Mọi ngày ông vẫn đợi tiếng chuông chùa đánh thức mình dậy mài dao tới lò mổ chọc tiết heo, tiết bò sao bữa bay nói còn sớm ?...
Bên chùa người ta gióng chuông sáng rồi. Mọi ngày ông vẫn đợi tiếng chuông chùa đánh thức mình dậy mài dao tới lò mổ chọc tiết heo, tiết bò sao bữa bay nói còn sớm ?
Lão giận vợ lắm , không nói không rằng , leo xuống giường chui vô bếp, với tay lên giàn rút con dao đem ra giếng mài. Con dao lưỡi dài năm tấc. Loại dao đồ tể chọc tiết heo bò, làm theo kiểu đặc biệt, mũi nhọn như mũi mác để chọc tiết, còn cạnh mỏng và bén để cạo lông. Con dao này do cha của thợ rèn Ba Câu nhà nơi vườn xoài cuối dốc rèn riêng cho lão. Lão sử dụng nó hơn ba mươi năm nay, giết không biết bao nhiêu trâu bò heo dê rồi . Dao bằng thứ sắt pha nhiều gang, rất giòn nhưng mài lại mau bén. Chỉ cần liếc sơ qua nơi cạnh giếng vài cái là được . thường ngày, mỗi khi qua lò heo, dù là heo nọc, giống heo xia to như con bò nghé hay heo nái đẻ bảy tám lứa da dày như da trâu, lông gáy dựng ngược cứng như lông heo rừng, lão chỉ cần lấy cái gáo cán dài múc nước sôi tưới qua, cạo cái sột là một mảng lông với lớp da đen bị gọt đi dễ dang, để lại bên dưới làn da trắng xanh. Con dao bén đến nỗi đôi khi có ai mời đi đám cưới hay lễ lạc gì mà lão cần cạo râu, qua tiệm hớt tóc cha con nhà Tạo mượn dao cạo không có hay nhà Tạo bận cạo cho khách, lão Nộ nóng ruột không đợi được, trở về nhà lấy tạm con dao đồ tể ra giếng liếc trên hòn đá bùn vài cái cũng cạo râu được .
Mài dao xong lão vô nhà xỏ cái quần lính cũ, quần này ngày trước đi dân vệ thời Thiệu Kỳ phát cho, nay đã sờn rách nhiều chỗ, dính đầy máu khô chẳng khi nào giặt giũ. Láo khoác cái áo ka ki dài tay cũng amour xanh lính. Câi áo này của con lão Sồi đi nghĩa vụ về chê đồ lính không mặc. Lão xin, lão nói :”Tao có cái quần rồi,còn thiếu cái áo nữa là đủ bộ dầu “. Thằng này nói :”Chú đi thọc huyết heo chớ dầu mỡ chi mà làm như bọn sửa xe honda có bộ đồ dầu để đi làm.” Lão nói :”Không dầu thì máu. Máu còn dơ gấp mấy lần dầu.” Cái áo tương đối lành lặn, ít dính máu súc vật, vì khi làm việc lão cởi trần. Lão sách dao đi bộ. Mấy con chó hai bên đường, mặc dù ngày nào cũng trông thấy lão nhưng vẫn kéo nhau từng bầy sủa. Lão biết trong số đó có con chó đầu đàn . Nó là con vện nhà Tám Soan, có thâm thù với lão, vì lão cắt cổ nhiều bà con của nó. Buổi sáng sớm nó chỉ chực lão xách dao ra khỏi nhà là chạy theo sủa, lũ chó dọc con đường đất chạy quanh chùa này chỉ là bọn a dua. Buổi chiều nó chạy ra đón lão để thống lĩnh bọn chó kia đưa lão về tận nhà. Sáng nào lão cũng ra chỗ đầu cầu xóm Bóng, đón xe lam qua lò mổ gần chợ Đầm làm việc .
