Xa Hội An hơn bốn mươi năm nay trở lại Hội An không đầy bốn mươi phút. Tôi cho là may.
Tới Vĩnh Điện có mấy người xuống xe. Tôi ngồi lại đi tiếp về phố Hội. Xe rẽ hướng Thanh Hà, vùng đất sét , nổi tiếng gạch ngói. Chạy được một lúc bác tài kêu to: Bây ơi! Máy nóng quá, coi chừng “láp pê!”. Vô xóm xin nước đổ két nước mau !”. Hình như cái từ ngữ chuyên môn tiếng Pháp này khiến bác tài và thằng lơ xe rất sợ. Xe dừng lại đột ngột giữa đường, bác tài kêu:”Xách thùng xuống ruộng múc nước đi!”. Thằng lơ lục tìm dụng cụ hứng nước, hồi lâu không có, hắn quay lại mượn cái nón lá của một chị hành khách . Chị này la :”Cái nón cưng của người ta đó, coi chừng gảy vành”. Thằng lơ xe rón rén bước xuống ruộng. Tôi thấy giữa ruộng ngập nước có hai cái mả vôi đen láng như lưng hai con trâu dầm . Tôi hỏi bâng quơ:”Nơi đây không có nghĩa địa hay sao lại chôn người trong ruộng nước?”. Người ngồi cạnh nói :”Có chớ, kia kìa, mấy cây thánh giá trăng trắng trên gò đó, chỗ ấy là nghĩa địa Công giáo và Phật giáo. Còn nơi đây có tên là Ruộng Mả Vôi. Nghe nói xưa hai ông bà nằm dưới mộ là người khai canh và lập nên làng. Hai người không chịu đi đâu, nằm cạnh nhau và nằm trong đất của mình “ . Nơi đây người ta thương đất thương nhau đến thế ! Thằng lơ hai tay bợ cái nón lá đầy nước chạy lên, nước ruộng theo chỗ lủng tia ra ngoài. Hắn cười, nói :”Có con đỉa trâu to bự sư!”. Nó mở bộ tản nhiệt, hơi nước bốc ra phào một cái như tiếng thở dài . Mười lăm phút sau bác tài mới chịu nổ máy . Chiếc xe ì ạch trrên đường. Đây là hiệu xe Renautl thuộc loại đồ cổ năm sáu mươi năm, giống như chạy ra từ một viện bảo tàng ô tô. Tôi thấy cái gì của Hội An cũng cũ kỹ, nhỏ bé, thô sơ. Giống như thành phố chậm chân đến mấy thế kỷ. Ngồi trên chiếc xe trong một chuyến đi cuối thế kỷ hai mươi mà giống như cách đây bốn mươi năm trước trên những chiếc xe hiệu “Con Gà”, chạy đường Đà Nẵng – Hội an .
Xe “con gà” sơn màu vàng, cánh cửa có vẻ hình con gà trống màu đỏ vươn cổ gáy ở trong một vòng tròn. Tôi không biết trước đó hiệu xe chạy bằng thứ nhiên liệu gì? Nhưng đến lúc tôi đã khá lớn, có thể chạy với lũ bé con suốt ngày ngoài đường, ấy cũng là vào thời kỳ Nhật chiếm Đông Dương, chiến tranh thế giới lần thứ hai, rất hiếm xăng dầu người ta dùng cồn chạy xe, khói xe tải ra không đen không khét, thơm mùi rượu. Mỗi khi có chiếc xe chạy qua bọn trẻ con chúng tôi ùa ra đường hít lấy hít để . Sau đó xe con gà không chạy bằng cồn nữa, nó chạy bằng than. Phía sau xe có cái lò lớn. Lúc xe dừng có thằng lơ xe mở nắp lò than ra quạt. Khi xe chạy than đen than đỏ rơi xuống đường, không còn thứ khói thơm tho cho trẻ chạy theo ngửi. Thời Pháp thuộc , cả phố có một chiếc xe máy của ông cò, chắc cũng cỡ chiếc Honda bây giờ song lúc ấy thấy nó cồng kềnh lắm, gọi là xe bình bịch, xe chạy qua bọn trẻ con phóng theo đua với xe. Còn suốt ngày phố xá yên lặng.
