...anh thấy rằng anh càng có thêm dũng khí cứng rắn để chịu đựng những đau đớn kịch liệt của việc mổ bụng tự sát...
1.
Ngày 28, Tháng Hai, năm thứ 2 niên hiệu Chiêu Hoà (tức là ngày thứ hai sau cuộc chính biến ngày 26, Tháng Hai)1, trung úy Vũ-Sơn Tín-Nhị, thuộc liên đội cần vụ, bộ binh cận vệ, từ khi có cuộc chính biến, đã lo lắng về hành vi tham gia cuộc chính biến của các bạn hữu. Anh đã rất đau xót trước tình thế cùng cực quân đội của Thiên Hoàng phải kình chống nhau, và anh đã dùng kiếm nhà binh mổ bụng tự sát tại căn hộ rộng tám chiếu ở phố Thanh Diệp, phường Tứ Cốc. Vợ anh, nàng Lộc Tử cũng đã dùng dao con tự sát với chồng mình. Bức thư trối lại của trung úy chỉ có một câu: “Quân đội Thiên Hoàng Muôn Năm!” Còn thư của vợ anh gởi cha mẹ, nàng tự trách mình đã bất hiếu, và: “Cái ngày của một người làm vợ lính phải đến, thời đã đến...” Những giây phút cuối cùng của hai nam nữ anh hùng đó đã thực sự làm cho quỉ thần phải khóc. Ngoài ra, trung úy chết năm ba mươi tuổi, và vợ anh, hai mươi ba tuổi. Hai người làm lễ đuốc hoa chưa tới nửa năm.
2.
Dĩ nhiên những người tham dự lễ kết hôn của Vũ-Sơn Tín-Nhị và cả những người được đưa cho xem ảnh cưới của cô dâu chú rể, đều cất tiếng tiếc thương cho đôi nam thanh nữ tú. Trung úy mặc quân phục, tì tay trái vào kiếm nhà binh, tay trái cầm mũ lính đã giở xuống, anh hùng đứng che chở người vợ mới cưới. Trên khuôn mặt oai nghiêm, đôi mày rậm, lẫn đôi mắt mở rộng, phơi ra cái vẻ trung trực của tuổi trẻ. Chiếc áo choàng trắng cô dâu đẹp khôn sánh. Nơi đôi mắt tròn vo dưới làn mi nhạt, nơi chiếc mũi thanh tú, và nơi đôi môi mọng, vẻ diễm lệ và nét cao quí chiếu rọi vào nhau. Nàng cầm chiếc quạt nơi đầu mút ngón tay, e ấp lộ ra khỏi ống tay áo choàng; đầu ngón tay ấy được tinh tế sắp xếp và trông như búp hoa tịch nhan.
Sau khi hai người tự sát, người người đưa bức ảnh ra xem đều than rằng trong vẻ đẹp toàn vẹn của hai người đã phảng phất cái điềm không tốt. Và người ta có cảm tưởng là cô dâu chú rể đứng trước tấm bình phong, với đôi đồng tử trong suốt đó, dường như đang nhìn thấu cái chết sắp đến.
Hai người, nhờ sự giúp đỡ của trung tướng Vĩ Quan, đã lo liệu được một căn nhà mới ở phố Thanh Diệp, phường Tứ Cốc. Tiếng là căn nhà mới, nhưng đấy chỉ là một căn hộ cho thuê cũ ba phòng, nằm lụp xụp trong một mảnh vườn nhỏ. Vì cả phòng sáu chiếu lẫn phòng bốn chiếu ở tầng trệt nắng rọi vào không nhiều, nên họ dùng tầng trên làm phòng khách và phòng ngủ, và nhập hai phòng làm một. Và vì không có người giúp việc, Lộc Tử ở nhà giữ nhà một mình.
Bởi vào thời kỳ Đất Nước đang khó khăn, tuần trăng mật của họ đành phải gác lại. Hai người đã trải qua đêm đầu tiên với nhau tại căn nhà nầy. Trước khi nằm với nhau, Tín-Nhị đặt lưỡi kiếm nhà binh trước đầu gối, rồi nói một bài huấn thị về đời người lính. Rằng đã là vợ người lính thì phải chấp nhận chuyện chồng mình có thể chết bất cứ lúc nào. Cũng có thể ngày mai. Cũng có thể ngày kia. Cái chết có thể xảy đến bất cứ lúc nào - anh hỏi - vậy nàng có chấp nhận sự chết mà không sợ hãi. Lộc Tử đứng dậy, mở chiếc hộp đựng đồ tế nhuyễn con gái, lẳng lặng đặt trước đầu gối mình chiếc dao con mà mẹ nàng cho như món đồ thiết thân mẹ cho con gái về nhà chồng. Qua đó, một giao ước thầm lặng hình thành, và trung úy không bao giờ thử lại sự quyết tâm của vợ mình thêm lần nữa.
Kết hôn đã được mấy tháng, sắc đẹp của Lộc Tử càng ngày càng rạng rỡ. Rạng rỡ như vầng trăng sau mưa.
Vì hai người đều có thân thể mạnh khoẻ, nên chuyện giao tình của họ mạnh mẽ, không phải chỉ ban đêm mà thôi, sau khi diễn tập trở về, có bữa chàng trung úy còn, nóng nảy cởi quần áo nhà binh lấm bụi, đè ngửa vợ xuống sàn nhà. Lộc Tử cũng đáp ứng nồng nhiệt không kém. Hơn cả tháng trời, từ ngay đêm đầu tiên, Lộc Tử nếm được sự sung sướng ái ân; trung úy nhận ra điều đó và anh cũng sung sướng.
Thân thể của Lộc Tử trắng uy nghi. Đôi vú căng đầy, thế mà lúc nào cũng vẫn phô ra cái màu thanh khiết ngầm chứa một sự khước từ mạnh mẽ, nhưng một khi đã ưng chịu rồi, đôi vú ấy lại tràn trề cái ấm áp tổ ấm ngơi nghỉ. Trên giường đôi vú nàng pha màu uy nghiêm đến độ gây kinh sợ; màu uy nghiêm ấy nhạt dần giữa cơn tình cuồng loạn.
Ban ngày, trong giờ diễn tập, trung úy cứ mãi nghĩ tới vợ, và nàng Lộc Tử cả ngày cứ tưởng vọng khuôn mặt chồng mình.
Khi một thân một mình, đưa tấm hình cưới ra ngắm, nàng càng cảm thấy hạnh phúc cầm chắc. Dẫu sao nàng vẫn có cái cảm tưởng lạ lùng là chàng trai chỉ mới mấy tháng trước đây chẳng qua chỉ là một người lạ bên đường, bây giờ trở thành mặt trời đời nàng. Đó chính là đạo đức, đúng theo lời giáo huấn nề nếp con nhà: “Thuận vợ thuận chồng...” Lộc Tử chẳng hề, dầu chỉ một lần, cãi lại chồng, và chồng nàng cũng chẳng thấy có lý do gì để mà trách nàng. Ở trên bàn thờ ở tầng dưới, cạnh bài vị thỉnh từ thái miếu Hoàng Thái Thần Cung về, còn trưng bày ảnh của cả Thiên Hoàng lẫn Hoàng Hậu; và mỗi sáng, trước khi đi làm, trung úy và vợ cả hai cúi đầu sâu trước bàn thờ, châm nước cúng, và nhánh cây thần2 bao giờ cũng tươi mới. Trong cái thế giới đó, đôi trẻ cảm thấy họ hoàn toàn được thần uy gìn giữ, đồng thời họ cũng được sung sướng tràn đầy đến tận mọi ngõ ngách thân xác.
3.
Tuy rằng dinh quan chưởng ấn3 Tề Đằng vốn gần, nhưng sáng ngày 20, Tháng Hai, hai người chẳng nghe tiếng súng nổ. Cái thảm kịch dài mười phút ấy bùng ra, nhưng mãi tới khi tiếng kèn tập hợp thổi vang trong buổi sáng tuyết phủ, tiếng kèn ấy mới phá tan được giấc ngủ của trung úy. Trung úy bật dậy, lẳng lặng mặc quân phục, đeo kiếm nhà binh mà vợ trao cho, lao ngay ra đường sớm mai tuyết phủ chưa tỏ mặt người. Và không về nhà cho tới chiều tối ngày 28, Tháng Hai.