Một chiếc xe tải nhỏ chạy thụt lùi, tới trước cửa căn nhà rất lớn, đèn bật sáng ở trong đầy người và rất ồn ào. Người ta lót miếng ván từ xe vô tới cửa lò mổ. Trên xe chở con bò u, trên vai có bứu như lạc đà. Con bò u thấy lạ không chịu bước qua cây cầu định mệnh đổi kiếp tàn nhẫn đó . Một người đứng sau cầm thanh gỗ lớn phang rất mạnh. Con bò giật mình chạy ùa vào. Lão Nộ lúc này đã cởi trần, tay cầm lăm lăm cái búa tạ, loại búa năm cân, tra cán ngắn, lấy hết sức nện vào đầu.Một tiếng bốp, nghe như tiếng quả dừa rụng từ trên cao cái sân gạch, nó quị hai chân trước, hai chân sau, nằm xuống rồi ngã vật qua một bên. Lão cầm dao cắt dải thịt lòng thòng dưới cổ bò, gọi là cái yếm, từ vết cắt đó lão chọc mũi con dao chênh chếch xuống dưới, cắm sâu tới cán. Đường dao của lão Nộ là đường dao chuyên nghiệp, chỉ cần một nhát là trúng tim, ngoáy mũi dao một cái, máu nóng hổi tanh nồng theo cán dao phun ra. Máu sôi òng ọc, đó là tiếng kêu của sự chết chóc, Loại âm thanh tử thần rất man rợ rùng rợn, chỉ cần nghe một lần sẽ không baogiờ quên .
Lão Nộ làm việc nhanh lắm, hôm nay lão chỉ lo một con bò u lớn xác này. Mới tới sáu giờ thì đã song xuôi mọi công việc. Giờ đây lão mới rảnh tay ngồi hút thuốc, xem mấy người đàn bà đến mua lòng về bán sớm. Bọn họ thường lựa chọn, tranh giành và luôn luôn có gây gổ chửi lộn. Trời đã sáng hẵn bầy chim sẻ cũng đến giành thức ăn nơi cống rãnh, chỗ người ta đổ chất phế thải. Mấy con chó hàng xóm, chó hoang hay chó ở xóm khác kéo nhau đến giành ăn cắn lộn và sủa om sòm. Lão Nộ, con người mộc mạc thô thiển lấy mấy sự đó mà kết luận về cuộc đời, cả cái thế gian này tranh giành cái ăn mà xung đột nhau mãi. Nhờ lão sống cạnh chùa cứ nghe chuyện tu hành, lão khuyên : Người, chim, chó thôi tu đi là vừa. Và lão nhớ lại có lần thấy trên chùa thuyết, mọi điều ước nguyện tốt đều được thành, giờ đây lão làm cuộc thí nghiệm, lão thử ước gì: Sẽ không thiếu lòng cho những người đàn bà. Sẽ không thiếu thóc cho chim. Sẽ không thiếu xương cho chó . Cuộc thí nghiệm chẳng thành, mà tình thế lại còn xấu xa hơn. Những người phụ nữ không phải chỉ gây mà còn nhào vào cấu xé nhau, những con chim và những con chó cắn lộn kịch liệt. Lão nghĩ, không lẽ sư ông nói sai ? Lão tính sau này có dịp sẽ thử thêm một lần nữa. Vừa lúc đó vợ lão gánh cái gánh không đến mua lòng, chị ta mang theo sô nhựa hốt máu ứ đem về nấu cháo huyết bán cho bọn thợ thuyền xưởng Song Thuỷ ăn sáng, còn nửa thì luộc, chiều làm tiết canh bán đồ nhậu. Vợ lão được cái ưu thế hơn những người khác vì có anh chồng làm nghề đồ tể, được mua hàng rẻ, đôi khi xin thêm, có lúc ăn cắp. Chị ta mặc dù nghèo nhưng lại thống lĩnh bọn đàn bà mua lòng, ai cũng ngán con dao phay để trong rổ. Thấy chị đến nói đôi ba câu họ mới yên. Mấy con chim bay đi, đàn chó bỏ chạy. Lão Nộ xưa nay chẳng lạ cái uy mụ vợ lớn xác này, giờ thêm rõ ràng hơn, không phải lão mà người khác, cả chim chó cũng sợ. Lão đâm ra hồ nghi lời sư Ý Nguyện tốt chưa chắc đã thành mà còn phải cần đến sức mạnh nữa.
