi cũng tò mò xem người đàn bà hăm hở bưng hai chậu cúc vàng èo uột ra ban công để hứng nắng. Chắc vài ngày tới, những bông cúc kia sẽ tươi tắn, tròn trịa, sẽ vàng rực hơn, và lá sẽ xanh hơn.
Tôi ngửa mặt nhìn lên cao. Bầu trời trong veo, xanh ngát. Không gian ngập nắng. Nắng màu vàng chanh tươi non óng ả. Nắng lấp lánh trên từng phiến lá, từng cành cây, ngọn cỏ. Hai bên đường, những thân cọ mảnh khảnh, mềm mại dẻo dai, và chỏm lá cao tít trên ngọn đang say mê uốn éo điệu đàng với nắng với gió. Một bầy chim nhỏ vừa xoải cánh bay vút lên không trung mênh mông…
Nhịp đời rộn rã xiết bao.
Chỗ góc đường, nơi trạm xe bus, có đôi trai gái hãy còn rất trẻ, đang ngồi ghế chờ, đang tay trong tay, nở rộng nụ cười tỏa sáng hạnh phúc sau nụ hôn dài.
Tôi mỉm cười với đôi tình nhân.
Tôi mỉm cười với nhịp đời.
Không dưng giọt lệ ứa ra, màu nắng ban mai bỗng lung linh trong ngấn nước mắt.
TTKC
Các nhạc phẩm được trích: “Diễm Xưa” (Trịnh Công Sơn) “ Lá Thư”(Đoàn Chuẩn, Từ Linh), “Hương Xưa” (Cung Tiến), “Hoa Xuân”(Phạm Duy)
Trong truyện có hình ảnh thần đồng piano Evan Le.