Lộc Tử sau đó nghe toàn thể tin tức về cuộc chính biến trên chương trình tin tức của đài vô tuyến truyền thanh. Trong hai ngày kế tiếp, nàng chỉ một thân một mình, đóng cửa, yên lặng. Buổi sáng tuyết phủ đó, nàng chẳng nói năng gì, lao ra, và đọc được trên khuôn mặt trung úy cái quyết tâm phải chết. Nếu chồng nàng trong tình trạng quyết tâm phải chết mà vẫn sống, và không trở về, nàng hiểu rằng nàng vẫn phải theo gót chồng. Nàng đã lặng lẽ thu xếp những sự việc quanh nàng. Nàng viết địa chỉ trên những miếng giấy gấp trên những bộ kimônô nàng dùng trong các dịp thăm viếng, mà nàng tính sẽ để lại cho các bạn đồng song như đồ kỷ niệm. Vì nghe chồng nói là sống ngày nào hay ngày nấy, nên Lộc Tử chẳng ngày nào mà chẳng viết nhật ký, và khi nàng chăm chú đọc những trang nhật ký ghi nhận những tháng hạnh phúc nơi đây, nàng không đành lòng ném chúng vào lửa. Nằm dọc theo máy phát thanh là những đồ sứ: chó, thỏ, sóc, gấu, chó sói. Có cả bình, hủ nước. Đó là những món đồ sưu tập duy nhất của Lộc Tử, nhưng nàng không tính biếu những món đồ ấy như đồ kỷ niệm, tuy nhiên những món ấy nàng chẳng thể yêu cầu người ta bỏ vào quan tài được. Xem ra những con thú bằng sứ đó bắt đầu tỏ ra cái vẻ tuyệt vọng, cô đơn không nơi nương tựa.
Lộc Tử nâng con sóc trên tay, ngắm nghía; nhưng rồi nàng lại chiêm ngưỡng, vượt lên trên những tình cảm trẻ con đó của mình, cái Đại Nghĩa tựa mặt trời mà chồng nàng đang thể hiện. Nàng vui sướng; thân xác của nàng sẽ bị nghiền nát và chết dưới chiếc xe mặt trời rực rỡ đó, nhưng trong giây phút này đây, nàng vẫn tự nhiên đắm chìm trong những tình cảm thơ ngây ấy. Tuy nhiên chuyện nàng yêu thuần những thứ đó mà thôi đã thuộc về quá khứ. Bây giờ nàng không phải chỉ yêu những kỷ niệm đầy dấu yêu mà thôi, trái tim nàng còn đầy tràn nỗi cuồng nhiệt vô cùng, niềm hạnh phúc vô tận... Nhưng cho tới bây giờ, Lộc Tử chưa hề gọi tên, dù chỉ trong ý nghĩ, niềm vui xác thịt đến cả ngày lẫn đêm ấy là khoái lạc. Ngón tay xinh đẹp nàng, giữa cái lạnh lẽo Tháng Hai, đang nắm lấy con sóc sứ lạnh như băng, nhưng ngay lúc ấy nàng lại nghĩ tới cái sát na khi cánh tay rắn rỏi của trung úy vươn ra, và nàng cảm thấy, ở dưới chỗ vải gấp lại có hình dáng giống như của đường viền áo choàng lụa, cái ươn ướt của thân xác trần truồng nóng bỏng làm tan đi tuyết giá. Cái chết lảng vảng trong đầu chẳng làm cho nàng sợ chút nào. Một mình ở nhà, nàng tin chắc là những tình cảm, những suy nghĩ của chàng bây giờ, những bi thương, những đau khổ của chàng, hoàn toàn giống như thân thể của chàng, tất cả sẽ dẫn đưa nàng vào cái chết dễ chịu. Nàng nghĩ thân thể nàng sẽ tan chảy dễ dàng vào cả những mảnh nhỏ của những ý tưởng của chồng.
Thế rồi Lộc Tử lắng tai nghe tin tức phát từng giờ trên đài phát thanh và nàng biết được bao nhiêu người trong số những kẻ tham gia cuộc khởi nghĩa. Tin tức của sự chết. Tình thế như thế không cách chi xoay vần được nữa rồi. Không biết chắc chiếu chỉ nhà vua khi nào ban ra, nhưng dần dần nàng cũng biết được là thoạt đầu cuộc khởi nghĩa có vẻ là để cải cách, nhưng lại bị khoác cho cái ô danh là cuộc phản loạn. Chẳng có một sự liên lạc nào từ liên đội. Trong phố thị còn đọng lại tuyết, không biết lúc nào giao tranh sẽ bắt đầu. Mãi tới hoàng hôn ngày 28 mới có tiếng gõ cửa dồn dập nơi hành lang. Lộc Tử đâm ra lo sợ. Nàng chạy nhào ra, tay lạnh cóng, gỡ then cửa. Có khuôn mặt người nhìn vào cửa sổ, không nói năng gì, nhưng nàng biết rõ đó chẳng ai khác hơn là chồng mình. Lộc Tử chưa bao giờ cảm thấy then cài của cửa trượt mở chậm đến như thế; then cài cứ như trì lại nơi tay nàng, và cánh cửa trượt không mở ra được.
Cửa chưa kịp mở hẳn, trung úy đã đứng trong hành lang xi măng, thân khoác chiếc áo khoác kaki, chân đeo ủng cao, nặng, lấm bùn tuyết. Trung úy đóng cánh cửa trượt và đồng thời đưa tay cài then cửa lại. Lộc Tử chẳng rõ liệu chồng mình có chủ ý gì khi làm như thế hay không.
“Anh đã về; em mừng!”
Lộc Tử cúi đầu sâu và nói như thế, nhưng trung úy không đáp lại. Khi anh đã gỡ kiếm và cởi áo khoác xong, nàng đi vòng ra phía sau, và giúp anh một tay. Chiếc áo khoác, mà nàng đỡ lấy, ẩm ướt và lạnh, mất đi mùi phân ngựa khi đứng phô dưới mặt trời, và trĩu nặng trong tay nàng. Treo áo choàng, cất kiếm xong, nàng đi lại phía chồng đang cởi ủng và dẫn chàng vào phòng uống trà. Đó là căn phòng sáu chiếu ở tầng dưới.
Khuôn mặt của người chồng dưới lò lửa sáng, khuôn mặt ấy râu hàm phủ bờm xờm, hốc hác nom giống như mặt ai khác. Má hóp, mất hẳn cái sáng sủa, nét căng đầy. Những lúc bình thường vui vẻ, khi về nhà, anh mặc quần áo thường, và giục dọn cơm tối, thế mà bây giờ anh vẫn mặc đồ nhà binh, quay về bàn ăn chân thấp, ngồi xếp chân bằng, cúi đầu. Lộc Tử cầm lòng lại, không dám hỏi chồng có nên dọn bữa tối hay không.
Mãi một lúc sau trung úy mới nói:
“Anh chẳng biết gì hết. Có lẽ các anh ấy cũng chẳng mời anh tham gia đâu! Dám là vì họ thấy anh mới cưới vợ, các anh ấy thương tình.”
Anh Gia Nạp, anh Bản Gian, rồi cả anh Sơn Khẩu cũng vậy, là những người bạn của chồng. Lộc Tử nhớ tới những khuôn mặt các bạn thanh niên quen biết vẫn hay đến nhà họ chơi.
“Ngày mai, chiếu chỉ vua có lẽ sẽ được ban hành. Anh sợ rằng họ sẽ phải mang ô danh phản loạn. Anh sẽ phải chỉ huy lính anh tấn công các bạn ấy... Anh không thể làm như thế! Anh không thể làm như thế được!”
Và trung úy nói tiếp:
“Anh, anh được thay phiên trực, và được phép về nhà một đêm. Và ngày mai anh bị bó buộc phải tấn công các bạn ấy. Lộc Tử ơi, anh không thể ra tay làm điều đó được.”
Lộc Tử ngồi xuống, lưng thẳng, đầu cúi. Nàng hiểu rõ chồng mình muốn nói chuyện anh phải chết. Lòng đã quyết. Lời từng lời dính liền với sự chết. Những lời xúc động mạnh mẽ ấy nổi bật trên cái nền tảng kiên cố tối đen của sự chết. Dù trung úy nói ra tình trạng khó xử như thế, nhưng không làm gì còn có chuyện anh chùn bước.
Rồi hai người thinh lặng, nhưng trong khoảng khắc thinh lặng ấy vẫn có một cái gì đó như cái trong trẻo của giòng suốt tuyết tan. Thế là hết hai ngày trải qua đầy lo lắng dài như vĩnh cữu, và bây giờ ở nhà mình, có người vợ xinh đẹp ngồi trước mặt, anh bắt đầu cảm thấy yên ả trong lòng. Dù vợ không nói, nhưng anh cũng hiểu được sự cương quyết không nói ra của nàng.
“Tốt!” Trung úy, mở to đôi mắt can trường, trong sáng, tuy nặng trĩu vì mất ngủ, nhìn thẳng vào mắt vợ. “Tối nay anh sẽ mổ bụng.”
Mắt của Lộc Tử chẳng nháy, dù một chút cũng không.
Đôi mắt tròn ấy biểu lộ một ý chí mạnh mẽ như tiếng chuông rền.
“Lòng em đã quyết, xin cho em được chết cùng anh.”
Trung úy cảm thấy như bị cái sức nặng của đôi mắt nàng đè lên mình. Và lời nàng phát ra thao thao như trong cơn mê sảng, và anh không tin là nàng đã chấp nhận điều trọng đại đó kiểu nói cho có.