Giờ đây tôi chẳng còn họ hàng hay bạn bè thân thích nào ở đây. Tôi cũng chẳng có công việc gì ở cái phố thị tí hon này, cũng không phải đi du lịch. Một lần trong bàn tiệc, nhân nói chuyện các món ăn mọi miền, tôi nói về cao lầu phố Hội rồi bỗng thấy muốn trở về Hội An. Không chuẩn bị gì cả, sáng hôm sau tôi lên đường. Thực ra khi ấy xòn một lý do lớn nữa. Về phố Hội thăm em, em một cô gái lai Hoa, họ Khưu. Cao lầu là món ăn của những ai đã từng sống ở Hội An, nay tản mát khắp bốn phương trời đều nhớ . Còn em là một phần của thời dĩ vãng non trẻ của tôi . Tôi làm một cuộc hành hương về cội nguồn tuổi tôi niên thiếu .
Tôi sinh ra ở phố Hội nhưng sống ở đây ngắn ngủi, năm sáu năm gì đó. Thời kỳ đầu tôi còn quá bé, kỷ niệm xa vời mờ mịt, chỉ còn mang máng cái nhà lá dừa nước, sóng lá xoay vào trong, nâu bóng như đánh vec-ni. Đây là căn nhà nghỉ mát ở Cửa Đại. Ba tôi chỉ là ông giáo tiểu học, má tôi là cô mụ ở bệnh viện, một gia đình công chức thuộc hạng trung lưu đông con trong nhà luôn luôn vui tươi đầy tiếng trẻ con chơi đùa . Lúc nào cũng có bạn có khách. Má tôi dòng dõi hoàng tộc, phủ Tuy Lý Vương đầy máu thơ văn. Nhà tôi không sung túc nhưng có cuộc sống rất phong lưu, người giàu sang quyền thế không bằng. Tại ngôi nhà nghỉ mát hiếm hoi ở Cửa Đại tập trung nhiều văn nhân thi sĩ bốn phương. Nhà thơ Lưu Trọng Lư, Nguyễn Tuân, Đoàn Phú Tứ và nhiều người khác đã từng đến ở ngôi nhà này. Nhà cất ngay trên bãi biển, mùa nắng, lúc chạng vạng có loài bọ chét từ trong cát búng lên cao căn rất đau . Buổi tối cả nhà thắp đuốc đi dọc bờ biển bắt còng, có khi đầy cả thùng thiếc, về luộc chia nhau ăn. Tại đây má tôi bị grossese tuber (chửa ngoài dạ con) xuất huyết nội, nửa đêm phải chở bằng xe ngựa gấp lên phố Hội, tại đây không giải phẩu được. Bác sĩ nói cần nhiều nước đá đắp lên bụng để cầm máu, chở về Huê. Thời ấy nước đá rất hiếm, chỉ có mấy nhà Pháp mới có tủ lạnh làm đá. Thế mà nghe tin họ rủ nhau đem đến cho, nhờ thế mới kịp chở về Huế giải phẩu gấp .
Cạnh phố Hội là khu đồng cát, có một nơi gọi là Mả Bà Thiên, đoàn sói con hướng đạo chúng tôi thường đến đây cắm trại cạnh ngôi chùa Phước Lâm . Bọn thực dân Pháp có món nợ máu với dân phố Hội. Nửa đêm chúng đột nhập chùa Phước Lâm đuổi sư sãi ra, bảo họ chui vô bụi rậm trốn, sau đó xả súng bắn chết tất cả, nói họ là Việt Minh. Nơi đây, vào năm 1940 bọn Pháp đã xử tử nhạc sĩ La Hối, tác giả bài hát “Xuân và tuổi trẻ”. Trước đó La Hối và bạn bè yêu nước đã diễn vở kịch “Sư tử ngủ”, ý nói người châu Á rất hùng mạnh, ấy là những con sư tử ngủ, bọn Tây chớ xem thường!