Mặt trời lên cao, lão mặc quần áo vào, xách dao, ra đường đón xe quay về. Ngồi trên xe lam chật chội, có chị gớm nhăn mũi, có người bỏ băng ghế này qua bên kia ngồi. Moat bà già thấy lão cầm lăm lăm con dao đồ tể còn vấy máu, không dám nhìn lâu bộ mặt hung tợn, ngó lơ than “Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát, cứu khổ cứu nạn…”. Trên con đường đất từ đầu cầu Bóng đến nhà, lão đi trước lại một đoàn chó do con vện dẫn đầu bu theo sau. Về đến nhà lão ra giếng rửa con dao, vào nhà bếp dắt trả nó lại chỗ cũ, trở lại ra giếng xách nước lrên tắm. Lão sát xà phòng kỹ lắm, dung loại xà phòng cục, thứ cứng như gỗ, bây giờ người ta chỉ dùng vào việc tắm heo, lão tắm đến hai ba nước, chỉ sợ còn mùi hôi hám của sân súc vật, mùi tanh tưởi của máu. Lão biết mấy cái thứ mùi không phải chỉ ở bên ngoài mà còn ăn sâu trong da thịt . Đến đây lão biết vì sao điều ước vừa qua không thành, có phải tại áo quần, thân thể và cái tâm lão không được tinh khiết? Tắm xong lão vào nhà thay bộ quần áo mói .
Lão có may bộ quần áo vải ta, may theo kiểu người tu tại gia mặc để tụng niệm, quần rất rộng và dài chấm gót. May xong lão nhuộm than, phủ bùn, amour xám, hơi ngã qua xanh, ấy là amour khói hương, amour của chùa chiền thanh tịnh. Khi mặc bộ quần áo này vào người lão thấy nhẹ nhàng dễ chịu giống như có thể quạt tay bay lên nóc nhà hay nóc chùa được. Mặc áo xong, lão vạch hàng rào đi qua nhà chùa.
Bên chùa giờ đó đã xong việc cúng kiến buổi sáng. Bắt đầu từ giờ này ai có phận sự nấy. Ngời làm vườn, người chẻ củi, nấu cơm, người hái rau, người kinh kệ. Không ai để ý tới lão đồ tể nhà bên cạnh loay hoay trong khu vườn chùa, người ta biết ông sư trù trì chấp thuận cho lão coi ngó vườn chùa. Trẻ con thường lén vào vườn hái trộm trái cây. Bọn này không sợ người trong chùa, chỉ sợ lão đồ tể.
Lão qua đây để làm theo lời nguyện mà tự nhiên nó nảy ra trong một lần cãi lộn với vợ. Lần đó lão giận quá, đòi mài dao tự hoạn rồi đi tu. Vợ lão thách thức mà còn nói khích:”Cắt cái của nợ đó quăng cho chó quăng cũng chẳng cần. Người như ông đi xin quét chùa họ không cho, tu hành cái chi?…” Lão giận quá nói :”Bà thách hả ? ngày mai tôi qua quét chùa! Bà tưởng quét chùa không thành chánh quả được sao ?”. Đó là một lời nguyền thiết tha, được góp chút công quả tồi tàn nhỏ nhặt làm sạch vườn chùa. Song công việc quét chùa cũng không phải đơn giản như lão tưởng. Trong chùa và trước chính điện, vì sợ bụi bay lên các pho tượng, sư ông trù trì không cho các đệ tử quét mà phải lau. Lau cũng phải bằng khăn sạch và thường do các hàng đệ tử đã có chức phận đảm nhiệm. Hiên chùa do hàng Sa-di quét. Sân chùa do mấy chú tiểu, tóc còn để trái đào chia phiên nhau quét. Lão Nộ chỉ được phép quét vườn chùa. Vì khu vườn chùa rộng lắm, ngày nào lá cũng rơi đầy, chúng tăng trong chùa làm biếng không ai chịu quét. Sư ông chấp nhận cho lão quét là vì thế nhưng lại bày đặt ra cái chuyện sợ cây chổi của lão là chổi thế gian, không được tinh khiết. Sư ông còn dặn lão phải làm riêng một cây chổi đặc biệt chỉ dùng vào công việc quét dọn vườn chùa, quét xong thì lão cất. Chổi bằng lá dừa, lựa chọn từ những tàu lá khô rụng sau vườn nhà lão Bá, chuốt từng cọng rất kỹ, tra cán bằng cây trúc chỉ màu vàng tươi có sọc xanh đặc ruột và khá dài, đứng một nơi có thể quơ một vòng rộng . Cây chổi là một tác phẩm thủ công rất công phu. Nó to bằng hai bằng ba chổi mấy người công nhân vệ sinh quét đường. Lão để ý thấy nếu làm kỹ, quét trong mùa khô thì ba tháng mới thay chổi khác, Mùa mưa, mặc dù quét ít hơn cũng chỉ được hai tháng.
