main billboard

Cả hai đều coi tự ái của mình lớn hơn cuộc đời của những đứa con.

hon nhan


Quả thật hạnh phúc chẳng ở đâu xa, nó nằm trong tay của mỗi người, vậy mà người ta sẵn sàng vứt bỏ chỉ vì tự ái cá nhân.

Hồi mới qua Mỹ tôi đi học buổi tối, ban ngày giữ trẻ.
Trong số người gởi có Vinh & Dung, mới có bé Trang là con gái đầu lòng. Vinh là kỹ sư còn Dung là dược sĩ, cả hai rất vui vẻ, dễ thương, đúng là một đôi uyên ương trai tài gái sắc.

Qua Mỹ lúc 14 tuổi, lại được sống chung với họ hàng người Việt, nên cả hai đều nói tiếng Việt nhuần nhuyễn.
Trong lúc giữ bé Trang, tôi thường khuyên Vinh Dung ráng có thêm 1 đứa nữa, không phải cho mình, mà cho con. Mẹ tôi thường nói: có anh,có em như thêm tay thêm chân. Ý nói có người giúp đỡ khi cần thiết.

Nhà anh em đông, tôi thấy vui hơn những bạn con một, lúc nào cũng thui thủi một mình. Chưa kể sau này khi bố mẹ già yếu, anh em đông cũng đỡ lắm, chúng tôi thường xuyên lui tới trông nom. Không phải chỉ có thêm tay thêm chân, mà còn san sẻ tiền bạc lúc khó khăn. Trái với những người con một, lỡ nghèo không biết trông chờ vào ai.
Sau này tôi không còn giữ trẻ, nhưng nghe Vinh Dung có thêm bé gái thứ nhì tên Thi, nhưng lại nghe tin họ ly dị. Tôi thật ngỡ ngàng: Sao nhanh thế?

Một hôm đi chùa, tình cờ tôi gặp Dung, bây giờ trông buồn thiu. Cô bảo rằng đến chùa cho khuây khỏa, xung phong vào ban ẩm thực nấu cơm chay như một bà vãi chuyên nghiệp. Ðây là chuyện “không bao giờ” có trước kia.

Gặp tôi, Dung mừng lắm, nài nỉ tôi ghé nhà chơi. Trước kia vì giữ con cho Vinh Dung, tình cờ tôi biết được chị Cả và bà mẹ của Vinh, có quen biết với mẹ tôi khi xưa.
Lui tới nhà Vinh Dung nhiều lần nên tôi trở thành bạn của cả nhà, ai cũng quý tôi. Vì lẽ đó khi gặp lại, Dung mừng lắm, cứ năn nỉ tôi ghé nhà. Nể lời, tôi ghé qua và nghe đầu đuôi câu chuyện:

Dung: Khi em sanh bé Thi, cũng lúc hồ sơ bảo lãnh em gái bên VN được gọi. Em gái Dung tên Vân, có chồng là Quang. Vân Quang khi qua định cư có thêm 2 con nhỏ. Vì mới qua phải ở tạm nhà Vinh Dung một thời gian. Ðây mới là đầu mối câu chuyện.
Dung bảo rằng, từ khi vợ chồng người em gái ở chung, Vinh rất khó chịu, kêu ca đủ thứ về mọi thứ chi tiêu. Tiền nước, tiền điện, tiền gas tăng quá nhiều.
Lúc trước Vinh còn phụ việc nhà mang rác, mang recycle đúng ngày. Từ khi có Vân Quang, Vinh không làm nữa, vì ra vẻ chủ nhà. Người ở nhờ phải làm.

Dung kể nhiều lắm về các xung đột trong nhà, bây giờ em gái đã dọn đi xa. Dung bảo chính Vinh đòi ly dị, chứ không phải Dung. Vinh không thể hiểu hoàn cảnh của chị em Dung, mồ côi phải ở với cô ruột (mẹ chết vì bệnh, bố chết trong trại cải tạo).
Cô ráng lo cho Dung vượt biên khi mới 12 tuổi. Qua đây Dung cố gắng học để sau này còn giúp được cho em còn kẹt ở VN.

Sau 20 năm chị em mới gặp nhau, thương em côi cút, tuổi thơ lao đao khốn khổ, không được ăn học bằng người. Nên khi qua đây tiếng Anh không đủ để ở một mình, Dung có hỏi Vinh cho gia đình cô em ở chung.