“Tốt! Chúng ta sẽ cùng nhau thi hành. Nhưng anh muốn em chứng thực chuyện mổ bụng của anh. Được không?”
Khi trung úy nói ra được như thế, lòng hai người vui tràn trề như bỗng được giải thoát. Sự trọng đại của lời chồng ký thác đánh mạnh lồng ngực nàng. Dù có gì xảy ra đi nữa, chết nhưng không được chết sai phép tắc. Để được như thế, phải có người chứng thực. Hơn nữa, hành vi chọn vợ chứng thực là sự tín nhiệm thứ nhất. Sự tín nhiệm thứ hai đó là, vì hai người đã giao kết sẽ chết cùng nhau, trung úy không giết vợ trước, nhưng sắp xếp cho vợ chết sau cùng, như thế anh sẽ không thể xác nhận cái chết của vợ được. Nếu trung úy là một người chồng hay nghi ngờ, anh sẽ chọn lựa giải pháp giết vợ trước tiên như lệ thường những vụ tự sát cả cặp vì ái tình.
Khi Lộc Tử nói “Cùng chết với nhau!” lời ấy trung úy đã nói với nàng Lộc Tử từ đêm động phòng, và rồi đến cơ sự hôm nay, anh cảm thấy điều khiến cho vợ mình thốt lên lời ấy không chút ngập ngừng là thành quả của một nền giáo dục cao cả. Lời nàng đó hỗ trợ lòng tự tin của anh, và anh không phải là một người chồng đần độn đến độ cho lời đó chỉ vì ái tình mà thốt ra.
Bởi niềm vui trào dâng trong lồng ngực nhau, họ hai mặt nhìn nhau, và mỉm cười với nhau. Lộc Tử như đang trở lại đêm động phòng.
Trước mắt họ, đớn đau không có, sự chết cũng không, và họ cảm thấy như đang có cánh đồng tự do, mênh mông trải dài trước mắt họ.
“Phòng tắm đã sẵn có nước nóng; anh có tắm không?”
“Ừ, anh tắm!”
“Anh có dùng bữa không?”
Câu nói thốt lên như một lời bình thường trong gia đình; trung úy như suýt bị hãm trong ảo giác.
“Thức ăn có lẽ không cần, nhưng em hãy hâm nóng cho anh ít rượu.”
“Vâng.”
Lộc Tử đứng dậy, và khi lấy ra chiếc áo choàng tắm, nàng lôi kéo sự chú ý của chồng vào chiếc tủ kéo đang mở. Trung úy đứng dậy đi lại, và nhìn vào trong tủ kéo, và đọc từng địa chỉ của những món đồ kỷ niệm trên những giấy gói ngay ngắn, vuông vức. Một sự sắp sẵn đầy can đảm bày ra trước mắt trung úy; và không một chút buồn thương, lòng anh tràn đầy cảm giác ngọt ngào. Và như một người chồng muốn chỉ cho người vợ trẻ những món đồ ngộ nghĩnh trẻ con mình mới mua, lòng thương yêu tràn trề, anh từ phía sau ôm vợ, và hôn lên gáy nàng.
Lộc Tử cảm thấy cái nhột nhạt của râu chàng nơi gáy. Đối với nàng, cái cảm giác ấy chẳng những đang ở đời này mà thôi, mà nó còn rất thực, và tuy sắp sửa mãi mãi mất, nhưng chúng thật không gì tươi mới hơn. Ánh mắt từng ánh mắt lung linh sức sống, và nơi mỗi ngõ ngách thân xác lại thức tỉnh. Nàng nhói bàn chân đang mang tất lên, và đón nhận những vuốt ve yêu đương từ phía sau của chồng.
“Anh vào tắm, và rồi chúng mình uống rượu... nhé! Em trải chiếu ra trên lầu hai nhé em...,” Trung úy thì thầm vào tai vợ. Nàng lặng lẽ gật đầu.
Trung úy cởi quân phục ra, và vào buồng tắm. Lộc Tử vừa nghe tiếng nước xối xa xa dội lại, vừa trông chừng gia giảm lửa lò nấu trà và sửa soạn lò hâm rượu đế.
Nàng cầm chiếc áo khoác mặc trong nhà, đai, đồ lót đi vào buồng tắm, và châm chước nước tắm. Giữa làn hơi nước đang lan tỏa, trung úy đang ngồi xếp bằng, cạo râu, và nàng thấy trong nơi mờ ảo ấy làn da thịt lưng rắn rỏi đẫm nước nhịp thành thạo theo cử động của cánh tay.
Ở đấy, lúc ấy, chẳng có gì gọi là đặc biệt. Lộc Tử lăm xăm lúi xúi. Nàng dọn đồ nhắm ra nệm trải sàn. Tay không run rẩy, nàng luôn nhanh nhẩu, và cẩn thận để ý dọn cái này xếp cái kia. Nhưng thỉnh thoảng trống ngực vẫn cứ đánh thình thình. Và như những làn chớp nơi xa xăm, tiếng trống ngực ấy thoắt hiện thoắt biến. Ngoài ra, chẳng có gì biến đổi khác thường.
Trung úy cạo râu trong buồng tắm; và khi thân thể đã ấm lên, cái mệt mã của những đau khổ mà không có nơi nào có thể chứa đựng được nỗi, cái mệt mã ấy giờ đã hoàn toàn chữa lành. Và khi đối diện với cái chết trước mặt, trung úy cảm thấy lòng tràn đầy một sự ngóng đợi thú vị. Nghe mơ hồ tiếng vợ mình đang sửa soạn. Thế rồi cái ham muốn mạnh mẽ, đã bỏ lửng hai ngày, giờ lại nổi lên trong lòng.
Trung úy tin rằng chẳng mảy may cặn cợn nào còn đọng lại trong niềm vui quyết tử của hai người. Lúc ấy hai người, dù không hoàn toàn ý thức, nhưng họ vẫn cảm thấy cái khoái lạc chính đáng mà tư riêng của họ hoàn toàn được giữ trong vòng lễ giáo, không mộc chút sứt mẻ, và đầy Đại Nghĩa uy nghi.
Hai người nhìn nhau, và khi nhận ra trong đáy ánh mắt trao nhau đó cái chết đường đường, họ cảm thấy họ như được bao quanh bởi bức tường thép không ai có tài nào phá vỡ được, và họ cảm thấy họ được mặc áo giáp của Chính Nghĩa, của cái Đẹp mà chẳng ai có thể chạm tới được. Cho nên trung úy không thấy có gì mâu thuẫn chỏi nhau giữa ham muốn xác thịt của mình và lòng yêu nước, mà đúng ra, anh nghĩ, đã nhập thành một.
Trung úy giơ mặt ra trước kiếng soi tôi tối, có vết nứt, lòa nhoà hơi nước, và anh cạo râu thiệt kỹ. Đấy sẽ là khuôn mặt của sự chết. Cạo không lưu một vệt dao phạm nào khó coi. Khuôn mặt mới cạo lại tươi trẻ rạng rỡ đến mức có thể làm sáng tấm gương tối tăm. Nơi sự chết và khuôn mặt mạnh khoẻ tỉnh táo kết hợp, quả thật có một cái gì đó gọn gàng tinh tươm.
Khuôn mặt như thế là bản mặt của sự chết! Nói đúng ra, khuôn mặt ấy, một nửa đang lìa xa trung úy, người sở hữu, và sắp trở nên khuôn mặt trên tấm bia mộ. Anh nhắm chặt mắt mình. Hoàn toàn bị bao trùm bởi bóng đen, anh không còn thấy mình là một con người đang sống và đang nhìn sự vật.
Trung úy ra khỏi phòng tắm, những vết cạo xanh xanh sáng trên đôi má tươi nhuận, và anh ngồi xếp bằng xuống cạnh lò than đang cháy đượm. Anh nhận thấy Lộc Tử giữa lúc bận bịu, cũng đã điểm trang sơ khuôn mặt nàng. Má tươi như hoa, đôi môi mọng ướt, chẳng có vẻ gì là bi thương. Và nhìn tính cách mạnh mẽ của người vợ trẻ, anh cảm thấy anh đã chọn đúng người vợ mà mình nên chọn.
Trung úy sau khi đã cạn chén, anh liền nâng một chén cho Lộc Tử. Nàng không uống ngay một hơi, nàng nhận chén rượu không chút ngại ngùng, và ren rén đưa chén rượu lên miệng.
“Lại đây với anh,” trung úy nói.
