Tôi bỗng gặp một niềm vui nhỏ: cô bé đang mặc một chiếc áo len mỏng màu vàng hoa cúc.
Trên đường xa xứ, đôi khi tôi gặp những bông cúc vàng, và chợt thấy lại hình ảnh cô bé bán bánh khúc ngày nào.
Cô bé ngồi dưới mái hiên phố chợ, chỗ con đường dẫn ra bãi sông. Cô hãy còn rất trẻ, tôi đoán chừng trên dưới hai mươi. Gầy, xanh trong tấm áo bạc màu, chỉ có đôi má ửng hồng.
Cô hay cười, đôi mắt có đuôi. Ðôi mắt sắc, như trong ca dao, của những cô gái ven sông Hồng.
Cô vào ở vùng này, không hộ khẩu, mới được hơn năm. Miền Nam, như cô nói, dù sao cũng còn có cái để ăn.
Sáng nào tôi cũng ghé qua phố chợ, chỗ cô bé bán bánh khúc. Chợ hãy còn thưa người, song cô bé đã có mặt ở đó tự bao giờ, cùng với con em cũng gầy ốm như chị.
Cô ngồi, với nụ cười, và chõ bánh bốc hơi nghi ngút. Thường tôi mua hai trăm đồng. Hai trăm đồng bánh khúc chẳng thể no đến trưa, nhưng cũng đủ ấm lòng buổi sớm mai se lạnh.
Bánh khúc, người miền Nam gọi là xôi cúc, là món quà ở các phố chợ nghèo. Có điều đáng nói là bánh khúc của cô bé lúc nào cũng nóng, thơm và dẻo.
Bao giờ cũng vậy, cô lấy cho tôi hai miếng bánh khúc lẫn với nhiều hạt đậu màu vàng, thêm một ít xôi vét quanh chõ. Tất cả được gói trong lá chuối xanh.
Cô bé cười, nói đặc giọng miền Bắc: Cháu mua toàn gạo nếp ngon. Ðậu, mỡ, cái gì cũng đắt. Lời lãi vì vậy chẳng được bao nhiêu. Quê cháu nghèo lắm, chú ơi. Mùa Ðông, rét và đói thắt ruột. Mùa Hè, nắng cháy da. Bố cháu đi B rồi mất tích. Mẹ cháu và chị em cháu làm lụng quanh năm dưới đồng sâu không đủ ăn.
Năm mười tám, cháu lấy chồng, thương binh về vườn. Hai vợ chồng, thêm một em gái, dắt díu nhau vào Nam, bỏ lại ven sông một mẹ già và thằng em trai nhỏ.
Chồng cháu hiện giờ không đi đâu được, ở nhà chăm sóc luống rau và mấy con gà. Cháu ngày ngày ngồi bán bánh khúc ở chợ này, giật gấu vá vai vừa đủ mấy miệng ăn. Lại còn phải lo giỗ, Tết và mua manh quần tấm áo gửi về.
Tôi nhìn cô bé, nghĩ đến anh chồng thương binh của cô. Giữa tôi và họ thật sự có đường ranh nào không trong cái khổ vô cùng tận của đất nước. Chiến tranh đã qua hơn mười năm, những vết thương vẫn không lành miệng.
Một sáng, ghé mua bánh khúc như thường lệ, tôi bỗng gặp một niềm vui nhỏ: cô bé đang mặc một chiếc áo len mỏng màu vàng hoa cúc. Cô đẹp rực rỡ trong nắng mùa Ðông.
Thấy tôi cười, cô bé cho biết: Cô mua trả góp ở chợ, mỗi ngày trả một nghìn đồng. Nhưng có hôm không đủ tiền trả, chủ đòi lấy áo lại. Vì vậy, cô tính sẽ giao chõ bánh cho đứa em gái ngồi bán, còn cô theo người trong xóm đi bắt tôm cá ở mương rạch kiếm thêm tiền. Ði từ đầu hôm tới sáng.
Cô nói thêm: Vả lại gần Tết rồi, chú ạ, cháu cần tiền gửi về cho mẹ và em.
Mấy hôm, trời bỗng dưng trở lạnh khác thường. Ðêm, gió nổi lên từ sông, vật vã trong những khóm dừa nước và hàng cây bên đường, chui vào bên trong liếp cửa. Hơi lạnh tỏa khắp nhà, bắt đầu thấm vào đồ vật. Lạnh qua manh chiếu sờn, tấm áo mỏng. Da, tóc đều thấm lạnh.
Ðêm, thức giấc, gửi vào âm vang của gió vài tiếng ho khan. Mặc thêm áo, đốt điếu thuốc, ngồi nghe gió. Tôi nghĩ đến cô gái lội bì bõm trong bùn nước mương lạch. Trời lạnh thế này…
Bẵng đi một hai tuần, tôi phải đi xa, không ghé mua bánh khúc. Cho tới một buổi sáng, tôi đạp xe ngang qua góc phố chợ, không thấy cô gái bán bánh khúc như mọi hôm. Một mình đứa em gái nhỏ ngồi bên chõ bánh. Nó mặc chiếc áo vàng của chị, đầu chít chiếc khăn trắng.
Thấy tôi, mắt nó đỏ hoe, hai giọt nước long lanh. Chị cháu…
Tôi im lặng, không hỏi thêm.
Ở một nơi nào đó, tôi ước mong cô bé được mặc chiếc áo màu vàng của đồng hoa cúc dại.