main billboard


Chàng xán vào mặt tôi một cái tát, giữa trưa nắng. Cả nhà lặng ngắt như tờ...

danh-vo
Trên sân khấu cải lương, những cơn giận dữ, những cuộc cãi cọ đều có âm nhạc phụ họa. Trong nhiều năm, tôi đã quen như thế. Khi hai diễn viên to tiếng, xô xát, thì nhạc nổi lên hỗn loạn dồn dập. Cứ tăng gấp cho đến khi nhát gươm kết thúc vừa hạ xuống thì nhạc sĩ chụp cả hai tay xuống dương cầm cùng một lượt với tiếng thanh la đánh “xoảng” một cái.


Cũng có nhiều khi tôi bị đánh trên sân khấu. Nữ diễn viên có thể bị một tát tai chẳng hạn, bị một người đàn ông đánh. Khi ấy, cái tát vừa giáng xuống thì người phụ diễn dương cầm dùng ngón tay cái, trở ngửa ra, quẹt ngón tay xuống các phiếm đàn suốt từ đầu này tới đầu kia, làm vang lên một tiếng hú ngân dài ghê rợn. Lập tức tôi gục xuống, bưng đầu lắng nghe cái dư vang của hành động vũ phu lan nhanh chóng sự xúc động ra khắp cả hí trường. Sau đó, tôi mới bắt đầu tức tưởi.

Tôi đã quen như thế rồi. Bởi vậy trưa hôm đó lần đầu tiên chàng đánh tôi, tôi hoảng sợ hết sức. Chàng gây sự giữa trưa, sau bữa cơm, lúc đáng lẽ chúng tôi sắp sửa đi ngủ. Chàng xán vào mặt tôi một cái tát, giữa trưa nắng. Cả nhà lặng ngắt như tờ. Nắng bốc khói trên mái ngói. Tôi điếng người, thất lạc.

Má tôi vẫn nghi ngờ từ lâu. Năm ngoái, thằng em tôi đi học bị xe buýt cán, đưa vào nhà thương Saint Paul, tôi về thăm. Ðáng lý ra tôi ở lại săn sóc nó chừng một tuần lễ. Nhưng sau hai ngày, tôi thưa với má xin về. Bà nhìn tôi rồi tỏ vẻ buồn, không nói câu gì để cầm tôi lại cả. Tôi có lý do để cải chính một ý nghĩ trong đầu bà: “Chị ở vừa mới nghỉ việc mà anh ấy đau bụng chưa khỏi hẳn. Ăn uống ngoài tiệm mãi không tiện.” Má tôi không cãi. Tôi không chịu được như thế: bà tỏ ra hiểu nhiều quá, hiểu trường hợp gia đình tôi, hiểu cả cái ý ngầm trong lời cãi bướng của tôi. Bà biết rằng lý do tôi nêu ra là không đúng sự thực, nhưng bà nhường nhịn. Ðã thế, tôi quyết định ở nán lại một hôm nữa cho bà xem. Ðêm ấy má tôi nói lấp lửng nửa chừng: “Thằng Ba, độ này... Con liệu rồi ra sao?... Nghe nói hồi trước ông tổ thúc của nó, một ông tổ thúc nào đó, cũng có tánh hơi kỳ cục.” Chuyện đó tôi biết rồi, trước khi má tôi nói: một ông tổ thúc của chàng có chứng khùng. Tôi còn nghe nói trong dòng dõi chàng không phải chỉ một ông tổ thúc ấy: cứ cách đôi ba thế hệ lại xen vào một đầu óc bất bình thường.

Còn liệu ra sao? Sao má có thể hỏi tôi như thế? Bất bình thường, tiếng đó gợi ở người ta một cảm tưởng khác mà ở tôi một cảm tưởng khác. Má từng làm vợ, sao má không biết? Một người đàn ông đã ăn ở với mình, không có danh từ nào diễn tả, đủ sức diễn tả được người ấy hết. Một tiếng nói: đơn giản, nghèo quá. Người ấy tự vẽ ra khuôn mặt độc đáo của mình bằng cuộc sống hằng ngày, cuộc sống mà càng tiếp xúc thân mật càng thấy nó rắc rối, ly kỳ. Thấy má tôi tỏ vẻ e dè trước tiếng “khùng”, tôi buồn cười. Tôi muốn bảo: Má bị gạt đó; ban đêm có kẻ treo sợi dây trắng trong xó tối làm má sợ hãi, con nắm sợi dây giật cho má xem, không phải rắn đâu.

Tôi biết tính chàng khác thiên hạ chứ. Nhưng thường thường không phải chàng không có lý. Tôi đã nghe theo ý chàng bỏ hát cải lương ngay từ hôm nhận lời lấy chàng, rồi sau tôi thôi làm điện thoại viên, sau đó tôi xin nghỉ việc luôn ở sở, không làm gì nữa cả, chỉ ở nhà với chàng. Cũng không có gì đáng ân hận.

