main billboard

 

Đêm cuối năm, trời trong như căng bằng giấy bóng kính, ngôi từ đường gỗ cũ kĩ ẩm mốc im lìm ngái ngủ thở mùi gỗ già nua...

hoa tet 2

Đêm cuối năm, trời trong như căng bằng giấy bóng kính, ngôi từ đường gỗ cũ kĩ ẩm mốc im lìm ngái ngủ thở mùi gỗ già nua và một ông cụ, tuổi già thấy giống như cây cổ thụ tàn tạ sắp đổ đến nơi. Ngôi nhà và cả khu vườn, cây lá tối đen một mình trong đêm giống như đã chìm giữa một khối hổ phách màu khói hương khổng lồ sâu thẳm.

Ông cụ Tuần thức dậy đã lâu, chờ sáng. Ông tung chăn, khó nhọc lắm mới ngồi dậy đẩy cửa nhìn trời, mãi vẫn cứ một nền trời không đen, không sáng, trong ngần sâu thăm thẳm, không một vì sao vương vấn màu khói hương giãn rộng ra tận chân trời và nâng lên cao đến đỉnh. Ông không biết giờ nầy là mấy giờ, gần sáng hay chưa ? Ở nhà quê còn có tiếng gà trống gáy, tiếng gà mái lục tục dẫn bầy con kiếm mồi, tiếng mỏ trâu lạch cạch trong chuồng trước khi chủ lấy chày vồ tháo cái then chuồng dẫn ra đồng. Khúc nhạc đồng quê buổi sáng tinh mơ quen thuộc biết bao ! Còn ở thành phố buổi ban mai chẳng có tiếng gì đặc biệt cả. Nằm đây ông cố lắng nghe mấy đứa trẻ con rao bán bánh mì sớm, tiếng leng keng xe đỗ rác và có thể cả tiếng chuông công phu bên chùa Hang vọng tới, song hôm nay chẳng thấy. Có thể các sư cô bên chùa đêm tụng kinh tịnh độ quá khuya, sáng dậy trễ? Hay vì sáng nay không khí khô và loãng quá, tiếng chuông không lướt trên mặt sóng như lá thuyền nan qua con sông rộng. Nhà ông cũng có đồng hồ, một chiếc đồng hồ treo tường hiệu Wesminster già lão trăm năm, nó còn lớn tuổi hơn ông. Năm nay ông đã 89, khi ông là một đứa bé biết chạy chơi đã thấy có nó cũ kĩ như thế nầy rồi, và cha ông mỗi chiều thứ bảy khăn đen áo dài đi dạy về, chưa kịp thay áo quần, đặt chiếc cặp táp lên bàn đã kéo ghế đẫu, đứng lên, lên dây đồng hồ. Việc nầy ông không cho ai làm, sợ lên quá tay đứt sợi dây thiều. Ông lên bao giờ cũng đều tay, mỗi lần đúng mười vòng.

Chiếc đồng hồ đã hư hỏng, nhiều lần đưa đến thợ sửa họ cắt ngắn bớt sợi dây thiều, nên bây giờ mỗi lần lên dây chỉ một nửa số vòng và nó chỉ chạy được nửa tuần lễ. Đồng hồ ngày trước có thêm bộ phận đổ nhạc, khúc nhạc thời gian, một giai điệu ngắn, đơn giản, ngọt ngào, quen thuộc. Cứ mười lăm phút, đồng hồ gõ một lần và đúng giờ gõ trọn cả khúc nhạc và gõ số giờ. Đêm khuya thanh vắng tiếng tích tắc và tiếng nhạc rõ lắm, nghe cả tiếng kêu rè rè mấy bánh xe răng cưa, ở ngòai vườn cũng nghe, người đi trên đường vẫn nghe được. Ngày trước phải là gia đình khá giả lắm mới sắm nổi đồng hồ, tủ chè bằng gỗ gụ. Tiếng nhạc thời gian trong ngôi nhà cột kèo gỗ mít đánh lá chuối khô màu vàng mật ong bóng lộn là niềm ao ước của mọi nhà . Nhà hàng xóm, hạng công chức trung lưu, cũng không săm nổi đồng hồ, tối lại vẫn nhờ tiếng nhạc ấy mà biết giờ giấc. Ông Cả hối con học bài, làm bài, đi ngủ. Sáng ra giục vợ sửa soạn gánh hàng xén đi chợ. Thế sao đêm nay ông chờ tiếng nhạc thời gian mãi vẫn không nghe? Giống như khúc nhạc thời gian đã bị đêm đen dìm chết đuối. Ông chắc lần lên giây hồi chiều thứ tư tuần trước mình chỉ lên dây chạy máy, quên lên dây nhạc.

