main billboard


Tôi vào bàn bấm computer, bao nhiêu điện thư qua lại chúc Tết giữa bạn bè xa gần.

Mua-xuan
Quanh khu nhà tôi ở đã thấy lấp ló những chậu cúc vàng tươi, những chậu vạn thọ đỏ rực và vài ba cành đào, cành mai báo hiệu một mùa Xuân sắp đến. Thời gian của sự hồi sinh muôn loài trên trái đất.

Tôi bâng khuâng nhìn lên bầu trời, những đám mây vẫn còn xám xịt và cơn gió lạnh đang vây quanh báo hiệu mùa đông vẫn đang còn đâu đây.Bỗng người đưa thư mang thư đi bỏ từng nhà, tiếng kêu lẻn kẻn quen thuộc của thùng thư làm tôi có phản ứng đi ra lấy thư. Hôm nay thư nhiều hơn mọi ngày.Ngoài các giấy quảng cáo có lẫn lộn mấy cái thư chúcTết. Viết thư chúc Tết hình như tôi đã quên từ lâu,vì bây giờ có điện thoại và e-mail nên chúc mừng nhau rất nhanh và dễ hơn gửi thư nhiều. Vậy mà năm nào cũng được năm ba cái do bạn bè gửi đến. Đúng là bạn bè ở xa, quen nhau một thời nào đó mà nay không còn nhớ ngày tháng. Lòng rộn ràng,xúc động vì biết có người đã nghĩ đến mình.

Tháng nầy tôi lại bận rộn với nhiều cuộc họp mặt tất niên, tân niên của bạn học, bạn tù, bạn quân trường xưa. Găp nhau để biết ai còn ai mất, ai đang nằm viện dưỡng lão, ai đã bình phục về nhà. Những bạn bè thân ở gần nhau, thường lui tới thăm nhau hằng tuần, hằng tháng. Găp nhau để cho nhau niềm vui, cho nhau nụ cười. Bất cứ tuổi nào mà cô đơn thì thật là bất hạnh. Nếu có được một hai người bạn tâm giao thì tốt vì những bạn nầy thường góp ý chân thành và giúp đỡ hết lòng.Có gì quý bằng sau thời gian cống hiến tuổi trẻ cho xã hội, cho đất nước thì đây là thời gian nghỉ ngơi, làm việc mình thích và được mọi người yêu thương. Vậy thì đối với tôi ngày nào cũng là mùa xuân.

Vợ tôi thì khác, ít bạn bè, thích con cháu quây quần trong các dịp Tết như lúc còn ở Việt Nam. Thế vậy mà Tết nào cũng lủi thủi có hai vợ chồng. Từ bao năm nay, bà vẫn giữ gìn phong tục mua sắm Tết, sửa soạn bàn thờ rước ông bà với dưa hấu, bánh chưng,bánh tét. Đặc biệt nồi thịt kho nước dừa với hột vịt không bao giờ thiếu. Ngoài ra còn có một mâm hoa quả, bánh mức để cúng giao thừa và đón năm mới. Trên bàn thờ là mâm ngủ quả gồm các loại trái cây như mảng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài để cho đến ngày đưa ông bà.

Khi còn ở trong nước,Tết là ngày lễ tưng bừng, rộn rịp nhất của người Việt Nam. Tết còn nói lên tinh thần hòa điệu giữa con người và thiên nhiên. Đây cũng là ngày sum họp gia đình sau một năm làm ăn vất vả. Ở Mỹ vì đời sống thoải mái hơn, phương tiện đi lại nhiều hơn nên ngày lễ nào cũng là ngày sum họp gia đình. Ở lâu bên Mỹ tôi cảm thấy quen thuộc và an toàn hơn bất cứ nơi nào mà tôi đã đi qua. Quê hương Việt Nam ngày càng xa vời vợi với tôi khi mà cộng sản Việt Nam ngày càng lệ thuộc sâu đậm vào cộng sản Tàu.

Bên cạnh nhà có môt khu vườn nhỏ để trồng đủ thứ rau thơm. Mùa đông năm nay khí hậu lạnh nên chẳng có cây rau nào lên cả ngoài đám cải xanh.Nhìn đám cải, vợ tôi nghĩ đến đám con cháu sẽ qua thăm bà vào dịp cuối tuần và bà sẽ đổ cho chúng những cái bánh xèo thơm, dòn, ăn với cải non.

Nhìn vạt cải tôi mênh mang nghĩ ngay đến những hoa cải vàng trước sân ở quê nhà mà mẹ tôi thường gieo vào dịp trướcTết. Quê tôi nhà nào cũng trồng cải vào dịp Xuân, lúc trời đất dao duyên giữa mùa đông và mùa xuân. Khí trời lành lạnh, mưa lất phất, các luống cải xanh mọc lên rất nhanh giúp mẹ tôi, chị tôi có các bửa ăn ngon cho gia đình. Cải già còn làm dưa chua để ăn vào mùa đông giá rét. Cây cải già nở hoa để rồi lấy hạt cho mùa gieo cải sau nên ong bướm thường bay quanh hút nhụy hoa tạo một mãnh trời lãng mạn.