Vì công việc Dung phải làm đêm (nhiều hơn làm ban ngày), còn Vinh sau 5 giờ chiều đã có mặt ở nhà. Chuyện trẻ con ồn ào, chuyện ăn uống nấu nướng mỗi ngày, đụng bát đụng chén là chuyện không thể tránh.
Một hạt cát vương vào mắt, nếu chúng ta không thổi ra, mà cứ tìm cách đổ lỗi, ai làm ra bụi để bay vô mắt mình, thì hạt cát nhỏ sẽ gây ra cơn bão lớn, cuốn trôi tất cả.

Cùng với thái độ “sưng sỉa”, Vinh còn có vẻ coi thường em rể (chỉ chạy xe ôm kiếm sống), và những câu rỉ tai của em gái, em rể về những “vụn vặt” đủ thứ của Vinh.
Dung đi làm cả ngày không biết, mà cứ phải nghe (một chiều), Dung cũng cảm thấy mệt mỏi, khó xử sao cho êm đẹp.
Những xung đột nhỏ lại là đốm lửa lớn đốt cháy ngôi nhà hạnh phúc.

Dung nhờ tôi nói với Vinh, muốn nối lại tình cảm gia đình. Em biết mình cũng có lỗi: fifty- fifty, mà tôi chẳng biết lỗi gì?
Tôi trở thành liên lạc viên bất đắc dĩ.
Ngày xưa cả nhà Vinh đều quý mến tôi, hơn nữa chị Cả của Vinh cũng là bạn của tôi (sau này). Vì vậy tôi nhắn Vinh qua chơi, có nói sơ chuyện gặp Dung.

Trước khi gặp Vinh, tôi hỏi bà chị của Vinh:
Dung muốn gương vỡ lại lành, ý chị thế nào? Tại vì hiện giờ (đã ly dị 5 năm) Vinh sống lủi thủi, cũng vất vả chuyện trả tiền nhà, tiền child support, chuyện nấu ăn… con bé Trang buồn giận, đã có nhiều phản ứng nổi loạn, trường học đã lưu ý nhiều lần.
 Bố mẹ của Trang thừa biết tại sao, bố hay mẹ sẽ đưa cháu đến chuyên gia tâm lý, chẳng ai mất công làm chuyện này (nhất là người Việt còn ít tin hơn).

Nếu nói kiểu mỉa mai: trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết, cũng không sai lắm đâu.
Vợ chồng người em cũng đã dọn đi tiểu bang khác. Dung rất tha thiết muốn vợ chồng đoàn tụ.
Trái với sự năn nỉ của tôi (gần như van xin), sau khi nghe tôi kể (đầu cua tai nheo), chị của Vinh nhún vai: Bà đừng tin con đó, nó dẻo miệng lắm. Nó mà nói thì kiến trong lỗ, cũng phải bò ra!

Thiệt lòng nghe bà chị Cả nói chắc nịch (coi như phán quyết), tôi hơi hụt hẫng.
Nhưng tôi vẫn ráng gặp Vinh để thuyết phục. Tôi thấy tội nghiệp Vinh quá, chả lẽ chưa tới 50 tuổi, còn cả một chuỗi ngày dài phía trước. Ðâu có gì khó đâu, nhà chung vẫn còn đó, trở về với nhau quá đơn giản.

Khi Vinh tới nhà, sau khi chị em đùa giỡn vài câu, tôi vào ngay chủ đề:  Dung muốn nhờ chị nói với em, xin trở lại sống chung. Nếu em không muốn ràng buộc về hôn thú cũng không sao. Em trở về sống chung cho con cái vui, thấy mặt cha mỗi ngày, chứ không phải chỉ gặp nhau cuối tuần vài tiếng. Dung nói trong chuyện này cả hai cùng có lỗi: fifty- fifty.

Ðang chăm chú lắng nghe, đến nhà tôi với vẻ mặt hào hứng (vì mình được năn nỉ van xin), mới nghe 2 chữ fifty- fifty. Vinh trợn mắt, buột miệng: No way!
Vinh nổi giận khi nghe mình cũng có lỗi, bỏ ra về. Coi như bà mối, thất bại hoàn toàn.
Tôi than thở với ông chồng, ổng “cười khẩy”: Bà có biết tại sao không? Tôi ngớ người ra.
Ổng hỏi: Bà có nhìn thấy đứa con thứ nhì của Vinh không?
Người ta ăn ốc, bắt nó đổ vỏ. Con bé Trang trắng bóc (cả nhà Vinh đều da trắng, Dung thì trắng nõn, rất đẹp), sao con bé Thi da ngăm ngăm?