Đêm nay có mưa, mưa to và dai dẳng, mưa hồi đầu hôm kéo tận đến nửa đêm. Ông nằm trùm mền nửa ngủ nửa thức lắng nghe tiếng mưa rơi, tiếng mưa rõ lắm, không lẫn vào đâu được. Mưa từng đợt lướt qua rào rào êm êm trên mái như vải thóc. Mái nhà ông trông lên như khu vườn xanh. Lớp ngói vảy cá nung non lửa, lâu ngày mũn ra thành chất đất màu nuôi dưỡng bọn cây nhỏ, cây bồ đề, cây si, cây khế, cây ớt và những cây ổi sẻ do chim ăn thải ra. Mưa như thế nầy tốt cho bọn ấy lắm. Không mưa thì cả năm cây hoang dại mọc trên đầu người ta chỉ được hưởng chút sương, chẳng được uống giọt nước nào, ai lại tưới nước trên mái nhà. Bà cụ nói:" Lâu lâu thuê người lên mái nhổ bỏ đi, nếu không chúng làm nặng, cong oằn mái nhà.Ông ừ hử nhưng không làm, ông nói , vài mùa khô hạn không sương không mưa, chúng chết hết, lo gì?

Ông cụ nghe cả những giọt nước mưa lớn tạt ngang bắn lên kính cửa sổ lóc cóc như mưa đá. Không phải chỉ có mưa mà còn có gió, gió trong cây ngọc lan, Cây ngọc lan nhà ông thuộc hàng cao lớn khác thường, ngọc lan nhà người chỉ là cây thuộc họ cây bụi nhỏ, hoa nở mỗi đêm vài đóa hương thoang thoảng dễ chịu. Còn cây ngọc lan nhà ông sống lâu qúa lên hạng cổ thụ, gốc cây người ôm vừa, cao lắm, cành lá che rợp một nửa mái nhà và mỗi đêm cả trăm hoa nở quanh năm. Mùi hoa đặc sánh, bà không chịu nổi, than mùi đậm quá sắc quá, chẳng thơm tho gì cả, ngửi mãi bắt đau đầu. Đêm nào bà cũng bảo thằng nhỏ lên lầu đóng kín mọi cửa gương không cho hương ngọc lan vào lầu, tràn xuống nhà dưới. Gió mạnh vít mấy cành ngọc lan thấp quẹt vào kính cửa sổ, lúc ẩn lúc hiện chốc chốc lộ ra cái bóng dài rũ rượi như mái tóc quỉ. Ngòai tiếng mưa còn có cả tiếng gió. Gió ở trong hàng phi lao ngoài bờ sông, vi vu, hòa với tiếng sóng vỗ thành khúc nhạc trùng dương dặt dìu.

Ông cụ thấy mưa gió mừng cho nhà nông. Sau một mùa thu khô hạn, một mùa đông bất thường, chẳng một cơn mua nào ra hồn. Đêm nay sang xuân trời đất thương nhà nông cho một cơn mưa lớn, tốt cho cây cối bao nhiêu, thế nào cũng trúng mùa. Ông chợt nhớ lại vườn cây nhà, ông đâm lo vườn hoa kiểng yêu quí, mưa thì tốt nhưng mưa to gió lớn như thế nầy mấy chậu hồng quí đang thời kì còn non, mới cho ra lứa hoa bói, hỏng hết còn gì?