Lần đầu chàng gây chuyện rắc rối ở sở vì tôi thật là khiếp. Tôi ngượng hết sức. Tôi xấu hổ vì chàng. Quanh năm không hề xảy ra một trường hợp như thế. Nữ nhân viên ở sở có tới mười bảy mười tám người, chưa bao giờ tôi thấy chồng họ ghen tới sở làm dữ như thế. Chàng đón Mạc ngay trước cổng ra vào. Thoạt đầu Mạc không nhận ra: “Ông hỏi ai?” – “Tên Thạc”. Mạc lạnh lùng: “Không có ai tên Thạc ở đây.” Ðồng thời Mạc vừa trông thấy bộ dạng tôi sau lưng chàng, và chợt hiểu. Sự lầm lộn không làm chàng bối rối. Chàng chữa lại: “Tôi cần gặp tên Mạc.” – “Ông nên lễ độ. Ông là ai?” Chàng quay lại hỏi tôi: “Nó đây hả?”, rồi bảo Mạc: “Tôi là chồng người này”. Mạc phân trần với mấy người xúm lại: “Buồn cười nhỉ”. Chàng nổi giận ngay: “Mày không được nói thế. Mày đã biết không phải chuyện buồn cười”. Chàng vung tay thẳng ra; nếu Mạc không theo, chắc chắn chàng đã thộp ngực lôi đi.

Cuộc cãi cọ thật kinh khủng: “Mày mấy lần định rủ vợ tao vào tiệm”. Mạc không vừa: “Ðịnh là thế nào?” – “Muốn lý sự lấp liếm phải không?” – “Tôi nói cho ông biết: ông không được hàm hồ. Tôi lấp liếm cái gì mới được. Tôi không rủ vợ ông, tại sao ông biết tôi định rủ. Tôi định rủ cái gì, làm sao ông biết được?” Chàng vụt chỉ tay vào trán Mạc: “Năm giờ chiều thứ bảy tuần trước, ngay trước cửa Brodard, mày xun xoe tán tỉnh, cố mời...” Mạc vờ nghĩ ngợi: “Thứ bảy trước... tôi có ở Brodard không nhỉ?” Chàng chận lời sấn sổ: “Quên hả? Làm bộ quên hả? Chính mày, mày nói: Chị cho tôi cái hân hạnh được mời chị một lần, không thể nào quên được hôm nay!...” Mọi người cười ồ. Mạc đỏ mặt. Trời ơi! Chàng không giữ gìn chút nào, chuyện gì chàng cũng có thể nói ra được. Tôi thẹn muốn chết.

Tại cái tính quá ngay thẳng của chàng như thế mà tôi hóa ra lẩn thẩn. Mấy con bạn ở sở cho tôi dại. Chúng nó bảo nhau sau lưng tôi: Ai lại cái gì cũng đem về mách với chồng, chồng thì ghen như vậy mà chuyện vu vơ ở đâu cũng đem về thuật lại.

Một lần chàng đánh tôi sưng vêu cả mặt, má tôi sang thăm. Bà không hỏi đầu đuôi ra sao hết; tự nhiên lúc hai mẹ con ngồi tỉa rau muống bà bảo: “Ðối với đàn ông, có chuyện nên nói mà có chuyện không nên nói ra. Không phải khai hết mà người ta thêm tin mình đâu.” Ai đã mách gì với má tôi? Bà có nghe chúng tôi cãi cọ nhau đâu. Bà biết nhiều quá, cái gì bà cũng biết.

Khổ một điều: biết thế không phải là biết. Tôi kể lại với chàng chuyện nọ chuyện kia đâu có phải để chàng thêm tin cậy, đâu có phải tôi dại! Nhưng hãy sống như tôi thử coi. Thế giới chúng tôi chỉ có hai người. Chàng chỉ biết có tôi, và không cho phép tôi giao du với ai. Mỗi một vết bùn bắn lên tà áo của tôi chàng đều biết rõ, chúng tôi bàn bạc với nhau bao giờ kết lại cái khuy áo, hôm nào mua cái gót guốc vừa bị rơi mất, và mua ở đâu. Tôi để hai giọt mực tím rơi trên áo, thứ mực khó tẩy quá, chàng vừa giặt áo giùm tôi, vừa la um lên, không kể bên hàng xóm có ai nghe không. Chúng tôi sống như vậy. Tối tối, hôm nào không đi chơi đâu, chàng nằm đọc báo, bắt tôi ngồi bên cạnh. Thỉnh thoảng chàng đưa bàn tay nắm lấy chân tôi. Chàng bẻ thử vài ngón chân tôi kêu lắc cắc. Chàng sờ lần lên, nắn nắn bắp chân. Rồi chàng nắn lên cao hơn. Chúng tôi sống với nhau như vậy. Chúng tôi sống cận kề, sống mật thiết với nhau từng giờ từng phút, mật thiết từ thể xác đến tinh thần. Tất cả đều phơi bày ra với nhau, giải tỏ cho nhau, không chỗ nào che giấu. Gần nhau, trọn vẹn cho nhau. Giây phút nào cùng có thể đụng chạm vào bất cứ chỗ nào trong người và trong tâm sự nhau. Chàng lục soát những cảm nghĩ hàng ngày của tôi cũng như lục soát mọi ngóc ngách châu thân tôi. Lục soát tự do và tự nhiên, hồn nhiên. Lục soát một cách thân mật, ân cần vô tội. Chúng tôi gần như thường xuyên lẫn lộn, không phân biệt thân thể nào là của chàng và thân thể nào là của tôi, không phân biệt đến đâu là nội tâm của chàng và đâu là ranh giới sinh hoạt riêng của tôi. Chúng tôi như thể ở hai căn phòng thông cửa với nhau, và thường xuyên qua lại tự do. Dần dần tôi cảm thấy chúng tôi không sống khác được. Má tôi không thấy thế.