Có một kỷ niệm khó quên, hồi cách mạng thành công nhiều đứa trẻ con chạy theo xem bọn Tây Đầm bị trói dẫn đi. Dân ta vốn khoan dung, thấy ngày thường ông Tây bà Đầm uy nghi, đẹp đẽ sang trọng nay thất thểu như một lũ ăn xin cũng mủi lòng, có cụ thương tình niệm “Nam Mô Quan Thế Am Bồ Tát cứu khổ cứu nạn…” Trong số này có thằng cò Tây rất ác thường ra chợ đá tung quang gánh của mấy người nhà quê bán rau quả. Có một chị trước đây bị hắn đá đổ bể mấy chục trứng gà, về nhà ngồi khóc còn bị chồng đánh. Chị ta xách đòn gánh chạy theo ai cũng tưởng chị phang cho hắn mấy cái , không ngờ chị vừa cười, vừa chửi:”Mẹ cha mầy! Thằng mặt…” song không đánh mà lại ném cho hắn ổ bánh mì…Trong lễ mừng độc lập, má tôi làm cho cái bánh gatô to lắm, để đầy mặt bàn hội nghị Uỷ ban hành chính cách mạng mừng ngày nước nhà thoát khỏi ách nô lệ. Chiếc bánh phỏng theo hình tượng cõi thiên đường trong kinh thánh, có núi non cây cối sông suối , bằng trứng , sữa, đường, sô-cô-la, đúng là buổi đầu một thời cách mạng lãng mạn… Lúc này mới đánh đuổi Pháp mấy thứ vật vật liệu thuộc loại xa xỉ phẩm ở trong kho rất nhiều . Thời kỳ này nhiều chuyện buồn cười lắm. Chị tôi phụ trách hội phụ nữ, thống lĩnh hàng trăm ăn xin ăn mày sống trong viện tế bần làm công vịệc lạ đời nhất là đếm tiền Đông Dương, thế mà không mất đồng xu nào. Má tôi, người rất giàu sáng kiến bảo thiếu niên vơ hết cờ tam tài về, , bắt ăn mày tháo ra ba mảnh xanh trắng đỏ may áo quần cho thiếu niên nhi đồng. Nên nhớ vải may cờ là thứ vải thượng hảo hạng, màu xanh làm quần, trắng may áo sơ mi, màu đỏ làm cờ ta.
Sau những ngày độc lập vui vẻ đầu tiên là tiếp đến thì kỳ kháng chiến chín năm đầy gian khổ. Gia đình tôi không biết chạy hướng nào, cứ ngược dòng sông Thu Bồn đi lên Duy Xuyên, Chiêm Sơn, Bến Dầu , Trung Phước, Phú gia… Hình như chỉ cốt chạy theo quân y viện Liên khu V. Lên chiến khu rất sợ bệnh tật, thiếu thuốc men lắm. Tôi đã mất hai người anh tài hoa đều ở tuổi mười tám mười chín. Một người mới học lớp chín nhưng làm thơ rất nổi tiếng trong giới học sinh Lê Khiết Quảng Ngãi, bị máy bay bắn chết trên đường về lại Quảng Nam nghỉ hè năm 1950 tại Phong Niên, Sơn Tịnh , Quảng Ngãi, mộ nằm trên đồi thông. Còn người kia viết nhạc rất hay, biết nhiều thứ đàn và sành vô tuyến điện, nhập ngũ bộ đội truyền tin xung phong lên hạ Lào , bị bệnh thương hàn, chết trong rừng mưa nhiệt đới bạt ngàn, mồ mả thất lạc. Đó là hai đoá hàm tiếu hiến tế cho công cuộc giải phóng dân tộc.
