Và ông tự hứa, mình sẽ xứng đáng là một người cha, dù chỉ là người cha trong chút tình vay mượn.
Lệ Giang ngồi thu mình trong bóng tối. Mỗi khi nghe tiếng gọi từ phía ngoài vọng vào “Lệ Giang! ra đây mau” con bé lại rút sát vào góc nhà hơn.
- Thôi! Về đi, tao buồn ngủ rồi.
Có tiếng nói rất khẽ, nhưng Lệ Giang không nghe được gì ngoài giọng nói có phần gắt gỏng hơn của ông Lập:
- Mẹ! Gọi ba lần rồi, nó không ra có nghĩa là nó không muốn gặp mày. Ép nó làm gì.
Sau một khoảng im lặng khá lâu lại có tiếng thì thào. Vẫn không thể nào nghe được dù Lệ Giang đang vễnh tai chờ đợi.
- Mẹ! Nghe nói, hồi đó mày hùng hổ với má con Lệ Giang lắm mà, sao bây giờ lại co đầu rút cổ với con vợ này. Con chằn này có nanh, có gút hơn mày nên mày sợ nó phải không?
Giọng nói của ông Lập càng lúc càng lè nhè hơn.
- Mẹ! Sợ đến nỗi tống con gái mình ra khỏi nhà thì mày đúng là thằng cha đáng quăng vào thùng rác. Nó còn gọi mày bằng ba, chứ nhằm tao hả… dẹp! không cha con gì hết… mà… hổng biết mày nghĩ sao lại đem con gái gửi cho tao. Tao cũng là thứ thất học, cộc cằn, thô lỗ chứ tốt lành gì. Rủi như có đêm nào say bí tử, tao mò vô phòng con Lệ Giang thì sao? Con gái mày mười bảy tuổi rồi, thân hình nó lồ lộ ra đó chứ đâu còn con nít. Tao cũng là con người bằng xương, bằng thịt. Đến lúc ma quỷ xúi giục thì chẳng biết phân biệt tốt xấu gì hết…
Lệ Giang đưa hai ngón tay trỏ nhét kín lỗ tai, nghe sóng lưng nổi gai từng hồi, mắt ráo hoảnh mà sao trong lòng như khóc ngất. Những lời trần trụi của ông Lập làm nhói buốt trái tim Lệ Giang. Có lẽ, chẳng bao giờ ba nghĩ đến những điều bất trắc có thể sẽ xảy ra cho đứa con gái mồ côi mẹ tội nghiệp này. Điều quan trọng nhất đối với ba bây giờ là làm sao để giữ được người đàn bà đang làm cho ba say đắm, dù bà không phải là vợ hiền, quanh năm suốt tháng chỉ biết tận tụy hy sinh, lo cho chồng, cho con như người mẹ đáng thương của Lệ Giang. Những vật dụng trong nhà do chính mẹ mua sắm bằng sự dành dụm, chắt chiu đều bị người đàn bà đó bán mắc, bán rẻ để có tiền nướng vào sòng bài. Ngay cả những món nữ trang mà mẹ sắm cho Lệ Giang, bà cũng tóm thu cho bằng được. Còn lại sợi dây chuyền thánh giá có đính hột xoàn lấp lánh của mẹ để lại, Lệ Giang đã cất giấu ở một nơi bí mật. Đây là kỷ vật cuối cùng của mẹ, nên dù bị chửi mắng, đánh đập, Giang cũng quyết không hé môi. Trận chiến dai dẳng này cuối cùng đã kết thúc khi người đàn bà buộc ba phải chọn một trong hai người. “Nếu con quỷ nhỏ này còn ở trong nhà thì tôi đi. Tôi cho anh chọn một trong hai”. Người cha nhu nhược, xem trọng tình yêu đôi lứa hơn tình phụ tử, đã đành lòng đem đứa con gái duy nhất của mình gửi cho người bạn cũ. Một người mà từ bé đến lớn, Lệ Giang chưa hề gặp mặt.