Lộc Tử đi lại phía chồng, và ngã vào lòng chồng. Tim đập mạnh thật mạnh; cả nỗi buồn, cả niềm vui như thể hoà chung vào với rượu nồng. Trung úy đau đáu nhìn vào mặt vợ. Chính anh đang nhìn vào khuôn mặt cuối cùng của cõi thế này, khuôn mặt của người đàn bà cuối cùng. Với đôi mắt của một người lữ hành vẫy chào thắng cảnh đẹp đẽ của một vùng đất mà mình sẽ không trở lại, trung úy nhìn chăm, nhìn kỹ khuôn mặt vợ mình. Khuôn mặt nàng, nhìn bao lần đi nữa cũng chẳng chán. Khuôn mặt ấy ngay thẳng, mà lại không lạnh, đôi môi mềm khép lại mơ hồ. Trung úy bất giác hôn lên đôi môi ấy. Khuôn mặt nàng, dầu chẳng có một chút gì nhăn nhúm vì khóc, vậy mà những giọt nước mắt từng giọt từng giọt vẫn cứ trào ra từ bóng râm của hàng mi dài nơi đôi mắt khép kín, và từ khóe mắt, chảy xuống lung linh.
Thế rồi khi trung úy hối thúc nàng lên phòng ngủ tầng trên, nàng thưa là nàng sẽ vào buồng tắm rồi sẽ lên sau. Nghe thế, trung úy lên tầng trên, và vào phòng ngủ đã được sưởi ấm bằng hơi đốt, rồi nằm xoải chân trên tấm nệm sàn nhà. Nằm đợi mãi cho tới khi vợ đến. Anh nằm trơ ra đó, hai tay xếp kê lên gáy nhìn đăm lên gỗ trên trần nhà tối mờ mờ mà ngọn đèn bàn không chiếu tới được. Bây giờ anh cảm thấy có phải anh đang chờ cái chết hay chờ sự sung sướng điên cuồng của cảm giác, lúc cả hai nằm chồng lên nhau; như thế ham muốn của xác thịt như đang gặp mặt sự chết. Dẫu sao đi nữa, trung úy có lẽ chưa bao giờ nếm được cái tự do ở mức hoàn toàn đến mức như vậy.
Có tiếng xe hơi ngoài khung cửa sổ. Có tiếng nghiến ken két của những mảng tuyết còn sót lại ai đó giẫm trên vệ đường. Tiếng còi dội lại trên tường... Khi nghe những âm thanh như thế, anh có cảm tưởng nơi này như nhô lên tựa một hải đảo giữa biển xã hội, trong đó người đời vẫn tới lui bình thường. Cái Đất Nước mà anh âu lo đó đang trải ra bao la, hỗn độn gần nhà anh. Vì cái Đất Nước đó anh nguyền dâng thân mình. Đất Nước ấy đang ra sức hối thúc anh cho tới khi thân xác anh bị hủy diệt; cái Đất Nước ấy, anh không biết, cuối cùng có ngó ngàng nhìn anh dầu chỉ một lần hay không. Thôi, như thế cũng chẳng sao! Đây là một chiến trường không huy hoàng sáng chói, một chiến trường mà anh không thể biểu dương công trạng cho một ai. Đây là tuyến đầu của quỉ thần.
Có tiếng chân của Lộc Tử bước lên cầu thang. Chiếc cầu thang dốc đứng của căn nhà cũ kỹ kêu két két thật rõ. Tiếng két két gây nhớ. Không biết bao nhiêu lần chàng trung úy ở trong phòng ngủ chờ nàng của mình, và lắng nghe cái âm thanh két két ngọt ngào ấy. Khi nghĩ rằng anh không còn nghe tiếng chân nàng bước thêm một lần nữa, anh bắt đầu chú ý lắng nghe, trong từng giây từng giây của khoảng thời gian quí trọng, cái tiếng chân nhẹ nhàng mà làm kêu ken két đó; anh cố đong cho đầy từng ngõ ngách lòng mình. Và rồi thời gian ấy chiếu lung linh, trở nên như đá quí.
Lộc Tử mang đai áo Danh Cổ Ốc, và màu hồng của đai áo không sẫm lại theo bóng tối. Khi trung úy đưa tay cầm lấy đai áo, và Lộc Tử đưa tay giúp tháo, đai áo rơi tuột xuống nệm trải sàn. Vợ vẫn còn áo choàng tắm trên mình, trung úy đưa tay luồn vào hai bên sườn nàng, tính ôm lấy nàng, nhưng khi ngón tay đụng phải lỗ nách ấm áp của ống tay áo, trung úy, qua cảm xúc nơi đầu ngón tay, lòng cũng như toàn thân bùng cháy lên. Hai người lẳng lặng tự nhiên cởi quần áo trước ánh lửa lò sưởi. Hai người tuy không nói ra, nhưng lòng dạ, thân xác, lồng ngực đang đập thình thịch, tất cả lục bục lên cái ý nghĩ đây là lần dâng hiến cho nhau lần cuối. Cái cụm từ “dâng hiến cho nhau lần cuối” ấy như hiện từng nét lên mọi ngõ ngách không thể thấy của thân xác trong bóng tối.
Trung úy ôm siết lấy người vợ trẻ, và hôn nàng. Lưỡi hai người cảm nhận mọi góc trong miệng ướt mềm của nhau. Cái thống khổ của sự chết họ chưa cảm nhận, cái thống khổ của sự chết còn xa vời ấy, làm tinh ròng sự sung sướng của hai người.
“Đây là lần cuối cùng anh được nhìn thân thể em. Cho anh được nhìn rõ thân thể em,” trung úy nói. Thế rồi chàng nghiêng nghiêng cái chao đèn để bàn, và làm cho ánh sáng lơ lửng trên thân Lộc Tử đang nằm sóng xoãi.
Lộc Tử nhắm mắt, nằm sóng xoãi. Cái ánh sáng chiếu thấp ấy làm lộ ra những đường nét nhấp nhô của da thịt trắng tinh đượm vẻ uy nghi. Một chút ích kỷ, trung úy vui mừng vì mình được hạnh phúc toàn vẹn ở chỗ không phải thấy sự thật phũ phàng về cái hư nát của cái thân xác đẹp đẽ ấy của nàng.
Trung úy nhẩn nha khắc vào lòng cái cảnh đẹp không thể quên được. Bàn tay vừa nhẹ nhàng đùa trong mái tóc nàng, vừa vuốt ve khuôn mặt đẹp, miệng chàng hôn nàng nơi này chốn nọ, chỗ mắt nhướng tới. Từ vừng trán uy nghi mà lặng lẽ như vầng núi Phú Sĩ, cho đến đôi mắt khép lại với hàng mi dài nằm phía dưới mày mơ màng, đến chiếc mũi dọc dừa xinh đẹp, đến khoảng giữa đôi môi đều đặn, mọng đầy hàm răng lấp lánh, thấp thoáng, đến đôi má ấm mềm, chiếc cằm nhỏ, linh lợi..., tất cả làm cho trung úy nghĩ tới khuôn mặt trong sáng của sự chết. Trung úy hôn không biết bao nhiêu lần, hôn mãnh liệt, gốc cần cổ trắng ngần, nơi nàng có lẽ sẽ tự mình đâm, và làm cho ngấn cổ ấy đỏ rựng lên. Chàng trở lại với đôi môi, áp nhẹ lên làn môi ấy, và lay nhay đôi môi mình trên đôi môi nàng, như chiếc thuyền con bập bềnh. Nhắm mắt lại, cõi đời này như một chiếc nôi.
Môi rà theo nơi mắt nhìn. Đôi vú nàng vun cao, phập phồng, đôi vú ấy, chàng núm lấy đầu núm vú như nụ hoa đào đỉnh non, và khi chàng trung úy ngoạm vào, vú trở nên cứng. Vẻ mĩ miều của đôi cánh tay chảy nghiêng xuống từ hai bên cạnh sườn phía lồng ngực, vẻ mĩ miều ấy là một công trình tinh xảo: cái tròn lẳn muốt nhỏ dần xuống đến cổ tay, và nơi mút bàn tay là những ngón tay nhỏ nhắn đã từng cầm chiếc quạt ngày hôn lễ. Từng ngón từng ngón tay nàng, trước đôi môi của chàng, chúng cứ ẩn trốn sau những ngón khác như thể thẹn thuồng. Vùng thịt da từ lồng ngực cho tới bụng, nhỏ lại tự nhiên theo khuôn đúc Tạo Hoá, và với cái vẻ mềm mại đó, nó vừa vít cong xuống cái sức đang căng, vừa làm giảm lại cái đường cong phong phú từ bụng cho tới eo, thế mà vẫn phô ra cho thấy cái gì đó như kỷ luật nghiêm minh của một thân thể không buông thả mảy may. Cái bụng cách xa ánh sáng và màu trắng của eo như sữa chảy tràn ra khỏi chiếc chén lớn, và còn hơn thế nữa, nơi vùng bụng ấy, chiếc rốn trũng thanh sạch như dấu vết tươi mới mà một hạt nước mưa mới xoi nặng hạt. Nơi những bộ phận mà những bóng râm càng lúc càng tụ lại sẫm bóng, lông chụm lại và dựng đứng nhịp nhàng theo luồng nhạy cảm; và có mùi như mùi hương của hoa trên cao cháy nắng. Bây giờ, những chấn động không ngừng trong thân thể không còn yên tĩnh nữa, và nơi vùng hương hoa lông lá đó, chúng càng lúc càng đồng loạt dâng cao.