Nghĩ coi: trong thế giới của tôi có ai nữa đâu, ngoài chàng. Chuyện thực, chuyện mơ, tôi đều chỉ có chàng để nói. Cả đến những điều ước nguyện, đáng lẽ chỉ khấn vái lên các đấng thần linh, tôi cũng chỉ có thể nói với chàng.

Má tôi ái ngại, cho tôi là con bé ngốc nhất trong mấy đứa con gái của bà. Bà có vẻ thất vọng. Những lời nói xa nói gần không có hiệu lực như bà mong muốn. Nhưng má bảo khi có người đàn ông liếc tôi, mỉm cười với tôi, khen gót chân tôi đỏ và cổ tay tôi tròn, tôi kể những chuyện đó với ai? Với má sao? Những chuyện đó đều là những cái mà một người con gái không thể bỏ qua, không quên được, má biết. Những cái đó phải nhớ, phải nói lại với một người nào. Má nhìn mặt mày tôi sưng lên, bầm tím. Tôi thẹn với má: cuộc sống của chúng tôi lắm khi quả có vẻ không ổn, không tiện trình bày trước mọi người. Nhưng tôi phải sống cuộc sống của chúng tôi. Má nên biết xa hơn cách biết của má.

Tôi đi đến sở nào, ông chủ sở đó cũng nhận được đơn khiếu nại của chàng. Lũ bạn thì nó hiểu quái gì sâu xa. Chỉ giỏi cười với nhau. Chàng kêu kiện, yêu cầu chủ sở thuyên chuyển người này vì chọc ghẹo tôi, cảnh cáo người kia vì có “hành vi mất dạy”, yêu cầu giữ tiếng tăm cho sở vì một ông trưởng phòng “có máu băm lăm đang bôi nhọ sở” v.v... Chủ sở mời chàng, chàng đến, bao giờ cũng vững vàng, đầy tự tin. Chàng trưng ra bằng cớ. Phần nhiều đều xác đáng, tôi biết thế, bởi vì do tôi cung cấp. Nhưng lần nào người ta cũng có lý để cười chàng. Tôi công nhận: ngay những khi chàng nắm lẽ phải trong tay, chàng cũng vẫn có cái gì không thích hợp, trong lời nói, trong cử chỉ. Nhưng đáng lẽ người ta nên hiểu chàng xa hơn cái bề ngoài đó chứ.

Chàng ghen quá trời. Nếu chúng tôi giàu có, đủ của cải để ăn trọn đời, suốt ngày chàng không phải đi làm gì, chỉ ngồi ôm riết tôi thì có lẽ vẫn chưa đến nỗi. Khổ, chúng tôi không giàu. Tôi đã thôi việc tất cả các nơi rồi, chỉ còn ở nhà lo việc bếp núc. Nhưng chàng còn phải đi làm, tôi còn phải đi chợ. Ðã đành khi chàng đi làm thì chàng khóa cửa lại, khi tôi đi chợ thì chàng chở bằng xe gắn máy và đến chợ chàng đứng cách một quãng gần nhìn theo tôi. Tuy nhiên vẫn có điều bất trắc. Có những người đàn ông đi ngang qua bỗng vứt mẫu thuốc sát bên chân tôi. Chỗ đông đảo có những người cưỡi xe bóp hai ba tiếng còi liền sau lưng tôi.

Chàng hành hạ, làm tội tôi quá đáng, đến nỗi sự chịu đựng của tôi làm má tôi bất bình: “Con điên rồi.” Thật vậy, có lúc tưởng như tôi và chàng cùng điên: chàng ghen với cậu ruột tôi và với chú ruột chàng. Sau cùng chàng chém tôi vì ba tôi. Tới đó má tôi không chịu được nữa. Chàng xúc phạm nặng nề quá, không thể tha thứ. (Tuy vậy về phía chàng tôi biết chàng đã kiêng nể lắm, kìm hãm mình lắm. Chàng đập vỡ cánh cửa lá sách và mặt tủ gương là vì chàng cố gắng để tránh khỏi đánh ba tôi). Tới đây, tôi cũng nhận rằng chúng tôi không thể ăn ở với nhau được nữa.

Thật là buồn.

