main billboard

Sau khi đắc cử nhiệm kỳ hai, và với một nội các mới, chính quyền Barack Obama vẫn loanh quanh trong vòng tròn như vành chén.


Vấn đề là tầm nhìn quá ngắn

Nhiều người chờ đợi sự chuyển hướng đối ngoại về Châu Á để khai thông những gai góc trong quan hệ với Trung Quốc. Nhưng chuyến công du đầu tiên của tân ngoại trưởng vẫn là Trung Ðông, chuẩn bị cho chuyến công du của tổng thống, nơi mà cuộc gặp gỡ thủ tướng Israel và bài diễn văn ông Obama đọc trước công chúng Do Thái mang nhiều ấn tượng hơn nội dung. Người ta có thể thông cảm: Cả tổng thống Mỹ lẫn Thủ Tướng Binyamin Netanyahu đều ưu tiên tìm hậu thuẫn chính trị bên trong hơn là giải pháp lâu dài cho một khu vực đang có quá nhiều vấn đề, từ võ khí hạch tâm của Iran qua tình hình Syria và vai trò đáng ngại của chính quyền Iran tại Iraq.

Trong hoàn cảnh ấy, ít ai chú ý đến chuyến thăm viếng Bắc Kinh của tân Tổng Trưởng Ngân Khố Jacob Lew. Nhiều vấn đề có được nêu ra trong cuộc gặp gỡ đầu tiên của một giới chức cao cấp Hoa Kỳ với lãnh tụ mới của Trung Quốc là chủ tịch kiêm tổng bí thư Tập Cận Bình: quan hệ kinh tế Mỹ-Hoa, việc “hắc khách” Trung Quốc xâm nhập các cơ sở điện toán công và tư của Mỹ hay an ninh Ðông Bắc Á do sự hung hăng của Bắc Hàn, v.v... Nhưng cũng vẫn chỉ là đề mục của nghị trình thảo luận, chưa thể hứa hẹn giải pháp khai thông.

Người ta có thể tự an ủi rằng hoàn cảnh của Chủ Tịch Tập Cận Bình cũng chẳng khá hơn.

Trong chuyến công du đầu tiên với tư cách là lãnh tụ mới, họ Tập thực tế là đi chữa cháy: Cải thiện quan hệ với Liên Bang Nga và tạo ra hình ảnh hiếu hòa và lương thiện hơn của Bắc Kinh với các nước Phi Châu. Hội nghị của bốn nước “đang lên”, gọi là nhóm BRIC (Brazil, Russia, India và China), để thành lực đối trọng mới với các nước công nghiệp hóa Tây phương và qua đó lãnh đạo các quốc gia đang phát triển chỉ là trò vui không kết quả: Bốn nước ở bốn nơi đều có nhiều vấn đề riêng nên nhìn qua bốn hướng khác nhau. Mà từng nước đều muốn cải thiện chuyện làm ăn với Mỹ.

Nhưng Hoa Kỳ lại bận chuyện khác.

Trong năm năm qua, nước Mỹ chưa ra khỏi nỗi khó khăn bắt nguồn từ mấy chục năm chi nhiều hơn thu nên mắc nợ ngập đầu và đến hồi trả nợ. Nhưng kết quả của năm năm xoay trở đó là khả năng đấu tranh cao độ của giới chính trị thủ đô liên bang: Cực giỏi về chiến thuật để tranh thủ thành phần cử tri của mình hầu tái đắc cử. Họ không thể - và tệ nhất, không muốn - nghĩ đến một chiến lược hồi phục và phát triển quốc gia trong trường kỳ.

Ðảng Cộng Hòa thất cử thì nhìn vào quá khứ, tranh cãi và đổ lỗi về trách nhiệm của thất bại. Ðảng Dân Chủ đang có ưu thế thì ưu tiên lo cho cái rốn. Tấm lịch của họ là 2014 và 2016.

Hoa Kỳ cần chiến lược trường kỳ có khả năng tận dụng tiềm lực của kinh tế, tự do của người dân, thịnh vượng và thăng tiến của xã hội, và an ninh cho quốc gia. Chiến lược lâu dài ấy mới chỉ đạo các chính sách ngắn hạn. Thực tế ngày nay là chính sách ngắn hạn làm lệch hướng chiến lược trường kỳ và gây ra bài toán cho tương lai.

budget cutNơi kết tinh các tính toán về chính sách, hay thủ thuật chính trị, là ngân sách liên bang. Ðấy là cơ sở xác định ưu tiên của đất nước qua tiến trình chuẩn chi. Từ bốn năm nay, việc thảo luận về ngân sách quốc gia lại phơi bày sự phá sản chính trị và dẫn đến những phản ứng cấp cứu có tính chất chắp vá. Mối nguy về vực thẳm tài chánh “fiscal cliff” rồi cái họa ngang xương cắt giảm ngân sách gọi là “sequestration”, hoặc nỗi lo về công quỹ hết tiền trả lương nên sẽ sa thải công chức, v.v... đều là hậu quả của sự dàn xếp phi lý về công chi thu từ năm 2011.