Thế rồi, Lộc Tử nói mà như không định trước:
“Cho em thấy... Em nữa, anh cũng hãy cho em thấy rõ hình thể yêu dấu anh.”
Một lời van xin đường hoàng mà tha thiết như thế, tới nay, chưa một lần thốt ra từ miệng người vợ; nghe như nàng bấy lâu nay cầm lòng, giấu kín và cuối cùng giờ này bỗng trào ra, vì thế chàng trung úy ngoan ngoãn nằm xoải người, phó thân xác mình cho vợ. Cái thân thể trắng tinh khôi đang còn chấn động của nàng chỗi dậy hẳn. Và nóng lòng đáp ứng cái ước nguyện yêu dấu là làm những gì mà chồng đã làm cho mình, nàng, với hai ngón tay vuốt ve như chảy trên đôi mắt, làm cho chồng đang ngước trông mình đăm đăm cũng phải nhắm mắt lại. Lộc Tử, đỏ nóng ran cả má, đỏ tới cả viền mắt, tràn trề yêu dấu, nàng ôm lấy cái đầu tóc năm phân của chàng. Tóc ngắn chà rát vú nàng; và khi chiếc mũi cao lạnh lạnh chui vào, hơi thở chàng trở nên nóng hôi hổi trong vùng vú. Nàng dang ra, và nhìn vào khuôn mặt đầy nam nhi. Mày nghiêm nghị, mắt khép kín, sống mũi thanh tú, kết hợp chặt chẽ với vành môi đẹp, má với vết cạo xanh xanh phản chiếu ánh đèn, lung linh ảo ánh. Lộc Tử hôn từng phần một, hôn lên chiếc gáy rộng, trên đôi vai sức sống tràn trề, trên ngực cường tráng như thể dàn ra trên đó hai tấm thuẫn. Và hôn cả hai núm vú màu cây du. Ở nơi hai nách, nơi mảng sườn đẹp mà vùng thịt lồng ngực chảy vào, có mùi lẩn khuất ngọt ngào thoang thoảng; và nơi cái ngọt ngào của mùi ấy chan chứa, dù gì đi nữa, cái tinh cảm của cái chết lúc còn thanh xuân. Da của chàng có cái lung linh của đồng lúa mạch. Và những bắp thịt rắn rỏi khắp thân thể phô ra những đường nét sắc sảo, giao nhau ở chiếc rốn giản dị nằm ở dưới nếp gân bụng. Khi Lộc Tử nhìn vào chiếc bụng dung dị bao phủ bởi những chùm lông tươi tốt, nàng nghĩ tới lúc chúng sẽ bị cắt đứt thê thảm, và nàng, dấu yêu vô vàn, cúi xuống, chảy nước mắt, tưới vào đó những nụ hôn.
Trung úy nằm ngửa ra đó, và khi cảm thấy những giọt nước mắt của vợ tuôn chảy trên bụng mình, anh thấy rằng anh càng có thêm dũng khí cứng rắn để chịu đựng những đau đớn kịch liệt của việc mổ bụng tự sát.
Sau khi đã trải qua cơn lâm lụy như thế, hai người bắt đầu nếm được sự sung sướng tột cùng như thế nào, tưởng không cần phải nói ra ở đây.
Trung úy hùng dũng chỗi dậy, ôm lấy trong cánh tay mạnh mẽ của mình người vợ đã kiệt sức vì khóc và vì buồn thương. Hai người cuồng loạn cạ má trái má phải của nhau. Thân của Lộc Tử run bắn. Ngực đẫm ướt mồ hôi của hai người dính chặt vào nhau, và từng ngõ ngách của thân xác đẹp đẽ, trẻ trung đã trở thành một, đến nỗi khó có thể nghĩ là họ lại có thể rời ra được. Lộc Tử thét lên. Từ trên đỉnh cao, họ rơi vào vực thẳm, và từ vực thẳm, họ mọc cánh và lại vút lên trời xanh, cao đến chóng mặt. Trung úy thở hổn hển như người lính cầm cờ của liên đội trong một cuộc diễn hành dài... Thế rồi, khi xong một vòng, ngay lập tức tình ý lại tràn trề, và hai người lại nắm tay nhau, chẳng mệt nhọc chút nào, trèo lên đỉnh núi một hơi.
4.
Thời gian trôi qua. Trung úy rời khỏi thân thể người vợ, nhưng không phải vì cuối cùng mệt quá, nhưng vì thứ nhất anh sợ sẽ làm nhụt đi cái sức mạnh cần thiết để thực hiện chuyện mổ bụng, thứ hai, vì anh sợ, do sự ham muốn thái quá, sẽ làm tổn thương cái kỷ niệm ngọt ngào lần cuối ấy.
Khi trung úy nhất định rời khỏi thân thể nhau, Lộc Tử, như bao lâu nay, từ tốn noi theo. Hai người, trần truồng, đan ngón tay vào nhau, nằm xuống, và nhìn đăm đăm lên trần nhà tối. Mồ hôi đã rút hết, nhưng vì lửa lò sưởi vẫn còn nóng, họ không cảm thấy lạnh chút nào. Đêm chung quanh lặng ngắt như tờ, cả tiếng xe xuôi ngược dường như cũng đã ngưng hẳn. Vọng âm của đường xe lửa công cộng, xe điện dội lại từ phía tường trong của chiến hào, rồi bị chắn lại bởi những chòm cây trong công viên đối diện với đường xe hơi rộng phía trước cung Xích Bản. Trong một khu như thế ở Đông Kinh, ngay bây giờ đây, khó mà tin được rằng quân đội chia rẽ của Thiên Hoàng đang ghìm nhau.
Hai người vừa cảm nhận cái nóng cháy đang bừng bừng trong họ, vừa nhớ lại cái sung sướng cùng cực mà chỉ bây giờ họ mới nếm được. Họ nhớ tới cái vị của nụ hôn bất tận, cái cảm xúc trên làn da, cái khoái lạc ngất ngây. Nhưng nơi gỗ trần nhà tối trên kia, họ đã nhìn thấy trước bản mặt của sự chết. Hoan lạc này là hoan lạc cuối cùng,không còn trở lại với thân xác họ lần thứ hai; hơn nữa, hai người cùng nghĩ như nhau là dù họ có sống đời sống mãi thế nào đi nữa, cái hoan lạc đạt đến mức như thế không thể nào xảy ra lần nữa. Cái xúc cảm nơi những ngón tay đan nhau, cảm xúc đó rồi cũng sẽ mất. Ngay cả hoa văn của những tấm ván trên trần nhà tối tăm, mà hai người bây giờ đang nhìn, rồi cũng sẽ mất. Họ cảm thấy sự chết đang nhích thật sát, thật sát. Sẽ không đẩy lùi thời giờ. Lung lay cái dũng khí. Từ đây phải bám lấy sự chết.
“Nào, chúng ta hãy sửa soạn,” trung úy nói.
Giọng nói rõ ràng là đầy quyết tâm, và Lộc Tử nghe âm thanh của lời nói đó chưa bao giờ đượm dấu yêu, ấm áp đến như thế. Khi họ chỗi dậy, có những sự việc cần gấp đang chờ đợi họ.
Trung úy, bấy lâu nay chẳng bao giờ giúp một tay chuyện dọn giường chiếu, bây giờ vui vẻ mở cánh cửa trượt bằng giấy của tủ quần áo và mang bỏ vào đó tấm nệm trải sàn.
Lộc Tử tắt sưởi ga, và dẹp qua một bên chiếc đèn để bàn bằng gỗ tử chiên; và, vì khi trung úy đi lên đồn, Lộc Tử đã dọn dẹp, và quét tước thoáng mát, nên ngoài chiếc bàn thấp đã được kéo vào một góc, cái khoảng trống rộng tám chiếu bây giờ có cái vẻ của một căn phòng trước khi đón một người khách sang trọng.
“Trong phòng này anh Gia Nạp, anh Mộc Gian, anh Dã Cát đã uống rượu.”
“Vâng, tất cả các anh ấy đã uống tới sau mèm.”
“Chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ gặp các anh ấy ở âm phủ. Khi thấy anh dẫn em theo, biết đâu lại bị các anh ấy cười ha hả chọc quê!”
Khi đi xuống tầng dưới, trung úy quay lại nhìn căn phòng yên ắng có ánh điện chiếu sáng trưng. Trong trí anh bồng bềnh những khuôn mặt những người bạn trẻ uống rượu, cười đùa, đấu láo vô tội vạ. Thế mà anh sẽ mỗ bụng tự sát ở đây, thiệt là chuyện khó mà tưởng tượng được, dù cả trong mơ. Ở tầng dưới có hai phòng, hai vợ chồng sửa soạn chuyện này chuyện nọ tỉnh tỉnh như giòng nước trôi. Trung úy đi cầu, rồi vào nhà tắm rửa ráy thân thể. Trong khi đó Lộc Tử xếp cất chiếc áo khoác độn bông của chồng, để bộ quân phục, tấm khố vấn dài 1 mét 8 mới cắt, mới tẩy, và trải ra tấm giấy để viết di thư trên bàn trà, rồi mở nắp nghiên và mài mực. Những câu văn cho di thư, nàng đã nghĩ sẵn trong đầu.