Tôi vẫn tự hỏi mãi sở dĩ chàng mỗi ngày mỗi ghen thêm, chứng ghen tăng lên tới mức vô lý, bệnh hoạn, điên dại, chuyện đó có phải phần lớn do tôi chăng. Những điều tôi kể hàng ngày thành ra một kích thích thường xuyên làm hại chàng. Dầu sao trong sự ghen tuông của chàng, sau cùng, có tính cách gì quái đản. Ðối tượng, người đàn ông đáng ngờ nọ, thành một ám ảnh vô hình. Nhiều trường hợp không thể chỉ rõ người đó đâu cả. Không trông thấy gì. Chúng tôi vẫn luôn luôn phập phồng. Nó lẩn khuất đâu đó. Có thể ở bên tả, bên hữu, ở cách một cánh cửa sổ, một bức vách, sau gốc cây trước mặt đường kia, hay thường trực ở trong bóng tối mỗi đêm quanh nhà... Ai biết được? Ðó là một thứ ma. Không khí nhiễm đầy lo sợ, thảng thốt. Một lần chúng tôi dời nhà từ bên Thị Nghè qua xóm Lò Heo, quá cổng xe lửa số 6, chị bạn láng giềng biết con đường nhà mới tôi sẽ đến ở, nhưng chưa biết số nhà. Ðến hôm dọn nhà chị muốn hỏi để sau này có dịp sang thăm, tôi cũng muốn báo cho chị biết nhưng cả hai sợ chàng, không dám hỏi nói gì cả. Sau rốt, sắp lên xe, tôi quặt một bàn tay sau lưng, xòe ngón tay ra dấu: ba ngón, hai ngón, bốn ngón. Số ba trăm hai mươi bốn. Hai chị em bạn, hai người đàn bà, liên lạc với nhau như thế, như có một bí ẩn đe dọa đang rình rập số phận chúng tôi. Tôi còn lo ngại kẻ địch thủ kia đến thế, huống chi là chàng. Làm sao chàng không sợ? Chúng tôi trót sa vào tình trạng như thế. Cho nên đến lúc không thể cùng ở với nhau nữa, tôi hiểu việc đáng tiếc không do cả ở chàng đâu.

Dĩ nhiên là chàng cộc cằn, chàng đánh tôi như một tên lính tẩy say rượu, chàng đập tủ đập cửa, chàng vác búa vác dao đòi đâm cậu tôi. Dĩ nhiên là ít có người hung dữ như chàng. Nhưng má tôi chỉ biết thế, má không biết những lúc khác của chàng.

Những hôm cùng đi xi-nê với tôi, xem xong, ra cửa, chàng đi ngoặc ra sau đến chỗ gửi xe để nhận chiếc xe véc-pa, trong lúc ấy tôi đi trước mấy bước, lựa chỗ đứng khuất một cột đèn, một gốc cây, chờ chàng dắt xe ra. Chàng đưa xe ra đến lề đường, ngừng lại, đảo mắt tìm tôi. Không ai có thể được như chàng lúc ấy. Một vẻ lo lắng, rất kín đáo, và nhất là hết sức bình tĩnh. Người trong rạp đổ ra tấp nập; giữa đám đông ấy một người đàn ông kín đáo tìm đợi, săn sóc mình. Lúc đó tôi yêu chàng, say mê chàng. Chàng dịu dàng một cách tế nhị. Người đàn bà nào lại không muốn tự phó thác vào một kẻ đàn ông cương nghị vững vàng như vậy, mà dành cho mình một cảm tình chắt chiu tế nhị như vậy.

Chàng thích xi-nê. Tuần nào tôi cũng đi xem với chàng đôi ba phim. Các rạp ở Sài Gòn – Chợ Lớn chúng tôi đều có tới hết. Trong bóng tối có nhiều trường hợp phức tạp, tuy nhiên chỉ có những lúc bắt buộc đi tiểu tôi mới thiếu sự bảo vệ của chàng. Tôi chuẩn bị trước, tôi cố tránh. Tôi quen rồi, rời xa chàng tôi lo lắng, sợ hãi.
Một lần ở trong rạp có người kêu: “Lựu đạn”, ai nấy xô nhau chạy. Chàng không có vẻ lực lưỡng hơn ai, nhưng hôm đó chàng bình tĩnh đương đầu để giữ tôi một cách can đảm đáng phục. Sự hy sinh của chàng giản dị, không có một chút phô trương.

Nhưng chàng không để yên cho tôi yêu chàng. Chàng có những lúc cộc cằn vô lý hết sức. Một hôm, buổi trưa, chúng tôi cao hứng. Xong, tôi vào buồng tắm. Tôi ngồi trong đó hơi lâu. Nằm ngoài, chàng nghe rao đậu hũ, mở cửa mang ly chạy đi mua. Nghe tiếng chân chàng trở vào, tôi vội vàng mặc đồ cho nhanh, sắp mở cửa ra với chàng và có sẵn câu nói đùa với chàng. Tôi yên trí là chàng vui vẻ, chúng tôi đang sung sướng.
Bỗng nhiên chàng nổi lên quát mắng ầm ĩ, chửi rủa tục tĩu. Chàng vừa trông thấy hai ba tờ bạc rơi rớt trên mặt gối, chàng cho là tôi bừa bãi không ngăn nắp. Tôi bước ra, ngó qua một cái, biết ngay đó là bạc do chính chàng đánh rơi trong khi lấy vội đi mua đậu hũ. Nhưng tôi không buồn cãi lại.

