Đi du lịch xa vài tuần có thể có một ít kỷ niệm huống gì đi đến một đất nước xa lạ ở bên kia trái đất để làm lại cuộc đời. Chỉ trong vòng nửa năm đầu sống ở Canada tôi đã có nhiều kỷ niệm đáng nhớ; kỷ niệm lạ lạ nhắc tôi luôn học hỏi về quê hương mới, kỷ niệm ngộ nghĩnh nhớ lại thấy vui vui và kỷ niệm hãi hùng nhớ lại thấy kinh hoàng.
Khi học lớp Ba ở trường làng thầy nói với chúng tôi “đi một ngày đàng học một sàng khôn”, ám chỉ những người đi đây đi đó thì hiểu biết nhiều. Thời ấy ở quê tôi nói “đi” có nghĩa là đi bộ, xe đạp cũng không có nói chi đến xe hơi, và đi một ngày giỏi lắm thì được cở 70 km. Nay tôi đi từ Việt Nam sang Canada, gần nửa vòng trái đất nên chắc phải học được rất nhiều sàng khôn! Sàng khôn thì không biết học được bao nhiêu nhưng chứng kiến nhiều chuyện bi hài thì có.
Trên đường từ phi trường Mirabel về gần đến thành phố Montreal (Canada) thì chiếc xe đi ngang qua một bãi đậu xe thật lớn toàn là xe mới, tôi nghĩ đây chắc là các xe sắp xuất cảng của Canada nên hỏi người hướng dẫn xem có đúng không, thì ra đó là một đại lý của hãng xe GM. Vào gần thành phố hơn nữa tôi càng thán phục sự phồn thịnh và văn minh của Canada; đường sá rộng rãi, sạch sẽ, hầu hết là xe hơi, ít thấy xe gắn máy hay xe đạp. Điều làm cho tôi ngạc nhiên và khâm phục là xe cộ chạy rất có trật tự mặc dù chẳng thấy bóng dáng của cảnh sát, những ngã tư có đèn thì mọi người tôn trọng luật lệ đã đành, ngay cả những ngã tư chỉ có bảng Stop thôi và đường trống mà xe nào đến đó cũng ngừng, chẳng có ai vượt; thật là đáng kính phục.
Chiếc xe ngừng ở một khu vực gần trung tâm thành phố và gia đình tôi được đưa vào khách sạn để tạm trú. Gần hai tháng qua gia đình tôi bị ngồi bó rọ trên con thuyền vượt biển lênh đênh trên vịnh Thái Lan, rồi nằm chen chúc trên boong tàu của chiếc tàu buôn Kua Koon bị chính phủ Thái buộc phải neo trên con sông Bangkok vì vớt người tị nạn, và sống chật chội trên sàn nhà của trại chuyển tiếp ở Bangkok; nay được sống ung dung trong khách sạn ở Montreal tôi thấy sự huyền diệu của cuộc đời. Khi ra đi, tôi biết cơ hội sống sót rất là mong manh nhưng điều làm tôi lo sợ nhất không phải là cái chết trên biển cả mà là sự giam cầm trong đồn công an khi bị bắt. Nay đến được bến bờ tự do rồi thì chẳng có gì phải lo âu.
Khác hẳn với những điều tôi dự đoán, tuần lễ đầu ở Canada đã làm cho tôi ngạc nhiên và sung sướng vì sự chăm sóc rất chu đáo của các nhân viên xã hội (social workers). Họ đưa con tôi đi khám sức khỏe tổng quát, đưa đi xem căn chung cư (apartment) mà họ định thuê cho gia đình tôi, hướng dẫn cách đi xe buýt, xe điện ngầm (Metro), cách xin việc và cho biết những trợ cấp của chính phủ Canada lúc ban đầu. Vợ chồng tôi không được trợ cấp đi học tiếng Pháp để hội nhập vì họ bảo tiếng Anh của tụi tôi đủ dùng để đi làm. Tôi lấy niên giám điện thoại ra xem, tìm ra và liên lạc được vài bạn ở Montreal đã qua đây năm 75, nhờ bạn chỉ dẫn cách sống ở Canada nên ít bỡ ngỡ hơn những người qua trước.