Ông cụ Tuần cố nhướn mắt lên nhìn mặt đồng hồ song ánh sáng ngọn đèn dầu chong bàn thờ màu vàng hiu hắt quá không thấy mặt số mạ vàng, lâu năm đã mờ. Ông nằm yên, chỉ còn chờ đồng hồ đổ chuông. Chờ mãi vẫn không nghe khúc nhạc thời gian quen thuộc. Không biết đã sáng hay chưa? Song bên ngoài lũ chim sẻ làm tổ trên mái nhà, Bọn chúng tha rơm rác, lông gà, vải vụn chui vào chỗ trống giữa mái ngói và trần nhà làm tổ, ngồi bàn ăn nhìn lên thấy rơm rác lò ra và đôi khi nghe cả tiếng chim non ríu rít. Chú mèo mun nhà rất thèm song chui vào không lọt. Lũ chim ngủ sơm, dậy sớm, chúng luôn luôn biết lúc nào trời sắp sáng. Một anh chàng sẻ trống, chắc là chim đầu đàn, mặc dù năm thê bảy thiếp song đêm nào cũng ngủ riêng đầu hồi, anh reo lên trước, một tràng thánh thót, như mệnh lệnh mừng bình minh vui tươi. Bầy sẻ mái sẻ non bắt chước reo theo rồi tất cả như hiệu lệnh, chúng đều đồng loạt thức dậy kêu ríu rít, mở đầu cho một ngày bận rộn, kiếm ăn, yêu đương và chiến đấu. Ông nhớ đã có lần hai anh chàng sẻ trống đầu đàn lao vào cắn xé nhau, cả đôi rơi xuống sân, vẫn không chịu buông nhau ra, con mèo mun nằm mơ màng gật gù xó bếp bỗng nhanh như cắt lao ra tóm cả đôi đem vô bụi tre, ông cứu không kịp. Bọn sẻ mái chỉ còn biết giương mắt buồn rầu bất lực đứng nhìn, hôm sau một anh chàng tơ khác lên ngôi thay thế.

Cặp chìa vôi, bạn bè của ông cụ, sống trong bụi tre ngã chồm ra ao cá cũng vừa tỉnh giấc, một con bay lên cao, e là con trống với chiếc đuôi rất dài cử động lên xuống không ngừng như nhạc trưởng đánh nhịp cho khúc nhạc mai. Con chim nây rất ham mấy chú sâu đo xanh trong như cộng rau luộc trên giàn thiên lí. Hoa thiên lí rất ngọt trên giàn nhiều tổ kiến, trứng của chúng trắng trong như cơm gạo mới, cũng là món khoái khẩu của cặp chìa vôi. Anh chàng tốt mã nầy bay tới đậu đoạn tre khô nhiều nhánh de ra đầu giàn, khi yên vị rồi nó lên tiếng kêu vợ, một cô nàng mượt mà trẻ trung. Anh chồng phát ra một âm nghe như tiếng" Khè" dài, chị vợ bận ấp trứng nuôi con trong bụi tre gai còn đầy bóng tối chưa bay nhảy được, nó kêu lên một tràng, tiếng sau cao hơn tiếng trước, cứ cao mãi lên đến độ như tiếng rít the thé kéo dài. Tiếng chim mai trong trẻo như những hạt cườm đủ màu thêu trên đôi hài nhung cho bàn chân tí hon của bà cụ Tuần, lóng lánh tung lên trên trời xanh rơi xuống đám cỏ non xanh ngát tháng giêng.

Ông cụ tự nhủ, thôi chẳng cần biết mấy giờ. Chim chóc thức, và cây lá cũng thức, một lão già gần đất xa trời như ta cũng chẳng nên ham ăn ham ngủ, thời gian dạo nầy sao qua nhanh thế, người ta bảo tháng ngày như vó câu qua cửa thật chẳng sai. Năm tháng cứ vùn vụt trôi, mới ăn tết, lại thấy tết. Thời gian người già cháy nhanh như tim pháo, giành lấy để sống để chiêm nghiệm và tận hưởng từng giây, từng giọt thời gian quí báu, đừng mê ăn ngủ nữa.