Sao chàng không biết lúc ấy tôi đau khổ tới bậc nào! Trong những trường hợp như thế tôi cầu cho chàng có một chút tinh ý. Mới trước đó mấy phút chúng tôi thân mật đến thế, sao chàng “trở mặt” nhanh vậy? Chàng không thấy trong thái độ ấy có cái gì làm cho sự chung đụng vừa rồi có tính cách thú vật? Tôi khổ sở hết sức. Chính vì chàng mạnh mẽ, có nghị lực, chàng biết kín đáo, mà tôi không chịu được sự thiếu tế nhị đó. Trời, trong con mắt chàng bấy giờ chỉ có sự hằn học, sự hằn học hung hăng dữ tợn.

Chỉ do một nguyên nhân sinh lý? Sau đó, đàn ông mệt nhọc, thường sinh gắt gỏng, cằn nhằn? – Cũng có thể như vậy. Nhưng ở chàng cái gì cũng quá độ.

Tôi không thể tiếp tục sống với chàng vì chàng không biết ngừng lại ở chỗ phải ngừng. Ðiên với thường, khác nhau ở đó... Ðể cho cảm xúc, hành vi, vượt một lằn ranh giới nào đó là điên. Nhưng khi nó chưa vượt, mà nó sát tới ranh giới thì là một hấp dẫn. Má tôi đã biết tôi quen chàng và chọn chàng là trong một trường hợp chàng tỏ ra độc đáo, “khùng khùng”, như thế.

Tôi gặp chàng lần đầu vào một đêm ba mươi Tết, gần giao thừa, ở chợ Tân Ðịnh. Nhà tôi gần chợ. Tôi tính ra chơi, coi cảnh chợ tàn cuối năm lúc ai nấy lo xếp dọn các sập hàng, và nếu dưa có rẻ thì mua thêm mấy trái. Thường dưa hấu từ trưa hôm đó đã lo bán gấp rồi. Còn chàng, chàng đi đâu tới chợ vào lúc ấy? Chỉ biết tôi lựa dưa được một lúc thì có cảm tưởng bị ngắm trộm. Tôi kín đáo liếc mắt xem thử: quả thực. Nhưng người ngắm không trộm lén gì hết. Chàng nhìn tôi chòng chọc. Tôi sang hàng khác, chàng theo. Mua được hai quả dưa xong, tôi ra về; chàng lại theo. Thình lình tôi dừng lại chờ. Chàng vừa đến gần, tôi hỏi đột ngột:
– Tại sao ông nhìn người ta mãi vậy?

Chàng hỏi lại:
– Cô muốn biết, thiệt không?

Vẻ mặt và địêu bộ chàng rất thản nhiên, không có ý gì tỏ ra định trêu ghẹo. Bởi vậy tôi lúng túng chưa kịp nói sao. Chàng liền bảo:
– Ý tôi muốn biết cô hỏi để hiểu thái độ tôi, hay cô muốn... nghĩa là muốn đuổi tôi.

Tôi cười:
– Tôi muốn biết ý định của ông.

Chàng nhìn tôi kỹ trước khi nói:
– Tại vì cô đẹp. Không, không, tôi phải cắt nghĩa. Nghĩa là có rất nhiều cách đẹp, có một nghìn vẻ đẹp khác nhau, nhưng vẻ đẹp của cô đúng vào tiêu chuẩn thẩm mỹ của tôi. Cô thấy thế nào? Cô nên biết không dễ dàng tìm thấy một kẻ đáp ứng đúng cái mỹ quan của mình đâu. Mỗi người đưa cái mỹ quan của mình ra, như ông hoàng tử đưa một chiếc giày tiên, cô nào xỏ chân vừa vặn... Ðó. Cô có nhớ là bao nhiêu con gái khắp nước xỏ chân đều không vừa, con Cám mới vừa...

Chàng đang nói ngon trớn, tự dưng ngừng lại, ngoảnh lại chờ tôi. Tôi bảo:
– Ông nên nhớ không có ai ở đây định xỏ chân vào... cái... cái...

– Cái mỹ quan của tôi? Cô nhiều tự ái lắm. Ăn thua gì chỗ đó. Tôi chịu nhường đi. Tôi nhận là tôi thích cô, chứ không phải cô... chú ý tới tôi. Nghĩa là từ hồi nào tới giờ tôi chưa trông thấy ai đúng vẻ đẹp tôi thích như cô.

Dĩ nhiên là tôi sung sướng. Nhưng thái độ của chàng làm tôi tò mò:
– Ông nói thiệt chứ?

Chàng bật cười hồn nhiên:
– Ủa, tôi nói nịnh cô tôi được cái gì chớ?