Mẹ tôi sinh ra ở quê, chỉ quanh quẩn trong khu vườn với các buồng cau, bụi chuối và các luống cải vàng. Những hoa cải mọc theo nhánh nhỏ xíu, mềm mại, thơm tho, đong đưa trong gió làm chị em tôi thời đó cảm thấy vui vui, hớn hở, hối hả chờ đón môt mùa Xuân. Hoa cải vàng bên Cali tuy không là bao nhưng năm nào cũng làm trái tim tôi rung lên vì tưởng nhớ.

Riêng những giỏ lan mà bà xã tôi nâng niu, chăm sóc hằng ngày cho đúng Tết thì năm nay lại không ra hoa nhiều dù cành lá vẫn xanh tươi. Chỉ vài cánh lan màu hồng nở sớm, yểu điệu, đong đưa theo gió và thoang thoáng tỏa hương thơm. Mỗi sáng khi mặt trời ló dạng đã thấy bà tập thể dục bên các cụm lan. Bà thích khu vườn bé nhỏ nầy vì đã cho bà một nơi thật yên tĩnh dưới nắng ấm mặt trời ban mai. Ngắm lan cho đến khi chán, bà vào bếp chuẩn bị buổi cơm trưa.

Tôi vào bàn bấm computer, bao nhiêu điện thư qua lại chúc Tết giữa bạn bè xa gần. Tôi thấy cái thế giới ảo sao mà ấm áp và thấm thấu nhanh đến vậy. Đây là ân huệ mà Tạo Hóa dành cho tất cả muôn loài trong đó con người được hưởng lợi nhiều nhất. Không biết trong tương lai gần, thế giới ảo nầy sẽ đi về đâu. Tôi nghĩ, bây giờ mỗi chúng ta là đều là mây là gió.Gió theo mây, mây theo gió, mây gió cuộn vào nhau trong cái không gian ảo nầy. Cuối cùng gió theo đường gió, mây đường mây lang thang vào vũ trụ rồi biến mất. Mong rằng với thời đại thông tin bùng nổ nầy Việt nam sẽ sớm có tự do và dân chủ.

Đã hơn 20 năm ăn Tết xa quê hương, tôi cảm thấy quen rồi. Mỗi lần Tết đến các cộng đồng người Việt đều có tổ chức Chợ Hoa, Hội Chợ Tết cùng các hoạt động văn hóa, văn nghệ cho mọi người vui chơi.Trong hội chợ còn có nhiều gian hàng ẩm thực với các món ăn ba miền, thi hoa hậu, thi hát, thi vẽ, v.v...

Xa quê hương nhưng chúng tôi sống tự do, thoải mái. Cộng sản Việt Nam cho những ngụy quân, ngụy quyền sang Hoa Kỳ, hay trước đó xem những người vượt biên, di tản là những thành phần Việt gian, phản động, ôm chân đế quốc. Nhưng sau gần 40 năm, các tên phản động nầy đã gửi về nước hằng trăm tỷ đô la đủ để mua tàu ngầm, tàu chiến, máy bay, xe tăng, hỏa tiển. Thế nhưng những ngư dân Việt Nam đánh cá trên biển của mình từ Quảng Ninh cho đến Cà Mâu, Phú Quốc, ngày đêm bán mặt cho biển, bán lưng cho trời để bắt con cá, con tôm xuất khẩu kiếm ngoại tệ cho đảng, cho nhà nước lại bị tàu lạ bắt giam, đánh đập, cắt lưới, phạt tiền, v.v...

Sống ở nước Mỹ tôi hiểu thế nào là tự do và dân chủ. Ở nước Mỹ tôi được tự do nói, tự do viết và ngẫn đầu làm một con người mà không có một cản trở nào. Tự do là một quyền thiêng liêng để con người được tồn tại và phát triển. Tôi đang nếm được vị ngọt của tự do. Hy vọng các người cầm viết tại Việt Nam sớm có thứ vị ngọt nầy để đưa toàn dân sớm thoát cảnh sợ hãi, lừa dối, trốn tránh sự thật và vô cảm.

Đêm giao thừa, tôi vẫn chưa quên mẹ tôi, vợ tôi ra thăm tôi vào dịp Tết ở trại tù Nghệ Tĩnh năm 1980. Tôi có làm bài thơ mộc mạc “Mẹ ra thăm con”. Hình ảnh nầy nầy vẫn còn sống mãi trong tôi:

Mẹ ra thăm con
Mẹ gánh mẹ gồng
Lúc cuốc bộ lúc dùng xe
Vượt suối băng đèo
Tiến về phía trước
Trời nóng cháy da
Trời lạnh cắt thịt
Mẹ vẫn đi
Vẫn gánh
Vẫn gồng
Đòn bánh tét
Hủ ruốt khô
Lon muối đậu
Mẹ ra thăm
Vẫn áo lam quen thuộc
Dáng đi nhè nhẹ
Chẳng nói điều chi
Suốt đời vất vã
Bên con.