“Bệnh nhân và người nhà hãy dứt khoát không đưa phong bì và nếu thấy bác sĩ, điều dưỡng nào nhận thì chụp ảnh, gửi cho chúng tôi”. (Bộ trưởng Y tế)
Báo Người Lao Động đưa tin “Ngày 27.3, lần đầu tiên Bộ Y tế đã tổ chức tập huấn về kỹ năng giao tiếp, thực hiện các quy tắc ứng xử, nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho hàng trăm lãnh đạo, điều dưỡng các bệnh viện, sở y tế, trong đó có cam kết nói không với phong bì “trước và trong điều trị”. (Bài “Mở cửa sau cho…phong bì”). Cũng theo bài báo, việc nhận quà sau khi điều trị thì lại cho phép vì đó là…quà nghĩa tình.
Nhiều bệnh nhân nằm cả dưới gầm giường vì bệnh viện quá đông. (Hình: Internet)
Cùng một nội dung thông tin, báo Thanh Niên giật tít lời bà Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: “Bộ trưởng Y tế: Không thể cấm bác sĩ nhận quà sau khi điều trị xong” và cho biết:
“Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu, các cơ sở y tế công phải ký cam kết “nói không với phong bì” từ giám đốc BV đến trưởng phó khoa và nhân viên. Người nhà bệnh nhân cũng phải ký cam kết không đưa phong bì cho bác sĩ trước và trong khi điều trị còn sau khi điều trị lại là vấn đề khác.”
Đọc xong mấy bài báo mà thấy quá nhiều điều phải băn khoăn. Thứ nhất, là chuyện vẫn cho phép nhận quà hay phong bì sau khi điều trị, vì như báo Người Lao Động đã phân tích, làm như thế chả khác nào “mở cửa sau” hay “bật đèn xanh”, thỏa hiệp với tệ phong bì. Chỉ có điều là không được nhận trước và trong khi điều trị mà thôi.
Còn sau khi được điều trị, chuyện đưa quà hay phong bì lại được che đậy bằng những từ ngữ là “quà nghĩa tình”, “thể hiện tình cảm, sự biết ơn của bệnh nhân với người thầy thuốc” như lời giải thích của bà Bộ trưởng.
Lại nhớ mới năm ngoái, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII, tháng 11.2012, đại biểu quốc hội Nguyễn Sĩ Cương đã gọi nạn tiêu cực, phong bì trong ngành y là “căn bệnh trầm kha” và đặt câu hỏi chất vấn bà Bộ trưởng Y tế:
“Thưa Bộ trưởng, cứ hô hào chống tiêu cực là không phong bì nhưng hết khóa Bộ trưởng này đến khóa Bộ trưởng khác chúng tôi thấy tình trạng này không giảm, Bộ trưởng nhận trách nhiệm như thế nào của ngành y tế?”. (“Bộ trưởng Y tế không muốn “vừa đá bóng vừa thổi còi”, VNExpress).
Lúc đó, bà Bộ trưởng đã rất mạnh miệng, ví cuộc đấu tranh với nạn phong bì là cuộc đấu tranh giữa cái thiện, cái ác và đưa ra giải pháp: “Bệnh nhân và người nhà hãy dứt khoát không đưa phong bì và nếu thấy bác sĩ, điều dưỡng nào nhận thì chụp ảnh, gửi cho chúng tôi”. (“Bộ trưởng Y tế: Hãy gửi ảnh bác sĩ nhận phong bì cho tôi”, VNExpress).
Vào thời điểm đó, câu nói của bà Bộ trưởng bị nhiều người cho là…thiếu thực tế, không thể thực hiện được bởi tệ nạn phong bì đã trở thành chuyện thường ngày, là “luật bất thành văn” tại hầu hết các bệnh viện công lớn, nhỏ ở VN.
Hơn nữa, tâm lý ai cũng vậy, khi đưa người nhà vào bệnh viện là đều muốn cho người nhà được chữa trị nhanh chóng và tốt nhất. Nếu không đưa tiền thì phải chờ dài cổ mới đến lượt, phải chịu đau đớn kéo dài, rồi còn bị cáu gắt, quát mắng, tiêm thuốc thì đau, chăm sóc không tử tế, tốt nhất là dúi ít tiền cho xong chuyện.
Tâm lý đó của mọi người cũng giống như khi chạy xe phạm lỗi giao thông, bị công an huýt còi cứ tặc lưỡi: Thà dúi cho “nó” ít tiền để “nó” cho đi, còn hơn là bị hoạnh họe, biên giấy phạt tiền gấp đôi gấp ba, hoặc giam xe mấy ngày mất công đi lấy …
Đi làm bất cứ việc gì, từ chuyện nhỏ như làm giấy tờ ở phường, chạy chỗ học cho con cho đến ký hợp đồng làm ăn, chỉ thấy bị khó dễ đủ chuyện, thành ra người Việt hay tặc lưỡi “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”. Riết rồi cả xã hội quen với nạn đút lót, hối lộ trong hầu hết mọi ngành nghề, mọi trường hợp. Chả trách gì nạn tham nhũng cứ tồn tại, hoành hành trong xã hội.