Khách sạn nằm trên đường Drummond Street, khá tiện nghi, có nhà hàng phục vụ sáng, trưa, chiều. Buổi sáng dùng điểm tâm xong thì tôi hay ghé qua phòng tiếp tân đọc báo. Hôm đó có một người đàn ông Việt mặc bộ pajamas (quần áo ngủ) rất tử tế ngồi đọc báo ở một chiếc bàn gần góc phòng. Khi nhân viên xã hội đến thì cô tiếp viên của khách sạn liền chạy ra đón, hai người thì thầm với nhau chừng một phút thì nhân viên xã hội liền đến gặp ông người Việt kia. Sau vài phút nói chuyện với nhau thì tôi thấy ông ấy phân bua gì đó rồi chỉ về phía một thanh niên da trắng mặc quần đùi, áo thun ba lỗ, ngồi đọc báo; rồi sau đó thì ông ấy rởi phòng. Vài ngày sau tôi mới biết cô nhân viên xã hội yêu cầu ông ta về phòng thay đồ. Thì ra bên này pajamas chỉ mặc trong phòng ngủ, khác với Việt Nam mặc pajamas tiếp khách là bình thường!
Một hôm tôi và vợ phải đi làm thẻ an ninh xã hội (social insurance card) và thẻ sức khỏe (health card). Xem bản đồ thấy không xa lắm, từ khách sạn đến đó đi xe bus tốn $.90 (90 xu Canada) cho hai người, đi bộ mất cở 35 đến 40 phút vì phải dẫn theo đứa con nhỏ; vợ chồng tôi quyết định đi bộ để tiết kiệm $.90 vì khi ấy đồng tiền quý lắm. Trên đường đi thì có một ông dân da trắng chận lại xin tiền, ông ta than thở là ở Toronto mới đến đây vài ngày thì hay tin vợ đau nặng phải về gấp nhưng không đủ tiền mua vé xe. Tôi thấy tội nghiệp nên cho $1. Khi làm giấy tờ vợ tôi kể chuyện thương tâm này thì nhân viên chính phủ cười, cô ta nói “ông bà bị lừa rồi, người đó là dân nghiện rượu chứ chẳng có gì đáng thương đâu”. Nghe vậy tôi nhìn thằng con mới hơn 2 tuổi mà lòng xót xa, nó thích đi xe buýt lắm mà tôi bắt nó lội bộ để tiết kiệm!
Ở khách sạn được vài ngày thì một bà nhân viên xã hội đến dẫn gia đình tôi đi xem chung cư để thuê. Trước khi bước vào căn nhà để xem thì có bà cụ già ở căn đối diện mở cửa ra , thấy tụi tôi thì hỏi phải là người Việt Nam không. Cụ khen ở đây tốt lắm, cụ ở với con dâu và cháu nội từ khi mới qua năm 1975. Vậy là tụi tôi quyết định thuê căn nhà đó, chỉ có 1 phòng ngủ với giá 150$/tháng. Tháng đầu tiên thì chính phủ trả tiền nhà, họ bảo là họ sẽ trả cho tối đa là 3 tháng tiền nhà và tiền ăn và sau đó là mình phải tự lo. Tuy nhiên vì kiếm được việc sau 3 tuần nhờ anh bạn thân qua 75 giới thiệu nên họ chỉ cho 2 tháng tiền nhà, tiền ăn thì họ ngưng ngay sau khi tôi lãnh lương của sở. Sau đó tôi bắt đầu trả nợ tiền vé may bay từ Bangkok qua Montreal cho chính phủ Canada để họ lo cho những người đến sau.
Ngày dọn vào căn chung cư, gia đình tôi cũng nhận được những trang bị cần thiết như giường ngủ, bàn ăn và ghế, chén bát nồi niêu, 76 Gia Kim (tiền chi tiêu 1 tuần cho gia đình). Quản gia của chung cư cho một cái sofa cũ. Bốn năm qua, sống với Việt cộng là địa ngục, tương lai ra sao thì chưa biết nhưng tuần lễ đầu ở Canada là thiên đàng!