Lão gom lá khô, lá vàng, cành cây mục thành từng đống. Vườn chùa rộng lắm, lão phải gom lại nhiều đống nhỏ để khi đốt ngọn lửa không quá nóng làm hư cây cối trong vườn.
Sư ông và hàng đệ tử trong chùa đều vô tâm không ai chú ý xem cách lão dọn vườn. Thực là một công việc hết sức công phu tỉ mỉ. Trước khi đốt lão Nộ ngồi xuống vạch xem từng cành cây mục , tấm lá khô thử có con sâu con kiến hay ổ trứng nhện nào không? Xem nơi đốt có nằm trên hang cua hang còng hay hang dế không ? Cẩn thận như thế rồi mà lão cứ sợ vô tình phạm tội sát sinh. Lão ngồi canh, khi lửa cháy, có con vật nào chạy ra giúp cho nó thoát khỏi hoả tai.
Mùa khô lá rơi nhiều lắm, ngày nào cũng đốt nhưng vẫn cứ đầy lá vàng lá khô. Buổi sáng thường vắng gió, giờ đó gió từ núi Sạn thổi xuống đã ngưng, gió biển từ hòn Tre chưa thổi vào, ngọn lửa và khói chập chờn, uốn éo nhè nhẹ bay lên. Khói lam tan trong nắng mai toả mùi thơm lá cháy. Làm xong việc lão tới hiên chùa nằm lim dim nghỉ ngơi.
Người vợ thấy chồng qua bên chùa lâu quá không chịu về làm việc nhà, rất bực, đứng ở bên kia thét vọng sang .
-Xong rồi thì về chớ, bao nhiêu công việc nhà không ai làm. Buôn bán xong dọn dẹp quán, lo cơm nước, đi chợ nấu ăn … Tui có hai tay chớ đâu phải có bốn năm tay, một mình làm sao cho hết việc ?
Nghĩ một lúc chị ta nói khích để cho mọi người nghe:
-Người như ông mà tu hành cái chi …
Người đàn bà tính nói cái câu dài dòng và cay độc hơn :”Người như ông tối ôm vợ ngủ, sáng ra nhờ tiếng chuông chùa thức dậy, mài dao đi chọc huyết heo mà tu hành cái chi ?” Song chị ấy kịp giữ miệng .
Lão Nộ nằm mơ màng nhìn lên mấy khối mây xốp đứng yên một nơi trên nền trời xanh ngắt như bọt xà phòng nổi trên làn nước trong veo. Lão nghe tiếng người đàn bà, như từ cõi xa xăm mơ hồ nào vọng lại, eo éo giốn như tiếng kêu của mấy con heo bị chọc tiết, hay của loài ngạ quỉ súc sinh từ cửa ngục A Tỳ réo lên .