Nàng đè mạnh trên lớp thếp vàng lạnh của thỏi mực. Lòng nghiên bỗng đen sầm như thể mây đen đang lan tỏa. Những cử động lập đi lập lại, ngón tay đang ấn, cái âm thanh lặng lẽ tới lui, tất cả nhằm chuẩn bị cho sự chết mà thôi. Cho tới khi sự chết chốc nữa sẽ đến, những sự sửa soạn tưởng bình thường trong nhà đó, tất cả chẳng qua là để giết thời gian một cách bình thản. Nhưng trong khi mài mực như thế, nơi cái cảm giác mực đang làm tăng sự trơn trượt, nơi mùi của mực càng lúc càng mạnh, có cái gì đó tối tăm không thể thốt thành lời.
Trung úy, trong bộ quân phục phẳng phiu trên da thịt sạch sẽ, từ buồng tắm hiện ra. Thế rồi anh lặng lẽ, ngồi thẳng lưng, cầm bút lông, vuốt cho thẳng tờ giấy ra phía trước. Lộc Tử cầm bộ đồ kimônô lụa trắng đi vào buồng tắm, và nàng rửa mình, trang điểm sơ; rồi trong bộ kimônô lụa trắng, nàng đến chỗ uống trà, lặng lẽ, và nàng thấy dưới ánh đèn nửa tờ giấy của di thư chỉ có hàng chữ: “Quân Đội Thiên Hoàng Muôn Năm! Lục quân bộ binh trung úy Vũ-Sơn Tín-Nhị.”
Lộc Tử đến ngồi đối diện với chồng, viết di thư. Trung úy yên lặng, vẻ mặt sắc lưỡi kiếm, nhìn chăm động tác đoan chính của những ngón tay trắng nàng đang cầm bút.
Trung úy cầm chiếc kiếm nhà binh, Lộc Tử giắt giao con nơi đai kimônô lụa trắng, cầm di thư, cả hai đứng trước bàn thờ, thầm lặng cầu xin. Tầng dưới, đèn điện đã tắt hết. Trung úy, bước lên tầng trên, quay lại, anh nhìn thấy cái đẹp đẽ của hình dáng vợ mặc kimônô lụa trắng, đầu cúi đang theo mình bước lên tầng trên lại.
Di thư họ bỏ lại nơi bàn thờ ở trên tầng dưới. Họ tính dời đi bức trướng nhưng vì đấy là chữ của trung tướng Vĩ Quan, người mai mối của hai vợ chồng, vả lại bức trướng có chữ “Chí Thành,” nên họ cứ để yên như vậy. Dù có lỡ vây máu bắn ra, trung tướng cũng sẽ hiểu lòng.
Trung úy ngồi thẳng, lưng dựa vào cột bàn thờ, kiếm nhà binh để ngang trước mặt.
Lộc Tử, trắng tinh khôi, màu hồng nhàn nhạt tô trên môi trông thật đẹp, ngồi vén khéo cách chồng một chiếu,
Hai người chỉ cách nhau một chiếu, nên có thể nhìn thấy rõ nhau. Kiếm trước gối trung úy. Khi thấy kiếm như thế, Lộc Tử nhớ đến đêm đầu tiên và không kham được nỗi buồn. Trung úy nói, giọng khản đặc:
“Vì anh không có ai giúp anh khi anh mổ bụng, anh nghĩ anh sẽ đâm sâu. Nhìn có lẽ sẽ ghê sợ lắm, nhưng em đừng có kinh hoảng. Dù chết kiểu nào đi nữa, người bên ngoài nhìn vào ai cũng sợ. Nhưng thấy như thế, em chớ chùn lòng, nhé em!”
“Vâng,” và nàng cúi đầu sâu.
Nhìn dáng dấp thanh mảnh, trắng trẻo của vợ, trung úy, trước cái chết, cảm thấy sướng khoái lạ lùng. Điều anh sắp thực hiện là một hành vi công nhiên của một người lính mà từ trước nay anh chưa từng chứng tỏ cho vợ thấy. Hành vi này phải được hiểu là nó cùng ngang hàng với sự quyết chiến nơi chiến trường, và đồng hàng, đồng tính chất với cái chết nơi chiến trường. Chính anh đang chỉ cho vợ mình thấy hình ảnh chiến trường.
Điều này mang đến cho trung úy cái ảo giác lạ lùng trong giây lát. Cái chết cô đơn nơi chiến trường và người vợ xinh đẹp trước mặt mình dính vào nhau trong hai chiều kích, và làm hiện rõ lên cái-cùng-nhau tưởng không thể có được; nơi cái cảm giác rằng mình sẽ chết bây giờ, có một cái gì đó đẹp đẽ, ngọt ngào khôn thốt thành lời. Đấy chẳng phải là hạnh phúc tột đỉnh hay sao? Chết mà được vợ nhìn từng giây phút một, thì cũng tựa như vừa dấn thân vào cái chết vừa được làn gió nhẹ đẫm hương trên cao thổi tới. Nơi đây có một cái gì đó như ân sủng. Cái gì đó không hiểu được, nhưng là một khung cảnh mà những người khác không thể biết rõ, khung cảnh này không gởi cho ai khác được, lại được gởi cho anh. Trung úy, qua hình dáng người vợ trong chiếc kimônô lụa trắng cô dâu trước mắt mình, anh cảm thấy như đang nhìn Hoàng Gia mà mình xả thân ra lo lắng phụng sự, rồi Quốc Gia, Quân Kỳ, tất cả trong ảo ánh rạng rỡ; tất cả, chẳng kém gì ánh mắt vợ mình, không biết tự nơi nào, không biết tự nơi xa xăm như thế nào, đang hiện hữu và phóng ra tia mắt trong suốt, và nhìn chăm chú vào anh.
Lộc Tử cũng nhìn bóng dáng chồng mình và nghĩ rằng trên cõi đời này chẳng có gì đẹp đẽ đến như thế. Trung úy vốn mặc quân phục rất hợp, và lông mày oai nghiêm, đôi môi mím cuơng nghị, tất cả, trước cái chết, dường như đang làm hiện lên cái đẹp đẽ tót vời nam nhi.
“Nào, bắt đầu,” cuối cùng trung úy nói.
Nghe thế, Lộc Tử cúi đầu sâu trên tấm nệm sàn nhà, làm nghi lễ từ biệt. Nàng không thể ngước mặt lên. Dù nghĩ là nước mắt sẽ làm hư đi lớp trang điểm, nàng vẫn không thể cầm được giòng lệ. Cuối cùng khi nàng ngước mặt lên, qua màn nước mắt, nàng thấy chồng mình đang vấn vải bông trắng quanh lưỡi kiếm, chỉ để lộ khoảng ba tấc tây mũi của lưỡi kiếm mà anh đã rút khỏi vỏ. Khi đã đặt lưỡi kiếm có quấn vải trước gối mình, anh nhấc đầu gối, và cởi cúc nơi cổ áo lính. Mắt anh không còn nhìn vợ. Anh chậm rãi gỡ từng nút áo từng nút áo dẹp bằng đồng thau ra. Cái lồng ngực đen nhạt lộ ra, rồi cái bụng cũng lộ ra. Cởi cái khuy nịt, cởi nút chiếc quần dài. Mảnh khố dài mét tám ló ra, và rồi anh nhìn kỹ bụng của mình, đưa hai tay đẩy chiếc khố xuống, tay phải cầm lấy cán của chiếc kiếm nhà binh có bao vải bông trắng. Và trong tư thế ấy, anh cúi mắt nhìn vào bụng mình. Và tay trái xoa mềm phần bụng dưới. Vì trung úy cảm thấy không chắc ăn về độ sắc của lưỡi kiếm, anh cắt phần bên trái của chiếc quần dài, làm lộ ra một chút đùi, và đưa lưỡi kiếm lướt nhè nhẹ qua, ngay lập tức máu ứa ra; vài giọt máu nhỏ lung linh trong ánh sáng rõ ràng và chảy xuống phía háng.
Thoạt nhìn máu của chồng, Lộc Tử thình thịch kinh hãi. Nhìn mặt chồng mình. Trung úy đang bình thản nhìn những giọt máu đó. Lộc Tử nếm được một chút gì như nỗi nhẹ nhõm, dù đấy chỉ là cái an tâm tạm thời.