Những ngày đi làm đầu tiên thật vui vì được làm chung công ty với 2 anh bạn thân cùng làm chung ở Việt Nam trước 75: anh G là anh bạn giới thiệu việc làm và anh T. Có việc làm và có lương, tôi đóng tiền đi thi bằng lái xe, lấy được bằng lái rồi thì chờ đủ tiền sẽ mua xe cũ đi làm. Nghe tôi có bằng lái xe thì anh T cho biết anh sắp mua xe mới và sẽ cho tôi chiếc Corolla cũ anh đang dùng .Thật là may vì nhờ chiếc xe này mà tôi và vợ tôi đã có phương tiện đi làm và đi học buổi tối khi xe buýt ở Montreal đình công không lâu sau khi tôi có xe.
Tôi đi làm hơn vài tháng thì một hôm vợ tôi đưa cho xem tờ quảng cáo máy hút bụi, họ viết đại khái là “máy mới chế tạo theo thiết kế đặc biệt, sức hút rất mạnh và bền, giá bán trong giai đoạn quảng cáo rất rẻ, chúng tôi sẽ mang đến tận nhà để giới thiệu và tặng một món quà trị giá 10 dollars, không bắt buộc phải mua; nếu cho phép xin gọi số điện thoại ... ”. Vợ chồng tôi đọc lại tờ quảng cáo thì không thấy điểm nào bất lợi cho mình nếu để họ đến mà lại còn được quà. Thấy cũng lạ nên sau một hồi suy nghĩ chúng tôi quyết định gọi họ.
Hai ngày sau, đúng hẹn 7 giờ tối thì có người nhấn chuông, tôi mở của thì thấy một ông độ hơn 40, da ngăm đen. Ông ta tự giới thiệu:
- Tôi là Paulo, đến đây để demo máy hút bụi.
Tôi mời vào thì Paulo xin 3 phút để trở ra xe đem máy vô. Paulo trở lại với một cái thùng lớn đã khui một bên, trong là máy hút bụi. Paulo bắt đầu bằng nhiều câu hỏi như để thẩm định tình trạng tài chánh của tôi. Khi biết tôi là thuyền nhân thì Paulo bày tỏ sự cảm thông về cuộc sống dưới chế độ độc tài toàn trị và khâm phục sự can đảm khi bỏ nước ra đi, rồi Paulo tự giới thiệu là di dân từ Colombia đã hơn 10 năm, vẫn còn cha mẹ và anh em bên đó như hoàn cảnh của tôi.
Sau mấy phút trò chuyện thì Paulo hỏi:
- Ông đã hút bụi căn nhà này chưa?
- Tôi chỉ quét sàn nhà thôi vì không có máy hút bụi.
- Thế thì ông nên mua ngay máy hút bụi, nó giúp bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình ông, và đây là cơ hội rất tốt để ông mua.
Rồi Paulo lấy máy hút bụi ra, mời vợ chồng tôi rời sofa và Paulo hút bụi một nửa sofa; xong đưa cho tôi coi một đống bụi trong bọc chứa. Tôi thấy đống bụi mà ngỡ ngàng trố mắt nhìn vì không ngờ nó nhiều như vậy. Paulo bắt đầu thuyết phục:
- Mr. Tran, khi ông ngồi xuống thì bụi bay lên, nhiều lắm, và mắt ông không thấy được. Ông sẽ hít bụi đó vào phổi, ngày này qua ngày khác, chẳng bao lâu thì phổi của ông đầy bụi. Sức khỏe của ông sẽ giảm sút nhanh chóng, và ông không đủ sức để làm việc nữa...
Ngưng một chút, Paulo nhìn lên màn cửa cũ bằng vải thô rồi đến đó hút bụi, xong đưa cho vợ chồng tôi coi và nói:
- Bụi ở khắp nơi trong nhà, nếu ông bà không dùng máy hút bụi thì sẽ có hại cho sức khỏe của gia đình ông vô cùng.
Tôi bắt đầu nao núng nhưng sợ không đủ tiền mua nên e dè hỏi:
- Cái máy này giá bao nhiêu?
Thấy “cá cắn câu” nên Paulo không áp lực tôi mà lại “đấu dịu”:
- Tôi biết ông bà mới đến đây lập nghiệp, còn nhiều khó khăn nên tôi sẽ tìm mọi cách giúp ông bà mua; trong giai đoạn quảng cáo này tôi bớt cho ông bà 10%, thay vì $200 thì tôi chỉ lấy $180 thôi.