Với khuôn mặt sạm đen, cằn cỗi, người đàn ông đáp lại vòng tay khoanh tròn và câu chào lễ phép của Lệ Giang bằng ánh mắt lạnh lùng. Cái nhìn chằm chặp từ đôi mắt lừ đừ đó chỉ khiến Lệ Giang muốn tung cửa chạy ra ngoài khi ba vừa đứng lên. Nhưng chợt nhớ đến khuôn mặt đằng đằng sát khí của bà mẹ kế và câu nói cứng rắn đầu tiên của mình từ khi bà ta có mặt trong gia đình, “Dù không có chỗ dung thân tôi cũng không thèm ở lại đây để mỗi ngày phải đối diện với một con người xấu xa, độc ác như bà”, Lệ Giang nắm chặt thành ghế tự nhủ, bây giờ và mãi mãi, nơi chốn đó không còn là mái ấm của mình nữa. Có lẽ, ba của Lệ Giang cũng thấu hiểu được tâm trạng bơ vơ, lạc lõng cùng nỗi sợ hãi của đứa con gái chưa đến tuổi trưởng thành đã phải long đong không nơi nương tựa nên ngọt ngào hứa hẹn, “Con ở tạm với bác Lập một tuần. Ba sẽ cố gắng liên lạc với dì Bê rồi đưa con về ở đó”. Dù biết lời hứa ấy có thể chẳng bao giờ thực hiện được vì ba mẹ và dì Bê đã không còn liên lạc với nhau hơn mười năm, sau một trận cãi vã kinh thiên động địa, nhưng Lệ Giang vẫn bấu víu vào đó như một niềm hy vọng nhỏ nhoi trong những ngày chờ ba trở lại.
Nhưng một tuần của ba đã trở thành một tháng, rồi sáu tháng, rồi một năm. Và trong ngần ấy thời gian lê thê, ba chỉ đến thăm Lệ Giang võn vẹn có ba lần. Sự trông ngóng rã rời khiến tâm hồn Lệ Giang tràn đầy nỗi oán giận. Và cơn giận của Lệ Giang càng đầy ứ mỗi khi bị người đàn ông dữ tợn, khô khan, không chút tình cảm này trút hết mọi sự bực bội lên đầu vì những chuyện không liên quan đến Lệ Giang, làm con bé hoảng sợ đến mất hồn, mất vía. Có lúc Lệ Giang muốn trốn đi, nhưng bản tính vốn nhút nhát, nên cứ tưởng tượng đến những hiểm nguy có thể xảy ra cho một đứa con gái cô thân độc mã là Lệ Giang chùn chân và đành dẹp ngay ý tưởng đó. Đã có nhiều lần Lệ Giang tự hỏi, mình sẽ phải sống chung với con người lạnh lùng này đến bao giờ? Nhưng có một hôm, Lệ Giang bất ngờ nhìn thấy khuôn mặt ông thật hiền lành, ánh mắt ông thật nồng nàn, trìu mến khi ngồi trước bàn thờ nhìn lên khung ảnh vợ con. Hình ảnh tuyệt vời đó đã bừng lên niềm cảm xúc mãnh liệt trong lòng Lệ Giang. Con bé nghĩ, người đàn ông này vượt trội ba mình ở tấm lòng chung thủy và người đàn bà trên kia cũng diễm phúc hơn người mẹ bất hạnh của mình nhiều.
* * *
Chuông báo động reo lên inh ỏi vì khói nhang từ phòng Lệ Giang bay ra. Ông Lập hối hả chạy vào, lớn tiếng la hét:
- Mày làm gì vậy? Bộ tính đốt nhà tao hả?
Lệ Giang run bần bật, cuống quýt trả lời:
- D…ạ, d…ạ …không phải, con… con…
- Con con cái gì? Mày có muốn tao tống cổ mày ra khỏi nhà không? Nói mau, mày làm gì?
Lệ Giang òa lên khóc:
- Xin lỗi bác… bữa nay là ngày giỗ của mẹ con. Con đốt nhang và giấy tiền mã để cúng mẹ.
Bàn tay đang bóp mạnh bờ vai nhô xương của Lệ Giang như lỏng ra và rơi xuống. Nhìn đứa con gái đang co rúm trong nỗi sợ hãi, gương mặt đỏ rần của ông Lập dịu xuống dần. Lắc đầu nhè nhẹ, ông cúi đầu lững thững bước đi, không nói thêm câu nào.