Lúc ấy cái nhìn của trung úy ngưng đọng trên vợ mình, chăm chú nhìn như ánh mắt chim ưng. Đưa vòng lưỡi kiếm trước mặt mình, đặt vào nơi eo, và nửa thân trên như đang đè lên lưỡi kiếm; và có thể thấy sự anh đang dồn toàn sức hiện ra nơi cầu vai đang rung rung của bộ quân phục. Trung úy, trong một thoáng, tính toán đâm vào vùng bụng gần hông trái. Tiếng hét sắc cạnh của trung úy xuyên qua căn phòng thinh lặng.
Trung úy gồng mình không ngừng; anh cảm thấy như ai đó đưa chiếc gậy đồng dập mạnh vào bên hông. Trong nháy mắt, đầu anh xoay mòng mòng và anh không còn biết điều gì đã xảy ra. Kiếm đã lụi sâu hẳn vào trong khoảng hai ba tấc, và miếng giấy bó cổ tay đã đụng ngay tới bụng.
Anh tỉnh lại. Anh nghĩ lưỡi kiếm chắc đã xuyên qua màng bụng. Anh thở dốc, lồng ngực đập mạnh, và những phần sâu xa xa trong thân thể, anh không còn nghĩ được đó là những bộ phận thuộc thân xác anh; anh cảm thấy một sự đau đớn kịch liệt kinh khủng đang vọt lên như thể đất bị xé toạc ra và dung nham nóng bỏng đang trào lên. Cái đau đớn kịch liệt đó chợt đến với một tốc độ khủng khiếp. Trung úy bất giác thét lên, nhưng vẫn cắn vành môi dưới lại.
Trung úy nghĩ: mổ bụng là như thế sao? Đất trời điên đảo. Cái can đảm, cái ý chí có cái vẻ cứng rắn trước khi mổ bụng bây giờ trở nên như một sợi chỉ nơi một chiếc kim nhỏ, và anh bị tấn công bởi cái ý nghĩ là anh chỉ còn có nước bám vào sợi chỉ đó. Cổ tay đã đến lúc trơn bóng. Nhìn, và anh thấy miếng vải bông trắng và cổ tay đã thấm đẫm máu. Và chiếc khố cũng đã nhuộm màu đỏ tươi. Thật lạ lùng là giữa cơn đau đớn mà cái gì có thể thấy, vẫn thấy được, cái gì hiện hữu, vẫn cứ hiện hữu.
Lộc Tử, cái khoảnh khắc trung úy thọc mũi kiếm vào bụng phía hông trái, nàng thấy khí của máu tỏa ra từ khuôn mặt chồng mình như chiếc khăn che bỗng nhiên hạ xuống, và nàng tự dằn không đứng lên chạy lại phía chồng. Dù có gì xảy đi nữa, nàng cũng phải nhìn. Nàng phải chứng kiến. Đấy là cái nhiệm vụ đã được trao phó cho người vợ Lộc Tử. Bên kia, cách chỉ một chiếu, khuôn mặt của chồng mình đang cắn môi dưới ghìm lại cơn đau đớn. Sự đớn đau hiện ra rõ ràng trước mắt Lộc Tử. Nàng không có cách chi để cứu chồng được nữa rồi. Mồ hôi rịn ra trên trán chồng lung linh ánh sáng. Trung úy nhắm mắt lại, rồi lại mở mắt ra như thể đang thử mắt. Con mắt đó đã mất hẳn ánh sáng, và trong đó, bây giờ có cái vẻ ngây thơ vô tội như của một con thú nhỏ.
Cái đau đớn ấy, trước mắt của Lộc Tử đây thôi, mà như mặt trời mùa hạ chiếu gay gắt, xa hẳn nỗi bi thương tưởng đương xé thân xác Lộc Tử. Đau đớn càng lúc càng tăng. Và trải dài. Lộc Tử cảm thấy rằng chồng mình đã hóa thân thành người của thế giới khác; sự hiện hữu của thế giới này co nhỏ lại và tan vào đớn đau, vào trong phòng giam của đớn đau mà tay không thể vươn tới, không thể đụng tới. Nàng không đau đớn. Bi thương mà không đau đớn xác thể. Khi nghĩ ra như thế, Lộc Tử cảm thấy như ai đó đang nhấc lên bức tường bằng kiếng cao vô tình.
Dù rằng, từ ngày lấy nhau đến nay, hiện hữu của chồng cũng là hiện hữu của mình, từng hơi thở của chồng cũng là từng hơi thở của mình, nhưng bây giờ, cái hiện hữu của chồng với những đớn đau rõ ràng ấy, Lộc Tử không thấy cái bằng chứng rõ ràng nào về sự hiện hữu của đau đớn sớt chia từ nàng.
Trung úy, bằng tay phải, cố gắng lụi kiếm vào, nhưng mũi kiếm bị vướng vào ruột, nên có lúc bị dội trở lại bởi sức đàn hồi của kiếm; anh vừa dùng hai tay ấn sâu lưỡi kiếm vào sâu phần trong bụng, anh vừa ý thức rằng anh phải lụi tới như thế mới được. Lụi tới. Không cắt được như anh nghĩ. Trung úy dùng tay phải thọc toàn thân lưỡi kiếm vào. Vết cắt rộng khoảng một tấc tây.
Đau đớn từ phía trong ruột sâu lan toả dần dần, và toàn thể ruột bắt đầu phát ra tiếng kêu vang dội. Cái đau đớn đó, nghe như tiếng chuông gõ loạn xạ, từng hơi từng hơi thở, từng nhịp từng nhịp mạch đập, mỗi lần như thế cứ như ngàn cái chuông đau đớn kêu lên; cái đau đớn ấy lay mạnh cả cái hiện hữu của anh lúc ấy. Trung úy không còn dằn lại được tiếng rên rỉ. Nhưng tới lúc ấy lưỡi kiếm đã cắt xuống tận rốn, có thể nhận thấy nơi anh cái dũng khí, và sự thỏa chí.
Máu càng lúc càng nhiều, và như thể vọt ra theo mạch đập từ miệng vết thương. Nệm trải sàn trước mặt trung úy đã đẫm máu vọt, và bây giờ máu đọng lại từ những nếp gấp của chiếc quần kaki lại chảy rơi xuống đó. Thế rồi một giọt máu như con chim nhỏ tự phương xa, bay lại đến trên đầu gối của chiếc áo kimônô lụa trắng.
Cuối cùng khi trung úy lụi sâu vào đến bên hông trái của bụng, lưỡi kiếm chuồi ra chỗ hơi nông, phô ra thân kiếm bầy nhầy những máu và mỡ; và trung úy bị ói mửa và kêu lên tiếng kêu khản đặc. Cơn ói mửa càng xoáy động cơn đau đớn. Ruột rà mãi cho đến giờ vẫn còn cuộn chặt, bây giờ mới đột nhiên vỡ toang ra; cửa miệng vết thương đó toác hoác, và từ vết thương, ruột sổ cái ào như thể bị thổ tả. Và ruột rà, không biết đến cái đớn đau của chủ mình, với cái vẻ sống động đến độ kinh tởm, hân hoan tuột ra ngoài, và tràn xuống háng. Trung úy thỏng đầu, hơi thở thoi thóp nơi vai, mắt lòi tròng trắng, những giải nước bọt đang đóng nơi miệng. Tua vàng nơi cầu vai lấp lánh ánh vàng.
Máu tung toé khắp nơi. Trung úy bị máu đẫm cho tới đầu gối; bàn tay chống lên đầu gối, anh ngồi sụm nghiêng. Mùi máu tươi tràn đầy căn phòng. Trong khi anh cúi đầu, những máy động lặp lại của những cơn ói mửa hiện rõ ràng nơi vai. Thân kiếm, như thể bị ruột đẩy thối ra, để lộ lưỡi kiếm trần tận mũi kiếm; và trung úy nắm nó trong tay phải. Có thể nói rằng không có hình ảnh anh hùng nào có thế sánh với hình ảnh trung úy đang kìm giữ sức mình, giữ cho thân ngửa ra phía sau. Bởi đột ngột giật ngửa ra phía sau, mảng sau đầu đụng vào cột bàn thờ nghe thật rõ. Lộc Tử cho tới lúc này đang cúi đầu, chăm chú nhìn máu chảy đến đầu gối của mình, nhưng khi nghe tiếng đụng ấy nàng kinh hoảng, và nàng ngước mặt lên.
Mặt của trung úy không phải là mặt của người còn sống. Mắt lõm sâu, da khô, đôi má đẹp đẽ trước đây, và cả đôi môi nữa, trở thành màu đất khô. Chỉ còn cánh tay phải nắm kiếm một cách nghiêm trọng, và tay lay lay như tay thằng bù nhìn; và tay ấy đang cố sức đưa mũi kiếm vào phần dưới cổ họng. Lộc Tử nhìn rõ ràng cái nỗ lực cuối cùng, vô ích, thật cay đắng của chồng mình. Cái mũi kiếm lấp loáng máu và mỡ đó, cứ dí vào cổ họng. Lại trượt. Mà sức mười phần chỉ còn một. Cái lưỡi kiếm bị trượt đó chọc trúng cổ áo, trúng nhằm huy hiệu gắn cổ. Vì dù đã cởi khuy ra rồi, cái cổ cứng của áo trận lại khép lại, bảo vệ phần dưới cổ họng.