Vợ chồng tôi nhìn nhau rồi lắc đầu. Tôi quả quyết trả lời:
- $180 là số tiền quá lớn, tôi không thể nào mua được mặc dù tôi biết là rất cần thiết!
Paulo tiếp tục thuyết phục:
- Tôi hiểu số tiền này quá lớn nhưng ông bà hãy nghĩ đến lá phổi của mình, của con mình, nghĩ đến sức khỏe của cả gia đình...
Ngừng một chút rồi Paulo đề nghị giải pháp:
- Tôi có cách này: ông bà không cần phải trả hết ngay bây giờ, tôi cho ông bà trả góp trong một năm, mỗi tháng chỉ $15 , một tuần chưa tới $4, không tính tiền lời. Ông làm họa viên mà một tuần không dư được $4 sao?
Từ đầu đến đây vợ tôi chỉ ngồi nghe, bây giờ nàng nhập cuộc:
- Thật ra chúng tôi để dành được nhiều hơn $4 một tuần nhưng chúng tôi phải giúp gia đình bên Việt Nam, mỗi tháng tôi phải đi mua hàng hóa, rồi đóng thùng gởi về cho cha mẹ, cho anh em, cho bạn bè, và còn phải để dành cho nhiều chuyện khác nữa như bị thất nghiệp, đau ốm... Ông cũng gởi tiền về giúp cha mẹ bên Colombia chứ?
Không trả lời câu hỏi (có lẽ vì không gởi tiền về giúp gia đình) và biết không thể thuyết phục được chúng tôi nên Paulo mượn điện thoại, ông ta giải thích:
- Tôi phải xin phép công ty mới được phép chấm dứt buổi demo này.
Paulo nói chuyện với công ty khá lâu, nghe ông ta giải thích rất nhiều về hoàn cảnh của tôi, cuối cùng ông ta thở phào sau khi đặt điện thoại trở lại chỗ cũ.
Tiễn Paulo ra cửa tôi xin lỗi đã làm cho Paulo bị rắc rối với công ty vì không mua máy, Paulo không nói gì, buồn rầu mang máy đi. Paulo đi rồi vợ chồng tôi thấy áy náy vô cùng, và thương hại cho Paulo, nhưng tin rằng không mua máy là một quyết định đúng vì giá tiền $180 là quá đắt.
Vài phút sau có người nhấn chuông, tôi mở cửa thì thấy Paulo; ông ta đưa cho tôi một cái hộp nho nhỏ, tôi hỏi vội:
- Cái gì đây?
- Quà tặng của công ty.
Vào trong nhà mở hộp ra thì thấy 3 cái ly uống nước làm bằng thuỷ tinh, một món quà nhớ đời!
Mùa Hè thời tiết ở Montreal thật tuyệt vời, không lạnh cũng không nóng, nhiều ngày nắng ấm rất thoải mái, thích hợp cho các buổi sinh hoạt ngoài trời nên thời gian qua mau. Rồi mùa Đông đến, tuyết rơi thật đẹp, ngày đầu ngắm tuyết rơi mãi không chán, ngày thứ nhì vẫn thấy tuyết đẹp nhưng hết ham, ngày thứ ba thì mong tuyết ngừng rơi, ngày thứ tư thì chịu hết nỗi, than trời như bộng vì phải cào tuyết bá thở!
Giáng Sinh đến gợi lại những kỷ niệm ở Sài Gòn thời còn đi học. Đầu tháng 11 hằng năm thì xuất hiện nhiều quảng cáo may đồ Noel, trên đường Trương Minh Giảng, gần cổng xe lửa số 6, có một biển quảng cáo bằng vải giăng rất cao, ngang qua đường, ghi “Thanh Veston Noel”. Thời ấy tôi không biết chọn tiệm may nên đặt một chiếc áo vest ở “Thanh Veston Noel” vì gần nhà. Giáng Sinh năm đó tôi vui sướng lắm vì có chiếc áo vest đầu tiên trong đời!