Ông thức dậy cùng chim chóc hoa lá. Buổi mai còn rét lắm. Ông ngồi dậy khoác tấm áo chòang, chiếc măng tô, bằng dạ rất dày, màu phân ngựa sĩ quan Pháp, ông đội chiếc nón bê-rê, đội xiên, kiểu sĩ quan xe tăng, chân mang ủng cao su đỏ. Trang bị kĩ càng đến thế cũng chỉ vì ông sợ hơi đất sau cơn mưa. Người xưa, thời khoa học còn thô sơ chưa thuốc men, người ta rất sợ bệnh họan, thời kì chưa có nhiều thuốc và bác sĩ giỏi, nhất là loại kháng sinh chữa được nhiều bệnh chưa ra đời, bệnh có nghĩa là chết. Nắng lâu ngày sau cơn mưa hơi đất bốc lên nồng nồng hăng hăng rất độc, nhẹ thì cũng làm cho người nhiểm phải cảm mạo nhức đầu sổ mũi, nặng thì cảm thương hàn, bệnh thương hàn nóng sốt nhiệt đọ cứ ở mãi 39-40 trong nhiều ngày, liên miên, ai yếu không qua được, và người ta rất lo thủng ruột, không cho bệnh nhân ăn thức ăn cứng, cử cơm, đến cháo nấu thật loãng cũng không được ăn. Thương hàn để lâu nhập lí lưỡi đen thì hết thuốc chữa.

Ông đứng nhìn trời, Một nền trời âm u hứa hẹn sẽ là một ngày vắng bóng mặt trời. Ông ra vườn. Ông lấy làm lạ, trong vườn không có vẻ gì là mưa cả, lối đi giữa mấy chậu hồng chỉ hơi ẩm, kiểu ẩm vì sương, không ướt, không bết vào giày, ông lão thấy cây lá không có vẻ gì là xanh tốt hơn ngày thường sau mỗi cơn mưa.

Ông cụ chống gậy đi lần về phía cuối vườn nơi có mấy chậu hồng, tất cả đều là giống hồng quí, một số do mấy ông bạn Đà Lạt tặng. Số khác con ông đem từ các nước bên châu Aâu về, hồng Hà Lan, hồng Bungari, hồng Pháp, hồng Anh…màu sắc và hương thơm đặc biệt lắm. Vườn hồng là một niềm tự hào. Thời kì này kinh tế nói chung đã khá, hạng trưởng giả bắt đầu học làm sang, cả thành phố bắt chước nhau trồng hoa kiểng, người ta rất hâm mộ phong lan và hồng, nhất là giống ngoại quốc, các khu vườn quanh đây chưa ai có gốc hồng quí hiếm như ông. Nhiều người đến mua. Ông không bán. Nó là tặng phẩm của các con, phải khó nhọc lắm mới đem từ nước ngòai về, qua bao nhiêu phi trường, bao nhiêu nước, bao nhiêu trạm kiểm dịch thực vật, ông không bán, nhưng ai cần chiếc ghép ông sẳn sàng tặng.

Ông cụ bước từng bước cẩn thận và chậm chạp giữa những chậu hồng chỉ sợ áo vướng gai, những cành hồng non tinh nghịch như bọn bé con giơ tay ra níu áo ông. Ông dừng lại trách :" Thôi, chúng mầy buông ra cho lão đi. Lão đang lo, đêm nay nghe tiếng gió tiếng mưa, lo cho chúng mầy, nhất là mấy đứa con gái mới sinh con so. Bọn hàm tiếu rất non nớt, không biết chúng có chịu nổi mưa to gió lớn không?…" Và ông gỡ mấy nhánh đầy gai ra khỏi áo, bước đi. Gần đến cuối vườn chỗ trồng hồng, ông lão hồi hợp vô cùng, ông tự nhủ, mưa gió to như thế, thế nào cũng có hoa rơi, hoa rụng nhiều ít thì chưa biết, nhưng thế nào cũng có hoa rơi, nhất là mấy đóa hồng hàm tiếu, tội nghiệp, chúng mới chào đời chưa được, nếm ánh mặt trời mùa xuân ngọt lịm như mật, thì đã chết trẻ. Có bông chưa kịp nhìn sáng xuân cành nhụy đã rơi xuống đất đen thối rửa. Thảm thương thay Những bông hoa non tàn héo, có khác gì những người chết yểu ! Và ông vội vàng đi cho nhanh đến cuối vườn.