Tôi chợt nhớ ra mỗi lần nói chuyện với chị của Vinh, chỉ nghe nhắc tới bé Trang, bên nội đi cruise cũng chỉ có bé Trang đi theo. Hoàn toàn tôi không nghe nói về bé Thi.
Có lẽ nào mấu chốt câu chuyện là đây?

Trong một lần nói chuyện với chị của Vinh, tôi nghe bả mỉa mai: ăn cơm nhà mãi mãi chán, thử cơm hàng xóm, ngon hơn. Nói bâng quơ, còn ông chồng tôi cũng chỉ thấy loáng thoáng con bé (hôm ghé nhà Dung sửa xe giùm), chắc gì đúng.

Thật tình chỉ có Dung mới có thể biết bé Thi là con ai.
Không một ai dám hỏi (hay nói) về điều này.
Ngay bé Trang & bé Thi cũng không biết, đây là điểm đáng khen của người lớn, ít nhất cho 2 nạn nhân vô tội. Một sự im lặng tuyệt đối, còn Dung thì sẵn sàng ký giấy ly hôn.

Thực sự ra chuyện thử DNA thì quá đơn giản thời nay. Nhưng Dung hoàn toàn im lặng, Vinh và chị Cả chỉ nói xa nói gần.
Dung cũng sẵn sàng ký giấy, vì bảo rằng níu kéo vô ích, chỉ thêm gượng ép.
Cả hai đều coi tự ái của mình lớn hơn cuộc đời của những đứa con.

Bây giờ tôi xin kể chuyện mấy ông tù cải tạo. Ngày xưa dạy học ở VN, trong trường chỉ có vài ông thầy (tất cả đều có gia đình).
Giáo viên thời đó (dạy trung học cũng gọi là giáo viên) đói lắm, nhưng không ai dám bỏ việc, nhất là những chị có chồng đi tù. Chính phủ mới cho đi dạy là ân sủng, gọi là lưu dung (dung là chứa, giữ lại, không phải dụng là dùng). Tạm cho giữ lại, chứ không phải giỏi phải dùng.

Chị bạn tôi, chồng ở tù, có 3 con nhỏ, lương mới không có trả phụ cấp con. Ai cũng 30 đồng (tiền mới),  thêm nhu yếu phẩm (nửa kg đường, nửa kg thịt mỡ…) Bà mẹ đơn thân (vì chồng đi tù) vất vả bươn chải nuôi 3 con nhỏ, nhiều bữa phải qua nhà hàng xóm mượn vài gói mì. Tình cảnh của mọi người ai cũng thê thảm như nhau, lá rách đùm lá nát.

Trong trường có anh dạy cùng, không giúp được của thì giúp công vậy. Anh hay ghé nhà sửa giùm chị mấy cái lặt vặt. Coi như thiên hạ “quy định” đàn bà mà chồng đi vắng, chỉ được qua lại với phụ nữ. Ðàn ông ghé vô là lôi thôi, vợ của anh đồng nghiệp đánh ghen om sòm trước cổng trường. Báo hại, phòng giáo dục phải đổi hai người đi hai trường xa lắc, sau khi phải làm kiểm điểm (lãng xẹt). Tội nghiệp chị phải đạp cái xe đạp mòn xích, tuột lên tuột xuống. Chúng tôi gọi đùa “xe chấm phẩy” nên không đi nhanh được. Mấy người bị sốt tê liệt, gọi là đi chấm phẩy (chân lành bước tới: chấm. Chân liệt lê theo: phẩy).

Cuối cùng chồng chị cũng về, mặc cho lời ong tiếng ve, anh chỉ bảo: Tội nghiệp cho đàn bà chân yếu tay mềm, vất vả nuôi con. Anh bảo con anh may quá vẫn chưa phải lê la đầu đường xó chợ, chưa phải đi bán vé số, hay đi ăn mày là anh mừng rồi.
Sau đó anh được đám vượt biên móc nối (tất cả sĩ quan hải quân) ra đi trót lọt. Nay anh chị an vui tuổi già bên đàn con cháu. 3 con của anh chị đều ăn học thành tài.