Ra phòng khách, đưa mắt nhìn lên khung ảnh vợ con, ông Lập mới chợt nhớ… không biết tự bao giờ, trên bàn thờ lúc nào cũng được lau chùi sạch sẽ và tươm tất với một bình hoa sặc sỡ đủ màu. Không phải là hồng, cũng không phải là cúc, mà chỉ là những nhánh hoa dại không tên, mọc men theo lối đi ở phía bên kia đường, dọc theo con đường xi măng, nơi dành cho những người chạy bộ, bên cạnh chợ Kroger, nơi Lệ Giang đang làm việc bán thời gian. Ông Lập cảm thấy lòng mình nao nao. Ông biết sự lạnh lùng, nghiêm khắc của mình làm Lệ Giang sợ sệt, nhưng con người ông vốn không biết bộc lộ tình cảm, nên không thể làm khác hơn được. Thấy Lệ Giang thui thủi một mình trong căn nhà lặng lẽ này với ánh mắt lúc nào cũng lấm la lấm lét, ông cảm thấy tội nghiệp. Nhiều khi ông muốn biểu lộ một vài cử chỉ thân thiện mà sao cảm thấy ngượng ngùng nên tự bào chữa, đồng ý cho nó ở lại trong căn nhà này cả năm trời trong khi ba nó biệt tăm chẳng bén mảng đến chắc cũng đủ cho đứa con gái bất hạnh này biết ông không phải là người thiếu lòng nhân đạo. Thật tình, ông rất cảm động khi mỗi buổi sáng bước ra phòng ăn, thấy trên bàn bữa điểm tâm dành cho ông đã được bày biện sẵn sàng trước khi Lệ Giang rời khỏi nhà để đi học hoặc đi làm vào cuối tuần. Những lúc đau ốm, con bé cũng săn sóc ông chu đáo từ viên thuốc, ly nước chanh mật ong âm ấm hay chén cháo nóng hổi, dù cả hai đều hà tiện lời nói.
Tháng trước là ngày giỗ của vợ con ông. Đi làm về ông đã thấy trên bàn thờ có nhang đèn, hoa hồng, trái cây và vài món ăn nóng sốt, mỗi thứ một dĩa nhỏ. Khi ấy mũi ông cay xè, không muốn khóc mà nước mắt cứ ứa ra, khiến ông phải quay đi, giả vờ tìm tờ báo để che giấu nỗi xúc động. Bao năm rồi ông có cúng kiếng gì đâu ngoài việc vùi đầu vào men rượu để quên cái ngày định mệnh oan nghiệt đã mang vợ con ông ra khỏi cuộc đời này bởi một tai nạn tàn khốc trong lúc vợ ông đón con đi học về. Khi cảm nhận được sự ấm áp tỏa ra theo những làn khói hương bao quanh bàn thờ ông muốn nói lời cám ơn Lệ Giang mà sao miệng mồm như bị khóa chặt. Thiệt kỳ lạ. Cuối cùng ông chỉ nói được một câu không trọn ý:
- Ngồi xuống đây…
Ông lúng túng không biết nói gì thêm. Lệ Giang cũng bối rối vì chưa lần nào ngồi chung bàn với ông trong bữa cơm. Cuối cùng, khi nhìn thấy ánh mắt của Lệ Giang long lanh những ngấn nước, ông cười thành tiếng để che lấp sự ngượng ngịu:
- Bữa nay đám giỗ mà.
Dừng một lát, ông Lập nói tiếp bằng giọng ngọt ngào mà hơn một năm dài sống cùng với ông, Lệ Giang chưa từng được nghe.
- Ngày mai đem ảnh của mẹ mày đặt lên bàn thờ để hai bà có bạn cho vui.
Đôi mắt nâu của Lệ Giang như rực lên với ân huệ bất ngờ. Cũng từ đó, không khí trong nhà bớt tẻ nhạt và đôi khi có tiếng xì xào trò chuyện hoặc một vài tiếng cười phá tan bầu không khí yên ắng, hiu quạnh.