Không chờ đợi đến nơi. Từ xa ông cụ nhón gót nhìn lại. Mấy đóa hồng như ngọn lửa đỏ ấm áp vui tươi thấp thoáng trong buổi mai xuân chưa sáng hẳn. Ông tự nhủ, may quá chưa chết cả, còn vài đứa bé đã sống qua cơn mưa gió phũ phàng đêm nay. Ông tới sát một bên đưa mắt cố nhìn nền đất quanh gốc xem số cánh hoa rơi. Kì dị chưa, chẳng có đóa hồng nào rụng, kể cả mấy chị đã mãn khai khoe sắt đẹp với bướm ong chê chán, đã đến thời kì tàn héo cũng gắng gượng qua được đêm mưa gió. Ông già thở phào nhẹ nhõm. Bọn hoa mãn khai, bọn hoa hàm tiếu vẫn còn nguyên và đang khoe sắc trong buổi sáng xuân. Ông cụ lại gần, cúi thật thấp xuống, không phải để thưởng thức hương hoa mà để trò chuyện:" Chào buổi sáng ! Chúc các cậu, các cô ngày xuân mới, hạnh phúc mới…"

Ông lão cứ phân vân mãi.Tại sao mưa to gió lớn như thế mà chẳng có đóa hoa nào rơi cả ? Chắc đêm qua trong khu vườn nầy xuất hiện sự lạ. Có ông Bụt hay cô tiên nào rảnh việc trên trời xuống thế gian chơi trò trẻ con đội nón cho hoa, mặc áo mưa cho hoa, và đóa nào nhiểm cảm mạo thì được cho mấy viên thuốc cảm… Đúng là một sự nhiệm mầu nhỏ bé dễ thương, phép lạ bé con, phép nhiệm màu hồn nhiên…Cuộc đời nầy đáng yêu làm sao ! Sao tạo hóa lại tàn nhẫn với người già đến thế? Thời gian của họ cháy nhanh như tim pháo ?

Vừa lúc đó bà kêu ông vô nhà điểm tâm. Ông đi vô nhà, tới bàn ăn. Cả bà và cô con gái nhìn ông từ đầu tới chân và không nhịn được cười. Ông ngơ ngác, Mãi hồi lâu ông không biết vì sao vợ con nhìn ông cười. Ông hỏi:

- Vì sao mẹ con cứ nhìn tôi mà cười ?

Bà:

- Ông làm như người đi trong mưa to gió lớn.

Tới bây giờ ông cụ mới thấy nóng nực. Ông cụ thủng thẳng cởi áo choàng, tháo khăn quàng, tìm chỗ móc cái ô, Ông nói :

- Chẳng phải mưa to gió lớn là gì ? Tôi vừa ra thăm vườn. Đêm qua mưa to gió lớn, tôi sợ lạnh, sợ nhiểm hơi đất sau cơn mưa, sợ đất ướt át, lầy lội.

Bà nghe ông nói thế cười nói với bà con gái:

- Tao sợ quá. Dạo sau nầy bố mầy lú lẫn nặng rồi, tao nghe báo đài nói bên Tây họ nói người già thường mắc cái bệnh lú lẫn, gọi là Alzheimer hư hao trong não, ngày càng nặng, đến một lúc thì như người điên, chẳng biết mình là ai, không nhận ra vợ con, thường tự tử… Đêm qua một đêm xuân, trăng thanh gió mát, làm gì có mưa gió mà bố mầy bảo mưa to gió lớn?.

Ông cãi:

- Tôi nghe rõ tiếng gió mưa, cả tiếng nước chảy ồ ồ vào chiếc vại sành dưới xối kia kìa, không tin bà đến xem thì biết nó đầy hay vơi?.