Lộc Tử không thể ngồi mà nhìn lâu hơn được nữa, nàng muốn lại phía chồng, nhưng không thể đứng lên được nữa rồi. Thế rồi vì nàng lê gối giữa máu me đến bên chồng, mép của chiếc kimônô lụa trắng trở thành đỏ tươi. Nàng ngồi quì gối sau chồng mình. Nàng chỉ giúp tháo lỏng được cổ áo cho chồng. Mũi kiếm run rẫy cuối cùng đụng tới được cuống họng trần. Lộc Tử lúc ấy cảm thấy như mình đẩy nhích chồng, nhưng nào phải vậy, đó là cái sức cuối cùng mà trung úy đã tính toán trước. Trung úy đột nhiên hướng về phía lưỡi kiếm, và đổ ập thân mình xuống; và lưỡi kiếm đâm xuyên qua cần cổ. Máu vọt ra chan hoà, anh trở nên lặng thinh, dưới ánh điện, cạnh mũi kiếm lặng lẽ rờn xanh.
5.
Lộc Tử, vớ trơn trượt máu, từ từ đi xuống tầng dưới. Căn tầng trên đã trở nên tịch mịch. Bật điện ở tầng dưới, kiểm soát vòi hơi đốt, kiểm soát khóa hơi đốt, tưới nước dập tắt chiếc lò sưởi còn im ỉm lửa. Nàng đi đến trước tấm kiếng đứng của căn phòng rộng bốn chiếu, và vén vạt dưới kimônô lên. Máu in lên kimônô lụa trắng những vệt như những mẫu viền có đường nét táo bạo, lộng lẫy. Khi nàng ngồi xuống trước tấm kiếng, máu của chồng thấm vào vùng quanh đùi; nàng đâm ớn lạnh, run rẩy toàn thân. Và nàng dành thời gian, lâu thật lâu, để trang điểm. Nàng đánh đậm phấn hồng trên má, và tô son đậm môi. Nàng trang điểm lần này không phải cho chồng, và vì trang điểm cho thế giới nàng sắp bỏ lại, nên đường nét điểm trang phải có cái vẻ tráng lệ. Khi nàng đứng dậy, tấm nệm trải sàn trước kiếng đã hoen ố máu. Nàng chẳng để ý gì tới chuyện đó.
Từ chỗ rửa ráy đi ra, nàng cuối cùng đứng nơi chiếc cửa hành lang làm bằng xi măng. Khi chồng nàng cài then cửa tối hôm qua, ấy là lúc anh sửa soạn cho cái chết. Nàng đăm chiêu nghĩ ngợi một lúc về những chuyện đơn giản: Có nên mở then cửa hay không? Nếu cài, người hàng xóm gần nhà, trong một vài ngày, sẽ chẳng cảm biết được cái chết của hai người. Lộc Tử chẳng muốn khi người ta phát giác ra thì xác của hai người thối rữa. Cho nên cứ để cửa mở là hay nhất... Nàng gỡ then cài ra, và kéo cửa kiếng ghép kiếng mờ mở ra he hé... Lập tức, có ngọn gió lạnh thổi thốc vào. Đường khuya chẳng có ai, và những vì sao lạnh giá lấp lánh bên cơ ngơi nằm bên kia đường.
Để cửa như thế, nàng bước lên tầng trên. Vì nàng cứ đi chỗ này chỗ kia, nên vớ nàng không còn trơn nữa. Từ khoảng giữa cầu thang, đã có mùi khang khác xộc vào mũi.
Trung úy đã gục trên biển máu. Mũi kiếm cắm lòi khỏi cần cổ, xem ra xuyên thấu hơn lúc nãy.
Lộc Tử bình tĩnh bước giữa vùng hoen máu. Nàng ngồi xuống bên cạnh xác chồng và nhìn kỹ vào khuôn mặt nằm ngang của chồng gục trên tấm nệm trải sàn. Mở to mắt nhìn như thể bị ai đó hớp hồn. Nàng ôm khuôn mặt ấy trong tay áo và đưa lên, và lấy tay áo mình lau máu trên môi, và hôn nụ hôn vĩnh biệt.
Rồi nàng đứng lên và lấy từ trong tủ kéo ra một chiếc chăn trắng và một sợi dây buộc lưng. Như thể không muốn để cho phần dưới của kimônô sẽ bung ra lộn xộn, nàng cuốn tấm chăn nơi thắt lưng, và dùng dây cột lưng cột chặt lại.
Nàng ngồi xuống cạnh xác của trung úy, cách khoảng ba tấc. Nàng rút chiếc dao con từ đai áo ra, nhìn vào lưỡi dao sáng trưng, và đưa vào lưỡi mình. Thép mài có cái vị ngòn ngọt.
Lộc Tử không trù trừ. Bây giờ, khi bắt đầu nghĩ tới cái đau khổ ngăn cách nàng và chồng nàng đã chết ở một tầm mức như thế lúc nãy, nàng chỉ cảm thấy vui mừng được vào cái thế giới mà chồng nàng đã chiếm hữu. Trên khuôn mặt đau đớn của người chồng, thoạt đầu có một cái gì đó không thể giải thích được. Giờ đây nàng có thể hiểu ra được cái khó hiểu đó. Bây giờ nàng cảm thấy nàng tự mình nếm được cái vị ngọt, cái vị cay đắng thực sự của Đại Nghĩa mà chồng mình đã tin tưởng. Những gì cho tới nay chồng nàng đã trải qua, đã chịu cay chịu đắng, đã nếm phải, lần này đây nàng nếm bằng lưỡi của chính mình.
Lộc Tử đưa mũi dao vào nơi phần dưới của cổ họng. Thọc vào một nhát. Còn cạn. Đầu nàng, nóng bốc dữ dội; tay nàng giật giật loạn xạ. Thọc ngang, thọc mạnh lưỡi dao. Chất âm ấm từ miệng trào ra. Trước mắt nàng tất cả trở nên đỏ rực, bởi cái ảo ánh của máu vọt ra. Nàng gồng hết sức, và thọc mạnh mũi dao vào bên trong cổ họng.
Chú thích
1. Vào thập niên 30, Nhật dần dà chiếm Mãn Châu và thành lập Mãn Châu thành một nước chư hầu, và chiếm cả Bắc Trung Hoa, dù lúc ấy chính phủ Nhật không có một chính sách rõ ràng về vụ này. Nhật còn rút lui khỏi Hội quốc liên (tiền thân của Liện hiệp quốc). Những bước tiến đó, mang tính chất quân phiệt hầu tạo nên một nước Nhật thuần chủng trong vùng, đã cô lập nước Nhật trong công luận thế giới. Chính phủ ở Đông Kinh nhận ra những chiều hướng thay đổi được nhiều ủng hộ trong cái quyết định chiếm Mãn Châu và Bắc Trung Hoa kể trên, và chính phủ đó chờ đợi thời gian thuận tiện để lật ngược những khuynh hướng này. Sự bất phục tòng và những âm mưu cứ tiếp tục âm ỉ trong quân đội, trong đó đề tài nói chuyện “Chiêu Hoà Canh Tân” được lan truyền, khi những người sĩ quan trẻ đầy nhiệt huyết tự so sánh mình với những vĩ nhân đã thực hiện “Minh Trị Canh Tân” thời vua Minh Trị. Rồi việc thay đổi các chức vụ trong quân đội lại càng tạo thêm căng thẳng. Năm 1935 một trung tá giết một trong những người tham mưu tối cao của quân đội, và năm kế tiếp, vào ngày 26 Tháng Hai, năm 1936, nguyên một sư đoàn sắp được điều sang Mãn Châu đã tuân lệnh các sĩ quan của họ đi nổi loạn. Với hi vọng rằng việc nổi loạn của họ sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng đến nỗi một chính phủ quân sự sẽ được thành lập. Quân nổi loạn đã thành công trong việc chiếm được một số công sở và giết được một số nhân viên cao cấp, nhưng họ đã thất bại về mục tiêu mà họ nhắm tới, và thêm vào đó Thiên Hoàng lại đòi hỏi rằng phải đối xử họ như đám phản loạn hơn là những người ái quốc. (Cultural Atlas of Japan, cuối trang 201 - đầu trang 202, Martin Collcutt, Marius Jansen, Isao Kumakura, Facts On File Publications, Newyork)
2. Cây thần: Loại cây này được trồng nơi các đền thờ Thần Đạo, không có tên chữ Hán cho loại cây này, mà chỉ có tên chữ quốc ngữ Nhật là sasaki. Tôi dịch tạm là cây thần.
3. Quan chưởng ấn: naifu (nội phủ): naidaijin (nội đại thần): The Lord Keeper of Privy Seal: Chức quan giữ ấn vua. (Kenkyusha’s New Japanese-Engish Dictionary.)