Năm 54 hồi cư về Hội An, tôi học đệ nhất trường trung học Trần Quý Cáp. Chưa có trường mới, phải học tạm tại ngôi đình nằm trên con đường dẫn xuống Cửa Đại, không rõ có phải đình Cẩm Phô hay không? Tôi ở trọ nhà bác Thị Bá, bạn của ba má tôi. Nhà ngay trước chùa sư nữ, tôi thường mang sách vở qua chùa ôn bài. Trong nhà có anh Đoàn Công Lý lớn hơn tôi mấy tuổi học lớp đệ tứ năm đó thi đỗ thành chung và bạn học của tôi là Đoàn Công Lệ, một anh chàng rất hiền. Lấn đầu tiên tôi có được cây đàn ghi ta, đi đâu cũng đem theo. Tôi học đàn học hát ngày đêm chỉ cốt được đàn hát cho em nghe. Tôi học với em một lớp. Em họ Khưu , một họ người Minh Hương, người Hoa hoặc lai Hoa. Chắc cũng mười bốn mười lăm, em nhỏ nhắn ngây thơ lắm. Tôi chẳng có kỷ niệm riêng tư gì với em cả, giờ đây hỏi đến chắc em khônoắnh trên đời lại có người ấy . Tôi đã quên gần như tất cả chỉ còn nhớ lại hình ảnh về em lúc nào cũng jupe trắng, áo len đỏ, nón vải rộng vành với mấy chùm hoa tử vi màu hồng li ti nhô lên sau bức tường cũ kỹ loang lỗ nhà em . Em mãi mãi cứ thế ở trong tôi nhiều năm. Em có chỗ riêng không hề phai tàn như một đoá hoa thời cổ đại bị chôn vùi trong lớp băng thiên niên vạn cổ. Trong hồn tôi em là đó hoa hàm tiếu đông cứng và còn tươi nguyên như cách đây 40 năm. Thật khó đặt tên cho cái thứ tình cảm này. Là tình cảm của một cậu con trai mới lớn nhưng không phải là tình yêu, nó nhẹ nhàng hơn, trong sạch hơn, mong manh hơn . Cũng không thể gọi đó là tình bạn, chúng tôi chưa từng là bạn của nhau. Nó chỉ là thứ của riêng tôi, mới mẻ đầu đời, nó thoang thoảng, mong manh, mơ hồ, nằm giữa hư và thực, thế nhưng nó lại bền bỉ vô cùng .Trong 40 năm ấy, đời tôi bao nhiêu là thăng trầm biến chuyển. Tôi đã yêu, đã hạnh phúc, đã khổ đau. Những cuộc tình say đắm, ồn ào, rực lửa, quyết liệt, chán chường , mệt mỏi…chẳng xoá mờ được kỷ niệm đầu đời nhẹ như làn hương.
Và cũng mới đây thôi, tôi tình cờ biết em vẫn còn ở Hội An. Đối với tôiHội An đã là tình yêu rồi, nay Hội An còn có em nữa làm sao tôi chịu đựng được sự thôi thúc trở về. Và tôi đang ở trên cổ máy làm cuộc du hành ngược thời gian trở về. Chỉ vài phút nữa tôi sẽ đặt chân lên vùng châu thổ kỷ niệm.