Bà không đến xem , cô gái đứng lên đi tới, kêu:

- Chẳng có một giọt nước, vại khô rang, dưới đáy đầy lá khô lá vàng và, bọn cung quăng…

Ông không tin lời cô con gái, ông đứng lên đi mấy bước nhìn vô vại. Giật mình, thở dài. Tự nhủ: Mình lú lẫn thật rồi sao? Hay mình mắc cái bệnh quái quỉ gì đó? Không, Không lú lẫn, không phải mưa gió trong giấc mơ, mưa gió ngoài đời thực nầy mà…Ông dùng điểm tâm xong, trở về phòng suy nghĩ về hiện tượng vô thường đêm qua.

Ông đi về phòng giấy ngồi viết hồi kíù, Mấy mươi năm gần đây ông khó nhọc viết lại cuộc đời thăng trầm 89 năm. Ông ngồi một lúc nghĩ, mình lú lẫn rồi còn viết hồi kí làm gì, nhớ gì nữa. Ông thấy chán, không viết nữa, đứng lên lấy chiếc cặp cũ cột mấy quyển vở bản thảo hồi kí, đem nhét dưới giường. Ông lên giường nằm, sáng nay dậy sớm quá, thấy mệt, ông mới ngã lưng thì đã thấy mình như rơi vào vùng sương khói lảng đảng rong rêu, chưa hẳn đã là giấc ngủ.

Trong mơ, hay không phải trong mơ, hay nửa mơ nửa tỉnh, ông lại nghe tiếng mưa, tiếng gió, tiếng chim mai, và cả tiếng ngâm thơ, giọng ngâm chữ Hán nguyên bản, lơ lớ, giọng người Hoa, khác hẳn thứ chữ Hán đã Việt hóa và phiên âm theo kiểu âm Việt. Ai ngâm thơ lạ thế? Ông cụ giật mình. Hôm nay ông thấy cái gối là lạ, nó cao và cứng hơn ngày ngường. Ông luồn tay dưới gối kéo ta một quyển sách. Aáy là quyển Đường Thi, đang mở ra ở trang in thơ Mạnh Hạo nhiên, bài "xuân hiểu". Hóa ra đêm qua ông mang sách vô giường ngủ đọc, và bài thơ cuối cùng là bài "xuân hiểu".

Ông cụ lẩm bẩm câu:" Sao lạ thế nầy?", nay đã sáng ra mọi lẽ. Một hiện tượng nhiểm hơi hướng huyền bí, lại có thể soi rọi ánh sáng khoa học vào. Aáy chính là một cuộc cảm ứng, thần giao, giữa hai tâm hồn đồng điệu. Trong một cuộc giao thoa kì dị vượt thời gian không gian giữa người đọc và người viết. Nghìn trùng xa cách, ngàn năm vời vợi, đủ cho đá nát vàng phai, thương hải tang điền, thế nhưng đêm qua chỉ trong một thời gian cực ngắn, một mối kì duyên cho hai tâm hồn yêu thơ gặp nhau hòa quyện trong một cảm xúc thơ vô thường:

Xuân Hiểu

Xuân miên bất giác hiểu
Xứ xứ văn đề điểu
Dạ lai phong vũ thanh
Hoa lạc tri đa thiểu.

Dịch :

Buổi Sáng Mùa Xuân

Giấc xuân sáng tự lúc nào
Đó đây chim cất lời chào trong cây
Đêm qua mưa gió ai hay
Làm rơi mấy đóa hoa phai ít nhiều ?

Ông nằm yên, nhắm mắt lại lắng nghe đủ thứ âm thanh của một thế giới hiện đại cuối thế kỉ 20, chợt nghĩ tới nghìn năm trước, một thế giới hoàn toàn khác lạ. Thế giới của tài tử giai nhân, ngựa xe như nước áo quần như nen, ngổn ngang gò đống kéo lên. Thế giới của"…Xuân miên bất giác hiểu…Xứ xứ văn đề điểu…"

Thế sao tiếng mưa gió, tiếng chim, cùng cả mùa xuân từ nghìn năm xưa vọng về ? Lạ thật cả cái nỗi lòng man mác buồn "hoa lạc tri đa thiểu?" xưa đã từng dày vò tâm sự cổ nhân cũng rủ rê nhau về day đứt tâm trạng người đời nay ? Cho hay cái giống đa tình tri kỉ tri âm ghê gớm thật !