– Có lẽ không.

– Ðó. Tôi nịnh làm quái gì. Mà cô nên biết: có được gì tôi cũng không nịnh đâu. Tánh tôi vậy đó: tôi không nói dối cho dễ nghe bao giờ... Cô đi mau vậy? Thường thường cô đi mau vậy hả? Không phải chạy trốn tôi đó chứ...? Tốt, tốt. Bây giờ, xin phép cô, tôi hỏi thiệt tình: cô, cô thấy tôi ra sao?

Tôi cười rũ. Chàng thúc dục. Tôi bảo:
– Vậy vậy.

– Vậy vậy là thế nào? Cô lười biếng. Cô cố gắng thử coi. Cô nhìn tôi đi, lúc nào tới giờ cô đã ngó thấy tôi đâu, cô trông qua tôi một chút rồi nói thiệt coi. Không có gì đặc biệt hết sao?

– Có lẽ tôi chưa thấy ra.

– Hả?

Chàng nóng nảy, nhún vai, thất vọng ra mặt. Chắc không phải thất vọng vì mình không xuất sắc, mà vì tôi “lười biếng, không cố gắng”.

Tôi phát biểu thành thực:
– Ông rất đặc biệt... Chúng tôi có hân hạnh được quen với ông. Thỉnh thoảng mời ông tới nhà chơi, có lẽ lần lần chúng tôi sẽ nhận thấy chỗ xuất sắc của ông... Nhà chúng tôi đây rồi.

Chàng lo lắng một cách buồn cười:
– Cô, cô không mời tôi vào nhà ngay lần này được sao?

– Ðược chứ. Nhưng giao thừa rồi.

Chợt nhớ, chàng phá ra cười, hơi ầm ĩ, quá lố.

Tôi thuật lại câu chuyện cho cả nhà nghe, và đêm đó tôi nhớ là ai nấy đều thích thú, không giấu cảm tình đối với chàng. Ngay cả má tôi nữa. Các chị em gái có chế giễu, nhưng chế giễu cả tôi cả chàng, và tất cả đều có vẻ mong được gặp mặt chàng. Ai nấy xúi tôi, khuyến khích tôi. Một người đàn ông đi tấn công người đẹp, và một người đàn ông sống với vợ cần những đức tính khác nhau, má cũng không để ý ngay lúc ấy. Chính má sau này đã đổi ý, đã thay đổi cách nhận xét chàng. Ngay lúc ấy tôi nêu lên cái gì, mọi người đều tha thứ, rộng rãi. Tôi bảo chàng lúc nào cũng nói: “Cô nên biết cái này, cô cần biết cái kia...” Ai cần biết gì về ông ấy chứ! Không ai thèm để ý tới sự ngớ ngẩn và độc tài của chàng. Chỉ có xúm nhau đùa, đánh trống lảng:
– Chàng không xin đỡ giúp cho chị một quả dưa à? Trời ơi, không nịnh đầm chút nào. Ðể một mình chị hai tay cầm bốn trái dưa.

Quả thật là chàng không hề nịnh tôi. Nhưng ngay từ lần gặp đầu tiên tôi đã thầm có cảm tưởng rằng sống với chàng thật dễ dàng, hồn nhiên. Giao tiếp với chàng không có chút gì quanh co hết. Thân mật với một người như thế rất là mau chóng. Mới lần thứ hai gặp nhau chàng đã đòi buộc tôi bỏ hát.

Ðối với tôi và cả gia đình, đó là chuyện động trời. Vậy mà chẳng bao lâu tôi làm theo ý chàng. Thế mới biết chàng có cá tính mạnh mẽ và lôi cuốn. Vì sau này chỉ có mình tôi sống với chàng nên những người khác mới sớm thấy cái vô lý, cái điên của chàng. Nếu tất cả đều tiếp tục sống bên cạnh chàng, sự nhận định của mọi người trong gia đình sẽ bớt cách xa ý kiến của tôi.

Ðã đành là không thể nào ăn ở với chàng được nữa. Bất cứ ai cũng không thể sống nổi với chàng, bây giờ. Không ai còn trách tôi được. Nhưng mọi người đều dứt khoát về chàng, tôi lại không.


Tôi đi làm trở lại thế này tức là đã quyết định không còn trở về với chàng. Chàng không thể dung thứ được tình trạng này từ lâu. Nhưng phải vậy, biết sao. Lần hồi rồi phải đến đó, làm thế nào khỏi. Tôi có con phải nuôi; không ở với chàng, không ở với ba má tôi, tôi phải đi làm việc kiếm tiền.

Hồi trước, khi chàng chưa cấm tuyệt đi làm, có độ sở bảo tôi làm điện thoại viên. Gác điện thoại một buổi tôi được nghỉ một buổi. Tôi thích như vậy, mình có trọn một buổi ở nhà. Nhưng chàng có một lập luận: điện thoại viên con gái là chỗ hứng đón những câu tán tỉnh tứ phương. Làm quen với một người chưa biết mặt mũi là một câu chuyện lãng mạn, ai cũng thích. Tán gái bằng điện thoại là cách tán ít nguy hiểm nhất.