Noel đầu tiên ở Montreal đem đến cho tôi nhiều cảm giác lạ, không tụ tập với bạn bè để ra phố lấn thiên hạ, không đi nhà thờ để cầu nguyện và ngắm ..., không nhảy đầm. Tôi phải đi dự hai buổi tiệc, một ở Saint Lambert, phía Nam của Montreal, và một ở Montreal, gần nhà. Tôi phải dự cả hai vì một tiệc là bên gia đình và tiệc kia là bên bạn bè; bên nào cũng nặng tình nghĩa nên cố gắng dự cả hai cho trọn đôi bên.
Bên ngoài nhiệt độ xuống khoảng -15 °C, tôi và vợ con đến nhà người thân ở Saint Lambert đúng 6:30 tối, Buổi tiệc đang vui vẻ thì tôi phải xin phép đi về để kịp dự buổi tiệc thứ hai. Lúc đi đến Saint Lambert thì xe cộ còn chạy nhiều, bây giờ (khoảng 8:30 tối) mà đường sá vắng tanh, trước tôi không có xe nào và sau tôi cũng không, ngay cả xa lộ 132 cũng không thấy chiếc xe nào.
Từ Saint Lambert về Montreal phải đi qua cầu Victoria, đó là con đường ngắn nhất. Lái xe trên con đường lạ vào buổi tối nên tôi phải chú tâm rất nhiều. Đường vắng, hai bên đường im lìm như một thành phố chết, chưa bao giờ tôi lái xe ở một chỗ hoang vắng như thế vào ban đêm. Đèn đường lờ mờ, vừa đi vừa tìm tên đường nên đến một ngã tư có bảng stop mà tôi thấy hơi trễ, tôi phải đạp thắng gấp, chiếc xe dừng lại kip thời và tắt máy. Tôi đề máy mấy lần vẫn không nổ! Tôi bắt đầu thấy lo lắng, nhìn quanh không thấy xe nào, khu vực này không có nhà dân, không có phố xá, trong xe không có áo mùa đông nào ngoài chiếc áo đang mặc, vợ và con cũng vậy, một lon nước ngọt cũng không có, ngay cả một thỏi chocolate cũng không. Tôi nhìn chung quanh cố tìm điện thoại công cộng (năm 1979 chưa có mobile phone) nhưng không thấy. Chưa bao giờ tôi mong gặp cảnh sát như lúc đó. Tôi không dám tiếp tục đề máy xe vì sợ hết bình điện, có thể xe bị ngộp xăng nên tốt hơn là chờ.
Nhiệt độ bên ngoài có lẽ đã xuống khoảng -20 °C, với cái lạnh như vậy, không thức ăn, không nước uống, không có sưởi thì chắc không thể sống qua đêm. Tôi bắt đầu thấy sợ hãi khi nghĩ đến cái chết vì lạnh. Trong khi chờ đợi tôi hồi tưởng lại chuyến vượt biên, khi con thuyền ra biển khơi thì thấy không có hy vọng gì sống sót, nhất là sau 4 ngày lên đênh trên biển; khi ấy đồ ăn sắp hết, nước uống cũng cạn, sóng lớn làm nước biển tràn vô tàu, rồi bị lạc hướng không biết đang ở đâu. Tôi tự nhủ không lẽ mình sống sót trong chuyến vượt biên trên biển lớn đầy nguy hiểm ấy mà nay lại chết ở thành phố tráng lệ Montreal này!. Nhìn qua vợ thấy nàng im lặng như đang suy nghĩ chuyện gì, nhìn thằng con thì thấy nó đang ngủ.
Không biết tôi đã chờ bao lâu sau những suy nghĩ mông lung, hãi hùng đó; rồi như chợt tỉnh sau cơn ác mộng, tôi rút chìa khóa xe để vào vị trí và đề máy. Như một phép lạ, máy xe nổ như bình thường! Xe chạy được chừng nửa phút thì vợ tôi thỏ thẻ “nãy giờ em chỉ biết niệm Phật”.
Thấm thoát mà đã hơn 42 năm kể từ đêm Giáng Sinh kinh hoàng đó! Nay hồi tưởng lại tôi thấy mình quá may mắn đã thoát khỏi cơn hiểm nguy ấy, đó là một bài học đáng giá về sự nguy hiểm của mùa Đông ở Canada.
Trần Phố Hội
(Đặc San Lâm Viên)
Tháng 2/2022