Trở lại chuyện Vinh Dung, trong lúc lục đục Vinh bỏ qua ở nhà chị. Cũng vẫn đi đi về về, rồi Dung có bầu đứa thứ nhì.
Ðứa thứ nhì sanh ra trước khi ly  dị, nên vẫn là con của Vinh Dung theo luật pháp. Vì vậy sau khi chia tay,Vinh phải trả tiền phụ cấp nuôi 2 đứa con.

Trong xóm tôi, ngay nơi cộng đồng người Việt nơi tôi ở, cũng vẫn có vài bà có con khi chồng đang ở tù cải tạo. Nhưng khi người chồng trở về, tất cả đều thông cảm cho vợ. Không phải các ông tù, nghĩ mình hèn, không có chỗ nương thân. Mà họ nghĩ đến điều xa hơn cái tự ái của mình, họ nghĩ đến những đứa con của cả hai, kể cả đứa con như bé Thi của Vinh Dung.

Họ biết nắm “Hạnh phúc trong tay”, chứ không phải nghĩ đã bị lừa dối, xúc phạm. Họ đã biết từ bỏ cái tôi nhỏ mọn, để vá víu lại ngôi nhà hạnh phúc cho tất cả mọi người (sau đó mấy ông tù, có giá lắm, được đi Mỹ theo diện HO).

Tôi đã biết một vài gia đình như vậy, buồn cười ở chỗ khi trẻ con cãi nhau chí chóe, chúng nói ba mày, ba tao tự nhiên như chuyện trời mưa trời nắng. Rất may, bà mẹ vẫn không để xảy ra: Trời mưa bong bóng phập phồng/ Mẹ đi lấy chồng con ở với ai.
Chồng của chị bạn vô cùng mừng rỡ, khi ra tù vẫn còn 3 đứa con và 1 bà vợ. Làm sao gầy dựng được từ đầu, khi tuổi đã xế chiều.

Chuyện Vinh Dung nhỏ như hạt bụi, trở về mái nhà xưa dễ như thế. Cái gì khiến cho tan đàn xẻ nghé? Miệng lưỡi người đời? Người ta nói 3 năm, chứ đâu ai nói được 30 năm (đâu ai rảnh mà để ý chuyện thiên hạ).
Gặp lại nhau, Dung biết tôi hết lòng thuyết phục Vinh, nhưng không được. Dung vẫn ở vậy, vẫn căn nhà xưa. Vinh cũng chẳng kiếm được ai, vẫn thui thủi một mình, vẫn lui cui nấu ăn, bé Trang học xong đi làm xa, bé Thi sắp vào đại học.
Dung & tôi thường gặp nhau ở chùa, nên thấm lời Phật dạy: duyên hợp duyên tan.

Có phải vì hết duyên, hay vì con ma kiêu mạn, đã xui khiến cho Vinh mờ lý trí, chỉ còn thấy cái tôi quá lớn, không có lòng từ bi. Nếu có đã tha thứ bỏ qua cho Dung, để bé Trang như con mồ côi, dù cha vẫn sống sờ sờ ra đó.
Còn bà chị của Vinh, lòng khoan dung, hỉ xả bà để đâu rồi? Không thấy cậu em cũng xấc bấc xơ bơ sao?

Rốt cuộc: Tất cả 4 người: Vinh Dung Trang Thi, đều là nạn nhân. Tất cả đều bị con ma tự ái sai khiến.
Nếu Vinh biết Dung đã hết lòng năn nỉ, thì sá gì fifty- fifty.
Có khi nào, nếu bé Thi vẫn là con của Vinh, chỉ có vài biểu hiện bên ngoài khiến Vinh nghi ngờ nhất định đòi chia tay, vì cảm thấy mình bị xúc phạm.

Ân hận muộn màng có bù đắp được cho cả gia đình tan nát hạnh phúc?
Còn Dung? Sao im lặng? Im lặng vì biết lỗi, hay im lặng vì tự ái.
Cho đến hôm nay: Vinh vẫn ở một mình, lui cui nấu nướng. Dung cũng ở vậy, cũng không có bóng dáng đàn ông nào lui tới. Hai đứa con học xong làm ở hai tiểu bang xa nhà, thỉnh thoảng mới gọi về, nghe sao xa xôi, lạnh lẽo.