Hội An rất lạ, ai đã từng sống ở đó khi xa đều yêu mến nhớ nhung, thế nhưng chẳng có mấy người chịu quay về sống lâu dài với Hội An. Hội An giống như cô gái nhan sắc số truân chuyên. Ai cũng mê nhưng không có ai chịu ăn đời ở kiếp. Người Hội An tứ xứ gặp gỡ nhau đều nhắc đến món ăn tiêu biểu nhất là món cao lầu. Tôi từng hỏi vì sao chỉ Hội An mới có món cao lầu? Nguyên liệu làm ra nó có ở mọi nơi như là gạo, tôm, thịt, tại sao những nơi khác không làm được? Người ta nói chỉ có thứ tro đặc biệt đốt bằng cây rừng ở ngoài cù Lao Chàm hồ với bột xay bằng gạo đỏ trên cánh đồng Thanh Hà, đem tráng thành thứ bánh ướt dày như mo cắt ra thành sợi vừa to vừa dày vừa cứng, gọi đùa là mì gỗ. Loại mì này nồng nồng mùi đặc trưng của caolầu. Sau này tôi biết nước tro có chất xíu, nó có thể hồ hoá những loại tinh bột. Ngày trước, buổi sáng má tôi thường nấu cháo nếp với vài muổng nước tro lóng trong, cháo hoá thành màu hồng, béo ngậy và thơm, ăn với cá bống thệ kho khô rất tuyệt! Dân Hội An mang theo mình món ăn cao lầu ông Cảnh, bún bò bà Chỉ… như di sản quê hương …
Tôi vừa xuống xe. Bến xe cũng rất đúng với phong cách người phố Hội, vắng vẻ, lèo tèo vài ba chiếc xe đò cũ kĩ. Xôn xao nhất vẫn là mấy anh chàng xe đạp thồ lao tới đón khách bằng cái thứ tiếng Quảng Nam nguyên chất. Tôi leo lên xe bảo đi quanh phố, cuối cùng tới cao lầu ông Cảnh .
Ông Cảnh mất đã lâu song cháu ông vẫn lấy tên ông để bảo đảm chất lượng, truyền thống. Hiệu ăn là một ngôi nhà ngói thấp theo kiểu rất cổ, nơi khác không còn có loại nhà này. Cửa ra vào làm theo cách mở rộng để đón khách là hàng cửa gỗ nhiều cánh ráp lại, phía trên có hàng song tiện tròn kiểu chuỗi hạt cho ánh sáng và gió đi vào nhà. Bên trong nhiều cây cột gỗ mít đánh lá chuối khô vàng bóng đặt trên mâm đá tròn cham hình sen nở, chống cái sườn gỗ đỡ mái ngói vảy cá, trên mái rong rêu và một vài loại cây nhỏ mọc như một cái vườn treo màu xanh. Giờ đây tôi đang ngồi trước tô cao lầu ông Cảnh “chính hiệu con nai vàng”. Hiện thân của niềm ao ước tuyệt vời của người xa quê. Tôi ăn, ăn thật chậm, cố cảm nhận. Cả năm giác quan mở ngỏ, lắng nghe. Không có gì đặc biệt như tôi đã mong đợi. Tôi hơi có chút thất vọng. Tại sao? Phải tìm cách giải thích. Tôi như thấy mình lên chiếc xe chạy ngược thời gian với tốc độ kim đồng hồ quay ngược nhanh như chong chóng, và những tờ lịch ngày tháng năm rơi lả tả như lá thu. Này đây tôi đã hoàn nguyện, ấy là một cậu bé, tôi ghé lại bến sông đời lúc sáu tuổi. Chiều thứ bẩy ba tôi không phải đi dạy, thường dẫn tôi tới trường gà ông Dượng. Người lớn xem chén rượu nếp có dán mảnh giấy quyến căng như mặt trống bên trong chứa chất rượu nếp ngọt sánh, nồng nồng mùi rượu. Chiều trở về nhà còn được bà cô cho quả ổi xiêm rất lớn. Ba con tôi về đến nhà thường trễ bữa cơm, phải tới caolầu ông Cảnh “kéo ghế”. Thuở ấy tôi thấp bé lắm, tôi ngồi ghế phải nhớm người lên mới hít được hương thơm tô cao lầu… Giờ đây tô cao lầu Hội An trước mặt, sao tôi không thấy thơm tho ngon lành gì cả, tôi mất cả hứng thú? Tôi giận nhất là cái lưỡi của mình. Nó dám chê bai, dám phủ nhận quá khứ ?An. Cao lầu ông Cảnh thứ thiệt. Sự việc cũng thật đơn giản, sao tôi không thấy ? Bao nhiêu năm qua tôi nếm đủ thứ của ngon vật lạ khắp nơi, sơn hào hải vị, cao lâu tửu điếm…đã chán chường, cộng thêm lớn tuổi ăn uống cũng khó hơn. Cái món cao lầu thô sơ đạm bạc của quê hương nhỏ bé tội nghiệp này làm sao địch nổi ? Chính tôi có lỗi, vì yêu quá, kỳ vọng quá nên đã gởi gắm bao nhiêu hy vọng vào một món ăn dân giã địa phương rẻ tiền. Nó chỉ có thế và được thế đã là may .