Dĩ nhiên tôi vội xin thôi. Nhưng mấy tháng sau máy điện thoại vẫn còn là một đề tài thu hút sự tò mò của hai chúng tôi. Chúng tôi bắt gặp và để ý đây đó những tin tức về hình thức thông tin này. Có lần chính tôi đọc thấy và thuật lại với chàng: Ngày mà ở San Remo bên Ý có tuyết đổ bất thình lình các đường dây điện thoại tại đây bị kẹt kinh khủng. Hàng nghìn hàng vạn người xúm nhau bu cứng lấy máy để gọi đi khắp nơi trao đổi những câu đại loại:
“– Thế nào? Sáng nay ở chỗ toa trời tốt không?

– Không chê được. Nắng tưng bừng. Thế nào cũng sắp có cuộc đi dạo đây.

– Có biết ở đây ra sao không? Vâng, ở đây, chỗ moa.

– Cách năm sáu mươi cây số, sức mấy mà biết được.

– Ðoán xem.

– Mưa?

– Tuyết. Mịt mù. Khiếp lắm toa. Mới chiều hôm qua còn ấm trời. Ðột ngột...”

Cứ thế mà nói. Người nào người ấy đeo riết lấy máy mà gọi mà nói, gỡ ra không nổi. Nói với ai? Với bạn bè, bồ bịch. Nhưng nhiều nhất là các ông cụ bà cụ. Những cụ già giàu có gọi hết con cháu bạn bè, rồi gọi đến đám người hầu hạ giúp việc cũ, đến các ông chủ tiệm quen biết, đến ông lang vẫn khám bệnh cho toa, đến ông nha sĩ vẫn săn sóc răng cho mình v.v... Trời trở gió trở nắng một cái là họ gọi rối rít. Tính ra mỗi ngày mỗi người có thể tốn tới một nghìn đồng lires về tiền điện thoại, ở những khách sạn sang trọng vùng thung lũng sông Pô. Các cụ già không có những liên hệ tình cảm nồng nàn nữa, những giao du rộn rã ồn ào nữa; xung quanh họ vắng vẻ; họ cần lấp chỗ trống ấy, họ dùng tiếng khua vang của điện thoại để khuấy động khoảng trống quanh mình.

Tôi và chàng nhìn nhau, lo lắng: Ðiện thoại là như thế. Nguy hiểm biết chừng nào cho một người con gái bị đặt mình vào cái chỗ mà giờ phút nào người ta cũng quờ quạng xao xác tìm nhau. “Người ta” đây là những kẻ rảnh rỗi, ăn không ngồi rồi, quờ vào đâu là tóm lấy đó, bắt quàng lấy đó, để làm quen.

Hồi ấy, câu chuyện làm cho cả chàng và cả tôi khiếp đến mấy tháng trời. Người thứ ba, người đàn ông thèm muốn tôi, người đó không biết hắn ở đâu mà ngờ được. Hắn ập đến không biết lúc nào. Biết đâu mà ngừa? Sợi dây thép giăng ngoài trời, trước mặt mọi người, giữa đường phố đông đảo, ngày ngày ai nấy đều trông thấy, những sợi dây đó cũng là lối xâm nhập thường xuyên của hắn nữa. Chúng tôi càng ngờ vực. Mọi khoảng không trước mắt đều thành ra đe dọa.

Vậy đó mà bây giờ tôi lại đi làm điện thoại viên. Tôi hết đường về với chàng rồi.

Thỉnh thoảng một con bạn hỏi tôi về cái sẹo ở cổ tay, tôi đặt điều nói quanh co, tôi giấu, không cho ai biết đó là vết chém của chàng. Tôi muốn xóa sự liên hệ giữa chàng và tôi. Ít lâu, rồi mọi người sẽ quên, không biết đến chàng nữa. Tôi cũng quên đi cái sẹo ở cổ tay và cái sẹo ở sườn. Nếu kéo dài cuộc sống chung ít lâu nữa, sẽ có hôm nửa đêm chàng thức dậy chặt cổ tôi. Chắc chắn thế. Thỉnh thoảng báo lại đăng một trường hợp như vậy.

Tôi xa chàng vĩnh viễn là phải.

Thế mà thứ bảy tuần trước tôi trở về nhà chàng để tìm giấy tờ khai sinh bỏ sót trong tủ, trông thấy chàng, tôi khóc. Chàng mặc cái quần cụt rất bẩn, và một chiếc mai-ô rách toạc một lỗ lớn ở ngang hông. Lúc tôi vào, chàng đang nằm trên chiếc ghế vải ở phòng khách. Hình như chàng đang trò chuyện với mẹ. Từ lúc tôi bước vào chàng không nói một lời nào nữa, nằm im cho đến lúc tôi ra về.