Trong chùa có bức hoạ đồ vẽ cảnh thập điện Diêm Vương. Có thằng tiểu tên là Nguyên Bích, con nhà nghèo cho vào chùa kiếm cơm, nó ham ra vườn lấy mủ mít bôi đầu cây sào dài đưa lên cao chấm bắt mấy con ve sầu . Thằng con trai này ham chơi hơn là ê a kinh kệ. Thằng nay thường múc nước đổ vào hang dế cho bọn dế cơm chui ra, nó bắt, nhen lửa lá khô nướng ăn . Nó đang tuổi ăn tuổi lớn, cơm chùa chỉ có tương rau, thèm đủ thứ. Nó vào chùa một năm rưỡi mới được ban pháp danh, chưa thí phát qui y, đầu chưa được cạo trọc chỉ mới được để chõm. Hôm ấy nó thấy lão đồ tể dán mắt nhìn xem bức vẽ. Thảng tiểu tìm cách doạ lão. Nó nói người như lão vừa mới hắt hơi đã có con quỉ mặt đen như lọ chảo cầm cái phướn câu hồn tới bắt linh hồn, dẫn đến cái quán có bà già bán cháo lú ăn để quên hết mội việc trên thế gian xưa nay, rồi đẩy qua cây cầu độc mộc, một cây gỗ khẳng khoeo, dài trăm trượng, bắt ngang qua con sông nước đỏ như máu đầy rắn rết bơi lội. Lúc này đây mới là cuộc vay trả. Bọn trâu, bò, heo, dê , chó, gà, vịt, mà lão đã chọc tiết tới đòi mạng níu kéo làm cho rơi xuống sông để bọn mãng xà cắn xé. Lão hỏi :
-Có cái gì tránh cái nghiệp đó không ?
-Có, chớ lão chưa nge thầy giảng sự tích “Ném dao đồ tể hoá Phật” hay sao ?
-Chưa .
Sau đó thằng tiểu Nguyên Bích kể chuyện, kể xong hắn nói :”Vứt con dao đó đi!”. Lão nói :
-Ừ, để xem thử…
Lão nhắm mắt lại giả vờ ngủ nhưng mụ vợ vẫn không tha. Chị ta cứ đứng bên rào kêu réo, tiếng kêu của người đàn bà khó chịu lắm khiến lão liên tưởng đến bọn trâu bò tới đòi mạng .Tiếng kêu của người đàn bà làm cho đầu óc lão xao động, không còn thấy làn gió ngọt ngào và mát mẻ như chén thạch trộn bông bưởi nữa, và trên trời mây không còn đẹp như bọt xà phòng trôi trên làn nước xanh , giờ đây mây đông cứng lại như những tảng mở bò nổi trong nồi nước phở để qua đêm. Bỗng nhiên cơn gió quái ào ào thổi đến. Bao nhiêu là vàng sáng nay chưa kịp rơi bây giờ rơi xuống lả tả như cánh bướm, vườn chùa lại đầy lá . Lão ngồi dậy nhặt, nhặt cái này lại chiếc lá khác rơi, chúng rất ác chỉ rơi từng chiếc một và rơi xa nhau, khiến lão phải chạy tới chạy lui, liên tiếp cúi xuống ngẩng lên, mỏi chân đau lưng. Lão nghĩ, hay là dùng chổi ? Lão thấy chẳng cần, phải cho khó nhọc mới được công đức. Nhặt một chiếc lá rơi trong khu vườn chùa cũng được công đức hay sao ? Được chứ ! Nhưng lã lại tự bài bác, cái thứ công lao nhỏ nhoi ấy ai mà tính ? Song rồi lão nghĩ, không có cái nhỏ làm sao có cái lớn. Lão nghe người ta nối tam thiên Phật, là có tới ba ngàn ông Phật, có khi kinh kệ nói hàng hà sa số chư Phật, Phâït nhiều như như số cát sông Hằng, trong đó có một vị Phật chuyên ghi vào sổ sách công và tội của mọi người dù cái công hay cái tội đó chỉ nhỏ như con kiến .