Trở lại chuyện ngành y thì tệ nạn phong bì đã tồn tại suốt bao lâu nay, người dân kêu ca, báo chí lên tiếng rất nhiều lần, đâu vẫn vào đó. Nói thẳng ra tệ phong bì trong ngành y chỉ có thể chấm dứt với hai điều kiện: thứ nhất, thu nhập đủ sống để nhân viên y tế không nghĩ đến chuyện trông chờ vào những món tiền, quà từ bệnh nhân. Thứ hai, cả xã hội không còn nạn hối lộ, tham nhũng, chứ yêu cầu mỗi một ngành y trong sạch trong khi cả xã hội nhìn đâu cũng thấy hối lộ thì quả là khó.
Không chỉ nỗi khổ phải có tiền đút lót mới được thăm khám tử tế, mà khi đi vào các cơ sở khám bệnh, các bệnh viện ở VN, người bệnh còn thường xuyên gặp phải thái độ ứng xử không vui vẻ, hòa nhã, rất thiếu tinh thần y đức của rất nhiều bác sĩ, y tá, điều dưỡng. Nhẹ thì mặt mũi lạnh lùng, hỏi không thèm trả lời, nặng hơn là quát mắng nếu người bệnh chậm hiểu, hỏi tới hỏi lui v.v…
Người đi khám bệnh, chữa bệnh phải bỏ tiền ra mà cứ có cảm giác như mang ơn, còn nhân viên y tế chả bao giờ buồn nhớ ra chính tiền lương, thu nhập của mình là từ bệnh nhân. Cái thái độ đứng trên bệnh nhân ấy rất bình thường, đến nỗi chẳng ai buồn than phiền nữa.
Nay báo chí đưa tin Bộ Y tế đã tổ chức tập huấn về “kỹ năng giao tiếp, thực hiện quy tắc ứng xử, năng cao đạo đức nghề nghiệp” cho cán bộ công nhân viên của ngành. Nghe thì cũng hay nhưng chẳng biết kết quả thay đổi được mấy ngày hay rồi sau một thời gian ngắn lại đâu vào đó.
Lý giải nguyên nhân đưa đến tình trạng ứng xử khác xa với câu “lương y như từ mẫu” này, người ta hay đỗ lỗi cho thu nhập của ngành y nói chung quá thấp. Bên cạnh đó, các bệnh viện lớn trong các thành phố thì thường xuyên bị quá tải, cơ sở chật chội, bệnh nhân quá đông, nhân viên y tế phải làm việc căng thẳng, mệt mỏi thường xuyên nên đâm ra cáu gắt, kém hòa nhã…Rằng nếu được trả lương cao, xứng với công việc, mọi chuyện sẽ khác.
Như ở các bệnh viện tư, phòng khám tư, làm gì có tình trạng này, bác sĩ, nhân viên phải hết sức vui vẻ, chiều chuộng người bệnh, không thì mất khách, và bị đuổi việc. Ngay chính bà Bộ trưởng trong phiên họp quốc hội nói trên cũng “trần tình hoàn cảnh” kiểu như vậy.
Thật ra đó cũng là một lý do quan trọng. Đúng là khi lương cao, người ta cũng có tâm trạng thoải mái hơn, đi kèm với mức lương cao là yêu cầu cao về công việc, đạo đức nghề nghiệp. Người nào không có y đức, đối xử không tốt với bệnh nhân sẽ lập tức bị sa thải, như thế ai cũng phải cố mà làm việc, cư xử cho đàng hoàng.
Nhưng quan trọng hơn, sự thay đổi đó phải đến từ trong giáo dục, từ trong mối quan hệ giữa người với người trong một xã hội.
Tại sao ở các nước phát triển, khi đi đến mọi cơ quan nhà nước từ tòa thị chính, sở xã hội, sở cảnh sát cho đến bệnh viện, trường học, thư viện…đâu đâu người dân cũng nhận được một thái độ cư xử rất lịch sự, hòa nhã, tôn trọng của những người làm công cho nhà nước và cũng là người lãnh lương từ tiền thuế của nhân dân?
Bởi vì họ không chỉ luôn luôn ý thức rằng đồng lương của mình là từ tiền thuế và tiền chi trả trực tiếp của người dân, mà còn vì đã được giáo dục, dạy dỗ từ bé về mối quan hệ bình đẳng, nhân văn giữa con người với con người.
Còn ở nước mình thì đi đâu, làm bất cứ việc gì cũng cứ như phải chầu chực, xin xỏ. Một cô nhân viên ở phường, một tay công an quận hay một cô điều dưỡng trong bệnh viện cũng có thể hoạnh họe, quát mắng người dân đáng tuổi cha mẹ, ông bà mình. Để thay đổi cái não trạng đó không phải ngày một ngày hai, cũng chẳng dễ gì hơn đấu tranh với nạn tham nhũng hay tệ phong bì!