* * *
Tiếng mở cửa rất khẽ nhưng cũng đủ cho Lệ Giang giật mình sau giấc ngủ nửa mê, nửa tỉnh. Có tiếng chân bước đến gần giường và cái bóng đen sừng sững trước mắt Lệ Giang từ từ cúi xuống. Hơi thở thật gần. Phải làm sao? Câu hỏi được đặt ra nhưng không có câu trả lời. Trong căn phòng tối om, đôi mắt Lệ Giang mở to, đứng tròng trong cảm giác đông cứng chờ đợi với nỗi hãi hùng. Nhớ lại câu nói của ông Lập, “Con gái mày mười bảy tuổi rồi, thân hình nó lồ lộ ra đó chứ đâu còn con nít. Tao cũng là con người bằng xương, bằng thịt. Đến lúc ma quỷ xúi giục thì chẳng biết phân biệt tốt xấu gì hết”, Lệ Giang rùng mình nghĩ đến tai họa sắp đổ xuống cho mình. Con bé muốn làm cái gì đó, nhưng toàn thân như bị đóng dính vào mặt giường khi bàn tay đặt lên trán của Lệ Giang vuốt nhẹ xuống đôi má nóng bừng. Lệ Giang nhắm mắt, chờ đợi cái bóng đen đổ ập xuống thân thể của mình. Nhưng… tất cả dừng lại ở đó. Một chập sau tiếng lầm bầm quen thuộc vang lên thật nhỏ:
- Mẹ! Sao mà nóng dữ vậy trời. Hổng biết nó bị cái gì mà nằm vùi hai ngày rồi. Cái thằng cha quỷ dịch khốn kiếp, cho nó hay từ bữa qua đến nay mà có thấy mặt mày nó đâu. Đứa con gái hiền lành, ngoan ngoãn như vậy mà bỏ đành, bỏ đoạn. Mày có phước quá mà hổng biết. Chứ còn tao đây – giọng nói như nghẹn lại – nhiều lúc tao ao ước đứa con gái này là con của tao để tao yêu thương, chăm sóc nó.
Tiếng chân bước trở ra cùng tiếng thở dài nhè nhẹ. Nước mắt của Lệ Giang nhòe nhoẹt trên khuôn mặt tự bao giờ. Cơn đau hình như tan biến trong lời thố lộ chân thành của một người mà trước đây vài phút trong thâm tâm của Lệ Giang vẫn là người không lạ nhưng rất xa. Xa mù mù trong tình cảm giữa người và người. Khi mảnh khăn mát lạnh vừa phủ lên trán, Lệ Giang đưa tay giữ chặt bàn tay còn ướt sũng nước, nói bằng giọng nghẹn ngào:
- Con cám ơn.
Ông Lập lùi lại, đứng thẳng người lên, chút bối rối lẫn trong lời phân bua:
- Dậy rồi hả? Trán… nóng quá… sáng mai đi bác sĩ xem sao? Đừng có ỷ y. Thôi ngủ đi..
Lệ Giang ngồi bật dậy, ôm lấy cánh tay ông Lập:
- Con gọi bác bằng ba được không?
- Hả?
Lệ Giang lặp lại câu hỏi lần nữa, ông Lập cười khỏa lấp:
- Tao giành chữ đó chắc ba mày lấy mạng tao quá.
- Ngày trước, những lúc con bệnh, ba con chưa bao giờ lo lắng cho con như bác đã lo cho con.
Lệ Giang tựa đầu vào cánh tay xương xẩu của ông Lập, giọng nói thiết tha, trìu mến:
– Ba! Con cám ơn ba.
Ông Lập vỗ nhẹ lên mái tóc rối bù của Lệ Giang. Nước mắt ông cũng ứa ra. Lần đầu tiên ông gọi Lệ Giang bằng tiếng con ngọt ngào. Tiếng con mà từ ngày đứa con gái mười hai tuổi của ông qua đời, ông chưa từng gọi ai bao giờ.
- Ừ! được rồi. Thôi ngủ đi con.
Khép cửa phòng, ông Lập bước ra hiên ngoài, lòng như ấm lại khi thầm nghĩ, từ bây giờ cuộc đời ông sẽ bước vào khúc quanh mới. Lệ Giang – đứa con gái mồ côi mẹ, bị cha bỏ rơi – và ông – người đàn ông góa vợ, đơn độc trong quãng đời còn lại – sẽ nương tựa vào nhau để cuộc sống vơi đi sự bất hạnh. Ông tin rằng, với thời gian, với tấm lòng chân thật, cả hai sẽ làm cho căn nhà này trở thành một mái ấm. Và ông tự hứa, mình sẽ xứng đáng là một người cha, dù chỉ là người cha trong chút tình vay mượn.