Lão tự hỏi : không biết hôm nay là ngày gì mà bọn lá cây đua nhau từ giã màu xanh, vội khoác áo vàng trở về với đất sớm thế? Chắc là ngày đau thương và những cây trong vườn đều khóc. Sau lần thử nghiệm về quyền pháp của sự ước mơ điều tốt ở lò mổ hôm nọ không thành. Bây giờ lão thử làm lại. Lão gọi thầm, gió ơi thôi đừng thổi nữa để cho những chiếc lá sống thêm với chim với bướm vài ngày ! Quả nhiên gió làm như nghe lời van xin của lão, nó ngừng thổi và lá thôi rơi. Lão thấy lạ, tại sao con người đầy tội lỗi, đến nỗi ló mặt ra đường đã bị chó sủa. Chết xuống qua cây cầu âm dương bị bọn chó sủa lôi xuống cầu cho lũ rắn rết cắn xé lại có quyền phép điều khiển được cả gió trời? Hay là nhờ hôm nay ta đang ngồi trong khu vườn chùa, áo quần sạch sẽ cái tâm thanh tịnh và nhất là nhờ vào công quả quét dọn vườn chùa của ta trong nhiều năm nay ? Lão tin chắc vào điều đó và cái ý nghĩ ấy thành những nụ hoa nở thành bông toả ngát hương trong cái đầu tóc đen và cứng như đuôi trâu của lão Nộ .
Từ lúc trưng bửng sáng cho tới giờ này mặt trời gần đứng bóng lão chẳng ăn uống gì cả, vẫn không thấy đói khát, Lão nghĩ từ nay ta chẳng cần ăn uống, có hơn không ? Dĩ nhiên hơn rồi, chỉ vì cái ăn mà bao điều khổ luỵ . Còn một điều này nữa, tại sao lại phải chui rúc dưới mái tôn nóng bức, trên cái nền đất chật chội có mấy thước vuông và đầy bụi bậm, mỗi lần có ánh sáng xuyên qua, hang tỉ hạt bụi hay hàng tỉ sinh linh bay trong chốn hồng trân hỗn mang vô định, làm sao bằng nơi đây đất rộng trời cao thênh thang một cõi Phật? Lại thêm một việc này nữa. Tại sao ta phải nằm chung trên cái chõng tre bề ngang có một thước hai với một ngươì phụ nữ già nua xấu xí hôi hám, và không lúc nào nó để cho yên ? Bao nhiêu cái nghiệp ác của ta cũng chỉ vì cái ăn cái ở cái ngủ mà ra cả. Nhưng lão nghĩ lại thấy mình đã lỡ cấu kết với cuộc đời này quá sâu nặng. Vợ con, nhà cửa, cùng với cái nghề ai nghe cũng sợ . Lại thêm tướng tá thô kệch, mặt mũi dữ tợn, một chữ Nhất cũng không biết. Người như thế làm sao đi tu ? Vì nghĩ thế chưa bao giờ lão dám xin với sư ông trù trì cho qui y. Lão chỉ quanh quẩn làm việc ngoài vườn, không nói chuyện với tăng lữ trong chùa, chỉ mối dám kết bạn vơí thằng bé con. Và lão không hề dám léo hánh đến chính điện, nơi thờ mấy bức tượng Phật có vầng hào quang bằng bóng đèn với khoanh hương điện, nghe kinh.
*
Sáng hôm nay tiểu Nguyên Bích lên lầu giáng hồi chuông sáng gọi là chuông công phu, chuông chiều là chuông tịnh độ.Vào giớ đó lầu chuông còn chìm trong bóng tối. Quả chuông đồng đồ sộ nặng đến mấy tấn, có một lịch sử đầy chuyện hoang đường treo trên cái giàn bằng gỗ chạm trỗ hình rồng phụng , âm u lạnh lẽo. Nguyên Bích tháo cây chày dộng chuông ra, đưa xa nện vào. Quả chuông tung lên trời tiếng chuông đầu tiên trong ngày. Tiểu Nguyên Bích đứng trong vòng âm thanh rung chuyển gờn gợn như sóng biển . Hắn chợt nhớ đến lão Nộ, nhà ở cạnh chùa, thường qua bên này quét vườn . Hắn nhớ lại cái lần đứng trước tấm hoạ đồ vẽ hình thập diện Diêm vương theo các tưởng tượng của người xưa. Hắn giảng giải và nhan đó doạ lão. Bây giờ tiếng chuông làm cho hắn lòng mềm đi, thấy thương cho lão già quê mùa hình dung xấu xí và cũng nhận ra tội lỗi của mình. Hăn tự hỏi, biết có thật như thế hay không mà mình bảo lão ta vất dao hoá Phật. Lão vất dao rồi thì lấy gì sinh sống ? Thôi mọi chuyện đều là sự vẽ vời, chưa chắc và còn ở xa xôi lắm. Nghĩ như thế hắn tính gõ chuông xong, lúc nào lão qua vườn sẽ tìm cách nói lại , bảo lão cứ cầm dao, chuyện con ngạ quỉ mặt đen như than cầm phướn câu hồn là chuyện bịa đặt, không có đâu mà sợ …
*
Ngày hôm qua ở lò mổ, lúc lão thò tay nắm chân con heo nái vật nó ngã ịch xuống nền nhà, ngồi đè lên, cầm dao đưa trước cổ, bỗng lão buông dao thét lên như người điên :”Thiện tai ! Thiện tai!…”. Nói xong lão đứng lên, con heo vùng dây, nó ngơ ngác một lúc rồi nó hít hít cái ống quần dính đầy máu của lão. Nó bỏ đi. Mọi người ở trong lò mổ ai cũng lo công việc của mình, chẳng ai chú ý tới lão Nộ. Lão lấy tờ báo cũ, quấn con dao gói lại, ra đường lên xe trở về.