Nên vài tháng một lần lại gây ra khủng hoảng chính trị trên thượng tầng.

Một thí dụ là trong khi lãnh đạo ồn ào tranh luận về việc kiểm soát quyền mang súng, ngân sách quốc phòng bị cắt một cách máy móc - mục tiêu hù dọa của thủ thuật “sequestration” để giới hữu trách phải giải quyết vấn đề chi thu ngân sách. Ít ai ngờ là sự hăm dọa ấy cũng vô hiệu khiến cho, nhìn từ bên ngoài, đồng minh thì không dám tin mà đối thủ cũng chẳng cần sợ đệ nhất siêu cường dân chủ.

Then chốt ở đây là thủ tục chuẩn chi ngân sách theo nguyên tắc mà gia đình nào cũng phải biết: Chỉ chi ra trong giới hạn của số thu vào để khỏi mắc nợ quá sức trả.

Trong nhiều năm liền, hành pháp không thể đệ nạp một dự luật ngân sách cho Quốc Hội phê chuẩn. Phê duyệt và theo đó mà chuẩn chi để thi hành các ưu tiên của quốc gia. Dự luật ngân sách của tài khóa năm nay cũng thế: Chưa có. Vì vậy, việc chi thu hàng năm trở thành nơi mà các ủy ban chuẩn chi và thanh toán của Quốc Hội mặc tình ráp nối.

Nghệ thuật chính trị của giới dân cử liên bang là đưa ra những chỉ tiêu mơ hồ và khó hiểu cho cả chục năm tới và lên đến nhiều ngàn tỷ đô la mà đa số người dân không hiểu được. Trong khi đó, họ lặng lẽ kiếm phiếu bằng cách tăng chi để phân bố quyền lợi cho thành phần cử tri của mình, và tăng cường vai trò bao cấp của nhà nước với thành tích được nêu ra là mấy chục triệu người dân đã được trợ cấp.

Không có chiến lược phát triển ra cái bánh to hơn, người ta tận dụng chiến thuật tranh thủ một phần lớn hơn của cái bánh. Và giải quyết việc chuẩn chi bằng khẩu hiệu đấu tranh giai cấp, chính quyền của dân nghèo sẽ tróc nã tiền thuế của bọn nhà giàu.

Về trường kỳ, ba mục chi cho An Sinh Xã Hội (Social Security) và Y Tế (Mediare và Medicaid) không thể gia tăng và sẽ phá sản như người ta dự phóng từ lâu. Khi tiếp tục chi nhiều hơn thu và mắc nợ, khoản nợ của ba chương trình xã hội này đang vượt số công trái và sẽ gây ra cảnh núi lở trong vài thập niên tới. Có khi còn sớm hơn nếu lạm phát lại tái phát - ta sẽ tìm hiểu trong tuần tới, khi nói về kinh tế cũng là chính trị.

Dù mọi người đều biết vậy, ít ai dám đề nghị điều chỉnh vì sợ mất phiếu của người thụ hưởng.

Lãnh đạo phải hiểu nguyện vọng của quần chúng nhưng cũng thấy ra chiều hướng lâu dài của quốc gia mà thuyết phục quần chúng đi theo hướng đó. Với biệt tài lấy ngắn nuôi dài và dùng chiến thuật chỉ đạo chiến lược, lãnh đạo chính quyền liên bang đang dẫn nước Mỹ vào bế tắc.

May là Hoa Kỳ có thể chế liên bang và nhiều tiểu bang đã tự động tìm ra hướng khác. May ra từ đó mà người ta có thể trắc nghiệm giá trị của giải pháp khác, từ ngân sách đến giáo dục, xã hội đến y tế. Riêng có chuyện an ninh và đối ngoại thì đấy là thẩm quyền của thủ đô. Vì vậy mới đáng lo.

“Chỉ có tại nước Mỹ”:

Chúng ta dễ đồng ý với định nghĩa “ăn chay cũng là một tôn giáo”, mà hơi giật mình về cách áp dụng tại Mỹ. Sakile Chenzira kiện một nhà thương ở Cincinnati vì bị mất việc khi từ chối tiêm chủng thuốc ngừa cảm nên có thể lây bệnh trong nhà thương. Lý do từ chối là vì thuốc có trứng gà, mà bà lại là người ăn chay. Một tòa án liên bang cho bà thắng kiện vì “chủ nghĩa ăn chay của nguyên đơn có sự tâm thành của một đức tin tôn giáo”.