Trong giây phút, tôi lưỡng lự, có nên gặp lại em hay không ? Món ăn cao lầu là thứ chẳng thay đổi theo thời gian mà còn thế huống gì là em. Em không thể đứng mãi ở tuổi mười lăm. Tôi ra bến xe mua vé trở về. Khi xe sắp lăn bánh tôi lại đổi ý. Đã đi sáu trăm cây số đến đây rồi sao không gặp ? Tôi đủ can đảm chấp nhận tất cả sự thật, sự tàn nhẫn của thời gian, tất cả mọi người đều phải già nua xấu xí, có gì thất vọng ?Tôi xuống xe trước sự kinh ngạc của bác tài. Tôi đi bộ đến phố tìm đường đến nhà em, chỉ cần đi một đoạn tôi biết đúng con đường cũ, con đường ngày xưa hai buổi đến trường. Tôi bước đi trên lớp gạch cổ, to bảng, hình vuông rất dày đã mòn trũng theo năm tháng. Đây rồi, tôi đứng trước vòm gạch vôi rất cũ có đôi cánh cửa gỗ khép kín. Tôi vẫn còn ngần ngại chưa dám gõ cửa. Tôi nhón gót nhìn qua bức tường rêu phong cũ kỹ nhiều chỗ vôi vữa vỡ ra trơ xương gạch. Ngày xưa tôi thấp bé, mỗi lần đi học ngang qua đây đứng ngoài nhìn vào chỉ thấy mấy cành lựu hoa đỏ như son và tử vi hoa màu hồng li ti phất phơ trong gió. Bây giờ tôi cao hơn đứng bên ngoài có thể thấy, khoảng sân sỏi nhỏ,vườn cây và cả ngôi nhà .
Tôi hồi hộp nhìn vào thì trời ơi. Tôi giật thót người. Em jupe trắng, mũ vải trắng rộng vành, áo len đỏ, hai tay ôm chiếc cặp da thẩn thơ trong vườn. Em đây sao ? Sao lại có chuyện kỳ dị phi thường thế này ? Hình bóng em chẳng có gì thay đổi sau hơn bốn mươi năm. Tôi đang còn hoang mang thì nghe tiếng guốc gõ lóc cóc trong nhà, tiếng chìa khoá lớn tra vào ổ khoá hàng cửa gương ở phòng khách, và tiếng một người phụ nữ lớn tuổi :
-Diệu Hồng ơi ra mở cổng cho khách. Có ai lấp ló nhìn vào nhà mình kia kìa! Rồi cháu đi học đi, đến giờ rồi .
À thì ra cô gái thẩn thơ mười lăm trong vườn là cháu của em. Tôi giật mình hỏi : Hành động sao đây ? Có nên vào không ? Trong khoảnh khoắc tôi trả lời ngay:”Không ! Không ! Sự thực phơi bày ra như thế đủ rồi…”
Xa Hội An hơn bốn mươi năm nay trở lại Hội An không đầy bốn mươi phút. Tôi cho là may. Tôi đã hành động đúng, vào phút chót kịp thời từ bỏ ý định điên rồ phiêu lưu tìm lại những cái không thể tồn tại được . Thôi cứ để em và Hội An sống trong tâm tưởng của tôi, nơi chốn ấy khoang thời gian và cuộc đời không chạm tàn phá được .