Ngang qua cây cầu Xóm Bóng, chiếc xe lam tránh mấy chiếc xe tải lớn khác, nó dừng lại sát lề đường . Lão tính hành động, chỉ còn hơi chần chừ, trong vòng một giây, nhưng trong cái thời khắc ngắn ngủi đó bộ óc thô thiển đầy mơ mộng này làm việc như một chiếc máy tính điện tử, hàng tỉ phép tính. Con đường đời 60 năm vèo qua nhanh như tia chớp nhưng không để sót điều gì và ngõ ngách nào cả. Cuối cùng bộ phận lọc tinh vi chỉ còn đọng lại ý tưởng : vất cái dụng cụ gớm guốc đó đi! Lão cho tay qua cửa sổ ném dao xuống sông. Con dao được quấn kỹ trong tờ giấy báo, nó làm tung lên một đợt bọt trắng, và tiếng bõm khẽ, sóng sánh vài đợt rồi chìm tận đáy. Vào lúc ấy có mấy người đậu thuyền thấy một cánh tay đưa ra ngoài cầm gói giấy ném xuống. Người ta lặn mò lên, thấy con dao đầy máu, ai cũng nghĩ đó là con dao mới giết người, thủ phạm phi tang .
Lão vứt dao xong, hồi hộp , run rẩy, nín thở chờ đợi phép nhiệm màu hiện ra, có đúng như sự tích không ? Lão sờ lên đầu vẫn thấy mái tóc thô và rậm. Không phải kiểu tóc xoắn thành nhiều cục như con ốc trên đầu mấy pho tượng. Lão nhìn xuống, vẫn bộ quần áo dính đầy máu khô, không phải cái áo cà sa màu vàng . Và dưới nữa là cái băng ghế gỗ chứ không phải toà sen. Còn trong người lão cũng chẳng thấy thay đổi khác thường nào cả . Chẳng lẽ kinh sách nói sai sao? Lão buồn bã bước xuống xe.
Suốt ngày hôm đó lại là một ngày bình thường. Tối lại vẫn nằm chung với vợ;. Sáng ra tiếng chuông chùa đánh thức lão dậy. Lão nằm mơ màng nhìn lên trần mùng lắng nghe không gian rộn ràng tiếng chuông cùng với làn không khí ẩm thấp mát rười buổi ban mai. Sáng hôm nay chỉ có một điều lạ xuất hiện. Một điều rất nhỏ nhưng sung sướng vô cùng, xưa nay chưa hề nếm được. Tiếng chuông công phu bên chùa đánh thức lão dậy không phải để mài dao đi làm việc ác mà dậy để đón chào một ngày mới. Lão xô mụ vợ ra, nhẹ nhàng xuống giường tìm đôi dép bước ra sau. Lão cầm cái gáo dừa gác miệng trên lu nước. Một giọt nước rơi. Lão nhìn khuông mặt mình lờ mờ hiện ra trên mặt nước, một khuôn mặt khác hẳn ngày thường, hiền từ phúc hậu. Lão thấy chung quanh mình được viền bằng cái vòng ánh sáng gờn gợn. Lão rùng mình. Trời ơi ! Cái vòng sáng đó là cái vòng hào quang. Hào quang thật đây sao ? Sao nó mờ nhạt thế ? Lão cho rằng thứ thiệt nó chỉ có vậy còn của giả mới hào nhoáng. Không thấy chị Xuyến chủ tiệm vàng đi chợ mang đầy vàng giả, sáng còn hơn khi ở nhà đeo vàng thực.