Ðêm ấy, tôi khóc. Hôm sau, tôi đem cái mai-ô mới, lén lút đến đưa cho mẹ chồng. Không cần chàng nói ra một tiếng nào, không khí trong nhà nó quả quyết rằng chàng không có tình yêu nào khác, rằng công việc săn sóc chàng là phải của tôi.

So sánh với chàng, kẻ hoang mang bất định chính là tôi, chứ không phải chàng. Tôi không biết mình phải làm thế nào, phải yêu hay bỏ, phải quên hay phải trở lại. Còn chàng thì lúc nào cũng vững vàng: nhất định cứ yêu tôi, chỉ yêu có tôi. Ðến với chàng, tôi thấy sự việc hóa thành giản dị hết sức.

Mọi rắc rối, hoang mang, chỉ tại vì tôi rời xa chàng.

Buổi sáng tôi đến trễ chừng năm phút nhưng thấy ở sở có vẻ xôn xao. Nhiều người bu quanh máy điện thoại của tôi. Họ thử qua rồi bỏ đi. Vô hiệu. Tất cả các máy trong sở đều hỏng. Quay số 11 để gọi ban sửa máy ở bưu điện cũng không được.

Một lúc, một người được phái đi hỏi ở bưu điện vừa về cho biết vì vụ mìn nổ ở khách sạn X... hồi năm giờ sáng vừa rồi đường dây bị đứt. Ít ra là ba hôm nữa mới chữa xong.

Nếu được nghỉ buổi sáng nay, bây giờ mà trở về nhà tôi có thì giờ ghé chỗ này chỗ kia một chút. Chắc chắn tôi sẽ không tránh khỏi ghé qua nhà chàng. Ít nhất là đi ngang qua, nhìn vào. Tôi muốn biết chàng có mặc chiếc áo tôi mua. Một điều vẫn làm tôi nghĩ đi nghĩ lại hoài: tại sao chàng ăn bận tồi tệ bẩn thỉu quá vậy? Không ai lưu ý tới chàng, hay tại chàng cố ý làm thế?

Nếu tôi ghé lại nhà chàng, thì rồi sẽ còn lắm việc lôi thôi nữa. Má tôi không bằng lòng. Nhưng má không hiểu: tôi bắt đầu thấy thiếu chàng.

Chàng hung bạo? Tôi biết. Tôi biết hơn ai hết mối nguy hiểm sống bên cạnh chàng. Nhưng chỉ bên cạnh chàng tôi mới có sự ổn định. Chàng đánh tôi, tát tôi những cái tát quả quyết, tự tín. Chỉ có chàng mới tát được những cái tát như thế. Những cái tát ấy làm cho tôi thấy trên đời có một ý chí xác quyết, không phân vân. Ngày nào còn sống bên chàng, bên cạnh sự hung tợn dữ dội lôi cuốn của chàng, tôi có cảm tưởng thế giới quanh tôi có vẻ vững vàng ổn cố. Bao giờ chàng cũng đi quá mức một chút, thật đáng tiếc. Phải chi chàng đừng chém, đừng có ý định giết tôi, tôi sẽ vui lòng ở mãi với chàng. Lỗ mãng, thô bạo là một thái độ xác định. Rời xa chàng, tôi sống trong hoang mang, bất định. Sự đe dọa của một ý chí không đáng lo hãi bằng sự đe dọa của trống rỗng, của cái khoảng không – không chiều hướng, không ý chí – trước mặt mình. Má sẽ cho tôi lây cái điên của chàng, nhưng không chắc là tôi sẽ không trở lại đâu.

... Trong sở người ta bảo là điện thoại “chết” hết rồi. Chiếc máy nằm trước mặt tôi cũng chết. Ngồi buồn tôi cầm máy áp lên vành tai. Ủa! Vẫn nghe thấy tiếng rọt rẹt, như một con bọ trong hộp. Ðiện thoại đâu có chết? Ðâu có hoàn toàn chết. Vẫn còn sự sống yếu ớt. Trẻ con nuôi dế, nuôi quít trong hộp giấy, lâu ngày quên cho ăn, tưởng chết, không ngờ áp tai xuống, chợt nghe một tiếng khua động. Sự bất ngờ thật hồi hộp: tội nghiệp, vẫn còn vài cái chân cố sức ngo ngoe.

Lâu lâu, có tiếng kêu u u, rồi dứt, rồi lại u u. Ðôi khi, còn bắt gặp cả một đoạn đối thoại, văng vẳng, tiếng được tiếng mất: vợ gọi chồng về một cái chìa khóa quên đem theo, một nhân viên thưa gửi với thượng cấp v.v... Nửa chừng, bỗng tịt câm.

Cái hệ thống thông truyền nhằng nhịt này bỗng dưng mang thêm một vẻ bí hiểm. Ai nấy tưởng nó chết, tự nhiên trên cái cơ thể rắc rối của nó chợt bắt gặp dấu hiệu của sự sống lén lút, âm thầm, thoạt có thoạt không, bất ngờ, thảng thốt.

Như thế ba ngày, rồi nó sẽ sống lại. Còn tôi, không biết đến bao giờ tôi thoát khỏi cái cảm tưởng bất định.