Sáng nay người vợ thức dậy muộn.Chị ta thấy chồng chưa mặt bộ đồ máu mà cũng chẳng đem dao đi mài. Vợ hỏi:
-Sao giờ này còn ngồi đó chưa đi làm ?
Lão Nộ không dám nói thật chuyện ném dao. Lão biết nói thế thì mụ ta chửi là đồ khùng mà còn xỉa xói đủ thứ. Lão nói trớ đi .
-Mất dao rồi .
Vợ nói :
-Làm gì mà mất dao ? Con dao đó ai lấy làm chi ? Hay bỏ quên đâu đó ? Mấy chục năm nay sao không mất ? Mất rồi thì đi qua thợ rèn Ba Câu rèn cái khác .
Lão Nộ ừ hử cho qua chuyện, lão biết rồi đây thế nào con vợ cũng cắn xé lão về cái tội tự nhiên bỏ nghề. Chắc cũng chẳng sao, một vài tháng, lão có nghề khác, mụ sẽ quên .
Lão nhớ lại buổi đầu, thời mười bảy tuổi theo cha qua nhà thợ rèn Ba câu ở cuối con dốc làm con dao đồ tể. Lúc đó lò rèn này do cha của Ba Câu ngồi đánh búa thợ cả, thằng Ba Câu mới biết bò. Mẹ nó ngồi trên cái ghế cao vừa cho con bú vừa thổi hai cái ống bể làm bằng hai đoạn thân cây dừa khoét rỗng ruột. Cha lão ra dấu, nói thước tấc, lão thợ rèn không hiểu, nói :”Sai một li đi một dặm, ông vẽ ra cho rõ ”. Cha nó lấy cục than vẽ trên bức vách hình thù con dao. Nét vẽ ngờ nghệch xấu xí lắm. Không ngờ cái nghiệp sát sinh cứ đi liền với con dao đó theo mãi đến gần cuối đời mới có gan ném bỏ nó .
Sáng hôm nay không có con dao dắt trên giàn bếp nữa. Lão Nộ thấy trong người nhẹ nhàng. Giống như con dao ấy trong mấy mươi năm nay buổi sáng nào cũng kề cổ lão, bắt lão phải phạm cái tội sát sinh. Nay đã vất được nó, lão khoan khoái dễ chịu vô cùng. Lão đi bộ lững thững ra trước cửa nhà ngắm người qua lại. Nơi đây tuy là cửa ngõ nhưng trước đây lão ít lai vãng. Nói thực ra vì lão sợ. Lão chẳng sợ ai, không sợ nhưng rất bực mình con chó vện của nhà Tám soan cứ thấy lão là sủa. Con chó này lông vàng sọc đen trông như con cọp tàu cau. Con vện thù lão Nộ căm gan.Lão cắt cổ con vàng là mẹ nó, con đen là cha của nó. Sau nầy cũng chính lão cắt cổ bầy con của nó. Lâu nay nó là con chó đầu đàn dẫn dắt chó trong cả xóm kéo theo từng bầy sủa inh ỏi. Lạ quá, hôm nay thấy lão Nộ nó tỏ vẻ thân thiện, ngoắt đuôi, đến ngửi ống quần rồi bỏ đi. Thực là điều kỳ dị ngoài sức tưởng tượng .
Trước đây thấy cái vòng sáng mờ mờ rung rinh trong lu nước lão nghĩ là hào quang nhưng chưa chắc. Nay thấy con chó hung tợn này tỏ ra thân thiện qụy luỵ thì lão tin chắc sự tích “đồ tể vất dao hoá Phật” là thực chớ không phải điều huyễn hoặc.